Tin khắp nơi – 23/11/2016
Hillary, khí hậu, tra tấn : Trump bỏ nhiều cam kết tranh cử
Trong cuộc phỏng vấn thứ hai dành cho báo Mỹ kể từ khi ông đắc cử, lần này là cho tờ New York Times số ra hôm qua, 22/11/2016, tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đã có một loạt tuyên bố hòa hoãn trên nhiều vấn đề từng bị ông nêu lên một cách gay gắt trong thời gian vận động tranh cử. Trong số này có ba vấn đề : email của bà Hillary Clinton, sự cần thiết của hành động tra tấn nghi phạm, và khí hậu.
Theo thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet tại Washington, việc ông Donald Trump đổi giọng có thể sẽ làm phật ý những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông, nhưng thể hiện mong muốn trấn an của tổng thống tân cử đối với một nửa số người Mỹ đã không bỏ phiếu cho ông.
« Hãy nhốt bà ta lại ! Hãy nhốt bà ta lại ! » : Đó là những lời la hét của đám đông ủng hộ ông Donald Trump trong các cuộc mít tinh tranh cử trước đây, khi ông tố cáo đối thủ Hillary Clinton là « bất lương ». Thế nhưng ông lại vừa nói với tờ New York Times là ông sẽ không theo đuổi cuộc điều tra về các email của bà Clinton.
Còn về hồ sơ biến đổi khí hậu mà ông từng gọi là một « trò hề », thì ông lại cho rằng có thể có liên quan đến « các hoạt động của con người ».
Riêng về vấn đề dùng biện pháp tra tấn, kể cả hình thức trấn nước, đối với với các thành phần khủng bố, ông Donald Trump đã từ bỏ chủ trương này sau cuộc tiếp xúc với ông James Mattis, một viên tướng thủy quân lục chiến Mỹ đã về hưu, hiện là một trong những người có nhiều triển vọng trở thành bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ. Ông Mattis đã chống lại việc dùng biện pháp tra tấn.
Donald Trump cũng bảo vệ việc cất nhắc ông Steve Bannon, trưởng nhóm cố vấn chiến lược của ông. Theo ông Trump thì ông Bannon không phải là một người phân biệt chủng tộc hay cực hữu.
Ông Trump cũng đã phủ nhận – tuy khá muộn màng – tuyên bố của phong trào tân phát xít mới trong một cuộc họp ngày 19/11 vừa qua ở Washington, cho biết có một quan hệ sâu sắc với ông.
Tổng thống tương lai của nước Mỹ cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy hòa bình giữa Israel và Palestine. Ông cho rằng Jared Kushner, một người Do Thái là chồng cô con gái Ivanka của ông, có thể đóng một vai trò tốt, nếu các cuộc đàm phán hòa bình được nối lại ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161123-hoa-ky-donald-trump-doi-giong-tren-nhieu-loi-hua-luc-tranh-cu
Vùng than Trung Quốc
trông chờ vào nhà « độc tài » địa phương
Có lẽ ít nơi nào ở Trung Quốc lại tập trung nhiều mâu thuẫn như tỉnh Sơn Tây (Shanxi), miền đông bắc. Vùng than hàng đầu nước này thường lâm vào cảnh thiếu điện ; con em vùng mỏ không được hưởng các ưu đãi như tại các khu vực xa xôi, trong lúc nạn tham nhũng hoành hành ở quy mô nghiêm trọng nhất nước. Nhiều người Sơn Tây đặt niềm tin vào một lãnh đạo độc tài, có thể mang lại thay đổi lớn. Đây là nội dung chính trong bài viết « Giấc mơ Tập Cận Bình đến với vùng mỏ » của nhà báo François Dubé, được đăng tải trên mạng The Diplomat, ngày 22/11/2016. RFI giới thiệu :
Bài viết của François Dubé mở đầu với tâm sự của một thanh niên Sơn Tây, 26 tuổi, có cha là một chủ mỏ than. Anh cho biết người cha đã giàu lên rất nhanh chóng, nhờ khai thác được thứ tài nguyên trời cho này. Tuy nhiên, ngay khi mới giàu lên, ông đã trở thành nạn nhân của đủ loại quan chức chính quyền địa phương, buộc ông phải chi tiền để « mua xe », thậm chí « nhà », hay « trả học phí cho con cái quan chức du học ở nước ngoài », để đổi lại là các giấp phép khai thác.
Câu chuyện của người thanh niên nói trên về tình cảnh nửa nạn nhân, nửa hưởng lợi của người bố chủ mỏ đã trở thành điều hết sức bình thường tại Sơn Tây.
Sơn Tây, với 36 triệu dân cư, là nơi được coi là vùng khai thác than lớn nhất nước, với 25% sản lượng than toàn quốc. Tại Trung Quốc, 70% điện sản xuất và tiêu thụ trên toàn quốc là nhờ than. Than chính là một bí quyết làm nên tốc độ phát triển nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc. Loại năng lượng hóa thạch hết sức ô nhiễm, nhưng giá rẻ này, đã giúp cho các hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới.
Tuy nhiên, từ ít năm trở lại đây, tăng trưởng chững lại tại Trung Quốc khiến nền kinh tế tỉnh Sơn Tây bị tác động mạnh. Giai đoạn hoàng kim của ngành than tại Sơn Tây cũng không thể kéo dài vì lý do môi trường. Các mỏ than nhỏ cùng với các mỏ kim loại quý, vừa là nguồn thu gần như là duy nhất của Sơn Tây, nhưng cũng là nguyên nhân của tình trạng nước và không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Sơn Tây đứng trước áp lực phải thay đổi mô hình kinh tế, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và tiếp theo đó là việc ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, với kế hoạch cải cách, ưu tiên các doanh nghiệp lớn.
