Tin Việt Nam – 25/11/2016
Hà Nội và tiếng leng keng tầu điện xưa
Trong suốt nhiệm kỳ toàn quyền (1897-1902), Paul Doumer bỏ nhiều công sức để cải tiến cấu trúc thuộc địa và phát triển cơ sở hạ tầng tại Đông Dương. Dù bị chỉ trích vì cách quản lý độc đoán và sau này bị triệu về Pháp để giảm bớt căng thẳng với Anh Quốc trong tranh chấp biên giới tại Vân Nam (Trung Quốc), Paul Doumer đã khởi xướng hay cho hoàn thiện rất nhiều công trình quan trọng làm thay đổi cảnh quan Việt Nam.
Cũng trong giai đoạn này, Hà Nội trở mình mạnh mẽ để đóng vai trò trung tâm hành chính của Đông Dương. Cũng nhờ Paul Doumer, lúc đó là một trong số nhà quản lý của Tổng Công ty Điện lực (Compagnie général d’électricité, trước đó là Công ty Điện lực Normandie (Société normande d’électricité), do Pierre Azaria thành lập tại Pháp), nên Hà Nội trở thành đô thị đầu tiên tại châu Á có điện thắp sáng. Năm 1897, công suất cơ học của nhà máy điện là 300 mã lực được nâng lên thành 850 mã lực để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người đặt mua và của thành phố.
Đây cũng là điều kiện tiên quyết để phát triển hệ thống xe điện nối trung tâm Hà Nội với các vùng lân cận. Chính quyền thuộc địa hy vọng phương tiện này đáp ứng được nhu cầu đi lại của dân cư mỗi ngày một đông. Hà Nội được mở rộng gấp 10 lần so với khu phố cũ và phát triển xứng tầm với một đô thị quan trọng cùng với hệ thống thoát nước, xe điện và nhiều công trình có quy mô lớn.
Theo cuốn Thành phố Hà Nội (Ville de Hanoi) do Chính phủ Đông Dương phát hành năm 1905 (Hanoi, Imprimerie G. Taupin et Cie, 1905), một công ty vô danh có vốn 2.750.000 franc đã nhận được hợp đồng nhượng quyền xây dựng và khai thác một hệ thống xe điện dài 12 km nối trung tâm Hà Nội và vùng ngoại ô. Hợp đồng được ký ngày 02/05/1899 giữa chính quyền bảo hộ Bắc Kỳ, thành phố Hà Nội cùng với các ông Courret, Krug và anh em nhà Durant.
Đến năm 1902, doanh nghiệp này thuộc quyền sở hữu của Công ty Điền địa Đông Dương (Société foncière de l’Indochine), trụ sở ở Paris, nhưng có chi nhánh kinh doanh và nhà máy sửa chữa đầu máy, đóng toa xe ở Thụy Khê (Hà Nội) từ năm 1901. Năm 1929, một lần nữa được đổi tên thành Công ty Xe điện Bắc Kỳ (Compagnie des Tramways du Tonkin) và trở thành Công ty Giao thông công cộng vùng Hà Nội (Transports en commun de la région de Hanoi) năm 1951 (L’Eveil économique de l’Indochine (Thức tỉnh kinh tế Đông Dương), 02/08/1931).
Trên dự án, thành phố Hà Nội có ba tuyến xe điện, xuất phát từ quảng trường Négrier (quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay) với tổng chiều dài là 13.101,08 m, gồm: Tuyến A: Quảng trường Négrier (Bờ Hồ) – Bạch Mai (3.524,50 m) ; Tuyến B: Quảng trường Négrier – làng Giấy (5.433,67 m) ; Tuyến C: Quảng trường Négrier – Thái Hà Ấp (Kinh Lược) (4.131,91 m).
Trong cuốn hồi ký Tình hình xứ Đông Dương thuộc Pháp (Situation de l’Indochine française, Paris, Vuibert et Nony, Editeurs, 1905), toàn quyền Paul Doumer cho biết ngay năm 1900, công việc xây dựng nhà máy, lắp đặt đường ray và máy móc nhanh chóng được tiến hành và một phần hệ thống đã được khai thác. Hợp đồng cuối cùng được toàn quyền Đông Dương ký trước khi trở về Pháp là tuyến Bờ Hồ – Cầu Giấy (đường Sơn Tây, route de Sontay) vào tháng 11/1901.
