Tin Việt Nam – 23/11/2016
Viện Kiểm sát Tối cao
điều tra vụ công an đánh dân ở Dak Nong
Vụ việc công dân bị công an đánh đến nhập viện mới nhất được Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao chỉ đạo xác minh làm rõ.
Mạng báo Pháp Luật loan tin cho hay hôm nay một lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thông báo như vừa nêu đối với vụ công dân Võ Hướng ngụ tại xã Dak Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nong bị công an địa phương đánh đến liệt nửa người.
Vụ việc diễn ra hôm 8 tháng 11, công an huyện Tuy Đức tiến hành phá một vụ ghi số đề tại nhà một người dân ở xã Dak Buk So. Trong điện thoại của người chủ nhà có tin nhắn với nội dung có chữ ‘Huong So’. Công an nghi đó là ông Võ Hướng và triệu tập ông này lên cơ quan làm việc vào ngày 10 tháng 11.
Tin cho biết tại cơ quan công an, ông Võ Hướng khẳng định không hề ghi số đề nhưng hai công an làm việc với ông này dùng biện pháp nghiệp vụ buộc phải khai nhận.
Ngay trong chiều 10 tháng 11, ông Võ Hướng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức trong tình trạng bị co giật sùi bọt mép, mắt trợn ngược, liệt nửa người.
Gia đình được thông báo vụ việc và đưa ông Võ Hướng xuống cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh. Hiện ông này vẫn còn liệt nửa người.
Trường hợp vừa nêu được ghi nhận là mới nhất trong rất nhiều vụ người dân bị đánh đập, tra tấn tại cơ quan công an. Có trường hợp tử vong và được báo là nạn nhân tự tử tại đồn công an.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam trả tự do ba nhà hoạt động
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, OHCHR, hôm qua, 22/11/2016, kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ba nhà hoạt động bị bắt gần đây, đồng thời điều tra về những lời tố cáo rằng ba người có thể đã bị tra tấn.
Thông cáo của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đưa ra từ Bangkok, nêu trường hợp của ông Hồ Văn Hải, chủ trang Facebook Hồ Hải và hai nhà hoạt động chính trị Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ. Cả ba đã bị bắt vào đầu tháng này và từ đó đến nay bị giam mà không ai liên lạc được.
Ông Hồ Văn Hải bị bắt với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước », chiếu theo điều 88 bộ Luật Hình Sự Việt Nam, do những bài viết đăng trên trang Facebook của ông, còn hai ông Lê Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ thì bị cáo buộc « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân », chiếu theo điều 79 bộ Luật Hình Sự, do đã thành lập một tổ chức có tên là « Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết », nhằm thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Theo lời ông Laurent Meilan, quyền đại diện khu vực Đông Nam Á của OHCHR, « hai điều luật nói trên, cùng với những điều luật khác có liên quan đến cái gọi là an ninh quốc gia, là trái với những chuẩn mực về nhân quyền của quốc tế và cần phải được xóa bỏ. » Vừa kêu gọi Hà Nội trả tự do vô điều kiện cho ba nhà hoạt động nói trên, OHCHR vừa bày tỏ mối quan ngại về những thông tin cho biết họ có thể bị tra tấn khi bị biệt giam như vậy. OHCHR yêu cầu Hà Nội điều tra về những lời tố cáo này.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161123-lhq-keu-goi-viet-nam-tra-tu-do-ba-nha-hoat-dong
Những lý do khiến Việt Nam bỏ điện hạt nhân
Nợ công tăng nhanh, thay đổi ban lãnh đạo và quan ngại về an toàn hạt nhân, đó là những lý do khiến Việt Nam buộc phải từ bỏ điện nguyên tử. Hôm qua, 22/11/2016, trong một phiên họp kín, Quốc Hội Việt Nam, với 92% phiếu thuận, đã thông qua nghị quyết về việc dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chủ trương xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã từng được Quốc Hội Việt Nam thông qua vào tháng 11/2009 ( nhưng chỉ với 77% phiếu thuận ). Dự án gồm 2 nhà máy với công suất tổng cộng 4000 MW, theo dự kiến sẽ do Nga xây dựng, với nhà máy đầu tiên sẽ được khánh thành vào năm 2028. Việt Nam cũng đã dự trù xây hai nhà máy điện nguyên tử khác ở Ninh Thuận với sự trợ giúp của Nhật. Mục tiêu là để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, được dự báo sẽ tăng nhanh trong những năm tới cùng với đà tăng trưởng kinh tế.
