Tin khắp nơi – 24/11/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 24/11/2016

Hai người phụ nữ đầu tiên

được ông Trump bổ nhiệm vào nội các

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump hôm thứ Tư đã bổ nhiệm hai người phụ nữ đầu tiên của ông vào những vị trí cấp nội các – Thống đốc bang South Carolina Nikki Haley làm đại sứ của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và Betsy DeVos, người ủng hộ loại hình trường học bán công, làm bộ trưởng giáo dục.

Bà Haley, 44 tuổi và có cha mẹ là người nhập cư Ấn Độ, đang phục vụ nhiệm kỳ thứ hai trong cương vị thống đốc bang South Carolina ven Đại Tây Dương nằm về phía nam, nhưng không có kinh nghiệm chính sách đối ngoại. Bà DeVos, đến từ bang Michigan thuộc vùng Trung tây, là chủ tịch của Liên bang Trẻ em Mỹ, một tổ chức quyết liệt tìm cách mở rộng số lượng trường học bán công và những chương trình voucher tại Mỹ cho phép học sinh theo học những trường tư nhân bằng tiền thuế của người dân.

Việc bổ nhiệm hai người phụ nữ này, cũng như những lựa chọn nội các khác của ông Trump, sẽ phải được Thượng viện chuẩn thuận.

Khi loan báo bổ nhiệm bà Haley, ông Trump nêu ra bảy chuyến công cán thương mại của bà ở nước ngoài đại diện bang South Carolina và những cuộc đàm phán với những công ty quốc tế.

“Thống đốc Haley có thành tích đã được chứng nghiệm là đưa mọi người lại với nhau bất kể lí lịch hoặc đảng phái để xúc tiến những chính sách thiết yếu để bang của bà ấy và đất nước của chúng ta tốt đẹp hơn,” ông Trump cho biết trong một thông cáo. “Bà ấy cũng đã chứng tỏ rằng mình là người biết thương thuyết những thỏa thuận, và chúng tôi trông đội sẽ thương thuyết nhiều thỏa thuận. Bà ấy sẽ là một nhà lãnh đạo tuyệt vời đại diện cho chúng ta trên vũ đài thế giới.”

Tổng thống đắc cử tuyên bố rằng dưới sự lãnh đạo của bà Devos, “chúng ta sẽ cải cách hệ thống giáo dục của Mỹ và phá vỡ tình trạng quan liêu đang kìm hãm con em chúng ta vì thế chúng ta có thể mang tới nền giáo dục đẳng cấp thế giới và lựa chọn trường học cho tất cả các gia đình.” Bà DeVos từng là nữ chủ tịch của Đảng Cộng hòa ở bang Michigan.

Một số nhà cải cách giáo dục ở Mỹ cổ súy loại hình trường bán công mà họ nhìn nhận tích cực hơn là giáo dục công đại trà để cho trẻ em nghèo có cơ hội theo học trường tốt hơn và được giáo viên quan tâm sâu sát hơn. Nhưng chủ tịch nghiệp đoàn giáo viên trường công lớn nhất của Mỹ, Lily Eskelsen Garcia của Hiệp hội Giáo dục Quốc gia, ngay lập tức công kích việc bổ nhiệm bà DeVos, một nhà từ thiện tỉ phú.

Bà Eskelsen Garcia nói rằng những nỗ lực của bà DeVos “trong những năm qua đã làm suy yếu giáo dục công nhiều hơn là hỗ trợ học sinh. Bà ta đã vận động cho những kế hoạch thất bại, như chương trình voucher lấy mất ngân quỹ và sự kiểm soát cấp địa phương khỏi những trường công của chúng ta – để tài trợ cho những trường tư bằng tiền của người đóng thuế.”

Bà Haley, người theo Đảng Cộng hòa, không ủng hộ ông Trump trong chiến dịch giành đề cử tổng thống của ông suốt nhiều tháng. Lúc đầu bà ủng hộ Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, và khi ông bỏ cuộc bà quay sang ủng hộ Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz.

Ngay trước khi cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11, bà nói rằng bà không hào hứng về hai lựa chọn giữa ông Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton tiếp quản Tòa Bạch Ốc khi nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama kết thúc vào tháng 1, nhưng nói rằng bà sẽ bỏ phiếu cho ông Trump.

http://www.voatiengviet.com/a/hai-nguoi-phu-nu-dau-tien-duoc-ong-trump-bo-nhiem-vao-noi-cac/3609147.html

 

Nghị sĩ châu Âu đả kích « tuyên truyền » bài châu Âu của Nga

Minh Anh

Nghị viện châu Âu họp tại Strasbourg (Pháp) ngày 23/11/2016 đã tố cáo chiến dịch chống châu Âu ngày càng ác liệt của Nga. Các nghị sĩ cho biết vô cùng bận tâm đến việc Matxcơva bóp méo thông tin và tung chiến dịch tuyên truyền nhằm làm suy yếu và chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu. Trong một nghị quyết, các nghị sĩ châu Âu yêu cầu Liên Hiệp phản ứng bằng diễn văn phản công mạnh mẽ và phải đưa lên hàng ưu tiên bản thông cáo chiến lược này.

Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Muriel Pomponne tại Matxcơva, nghị quyết trên của Liên Hiệp Châu Âu trở thành chủ đề tranh luận và đả kích tại Nga.

« Buổi tranh luận tại Nghị Viện châu Âu về « cuộc chiến thông tin mà Nga đang thực hiện » là chủ đề chính trên các bản tin truyền hình, trước cả những thông tin thời sự trong nước. Đích thân tổng thống Putin phát biểu trên truyền hình và đánh giá nghị quyết của Nghị Viện châu Âu là một dấu hiệu cho thấy tư tưởng dân chủ đang suy thoái ở phương Tây.

Nằm trong tầm ngắm của Nghị Viện châu Âu có kênh truyền hình nhiều thứ tiếng Russia Today, hãng thông tấn Sputnik, ngoài ra còn có hãng thông tấn liên bang dành cho người Nga ở nước ngoài. 

Nghị Viện châu Âu tố cáo sự ủng hộ của Nga đối với các đảng cực hữu và lực lượng dân túy – những người luôn chối bỏ các giá trị cơ bản của nền dân chủ tự do. Điện Kremlin cũng bị cáo buộc đã sử dụng các mạng xã hội và những người chuyên tung tin sai sự thật để tạo cảm giác các nước phương Tây và Liên Hiệp Châu Âu đang bị suy yếu. 

Các cơ quan truyền thông bị liên quan đã đưa ra phản ứng tức thì, vì thêm vào đó, trong bản nghị quyết trên, các nghị sĩ châu Âu cũng cáo buộc việc tuyên truyền của các tổ chức Hồi Giáo cực đoan.

Nữ tổng biên tập của Sputnik và Russia Today đã gửi thư đến Liên Hiệp Quốc, UNESCO, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Phóng viên Không biên giới và nhiều tổ chức bảo vệ tự do báo chí khác để thể hiện quan ngại một số cơ quan truyền thông Nga có thể bị đình chỉ trong khối Liên Hiệp châu Âu. Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Hạ Viện Nga đe dọa sẽ đưa ra nhiều biện pháp trả đũa ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161124-nghi-si-chau-au-da-kich-%C2%AB-tuyen-truyen-%C2%BB-bai-chau-au-cua-nga

 

Putin thêm bạn bớt thù

Thanh Hà

Tổng thống Philippines coi Vladimir Putin là “thần tượng”. Với Donald Trump, ông Putin là một đối tác đáng tin cậy của Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ càng mạnh tay đàn áp đối lập chừng nào, quan hệ  giữa Ankara và Matxcơva, vốn nguội lạnh, sẽ chỉ càng thêm nồng thắm. Ông Putin lại sắp có thêm bạn mới nếu như tháng 5/2017, François Fillon hay Marine Le Pen đắc cử tổng thống Pháp.

Tại thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế APEC-Lima, trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với Vladimir Putin, ông Duterte không bỏ lỡ cơ hội tỏ lòng ngưỡng mộ tổng thống Nga, ca ngợi chủ nhân điện Kremlin là “một nhà lãnh đạo có tầm cỡ” và nếu như Nga và Trung Quốc thành lập một trật tự mới trên thế giới, thì Philippines sẵn sàng đi theo đường Matxcơva và Bắc Kinh.

Buổi làm việc song phương giữa hai lãnh đạo Philippines và Nga ở Lima đã kéo dài trong 45 phút. Trong khi đó Vladimir Putin và Barack Obama chỉ có đúng 4 phút để từ giã, như thể Nga và Mỹ không còn gì để nói với nhau, cho dù Matxcơva và Washington cần phối hợp để giải quyết từ khủng hoảng Syria hay Ukraina đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Trump : “Putin có bản lĩnh hơn Obama”

Cử tri Mỹ vừa giúp Vladimir Putin nhổ đi một cái gai : người sắp lên thay thế Barack Obama không phải là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton mà lại là ông vua địa ốc Donald Trump. Với tổng thống Nga, Trump là một người “thông minh và tài ba”. Còn trong nhãn quan của tổng thống Mỹ tương lai, thì Vladimir Putin “có tài lãnh đạo và có bản lĩnh hơn hẳn Barack Obama”.