Hợp đồng này nằm trong kế hoạch kéo dài thêm 8.100 m đường sắt, được thành phố Hà Nội lên kế hoạch vào năm 1905. Tuyến A được kéo dài từ Bạch Mai đến đường vành đai (route circulaire, ngã tư Đồng Lầm, nay là ngã tư Đại Cồ Việt-Lê Duẩn). Tuyến B được nối thêm từ Thụy Khuê lên chợ Bưởi. Tuyến C được kéo dài từ Thái Hà vào Hà Đông. Nhiệm vụ duy nhất của chính quyền là xây một cây cầu lớn bằng sắt bắc qua sông Nhuệ thay cho cây cầu gỗ cũ kĩ và không chịu được trọng tải của xe điện. Quá trình phôi thai đoạn kéo dài này mất tận 10 năm. Nhưng đến năm 1915, tuyến xe Hà Nội-Hà Đông vẫn nằm bên kia cầu mà không vào được trung tâm thị xã. Thay vì xây một cây cầu mới, Sở Công Chính lại chỉ cho gia cố bằng xi măng cây cầu cũ, thậm chí làm cả đường ray trên cầu.
Năm 1930, thành phố Hà Nội thông qua dự án xây một tuyến đường mới, dài khoảng 5.500 m, nối hai đầu đường Quan Lộ (Route Mandarine, một đoạn của đường Lê Duẩn ngày nay) từ ngã tư Đại Cồ Việt ngày này đến Yên Phụ, đi qua các phố Thiên Tân (rue Tientsin, nay là phố Hàng Gà) và Hàng Than. Như vậy, tính đến thời điểm này, Hà Nội có 5 tuyến tầu điện, với khoảng 27 km đường sắt, nối từ trung tâm Bờ Hồ với vùng ngoại ô : Bờ Hồ – Cầu Giấy, Bờ Hồ – Hà Đông, Bờ Hồ – Chợ Bưởi, Bờ Hồ – Chợ Mơ và một tuyến không qua Bờ Hồ là Yên Phụ – Bạch Mai.
Tầu điện, từ xa xỉ đến thân quen
Trong suốt 13 năm đầu khai thác, công ty luôn bị thua lỗ vì mua vé đi tầu điện vẫn là một điều xa xỉ với người dân nghèo. Họ thà đi bộ 2 km hơn là trả thêm 1 xu. Doanh thu từ xe điện chỉ tăng dần trong khoảng những năm 1920-1930, giữa hai cuộc Thế Chiến. Người dân dư giả hơn một chút và người nông dân sẵn sàng trả hai xu để tránh đi bộ 1 hoặc 2 km.
Thời Pháp thuộc, mỗi đoàn tầu chỉ có hai hoặc ba toa. Theo thống kê năm 1905, có 22 toa lái và 15 toa xe moóc. Xe điện hoạt động được nhờ một chiếc cần sắt dài, trên đầu có một cái ròng rọc để tiếp xúc với đường dây dẫn điện mắc ở phía trên song song với đường tầu. Thiết bị điện ở mỗi toa gồm hai động cơ lớn, mỗi chiếc có công suất 25 sức ngựa.
Đường sắt rộng một mét, giống hệ thống đường sắt Đông Dương. Mọi chi phí xây dựng và để tuyến đường đi vào hoạt động đều do nhà thầu chịu trách nhiệm. Hợp đồng nhượng quyền khai thác kéo dài 60 năm, sau đó sẽ thuộc về chính quyền thuộc địa, trừ thiết bị di động vẫn là tài sản của công ty. Chi phí và rủi ro trong quá trình khai thác hoàn toàn phụ thuộc vào nhà thầu, chính phủ không cấp bất kỳ khoản hỗ trợ nào.
Từ năm 1927, Công ty Tài Chính Pháp và Thuộc địa (Société financière française et coloniale, SFFC) của Octave Homberg sở hữu phần lớn cổ phiếu của Công ty Điền Địa, nhà thầu hệ thống xe điện Hà Nội, vì vậy vốn của công ty được tăng lên. Thương vụ này được công luận đánh giá cao vì cuối cùng, những toa tầu cũ từ gần 30 năm kêu ầm ĩ ngoài phố sẽ được tân trang và hiện đại hóa. Nhiều đường ray nhẹ được thay thế bằng đường ray nặng và các thiết bị cũ mòn được thay thế bằng thiết bị mới.