Theo lời chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành, được báo trong nước trích dẫn hôm qua, một trong những lý do của đề nghị ngưng dự án nhà máy điện hạt nhân là do hiện nay, “nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu khí có giá thành thấp hơn trước, việc đầu tư không cạnh tranh được về kinh tế“.
Thế nhưng, theo tờ Nikkei Asian Review của Nhật, trong bài viết đang hôm nay, 23/11/2016, lý do đầu tiên khiến Việt Nam buộc phải từ bỏ điện hạt nhân, đó là chi phí cho các dự án nói trên quá cao, tổng cộng lên tới 27 tỷ đôla, chiếm đến 13% tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam ( được thẩm định chỉ vào khoảng 200 tỷ đôla ).
Trong khi đó, nợ công của Việt Nam lại đang tăng rất nhanh, theo dự báo sẽ lên đến 65% GDP vào cuối năm nay, vì trong những năm qua, Việt Nam đã phải vay ngày càng nhiều tiền từ bên ngoài để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Trong khi đó thì nguồn thu nhập từ thuế thì đã bị giảm gần 10%, do Việt Nam phải thi hành các hiệp định tự do mậu dịch, chẳng hạn như với ASEAN.
Theo Nikkei Asian Review, trích lời một phóng viên trong nước, việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mất chức cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định dừng dự án điện hạt nhân. Ông Dũng đã là người ủng hộ các dự án nhà máy điện nguyên tử và các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác. Nhưng ban lãnh đạo mới hiện nay có thể sẽ tạm dừng hoặc ngưng các dự án lớn như vậy.
Tuy tai nạn hạt nhân Fukushima năm 2011 đã khiến công luận Việt Nam thêm lo ngại, lúc đó chính quyền Hà Nội vẫn thúc đẩy các dự án điện nguyên tử ở Ninh Thuận, vì chế độ độc đảng ở Việt Nam ít khi nào quan tâm đến ý kiến của người dân. Thế nhưng chính phủ ngày càng khó mà kiểm duyệt các thông tin trước sức lan tỏa của các mạng xã hội như Facebook. Ý thức về môi trường của người dân Việt Nam càng được nâng cao qua vụ cá biển chết hàng loạt do các chất thải độc hại từ nhà máy Formosa. Mối quan ngại về an toàn hạt nhân có lẽ cũng là một yếu tố thúc đẩy ban lãnh đạo mới của Việt Nam phải quyết định dừng dự án điện hạt nhân.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161123-nhung-ly-do-khien-viet-nam-bo-dien-hat-nhan
Nhà giáo: Học sinh quá tải, cần xem lại mục tiêu giáo dục
Vấn đề áp lực học hành lại được bàn luận nhiều trên một số trang tin Việt Nam sau khi xuất hiện trên mạng một đoạn video ghi cảnh hai học sinh nam dường như phải ăn cơm hộp khi được chở bằng xe máy trên đường đi học thêm.
Ít nhất hai báo mạng, Dân Trí và Phụ Nữ Online, đã đăng đoạn video dài hơn 20 giây được cho là của một người có tên Chu Chí Khanh ghi lại ở thành phố Hồ Chí Minh và đăng lên trên Facebook cá nhân của anh hôm 21/11.
Anh Khanh đặt tiêu đề cho đoạn video là “Thực trạng ‘ĂN – HỌC’ tại Việt Nam hiện nay!” và chú thích thêm: “Video được quay vào tầm 5h chiều khi tụi nhỏ vừa tan học về, không biết có phải vì bận ‘chạy show học thêm’ tiếp hay không mà ba mẹ lại để 2 đứa nhỏ ăn cơm hộp trong khi đường kẹt xe và bụi bặm như vậy…trông tội quá!”
