Tin Việt Nam – 26/11/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vẫn chưa biết lý do cá chết ở Khánh Hòa

Chiều 26-11, ông Lê Tấn Bản, giám đốc Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Khánh Hòa, cho biết đơn vị này đã lấy mẫu nước vùng biển hai xã Vạn Thọ và Vạn Thành để kiểm tra nguyên nhân cá chết hàng loạt những ngày qua. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có kết quả kiểm tra của Trung Tâm Quan Trắc Môi Trường Và Bệnh Thủy Sản Miền Trung.

Phúc trình của nhà chức trách cho biết từ ngày 24/11 đến nay, hàng tấn cá biển tự nhiên ở vùng biển vũng Sim, kéo dài từ thôn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ) đến thôn Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh) thuộc huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bỗng chết bất thường, xác cá nổi trắng dọc theo bờ biển. Bất chấp khuyến cáo của nhà chức trách, người dân vẫn đổ xô ra biển vớt cá.

Ông Trần Thông, Trưởng thôn Vĩnh Yên nói: “Không hiểu do đâu mà toàn những loại ở tầng đáy như: cá mú, cá hồng, cá chai, cá bống, ghẹ, chình biển… lại chết trắng cả vùng. Sáng 25-11, hiện tượng cá chết đã giảm so với trước đó 1 ngày, nhưng ai cũng thấy khủng khiếp”. Ông Trần Thông cũng cho biết: “Những ngày qua, hàng chục hộ trong thôn Vĩnh Yên đã thu gom được hơn 5 tấn hải sản tự nhiên chết, cá biệt có hộ thu gom được hơn 1.5 tấn, đưa cả xe tải đến chở đi, nhưng chở đi đâu thì tôi chưa nắm được”.

Ông Đặng Thanh Tao (thôn Tuần Lễ), người chuyên sống bằng nghề khai thác thủy sản trên vịnh Vân Phong vẫn chưa hết bàng hoàng trước hiện tượng cá chết những ngày qua. Ông Tao nói: “Đã nhiều năm gắn bó với vùng biển này, chưa bao giờ tôi thấy cá chết nhiều như vậy. Hôm nào tôi cũng đi biển và phát hiện cá chết lác đác khoảng 5 ngày nay, nhưng rộ nhất là trong 2 ngày 24 và 25-11. Chỉ tính số cá chết mà người dân vớt lên mang đi bán cả chục tấn, chưa kể số còn nằm lại dưới đáy biển, số dạt vào ven bờ, số lờ đờ sắp chết”.

Không chỉ có cá tự nhiên chết, còn có khoảng 1,800 con cá bớp (loại 3 – 5kg/con) và 500kg ốc hương thả nuôi hơn 3 tháng, 1,000 con tôm hùm mới thả nuôi 1 tháng của 7 hộ ở thôn Vĩnh Yên cũng bị thiệt hại hoàn toàn. Ông Phan Tiến Dũng ở thôn Vĩnh Yên bần thần cho biết: “Hơn 400 con cá bớp loại 3 – 5kg/con cùng 1,000 con tôm hùm mới thả được 1 tháng của gia đình tôi đã chết sạch, chỉ sau 1 đêm gia đình tôi hoàn toàn trắng tay. Số tiền mua giống tôm hùm này tôi mới vay từ nguồn vốn chính sách dành cho hộ nghèo để đầu tư với hy vọng thoát nghèo. Nào ngờ…!”.

Vũ Minh Ngọc / SBTN

http://www.sbtn.tv/van-chua-biet-ly-do-ca-chet-o-khanh-hoa/

 

Cảnh sát Thái bắt 2 tàu cá của Việt Nam

Cảnh sát biển Thái Lan đã bắt hai tàu đánh cá trái phép của Việt Nam ngoài khơi tỉnh Narathiwat và bắt giữ 9 thuyền viên.

Các thuyền viên người Việt bị đưa tới đồn cảnh sát Narathiwat Muang để thẩm vấn cũng như nghe các cáo trạng.

Phó tư lệnh cảnh sát biển Daecha Upachaya cho biết, các tàu đang bắt trộm hải sâm ở vùng biển của Thái Lan chiều ngày thứ Năm thì bị chặn bắt. Cảnh sát đã thu giữ 30kg hải sâm và tàu thuyền cùng các thiết bị đánh bắt cá.

Các thuyền viên bị cáo buộc đánh bắt hải sâm ở vùng biển Thái Lan để bán ở Việt Nam bởi vì chúng hiếm và đắt.

Cảnh sát biển Thái Lan đã bắt 8 tàu cá của Việt Nam ngoài khơi Narathiwat trong vòng 6 tháng qua, Phó tư lệnh Daecha cho biết.

Trước đó, 4 tàu cá cùng 20 thuyền viên cũng bị bắt tại vùng biển này khi đánh bắt trái phép hải sâm hồi tháng 8.

