Tin khắp nơi – 25/11/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 25/11/2016

Pháp: Khủng bố mưu toan tấn công ngày 01/12

Tú Anh

Nhóm khủng bố bị bắt hồi cuối tuần trước, nhận lệnh từ lãnh thổ Daech kiểm soát ở Irak-Syria, đã dự định tấn công ở vùng thủ đô Paris vào ngày 01/12/2016. Trên đây là xác định của biện lý tòa án Paris trong cuộc họp báo sáng 25/11.

Trong cuộc họp báo, biện lý François Molins cho biết thêm một số kết quả điều tra sau khi bắt đuợc 7 kẻ tình nghi ở Strasbourg và Marseilles hồi cuối tuần, một phần nhờ mật báo của an ninh Maroc. Trừ hai người được thả, năm nghi can còn lại, gồm bốn người Pháp và một người Maroc, đã được giao cho cơ quan điều tra khủng bố để truy tố.

Theo tài liệu tịch thu được, toán khủng bố nhận lệnh trực tiếp từ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech – ở Irak và Syria. Nhóm này chuẩn bị ra tay vào ngày 01/12, nhưng các nhà điều tra không thể biết chính xác mục tiêu.

Một nguồn tin riêng của AFP cho biết thêm có hàng chục địa điểm đã được toán nghi can khủng bố tìm kiếm trên mạng internet, tất cả nằm trong vùng Paris và vùng phụ cận. Trong số này có cơ quan cảnh sát tư pháp Paris, chợ phiên Giáng sinh trên đại lộ Champs Elysées, công viên giải trí Disneyland Paris, một trạm xe điện ngầm, một số cơ sở tôn giáo, quán cà phê…

http://vi.rfi.fr/phap/20161125-khung-bo-muu-toan-tan-cong-tai-phap-vao-ngay-0112

Interpol dưới quyền Trung Quốc: Có đáng ngại?

Ngày 10/11/2016, Interpol đã bầu ông Mạnh Hồng Vĩ (Meng Hongwei), thứ trưởng Công An Trung Quốc, làm giám đốc tổ chức cảnh sát có 190 nước thành viên, thay thế bà Mireille Ballestrazzi, giám đốc cảnh sát tư pháp của Pháp.

Cuộc bầu cử diễn ra khá âm thầm tại đại hội đồng lần thứ 85 ở Bali (Indonesia), đúng một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, với hai ứng viên, ông Mạnh Hồng Vĩ với 123 phiếu đã thắng đối thủ duy nhất, một người Namibia chỉ nhận được 28 phiếu, để đảm trách nhiệm kỳ 4 năm.

Theo nhật báo Libération (16/11/2016), ngoài quốc tịch của tân giám đốc Interpol, lý lịch nghề nghiệp của Mạnh Hồng Vĩ, cũng khiến giới quan sát lo ngại, trong khi Trung Quốc vẫn thụt lùi trong vấn đề tôn trọng nhân quyền.

Interpol làm nhiệm vụ gì?

Tên gọi chính thức của Interpol là Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế, có trụ sở tại thành phố Lyon, Pháp. Interpol là tổ chức liên chính phủ lớn thứ hai trên thế giới, sau Liên Hiệp Quốc.

Được thành lập năm 1923 tại Vienna, tổ chức cảnh sát này từng nằm trong quyền kiểm soát của Đức quốc xã và được cải tổ lại sau Thế Chiến II. Các nước thành viên đóng góp để Interpol hoạt động. Tuy nhiên, tổ chức không hành động như một lực lượng cảnh sát mà chỉ làm nhiệm vụ lưu trữ, phân tích, điều phối thông tin được cảnh sát các nước thành viên cung cấp về các nghi phạm hay đối tượng bị tình nghi hoạt động khủng bố.

Theo yêu cầu của các nước, Interpol công bố các “lệnh truy nã đỏ”, nhưng không phải là lệnh bắt quốc tế. Đây là cách để Interpol thông báo một lệnh bắt đã được một cơ quan tư pháp của nước thành viên liên quan (đôi khi cũng là của một tòa án quốc tế) phát đi.

Mạnh Hồng Vĩ là ai?

Theo Libération, tân giám đốc Interpol có lý lịch khá đặc biệt. Ông Mạnh Hồng Vỹ, 63 tuổi, là thứ trưởng phụ trách an ninh Trung Quốc. Bộ của ông vẫn bắt giữ, thẩm vấn, bỏ tù các nhà đối lập chính trị, nhà bảo vệ môi trường, luật sư bảo vệ nhân quyền… mà theo khẳng định của bà Maya Wang, thuộc tổ chức Human Rights Watch, họ “có các bằng chứng về tình trạng lạm dụng của bộ Công An, ví dụ tra tấn, giam giữ bữa bãi và trấn áp các nhà bảo vệ nhân quyền”.

Trong quá khứ, ông Mạnh Hồng Vỹ từng đứng đầu lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân Dân, một đơn vị bán quân sự từng xuất hiện trong các đợt trấn áp các cuộc biểu tình, kể cả ở Tây Tạng hay Tân Cương.

Một mối bận tâm khác là ngoài việc giữ chức thứ trưởng Công An, ông Mạnh Hồng Vỹ còn là một nhân vật quan trọng trong đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tờ New York Times từng lưu ý năm 2014 rằng, trong một bài diễn văn trước các sĩ quan cảnh sát, ông Mạnh đã truyền đạt mệnh mệnh cho họ là phải đưa“chính sách, tổ chức của đảng và ý thức hệ lên hàng đầu”.

Ông Bequelin Bequelin, giám đốc Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) tại khu vực Đông Á, nhận định: “Ông Mạnh cũng là phó chủ tịch Uỷ ban tổ chức của Đảng, nằm ngay trong bộ máy an ninh đất nước. Đây là một bộ phận quan trọng, phụ trách bổ nhiệm nhân sự dựa trên cơ sở chính trị, chứ không phải trên tiêu chí chuyên ngành cảnh sát. Nói một cách khác, người ta đang đưa đảng Cộng Sản Trung Quốc vào Interpol”.

Trung Quốc sử dụng Interpol như nào?

Trên website của Interpol, có 160 người bị Trung Quốc truy bắt vì “gian lận”, đó là chưa kể đến các “lệnh truy nã đỏ” không được công bố rộng rãi. Chỉ riêng năm 2015, Bắc Kinh đã phát 100 “lệnh truy nã đỏ”. Một trong số khía cạnh của chiến dịch bài trừ tham nhũng do chủ tịch Tập Cận Bình điều hành từ bốn năm nay, là chiến dịch Skynet với mục tiêu hồi hương các nghi phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài. Theo Tân Hoa Xã, 409 nghi phạm trốn ở nước ngoài đã được đưa về Trung Quốc vào tháng 09/2016.