Sau một thời gian dài kiểm soát chặt giá than, chính quyền Trung Quốc quyết định thả nổi giá của hầu hết loại than vào năm 1999. Đợt sụt giá mạnh trong hai năm 2012 đến 2013 tạo điều kiện để các công ty lớn của Nhà nước thôn tính hàng loạt các công ty nhỏ.
Công ty gia đình của cha người thanh niên được phỏng vấn cũng chịu cùng số phận như bao nhà khác. Đối với rất nhiều người dân Sơn Tây, thời kỳ dễ thở đã lùi xa vào quá khứ.
Theo kế hoạch của chính quyền, Sơn Tây sẽ phải chuyển đổi mô hình kinh tế, từ chỗ dựa vào tài nguyên khoáng sản, hướng sang du lịch. Nhưng đó là những khẩu hiệu xa xôi. Trong hiện tại, đa số người dân của khu vực nằm cách Bắc Kinh khoảng 400 km về phía tây cảm thấy bị chính quyền trung ương bỏ rơi.
« Trung Quốc phải xin lỗi Sơn Tây ! »
Tình cảm phẫn nộ vì bị bỏ rơi này đã được bày tỏ lần đầu tiên trước công chúng qua bài viết của một giáo viên trường Đại học Thái Nguyên (Taiyuan), Sơn Tây, năm 2014. Bài viết mang tựa đề : « Trung Quốc phải xin lỗi Sơn Tây ! ».
Bài viết đã dựng lại hình ảnh kinh khủng về Sơn Tây, một vùng đất đóng góp nhiều cho « sự tăng trưởng mầu nhiệm » của Trung Quốc, nhưng lại không được đền bù tương xứng. Nhà giáo trường đại học Thái Nguyên tố cáo chính sách kìm giá của Bắc Kinh đã tước đoạt của người Sơn Tây hàng tỉ đồng trong nhiều năm trời.
Đối với tác giả bài viết nổi tiếng này, Sơn Tây thực sự là một tỉnh bị bỏ rơi, thua thiệt, do vị trí bị kẹt giữa vùng duyên hải phía đông, rất thịnh vượng về kinh tế, và các khu vực xa xôi phía tây được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của chính quyền trung ương. Rất nhiều cư dân Sơn Tây đồng tình với quan điểm của tác giả.
Đứng đầu về số quan chức bị trừng phạt
Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, vùng đất hiện thân cho một đất nước Trung Quốc thu nhỏ với muôn vàn bất công này là trọng điểm của cuộc chiến chống tham nhũng, với tên gọi « đả hổ, diệt ruồi », do ông Tập chủ xướng.
Với khoảng 15.450 quan chức bị trừng phạt riêng trong năm 2014, Sơn Tây đứng đầu Trung Quốc về mặt này. Chiến dịch đả hổ diệt ruồi đã khiến chính quyền địa phương này phải tuyên bố là tỉnh đang thiếu viên chức trầm trọng.
Trong số những quan chức Sơn Tây bị hạ bệ, nổi tiếng nhất có Lệnh Kế Hoạch, nguyên thư ký của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, và Lệnh Chính Sách (Ling Zhengce), phó chủ tịch cơ quan Hiệp Chính tỉnh Sơn Tây (một cơ quan tương tự như Mặt Trận Tổ Quốc ở Việt Nam).
Riêng trong tháng 10/2016 vừa qua, 7 quan chức chính quyền và hàng chục cán bộ đảng cấp tỉnh đã bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng.
Thị trưởng Sơn Tây : Vấn đề của Trung Quốc là Đảng kiểm soát tất cả
Theo nhà báo François Dubé, trong lúc giới quan chức đảng và chính quyền của tỉnh Sơn Tây bị thất sủng, cũng tại vùng mỏ này đã nổi lên một nhân vật lãnh đạo mới. Ông Cảnh Ngạn Ba (Geng Yanbo), vốn là thị trưởng của Đại Đồng (Datong), một thành phố hơn 3 triệu dân, năm 2008. Cảnh Ngạn Ba chủ trương một cuộc thay đổi lớn cho Đại Đồng, xây dựng lại trung tâm thành phố, biến nơi đây thành một trung tâm du lịch, dựa trên thế mạnh là một cố đô thời nhà Tùy. Khoảng 500.000 người đã buộc phải di chuyển trong kế hoạch khổng lồ này.
Năm 2013, ông Cảnh được thăng chức thị trưởng thành phố Thái Nguyên, tỉnh lỵ tỉnh Sơn Tây.
Thị trưởng Cảnh Ngạn Ba bị những người chỉ trích lên án là có phong cách độc tài giống như Tập Cận Bình. Tuy nhiên, nhân vật này cũng nhận được sự ủng hộ cuồng nhiệt của khá đông đảo dân chúng địa phương.
Trong phần kết của bài viết, tác giả bài báo nhấn mạnh là : lãnh đạo thủ phủ tỉnh Sơn Tây đã công khai lên án hệ thống chính trị hiện hành tại Trung Quốc. Trong một bộ phim tài liệu mới đây, ông Cảnh Ngạn Ba khẳng định : « Toàn bộ vấn đề của Trung Quốc có gốc rễ trong hệ thống chính trị…. Ban chấp hành của đảng kiểm soát tất cả ».