Ngày 10/7, 29 thuyền viên cùng 3 tàu cá bị hải quân Thái Lan bắt giữ vì cáo buộc đánh bắt trái phép.

Theo BangkokPost, GlobalTimes

http://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-thai-bat-2-tau-ca-cua-viet-nam/3611982.html

 

Hàng trăm tiểu thương thành phố Hà Tĩnh bãi thị

Hàng trăm tiểu thương tại khu vực chợ thành phố Hà Tĩnh hôm 26/11 đóng quầy, nghỉ bán để phản đối yêu cầu phải gia hạn hợp đồng mỗi ba tháng.

Theo tường thuật của báo mạng VnExpress, thì số tiểu thương tham gia bãi thị lên tới hơn 1,000. Các tiểu thương bãi thị cho biết, từ năm 2001, họ ký hợp đồng thuê ki-ốt thời hạn 15 năm. Cách đây hai ngày, ban quản trị chợ thông báo những tiểu thương nào hết hạn hợp đồng thuê chỉ được gia hạn ba tháng. Hầu hết tiểu thương không đồng tình với thời hạn mới và muốn ký hợp đồng thuê ki-ốt dài hạn như trước.

Theo báo Dân Trí, tại chợ Hà Tĩnh hiện có hơn 1,600 gia đình kinh doanh, trong đó hơn 800 gia đình kinh doanh đã hết hạn hợp đồng. Phần lớn các gia đình kinh doanh này đều ký hợp đồng từ tháng 11 năm 2001 đến tháng 11 năm 2016.

Ông Nguyễn Duy Hòa, trưởng ban quản trị chợ Hà Tĩnh, cho biết ông đã nhiều lần làm văn bản xin thành phố gia hạn thêm thời gian kinh doanh, để bảo đảm quyền lợi của ban quản trị chợ cũng như các gia đình kinh doanh. Nhưng vào tháng 5, Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh gửi văn bản yêu cầu thành phố không được gia hạn hợp đồng quá so với thời gian chuyển đổi, mà chỉ được gia hạn thêm ba tháng.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/hang-tram-tieu-thuong-thanh-pho-ha-tinh-bai-thi/

 

Chuyên gia lúa gạo hàng đầu Việt Nam

sang Cambodia học trồng lúa

Tỉnh Sóc Trăng mới đây cử một đoàn chuyên viên sang Cambodia để tìm hiểu về bí quyết thành công của gạo Cambodia trên thị trường quốc tế, trong đoàn này có Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu Việt Nam.

Trong một năm gạo Việt Nam gặp nhiều khó khăn, Cambodia tiếp tục nâng cao sản lượng lên tới 421,000 tấn so với 408,000 tấn của năm ngoái. Gạo Cambodia có giá cao và đang có những bước tiến vững chắc vào thị trường Châu Âu. Các chuyên gia lúa gạo của Việt Nam hy vọng học được nhiều bài học từ kinh nghiệm của Cambodia.

Báo Thanh Niên hôm 26 tháng 11 dẫn lời ông Hồ Quang Cua, nguyên phó giám đốc Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Sóc Trăng, nói rằng bí quyết của Cambodia là việc chọn ra giống lúa Phka Roumdoul vào năm 2009. Họ đưa sản phẩm đi dự thi đấu xảo quốc tế ba năm liền và đều đoạt giải gạo ngon nhất thế giới. Từ đó, gạo xuất cảng của Cambodia in nhãn hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” trên bao bì.

Ngoài giống lúa thơm với danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”, Cambodia còn đi vào sản xuất gạo hữu cơ. Kết quả là gạo Cambodia vào được những thị trường khó tính nhất thế giới, với giá bán cao hơn 65% so với giá trung bình của thị trường. Trong khi đó, theo ông Hồ Quang Cua, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam được cho là “vẫn còn trầy trật”. Theo báo Thanh Niên, gạo Việt Nam đi vào hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng thị trường chính vẫn là Trung Cộng, với thị phần 35%. Thị trường Trung Cộng được cho là chứa đựng nhiều bất ổn, vì nước này hay dùng thủ đoạn ngưng mua để dìm giá.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/chuyen-gia-lua-gao-hang-dau-viet-nam-sang-cambodia-hoc-trong-lua/

Cần Thơ hủy bỏ dự án nhà máy lọc dầu 540 triệu mỹ kim

Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư tỉnh Cần Thơ vừa quyết định đình chỉ dự án nhà máy lọc dầu Cần Thơ với số vốn hơn 538 triệu Mỹ kim. Nguyên nhân được sở này đưa ra là liên doanh đầu tư không chịu bắt đầu dự án.

Dự án nhà máy lọc dầu Cần Thơ tại khu công nghiệp Ô Môn có công suất 2 triệu tấn dầu thô một năm, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 5 năm 2008. Dự án do công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà Máy Lọc Dầu Cần Thơ, là liên doanh giữa công ty cổ phần đầu tư thương mại Viễn Đông với công ty Semtech Limited BVI của Hoa Kỳ. Semtech góp 70% vốn trong liên doanh.