Theo tài liệu lưu trữ quốc gia Pháp về thế giới lao động (tại Roubaix, Pháp), năm 1951, vốn của Công ty Giao thông công cộng vùng Hà Nội (Transports en commun de la région de Hanoi) tăng lên thành 45,9 triệu franc và 114,7 triệu franc vào năm 1953. Đến ngày 01/06/1955, công ty ngừng hoạt động sau khi Pháp thất bại tại Đông Dương. Chính phủ nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam cam kết bồi thường cho công ty 300 triệu franc trong vòng 25 năm. Thế nhưng, ngay giữa năm 1959, các khoản nợ đã được thanh toán hết. Công ty Giao thông công cộng vùng Hà Nội giải thể vào năm 1962 (5).
Từ năm 1968, tầu điện được phục hồi và phát triển để trở thành phương tiện công cộng quan trọng của thành phố phục vụ hơn 30 triệu lượt khách mỗi năm. Cho đến cuối những năm 1980, xe đạp và tầu điện vẫn là những phương tiện quen thuộc của người dân thủ đô.
Năm 1991, từ khi tuyến đường cuối cùng bị ngừng hoạt động, xe máy dần dần tràn ngập Hà Nội (chiếm 78% số lượng phương tiện giao thông) cùng với mức đô thị hóa và phát triển kinh tế xã hội cũng như dân số. “Hà Nội không vội được đâu” trở thành câu nói quen thuộc mỗi khi nhắc đến tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Theo Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Hà Nội, kể từ năm 2001, hệ thống xe buýt được tổ chức lại và được hy vọng là giải pháp thay thế cho phương tiện cá nhân, song vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của giao thông nội đô. Trước tính cấp bách của tình trạng “khủng hoảng giao thông đô thị”, năm 2008, thành phố Hà Nội đã thông qua một kế hoạch chỉ đạo, trong đó dự kiến thiết lập một mạng lưới 5 tuyến tàu điện ngầm (dự kiến hoàn thành vào năm 2030). Cơ quan Phát triển Pháp tham gia tài trợ cho tuyến tầu điện ngầm số 3 từ ga Hà Nội đi Nhổn và được đánh giá là tuyến thí điểm.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161125-ha-noi-va-noi-nho-tieng-leng-keng-tau-dien-xua
Vì sao Việt Nam khăng khăng làm thép?
Bất chấp sự phản đối gay gắt từ công chúng, chính phủ Việt Nam tiếp tục khẳng định Việt Nam thiếu thép và cần những dự án đầu tư thép khổng lồ. Thái độ quyết liệt của giới hữu trách khiến công luận đặt ra nghi vấn về lý do đằng sau của việc chấp thuận các dự án này, bao gồm cả vấn đề lợi ích nhóm.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam, nói với VOA:
“Có thể đây là lợi ích nhóm. Một số các nhà đầu tư đã bằng cách này hay cách khác vận động sau hậu trường ở địa phương, ở tỉnh, ở cấp nào đấy… Vì vậy mà mặc dù người dân, các chuyên gia đều lên tiếng phản đối rất mạnh mẽ, nhưng những dự án đó hiện nay vẫn được chấp nhận. Tôi rất lo ngại rằng quá trình triển khai sẽ gặp phải sự phản kháng của người dân và đến khi sản xuất thì ô nhiễm môi trường sẽ nghiêm trọng hơn nhất nhiều”.
Thắc mắc của công luận cũng đã được Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền của Phú Yên nêu lên trong phiên họp của Quốc họp hôm 15/11. Trong khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, bà Hiền đã hỏi thẳng rằng liệu có hay không lợi ích nhóm trong việc bổ sung quy hoạch dự án, cụ thể ở đây là dự án thép Cà Ná 10 tỷ đôla ở Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen; và liệu việc cứ tiếp tục tiến hành bổ sung vào quy hoạch dự án, bất chấp những phản biện mang tính khoa học, tâm huyết của các chuyên gia, thì có phải là hành vi dẫn đến tội ác hay không?