Theo nhà báo François Dubé, trong bối cảnh đảng Cộng Sản kiểm soát toàn bộ xã hội, nhiều người trong xã hội Trung Quốc hiện nay chỉ còn biết đặt niềm tin vào những lãnh đạo có tham vọng thâu tóm toàn bộ quyền lực trong tay như Tập Cận Bình ở cấp trung ương, và những người như ông Cảnh Ngạn Ba ở Sơn Tây, có thể dẹp bỏ những tệ nạn của hệ thống chính trị độc đảng Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161123-vung-than-trung-quoc-bi-bo-roi-hy-vong-dat-vao-nha-doc-tai
”Choigate” : Samsung và Quỹ Hưu Trí bị khám xét
Viện Công Tố Hàn Quốc đã tiến hành khám xét ngày 23/11/2016 tại trụ sở tập đoàn Samsung và quỹ hưu trí nhà nước. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ điều tra vụ tai tiếng « quân sư » Choi Soon Sil, đang khiến điểm tín nhiệm của tổng thống Park Geun Hye giảm nghiêm trọng và dẫn đến nhiều cuộc biểu tình lớn tại Seoul trong thời gian gần đây.
Tập đoàn Samsung bị nghi đã chi tiền cho bà Choi Soon Sil, 40 tuổi, bạn thân của nữ tổng thống Hàn Quốc, để được chính phủ « bật đèn xanh » trong một vụ sáp nhập gây nhiều tranh cãi vào năm 2015.
Theo hãng tin Yonhap, được AFP trích dẫn, các nhà điều tra của Viện Công Tố đã khám soát trụ sở Văn phòng Chiến lược tương lai của Samsung, nơi giám sát mọi quyết định quan trọng của tập đoàn. Một phát ngôn viên của Samsung đã khẳng định cuộc khám xét này, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Quỹ Hưu Trí Nhà Nước tại Seoul (NPS), một cổ đông quan trọng của Samsung đã bỏ phiếu cho vụ sáp nhập trên, cũng bị khám soát cùng ngày. Quỹ này quản lý đến 543.000 tỉ won (434 tỉ euro), và được đánh giá là quỹ lớn thứ 3 trên thế giới. Quỹ NPS do bộ Phúc Lợi Xã Hội quản lý và bộ trưởng thời đó được cho là một người thân cận của tổng thống Park Geun Hye.
Tổng thống Hàn Quốc mua thuốc Viagra
Thêm một tai tiếng khác, liên quan đến đời tư, buộc tổng thống Hàn Quốc phải giải trình. Ngày 22/11, một nghị sĩ đối lập tiết lộ bà Park Guen Hye đã mua hàng trăm viên thuốc tăng cường sinh lực, trong đó có thuốc Viagra, vào năm 2015.
Theo giải thích của phát ngôn viên tổng thống, ông Jung Youn Kuk, loại thuốc này được mua để phòng chứng sợ đồi núi của bà Park trong chuyến công du vào tháng 05/2015 tại một số nước châu Phi nằm trên độ cao, trong đó có Ethiopia. Ông Jung không nhắc đến số lượng thuốc được mua, nhưng khẳng định « đã không dùng đến chúng », đồng thời nhấn mạnh đến công dụng điều trị triệu chứng sợ leo núi của loại thuốc trên.
Tổng thống Park Guen Hye, 64 tuổi, chưa từng kết hôn và được biết không có bạn trai. Ngoài thuốc Viagra, các bộ phận phục vụ tổng thống còn mua hàng trăm loại bào chế nhau thai và tiêm vitamin, thường được sử dụng để thanh lọc cơ thể và chống lão hóa.
Các nhà điều tra đang tìm hiểu liệu các loại thuốc này có phải đã được một số bệnh viện tư nhân kê cho tổng thống Park dưới tên của bà Choi hay không.
Hàn Quốc và Nhật Bản ký thỏa thuận
trao đổi thông tin quân sự
Hôm nay, 23/11/2016 tại Seoul, đại diện hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký kết hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự liên quan đến Bắc Triều Tiên. Mục tiêu là để đối phó hữu hiệu hơn với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, vì Seoul và Tokyo sẽ có thể trực tiếp trao đổi thông tin mà không cần qua trung gian của Washington.
Sự kiện này tuy nhiên đã bị phản đối mạnh ở Hàn Quốc, trong bối cảnh tổng thống bị dính líu vào vụ tai tiếng « quân sư ». Phe đối lập đã đòi bộ trưởng Quốc Phòng từ chức. Thông tín viên RFI, Frédéric Ojardias, tường thuật từ Seoul :
« Sự cần thiết của hiệp ước này rất hiển nhiên : trước mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên ngày càng đáng ngại hơn, Seoul và Tokyo đều có lợi khi chia sẻ thông tin. Tin tình báo do người Hàn Quốc có được ở hiện trường và dữ liệu do vệ tinh, radar và tàu trang bị hệ thống Aegis của Nhật Bản cung cấp.
Có điều dư luận Hàn Quốc không tán đồng. Người Hàn Quốc tố cáo Tokyo không thừa nhận tội ác chiến tranh, những điều tàn ác trong thời kỳ đô hộ bán đảo Triều Tiên đầu thế kỉ 20.
Hiệp ước này lẽ ra có thể đã được ký vào năm 2012, nhưng vào phút chót, chỉ một tiếng đồng hồ trước lễ ký kết thì Seoul đã tháo lui.
Nhưng năm nay thì tình hình quả là khẩn cấp : Bắc Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử nghiệm hạt nhân và hơn một chục vụ bắn thử tên lửa, với một nhịp độ nhanh chưa từng thấy.