Hạ Viện Duma của Nga đã đón nhận tin ông Trump đắc cử bằng một tràng pháo tay. Mọi người chờ đợi, với tính thực dụng vốn có, tổng thống Trump sẽ nhanh chóng xóa bỏ cấm vận trừng phạt Nga can thiệp vào Ukraina. Đơn giản là vì những biện pháp trừng phạt đó có hại cho các doanh nghiệp Mỹ.

Dù vậy, theo nhiều chuyên gia về quan hệ Mỹ -Nga, còn quá sớm để kết luận rằng Matxcơva và Washington chóng cải thiện quan hệ dưới thời tổng thống Donald Trump. Chính Vladimir Putin sau khi gửi điện chúc mừng Donald Trump đã hai lần thổ lộ với các cộng tác viên thân cận rằng  con đường còn dài để Nga -Mỹ xích lại gần nhau.

Pháp sắp là một người bạn mới của Nga ?

Cuối tuần này, cánh hữu ở Pháp bỏ phiếu chọn người đại diện cho đảng Những Người Cộng Hòa –LR ra tranh cử tổng thống vào năm 2017. Ứng viên đang dẫn đầu cuộc đua là cựu thủ tướng François Fillon, một người nổi tiếng thân Nga. Ở vòng một, François Fillon đã bất ngờ loại cựu tổng thống Nicola Sarkozy và bỏ xa đối thủ Alain Juppé. Báo chí Matxcơva hài lòng trước việc “một người bạn của nước Nga” có triển vọng trở thành tổng thống Pháp tương lai. Tổng thống Putin nóng lòng hợp tác với Fillon, một chính trị gia “chuyên nghiệp”.

Số là ứng cử viên của đảng LR này luôn chủ trương “tái cân bằng” quan hệ giữa Paris và Matxcơva. Trên hồ sơ Syria, cựu thủ tướng Pháp cho rằng không cần thiết phải loại bỏ tổng thống Bachar Al Assad ra khỏi bàn cờ chính trị của Damas. Đây cũng là lập trường của Nga.

Quan điểm của ứng cử viên Fillon và thiện cảm mà Putin dành cho ứng viên này khiến báo giới nêu lên khả năng Nga “hậu thuẫn” cho cuộc đua vào điện Elysée của ông François Fillon.

Trên bàn cờ chính trị Pháp, sau khi đảng Mặt Trận Quốc Gia –FN của bà Marine Le Pen thân Nga, nhất là khi đảng này được một ngân hàng Nga “tạo điều kiện tài chính” để tham gia vận động tranh cử tổng thống 2017, đến lượt “con ngựa về ngược của đảng LR” được hậu thuẫn của điện Kremlin ?

Sức thu hút của Vladimir Putin với các nền dân chủ Tây Âu

Trong một bài bình luận, tạp chí kinh tế Challenges giải thích vì sao Vladimir Putin có sức thu hút với các nền dân chủ Tây Âu. Tác giả bài viết Bernard Guetta nêu ra những lý do như sau : thứ nhất ông Putin còn trẻ, khỏe và lại thích “phô trương cơ bắp”, hiểu theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Vladimir Putin luôn chủ trương lãnh đạo đất nước với đường lối cứng rắn, và ông cũng đã khai thác tinh thần dân tộc chủ nghĩa để huy động đông đảo quần chúng. Mô hình cứng rắn, nếu không nói là độc tài về chính trị, nhưng lại cởi mở cho kinh tế đó, đang trở nên hấp dẫn tại các nền dân chủ đang mất hướng đi.

Thứ hai là về mặt xã hội, nước Nga của Vladimir Putin dựa vào Giáo Hội Chính Thống Giáo, vào những giá trị đạo đức truyền thống và bảo thủ. Matxcơva đã tuyên chiến với những tổ chức bảo vệ người đồng tính, thu hẹp vai trò của phụ nữ trong “xó bếp”. Mô hình xã hội đó của nước Nga đang trở nên hấp dẫn đối với một phần công luận tại các nước phương Tây chống hôn nhân đồng tính, chống phá thai, và trông thấy thế thượng phong của nam giới trong xã hội, ở công sở và ngay cả trong gia đình … bị phụ nữ đe dọa.

Phải chăng vì vậy mà từ Âu sang Á, từ tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, từ một người ít kinh nghiệm chính trị như tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump đến các chính trị gia lão luyện như cựu thủ tướng Pháp François Fillon hay lãnh đạo đảng cực hữu của Pháp, bà Marine Le Pen đều nhìn thấy ở Vladimir Putin một người bạn lý tưởng ?

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161124-putin-them-ban-bot-thu

 

Google, Facebook “phạt” các nguồn tung tin thất thiệt

Thanh Hà

Sau bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, các tờ báo lớn ở Mỹ đã “tự kiểm điểm” không đánh giá đúng mức “hiện tượng Donald Trump”. Các trang mạng xã hội im lặng cho tới khi Google và Facebook thông báo phạt các nguồn phao tin nhảm- “hoax”.

Tuần trước, Google và Facebook cùng thông báo ngưng quảng cáo cho trang mạng phổ biến “nội dung bất hợp pháp, lừa đảo và truyền tải thông tin thất thiệt”. Hai tập đoàn tên tuổi của công nghệ thông tin Hoa Kỳ phải lên tiếng sau khi bị chỉ trích là không kiểm chứng thông tin, để cho một số người sử dụng mạng xã hội Facebook và cổng tìm kiếm thông tin Google để tung tin đồn nhảm, làm “nhiễu thông tin” và bóp méo sự thật.

Cả công ty của Mark Zukerberg lẫn hãng nổi tiếng do Larry Page và Sergueï Brin sáng lập bị coi là vô hình chung đã đóng góp cho thắng lợi của ông ứng viên đảng Cộng Hòa, Donald Trump.

Facebook, Google, công cụ truyền thông mới ?

Trong thời buổi thông tin mở rộng liệu Facebook và Google có nhiệm vụ như các phương tiện truyền thông truyền thống (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình) tức là phải kiếm chứng thông tin trước khi cho đăng hay không ?

Chỉ riêng tại Hoa Kỳ có tới 51 % người sử dụng mạng xã hội cá nhân để theo dõi thời sự và 87 % trong số đó dùng tài khoản trên Facebook. Có điều, trên mạng Facebook, cộng đồng mạng đã tìm thấy những tin vịt như là đức giáo hoàng ủng hộ ứng cử viên Donald Trump hay ứng viên tổng thống của phe Dân Chủ, bà Hillary Clinton đã tung 137 triệu đô la mua vũ khí bất hợp pháp, lại cũng bà Clinton vừa tậu căn biệt thư 200 triệu đô la trong vùng Maldives, hay nước Mỹ sau hai nhiệm kỳ tổng thống Obama phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp là 42 % !!!

Vấn đề đặt ra là những tin thất thiệt đó đã được lan truyền, bình luận rộng rãi. Chính tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump đã nhìn nhận, internet và mạng xã hội là chìa khóa giúp ông mở được cánh cổng của Nhà Trắng.

Tin giả, tiền thật

Theo trang mạng chuyên về thông tin qua ngả internet BuzzFeed, trụ sở tại New York, trong số 2.283 tài khoản sử dụng Facebook được sử dụng như một phương tiện để tuyên truyền cho ông Trump, có tới 12,3 % chuyên để tung tin nhảm ; ¼ trong số đó khai thác cả tin thật lẫn tin giả để lấy phiếu cho ứng viên đảng Cộng Hòa trong mùa vận động tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua.

Vấn đề đặt ra với các « đại gia » internet là tiền quảng cáo bảo đảm đến 90 thu nhập của những cổng thông tin quen thuộc như Yahoo ! Google hay các trang mạng xã hội từ Facebook đến Twitter …

Quyết định của Google hay Facebook « cấm cửa » các trang thông tin « không đứng đắn », liệu có hiệu quả hay không trước sức mạnh của các « cơ quan tuyên truyền có tổ chức » như Breibart News ? Đặc biệt là khi sáng lập viên của Breibart, Steven Bannon vừa được chính Donald Trump mời làm cố vấn chiến lược cho tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161124-google-facebook-phat-cac-nguon-tung-tin-that-thiet

 

Colombia ký hiệp định hòa bình mới với FARC

Thanh Phương

Hôm nay, 24/11/2016, chính phủ Colombia và quân du kích Mặt trận Vũ trang Cách mạng Colmbia ( FARC ) ký hiệp định hòa bình được sửa đổi. Hiệp định, đạt được vào ngày 12/11 sau sáu tuần thương lượng lại, bao gồm những đề nghị của phe đối lập, sau khi bản đầu tiên bị cử tri Colombia bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 02/10.

Tổng thống Juan Manuel Santos sẽ ký hiệp định hòa bình với lãnh đạo của FACR, Rodrigo Londono, biệt danh “Timochenko” tại thủ đô Bogota, nhưng lễ ký kết lần này sẽ không có đông người tham dự như lễ ký kết lần trước vào ngày 26/09 ( có đến 2.500 khách mời, trong đó có 15 vị nguyên thủ quốc gia ).