Do khó khăn về tài chính nên vào tháng 11 năm 2009, Semtech rút khỏi liên doanh, buộc công ty Viễn Đông phải tìm đối tác khác để thực hiện dự án. Viễn Đông đồng thời xin giảm quy mô dự án xuống còn 350 triệu Mỹ kim, trên diện tích đất chỉ bằng một phần năm kế hoạch ban đầu. Mãi đến tháng 6 năm 2015, công ty Razeedland Plaza SDN BHD của Brunei nhảy vào liên doanh thay Semtech. Tuy nhiên, dự án vẫn không thể khởi động.

Truyền thông Việt Nam cho hay, đến cuối tháng 10 vừa qua, dự án vẫn chưa hoàn trả số tiền đền bù giải phóng mặt bằng mà thành phố Cần Thơ đã bỏ ra trước đó.

Đây là dự án nhà máy lọc dầu thứ hai bị hủy bỏ tại Việt Nam trong năm nay. Hồi cuối tháng 7, tỉnh Bình Định hủy bỏ dự án nhà máy lọc dầu Nhơn Hội trị giá hơn 20 tỉ Mỹ kim.

Việt Nam là nước có trữ lượng dầu hỏa lớn thứ ba của Châu Á, sau Trung Cộng và Ấn Độ. Việt Nam hiện chỉ có một nhà máy lọc dầu, là nhà máy Dung Quất,với công suất 130,500 thùng dầu một ngày. Tập đoàn quốc doanh PetroVietnam đang xây dựng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trị giá 7.5 tỉ Mỹ kim ở tỉnh Thanh Hóa, nhưng dự án này đang bị trễ, và dự báo là sẽ chịu lỗ nặng khi đi vào hoạt động từ năm 2017.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/can-tho-huy-bo-du-an-nha-may-loc-dau-540-trieu-my-kim/

 

Thêm một trường hợp dân bị máy xúc cán khi cưỡng chế đất

Vào sáng ngày 25 tháng 11 năm 2016, nhà cầm quyền tỉnh Bắc Giang đã bất chấp sự phản đối, phản kháng của người dân nên đã huy động máy xúc, lực lượng đến cưỡng chế đất của người dân và dẫn đến sự việc máy múc đã cán một người dân bị thương nặng, hôn mê bất tỉnh và đang trong tình trạng nguy kịch.

Nạn nhân là ông Nguyễn Minh Sang quê ở thôn Đức Thạnh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã đứng ra chặn đường không cho máy xúc tiến hành cưỡng chế đất của gia đình, nên đã bị máy xúc cán qua người.

Được biết, nhà cầm quyền huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang muốn cưỡng chế đất nông nghiệp của người dân để làm đường, làm khu hành chính và bán cho tư nhân mà không đền bù một đồng nào cho người dân. Theo một nhân chứng cho biết: “từ sáng sớm, nhà cầm quyền đã huy động lực lượng an ninh, công an, dân phòng, nhiều lực lượng khác và máy múc, xe tải đến để cưỡng chế đất của nhà dân. Người dân đã ra ngăn cản không cho họ tiến hành. Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã dùng vũ lực để khống chế. Anh Nguyễn Minh Sang đã đứng trước máy múc để ngăn cản lực lượng cưỡng chế. Tuy nhiên, họ đã ra lệnh cho máy múc vẫn tiến hành, dẫn đến anh Nguyễn Minh Sang bị máy múc cán qua người dẫn đến bị thương nặng, hôn mê bất tỉnh và tính mạng đang nguy hiểm. Sau đó, lực lượng cán bộ cưỡng chế, công an, an ninh đều rút lui lẩn trốn. Hiện người dân chúng tôi đang tạm giữ xe tải, máy múc và yêu cầu cơ quan chức năng điều tra”.

Ngay sau đó, người dân đã tới Ủy ban nhân dân xã Tri Yên và gặp trưởng công an huyện, công an xã để yêu cầu cơ quan chức năng phải làm rõ sự việc, nhưng tất cả đều làm ngơ.

Dư luận vẫn chưa quên một vụ tương tự khác ở Hải Dương, cũng nhà cầm quyền tiến hành cưỡng chế đất đã dùng máy xúc cán luôn lên người dân mất đất vào sáng ngày 10/7/2015. Nạn nhân là bà Lê Thị Trâm – 55 tuổi, thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cũng đã bị máy xúc cán qua người dẫn đến bị gãy tay, chấn thương bả vai, nứt hộp sọ, chấn thương sọ não, phải đi cấp cứu.

Nguyên Nguyễn/SBTN

http://www.sbtn.tv/them-mot-truong-hop-bi-may-xuc-can-qua-nguoi-khi-tien-hanh-cuong-che-dat/