Tuy nhiên, phe đối lập Hàn Quốc vẫn tố cáo chính phủ tranh thủ tình trạng hỗn loạn chính trị do vụ tai tiếng ‘quân sự’ Choi liên can đến tổng thống để thúc đẩy hiệp ước rất bị phản đối này.
Hàn Quốc đã ký hiệp ước quân sự tương tự với 32 quốc gia… và cũng đã yêu cầu cả Trung Quóc mở thương lượng về chủ đề này ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161123-han-quoc-va-nhat-ban-ky-thoa-thuan-trao-doi-thong-tin-quan-su
Matxcơva tố cáo Kiev bắt cóc lính Nga ở Crimée
Matxcơva và Kiev lại căng thẳng với nhau, tranh cãi chung quanh số phận hai người lính Nga ở Crimée. Bộ Quốc Phòng Nga tối thứ Hai, 21/11/2016, đã quy tội lực lượng an ninh Ukraina đã bắt cóc lính Nga. Kiev phủ nhận rằng hai người bị bắt là lính Ukraina đào ngũ.
Thông tín viên RFI tại Nga, Muriel Pomponne, cho biết thêm chi tiết :
« An ninh Ukraina đã cho chiếu một băng video, trong đó một người mặt sưng vù, cho biết là đã ký một hợp đồng với quân đội Nga vào năm 2014, và đã phản bội lời tuyên thệ trung thành với Ukraina.
Đây là một trong 2 người lính bị bắt cóc ở vùng biên giới Ukraina và Crimée. Trên một đoạn video khác, người ta thấy hai người lính ở biên giới đang gọi điện thoại giữa những chiếc xe hơi thì nhiều người nhào đến bắt họ.
Theo hãng thông tấn Nga Tass, đó là hai người đã ký hợp đồng với quân đội Nga, đã liên hệ với Ukraina để mua bằng cấp hầu có cương vị tốt hơn trong quân đội Nga. Nhưng họ đã bị phía Ukraina gài bẫy. Phần Ukraina thì tố cáo hai người này là lính đào ngũ và phản quốc.
Bộ Quốc Phòng và Ngoại Giao Nga xem đây là một hành động khiêu khích của lực lượng đặc biệt Ukraina đối với công dân Nga và đòi phải trả ngay những người bị bắt về lại Nga.
Được hỏi là liệu sẽ có việc trao đổi tù nhân với những người Ukraina bị giam giữ tại Nga hay không, điện Kremlin cho là vấn đề này không nằm trong lịch trình làm việc.
Nhưng nhìn kỹ thì hành động bắt cóc này có vẻ như câu trả lời của lãnh đạo Ukraina, sau những vụ Nga bắt người ở Crimée trong những tháng gần đây. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161123-matxcova-to-cao-kiev-bat-coc-linh-nga-o-crimee
Bê bối Choi Soon-Sil :
Tổng thống Hàn Quốc bị dồn vào chân tường
« Tôi xin thành thực xin lỗi vì đã làm đồng bào thất vọng trong vụ bê bối Choi Soon-Sil… Tôi hoàn toàn có lỗi là đã sao nhãng và hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này ». Nước mắt lưng tròng, cúi đầu nhận lỗi trước một rừng ống kính truyền thông, tổng thống Park Geun-Hye không làm người dân Hàn Quốc nguôi giận. Trong vòng có vài tuần lễ, bốn cuộc biểu tình lớn đã diễn ra ở thủ đô Seoul đòi bà phải từ chức.
Tất cả bắt nguồn từ người được coi là quân sư – thầy pháp của tổng thống Park Geun-Hye, bà Choi Soon-Sil bị bắt và truy tố với tội danh lừa đảo, lạm dụng quyền lực, hối mại quyền thế, bị nghi ngờ tác động đến những quyết định quan trọng của Hàn Quốc. Vậy bà tổng thống Park Geun-Hye bị trách cứ những gì ? Tại sao người dân Hàn Quốc lại phẫn nộ đến vậy ? Liệu bà Park Geun-Hye có thể tại chức cho đến khi hết nhiệm kỳ tổng thống, vào tháng 12/2017 hay không ?
Trả lời phỏng vấn đài RFI, ngày 14/11/2016, bà Juliette Morillot, chuyên gia về Triều Tiên, đồng tác giả cuốn « 100 câu hỏi để hiểu về Bắc Triều Tiên », giải thích về sự phẫn nộ của người dân : « Đó thật sự là một cơn sóng thần. Càng đi sâu vào vụ việc, người ta càng phát hiện ra các vòi bạch tuộc tham nhũng, lạm dụng quyền thế lan tỏa rất rộng. Cuộc tuần hành ngày 12/11 có hơn một triệu người tham gia, lớn nhất tại Hàn Quốc kể từ cuối những năm 1980. Người dân Hàn Quốc công phẫn và tôi nghĩ rằng làn sóng biểu tình sẽ không nhanh chóng ngừng lại ».
Tổng thống Hàn Quốc cho biết sẵn sàng trả lời các câu hỏi của tư pháp. Ngày 16/11, ông Kim Chong, nguyên thứ trưởng bộ Thể Thao Hàn Quốc, đã bị thẩm vấn tại viện công tố Seoul về các hoạt động chuẩn bị Thế Vận Hội mùa đông 2018, trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ bê bối Choi Soon-Sil. Điều đáng nói là tất cả các tập đoàn lớn, vốn là niềm tự hào của Hàn Quốc, đều được nhắc đến trong hồ sơ bê bối này.