Sau khi được ký kết, hiệp định hòa bình mới sẽ được đưa ra Quốc hội để thảo luận và biểu quyết phê chuẩn vào tuần tới, chứ không đưa ra trưng cầu dân ý như lần trước. Thủ tục phê chuẩn hiệp định ở Quốc hội đã bị phe đối lập Colombia chỉ trích, xem đây là “một đòn đánh vào dân chủ”.

Hiệp định hòa bình được ký kết hôm nay sẽ chấm dứt hơn 52 năm xung đột vũ trang đẫm máu ở Colombia, khiến hơn 260 ngàn người chết, 60 ngàn người mất tích và gần 7 triệu người phải tản cư. Sau khi ký hiệp định, quân du kích FARC sẽ được tập trung tại những vùng do Liên Hiệp Quốc kiểm soát, để LHQ giám sát tiến trình giải trừ vũ khí, dự trù kéo dài 6 tháng, trước khi họ tái hội nhập đời sống thường dân.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161124-colombia-ky-hiep-dinh-hoa-binh-moi

 

Donald Trump và cách ứng xử với truyền thông

Hôm 22/11, chủ nhân tương lai của Nhà trắng Donald Trump thông báo trên Twitter hủy cuộc phỏng vấn với báo New York Times, nhưng rồi sau đó lại nhanh chóng chấp nhận tiếp chuyện với phóng viên của nhật báo lớn của Mỹ như dự kiến. Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump vẫn luôn coi báo chí là kẻ thù, thường xuyên có những lời lên án cay nghiệt nhằm vào các nhà báo. Sau khi đã thắng cử, cách ứng xử của ông Trump với báo chí cũng không có gì thay đổi, vẫn liên tục sử dụng mạng xã hội như là một công cụ truyền thông riêng.

Giọng điệu và cách thức thông tin của trên mạng xã hội sẽ trở thành vấn đề khi ông Trump ở trên cương vị tổng thống. RFI phỏng vấn ông Jean-Eric Branaa, phó giáo sư Đại học Paris 2 Pantheon- Assas, xung quanh mối quan hệ với báo chí và vấn đề thông tin của vị tổng thống tân cử .

RFI : Xin chào ông Jean Eric Branaa, phó giáo sư Đại học Paris 2 , ông là tác giả nhiều cuốn sách về chính trị Mỹ trong đó có cả về Donald Trump, việc trả lời phỏng vấn New York Times chỉ là một trong vố số thí dụ cho thấy mối quan hệ giữa Donald trump và báo chí, nhưng cuối cùng Trump cũng đã tiếp chuyện các nhà báo, nhưng cái nhìn của ông với báo chí vẫn không đổi ?

Jean-Eric Branaa : Tôi thậm chí có thể thể nói là Donald Trump không hiểu mình là tổng thống nước Mỹ. Bộ quần áo tổng thống này có vẻ như quá rộng đối với ông ta và ông tiếp tục làm những gì đúng như vẫn thường làm không cần để ý gì đến nghi thức, không quan tâm đâu là những hồ sơ lớn có trên bàn của mình mà giờ đây ông phải xử lý. Sẽ rất phức tạp nếu ông ta vẫn cứ hành động như vậy.

RFI : Nhưng cũng cần phải nhắc lại, bởi vì quan hệ giữa Nhà trắng và các nhà báo ở Mỹ được quy tắc hóa một cách chặt chẽ. Vấn đề minh bạch là rất quan trọng ?

Jean-Eric Branaa: Ở đây phải nói thêm là tổng thống tân cử Trump chưa hề có một cuộc họp báo nào từ tháng 7 vừa qua. Ông ta gói mình trong tháp ngà, vì lúc nào cũng nghĩ kẻ thù mới của mình là truyền thông.

RFI : Ông quyết định sử dụng mạng xã hội làm kênh giao tiếp chính. Tại sao ? Phải chăng đó là cách để kiểm soát tốt hơn việc thông tin của mình ?

Jean-Eric Branaa: Thực sự là tôi thấy người ta đang băn khoăn là liệu tới đây các bộ phận phục vụ Nhà trắng có còn để ông Trump sử dụng twitter như cách ông đang làm hiện nay. Người ta có thể tưởng tượng ra trường hợp sau mỗi lần gặp với các nguyên thủ quốc gia trên thế giới ông tai lại tung lên twitter bày tỏ tâm trạng, cảm nhận của mình về các cuộc gặp. Như vậy sẽ trở nên rất phức tạp trong tương lai.

RFI : Có phải vì ông ta không còn tin vào kênh thông tin truyền thống là báo chí ?

Jean-Eric Branaa: Một lần nữa tôi lại tin rằng ông ta vẫn không hiểu hết chức vụ của mình ra sao và cái tầm của mình hiện nay là như thế nào. Người ta có cảm giác ông ta vẫn đang vận động tranh cử, ông ta vẫn phản ứng theo cách không suy xét, không kiểm soát. Ông ta hành động theo ý thích không suy tính gì.

RFI: Theo ông có hy vọng gì ông ta thay đổi khi nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng. Chắc chắn khi đó ông ta sẽ phải giải thích thuyết phục dư luận nhiều hơn về các cải cách sẽ tiến hành ?

Jean-Eric Branaa: Theo tôi không biết đó có phải là tính cách không thể thay đổi được hay không, nhưng trái lại tôi nghĩ thế giới sẽ quan tâm rất kỹ đến cách thức hành động của ông ta và thực sự thì người ra cảm thấy lo ngại. Bởi vì những hồ sơ trên bàn làm việc của ông Trump là rất quan trọng. Bây giờ là lúc ông ta phải có những câu trả lời sáng rõ hơn một chút và hợp lý hơn.

RFI : Tổng thống Barack Obama cũng dùng twitter để bày tỏ về các vấn đề chính sách đó cũng là cách mới trong thông tin đấy chứ ?

Jean-Eric Branaa : Cái mới ở đây phải là giọng điệu, cách làm. Như chuyện về cuộc phỏng vấn với New York Times, ban đầu thông báo hủy và ông ta cho biết thêm là vì quy định đã thay đổi, như thế là không lịch sự. Ta thấy, cách ăn nói của ông ta nữa kiểu trẻ con, nửa kiểu ngây thơ gây ngờ vực, ngay cả trên twitter cũng vậy.

RFI : Cách ông ta ứng xử với New York Times một tờ báo có thế lực ở Mỹ có phải ông ta muốn tạo một cuộc chơi mới với báo chí ? Đây có phải là chiến thuật mới của Trump đối với truyền thông ?

Jean-Eric Branaa : Tôi nghĩ ở đây vấn đề quan trọng đó là quyền được thông tin của người dân. Hiện tại thì sự minh bạch về cái quyền đó không được tôn trọng. Đó mới là điều sẽ dẫn đến những vấn đề thực sự ở hoa Kỳ. Với tôi, điều mà Donald Trump đang làm sẽ có hậu quả.

Sẽ có ngày truyền thông chỉ trích ông ta khi xảy ra chuyện gì đó không ổn. Ông ta lại vẫn làm như khi còn trong chiến dịch tranh cử là chỉ mặt báo chí đều chống lại ông ta. Mục đích để chỉ cho thấy là các nhà báo họ không thích tôi và tôi không thích họ vì thế đừng có tin gì họ nói và hãy chỉ tin vào phát ngôn chính thức của tôi.

RFI : Qua mạng xã hội, ông Trump cũng đã giao tiếp được với những người không được thông tin đầy đủ qua kênh báo chí truyền thống. Có phải vì thế mà ông đã thành công khơi dậy được sự phẫn nộ của những người không theo dõi thông tin trên báo chí truyền thống ?

Jean-Eric Branaa: Đây là một vấn đề phức tạp, bởi vì ở đây chúng ta đi vào một lĩnh vực khác, tức là tin đồn và thông tin sai lệch, những thứ này hiện tràn ngập trên các mạng xã hội. Chẳng hạn như facebook vẫn bị tố cáo là nơi tuyên truyền hoặc để cho phổ biến nhưng tin thất thiệt, ta cần phải suy nghĩ đến vấn đề này để tránh được những hiện tượng như vậy

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161124-tong-thong-tan-cu-donald-trump-va-cach-ung-xu-voi-truyen-thong-0

 

Vỡ mộng vì Mỹ, APEC trông đợi Trung Quốc

Minh Anh

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần như bị khai tử. Các nước trong khối APEC và những nước tham gia đàm phán TPP cảm thấy hụt hẫng. Với thắng lợi của ông Donald Trump, Trung Quốc như từ trong bóng tối bước ra trước “ánh đèn sân khấu”. Trên đây là nhận định của tờ Nikkei Asian Review trong một bài phân tích đăng ngày 24/11/2016.

Khi tuyên bố sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ngay ngày đầu tiên làm tổng thống, ông Donald Trump đã làm cho chính sách “xoay trục” sang châu Á của tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama “tan thành mây khói”.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á nhắc đến chiến lược châu Á của Mỹ với một cảm xúc thất vọng pha lẫn sự châm biếm. Đối với nhiều quốc gia, chính sách này giờ chẳng khác nào như là một “chiếc thùng rỗng”. Một không khí hoài nghi bao trùm trên toàn bộ khu vực.

Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng bắt đầu ngờ vực khả năng Hoa Kỳ tiếp tục duy trì các chiến dịch tuần tra trên Biển Đông để bảo vệ cái nguyên tắc gọi là tự do lưu thông hàng hải, đồng thời ngăn chặn đà tiến của Trung Quốc trong khu vực.

Cảm giác hẫng hụt như tăng lên gấp bội khi nói đến TPP, vũ khí kinh tế trong chính sách xoay trục sang châu Á của. Phải mất đến 5 năm thương thuyết dài dăng dẳng và gay gắt theo một loạt các yêu cầu của Mỹ để các bên đi đến ký kết một thỏa hiệp, với mong muốn duy nhất có thể tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Mỹ.

Để rồi sau đó, Hoa Kỳ thông báo tạm ngưng quy trình phê chuẩn TPP tại Quốc Hội. Các nước tham gia như có cảm giác ai đó bất ngờ rút thảm dưới chân. Họ cảm thấy “mệt mỏi vì Hoa Kỳ”, như lời than thở của Bộ trưởng Thương mại Malaysia, tại thượng đỉnh ASEAN.

Thế giới của Trung Quốc

TPP bị Úc và Việt Nam xếp xó, trong khi các nước khác như Hàn Quốc, Thái Lan hay Indonesia hầu như “im hơi lặng tiếng”, ngay sau khi người dân Mỹ mở cánh cổng Nhà Trắng cho một người mang tư tưởng bảo hộ mậu dịch. Động lực cho tự do thương mại sụt giảm thê thảm.

Ảnh hưởng suy yếu của Hoa Kỳ trái ngược với một Trung Quốc tràn đầy sinh lực. Hoa Kỳ thời Donald Trump muốn xem xét lại các thỏa thuận tự dao mậu dịch. Trung Quốc của Tập Cận Bình nhấn mạnh đến sự cần thiết của một Khu vực Tự do Mậu dịch châu Á – Thái Bình Dương.

Bắc Kinh giờ không còn giấu giếm ý định, cho rằng chỉ có thị trường Trung Quốc rộng lớn, đầy tiềm năng mới là đối thủ cạnh tranh với Hoa Kỳ. Ngay cả tổng thống Pedro Pablo Kuczynski của Peru, nước chủ nhà thượng đỉnh APEC, còn nhắm đến một TPP mới với Nga và Trung Quốc là đầu tàu, thay thế TPP của Hoa Kỳ đang chết yểu.

Gió đổi chiều

Có thể nói gió đang xoay chiều. Trong thượng đỉnh APEC 2015, diễn ra trên một hòn đảo nhỏ của Philippines, Trung Quốc bị cô lập vì những căng thẳng với tổng thống Philippines tiền nhiệm, Benigno Aquino xung quanh các tranh chấp trên Biển Đông. Khi đó, Mỹ và Nhật Bản là trung tâm của cuộc họp.

Thắng lợi của Trump trong cuộc bầu cử Mỹ đã nâng cao vai trò của Trung Quốc, vậy Bắc Kinh sẽ kiến tạo thương mại thế giới ra sao? Trung Quốc có thể sớm đàm phán, ký kết thoả thuận đầu tư song phương vào năm tới, và đây là niềm mơ ước của giới công nghiệp Mỹ từ lâu nay. Cho dù cả hai bên đều chính thức nói rằng các đề nghị đàm phán đang trong giai đoạn bế tắc, nhưng Bắc Kinh đang chuẩn bị kế hoạch thương lượng với tân chính quyền Hoa Kỳ. Và điều này sẽ cho phép Trump thuyết phục rằng các nhượng bộ của Trung Quốc là một thắng lợi của Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản có lẽ đã cố thuyết phục ông Trump thay đổi ý định và phục hồi TPP đang trong cơn hấp hối trong cuộc gặp đôi bên tại New York, trước khi đến dự thượng đỉnh APEC, nhưng dường như nỗ lực của lãnh đạo Nhật đã bất thành. Giờ chỉ còn biết “Chờ và đợi xem”, theo như lời nhận định của bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo với báo nhật Nikkei Asian Review.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161124-vo-mong-vi-my-apec-trong-doi-trung-quoc-0

 

Pháp: Tranh luận giữa hai ứng cử viên cánh hữu

Thanh Phương

Vào tối nay, 24/11/2016, sẽ diễn ra cuộc tranh luận truyền hình giữa hai ứng cử viên lọt vào vòng hai bầu cử sơ bộ chọn người đại diện cánh hữu tranh cử tổng thống Pháp năm tới.

Cuộc tranh luận giữa hai cựu thủ tướng François Fillon và Alain Juppé có tính chất quyết định cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017, vì theo kết quả các cuộc thăm dò, ứng cử viên tương lai của cánh hữu sẽ có thể đánh bại được phe cựu hữu để kế nhiệm tổng thống François Hollande.

Ông Juppé, 71 tuổi, hiện đang cố lật ngược thế cờ, vì trong vòng đầu Chủ nhật vừa qua, ông đã bị đối thủ Fillon, 62 tuổi, bỏ xa và theo kết quả một cuộc thăm dò được công bố hôm qua, ở vòng hai ngáy Chủ nhật tới, 27/11/2016, ông Fillon sẽ đánh bại ông Juppé với tỷ lệ 65% phiếu.

Ngay sau vòng đầu, ông Juppé đã đả kích kịch liệt đối thủ, khẳng định ông Fillon có những quan điểm rất bảo thủ, cực đoan về mặt xã hội, kinh tế, đồng thời được yểm trợ của phe cực hữu và có thái độ quá thân thiện với tổng thống Nga Vladimir Putin, hiện đang bị phương Tây lên án vì bảo vệ chế độ Bachar al-Assad ở Syria.

Ông Fillon đã bác bỏ những lời chỉ trích của ông Juppé, tuyên bố rằng ông chỉ nói “sự thật”trên mọi vấn đề và ông nói “ nhân danh người dân Pháp”.

Trong khi đó, tổng thống Nga Putin hôm qua đã hết lời khen ngợi ông Fillon, cho rằng cựu thủ tướng Pháp “khác hẳn các chính khách của thế giới”. Báo chí Nga xem ông Fillon là “người bạn của Matxcơva”, sẽ giúp phục hồi quan hệ Pháp – Nga và bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Matxcơva do Nga sáp nhập vùng Crimée năm 2014 và yểm trợ quân ly khai trong cuộc xung đột vũ trang ở đông Ukraina.

http://vi.rfi.fr/phap/20161124-phap-tranh-luan-giua-hai-ung-cu-vien-canh-huu

 

Hoa Kỳ và Trung Quốc

muốn tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên

Thanh Phương

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý tăng cường các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Bắc Triều Tiên, sau vụ thử hạt nhân lần thứ năm và sau nhiều vụ bắn thử tên lửa của Bình Nhưỡng, theo tin từ các nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc hôm qua, 24/11/2016.

Một dự thảo nghị quyết, mà Washington và Bắc Kinh đã thương lượng rất gay go từ 3 tháng nay, đã bắt đầu được chuyển đến các thành viên thường trực khác của Hội Đồng Bảo An. Dự thảo nghị quyết này sẽ được đưa ra biểu quyết vào tuần tới và các nhà ngoại giao chờ đợi là văn bản sẽ được thông qua, tuy Nga đã tỏ thái độ dè dặt.

Theo một nhà ngoại giao của Hội Đồng Bảo An, dự thảo nghị quyết nói trên đặc biệt dự trù những hạn chế xuất khẩu than của Bắc Triều Tiên sang Trung Quốc. Biện pháp này sẽ khiến chế độ Bình Nhưỡng mất đi hàng triệu đô la thu nhập. Trung Quốc hiện là đồng minh duy nhất và đối tác kinh tế chủ chốt của Bắc Triều Tiên.

Dự thảo nghị quyết mới cũng đưa ra một danh sách bổ sung những cá nhân và công ty bị cáo buộc có tham gia vào các chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng. Những nhân vật và công ty này sẽ bị những hình thức trừng phạt như bị phong tỏa tài sản hoặc bị cấm nhập cảnh.

Từ đầu năm đến nay, Bắc Triều Tiên đã tiến hành thêm 2 vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ thử tên lửa, bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Hiệu quả các biện pháp trừng phạt của quốc tế tùy thuộc phần lớn vào nước láng giềng Trung Quốc. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn tìm cách tránh cho Bình Nhưỡng bị những biện pháp trừng phạt nặng nề hơn, vì sợ chế độ này sụp đổ, từ đó hình hành một nước Triều Tiên thống nhất nằm dưới ảnh hưởng của Mỹ.

