Lại cát, lại Singapore, và lại…Bộ Quốc Phòng
Khai thác cát ồ ạt tại Phú Quốc để xuất cảng sang Singapore. (Hình: Tuổi Trẻ) |
KIÊN GIANG, Việt Nam (NV) – Các tàu vận tải ngoại quốc đang ùn ùn kéo tới đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, để nhận cát chở sang Singapore, nơi đã và đang cần mua rất nhiều cát biển để bồi đắp, mở rộng diện tích.
Điểm đáng nói là dù rất bất bình nhưng cả dân chúng lẫn chính quyền địa phương không thể ngăn chặn được việc khai thác cát ở Phú Quốc để xuất cảng sang Singapore vì hoạt động này được Bộ Quốc Phòng và Bộ Xây Dựng chấp thuận.
Trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Quang Hưng, phó chủ tịch huyện Phú Quốc, nhấn mạnh, vì nhiều lý do, cả dân chúng lẫn chính quyền cùng phản đối kịch liệt chuyện khai thác và xuất cảng cát sang Singapore. Khai thác cát ồ ạt sẽ gây ra sạt lở. Đó cũng là lý do tuy nhu cầu về cát cho các công trình xây dựng tại Phú Quốc rất lớn nhưng trước nay người dân ở đây vẫn phải mua cát từ đất liền rồi trả tiền vận chuyển cát ra đảo. Chính quyền huyện nhiều lần kiến nghị, nếu cần “nạo vét luồng lạch” cho các chiếm hạm dễ ra vào quân cảng Phú Quốc thì nên chuyển số cát đó cho dân Phú Quốc sử dụng nhưng kiến nghị này không được xem xét.
Trước phản ứng gay gắt của dân chúng và chính quyền địa phương, ông Nguyễn Thanh Nghị, bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, chỉ đạo kiểm tra việc khai thác và xuất cảng cát. Sở Tài Nguyên-Môi Trường của tỉnh cho biết, hoạt động khai thác, xuất cảng cát Phú Quốc sang Singapore đúng…“qui trình” nên họ chỉ có thể đề nghị các bộ xem lại!
Việc khai thác cát ở đảo Phú Quốc phát xuất từ đề nghị của Bộ Tư Lệnh Vùng 5 Hải Quân. Bởi vì đây là đề nghị liên quan đến “an ninh, quốc phòng” nên Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã trực tiếp thẩm định và phê duyệt dự án. Sau đó kế hoạch “nạo vét luồng lạch” được giao cho hai công ty có tên là Hải Việt và Đức Long thực hiện. Bởi hai công ty này đã chào bán cát cho Singapore, họ đề nghị Bộ Xây Dựng cho phép xuất cảng một triệu khối cát sang Singapore và bộ đồng ý để giúp Bộ Quốc Phòng giảm… chi phí nạo vét.
Tuy đã xuất cảng hàng trăm ngàn khối cát nhưng hai công ty Hải Việt và Đức Long mới chỉ nộp tiền thuế xuất cảng cát. Thuế tài nguyên cũng như các loại phí khác khi khai thác khoáng sản, hai công ty này chưa nộp đồng nào.
Năm ngoái, “nạo vét luồng lạch” đã từng được Bộ Quốc Phòng sử dụng để cho công ty Cái Mép khai thác cát ở đầm Thủy Triều trong vịnh Cam Ranh. Việc nạo vét đầm Thủy Triều khiến tôm, cá nuôi tại các ao quanh đầm chết sạch trong khi việc bồi thường và hỗ trợ di dời thì lại không thỏa đáng.
Ngày 20 Tháng Tư, 2015, quốc lộ 1 bị tắc ở đoạn chạy ngang phường Cam Phúc Bắc, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, vì hàng ngàn người mang tôm, cá chết đổ ra mặt đường, phản đối việc thực hiện dự án “nạo vét luồng lạch” cho chiếm hạm ra vào khu vực thuộc quyền quản lý của Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Hải Quân và dự án “nạo vét luồng lạch” để cải tạo môi trường và hệ sinh thái của đầm Thủy Triều. Cũng phải đến lúc đó, chính quyền tỉnh Khánh Hòa mới yêu cầu bộ tư lệnh và công ty Cái Mép tạm ngưng thực hiện dự án ngay lập tức và hứa sẽ xem xét, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại do những dự án này gây ra.
Sau đó, hai dự án nạo vét đầm Thủy Triều được nhập làm một. Việc nạo vét đầm Thủy Triều được giới thiệu chung chung là một “dự án quốc phòng” để khơi thông luồng lạch, vì đó là “điều cấp thiết.”
Ngày 29 Tháng Chín, 2015, khoảng 60 ghe, xuồng của những người nuôi tôm, cá quanh đầm Thủy Triều đã đổ ra đầm nhằm ngăn chặn tàu của công ty Cái Mép “nạo, vét luồng lạch” có tàu của Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Hải Quân đi theo để bảo vệ. Các tàu của bộ tư lệnh và nhà thầu đã tấn công ghe, xuồng của những người phản đối. Có ít nhất hai trong 60 chiếc ghe, xuồng tham gia phản đối bị chìm. Đó cũng là lý do những người phản đối ném gạch đá, chai lọ vào các tàu của hải quân và nhà thầu.
Trưa ngày 30 Tháng Chín, 2015, những người phản đối việc “nạo, vét luồng lạch” trong đầm Thủy Triều đổ ra quốc lộ 1 biểu tình lần thứ hai, yêu cầu chính quyền phải giải quyết chuyện bộ tư lệnh trở mặt, nạo vét đầm Thủy Triều trở lại và làm chìm ghe, xuồng của họ.
Cuối cùng, tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu chính quyền tỉnh làm việc với bộ tư lệnh và các cơ quan hữu trách để ngưng hoàn toàn việc “nạo vét luồng lạch.” (G.Đ.)