Bất chấp phản đối, CSVN vẫn tiến hành dự án thép ở Cà Ná
2-12-2016
Mô hình dự án nhà máy thép Hoa Sen Cà Ná. (Hình: hoasengroup)
HÀ NỘI (Người Việt) – Bất chấp những phản đối, can gián, khuyến cáo, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn đưa dự án thép đặt tại khu vực Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận “vào quy hoạch” dù cái gương khổng lồ Formosa còn đang trước mặt.
Các báo tại Việt Nam cho hay Bộ Công Thương vừa công bố “dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trong đó có dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen-Cà Ná do tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận.”
Biện minh cho quy hoạch thép sản xuất tại Cà Ná nhưng không thấy trình bày dựa trên cơ sở nào, Bộ Công Thương nói “đến năm 2020, cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô. Năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Vì thế, bản quy hoạch này đặt mục tiêu năm 2020 trong nước sản xuất 8 triệu tấn, năm 2025 đạt 15 triệu tấn và năm 2035 đạt 35 triệu tấn gang và sắt xốp. Riêng sản xuất phôi thép trong 5 năm tới đạt 18 triệu tấn; cán mốc 27 triệu sau 10 năm và 52 triệu tấn trong 20 năm nữa.”
Sau khi tin tức về tập đoàn sản xuất tôn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ loan báo rùm beng về đầu tư dự án sản xuất thép tại Cà Ná, ngày 30 tháng 8, 2016, theo báo Dân Trí, GS.TSKH Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Ðầu Tư Nước Ngoài (VAFIE) cho rằng: “Một số ngành công nghiệp gang thép cần rất thận trọng và nếu được không nên phát triển thêm bất kỳ dự án thép nào nữa vì chúng ta có thể là nước đi sau, rõ ràng có thể tránh được những vết xe đổ của các nước đi trước.”
Lời ông Mại được báo Dân Trí thuật lại cho hay, hiện gang thép trên thế giới rất nhiều và không khó mua, do đó, Việt Nam có thể đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano sau đó bán ra thị trường thế giới và mua thép. Ông cũng cho rằng, cần tập trung sức vào làm công nghiệp tương đối hiện đại đi cùng thế giới, bỏ qua những ngành công nghiệp cổ điển. Chẳng hạn, đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất hợp kim cao cấp, nhập khẩu công nghệ ở những nước tiên tiến, nước G7 với giá trị bằng 5-7 lần so với sản xuất thép.
Theo ông Mại, Việt Nam không nên đi vào vết xe đổ của các quốc gia khác, như tại Trung Quốc hiện đang dư thừa khối lượng thép khổng lồ và 3 năm vừa qua Trung Quốc đã bắt đầu bỏ các nhà máy gang thép công suất dưới 2 triệu tấn vì những nhà máy như vậy không có lợi cho kinh tế và môi trường.
Sau khi thấy nhiều người phản đối, nêu ra những cái hại của việc rước thêm một thứ Formosa khác đến Cà Ná, theo facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, ngày 13 tháng 9, 2016, Ban Tuyên Giáo Trung Ương của đảng CSVN gửi một công văn chỉ đạo đến tất cả các báo một số vụ việc. Ðiện thư đến từ ông Phạm Văn Linh, phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương gồm có 7 điểm chính trong đó có việc “dừng phản biện, đưa tin về dự án thép của Tôn Hoa Sen.”
Một góc bãi biển Cà Ná, nơi dự tính đặt nhà máy thép Hoa Sen. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Ra lệnh cấm đưa tin, viết bài hay đe dọa những người làm việc thông tin tuyên truyền vẫn có thường xuyên. Hệ thống thông tin tuyên truyền của chế độ tuy không có chế độ kiểm duyệt từ trước nhưng bị theo dõi để xử phạt mỗi khi đi trệch ra ngoài khuôn khổ.
Từ khi tập đoàn Hoa Sen loan báo đã được nhà cầm quyền tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận cho họ đầu tư xây dựng một nhà máy luyện thép ở khu vực Cà Ná và họ đã “chạy” được vào “quy hoạch” của Bộ Công Thương mà trước đó vài ngày bản “quy hoạch” không có đề cập.
Ông Lê Phước Vũ, chủ tịch tập đoàn Hoa Sen họp báo với những lời lẽ rất “đại ngôn” về dự án quy mô hơn $10 tỷ, xây dựng làm nhiều giai đoạn, đi từ ban đầu 6 triệu tấn từ năm 2017 rồi sẽ lên 16 triệu tấn.
Dư luận phản ảnh qua phần lớn các báo mạng lớn tại Việt Nam những hoài nghi về một dự án quy mô như thế trong lúc chế độ nay vẫn còn đang lúng túng trong việc đối phó với thảm họa môi trường mà công ty thép Formosa gây ra tại miền Trung Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế, kỹ nghệ tại Việt Nam ngạc nhiên thấy “lòi ra” một dự án được thông qua ở địa phương và “quy hoạch ở trung ương tại một tỉnh xưa nay vốn đất đai cằn cỗi vì thiếu nước, hiện đang điêu đứng vì hạn hán mà hàng ngàn con cừu chết vì thiếu nước và thiếu cỏ ăn. Ngay ở giai đoạn đầu, nhà máy thép của ông Vũ cần đến 33,000 mét khối nước sạch mỗi ngày.