Bế tắc trong cuộc thương lượng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về dự thảo nghị quyết mới đã được giải tỏa sau cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Barack Obama và chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tuần trước.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161124-hoa-ky-trung-quoc-muon-tang-cuong-trung-phat-bac-trieu-tien

 

Pháp và mối quan hệ nguy hiểm với vùng Vịnh

Tú Anh

Như một mồi lửa tung ra ngày 20/10/2016 tại Pháp. Quyển sách Nos Très Chers Emirs, Những Vương Quốc Bạn Thân Của Chúng Ta, gây chấn động chính giới Pháp từ tả đến hữu và cực hữu. Nhiều chính trị gia hàng đầu cho đến dân biểu bị nêu tên có« những quan hệ nguy hiểm » với các vương quốc dầu hỏa vùng Vịnh trong bối cảnh công luận Pháp đặt câu hỏi: những đồng minh Qatar và Ả rập Xê Út có ủng hộ khủng bố hay không ?

Để trả lời câu hỏi chính sách xem các vương quốc Ả Rập vùng Vịnh như Qatar là đồng minh cốt lõi hay Ả Rập Xê Út là người bạn thân thiết của Pháp có đáng hay không, hai nhà báo Pháp Christian Chesnot (France Inter) và Georges Malbrunot (Le Figaro) đã bỏ ra hai năm xuôi ngược các thủ đô vùng Vịnh. Tại Qatar, họ gặp người làm kinh tài cho thánh chiến đang sống tự do, tìm thấy tài liệu chứng minh Doha ủng hộ tài chính cho Al Qaida tại Syria. Tại Ả Rập Xê Út, dịch vụ hành hương cũng là nguồn tiền giúp thánh chiến. 273 trang sách cung cấp cho độc giả hàng ngàn chi tiết và giai thoại gây kinh ngạc.

Tai tiếng nổ ra vào lúc thay đổi đại sứ Qatar tại Paris vào năm 2013. Tân đại sứ Meshal al Thani từ chối làm mạnh thường quân rộng rãi như người tiền nhiệm. Từng đại diện cho Doha tại Washington và Bruxelles, ông than với các cộng sự viên là chưa thấy ở đâu « kỳ cục » như ở Pháp, có chính trị gia vòi tiền đại sứ đổi lấy ủng hộ ngoại giao.Lời tuyên bố này rất nghiêm trọng vì có nêu đích danh một số chính trị gia Pháp.

Được RFI đặt câu hỏi trong chương trình « Giải mật » ngày 19/11, Christian Chesnot, đồng tác giả « Nos Très Chers Emirs » cho biết cụ thể :

Christian Chesnot : Cần phải đặt hiện tượng này trong bối cảnh nhiệm kỳ năm năm của tổng thống Sarkozy từ 2007 đến 2012, quan hệ với Qatar thắm thiết như tuần trăng mật, như hai mà một. Đó là thời điểm Qatar mua câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain PSG và nhiều khách sạn sang trọng tại Pháp, đến mức gây ra làn sóng lo ngại ( bán hết tài sản cho các ông vua dầu hỏa).

Đại sứ Qatar tại Paris có trong tay một ngân sách dồi dào để làm hài lòng cả Paris kể cả tặng giải thưởng cho các đại học. Thái độ rộng lượng tạo ra những thói quen xấu. Nhiều chính trị gia Pháp  như ông Nicolas Bays ở Nord Pas-de-Calais được tặng quà là vé máy bay, giày, sửa nhà miễn phí …

Tai tiếng đáng kinh hãi nhất là chuyện bà Rachida Dati, cựu bộ trưởng tư pháp, thị trưởng quận 7, nơi có nhiều tư dinh các vị đại sứ Ả Rập. Bà quận trưởng này thẳng thừng yêu cầu đại sứ Qatar đóng góp 400.000 euro cho câu lạc bộ các đại sứ do bà thành lập. Nhưng thấy số tiền quá lớn so với chi phí ba dạ tiệc mỗi năm, đại sứ Qatar từ chối. Vấn đề là ngay hôm sau, trên đài phát thanh RMC, bà Rachida Dati tuyên bố Qatar là một nước không đáng tin cậy, tài chính không minh bạch, tài trợ cho khủng bố…

Đại sứ Qatar đã nổi đóa. Ông nói không thể hiểu được những người hôm trước còn cầu khẩn mình, hôm sau lại chỉ trích không tiếc lời.

Trường hợp thượng nghị sĩ Nathalie Goulet (độc lập) còn đặc biệt hơn nữa. Bà này lúc đầu thân Iran, viết sách chống tổ chức du kích Moujahidine (cộng sản, đối lập võ trang, kẻ thù của chính quyền Hồi giáo Iran). Sau đó, bà bỏ Iran quay sang ủng hộ Ả rập Xê Út, tổ chức hội thảo đánh bóng Qatar. Nhưng khi bị đại sứ mới của Qatar từ chối tặng quà Giáng sinh thì bà tuyên bố «không ưa Qatar lắm».

Tất cả những động thái « thân hữu » này chỉ vì mục đích quảng cáo cá nhân và vì tiền mà thôi.

RFI : Quyển sách Những Vương Quốc Bạn Thân Của Chúng Ta tạo ấn tượng là các nước dầu hỏa tung tiền để mua ủng hộ còn chính giới Pháp thì có nhiều người lợi dụng thời cơ khai thác đối tác như những con bò sữa. Phải chăng ai cũng bê bối hết ?

Christian Chesnot : Không. Ngoại trừ một thiểu số, may mắn thay không phải ai cũng bê bối. Dân biểu Maurice Leroy chẳng hạn, chủ tịch nhóm dân biểu thân hữu Pháp-Qatar là một người không thể chê trách vào đâu được. Chính ông đã thông báo với chủ tịch Quốc hội Claude Bartolone những hành vi sai trái của đồng nghiệp đảng Xã hội Nicolas Bays thuộc đơn vị ở Bắc Pas-de-Calais.Mặt khác, nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ đã bày tỏ bất bình vì những con sâu làm nhơ danh giới chính trị Pháp.

Như trường hợp dân biểu Bruno Le Maire, ứng cử viên tranh sơ bộ bầu tổng thống trong phe hữu vừa rồi, bộ trưởng nông nghiệp trong chính phủ cánh hữu của tổng thống Sarkozy. Năm 2009, bộ trưởng Bruno Le Maire hướng dẫn cheik Hamad, lãnh đạo Qatar thăm Paris. Để cám ơn, cheik Hamad tặng ông một chiếc đồng hồ nạm kim cương trị giá 85.000 euro. Thay vì bỏ túi, tặng lại cho vợ hoặc bán lại lấy tiền, bộ trưởng Bruno Le Maire đưa món quà này vào tủ sắt của bộ nông nghiệp và sau đó sung vào tài sản quốc gia.

Trường hợp lãnh đạo đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia cũng từng được Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất « tiếp cận ». Chuyến đi của bà Marine Le Pen sang Ai Cập gặp tổng thống al- Sissi đều được Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, đồng minh và là nhà tài trợ của Cairo, chi trả hết phí tổn từ vé máy bay đến khách sạn.

So với Qatar thì Các Tiểu vương quốc Ả Rập giàu hơn, đầu tư vào nước Pháp nhiều hơn. Cũng khác với Qatar, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất chống Hồi giáo chính trị, chống tố chức Huynh đệ Hồi giáo. Chủ trương của Marine Le Pen cũng thế.

Bước tiếp cận thứ hai diễn ra tại nhà riêng của gia đình Le Pen ở Montretout. Trong cuộc tiếp xúc mật này, phái viên của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đề nghị cho Mặt Trận Quốc Gia từ « một triệu euro hoặc hai triệu » để vận động tranh cử. Kinh ngạc vì đề nghị bất ngờ này, bà Marine Le Pen khoát tay từ chối, hẹn khi khác sẽ đề cập lại.

RFI : Câu hỏi đặt ra là tại sao hiện tượng « đôi bên cùng có lợi » này nổ bùng thời tổng thống Nicolas Sarkozy ?

Christian Chesnot : Vào thời điểm này, Qatar dám bỏ ra 50 tỷ euro để gọi là giúp phát triển các vùng ngoại ô của Pháp, nơi có một cộng đồng Hồi giáo cư ngụ và mang tiếng thiếu an ninh. Vụ này gây tai tiếng rất lớn khiến dự án phải dừng lại.

Nicolas Sarkozy là một người năng nổ, không mặc cảm. Khi vào Elysée (2007-2012) ông muốn tạo ra một xung lực mới cho ngoại giao Pháp, sang trang 12 năm Chirac. Tổng thống Chirac, qua người bạn cố tri là cố thủ tướng Liban, Rafiq Hariri, rất thân với Ả Rập Xê Út.

Trong khi đó, tổng thống Sarkozy thấy giới lãnh đạo Qatar là những người nhanh nhẹn, nhất là Qatar đã giúp giải cứu các nữ y tá Bulgari (bị đại tá Kadhafi bắt làm con tin). Chính Qatar đã nộp tiền chuộc cho Libya. Nên nhớ Qatar là một nước nhỏ, chỉ có 2 triệu dân nhưng lại cực kỳ giàu. Doha cũng không có mặc cảm với tiền và sẵn sàng bỏ tiền ra mua chổ đứng trên trường quốc tế. Điều này rất hợp ý với tổng thống Sarkozy.