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Hiền, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 3 tỷ đôla sắt thép và dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô. Đến năm 2025, mức thiếu hụt sẽ là 20 triệu tấn và điều này sẽ dẫn đến tình trạng nhập siêu cao và ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Nhưng theo cựu Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, chính quyền Việt Nam hiện vẫn duy trì não trạng công nghiệp hóa theo mô hình cũ của thập niên 1930 cho rằng muốn công nghiệp hóa thì phải có thép. Vì vậy nên Việt Nam từ những năm 1960 đã bắt đầu đầu tư vào khu gang thép Thái Nguyên và tiếp tục quá trình này cho tới nay. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng với mô hình công nghiệp hóa hiện đại thì cần phải có những sản phẩm trí tuệ, sáng tạo. Bên cạnh đó, bối cảnh toàn cầu hóa cho phép Việt Nam có thể mua bất kỳ loại thép nào trên thị trường, kể cả thép cao cấp phục vụ cho mục tiêu quốc phòng, nên lý do cho rằng Việt Nam phải tự sản xuất thép là không chính đáng.
Về lý do nhà đầu tư đổ vào đầu tư thép tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế của Việt Nam cho biết có 3 lý do chủ yếu. Ông nói:
“Các nhà sản xuất thép đầu tư vào thép Việt Nam để được lợi từ nguồn điện [giá] thấp đó. Ví dụ như một nhà máy thép của Trung Quốc ở Thái Bình, riêng nhà máy thép đó đã tiêu thụ bằng số điện của cả tỉnh Thái Bình cộng lại, chứng tỏ nhu cầu sử dụng điện của các nhà máy thép là rất lớn”.
Lý do thứ hai, theo TS. Lê Đăng Doanh, là các doanh nghiệp nước ngoài muốn tận dụng giá nhân công rẻ tại Việt Nam.
Ông nói thêm:
“Điều thứ 3 nữa là một số tỉnh muốn thu hút đầu tư nước ngoài để đạt được việc vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP của mình nên đã lặng lẽ giảm bớt những yêu cầu về môi trường. Đấy là điều hết sức nguy hiểm”.
Chuyên gia của Việt Nam cho rằng trong tình trạng dư thừa thép của Trung Quốc và nước này đang bù lỗ để xuất khẩu thép ra các nước, các nhà đầu tư sản xuất thép tại Việt Nam hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ có những ưu đãi đặc biệt cho ngành thép như giá đất, thuế má… để họ có thể cạnh tranh được với thép của Trung Quốc.
TS. Lê Đăng Doanh đặc biệt lưu ý đến tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc giả danh Việt Nam để đầu tư vào ngành công nghiệp nặng này:
“Có khá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mượn danh về Việt Nam. Gần đây có một dự án thép khổng lồ của một ông đầu tư ở Việt Nam, đến khi nhìn kỹ vào thì đấy là các nhà đầu tư Trung Quốc đứng đằng sau. Và ông ấy không lý giải được là nguồn vốn to lớn ấy ông sẽ huy động từ đâu. Đấy là điều rất đáng suy nghĩ, có thể nói là đáng lo ngại, cho thị trường thép của Việt Nam”.
Trong phần trả lời chất vấn của Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền hôm 15/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh lặp lại cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Việt Nam sẽ “không đánh đổi môi trường để lấy dự án” và khẳng định “không có lợi ích nhóm” trong việc phê chuẩn các dự án đầu tư.
Giới chức Bộ Công thương cam kết không chỉ dự án thép Cà Ná, mà cả các dự án thép khác như của Dung Quất, cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng về nguyên tắc bảo vệ môi trường sau khi rút ra bài học từ dự án thép Formosa, tập đoàn đã xả thải gây ô nhiễm ở khu vực biển miền Trung trong suốt nhiều tháng qua.
Hôm 21/11, VietnamNet trích bài viết của PGS.TS Đinh Đức Trường, Phó chủ nhiệm khoa Kinh tế môi trường, Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết “Mỗi năm Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP. Còn con số này của Trung Quốc là 10%”.