Dù vậy, ông Lê Phước Vũ khoe và được nhà cầm quyền Ninh Thuận xác nhận là nhà máy thép Cà Ná nếu được xây dựng sẽ có đủ nước. Nhiều người hỏi lấy nước ở đâu khi người dân tỉnh này còn thiếu nước uống, chưa nói đến tắm giặt. Ông Vũ khi được đặt vấn đề này thì ông nói lọc từ nước biển, một cách nói không ai tin.
Người ta điều tra thấy ông Lê Phước Vũ sử dụng nhà tư vấn là CISDI Group là công ty con của Tập Ðoàn Xây Lắp Luyện Kim Trung Quốc (MCC) trụ sở ở Trùng Khánh – mà cũng là nhà thầu chính xây dựng hai lò đứng ở Vũng Áng cho tổ hợp Formosa Hà Tĩnh. CISDI còn là nhà thầu chính xây dựng dự án mở rộng Nhà Máy Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) hiện đang “đắp chiếu” vì bị họ bỏ ngang.
Ngay sau khi thông tin dự án thép Cà Ná của Hoa Sen được công bố, một số trang mạng xã hội xì ra rằng vào giữa năm 2015, Hoa Sen Group cử một đoàn cán bộ đến Ninh Thuận khảo sát địa điểm để thiết kế xây dựng tổ hợp thép Hoa Sen Cà Ná. Ðoàn này do ông Nguyễn Văn Quý, khi ấy là phó tổng giám đốc Hoa Sen Group phụ trách. Thành phần có 6 người quốc tịch Trung Quốc, đến từ CISDI Group. Thông tin vừa kể bị ông Vũ phủ nhận.
Trong khi hàng triệu tấn thép sản xuất trong nước dư thừa và các nhà máy cũng chỉ sản xuất cầm chừng, chưa hết công suất, bị thép Trung Quốc chèn ép điêu đứng thì ông Lê Phước Vũ vẫn tuyên bố “ngu gì không làm thép.” Lý do là công ty của ông được hưởng những ưu dãi chưa từng có.
Trên trang thông tin điện tử Bizlive, người ta thấy đặt ra câu hỏi, “Hoa Sen sẽ lấy đâu ra tiền để thực hiện dự án có quy mô vốn lên tới $10 tỷ này?” Một chuyên viên cho rằng Hoa Sen còn công nợ nhiều, khó lòng đào ra vốn. Tại sao Bộ Công Thương “vội vã” đưa dự án thép Cà Ná vào “quy hoạch” dù vài ngày trước không có? Có phải ông chủ tôn Hoa Sen “chạy quy hoạch” không?
Theo một chuyên viên ngành thép được Bizlive thuật lại ý kiến, hiện Việt Nam chưa sản xuất được thép cuộn cán nóng nhưng khi Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động, hoàn thiện dự kiến sẽ có sản lượng thép hơn 20 triệu tấn.
Bộ Công Thương mới đây “cũng đã bổ sung dự án thép Nghi Sơn-Thanh Hóa vào quy hoạch với công suất 7 triệu tấn/năm tổng mức đầu tư lên đến $4.3 tỷ, thời gian thực hiện từ 2015 đến năm 2017.”
“Như vậy, tính đến 2030 Việt Nam có khoảng 50 triệu tấn thép mỗi năm trong khi theo tính toán, nhu cầu thép của Việt Nam đến năm 2030 cũng chưa tới mức 40 triệu tấn/năm,” vị chuyên gia đưa ra tính toán.
Một số trang mạng còn xì tin cho biết Chủ Tịch Tập Ðoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ là anh em “cọc chèo” với Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Có phải nhờ vậy mà dự án được ưu đãi?
Thấy bị dư luận “ném đá” tới tấp, Ban Tuyên Giáo Trung Ương của đảng CSVN vội vã ra lệnh bịt miệng báo chí lại. Ðây là một lệnh lạc bình thường của chế độ mỗi khi không đối phó nổi một vấn đề gì, bèn ra lệnh cấm đưa tin hay “phản biện.”
Rõ ràng có “lợi ích nhóm” thấp thoáng đằng sau chuyện “quy hoạch” thép ở Cà Ná và bóng dáng Trung Quốc đằng sau dự án của Hoa Sen nhưng ông Trần Tuấn Anh vẫn chối ở Quốc Hội hôm 15 tháng 11, 2016 là “không có lợi ích nhóm.” (TN)
Hơn 1 triệu trẻ em Việt Nam làm việc trong môi trường độc hại Tại hội thảo hướng dẫn thực hiện “Chương trình Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 – 2020”, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động là ông Đặng Hoa Nam cho biết vì đói nghèo mà hơn 1 triệu lao động trẻ phải làm việc trong các nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên, và việc ngăn chặn cũng như giảm thiểu đang là vấn đề thách thức tại Việt Nam. |