« Đúng như vậy, tất cả các tập đoàn lớn đều liên quan bởi vì bà Choi Soon-Sil, vị cố vấn mờ ám của tổng thống Park Geun-Hye có nhiều công ty nhỏ, đóng vai trò bình phong, trên danh nghĩa là có nhiệm vụ khuyến khích phát triển thể thao tại Hàn Quốc. Thế nhưng, bà cố vấn đã ăn chặn tiền, gần như là một dạng trấn lột, không chỉ đối với các công ty nhỏ, mà cả những tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Bà Choi đã huy động được rất nhiều tiền và biển thủ cũng rất nhiều tiền, chủ yếu để chi cho cô con gái học huấn luyện ngựa và đua ngựa, ở Đức. Tuy nhiên, bà tổng thống Park Geun-Hye không hề kiếm lợi trong vụ bê bối này ».
Park Geun-Hye: Con rối trong gia đình họ Choi?
Vậy bà Choi Soon-Sil là ai và bà có quan hệ thân thiết như thế nào với tổng thống Park Geun-Hye ? Chuyên gia Juliette Morillot phác họa đôi nét về bà cố vấn.
« Hai người có quan hệ với nhau từ rất lâu, từ thời người cha của bà Choi. Bố của bà Choi, ông Choi Tae-Min đã là quân sư – thầy pháp của vị tổng thống độc tài Park Chung-Hee, thân phụ của đương kim tổng thống Hàn Quốc. Ông Park Chung-Hee là người đã tạo ra sự phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc, một tổng thống cứng rắn. Dường như tổng thống Park Chung-Hee bị ám sát là bởi vì ông đã để cho vị cố vấn thầy pháp Choi Tae-Min có quá nhiều quyền hành trong chính phủ Hàn Quốc thời đó.
Sau khi cả bố và mẹ bị ám sát, bà Park Geun-Hye, lúc đó khoảng 20 tuổi, đã trở nên cô độc. Bà đến sống trong gia đình ông Choi và được coi như con nuôi. Như vậy, họ có quan hệ mật thiết. Chính nhờ mối quan hệ gắn bó này mà bà Choi đã được coi như là một Shaman – thầy pháp của tổng thống Park Geun-Hye.
Tư tưởng Shaman ăn sâu trong xã hội Hàn Quốc và điều này không có gì là lạ. Nhưng điều gây ngạc nhiên là chaman Choi lại được tiếp cận những hồ sơ quan trọng của Nhà nước, thậm chí can thiệp cả vào những mối quan hệ đối ngoại rất tế nhị, như với Bắc Triều Tiên ».
Theo AFP, ông Choi Tae-Min, mục sư, đã đóng vai trò như là « người đỡ đầu » về tinh thần của bà tổng thống Park Geun-Hye, sau khi bà mồ côi cha mẹ. Theo một tài liệu ngoại giao Hoa Kỳ, do Wikileaks tiết lộ, thì có những tin đồn đại cho rằng ông Choi « đã hoàn toàn kiểm soát được bà Park, cả thể xác lẫn tinh thần ». Năm 1994, sau khi người cha qua đời, bà Choi Soon-Sil lại càng gần gũi bà Park Geun-Hye hơn. Một số truyền thông đưa tin là dường như một số nghi lễ Shaman đã được tổ chức ngay tại dinh tổng thống Hàn Quốc.
Theo đài truyền hình JTBC TV, các tài liệu lưu trữ trong máy tính cá nhân của bà Choi Soon-Sil cho thấy chính vị quân sư-thầy pháp này đã chỉnh sửa, viết lại một số diễn văn của tổng thống, nhận được nhiều tài liệu mật, kể cả các tài liệu liên quan đến quan hệ của Seoul với Tokyo và Bình Nhưỡng.
Cũng có nguồn tin cho rằng dường như bà cố vấn Choi đã quyết định hoặc ít ra là can thiệp vào việc đóng cửa khu công nghiệp liên Triều Kaesong, chấm dứt sự trao đổi, giao lưu, tuy ở mức rất hạn chế, giữa hai miền nam và bắc Triều Tiên.
Văn hóa Shaman và chiếc cùm Khổng Tử
Việc bà Choi bị điều tra, truy tố về những vấn đề này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về khả năng lãnh đạo, tư duy độc lập của tổng thống Park Geun Hye. Khi mới lên cầm quyền, bà Park hứa hẹn nhiều, như tạo công ăn việc làm, xây dựng một nền kinh tế mạnh, xã hội công bằng, minh bạch, chống tham nhũng… Thế nhưng, bà đã thất bại. Phải chăng bà tổng thống chỉ là con rối ? Ai là người thực sự lãnh đạo đất nước từ bốn năm qua ? Đây mới là những câu hỏi thực sự.
Tại Hàn Quốc, bà tổng thống có biệt hiệu « Công chúa cầm sổ ». Bà ghi lại những câu hỏi và không đủ khả năng trả lời ngay hoặc đưa ra các quyết định. Phải chăng bà bị thao túng ? Về điểm này, bà Juliette Morillot có giải thích như sau :
« Người dân Hàn Quốc thực sự chán ngán. Tất cả đã trỗi dậy như một làn sóng với tất cả sự hận thù, căm ghét có cội nguồn từ quá khứ xa xôi của Hàn Quốc. Đó là cái quá khứ lịch sử với các vị vua bị thao túng, với quá khứ gần đây là nạn tham nhũng trầm kha. Vào cuối thế kỷ 19, một hoàng hậu Hàn Quốc cũng có một Shaman-pháp sư như vậy. Xã hội Hàn Quốc giống như một tảng băng. Phẩn nổi của tảng băng là cái xã hội mà chúng ta nhìn thấy, rất hiện đại, internet kết nối phát triển khắp nơi mà ai cũng biết. Thế còn phần chìm của tảng băng là cái cùm Khổng Tử và tham nhũng, rất nặng nề.