Chị Hương Mai, 38 tuổi, một người dân ở tp. HCM, nói với VOA rằng cảnh học sinh phải “ăn cơm hay gặm bánh mỳ” trên xe sau lưng ba mẹ trên đường đi học thêm đã có ở thành phố cả 20 năm nay, kể từ khi bản thân chị là một học sinh. Chị cho rằng cả trẻ em lẫn người lớn đều chịu thiệt hại do những áp lực học hành:
“Cái này cho thấy một áp lực học hành quá lớn đối với trẻ em. Ở đây, ở Việt Nam, phải học rất là nặng từ nhỏ, và nhiều em không có thời gian để ăn như đã thấy trong hình. Nhiều em còn không có thời gian để ngủ. Còn cái áp lực học hành, chương trình học quá nặng về toán, lý, hóa và các môn chủ yếu sử dụng não trái. Những đứa trẻ có thiên hướng về não phải không chịu được áp lực học hành đó, dẫn tới phải căng sức hơn bình thường. Cha mẹ cũng phải lo lắng rất là nhiều. Họ cũng mất rất nhiều thời gian thay vì là dùng thời gian đó để nghỉ ngơi hay tái tạo sức lao động”.
Một mặt cho rằng các bậc phụ huynh có một phần lỗi khi luôn muốn con mình giỏi, đạt thành tích cao trong học tập, nữ nhà giáo Tô Thụy Diễm Quyên cũng chỉ ra rằng các giáo viên có một phần vai trò khi học sinh bị quá tải trong việc học.
Từ tp. HCM, nhà giáo 49 tuổi nói với VOA:
“Tất cả những thày cô giáo đang làm trong ngành giáo dục cũng cảm thấy mình cũng có một phần trách nhiệm, cũng một phần lỗi trong đó. Vì làm sao để các em đạt điểm thi tốt cho nên là nhiều thày cô giáo cũng tìm cách này cách nọ để dạy luyện thi thêm cho các em nữa. Chúng ta phải xác định lại mục tiêu của giáo dục, thì lúc bấy giờ mới có thể giảm bớt được cái cảnh chạy đua với nhau để mà học tập. Rất đơn giản đó là mục tiêu học để làm người và học để lao động. Còn hiện giờ, chúng ta đang học để giải quyết lượng kiến thức. Khi mà thay đổi mục tiêu giáo dục như vậy, nó phải đi kèm theo là thay đổi cách đánh giá”.
Về cách thức thay đổi phương pháp giáo dục, chị Hương Mai – hiện làm việc trong lĩnh vực kinh doanh nhưng trước đây được đào tạo để trở thành giáo viên ngoại ngữ – nêu ra các gợi ý:
“Nếu mà muốn cải tổ, làm cho tốt hơn, cần phải ngồi lại để tạo ra những chương trình học phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng nhóm tuổi. Ví dụ như tuổi nhỏ, các em không nên học nhiều mà các em nên chơi nhiều để có thời gian ngủ để tăng trưởng chiều cao. Cái thứ hai là chương trình phải phù hợp với từng năng lực, từng khả năng trí não của từng nhóm. Nhóm nào thích tự nhiên phải có chương trình riêng của các em, các chương trình phù hợp với các em có thiên hướng về xã hội, và chương trình học phù hợp với các em có thiên hướng về nghệ thuật. Bộ não của con người không có cân bằng mà thường là sẽ phát triển lệch, thì chúng ta tạo ra một chương trình chống học lệch thì nó rất là phản khoa học”.
Nhà giáo Tô Thụy Diễm Quyên cho biết không chỉ riêng học sinh Việt Nam mà ở rất nhiều nước trên thế giới, vẫn còn tình trạng các em cùng một lứa tuổi vào học cùng một lớp với cùng một cách giảng dạy, cùng một bài kiểm tra, đánh giá, và cùng một yêu cầu đầu ra. Bà cho rằng điều này là phản khoa học.