Qatar đầu tư rất nhiều vào nước Pháp từ văn hóa, giáo dục cho đến thể thao, điển hình là mua câu lạc bộ bóng đá Paris Saint Germain PSG. Người Qatar thấy cộng đồng Hồi giáo tại Pháp đông nhất châu Âu. Qatar lại ủng hộ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, thế thì tại sao không đầu tư xây dựng quan hệ tổ chức này. Do vậy, Qatar bỏ ra 50 tỷ euro lập « Quỹ phát triển »ngoại ô Pháp nhưng kế hoạch này bị chận lại giữa chừng vì đúng vào mùa bầu cử. Số tiền này hiện nay ký thác trong Quỹ tồn khoản (Caisse de dépôt) và đổi tên thành « Quỹ hỗ trợ vô địch thể thao tương lai ».

RFI : Khi cánh tả lên cầm quyền với tổng thống François Hollande. Pháp đã ký được nhiều hợp đồng bạc tỷ như bán máy bay Rafale ? Làm sao phân biệt đâu là biên giới giữa chiến lược tạo ảnh hưởng ngoại giao với hối lộ ?

Christian Chesnot : Chính phủ Pháp và các cơ quan tình báo Pháp làm như không nghe không thấy. Đừng quên rằng Qatar đầu tư rất nhiều vào nước Pháp và doanh nhân Pháp đầu tư vào Qatar, rồi những hợp đồng vũ khí như bán chiến đấu cơ Rafale, do vậy giới chính trị Pháp phải nhắm mắt làm ngơ.

Cũng phải nói rõ là tình hình không phải là hoàn toàn tồi tệ tuy nhiên các vương quốc dầu hỏa này có những hoạt động đáng lo như tài trợ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria, ở châu Phi … Tổ chức thiện nguyện Qatar Charity được xem là cánh tay phục vụ quyền lực mềm của Doha hoạt động cứu trợ nạn nhân thiên tai nhưng bên cạnh đó là xây dựng giáo đường Hồi giáo, tuyên truyền và tiếp xúc với những thành phần cực đoan.

Qatar cũng can dự vào những vụ nộp tiền chuộc mạng con tin khá mờ ám. Tình báo Mỹ CIA và cảnh sát liên bang FBI nghi ngờ những món tiền chuộc con tin chạy vào túi các nhóm thánh chiến, khủng bố ở Syria, Yemen hay ở châu Phi. Qatar, một mặt ra tay cứu con tin vì lý do nhân đạo nhưng đằng sau lại có những thương lượng đáng ngờ. Người ta cảm thấy có một mối quan hệ trực tiếp giữa Doha và tổ chức Al Nostra, cánh tay nối dài của Al Qaida tại Syria .

Chính sách ngoại giao của Pháp khi ông Laurent Fabius làm bộ trưởng rất thân thiện với Ả Rập Xê Út vì ông ấy bị mờ mắt vì những dự án đầu tư của Riyad lên đến 50 tỷ euro. Bộ ngoại giao tổ chức các buổi họp hàng tuần về các dự án đầu tư và chỉ thị tránh chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền tại vương quốc theo hệ phái Su-ni này trong suốt bốn năm. Mặt khác, trong vụ hồ sơ hạt nhân của Iran, Pháp ủng hộ quan điểm của Ả rập Xê Út, chuyện này kéo theo chuyện kia và phải nói là Pháp nghiêng theo phe Su-ni trong vùng Vịnh chống phe Shi-a. Giờ đây tình hình đã thay đổi, Iran hội nhập trở lại chính trường khu vực.

Phải chăng đây là lúc cần phải cân bằng quan hệ với hai bên nhất là khi nước Pháp là nạn nhân của một loạt khủng bố đẩm máu ?. Bây giờ cũng là lúc phải đặt câu hỏi về những nguồn tài trợ cho Hồi giáo cực đoan, cho khủng bố. Chính sách của Pháp đối với các vương quốc vùng Vịnh đã đến lúc cần phải minh bạch và vấn đề này bắt đầu được nêu lên nhân cơ hội bầu cử tổng thống vào năm tới.

Trên đây là một trích đoạn trong bài phỏng vấn nhà báo điều tra Christian Chesnot (France Inter), đồng tác giả quyển sách « Nos Très Chers Emirs », trong chương trình « Décriptage »ngày 19/11/2016 của RFI.

http://vi.rfi.fr/phap/20161124-phap-va-moi-quan-he-nguy-hiem-voi-cac-vuong-trieu-vung-vinh

 

New York dùng xe tải chở cát

để bảo vệ cuộc diễu hành Lễ Tạ ơn

Cảnh sát New York sẽ sử dụng những xe tải chở đầy cát, các máy dò bức xạ, chó đánh hơi bom và lực lượng vũ trang để bảo vệ cuộc diễu hành Lễ Tạ ơn lần thứ 90 của Macy diễn ra vào ngày thứ Năm. Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã khuyến khích các tín đồ của mình tấn công cuộc diễu hành này.

Các giới chức Mỹ dự kiến có khoảng 3,5 triệu người tụ tập trên tuyến đường diễu hành dài 2,5 dặm (4 km) ở Manhattan mỗi năm. Cuộc diễu hành được truyền hình trực tiếp trên toàn nước Mỹ, khởi động mùa mua sắm bằng những trái bóng bay khổng lồ có hình dạng các nhân vật hoạt hình.

82 xe tải chở cát của Cục Vệ sinh Môi trường sẽ được sử dụng để chống lại mối đe dọa Nhà nước Hồi giáo. Nhóm này từng nói cuộc diễu hành là một “mục tiêu tuyệt vời”.

Nhà nước Hồi giáo đã khuyến khích những độc giả của tạp chí trực tuyến Rumiyah của nhóm là hãy sử dụng xe máy để giết người và gây thương tích, tương tự như cách mà kẻ tấn công gốc Tunisia đã giết chết hơn 80 người tại Lễ Bastille ở Nice, Pháp.

Những xe tải nặng 16 tấn và có trọng lượng gấp đôi khi đổ đầy cát sẽ rất khó di chuyển ngay cả khi bị xe tải cỡ lớn đâm vào.

Cảnh sát cũng đã sử dụng những chiếc xe tải cát để bảo vệ Tháp Trump gần đó. Đây cũng là nơi ở và trụ sở chiến dịch chính của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

http://www.voatiengviet.com/a/new-york-dung-xe-tai-cho-cat/3610152.html

 

Ông Trump kêu gọi đoàn kết trong lời cầu nguyện Lễ Tạ ơn

Trong khi đang hình thành nội các mới, Tổng thống đắc cử Donald Trump trong ngày Lễ Tạ ơn đã cầu nguyện cho sự đoàn kết của nước Mỹ, sau chiến dịch tranh cử dài và đầy tổn thương.

Trong đoạn video công bố vào đêm trước Lễ Tạ ơn, ông Trump nói: “Cảm xúc và căng thẳng không lành lặn chỉ qua một đêm”. Ông tiếp tục, “Lời nguyện của tôi trong Lễ Tạ ơn này là chúng ta bắt đầu hàn gắn sự chia rẽ và tiến lên như một quốc gia đoàn kết, được củng cố bởi mục tiêu và quyết tâm chung”.

Ông Trump đang tụ họp với gia đình trong ngày thứ Năm, tại khu dinh thự của ông ở Palm Beach, bang Florida. Ông dự kiến sẽ nghỉ một ngày sau hai tuần vất vả bắt đầu định hình chính quyền non trẻ của mình.

Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức trong vòng chưa đầy 60 ngày nữa. Ngoài nội các, ông còn phải bổ nhiệm hàng trăm vị trí quản lý cấp cao khác.

Tổng thống tân cử Mỹ dự kiến sẽ ở lại khu dinh thự Mar-a-Lago tại Florida cho đến hết cuối tuần này.

http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-keu-goi-doan-ket-trong-loi-nguyen-le-ta-on/3610032.html

 

Tổng thống Obama

‘ân xá’ con gà tây cuối cùng trong dịp Lễ Tạ ơn

Hôm 23/11, Tổng thống Barack Obama đã “ân xá” cho con gà tây cuối cùng trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ.

Ông Obama sẽ rời nhiệm sở vào tháng Giêng tới.

Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama luôn thực hiện truyền thống “xá tội” cho một con gà tây vào ngày trước Lễ Tạ ơn mỗi năm, khi người Mỹ mừng lễ bằng một bữa tối với gà tây.

Hai con gái của ông, Malia và Sasha, thường cùng bố thực hiện nghi thức vui này tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc vào những năm trước. Nhưng năm nay, cả hai đều không có mặt.

Ông Obama nói: “Lễ Tạ ơn là một kỳ nghỉ gia đình, cũng là ngày lễ quốc gia. Vì vậy, trong bảy năm qua, tôi đã tạo ra một truyền thống khác: Chọc ghẹo con gái tôi bằng những câu chuyện đùa về gà tây”.

Và ông cho biết lý do vắng mặt của các cô con gái là vì không sắp xếp được lịch trình.