Cái cùm Khổng Tử này đã tạo nên tư tưởng thuần phục và chính cái tư tưởng thuần phục này giúp cho đất nước tiến lên, tạo ra sự phát triển kinh tế thần kỳ, nhưng đồng thời lại làm cho xã hội đông cứng, bảo thủ. Giới trẻ Hàn Quốc ngày nay chống lại cái cùm này và hệ quả của nó. Họ không hài lòng và đấu tranh chống lại.
Có một điều thú vị là từ ‘tham nhũng’ trong tiếng Hàn. Nếu tra từ điển các từ đồng nghĩa với tham nhũng thì có tới vài trang, có rất nhiều từ đồng nghĩa, từ chỉ danh từ ‘tham nhũng’. Điều này cho thấy là nạn tham nhũng tràn lan ở nhiều tầng lớp xã hội.
Tổng thống Park Geun-Hye trước đây nhiều lần tuyên bố chống tham nhũng, nhưng bà không phải là nguyên thủ Hàn Quốc đầu tiên có dính líu đến tệ nạn này. Nhiều người tiền nhiệm của bà cũng không có những nhiệm kỳ trong sạch, vẻ vang gì. Có một vị cựu tổng thống đã từng bị kết án tử hình, rồi sau đó được ân xá. Hai người khác bị đi tù. Các vị này và những người thân của họ có dính líu đến tham nhũng và đây là một tệ nạn trầm kha ».
Thủ tục phế truất Park Geun-Hye: Một con dao hai lưỡi
Được bầu làm tổng thống từ tháng 12/2012, bà Park Geun-Hye hiện nay có tỉ lệ được lòng dân cực kỳ thấp. Chuyên gia Juliette Morillot bổ sung :
« Cần biết là tất cả người dân Hàn Quốc, tất cả các phe phái chính đảng đều bị sốc bởi những gì xảy ra. Bà Park không được lòng phe đối lập. Điều này là đương nhiên, thế nhưng bà cũng không được lòng đảng của bà. Đảng này đã từng hy vọng là con gái của nhà độc tài Park Chung-Hee sẽ lãnh đạo đất nước một cách cứng rắn, kiên quyết. Thế nhưng, cuối cùng, họ nhận thấy đây chỉ là một người bị mồ côi, bị người thân cận thao túng, một phụ nữ yếu đuối. Họ thất vọng. Người dân Hàn Quốc đoàn kết lại với nhau để chống lại bà và đôi khi vì những lý do khác nhau ».
Trước sức ép của công luận và phe đối lập trong cuộc khủng hoảng chính trị này, liệu bà Park Geyn-Hye sẽ phải từ chức hay bà bất chấp tất cả, cố bám vào chiếc ghế tổng thống cho đến khi hết nhiệm kỳ vào tháng 12/2017 ? Vì sao nghị viện Hàn Quốc không muốn khởi động thủ tục « phế truất » tổng thống ? Chuyên gia Juliette Morillot nhận định :
« Tôi nghĩ bản thân bà Park Geun-Hye không muốn từ chức và cố bám vào quyền lực. Hiện nay, bà đang tranh thủ kéo dài thời gian vì chỉ còn một năm nữa là hết nhiệm kỳ tổng thống. Thực ra cũng không có nhiều giải pháp, phe đối lập và người dân tỏ ra lo ngại. Giải pháp thứ nhất là bà Park chủ động từ chức và trong trường hợp này, Hiến pháp Hàn Quốc có quy định thành lập một chính phủ lâm thời trong khi chờ đợi bầu được một tổng thống mới.
Trường hợp thứ hai là khởi động thủ tục phế truất- impeachment theo quy định của Hiến pháp. Biện pháp này đã được sử dụng vào năm 2004 để chống lại tổng thống Roh Moo-hyun (đọc là “Nô Mu Hiên”) nhưng vì những lý do pháp lý, đấu đá chính trị, chứ không phải vì tham nhũng. Vào thời đó, người dân Hàn Quốc đã rầm rộ xuống đường chống lại thủ tục phế truất tổng thống.
Tuy nhiên, thủ tục phế truất như con dao hai lưỡi, có thể gây ra những hệ quả trái ngược ngay lập tức, có thể đổi trắng thành đen tức thời. Tôi xin giải thích rõ. Trong giai đoạn đầu của thủ tục phế truất, cần phải có được hai phần ba số phiếu ủng hộ tại nghị viện. Sau đó, Toà Bảo Hiến, bao gồm 9 thẩm phán, phải có ý kiến. Nếu 6 trong số 9 thẩm phán này chấp thuận phế truất tổng thống, thì bà Park sẽ bị mất quyền lãnh đạo. Ngược lại, nếu không có được sáu trên chín phiếu thuận của Tòa Bảo Hiến thì Tòa sẽ tuyên bố thủ tục phế truất vô giá trị và bà Park được trắng tội ».
Quả thực là người dân Hàn Quốc và phe đối lập lo ngại, nếu chọn giải pháp khởi động thủ tục phế truất thì không loại trừ khả năng bà Park Geun Hye được xóa tội.