Ở cương vị hiện nay là chuyên viên của Sở Giáo dục tp. HCM, bà Quyên cho VOA biết thành phố đang tiến hành những thay đổi trong công tác giáo dục để giảm bớt tình trạng kể trên:
“Hiện giờ là đã thay đổi được rồi, mặc dù là chưa hoàn toàn đồng bộ. Bởi vì vẫn còn phải có những quy trình thi cử, đánh giá vẫn có đi theo nếp cũ. Nhưng ở tp. HCM rất nhiều phụ huynh đã hiểu ra mục tiêu giáo dục thực sự tốt nhất cho con mình là gì”.
Từng là một trong 250 người được Microsoft chọn là chuyên gia cố vấn giáo dục toàn cầu, bà Quyên lưu ý rằng “trong thế kỷ 21 kỹ năng tư duy sẽ quan trọng hơn kiến thức chúng ta nhận được”.
Bà cho biết tp. HCM sắp tổ chức một cuộc thi để các giáo viên nêu ra hàng nghìn ý tưởng về giảng dạy một cách sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin. Theo bà, sự kiện này cũng là một dịp tốt để các phụ huynh đến và “nhìn thấy con họ bây giờ cần phải học điều gì”.
http://www.voatiengviet.com/a/nha-giao-hoc-sinh-qua-tai-can-xem-lai-muc-tieu-giao-duc/3608585.html
Khách du lịch sẽ có thể vào Việt Nam bằng visa điện tử
Việt Nam sẽ bắt đầu cấp visa du lịch trực tuyến từ đầu năm sau với mục đích thu hút thêm nhiều khách nước ngoài. Thị thực sẽ có giá trị trong 30 ngày cho khách đến Việt Nam với mục đích tham quan.
Đây được coi là một bước tiến về thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách vào Việt Nam sau những phàn nàn của khách du lịch về thủ tục khá rườm rà và mất nhiều thời gian để được cấp visa vào Việt Nam.
Theo trang web chinhphu.vn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Văn Tuấn ra thông báo hôm 4/11 cho biết sẽ bắt đầu cấp thị thực điện tử (e-visa) cho khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam từ ngày 1/1/2017. Theo một nghị quyết của quốc hội, việc cấp visa điện tử sẽ được thí điểm trong 2 năm 2017-2018.
Nhận xét về chương trình thí điểm này, giám đốc sở du lịch Quảng Bình Hồ An Phong nói với VOA Việt Ngữ đây sẽ là một “điều tốt” cho du lịch Việt Nam.
Với thủ tục xin visa mới, toàn bộ quá trình từ nộp hồ sơ, xem xét giải quyết và thông báo kết quả cấp visa cho khách du lịch nước ngoài đều thực hiện bằng phương tiện điện tử. Trang web của chính phủ trích lời phó vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế của TCDL Lê Anh Tuấn nói người nước ngoài xin visa vào Việt Nam sẽ không cần phải có thư mời hay giấy bảo lãnh như trước đây và thị thực sẽ được cấp trong vòng 3 ngày kể từ khi nộp hồ sơ.
Theo ghi nhận của VNExpress, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đây nói tại một hội nghị phát triển du lịch rằng chính phủ đã giành 200 tỷ đồng (8,8 triệu đô la Mỹ) để xúc tiến nhanh dự án thí điểm cấp visa trực tuyến bắt đầu vào ngày đầu tiên của năm tới.
Chính phủ Việt Nam đặt chỉ tiêu thu hút mỗi năm khoảng 10 triệu khách du lịch quốc tế cho tới 2020 để đạt lợi nhuận 18-19 tỷ đô la – tương đương với 6,5-7% GDP.
Năm nay, Việt Nam hy vọng đón 8,5 triệu lượt khách du lịch tức là tăng 6% so với năm 2015. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cho tới tháng 10 năm nay, đã có hơn 8 triệu khách du lịch chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ tới Việt Nam.
Với mục tiêu thu hút thêm khách du lịch, vào tháng 7 năm nay chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành chính sách nới rộng miễn thị thực tới 15 ngày đối với khách du lịch từ 5 nước châu Âu bao gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý. Trước đó trong năm, Việt Nam cũng đã nới rộng thị thực cho du khách Mỹ tới 1 năm thay vì 3 tháng như trước đây.