Thế nhưng, chiến dịch chống tham nhũng này bị nghi ngờ nhằm loại bỏ các nhà đối lập chính trị, trong khi Interpol không có đủ phương tiện để kiểm trả hết các dấu hiệu nhận dạng mà họ nhận được. Tổ chức cảnh sát quốc tế nhắc lại là “các hành động được lực lượng cảnh sát nước thành viên thông qua trong nội bộ không bị quy chế của tổ chức chi phối”.

Libération nêu một trường hợp có thể sẽ bị Bắc Kinh lạm dụng Interpol để phục vụ lợi ích riêng, đó là trường hợp của Dolkun Isa. Nhà đấu tranh ôn hòa người Duy Ngô Nhĩ bảo vệ quyền lợi của tộc người thiểu số Trung Quốc theo Hồi Giáo, hiện đang tị nạn chính trị và được nhập quốc tịch Đức, thường xuyên được mời đi diễn thuyết về nhân quyền trên khắp thế giới. Thế nhưng, vào tháng 06/2016, ông bị Ấn Độ từ chối cấp thị thực do bị Trung Quốc ra lệnh “truy nã đỏ” vì tội “khủng bố”. Điều này lại đi ngược lại hoàn toàn với quy chế của Interpol, theo đó, cấm “mọi hành động can thiệp mang tính chính trị, quân sự, tôn giáo hay chủng tộc”“mọi cách thức liên quan đến hành động can thiệp như sử dụng các kênh hay công cụ”.

Ông Nicolas Bequelin lưu ý : “Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố tính đến việc sử dụng vị trí của ông Mạnh Hồng Vỹ để hỗ trợ chiến dịch chống tham nhũng. Thế nhưng, phần lớn các chiến dịch này lại do Uỷ ban Kỷ luật Trung ương Đảng điều hành và nằm ngoài hệ thống tư pháp hợp pháp. Điều này đi ngược với nhiệm vụ của Interpol” hoạt động theo “tinh thần của bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền”.

Một điểm bất thường khác cũng được bà Maya Wang nêu bật : “Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng rất nhiều lệnh truy nã đỏ của Interpol với mục đích trao đổi nội bộ, để chứng tỏ cuộc chiến chống tham nhũng có nhiều tiến triển. Vấn đề ở chỗ cuộc chiến này lại do một cơ quan kỷ luật tiến hành và sử dụng hệ thống bắt giữ bất hợp pháp các hanggui (nghi phạm bị giam giữ bí mật và không có luật sư bảo vệ).

Việc bổ nhiệm này có ảnh hưởng đến các quyết định của Interpol?

Tổng thư ký của Interpol, Jurgen Stock, người Đức, khẳng định mạng lưới Interpol rất rộng. Chính tổng thư ký là người giám sát công việc hàng ngày của tổ chức, chứ không phải là người đứng đầu ủy ban hành pháp, thường đảm nhiệm “xác định chiến lược của tổ chức và định hướng hành động”.

Nỗi lo lớn nhất của các tổ chức phi chính phủ là cơ chế kiểm soát sẽ bị suy yếu do ban điều hành lại nằm trong tay các nước có xu hướng lạm dụng hệ thống. Thực vậy, bên cạnh giám đốc Interpol là người Trung Quốc, cũng tại Bali, đại diện các nước đã bầu Alexandre Propoktchouck, người Nga, làm phó giám đốc khu vực châu Âu. Dường như để trấn an, phát ngôn viên của Interpol nhấn mạnh rằng đại biểu các nước “cũng đã thông qua những biện pháp mới nhằm tăng cường tính minh bạch của các cơ chế thông tin, trong đó có lệnh truy nã đỏ”.

Hơn nữa, ngay trong trường hợp Interpol ra lệnh truy nã đỏ, các nước thành viên không bị bắt buộc phải dẫn độ những cá nhân bị một chính phủ khác hay một tòa án quốc tế truy nã. Tại Pháp, đã có một trường hợp bắt giữ trong khuôn khổ thỏa thuận dẫn độ giữa Pháp và Trung Quốc, được ký vào năm 2015. Trường hợp dẫn độ nghi phạm đầu tiên chiểu theo thỏa thuận này diễn ra vào tháng 09/2016.

Trở lại trường hợp của nhà đấu tranh người Duy Ngô Nhĩ, theo giải thích của Nicolas Bequelin, “khi ông Dolkun Isa bị bắt (ở sân bay Seoul năm 2009, khi đang đến Diễn Đàn thế giới về dân chủ tại châu Á), chính phủ Đức đã thông báo với Trung Quốc là họ không có bằng chứng cho thấy nhà đấu tranh Duy Ngô Nhĩ đã phạm tội ác chiểu theo luật pháp của Đức hay quốc tế. Nhưng tại một số nước nơi có hệ thống tư pháp yếu kém hơn, có thể sẽ có quyết định trục xuất mà không tuân thủ thủ tục tư pháp thật sự”.

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh tăng cường chiến dịch cảnh sát bên ngoài lãnh thổ để “săn tìm” những người ly khai cùng với sự hỗ trợ của Interpol hoặc không cần, ví dụ như vụ bắt giữ “các nhà sách Hồng Kông”. Giám đốc Ân Xá Quốc Tế tại khu vực châu Á, trích nguồn tin nội bộ, cho biết : “Trung Quốc nổi tiếng trong nội bộ Interpol là một trong những nước đưa ra các yêu cầu mang rõ tính chính trị. Nói chung, các đại diện của tổ chức này đều hiểu rõ quy mô chính trị trong một số yêu cầu. Tuy nhiên, rất nhiều ý định sử dụng Interpol một cách bất hợp pháp đã bị ngăn chặn hay bị buộc từ bỏ. Nhưng thật sự là không có cơ chế kiểm soát minh bạch và có hệ thống”.

Một trường hợp khác gần đây được cho là định sử dụng các bộ phận của Interpol nhằm mục đích chính trị là trường hợp Nikita Kulachenkov, một nhà đấu tranh chống tham nhũng người Nga và thân cận với nhà đối lập Alexei Navalny. Tháng 01/2016, ông Nikita Kulachenkov bị tạm giam vài ngày ở đảo Chypre vì bị lưu trong danh sách “tội phạm” của Interpol do đã ăn cắp một đồ vật trị giá 1,5 euro. Libération đặt câu hỏi: Liệu trường hợp này có khiến tân phó giám đốc Interpol, từng là thành viên của bộ Nội Vụ Nga từ năm 2003, xúc động hay không ?

