Trump sẽ ứng xử như người hùng hay một doanh nhân trong vấn đề Biển Đông?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trump sẽ ứng xử như người hùng hay một doanh nhân trong vấn đề Biển Đông?

1-12-2016

Tập Cận Bình đang hy vọng Trump sẽ để Bắc Kinh tiếp tục bắt nạt các nước châu Á khác xung quanh Biển Đông, đổi lại là những nhượng bộ về thương mại.

Tiến sĩ Ander Corr, ảnh: Bloomberg.

Anders Corr, một học giả chuyên phân tích rủi ro chính trị, từng tư vấn cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Bộ Tư lệnh đặc trách Chiến dịch Đặc biệt, ngày 30/11 có bài bình luận trên Nikkei Asian Review khuyến khích, Donald Trump nên cứng rắn ở Biển Đông.

Anders Corr cho rằng, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump giải quyết vấn đề Biển Đông, ông sẽ bắt đầu từ chỗ Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama đã dừng lại:

Lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và vi phạm luật pháp quốc tế, cho Hải quân Mỹ tự do hoạt động qua lại trong các vùng biển tranh chấp.

Trump có lập trường rõ ràng ở Biển Đông, nhưng không lộ chiến lược quân sự

Trump đã đưa ra một quan điểm rõ ràng về vấn đề Biển Đông. Ông cảm thấy cá nhân bị xúc phạm bởi những gì Trung Quốc đang làm ở đây.
Tiến sĩ Ander Corr, ảnh: Bloomberg.

Nó gợi ý ông có thể sử dụng thương mại như một đòn bẩy thương lượng để gây áp lực với Bắc Kinh nhằm ngăn chặn, nâng cao khả năng trừng phạt kinh tế hoặc biện pháp trả đũa khác.

Donald Trump muốn tham khảo ý kiến Nhật Bản và các nước châu Á khác có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại hàng hải. Ông cũng mong muốn các nước này gánh thêm chi phí phòng thủ để đối phó với Trung Quốc.

Trump không loại trừ việc sử dụng lực lượng quân sự Mỹ ở Biển Đông, nhưng đã rất chính xác khi nói rằng, ông không có kế hoạch công khai tiết lộ chiến lược quân sự của mình.

“Một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ là tín hiệu rõ ràng cho Trung Quốc và các quốc gia khác ở châu Á, cũng như trên thế giới, rằng nước Mỹ đã trở lại vai trò lãnh đạo toàn cầu”, Trump tuyên bố trên trang web vận động tranh cử chính thức.

Tự do qua lại ở khu vực tranh chấp có thể gây ra những ma sát với Trung Quốc. Đôi khi Bắc Kinh có những hành vi đe dọa nguy hiểm như dùng chiến đấu cơ áp sát đối phương.

Donald Trump có thể có các nguyên tắc giao chiến trong những cuộc chạm trán khiêu khích hơn. Điều này có thể làm tăng khả năng va chạm vượt tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ là bên tránh một cuộc va chạm như vậy trước tiên, để cho Hải quân Mỹ tự do hơn ở Biển Đông.

Câu hỏi đặt ra là, yếu tố nào trong con người Trump sẽ vượt trội khi ứng xử với vấn đề Biển Đông, người hùng hay doanh nhân?

Khi yếu tố doanh nhân nổi trội

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hy vọng Trump sẽ để Bắc Kinh tiếp tục bắt nạt các nước châu Á khác xung quanh Biển Đông, đổi lại là những nhượng bộ về thương mại, tiền tệ hay đầu tư, có lẽ ngay cả đối với các nhóm tài sản của Trump.

Trump đã khiến Bắc Kinh hài lòng bằng việc xác nhận kế hoạch rời khỏi TPP, trong khi 11 quốc gia thành viên còn lại đã đầu tư một số vốn liếng chính trị không nhỏ cho thỏa thuận này.

Vì vậy tuyên bố của Trump rút Mỹ khỏi TPP là một sự sỉ nhục rất lớn, sẽ làm xói mòn uy tín của Mỹ.

Greg Poling từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế nhận định, việc thiếu một TPP sẽ tăng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở châu Á, khiến các nước thành viên còn lại của TPP sẽ dễ phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn.

Trung Quốc vốn không có chân trong TPP sẽ nhanh chóng lấp đầy khoảng trống TPP để lại, bằng cách đẩy mạnh xúc tiến các kế hoạch tự do thương mại khu vực của riêng mình.

Những kế hoạch này không bao gồm Mỹ và sẽ tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á.

Trung Quốc đã sử dụng chiến lược gặm nhấm lãnh thổ để tận dụng lợi thế các quan điểm của Mỹ quá coi trọng mặt hợp tác trong quá khứ.

Nếu Trump tiếp tục nhượng bộ, có thể thấy Bắc Kinh sẽ nhanh chóng tìm kiếm cơ hội bành trướng lãnh thổ, đồng thời tiếp tục hất Mỹ ra khỏi Đông Nam Á, kể cả về kinh tế, ngoại giao lẫn quân sự.

Tổng thống Bill Clinton đã từng không làm gì Trung Quốc khi họ chiếm và xây công sự trên đá Vành Khăn (Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam) năm 1995.

Còn ông Obama khoanh tay ngồi nhìn Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012, trong khi Philippines – đồng minh hiệp ước của Mỹ có yêu sách đối với cả hai thực thể này.

Chính những thất bại này khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ phải đặt câu hỏi về mức độ cam kết của Washington trong việc đương đầu với (tham vọng bành trướng của) Bắc Kinh.

Việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố “bỏ” Mỹ là một phần của xu hướng chung trong khu vực Đông Nam Á, để tận dụng lợi thế ngoại giao tiền bạc của Trung Quốc.

Trump nói rằng, ông sẽ rút quân khỏi các nước đồng minh châu Á nếu họ không tăng chi tiêu quốc phòng ít nhất 2% GDP. Nhật Bản đã chi 1% GDP, nhưng vẫn còn ít.

Mối đe dọa của Trump sẽ khuyến khích những quan điếm cứng rắn ở Nhật Bản, Australia vận động tăng chi tiêu quốc phòng, tuần tra ở Biển Đông, thậm chí tự chế tạo vũ khí hạt nhân.

Điều này sẽ làm tăng áp lực ở Biển Đông, và sẽ là điều tồi tệ nhất đối với Trung Quốc khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia cùng trỗi dậy.

Khi chất “người hùng” trong con người Trump chiếm ưu thế

Nếu phương diện của một người hùng trong con người Trump trỗi dậy, ông sẽ cho thấy sức mạnh về quân sự, kinh tế và ngoại giao Hoa Kỳ.

Đội ngũ phụ tá của Donald Trump phụ trách chính sách đối ngoại có khả năng bao gồm nghị sĩ Randy Forbes sẽ ngồi ghế Bộ trưởng Hải quân.

Forbes đã từng nỗ lực gây sức ép Obama phải tung ra các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông thường xuyên hơn. Forbes biết rằng, một lực lượng hải quân lớn sẽ yếu đi nếu không được sử dụng.

Mỹ đã luôn duy trì một lực lượng hải quân lớn hơn so với Trung Quốc, nhưng lại thất bại trong việc ngăn Bắc Kinh bành trướng lãnh thổ và ảnh hưởng ở Biển Đông.

Michael Flynn được Trump chọn vào ghế Cố vấn An ninh quốc gia đã xác định, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên là thách thức hàng đầu.

James Mattis, một ứng viên hành đầu cho ghế Bộ trưởng Quốc phòng, đã ủng hộ mở rộng lực lượng hải quân, lập trường mạnh hơn chống lại các hành vi bắt nạt của Trung Quốc.

Michael Pillsbury, người nổi tiếng là cứng rắn với Trung Quốc trở thành cố vấn của Trump trong chính sách đối với châu Á.

Một cách tiếp cận quân sự mạnh mẽ hơn không chỉ bao gồm sự tích cực và kích thước lớn hơn của hải quân, mà còn bao gồm các chiến lược ngoại giao thông minh, tăng cường hợp tác quốc phòng với các đồng minh châu Á, giúp họ mạnh mẽ hơn và biết tự lực cánh sinh.

Ở Biển Đông, Mỹ cần Dunterte đảo ngược quá trình và mời Hải quân Mỹ thiết lập một sự hiện diện thường xuyên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Theo Anders Corr, Mỹ cũng nên tìm kiếm các thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Việt Nam như quyền truy cập các căn cứ và tuần tra chung.

Bộ Quốc phòng Mỹ nên giải mật chi tiết về cách Trung Quốc đang đe dọa các tàu thương mại ở Biển Đông để tập hợp các trường hợp công khai chống yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Về kinh tế, Trump nên chứng tỏ sức mạnh bằng cách đe dọa trừng phạt nếu Trung Quốc không tuân thủ Phán quyết Trọng tài 12/7 vừa qua.

Anders Corr cũng tính toán, Philippines có thể yêu cầu Trung Quốc bồi thường 177 tỉ USD do các thiệt hại về sinh thái Biển Đông. Washington nên khuyến khích Manila và các bên tranh chấp khác ở Biển Đông tiếp tục khởi kiện.

Về ngoại giao, Trump nên thúc đẩy Thượng viện phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, cơ sở Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII.

Trump cũng nên khuyến khích ASEAN đình chỉ tư cách một đối tác đối thoại của Trung Quốc và loại bỏ khả năng can thiệp của Campuchia ngăn chặn các quyết định đồng thuận.

Xin mời quý độc giả xem Video : Tổng cục 2 cảnh báo nguy cơ xảy ra đột biến lớn Bộ Quốc phòng báo động toàn quân 

Mỹ nên cố gắng làm sống lại liên minh ở châu Á và tìm kiếm hoạt động tuần tra chung ở Biển Đông với các tàu Nhật Bản, Australia, Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.

Cách tiếp cận của Donald Trump trong vấn đề Biển Đông cuối cùng sẽ phải phù hợp với khung chính sách của ông để xử lý các vấn đề khác liên quan đến Trung Quốc.

Ví dụ như CHDCND Triều Tiên, Hoa Đông, Đài Loan và Hồng Kông.

Các tập đoàn Mỹ đang kiếm được lợi nhuận từ Trung Quốc, bao gồm cả Boeing và Apple, sẽ cố gắng để làm mềm các chính sách an ninh của Donald Trump.

Nếu Trump để lợi ích các doanh nghiệp này lấn át chính sách của ông với Trung Quốc, thì tương lai sẽ là sự thất bại của Mỹ ở Biển Đông.

Điều này sẽ dẫn đến sự suy giảm không thể đảo ngược của quân đội Mỹ, cũng như sức mạnh kinh tế và ngoại giao của Mỹ ở châu Á.

Những lo ngại này có thể tan biến nếu Donald Trum xây dựng lại hệ thống. Một lập trường dẻo dai của Mỹ có thể lập lại trật tự ở BIển Đông và mang lại bầu không khí trong lành cho cả châu Á.

Nguồn:

http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/International-Relations/Trump-should-get-tough-in-the-South-China-Sea?page=2

Hồng Thủy

(GDVN)