TS. Đinh Đức Trường cảnh báo: “Nếu với đà tăng ô nhiễm như hiện nay, Việt Nam sẽ sớm vượt qua Trung Quốc về ô nhiễm”.
http://www.voatiengviet.com/a/vi-sao-viet-nam-khang-khang-lam-thep/3611499.html
Việt Nam, Campuchia đồng ý
nhờ Pháp giúp để phân định biên giới
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 24/11 đã đồng ý cùng viết thư cho chính phủ Pháp để yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật trong việc sao chép bản đồ biên giới thời thuộc địa với độ phân giải cao hơn để sử dụng trong phân định biên giới giữa hai nước.
Trả lời báo giới Campuchia, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Hun Sen, ông Kao Kim Hourn, cho biết hai lãnh đạo Việt Nam – Campuchia đã loan báo quyết định này bên lề hội nghị thượng đỉnh tại Siem Reap hôm 24/11. Cả hai đồng ý xúc tiến viết thư yêu cầu Pháp giúp đỡ kỹ thuật để chuyển đổi tấm bản đồ hiện tại có tỷ lệ 1:100.000 sang chi tiết hơn với tỷ lệ 1:50.000.
Tấm bản đồ sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho việc cắm mốc phân định biên giới giữa hai nước sau khi được phê duyệt trong một cuộc họp tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng Ba năm sau.
Theo lời ông Kim Houn, Thủ tướng Campuchia một lần nữa, yêu cầu Việt Nam chấm dứt xây dựng trong “vùng trắng” chưa phân định ở biên giới. Tuy nhiên, giới chức của Campuchia không cho biết câu trả lời của Thủ tướng Việt Nam về yêu cầu này.
Căng thẳng vùng biên giới lâu nay không chỉ gây xung đột giữa Campuchia và Việt Nam, mà còn được xem là một vấn đề nhạy cảm chính trị giữa chính phủ Campuchia và phe đối lập CNRP.
Phe đối lập tố cáo chính quyền Campuchia đã sử dụng những bản đồ sai để thực hiện phân định biên giới và có thái độ nhượng bộ đối với Việt Nam. Đáp lại, Thủ tướng Hun Sen đe doạ sẽ bắt bất cứ ai tiếp tục vu cáo chính phủ sử dụng sai bản đồ.
Trong thời gian qua, một số nghị sĩ, thượng nghị sĩ của CNRP đã bị bắt vì những lời tố cáo vừa kể. Kể từ cuối năm ngoái, đảng đối lập Campuchia đã không đẩy mạnh vấn đề này thêm và nói họ không muốn gây thêm phẫn nộ cho chính phủ.
Phát ngôn viên của CNRP Yim Sovann hôm 24/11 nói phe đối lập hoan nghênh đề xuất mời chuyên gia Pháp giúp đỡ của ông Hun Sen, và việc sử dụng bản đồ mới chi tiết hơn để phân định cắm mốc biên giới có thể giúp xây dựng lòng tin.
Ông Yim Sovann nói thêm rằng các bên liên quan, trong đó có phe đối lập, nên có một vai trò trong tiến trình phân định biên giới.
Trong những năm gần đây, tranh chấp biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã dẫn đến nhiều vụ xô xát giữa người dân hai nước dọc theo biên giới. Cho tới nay, những nỗ lực song phương giữa Việt Nam và Campuchia không thực sự mang lại kết quả.
Hồi tháng Tám, những bất đồng trong Ủy ban biên giới chung liên quan đến các khu vực tranh chấp đã dẫn đến việc trì hoãn các cuộc đàm phán phân định biên giới. Phía đại diện Campuchia cho rằng chỉ có hai trong số bảy khu vực tranh chấp là cần sự hỗ trợ của Pháp, trong khi Việt Nam muốn Pháp làm trọng tài cho tất cả bảy khu vực.
Bỏ rơi con ở Đài Loan, một người Việt bị truy tố
Một công nhân nhập cư Việt Nam đã bị truy tố hôm thứ Ba ở Đài Loan vì tội bỏ rơi con sơ sinh tại một ngôi đền.
Văn phòng Công tố Thành phố Đài Trung cho biết, người phụ nữ 27 tuổi họ Trieu đã phát hiện đang mang thai khi đến Đài Loan để làm việc hồi tháng 1.