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161125-interpol-nam-duoi-quyen-mot-cuu-lanh-dao-canh-sat-trung-quoc

 

Liên Hiệp Châu Âu tái khẳng định ủng hộ Ukraina

Trọng Thành

Trong thượng đỉnh Ukraina – châu Âu ngày 24/11/2016, các lãnh đạo châu Âu tái khẳng định ủng hộ Kiev và hứa sẽ tiếp tục cứng rắn với Nga.

Báo chí Pháp dẫn lời chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, theo đó việc dỡ bỏ trừng phạt kinh tế với Nga phụ thuộc vào việc thực thi hoàn toàn các thỏa thuận hòa bình Minsk. Theo chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, nếu hòa bình chưa trở lại tại Ukraina và nếu chủ đề này được đưa ra thảo luận trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, 28 nước cần khẳng định sẽ gia hạn trừng phạt Nga.

Cũng trong thượng đỉnh lần thứ 18 giữa Liên Hiệp Châu Âu và Ukraina nói trên, hai bên đã ký kết một thỏa thuận chiến lược mới về năng lượng. Văn bản thỏa thuận này khẳng định tầm quan trọng chiến lược Ukraina, với tư các là quốc gia trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Nhóm 28 nước cũng quyết định sẽ miễn visa cho công dân Ukraina sang châu Âu, « quyết định này chính là sự thừa nhận các nỗ lực của Ukraina đáp ứng các tiêu chuẩn của Liên Hiệp Châu Âu, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu giải thích ». Tuy nhiên, hai bên cũng chưa đưa ra một thời điểm cụ thể cho việc thực hiện thỏa thuận.

Về quan hệ với Hoa Kỳ, tổng thống Ukraina cũng trấn an châu Âu. Nguyên thủ Ukraina khẳng định có được sự ủng hộ của hai đảng trong Quốc Hội Mỹ, cũng như sự ủng hộ của tổng thống tân cử. Ông Porochenko cho biết, đã có cuộc điện đàm với tổng thống tân cử Donald Trump ngày 24/11.

Về phía nước Nga, ngoại trưởng Lavrov ngày 24/11 tuyên bố sẵn sàng tham gia cuộc họp bộ Tứ về Ukraina, nếu Pháp và Đức ủng hộ sáng kiến này. Sáng kiến nói trên do ngoại trưởng Đức đưa ra hôm thứ Ba.

Cũng liên quan đến Ukraina, một tòa án Kiev đã có cuộc thẩm vấn cựu tổng thống bị lật đổ Ianoukovitch ngày 25/11 qua truyền hình. Cựu tổng thống Ukraina hiện đang sống lưu vong tại Nga.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161125-lien-hiep-chau-au-tai-khang-dinh-ung-ho-ukraina

 

Irak : Khủng bố tại Hilla,

80 người chết, đa số là người Iran

Mai Vân

Một chiếc xe gài bom đã phát nổ ngày 24/11/2016 ở thành phố Hilla, phía nam Bagdad, Irak, làm thiệt mạng khoảng 80 khách hành hương, phần đông là người Iran. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo lên tiếng thừa nhân vụ tấn công.

Đoàn xe hành hương ngừng tại một trạm xăng khi một chiếc xe tải chở 500 lít nitrate ammonium phát nổ. Đây là đoàn hành hương trên đường về từ Kerbala, thành phố thánh của người theo hệ phái Shia, cho nên đa số nạn nhân là người Iran. Theo thứ trưởng Ngoại Giao Iran, trong số người thiệt mạng có đến 40 người Iran và 20 người khác bị thương.

Thông tín viên RFI, Siavosh Ghazi tường thuật từ Téhéran :

“Đây là số người hành hương Iran chết nhiều nhất ở Irak trong những năm gần đây. Năm nay, người Iran đã đổ về Irak tham gia lễ Arbain, tức lễ kỷ niệm ngày thứ 40 sau cái chết của giáo sĩ Hussein, cháu của nhà Tiên Tri, chết trong trận chiến ở Kerbala năm 680, và được người Hồi Giáo hệ phái Shia tôn thờ.

Theo số liệu của Téhéran, có hơn 2 triệu người Iran đến Kerbala nhân dịp này. An ninh được tăng cường cẩn mật vì trong những năm gần đây tổ chức thánh chiến luôn nhắm vào sự kiện trọng đại này. Lễ Arbain đã trở thành một biểu tượng đối với người Hồi Giáo Shia. Hàng năm, hàng triệu người từ Iran, Afghanistan hay Pakistan và ở Irak đều tham gia vào dịp lễ, từng bị cấm thời Saddam Hussein.

Về phía Iran, chính quyền luôn khuyến khích cuộc hành hương nhân ngày này, được coi là biểu tượng của sự đoàn kết của người Hồi Giáo Shia trong vùng. Ngoài ra, Iran ngày nay đang cùng các chính quyền Irak cũng như Syria chống lại tổ chức thánh chiến Nhà Nước Hồi Giáo hay Al Qaeda. 

Một viên chức Ngoại Giao Iran đã khẳng định vụ khủng bố hôm qua (24/11) sẽ bị trừng phạt”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161125-irak-khung-bo-tai-hilla-80-nguoi-chet-da-so-la-nguoi-iran

 

Chính sách cấm lưu hành giấy bạc thất bại,

Ấn Độ đổi chính sách

Trọng Thành

Để chống tham nhũng, chính phủ Ấn Độ ngày 09/11/2016 đã ra quyết định ngừng lưu hành các tờ bạc có trị giá 500 và 1000 rupi. Biện pháp này đã khiến đất nước hơn một tỉ dân này lâm vào khủng hoảng tiền mặt trầm trọng, vì các giấy bạc nói trên chiếm đến 86% lượng tiền mặt trong nước. Cách nay ít hôm, New Delhi buộc phải thay đổi chính sách. Tuy nhiên, các biện pháp mới dường như cũng không mang lại nhiều hy vọng cải thiện tình hình.

Thông tín viên Antoine Guinard tường trình từ New Delhi:

« Người Ấn Độ từ giờ có thể thanh toán các khoản tiền với mức 20.000 rupi, tương đương 275 euro, thay vì 140 euro, theo quy định trước đây, với việc sử dụng các thẻ thanh toán điện tử. Cho đến ngày 31/12/2016, các tiểu thương có quyền gửi 700 euro vào tài khoản ngân hàng, trong khi giới hạn được phép trước đó chỉ là một nửa. Trên đây là một số biện pháp mà Ngân Hàng Trung Ương Ấn Độ thông báo hôm thứ Ba, 22/11, để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc người dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt. 

Đầu tuần này, chính quyền Ấn Độ cũng thông báo sẽ bãi bỏ các chi phí cho giao dịch bằng thẻ ngân hàng, cho đến ngày 31/12, với mục đích khuyến khích các hoạt động thanh toán điện tử. Tuy nhiên, đối với ông Pronab Sen, cựu chủ tịch ủy ban quốc gia về thống kê, biện pháp này sẽ không có tác động đáng kể đến đa số dân chúng. 