Tuy nhiên theo các chuyên gia về kinh doanh du lịch, chính phủ cần phải tiếp tục nới rộng việc miễn visa cho những nước là thị trường trọng điểm của du lịch Việt nam để giúp ngành du lịch trong nước hội nhập nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Trang web của chính phủ trích lời phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nói việc áp dụng visa điện tử là một bước tiến nhưng không thể giải quyết mọi vấn đề của du lịch và chưa thể giúp ngành du lịch Việt Nam cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Theo ông Bình các nước này đã miễn visa cho công dân của rất nhiều nước tới thăm với ví dụ là Thái Lan đã miễn thị thực cho công dân 58 nước, Malaysia là 158 nước, Philippines là 168 nước và Indonesia là 169 nước.
Mặc dù lượng khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam năm nay tăng hơn nhưng ngành du lịch trong nước đã bị ảnh hưởng nặng trong những tháng qua sau sự cố ô nhiễm biển miền Trung do Formosa gây nên. Theo thống kê của TCDL, 5 tỉnh miền trung bị ảnh hưởng bởi sự cố này đã làm ngành du lịch của khu vực miền Trung bị thiệt hại 2.000 tỷ đồng và làm doanh thu từ du lịch giảm 90%.
http://www.voatiengviet.com/a/khach-du-lich-se-co-the-vao-viet-nam-bang-visa-dien-tu/3608447.html
Hai nhà hoạt động bị biệt giam với nguy cơ tra tấn
Hai nhà hoạt động ủng hộ dân chủ thuộc nhóm Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết bị bắt giữ hôm 6 tháng 11 vừa qua, hiện đang bị giam không được liên lạc với ai và có nguy cơ bị tra tấn cũng như bạc đãi trong trại.
Đó là hai nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ. Cả hai người bị cơ quan chức năng Việt Nam buộc tội ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Tổ chức Ân Xá Quốc tế, Amnesty International, hôm qua ra thông cáo kêu gọi có hành động khẩn cấp cho hai trường hợp vừa nêu. Theo tổ chức này thì cả hai người từng tham gia vào những cuộc tuần hành ôn hòa phản đối Formosa gây thảm họa môi trường biển tại các tỉnh miền Trung cũng như những cuộc biểu tình chống Trung Quốc có hành động ngang ngược tại Biển Đông.
Cả hai bị bắt vào ngày 6 tháng 11 nhưng đến ngày 17 tháng 11 gia đình mới được chính thức thông báo cho biết họ bị giam tại số 4 Phan Đăng Lưu, thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích để điều tra về tổ chức Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết.
Khi bắt giữ ông Lưu Văn Vịnh, những người thi hành công vụ đã đánh ông trước mặt người thân.
Ngay trước khi Ân Xá Quốc tế có thông cáo kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do ngay cho hai nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ, thì Văn Phòng Nhân quyền Liên hiệp Quốc cũng có kêu gọi tương tự.
Bà Lê Thị Thập, vợ ông Lưu Văn Vịnh vào ngày 23 tháng 11 chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do, đại ý bà cho biết công an đang tạm giữ ông Lưu Văn Vịnh, không cho người nhà vào thăm nên bà cũng không biết thông tin gì thêm.
Không có TPP, xuất khẩu của Việt Nam ảnh hưởng thế nào?
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 21/11/2016 khẳng định Hoa Kỳ sẽ không theo đuổi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương(TPP), đây là một trong những việc mà ông làm ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20/1/2017. Trường hợp không có TPP cùng với khuynh hướng chống tự do hóa thương mại của ông Trump, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Mỹ không thể quay lại làm dệt may
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, năm 2015 hàng hóa Việt Nam bán qua Mỹ trị giá gần 33,5 tỷ USD. Năm ngoái Hoa Kỳ cũng là thị trường mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất với 25,7 tỷ USD.
