Tính hai mặt của mạng xã hội ở Việt Nam
Mạng xã hội cũng là nơi phổ biến các tin tức về xã hội mà nhà truyền thông nhà nước không bao giờ đưa tin. |
Theo SBTN
Mạng xã hội ở Việt Nam đã phát triển một bước dài kể từ khi Internet vào đất nước này năm 1997. Cho tới năm 2015, mạng xã hội đã thu hút một lượng rất lớn người sử dụng: 53% người dân Việt Nam dùng mạng xã hội, trong đó chủ yếu là Facebook, Twitter, YouTube…
Chỉ trong năm 2015 tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam tăng từ 48% lên 53%. Trong khi Campuchia chỉ có 19%, Myanmar chỉ có 22%, ngay cả nước được cho là hơn hẳn Việt Nam về kinh tế như Thái Lan cũng mới được 39%, hay 22% ở Indonesia.
Ở Việt Nam người có điện thoại thông minh xài 3G tăng trưởng nhanh kể từ năm 2009 và năm 2015 có đến 29.3 triệu người sử dụng mạng 3G, truy cập internet với tốc độ 5Mbps, sắp tới sẽ có cả mạng 4G. Campuchia chưa có 3G phổ biến; Indonesia chỉ có tốc độ truy cập 3,0 Mbps kém xa Việt Nam; Myanmar còn chưa có 3G và vẫn dùng mạng cố định, tốc độ internet chậm chạp và rất đắt đỏ. Thái Lan có nhỉnh hơn Việt Nam với tốc độ truyền tải là 20Mbps.
Tuy nhiên, tính hai mặt lại ngày càng phổ biến trên mạng xã hội.
Về mặt tích cực, mạng xã hội đã tạo nên một lớp “nhà báo công dân” mới: mỗi người dân sử dụng máy điện thoại và viết bình luận, loan tải, chia sẻ, trở thành một tờ báo mạng nhỏ. Cùng với xu thế của thế giới, mạng xã hội ở Việt Nam cũng đang có khuynh hướng trở thành “quyền lực thứ 5”, cạnh tranh quyết liệt mang tính thắng thế đối với báo in.
Một phần của mạng xã hội đã trở thành truyền thông “lề trái”, hoặc còn gọi là “lề dân”, có khuynh hướng trở thành truyền thông độc lập, phục vụ cho cuộc đấu tranh đòi dân chủ và nhân quyền, liên quan đến các quyền căn bản của công dân như quyền tự do biểu tình, tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, tự do báo chí, tự do tôn giáo, trưng cầu dân ý…
Tác động của mạng xã hội ngày càng lớn đối với môi trường kinh tế, xã hội và cả chính trị. Tâm lý giới lãnh đạo đảng Cộng sản đã chuyển từ xem thường mạng xã hội đến chú ý và lệ thuộc vào tin tức của mạng xã hội. Từ cuối năm 2014, bắt đầu xuất hiện hiện tượng báo chí nhà nước chạy theo tin tức của mạng xã hội qua vụ Nguyễn Bá Thanh. Hiện tượng này lặp lại với vụ Phùng Quang Thanh vào giữa năm 2015.
Nhưng về mặt phản diện, có nhiều dấu hiệu cho thấy có khả năng một số thế lực trong nội bộ đảng đã lợi dụng mạng xã hội để tung tin bài triệt phá lẫn nhau trong nội bộ. Hiện tượng này đã bắt đầu mở rộng từ năm 2012 và đặc biệt phát triển từ cuối năm 2014 đến nay, nhất là vào thời gian trước đại hội 12 của đảng cầm quyền.
Đống thời, mạng xã hội cũng được giới dư luận viên của tuyên giáo và công an khai thác triệt để để công kích, đánh phá phong trào dân chủ nhân quyền.
Về mặt xã hội, tuy có đến 53% người Việt Nam dùng mạng xã hội nhưng đa số chỉ quan tâm đến các dạng thông tin giải trí và kích tích tò mò. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ quan tâm đến thông tin kiến thức, và khá ít người quan tâm đến thông tin về dân chủ nhân quyền. Đây là một nhược điểm lớn của tâm lý xã hội mà phản ánh tình trạng vô cảm trước hiện tình dân tộc, cho thấy cuộc đấu tranh dân chủ nhân quyền sẽ còn gặp phải nhiều lực cản cùng tâm trạng kém ý thức của đại đa số người dân.