Theo ông, để biện pháp này có hiệu quả, hệ thống ngân hàng phải trải rộng trên khắp lãnh thổ, trong khi đó, tại Ấn Độ, tình hình là ngược lại, rất nhiều nơi không có ngân hàng. Đó là chưa kể đến vấn đề thẻ tín dụng. Rõ ràng việc này cần phải có thời gian ». 

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161125-an-do-chinh-sach-cam-luu-hanh-giay-bac-that-bai-new-delhi-phai-doi-chinh-sach

 

Miến Điện : LHQ tố cáo

chiến dịch “thanh lọc chủng tộc” Rohingya

Mai Vân

Theo hãng tin Pháp AFP, ngày 25/11/2016, một đại diện Liên Hiệp Quốc tại Bangladesh đã tố cáo : Miến Điện đang bắt đầu tiến hành một cuộc « thanh lọc chủng tộc » nhắm vào cộng đồng thiểu số Hồi Giáo Rohingya. Bangladesh là nước đã phải tiếp nhận hàng ngàn người thuộc cộng đồng này từ Miến Điện chạy qua lánh nạn trong những ngày gần đây.

Trả lời truyền thông quốc tế, ông John McKissick, giám đốc Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc HCR tại thị trấn Bazar Cox ở phía nam Bangladesh, giáp giới với Miến Điện, đã ghi nhận lời chứng của người tị nạn Rohingya về những vụ hãm hiếp tập thể, tra tấn, giết người và thảm sát hàng loạt. Thủ phạm các vụ này là quân lính Miến Điện tại vùng miền Tây, nơi có hàng chục ngàn người Rohingya sinh sống.

Theo ông John McKissick, căn cứ vào các lời chứng, thì đó quả là những hành động « thanh lọc chủng tộc ». Theo Liên Hiệp Quốc, kể từ khi quân đội Miến Điện bắt đầu trả đũa vụ tấn công đồn biên phòng tại vùng biên giới với Bangladesh hồi đầu tháng Mười, đã có 30.000 người phải bỏ nhà cửa chạy qua nước láng giềng tìm đường lánh nạn.

Tuy nhiên, bất chấp áp lực từ cộng đồng quốc tế thúc giục họ mở cửa biên giới để không xảy ra một thảm họa nhân đạo, chính quyền Bangladesh lại kêu gọi Miến Điện có « biện pháp khẩn cấp » để tránh việc người Rohingya chạy qua Bangladesh.

Theo ông McKissick, chính quyền Bangladesh không thể tuyên bố mở cửa biên giới vì điều đó « có thể khuyến khích chính quyền Miến Điện tiếp tục những hành vi tàn bạo để truy bức người Rohingya và đạt được mục tiêu tối hậu là thanh lọc Miến Điện để không còn sắc tộc thiểu số Hồi Giáo này ».

Cáo buộc nói trên đã bị ông Zaw Htay, người phát ngôn của chính phủ Miến Điện của bà Aung San Suu Kyi cực lực phản đối. Trả lời hãng AFP, nhân vật này « tự hỏi về tính chuyên nghiệp và đạo đức của quan chức Liên Hiệp Quốc ». Theo ông Zaw Htay, Liên Hiệp Quốc phải nói chuyện trên cơ sở các sự kiện cụ thể và được kiểm chứng, chứ không nên tố cáo vô căn cứ.

Vấn đề theo AFP là các nhà báo và nhân viên hoạt động nhân đạo không được quyền vào khu vực đang có chiến dịch của quân đội.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161125-mien-dien-lien-hiep-quoc-to-cao-chien-dich-%C2%AB-thanh-loc-chung-toc-%C2%BB-rohingya

 

Bầu sơ bộ phe hữu Pháp : “Cứng rắn” lấn át “ôn hòa”

Tú Anh

Tên tuổi ứng cử viên phe trung hữu sẽ được cử tri quyết định trong vòng hai sơ bộ vào ngày Chủ nhật 27/11/2016 . Ngày 24/11, trong cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai đối thủ vào chung kết, phần thắng có vẻ nghiêng về cựu thủ tướng François Fillon, đại diện xu hướng tự do. Cựu thủ tướng Alain Juppé kỳ vọng vào thành phần cánh tả trợ sức lật ngược thế cờ.

Cuộc tranh luận làm sáng tỏ cương lĩnh của hai ứng cử viên muốn đại diện cánh hữu diễn ra trong bầu không khí lịch sự, ôn hoà, nhưng không khoan nhượng.

Mỗi người bảo vệ chặt chẽ quan điểm khác biệt của mình, từ kéo dài số giờ làm việc hàng tuần, biên giảm công chức, tăng tuổi về hưu, cho đến công nhận hay chống phá thai. Khi ông François Fillon giải thích chủ trương « làm 39 giờ trả lương 37 giờ », thì đối thủ Alain Juppé chỉ đáp nhẹ nhàng : không làm được đâu nhé.

Theo một kết quả thăm dò ý kiến sau cuộc tranh luận truyền hình (được hơn 8,5 triệu khán giả theo dõi ), ông François Fillon thắng thế với 57% trong khi đối thủ Alain Juppé được 41%.

Trong vòng một sơ bộ François Fillon bất ngờ vượt lên hạng nhất, vừa đánh bại cựu tổng thống Nicolas Sarkozy vừa qua mặt ông Alain Juppé đến 16 điểm, người đã dẫn đầu mọi kết quả thăm dò ý kiến cho đến tận ngày bỏ phiếu.

Theo dự báo của giới phân tích, trong bối cảnh phe tả suy yếu chia rẽ, đại diện của phe trung hữu sẽ đụng với ứng cử viên đảng cực hữu bài ngoại Marine Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 05/2017 và có nhiều xác xuất sẽ là tổng thống tương lai của Pháp.

Liệu ông Alain Juppé có cơ may lật ngược thế cờ trong cuộc bầu vòng hai sơ bộ vào Chủ nhật 27/11 này hay không ? Đáp án nằm trong tay cử tri đảng Xã Hội cũng như những người tuy đồng ý đã đến lúc nước Pháp cần phải thay đổi sâu rộng, nhưng muốn cải cách trong ôn hòa và bảo vệ thụ đắc an sinh xã hội.

http://vi.rfi.fr/phap/20161125-bau-so-bo-phe-huu-phap-cung-ran-co-ve-thang-on-hoa

 

Hàn Quốc : Bỏ phiếu

truất phế tổng thống vào thượng tuần tháng 12?