Trong 33,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua Hoa Kỳ năm 2015, sản phẩm dệt may dẫn đầu với với giá trị xuất khẩu 11 tỷ USD, kế tiếp là giày dép trên 4 tỷ USD, các mặt hàng vali-ô dù-cặp và túi xách trị giá 1,18 tỷ USD, sản phẩm gỗ gần 2,17 tỷ USD, riêng nhóm sản phẩm điện tử, máy điện toán và linh kiện cũng đạt trị giá gần 2,9 tỷ USD.
Ông Trump có lôi kéo công ăn việc làm về thì cũng không thể nào lôi về những ngành mà Việt Nam xuất khẩu lớn như dệt may, da giày. Bởi vì bản thân nước Mỹ không còn sản xuất những thứ đó nữa.
-Diệp Thành Kiệt
Việt Nam từng kỳ vọng tăng kim ngạch xuất khẩu từ 17% tới 30% theo lộ trình dỡ bỏ thuế quan khi TPP có hiệu lực đầy đủ. Nay có dấu hiệu rõ rệt TPP không còn hiện thực, ít nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump. Ngoài ra vị Tổng thống đắc cử còn bày tỏ khuynh hướng kinh tế hướng nội, hứa hẹn đưa một số ngành sản xuất mà doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư ở nước ngoài trở về Hoa Kỳ, để tạo thêm công việc làm cho người dân Mỹ.
Trao đổi với Nam Nguyên vào tối 22/11, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam nhận định:
“Ông Trump có lôi kéo công ăn việc làm về thì cũng không thể nào lôi về những ngành mà Việt Nam xuất khẩu lớn như dệt may, da giày. Bởi vì bản thân nước Mỹ không còn sản xuất những thứ đó nữa, đã dừng sản xuất lâu rồi. Có thể khẳng định nước Mỹ sẽ vẫn tiếp tục mua những sản phẩm dệt may, da giày từ Việt Nam và thế giới.”
Theo ông Diệp Thành Kiệt, nếu Hoa Kỳ thay đổi chính sách, tạm gọi là bảo hộ, thì điều đó đối với Việt Nam cũng giống như tình trạng hiện nay mà thôi. Giả dụ TPP có hiệu lực thì Việt Nam sẽ có lợi thế lớn đối với đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc. Trong tình hình hiện nay lợi thế cạnh tranh của Việt Nam ngang bằng với Trung Quốc, nhưng Việt Nam vẫn tăng được thị phần vào nước Mỹ. Điều này có nghĩa là nếu nước Mỹ bảo hộ thì sẽ ảnh hưởng toàn bộ thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Ông Diệp Thành Kiệt nhấn mạnh:
“Vấn đề làm cho chúng tôi quan tâm là ông Trump có làm cho nền kinh tế Mỹ vươn lên hay không thôi. Bởi vì thị trường Mỹ lớn hay là nhỏ là do nội lực của nền kinh tế Mỹ, nếu ông ấy làm cho nền kinh tế Mỹ tốt hơn, giàu có hơn người dân tiêu thụ nhiều hơn, thì chúng tôi không lo việc họ tiếp tục nhập quần áo, da giày của chúng tôi. Còn nếu kinh tế Mỹ ảm đạm thì cho dù có TPP cũng chưa chắc tạo ra sức tăng về nhu cầu nhập khẩu.”
Trao đổi với chúng tôi vào tối 22/11, Giáo sư Vũ Văn Hóa phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, dù là ông Trump hay ai thì cũng không thể xóa bỏ tự do mậu dịch, nếu không có TPP thì lâu dài sẽ ảnh hưởng mức tăng trưởng xuất khẩu kỳ vọng của Việt Nam. Nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều thị trường xuất khẩu khác và nhiều hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Giáo sư Vũ Văn Hóa nhấn mạnh:
“Ông Donald Trump đã tuyên bố như thế trong lúc tranh cử, khi đắc cử ông ấy cũng phải giữ lời hứa không công nhận Hiệp định TPP này. Nhưng tôi nghĩ Hoa Kỳ trước sau cũng sẽ tham gia Hiệp định này vì ông Trump không thể làm Tổng thống Mỹ quá 8 năm được… Trong quá trình ấy, nếu Việt Nam thấy là Hoa Kỳ có thể cung cấp đủ những sản phẩm trước đây từng nhập của Việt Nam và các nước khác, thì Việt Nam vẫn có thể tìm các thị trường khác và các thị trường khác cũng vẫn có thể tìm đến Việt Nam.