Nhật báo Hàn Quốc Hankyoreh đề xuất giải pháp trung gian để làm dịu sự phẫn nộ của người dân : Đó là lập một « chính phủ trung lập », nhưng thực sự nắm quyền điều hành đất nước cho đến cuối nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 12/2017. Bà Park Geun-Hye thì chỉ là tổng thống có tính chất « tượng trưng ».
Thế nhưng, tổng thống Park Geun-Hye có thể bác bỏ giải pháp này vào bất kỳ lúc nào. Do vậy, người dân tiếp tục xuống đường đòi tổng thống từ chức. Hơn một triệu người tuần hành ở thủ đô Seoul ngày 12/11/2016. Một tuần sau, 19/11, hơn nửa triệu người xuống đường. Và việc Viện Công tố Hàn Quốc hôm 20/11 lên tiếng : nghi ngờ bà Park Geun Hye “thông đồng” tham nhũng có thể sẽ còn làm cho các cuộc biểu tình chống tổng thống tiếp diễn tại Hàn Quốc trong những ngày sắp tới.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161123-be-boi-choi-soon-sil-tong-thong-han-quoc-bi-don-vao-chan-tuong
Mừng Lễ Tạ ơn với những chú gà tây
Julie Taboh
POOLESVILLE, MD —
Vào ngày thứ Năm này, món gà tây quay vàng óng, có nhân nhồi bên trong cùng với nước xốt, là món ăn đặc trưng trong ngày Lễ Tạ ơn truyền thống của hàng triệu gia đình Mỹ. Nhưng không khí tại khu bảo tồn động vật Poplar Spring ở thành phố Poolesville, bang Maryland thì lại khác hẳn. Tại đây, các loại gia cầm có màu lông tuyệt đẹp là khách mời vinh dự trong một sự kiện gần đây, khi các thực khách dùng buổi trưa cùng với các chú gà tây, chứ hoàn toàn không ăn thịt các chú gà đáng yêu này.
Vào mỗi dịp Lễ Tạ ơn, hàng triệu người Mỹ tụ họp bên gia đình và bạn bè để cùng ăn mừng, cảm tạ và chúc may mắn cho nhau trong cuộc sống.
Đối với nhiều người, điểm nổi bật nhất trong ngày Lễ Tạ ơn là thưởng thức những món ăn truyền thống như món đậu xanh và khoai… và đương nhiên, một con gà tây thật lớn.
Gà tây được cắt ra thành từng miếng và dùng chung với phần nhân nhồi bên trong và nước xốt.
Nhưng tại Khu Bảo tồn Động vật Poplar Spring ở thành phố Poolesville, bang Maryland, các chú gà tây được chăm sóc chu đáo, chứ không bị làm thịt.
Trong suốt 18 năm qua, trước ngày Lễ Tạ ơn, du khách đến đây tham dự một buổi tiệc ngoài trời đặc biệt, là cùng ăn với các chú gà tây.
Đây là một sinh hoạt cộng đồng rất ăn khách do cô Terry Cummings, đồng sáng lập khu bảo tồn, và nhóm cộng tác của cô tổ chức.
Cô Cummings nói:
“Chúng tôi tổ chức sự kiện này vì đây là một cách tuyệt vời cho mọi người gặp gỡ nhau, nhất là nhiều người không có dịp tụ họp bên gia đình, và ở đây chúng tôi ăn mừng một ngày Lễ Tạ ơn không sát sinh.”
Đây cũng là dịp để mọi người tìm hiểu về các loài gà tây.
Cô Terry Cummings nói:
“Chúng tôi muốn cho mọi người thấy các chú gà đều có tính cách khác nhau, chúng thật tuyệt vời, không khác các chú chó, chú mèo, hay các thú cưng gần gũi hằng ngày với chúng ta. Mọi người cũng sẽ thấy rằng một buổi tiệc không có thịt cũng rất ngon miệng.”
Khu bảo tồn rộng 174 hecta (tức là 430 acre) là nơi sinh sống của khoảng 200 động vật, từng bị bỏ rơi và ngược đãi.
Cô Cummings hy vọng rằng ngay cả đối với các du khách không kiêng ăn thịt, cũng sẽ có những trải nghiệm thú vị tại khu bảo tồn, và sẽ được gợi hứng để suy ngẫm về một cuộc sống có ý nghĩa và không sát sinh.
http://www.voatiengviet.com/a/mung-le-ta-on-voi-nhung-chu-ga-tay/3608413.html
TT Obama trao Huân chương Tự do lần cuối
trước khi giã từ Toà Bạch Ốc
TOÀ BẠCH ỐC —
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã trao huân chương dân sự cao quý nhất cho 21 người hôm thứ Ba, trong lần trao giải cuối cùng trước khi ông rời Toà Bạch Ốc. Những người nhận huân chương gồm các nhà hảo tâm, các nghệ sĩ, giới hoạt động, các nhà khoa học và nhiều cá nhân khác.
Tổng thống Obama nói Huân chương Tự do là để vinh danh ý kiến rằng bất cứ ai ở Hoa Kỳ cũng có thể giúp đất nước trở thành một nơi chốn tốt đẹp hơn. Nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu:
“Ngày hôm nay, chúng ta vinh danh những người Mỹ ngoại hạng đã nâng cao tinh thần chúng ta, củng cố hiệp chủng quốc này, và thúc đẩy chúng ta tiến lên phía trước.”
Những người được trao huân chương dân sự cao quý nhất của Mỹ gồm những tên tuổi lớn trong các lĩnh vực giải trí, thể thao, nghệ thuật, khoa học và hoạt động từ thiện.