Thay vào đó, người tham gia nghi thức xá tội cho gà tây với Tổng thống Obama tại Vườn Hồng là hai cháu trai của ông: Austin và Aaron Robinson.

Ông Obama nói đùa rằng ông dự định sẽ giữ truyền thống này sau khi rời khỏi chức vụ tổng thống.

“Malia và Sasha rất mừng vì đây là lần cuối cùng xá tội gà tây trong cương vị tổng thống của tôi. Nhưng tôi chưa nói với chúng là chúng ta sẽ làm điều này mỗi năm kể từ bây giờ”, ông Obama hài nước nói. “Không có máy ảnh. Chỉ có chúng ta. Mỗi năm. Tôi không có cách nào bỏ được thói quen này”.

Trong khi các nhân viên Tòa Bạch Ốc háo hức xem truyền thống hàng năm được thực hiện tại Vườn Hồng, Tổng thống Obama nói với họ và công chúng những lời lẽ nghiêm túc hơn.

“Trong dịp Lễ Tạ ơn này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành của tôi tới người dân Mỹ về sự tin tưởng mà mọi người đã đặt vào tôi trong hơn tám năm qua và sự tử tế không ngờ mà mọi người đã dành cho gia đình tôi”. Ông nói tiếp: “Thay mặt cho Michelle, mẹ vợ và các con gái tôi, chúng tôi muốn cảm ơn mọi người rất, rất nhiều”.

Sau khi kết thúc bài phát biểu, Tổng thống Obama đã chúc phúc cho con gà tây nặng 40 pound (18 kg) được đem đến từ bang Iowa, “tha tội” chết cho nó để không phải xuất hiện trên bàn ăn của người Mỹ. Một con gà tây dự bị khác cũng được tha tội chết. Tên của 2 con gà gây là “Tot” và “Tater”.

http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-obama-an-xa-con-ga-tay-cuoi-cung-trong-dip-le-ta-on/3609910.html

 

Người Mỹ ‘Tạ ơn’ bất chấp một năm đầy chia rẽ

Hôm 24/11, người dân trên khắp nước Mỹ đang mừng Lễ Tạ ơn theo truyền thống. Họ tụ họp với gia đình và bạn bè xung quanh những bàn ăn đầy thức ăn, xem các cuộc diễu hành và bóng đá. Nhiều người khác tham gia vào đợt mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm.

Các biện pháp an ninh ở Mỹ đã được tăng cường, trong đó có việc mang các xe tải chở cát và chó đánh hơi bom đến bảo vệ cho cuộc diễu hành Lễ Tạ ơn lớn hàng năm của Macy’s tại thành phố New York, theo lời các giới chức cảnh sát Mỹ.

Sở Cảnh sát thành phố New York xác nhận hiện không có mối đe dọa đáng ngờ nào và cho biết đang bố trí hơn 3.000 nhân viên cảnh sát, bao gồm cả cảnh sát mặc đồng phục lẫn thường phục, dọc theo tuyến đường ngang qua Manhattan dài 4 km (2,5 dặm). Cuộc diễu hành sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ sáng, theo giờ miền Đông.

Năm nay, cảnh sát New York còn gặp thêm một thách thức an ninh khác là khu nhà cao tầng của Tổng thống đắc cử Donald Trump chỉ cách một con đường với tuyến đường diễn ra cuộc diễu hành. Tuy nhiên, ông Trump và gia đình đang đi nghỉ ở Florida.

Lễ Tạ ơn được tổ chức hàng năm vào ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11. Dịp này đánh dấu bắt đầu kỳ nghỉ lễ cuối năm tại Hoa Kỳ.

Ngày “Black Friday” (thứ Sáu sau Lễ Tạ ơn) là ngày bán hàng giảm giá lớn nhất trong năm, với nhiều cửa hàng mở cửa từ chiều thứ Năm và bán thâu đêm.

Năm nay, một số nhà bán lẻ cho biết họ thấy có một sự gia tăng đột biến doanh số bán các mặt hàng giúp thư giãn như các sản phẩm spa, nến và những thực phẩm mang lại cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, giám đốc điều hành của một số nhà bán lẻ lớn như Wal-Mart, Target và Macy’s nói không có sự thay đổi đáng kể về việc mua sắm sau cuộc bầu cử gây chia rẽ, khiến một nửa đất nước tiu nghỉu còn nửa kia thì hưng phấn.

http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-my-ta-on-bat-chap-mot-nam-day-chia-re/3609878.html

 

Bà Clinton dẫn trước ông Trump hơn 2 triệu phiếu phổ thông

Số phiếu bầu mà ứng cử viên tổng thống Mỹ Đảng Dân chủ Hillary Clinton giành được được giờ đã nhiều hơn số phiếu của Tổng thống đắc cử Donald Trump 2 triệu phiếu. Ông Trump đắc cử vì ông thắng ở những nơi cần thắng, ở những bang có đủ phiếu của đại cử tri để trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Trong khi quá trình đếm phiếu vẫn tiếp tục ở một số bang, cách biệt về phiếu bầu của bà Clinton hôm thứ Tư đạt tới 2.017.563 phiếu. Con số này sẽ còn tăng nữa vì vẫn còn nhiều phiếu chưa được đếm ở những nơi mà bà thắng, đặc biệt là ở bang California, bang lớn nhất của Mỹ ven bờ Thái Bình Dương.

Bất kể cuối cùng bà Clinton giành được hơn bao nhiêu phiếu phổ thông đi chăng nữa thì kết quả cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 vẫn không thay đổi. Bà sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống thứ năm trong lịch sử Mỹ, và thứ hai trong 16 năm qua, thắng số phiếu phổ thông nhưng thất cử vì tổng thống Mỹ được lựa chọn theo hệ thống Đại cử tri Đoàn đã được hiến pháp Mỹ minh định từ hơn hai trăm năm trước.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ về cơ bản là những cuộc bầu cử riêng ở mỗi bang trong số 50 bang và ở thủ đô Washington. Người chiến thắng ở mỗi bang nhận được trọn số phiếu đại cử tri của bang đó. Người chiến thắng cần đa số ít nhất là 270 phiếu trong số 538 phiếu đại cử tri. Những bang đông dân nhất thì có nhiều ảnh hưởng nhất tới kết quả bầu cử.

Ông Trump chiến thắng ở nhiều bang với cách biệt tương đối nhỏ, trong khi bà Clinton, cựu Ngoại trưởng Mỹ và là người đã nỗ lực trở thành nữ tổng thống đầu tiên của đất nước, thắng lớn ở hai bang California và New York. Điều này khiến bà dẫn trước về số phiếu phổ thông trên toàn quốc. Tuy nhiên ông Trump sẽ thắng số phiếu của Đại Cử tri Đoàn với tỉ số 306-232 khi tất cả kết quả ở từng bang được chung quyết.

Tổng thống đắc cử Trump, một tỉ phú bất động sản và hiện đang bổ nhiệm những quan chức chủ chốt cho chính quyền mới của mình, trước đây từng đả kích hệ thống Đại Cử tri Đoàn để lựa chọn tổng thống.

http://www.voatiengviet.com/a/ba-clinton-dan-truoc-ong-trump-hon-2-trieu-phieu-pho-thong/3609018.html

 

Thủ tướng Đức

bất bình về dự định của ông Trump rút khỏi TPP

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Tư bày tỏ sự bất bình của bà về quyết định của Tổng thống tân cử Mỹ rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mặc dù không đề cập đến tên ông Trump, bà Merkel nói bà “không hài lòng” về nguy cơ thỏa thuận thương mại TPP tan vỡ. Bà nói những thỏa thuận tương lai sẽ không thể nào tốt cho bằng TPP. Thủ tướng Merkel nói:

“Thành thực mà nói, tôi không hài lòng về chuyện hiệp định TPP giờ có nhiều phần chắc sẽ không trở thành hiện thực. Tôi không thấy bất cứ ai được hưởng lợi vì việc này”.

Bà nói thêm:

“Tôi chỉ biết một điều: Sẽ có các hiệp định thương mại khác, nhưng chúng sẽ không thể nào có những tiêu chuẩn tốt đẹp như TPP và Hiệp định Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương, gọi tắt là T-TIP đang trong vòng thảo luận.”

Trong một video công bố hôm thứ Hai, ông Trump nói trong ngày đầu tiên làm tổng thống, ông sẽ rút nước Mỹ ra khỏi TPP.

Ông Trump còn tuyên bố muốn đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico.

http://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-duc-bat-binh-ve-du-dinh-cua-ong-trump-rut-khoi-tpp/3608888.html

 

Hoa Kỳ, Nga yêu cầu Séc dẫn độ hacker Nga

Hôm thứ Tư, Bộ Tư pháp Séc cho biết cả Hoa Kỳ và Nga đều yêu cầu nước này dẫn độ Yevgeniy Nikulin, một hacker người Nga bị bắt tại Prague và bị truy tố ở Mỹ về tội xâm nhập máy tính của các công ty mạng xã hội.