Lo sợ người chủ sẽ phát hiện ra việc cô mang thai và trả về Việt Nam, đến tháng 6 cô đã chạy trốn.
Cô sinh một bé gái nhưng sợ rằng không thể chăm sóc nên đã bỏ rơi đứa trẻ ở một ngôi đền ngày 13/9.
Bé gái đã được tìm thấy tối cùng ngày. Một tuần sau, cảnh sát đã có thể truy tìm người phụ nữ sau khi xem lại đoạn video an ninh.
Đoạn video cho thấy có một người phụ nữ đặt túi giấy với đứa trẻ bên trong ở ngôi đền, sau đó leo lên một chiếc xe đạp điện và đi khỏi đó.
Cảnh sát Đài Trung đã bắt người phụ nữ tại một căn hộ thuê. Cảnh sát cũng tìm thấy chiếc xe đạp điện, áo khoác và giày mà người phụ nữ sử dụng trong ngày cô đến ngôi đền và bỏ rơi đứa trẻ.
Theo TaiwanNews, Thanhnien
http://www.voatiengviet.com/a/bo-con-roi-o-dai-loan-mot-nguoi-viet-bi-truy-to/3610624.html
Việt Nam và Nga thảo luận mở rộng hợp tác song phương
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh có cuộc đàm phán ở Moscow hôm thứ Năm.
Hai bên sẽ thảo luận việc mở rộng hợp tác song phương trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, khoa học quân sự và các lĩnh vực nhân đạo.
Đặc biệt, hai bên sẽ bàn đến việc Hà Nội từ chối thực hiện chương trình năng lượng hạt nhân quốc gia.
Ông Lavrov nói: “Các bộ trưởng sẽ ký kết một kế hoạch hợp tác giữa bộ ngoại giao hai nước Nga và Việt Nam năm 2017-2018”.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đến Nga “nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa bộ ngoại giao hai nước, so sánh quan điểm về các vấn đề quan tâm chung trên toàn cầu và khu vực, tăng cường phối hợp hành động trên trường quốc tế”, bộ ngoại giao Nga cho biết.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có chuyến thăm chính thức Nga từ ngày 23-25/11 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov.
Theo Tass, chinhphu.vn
http://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-va-nga-thao-luan-mo-rong-hop-tac-song-phuong/3610607.html
Ông Võ Văn Thưởng tiếp xúc cử tri
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đại biểu Quốc hội Võ Văn Thưởng tiếp xúc cử tri ở Đồng Nai, dẹp bỏ tin đồn ông bị bệnh nặng.
Sáng thứ Sáu 25/11, ông Võ Văn Thưởng, người cũng là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, Bí thư Trung ương Đảng, đã có buổi tiếp xúc với cử tri hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Các báo trong nước đăng hình ông tươi cười nói chuyện với cử tri, có vẻ hơi gầy so với trước.
Ông Thưởng được dẫn lời “lưu ý lãnh đạo địa phương về việc không sâu sát nắm tình hình”.
Ông Võ Văn Thưởng nói: “Có vấn đề chỉ cần lãnh đạo ngồi lại nghe và giải quyết cho người dân nửa tiếng là xong nhưng lại để tồn đọng đến cả chục năm”.
Theo Đài Tiếng nói Việt Nam, chính trị gia này cũng nhấn mạnh: “Chuyện của dân là chuyện của cả gia đình, là chuyện lớn, nên chuyện gì đã sai thì cố gắng khắc phục, làm cho nhanh, làm cho tốt”.
Ủy viên trẻ nhất
Thực ra ông Võ Văn Thưởng đã xuất hiện trước công chúng trong lễ tổng kết và trao thưởng Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” tối 17/11 ở Hà Nội.
Tuy nhiên trước đó ông vắng mặt một thời gian dài, gây đồn đoán.
Sinh năm 1970, ông Võ Văn Thưởng là một trong các lãnh đạo trẻ được đánh giá là có triển vọng trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của Đảng CSVN.
Ông vào Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng CSVN tại Đại hội XII, khi mới 46 tuổi, là ủy viên ít tuổi nhất.
Khi được bầu, ông Thưởng nhiều lần nhấn mạnh là làm cán bộ “phải lắng nghe ý kiến của người dân”.