Mai Vân

Nhiều dân biểu đối lập Hàn Quốc vào ngày 24/11/2016 cho biết là một cuộc bỏ phiếu về việc truất phế tổng thống Park Geun Hye sẽ diễn ra vào tuần tới đây. Ngày càng đông dân biểu thuộc đảng cầm quyền Saenuri lần lượt đứng về phía đối lập và muốn truất phế vị tổng thống bị vướng vào vụ tai tiếng « quân sư Choi ».

Dân biểu đảng Dân Chủ (đối lập) Woo Sang Ho, cho biết là đang tìm cách tổ chức một cuộc bỏ phiếu truất phế tổng thống, nếu được, ngay vào ngày 02/12, và chậm nhất là ngày 09/12 tới đây. Một dân biểu hàng đầu trong đảng cầm quyền Saenuri cũng xác định rằng một cuộc biểu với mục đích trên có thể diễn ra từ đây đến ngày 09/12.

Đảng Dân Chủ đối lập và các dân biểu độc lập chỉ chiếm được 171 ghế trên tổng số 300 ghế Quốc Hội, trong lúc để truất phế tổng thống thì phải hội đủ 2/3 số đại biểu.

Theo giới quan sát cho đến gần đây, phe đối lập vẫn thận trọng chưa muốn sử dụng đến vũ khí truất phế vì không nắm chắc phần thắng nếu diễn ra một cuộc bầu cử trước thời hạn khi tổng thống bị truất phế. Nhiệm kỳ tổng thống của bà Park Geun Hye kết thúc vào tháng 02/2018.

Tuy nhiên, ngày 23/11, cựu lãnh đạo đảng Saenuri ông Kim Moo Sung đã lên tiếng cho là tổng thống Park Geun Hye phải bị truất phế vì đã vi phạm Hiến Pháp. Đến nay, đã có 30 nghị sĩ đảng cầm quyền chấp thuận việc truất phế.

Vấn đề là để sự kiện hiếm hoi này đi đến nơi đến chốn, cần phải đợi Tòa Bảo Hiến cho ý kiến, một tiến trình có thể mất nhiều thời gian.

Vụ tai tiếng liên quan đến Choi Soon-Sil, người bạn « quân sư » của bà Park Geun Hye, bị tố cáo can thiệp vào công việc nhà nước, lợi dụng quan hệ thân thiết với tổng thống để tống tiền, buộc các tập đoàn Hàn Quốc rót tiền vào quỹ mà bà sáng lập… ngày càng phình lên. Bản thân tổng thống còn bị tố cáo là đã « câu kết » với bà Choi.

Trong khi đó thì người dân Hàn Quốc liên tục xuống đường đòi bà Park Geun Hye từ chức. Điểm tín nhiệm của bà xuống mức thấp kỷ lục : chỉ còn 4% người tin tưởng, theo kết quả thăm dò của Gallup Korea, công bố ngày 25/11.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161125-han-quoc-bo-phieu-truat-phe-tong-thong-vao-thuong-tuan-thang-12

 

Thổ Nhĩ Kỳ : Erdogan dọa để tị nạn tràn sang châu Âu

Tú Anh

Nếu Bruxelles đóng cửa với Ankara, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở cửa biên giới cho làn sóng di dân tràn sang Liên Hiệp Châu Âu. Trên đây là lời đe dọa của tổng thống Erdogan một ngày sau khi Nghị Viện Strasbourg biểu quyết nghị quyết kêu gọi ngưng tiến trình đàm phán cho phép Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Ngày 25/11/2016, tại Istanbul, trong bài diễn văn mang lời lẽ đe dọa, tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ ngưng thi hành thỏa thuận ngăn chận di dân đổi lấy viện trợ kinh tế và lời hứa cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.

Ông tuyên bố : « Khi 50.000 di dân chờ chực ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgari (năm 2015) thì châu Âu kêu gọi giúp đỡ. Bây giờ mấy ông tính sao nếu Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới ? Nếu mấy ông đi quá xa thì biên giới này sẽ mở ra ». Hiện nay có khoảng 2,7 triệu người tị nạn đang tạm trú tại Thổ Nhĩ Kỳ, đa số là người Syria.

Quan hệ giữa chính quyền Erdogan và châu Âu trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây vì chính sách đàn áp chính trị và nhân quyền gia tăng quá mức từ sau cuộc đảo chính hụt hồi trung tuần tháng Bẩy.

Trong bối cảnh này, ngày 24/11, Nghị Viện châu Âu thông qua một nghị quyết không mang tính trói buộc, kêu gọi đình hoãn tiến trình xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của Ankara.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161125-tho-nhi-ky-erdogan-de-doa-cho-ti-nan-tran-sang-chau-au

 

Thủ tướng Nhật bất bình Nga đặt tên lửa tại Kuril

Tú Anh

Bình luận về sự kiện Nga vừa đưa nhiều dàn tên lửa di động tới quần đảo tranh chấp Kuril, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm qua, 25/11/2016, cho biết ông thất vọng vì hành động tăng cường vũ trang của Matxcơva tại « vùng lãnh thổ bất khả phân » của Nhật Bản.

Bốn đảo nằm giữa Bắc Hải Đạo (Hokkaido) và mũi Kamchka cực nam của Nga bị Matxcơva kiểm soát từ sau khi Thế Chiến thứ hai kết thúc. Ngày 22/11/2016, truyền thông Nga loan tin nhiều dàn tên lửa phòng không có tầm bắn 300 km đã được đưa ra đảo Kounachir.

Trong buổi điều trần tại Thượng Viện Nhật ngày 25/11, thủ tướng Shinzo Abe cho biết qua các kênh ngoại giao, chính phủ đã nhiều lần khuyến cáo Nga tôn trọng lập trường của Nhật (không chấp nhận quân sự hóa khu vực tranh chấp) nhưng cuối cùng Nga vẫn bất chấp và đã đưa tên lửa đến quần đảo « thuộc chủ quyền của Nhật ». Tuy vậy, thủ tướng Nhật chỉ phản ứng nhẹ nhàng gọi sự kiện này là chuyện « đáng tiếc ».

Theo Reuters, động thái của Nga bố trí tên lửa tại Kuril gây thất vọng cho thủ tướng Nhật diễn ra vào lúc Tokyo chuẩn bị đón tiếp tổng thống Vladimir Putin vào hai ngày 15 và 16/12/2016. Mục đích của chuyến công du này là « phát huy mối quan hệ song phương và giải quyết tranh chấp lãnh thổ ».