Ngay với một nước cung cấp tự túc cũng có thể trao đổi với nhau giữa ngành này ngành khác, bản thân trong một ngành cũng có cạnh tranh. Cho nên những ngành nào có năng suất lao động cao phù hợp với nhu cầu thị trường thì vẫn thắng lợi. Tôi nghĩ là không bao giờ mất đi mậu dịch tự do. Cũng không bao giờ lại mất đi bất cứ một ngành sản xuất nào khi nó cần thiết cho đời sống xã hội.”
Tiếp tục cải cách và hội nhập
Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ vào năm 2001, năm 2007 Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, Hoa Kỳ là một trong các nước thành viên sáng lập. Tổng thống tân cử Donald Trump có khả năng dừng việc Quốc hội phê chuẩn TPP và yêu cầu đàm phán lại với 11 nước tham gia TPP. Ông Trump mô tả TPP là thảm họa tiềm ẩn đối với Hoa Kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói một câu tôi cho rằng phù hợp với những điều chúng tôi suy nghĩ: cho dù có TPP hay không thì Việt Nam vẫn tiếp tục hội nhập.
-Diệp Thành Kiệt
Từ chính sách hội nhập sâu rộng, trong 20 năm qua Việt Nam đã tăng kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ gấp 13 lần. Từ mức vài trăm triệu USD, trước khi khi ký Hiệp định thương mại song phương 2001, tăng lên 33,5 tỷ USD trong năm 2015.
12 nước TPP chi phối 40% nền kinh tế thế giới, bao gồm Việt Nam, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Brunei, Chi Lê, Peru, Mexico, Canada. TPP có thể trở thành hiện thực hay không hoàn toàn phụ thuộc vào Hoa Kỳ là nước chiếm khoảng 62% GDP toàn khối, còn Nhật Bản chiếm tỷ lệ 17%. TPP có điều khoản qui định phải có ít nhất 6/12 nước thành viên phê chuẩn và có GDP gộp chiếm 85% tổng GDP toàn khối, thì Hiệp định mới có hiệu lực. Như vậy trước thực tế TPP không hiện thực thì Việt Nam cần điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu như thế nào, đặc biệt trong các sản phẩm chủ lực như dệt may, da giày. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam nhận định:
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói một câu tôi cho rằng phù hợp với những điều chúng tôi suy nghĩ: cho dù có TPP hay không thì Việt Nam vẫn tiếp tục hội nhập. Có nghĩa là muốn vào thị trường Mỹ, nếu có TPP thì chúng ta thuận lợi hơn. Không có TPP thì chúng ta phải tìm các giải pháp để cạnh tranh.
Cho nên chúng tôi nghĩ rằng, những chính sách chung về hội nhập của Việt Nam và những chính sách để phát triển mở rộng thị trường và nâng cao tính cạnh tranh của các ngành nghề chúng ta đang có thế mạnh sản xuất, kể cả dệt may, kể cả da giày, thì vẫn phải tiếp tục chứ không phải vì chuyện không có TPP mà dừng lại. Tuy nhiên những thứ đầu tư nhằm vào thị trường Mỹ không thôi, thì cần phải cân nhắc. Tôi muốn lập lại cân nhắc tức là xem rằng với chính sách của Tổng thống Mỹ công bố trong thời gian tới, nó có làm cho nước Mỹ thịnh vượng hơn hay không. Nếu nước Mỹ thịnh vượng thì việc chúng ta xuất khẩu vào Mỹ vẫn còn tốt, không đáng ngại…”
Theo giới quan sát, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đang nín thở theo dõi 100 ngày làm việc đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump kể từ 20/1/2017. Bởi vì nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn đứng đầu thế giới và mọi quyết sách của chính phủ mới có thể tạo ra những ảnh hưởng hết sức lớn lao.