Người phát ngôn nói Bộ sẽ xem xét yêu cầu dẫn độ ông Yevgeniy Nikulin, người bị bồi thẩm đoàn liên bang Hoa Kỳ cho là đã hack các công ty mạng xã hội ở Hoa Kỳ như Linkedln, Dropbox và Formspring.

Yêu cầu dẫn độ sau đó sẽ được chuyển đến một tòa án Prague. Nếu tòa án xác định là hợp lệ, thì Bộ trưởng Tư pháp sẽ đưa ra quyết định về việc dẫn độ.

Cảnh sát Séc đã bắt giữ ông Nikulin hồi tháng Mười ở Prague, nơi ông đang bị giam giữ. Vụ bắt giữ ông đã được thực hiện với sự hợp tác của Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ.

Một bồi thẩm đoàn liên bang ở Oakland, bang California, đã chính thức buộc tội ông hôm 21/10.

LinkedIn Corp nói vụ bắt giữ ông Nikulin có liên quan đến vụ công ty mạng xã hội này bị xâm nhập vào năm 2012. Trong vụ này, thông tin của khoảng 100 triệu người sử dụng có thể bị xâm nhập, khiến công ty này lập tức tiến hành thiết lập lại mật khẩu hàng loạt.

Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích vụ bắt giữ, nói rằng điều đó cho thấy Washington đang thực hiện một cuộc săn người trên toàn cầu nhắm vào các công dân Nga.

Về phần mình, chính phủ Mỹ tố cáo Nga là đã thực hiện một chiến dịch tấn công mạng nhắm vào các tổ chức của Đảng Dân chủ trong thời gian dẫn tới ngày bầu cử tổng thống Mỹ 8/11.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói tai tiếng về vụ hacking không có lợi cho Nga.

http://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-nga-yeu-cau-sec-dan-do-hacker-nga/3608744.html

 

TQ quyết thúc đẩy các hiệp định thương mại

bất kể tương lai TPP, RCEP

Trung Quốc nói sẽ tích cực tham gia vào các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương, với mục tiêu cải cách sâu rộng và mở cửa nền kinh tế, bất kể tương lai của Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Đối tác (TPP) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) do Bắc Kinh hậu thuẫn sẽ đi về hướng nào.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump nói ông sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định thương mại đa quốc gia và không có Trung Quốc – TPP. Điều này khiến cho RCEP, một hiệp định đối trọng không có Hoa Kỳ, vượt lên hàng đầu trong các hiệp định thương mại tự do mới trong khu vực.

Khi được yêu cầu làm rõ về chi tiết cụ thể kế hoạch cải cách, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Shen Danyang nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng đây là cuộc cải cách kinh tế bao quát và “toàn diện”.

Cũng theo lời ông Shen, Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng tốc các cuộc đàm phán RCEP để có thể kết thúc sớm, với sự tôn trọng hoàn toàn vị thế cốt lõi của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong thỏa thuận này.

Tại hội nghị thượng đỉnh APEC tại Peru, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ mở cửa nền kinh tế hơn nữa, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đang tìm kiếm lựa chọn các hiệp định thương mại tự do mới sau khi ông Trump đắc cử. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump hứa sẽ hủy bỏ hoặc tái đàm phán các hợp đồng thương mại.

RCEP, bao gồm các nước Australia, Ấn Độ và hơn một chục quốc gia khác, được xem là con đường có thể duy nhất dẫn đến Hiệp định Thương mại Tự do Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) mà APEC mong muốn.

Theo tờ báo nhà nước China Daily, nhiều nhà bình luận Trung Quốc đang say sưa về sự sụp đổ của TPP, gọi đây là một hiệp định “quá phức tạp” và “yểu mệnh ngay từ đầu”.

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-quyet-thuc-day-cac-hiep-dinh-thuong-mai-bat-ke-tuong-lai-cua-tpp/3610130.html

 

Thêm nhiều người Rohingya

chạy sang Bangladesh lánh bạo lực ở Myanmar

Thêm nhiều người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar tràn vào nước láng giềng Bangladesh trong tuần này, với một số người e là đã chết đuối sau khi một chiếc thuyền bị chìm trong khi đang tìm cách lánh bạo lực đã giết chết ít nhất 86 người và khiến 30.000 người tản cư.

Một số người tị nạn Rohingya đã mất tích kể từ hôm thứ Ba sau khi một nhóm người vượt qua Sông Naaf ngăn cách Myanmar và Bangladesh. Những người vào được Bangladesh tìm nơi trú ẩn trong những trại tị nạn hoặc nhà của người dân.

Binh sĩ Myanmar đã tràn vào bang Rakhine ở miền tây giáp biên giới Bangladesh để đáp trả những vụ tấn công có phối hợp nhắm vào ba đồn biên phòng vào ngày 9/10 làm 9 cảnh sát thiệt mạng.

Cư dân người Rohingya và những tổ chức nhân quyền cáo buộc quân đội và lực lượng biên phòng cưỡng hiếp phụ nữ người Rohingya, đốt nhà và giết hại thường dân trong những hoạt động đáp trả đó. Chính phủ và quân đội Myanmar đã bác bỏ những cáo buộc này.

Đây là tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ khi hàng trăm người thiệt mạng trong những cuộc đụng độ cấp làng xã ở bang Rakhine vào năm 2012, và đề ra thách thức lớn nhất cho chính quyền tám tháng của bà Aung San Suu Kyi, người từng được trao giải Nobel Hòa bình.

Nhiều người ở nước Myanmar đa phần theo Phật giáo coi 1,1 triệu người Rohingya ở Myanmar là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh.

Chính phủ Dhaka hôm thứ Tư đã triệu tập đại sứ Myanmar để bày tỏ lo ngại về tình hình.

Ước tính tới 30.000 người hiện phải tản cư và hàng ngàn người khác đã bị ảnh hưởng bởi chiến sự hồi gần đây, theo Liên Hiệp Quốc.

Những cơ quan của Liên Hiệp Quốc chưa cung cấp con số cụ thể người Rohingya lánh nạn, nhưng những nhân viên cứu trợ nói với hãng tin Reuters rằng hàng trăm người đã vượt qua biên giới vào Bangladesh suốt cuối tuần qua và trong ngày thứ Hai.

http://www.voatiengviet.com/a/them-nhieu-nguoi-rohingya-chay-sang-bangladesh-lanh-bao-luc-o-myanmar/3609101.html

 

Iran dọa trả đũa nếu Mỹ triển hạn chế tài

20 năm qua được triển hạn thêm mười năm nữa.

Cảnh báo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Hạ viện Hoa Kỳ biểu quyết triển hạn thêm mười năm nữa Đạo luật Chế tài Iran (ISA), sẽ đáo hạn vào cuối năm nay.

Thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt mà Iran đạt được với Mỹ và các cường quốc thế giới hạn chế những hoạt động hạt nhân của Iran để ngăn chặn nước này phát triển vũ khí hạt nhân nhằm đổi lấy việc nới lỏng những chế tài đang làm nền kinh tế nước này suy yếu. Thỏa thuận này phải được Thượng viện Hoa Kỳ chấp thuận và được Tổng thống Barack Obama ký để được triển hạn.

Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao của Iran, không nói rõ phản ứng đáp trả của Iran sẽ là gì, nhưng Mỹ “nên nhận thức rằng nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ không đứng yên,” ông Khamenei cho biết hôm thứ Tư trong một bài diễn văn trên truyền hình.

Các nhà lập pháp Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ nói rằng họ hy vọng sẽ duy trì một phương sách cứng rắn với Iran dưới chính quyền tổng thống mới.

Ông Khamenei nói còn quá sớm để phán xét chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Nhưng ông Trump trước nay vẫn chỉ trích thỏa thuận này.

http://www.voatiengviet.com/a/iran-doa-tra-dua-neu-my-trien-han-che-tai/3609105.html

 

Kẻ cuồng tín cực hữu bị kết tội sát hại nhà lập pháp Anh

Một kẻ cuồng tín cực hữu hôm thứ Tư đã bị kết tội sát hại Nghị sĩ Jo Cox của Anh. Vụ việc đã khiến nước Anh bàng hoàng và gây chấn động khắp lục địa Châu Âu và xa hơn nữa.

Thomas Mair, 53 tuổi, là nghi can duy nhất bị buộc tội bắn và đâm chết bà Cox, chính trị gia có quan điểm ủng hộ người nhập cư, người tị nạn trong Nghị viện Anh, khi bà đang trên đường đi đến một thư viện ở thị trấn Birstall của xứ Anh để gặp gỡ cử tri vào ngày 16 tháng 6.

Bồi thẩm đoàn tại tòa án hình sự trung tâm Old Bailey của London mất 90 phút để kết tội ông Mair. Tin tức cho hay ông ta không biểu lộ cảm xúc gì sau khi nghe phán quyết.

Trong lần đầu tiên xuất hiện trước tòa, ông Mair không chịu nêu tên hợp pháp của mình mà nói rằng: “Tên tôi là cái chết cho những kẻ phản bội, tự do cho nước Anh.”

http://www.voatiengviet.com/a/ke-cuong-tin-cuc-huu-bi-ket-toi-sat-hai-nha-lap-phap-anh/3609110.html