Thứ Tư 23/11, Matxcơva đã trấn an Tokyo với luận điểm các dàn tên lửa phòng không K300P Bastion B sẽ không tác hại đến nỗ lực « tìm kiếm một hiệp định hòa bình » với Tokyo.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161125-thu-tuong-nhat-bat-binh-nga-dat-ten-lua-tai-kuril

 

Giới tiêu thụ Mỹ

hưởng ứng chương trình khuyến mãi ‘Thứ Sáu Đen’

Ngay khi người dân Mỹ chưa ăn xong buổi tiệc Lễ Tạ ơn thì nhiều người đã xếp hàng – một số nơi còn cắm lều trại – bên ngoài các cửa hàng để mong có cơ hội mua hàng giảm giá vào dịp Black Friday – Thứ Sáu Đen. 

Trên khắp nước, từ Florida sang Ohio, đến California, người mua sắm xếp hàng dài và dựng lều trại bên ngoài các cửa hiệu sắp mở cửa để mua hàng giảm giá nhân dịp Lễ Tạ ơn.

Từ 6 giờ sáng ngày thứ Năm, siêu thị Kmart đã bán hàng giảm giá, các cửa hàng lớn như JCPenney, Best Buy và Target mở cửa suốt cả ngày.

Từ chiều thứ Năm, khách tiêu thụ đổ xô đến cửa hàng Macy ở thành phố New York để mua sắm, họ xông vào ngay khi cửa tiệm mở cửa, khởi đầu mùa mua hàng giảm giá Black Friday.

Macy cho biết khi mở cửa lúc 5 giờ chiều hôm qua, có đến 16.000 khách xếp hàng ở trước cửa hiệu ở khu Manhattan.

Nhiều trung tâm thương mại mở cửa vào chiều tối thứ Năm hoặc vào sáng sớm thứ Sáu.

Black Friday, là ngày thứ Sáu ngay sau Lễ Tạ ơn, từ lâu là ngày khởi đầu mùa mua sắm ở Hoa Kỳ.

Thứ Sáu Đen là ngày các nhà bán lẻ kiếm ra nhiều lợi nhuận nhất – sổ sách kế toán chuyển từ “màu đỏ”, “tức là lỗ”, sang “màu đen”, tức là “lãi”.

http://www.voatiengviet.com/a/gioi-tieu-thu-my-huong-ung-chuong-trinh-khuyen-mai-thu-sau-den/3611436.html

 

Đảng Xanh huy động 2,5 triệu đôla

để đếm lại phiếu bầu tổng thống ở Wisconsin

Ứng cử viên tổng thống Đảng Xanh Jill Stein hôm thứ Năm đã đạt được chỉ tiêu 2,5 triệu đôla tiền quyên góp để yêu cầu kiểm phiếu lại tại Wisconsin, một trong ba bang nơi bà định yêu cầu kiểm tra lại kết quả bầu cử tổng thống, theo ban vận động của bà.

Bà Stein sẽ yêu cầu Wisconsin xác minh tổng số phiếu bầu do máy điện tử đếm mà ban vận động của bà nói là “rất dễ bị tin tặc xâm nhập và bị lập trình lại có ác ý” trong một thông cáo trên website của mình.

Bà cũng đang nỗ lực huy động thêm 2 triệu đôla nữa để yêu cầu tái kiểm phiếu ở bang Michigan và bang Pennsylvania, những nơi mà hạn chót để nộp giấy tờ cần thiết là tuần sau.

Những chuyên gia bầu cử đã xác định Wisconsin, Michigan và Pennsylvania là những bang có “những bất thường thống kê,” theo ban vận động của bà Stein.

“Chúng ta xứng đáng có được những cuộc bầu cử mà chúng ta có thể tin tưởng,” ban vận động của bà nói.

Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump vượt qua ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton với cách biệt mong manh ở ba bang chiến trường này trong khi ông sắp sửa giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8 tháng 11. Trước cuộc bầu cử, nhiều cuộc khảo sát cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump.

Mặc dù bà Clinton thắng số phiếu phổ thông, ông Trump thắng số phiếu Đại Cử tri Đoàn với cách biệt khá lớn. Đây mới là những phiếu quyết định ai sẽ là tổng thống Mỹ. Bà Stein giành được một ít hơn 1 phần trăm số phiếu phổ thông.

“Nỗ lực kiểm lại phiếu của chúng tôi không có chủ đích giúp Hillary Clinton,” ban vận động của bà Stein nói.

Những chuyên gia bầu cử đang kêu gọi bà Clinton yêu cầu đếm lại bằng tay những phiếu giấy và rà soát lại máy bỏ phiếu ở ba bang này, giáo sư khoa học máy tính J. Alex Halderman của Đại học Michigan viết trong một bài tiểu luận.

Một cuộc kiểm tra như vậy “sẽ giúp xoa dịu nghi ngờ và cho cử tri niềm tin xác đáng rằng kết quả là chính xác,” ông Halderman viết trên Medium.com, một website mà người dùng có thể tự đăng những bài viết và bài tiểu luận của mình.

Lời giải hợp lý nhất cho việc những cuộc khảo sát đã dự báo sai chiến thắng của bà Clinton là những cuộc khảo sát “đã sai một cách có hệ thống” chứ không phải là cuộc bầu cử bị tin tặc xâm nhập, ông viết.

http://www.voatiengviet.com/a/dang-xanh-huy-dong-2-phay-5-trieu-dola-de-dem-lai-phieu-bau-tong-thong-o-wisconsin/3610629.html

 

Nhiều vụ nổ ở Afghanistan, 5 người chết, 27 người bị thương

Giới chức Afghanistan cho biết 5 người thiệt mạng và 27 người bị thương trong nhiều vụ nổ xảy ra hôm nay, thứ Sáu 25/11 ở tỉnh Nangarhar ở miền đông Afghanistan.

Giới chức địa phương cho VOA biết trong số các nạn nhân ở Jalalabad có 2 cảnh sát và một số trẻ em.

Người phát ngôn của chính quyền tỉnh, ông Attahullah Khogyani cho biết Tỉnh trưởng Gulab Mangal đã cam kết sẽ làm rõ vụ này và sẽ tiến hành điều tra.

Hiện không có ai hoặc tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Tuy nhiên, phiến quân Taliban và Nhà nước Hồi giáo từng thực hiện các cuộc tấn công tương tự trong quá khứ.

http://www.voatiengviet.com/a/nhieu-vu-no-o-afghanistan-5-nguoi-chet-27-nguoi-bi-thuong/3611549.html

 

Thỏa thuận tình báo Nhật-Hàn ký gấp

gây hoang mang ở Hàn Quốc

Bruce Harrison

Những bất đồng lịch sử vẫn hằn sâu giữa hai nước, và không rõ liệu một thỏa thuận quân sự có thể được coi như một ngọn đuốc soi đường để tạo dựng các mối quan hệ nồng ấm hơn giữa hai bên, xét Nhật Bản từng xâm chiếm và cai trị Triều Tiên như một thuộc địa.

Ngay trong lúc này, bà Park Geun Hye đang chật vật chống chọi để duy trì chiếc ghế tổng thống, sau khi bị tố cáo là tòng phạm trong một vụ tai tiếng tham nhũng và hành vi lạm dụng chức quyền và bòn rút tiền của. Các nhà phân tích nói rằng nếu bà Park sống sót qua một tiến trình luận tội có khả năng được tiến hành, thì có phần chắc bà sẽ tại vị cho đến hết nhiệm kỳ, nhưng không nắm thực quyền trong tay.

Theo Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA), Seoul và Tokyo giờ có thể chia sẽ trực tiếp một số tin tức tình báo liên quan tới Bắc Triều Tiên.

Thỏa thuận này cho phép hai bên không cần thông qua Hoa Kỳ, nước thường đứng trung gian về thông tin tình báo kể từ cuối năm 2014.

Gấp rút thông qua thỏa thuận

Năm 2012 dưới thời cựu tổng thống Lee Myung-bak, sự chống đối của công chúng đã khiến thỏa thuận này bị trật hướng. Nhưng trong tuần này, thỏa thuận đã được ký kết tương đối dễ dàng sau khi được Tổng thống Park Geun Hye và nội các của bà thông qua.

Các đảng đối lập ở Nam Triều Tiên cho biết họ dự tính cuối tháng này sẽ gởi đề xuất bãi nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-koo vì đã ký thỏa thuận này với Nhật Bản.

Những người chống đối thỏa thuận chia sẻ tình báo với Nhật Bản, nhiều người biểu tình bên ngoài Ðại sứ quán Nhật Bản và trụ sở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nói rằng bà Park đã gấp rút thông qua thỏa thuận này vào lúc đất nước bị chia trí về vụ bê bối tham nhũng bao trùm lấy chính quyền của bà Park.

Ông Choi Jong-kyun, giáo sư môn khoa học chính trị tại Đại học Yonsei ở Seoul, so sánh vụ bê bối tham nhũng nhu một hố đen lớn, hút mọi thứ vào.

Ông Choi cho biết: “Sau cùng, công chúng muốn Tổng thống Park rời khỏi chính trường. Trong chính quyền mới của phe đối lập, tôi tin là họ có thể đảo ngược mọi thứ mà bà Park đã ký trong Thỏa thuận GSOMIA và những điểm khác mà họ bất đồng với bà Park.”

Giáo sư Choi cũng nói về thời điểm ký thỏa thuận GSOMIA cũng đặt ra nghi vấn về sự cần thiết của thoả thuận này: “Câu hỏi được đặt ra là tại sao vào lúc này, tại sao lại gấp rút như vậy? Có phải chúng ta chưa có đủ thông tin chia sẻ với Mỹ về Bắc Triều Tiên? Nếu chúng ta không có thỏa thuận chia sẻ tình báo bày với Nhật Bản, thì liệu chúng ta có rơi vào tình thế nguy cấp hay không?”

Một cuộc thăm dò dư luận mới đây do hãng Gallup Korea thực hiện cho thấy 60% người trả lời phản đối thỏa thuận mới ký.

Tăng cường an ninh

Nhưng thỏa thuận mới này được ký vào lúc Bắc Triều Tiên tăng mạnh chương trình hạt nhân của họ, nhất là trong năm nay với hai vụ thử thiết bị hạt nhân và các vụ phóng thử tên lửa tầm xa.

Ông Mark Fitzpatrick, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Mỹ (IISS) nói rằng thỏa thuận được ký hôm 23/11 đã quá muộn.

Ông cho biết: “Sự kiện thỏa thuận mới được ký không nên đặt ra nghi vấn nào. Những người chống đối thỏa thuận này tỏ ra thiển cận và hời hợt. Đây là một sự hợp tác quan trọng để chống lại một kẻ thù chung, một kẻ thù đang trở nên mạnh hơn và hung hãn hơn.”

Ông Fitzpatrick nói bất chấp những kết nối quân sự trực tiếp mới giữa Tokyo và Seoul, ông tin chắc rằng khối lượng thông tin tình báo sẽ không giảm, và tốc độ nhận thông tin của các lực lượng Mỹ không bị chậm lại.

Tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter hoan nghênh thỏa thuận vừa ký. Ông nói thỏa thuận sẽ giúp hai đồng minh thân nhất của Mỹ ở Đông bắc Á tăng cường khả năng quốc phòng chống lại “sự hung hãn của Bắc Triều Tiên.”

Tức giận

Đây không phải là thỏa thuận chia sẻ tình báo độc nhất. Hàn Quốc có những thỏa thuận tương tự với hàng chục nước khác với những điều khoản thân thiện hơn so với thỏa thuận ký với Nhật Bản.

Nhưng với nhiều người Triều Tiên, thỏa thuận với Nhật Bản được xem là phản bội đất nước.

Giáo sư Choi nhận định: “Người Triều Tiên chúng tôi còn những vấn đề về hòa giải cần giải quyết với Nhật Bản. Các thành phần theo chủ nghĩa quốc gia chống lại bất cứ điều gì mang tính hợp tác với Nhật Bản, nhất là những vấn đề quân sự.”

Ông Choi tin rằng thỏa thuận này là một phần trong cơ cấu đồng minh của Mỹ để củng cố nền tảng trong khu vực nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Anh Hwangbo Oojin, một sinh viên đại học tham gia biểu tình trước Ðại sứ quán Nhật Bản ở Seoul, nói: “Tôi nghĩ rằng Hàn Quốc chưa thể ký kết thỏa thuận này bởi vì những vấn đề trong quá khứ với Nhật Bản, chẳng hạn như vấn đề ‘an ủy phụ’ chưa được giải quyết. Đây là một thời điểm chưa thích hợp để ký thỏa thuận này, xét theo tình hình xáo trộn chính trị đang diễn ra ở Nam Triều Tiên.”

http://www.voatiengviet.com/a/thoa-thuan-tinh-bao-nhat-han-ky-gap-gay-hoang-mang-o-han-quoc/3611390.html

 

Cháy lớn tại nhiều khu vực ở Israel

Hôm 25/11, lính cứu hỏa Israel đã khống chế được một trận hỏa hoạn lớn lan rộng tại thành phố Haifa, thành phố lớn thứ ba của Israel, khiến hàng chục ngàn cư dân phải chạy đi lánh nạn, nhưng vẫn phải dồn nỗ lực để dập tắt hàng chục đám cháy đã bùng phát trên khắp lãnh thổ Israel sang ngày thứ tư liên tiếp.

Hàng chục ngàn người đã được sơ tán giữa lúc các lực lượng cảnh sát và các đơn vị cứu hỏa được triển khai đến khu vực Haifa vì lo sợ các đám cháy có thể sẽ bùng phát trở lại vì thời tiết khô hạn và có nhiều gió.

Dù đám cháy chưa gây ra thương vong nghiêm trọng, nhưng hàng chục người phải nhập viện vì bị ngạt. Hàng trăm ngôi nhà bị hư hại, và trong một động thái khác thường, Israel hôm 24/11 đã điều động quân nhân trừ bị đến hỗ trợ cảnh sát và lính cứu hỏa, đồng thời nhờ đến máy bay cứu hỏa do một số nước phái đến giúp.

Cảnh sát cho biết 12 người trên khắp nước đã bị bắt vì tình nghi gây ra hỏa hoạn. Báo Jerusalem Post đưa tin Cơ quan An Ninh Israel, tức Shin Bet, đang điều tra nguyên nhân gây ra các vụ hỏa hoạn.

http://www.voatiengviet.com/a/chay-lon-tai-nhieu-khu-vuc-o-israel/3611359.html

 

Người Tân Cương bị tịch thu hộ chiếu

Giới chức Trung Quốc bắt đầu tịch thu hộ chiếu của những người sống tại vùng Tân Cương ở miền Tây, nơi từng thường xuyên xảy ra tình trạng bất ổn.

Chính phủ nói đây là bước đi nhằm chống ‘chủ nghĩa khủng bố’. Tuy nhiên, điều này bị các nhóm nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ.

Nhiều người Hồi giáo ở Tân Cương nói họ phải đối diện tình trạng phân biệt đối xử rộng khắp.

Chính phủ Trung Quốc rất muốn xóa sổ tình trạng bạo lực nổ ra lẻ tẻ ở tỉnh này, điều mà giới chức quy trách nhiệm cho các tay súng Hồi giáo.

Người Uighurs, chiếm 45% dân số Tân Cương, thường khiếu nại về việc bị từ chối cấp giấy thông hành.

Hồi tháng Sáu, cảnh sát Tân Cương đã ra lệnh cư dân phải cung cấp mẫu ADN và dữ liệu sinh học khi nộp đơn xin giấy thông hành.

Theo quy định mới, tất cả những ai sống tại Tân Cương đều phải nộp lại hộ chiếu, giấy tờ đi lại cho cảnh sát để “giữ gìn”.

Phóng viên BBC Stephen McDonell tại Bắc Kinh nói toàn bộ cư dân nay phải nộp đơn xin phép khi muốn ra khỏi đất nước thì mới được xét cho nhận lại hộ chiếu.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói đây là việc vi phạm quyền tự do di lại.

Hội người Uighur Thế giới nói tuy các biện pháp mới bề ngoài có vẻ như áp dụng với toàn bộ cư dân, nhưng thực ra là nhắm vào cộng đồng người Uighur.

Trong những năm qua, giới chức Trung Quốc đã quy trách nhiệm về các cuộc tấn công cho các tay súng Uighur, những người giới chức nói là chịu ảnh hưởng hoặc được hỗ trợ bởi các nhóm khủng bố nước ngoài.

Các lãnh đạo Uighur bác bỏ việc họ đứng đằng sau tình trạng bạo lực trên.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38108647

 

EU cứng rắn trong việc thương thảo Brexit

Các nhà lãnh đạo EU không chơi trò “tháu cáy” khi nói Anh quốc sẽ không được tiếp cận thị trường chung nếu không chấp nhận tự do di chuyển khi nước này rời khối EU, thủ tướng Malta phát biểu.

Ông Joseph Muscat, Thủ tướng Malta, nước sẽ làm chủ tịch EU từ tháng 1/2017, nói với BBC “đây thực sự là quan điểm của chúng tôi và tôi không nghĩ quan điểm này sẽ thay đổi”.

Thủ tướng Anh Theresa May nói nước này sẽ bắt đầu quá trình pháp lý để rời EU muộn nhất là tháng 3/2017.

Ông Muscat nói các cuộc đàm phán về chi tiết của “mối quan hệ” mới có thể bị trì hoãn.

Các ý kiến tranh luận chính trị cho tới giờ đều tập trung vào khả năng một Brexit “mềm” – Anh vẫn tham gia thị trường chung theo một hình thức khác và đổi lại, Anh sẽ chấp nhận một số khoan nhượng về nhập cư – và một Brexit “cứng” – Anh rời thị trường chung và có toàn quyền kiểm soát nhập cư.

Nhưng ông Muscat nói Anh và EU trước tiên cần đạt được thỏa thuận về nhiều chi tiết khác khi bà May kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon.

Những chi tiết này bao gồm những khoản Anh còn phải trả trước khi rời EU, vấn đề biên giới giữa Anh và Cộng hòa Ireland và chuẩn bị một số sắp đặt tạm thời chẳng hạn như vấn đề an ninh.

Khi được hỏi nghĩ gì về gợi ý của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson theo đó nói Anh có thể ở lại thị trường chung và hạn chế tự do di chuyển đối với các công dân EU, ông Muscat nói với BBC “điều đó sẽ không xảy ra”.

“Tất cả chúng tôi đều thể hiện rõ ràng cách tiếp cận của mình. Đó là chúng tôi muốn trao cho Anh một thỏa thuận công bằng, nhưng điều đó không có nghĩa đó sẽ là một thỏa thuận có lợi hơn cho Anh.

“Tôi biết phía EU không hề định chơi trò tháu cáy, ít ra là trong các cuộc họp hội đồng bộ trưởng EU mà tôi tham dự. Không ai nói “chúng ta sẽ bắt đầu đàm phán ở thế cứng rắn, rồi sau đó chúng ta sẽ mềm mỏng đi,” ông nói thêm.

Ông xác nhận là các cuộc đàm phán có thể trở nên “phức tạp”. Sẽ không có chuyện một bên thắng và một bên thua.

Ông Muscat cũng nhấn mạnh quan điểm dù các nhà lãnh đạo EU và Anh có đạt được một thỏa thuận, dù là tạm thời hay chính thức, Nghị viện Châu Âu vẫn có thể quyết định phủ quyết thỏa thuận đó vào năm 2019.

Ông Muscat đưa ra nhận xét này vài ngày sau khi ông David Davis, Bộ trưởng Brexit của Anh, có với ông Guy Verhofstadt, trưởng thương thuyết gia của Nghị viện Châu Âu.

Ông Davis nói cuộc gặp này là “một khởi đầu tốt”, và nói việc đạt thỏa thuận sẽ là điều có lợi cho hai bên

Chính phủ Anh nói họ không muốn tiết lộ chi tiết đàm phán của mình về Brexit cho đến khi cuộc đàm phán bắt đầu.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38103589