Như vợ chồng Bill và Melinda Gates của tập đoàn Microsoft.
Quỹ từ thiện của Bill và Melinda Gates đã cung cấp 36 tỉ đôla cho các dự án cổ vũ cho sức khoẻ con người, và cho cuộc chiến xoá đói giảm nghèo.
Người xướng danh nói: “Bill và Melinda Gates tiếp tục gợi cảm hứng nơi chúng ta qua sự lạc quan ‘không kiên nhẫn’ của họ, rằng cùng nhau chúng ta có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp nhất có thể.”
Trong số các tên tuổi khác được vinh danh có Kareem Abdul Jabar, huyền thoại bóng chày khổng lồ còn nổi danh là hay lên tiếng cổ vũ cho công bằng xã hội.
Tổng thống Obama vinh danh Kareem như sau:
“Về thể chất, tri thức, và tâm linh, thế giới này chỉ có một Kareem. Một người Mỹ đã soi rạng cả các quyền cơ bản của chúng ta lẫn khát vọng cao cả nhất của chúng ta.”
Tổng thống Obama còn trao huân chương tự do cho các diễn viên như Tom Hanks, Robert De Niro và Robert Redford.
Cũng được vinh danh là các nhà hoạt động, các khoa học gia và nghệ sĩ chẳng hạn như kiến trúc sư Maya Lin, người đã thiết kế Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam.
Tổng thống Obama nói về đài tưởng niệm vinh danh các cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam như sau:
“Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam không những đã thay đổi cách chúng ta nghĩ về các tượng đài, mà còn thay đổi cách chúng ta nghĩ về những sự hy sinh, lòng yêu nước, và về bản thân chúng ta.”
Danh hài kiêm diễn viên Ellen DeGeneres nhận huân chương tự do với sự xúc động.
Người xướng danh nói:
“Trong mọi vai trò, Ellen nhắc nhở chúng ta nên tương thân tương ái và đối xử với người khác như chính chúng ta muốn được đối xử.”
Bà DeGeneres đã làm nên lịch sử khi bà và nhân vật bà đóng vai trên truyền hình công khai mình thuộc thành phần đồng tính.
Tổng thống Obama nói mỗi một người được vinh danh hôm thứ Ba đều là những tấm gương lay động nơi ông những cảm xúc cao đẹp nhất.
Ông nói nhóm người đặc biệt này là một nhắc nhở về tính đa dạng của nước Mỹ, và chính đó là nhân tố đã giúp nước Mỹ trở nên vĩ đại.
Mỹ cảnh báo nguy cơ khủng bố ở châu Âu vào cuối năm
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa phổ biến cảnh báo du hành cho công dân Mỹ về “nguy cơ cao tấn công khủng bố có thể xảy ra trên khắp châu Âu, đặc biệt là trong mùa nghỉ lễ cuối năm”.
Trong cảnh báo công bố hôm thứ Hai, các giới chức khuyến cáo các công dân Mỹ nên thận trọng đề cao cảnh giác tại các địa điểm lễ hội, các sự kiện và các chợ trời.
Cảnh báo có hiệu lực tới ngày 20 tháng 2 năm 2017 khuyên: “Các công dân Mỹ nên cảnh giác về khả năng những cảm tình viên của những kẻ cực đoan hay những thành phần cực đoan hóa có thể tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ trong thời gian này, mà ít hoặc không có dấu hiệu báo trước. Bọn khủng bố có thể sử dụng các chiến thuật khác nhau, có thể dùng vũ khí quy ước lẫn phi quy ước nhắm tấn công các lợi ích của cả chính quyền lẫn tư nhân”.
Các quốc gia như Pháp, Đức, Bỉ và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố hồi năm ngoái. Chính phủ Hoa Kỳ nói họ vẫn lo ngại về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công trong tương lai trên khắp Châu Âu.
Cảnh báo kêu gọi công dân nên thận trọng khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, tham quan các địa điểm du lịch, những nơi thờ phượng và những địa điểm nơi có người lui tới như nhà hàng và khách sạn.
Cảnh báo được đưa ra sau khi Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve nói chưa bao giờ mối đe dọa khủng bố lại cao đến thế bên trong lãnh thổ Pháp.
Hôm Chủ nhật, Pháp bắt giữ bảy nghi can gồm người Pháp, Ma-rốc và Afghanistan tại các thành phố Strasbourg và Marseilles, phá tan âm mưu khủng bố thoạt tiên nhắm vào giải bóng đá Euro 2016, sau đó nhắm mục tiêu là Paris hay Marseille, theo lời một giới chức nói với AP.
AP cho biết thêm rằng các nghi can bị cáo buộc đã nhận lệnh từ các chỉ huy ở Syria. Nhiều vũ khí đã bị tịch thu trong các vụ bắt giữ.
http://www.voatiengviet.com/a/my-canh-bao-nguy-co-khung-bo-o-chau-au-vao-cuoi-nam/3607551.html
Nhân vật chủ chốt
trong vụ tấn công Paris, Brussels bị chế tài
Mỹ đang nhắm mục tiêu vào một hoạt vụ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo được cho là đã đóng một vai trò chủ chốt trong việc phát động những vụ tấn công khủng bố nhắm vào cả Paris và Brussels.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Ba chế tài Abdelilah Himich, một người Pháp gốc Maroc, được cho là đang hoạt động ở Syria.
Himich, còn được biết tới với cái tên Abu al-Sulayman Firansi, thành lập Tiểu Đoàn Tariq Ibn Ziyad, một tập hợp lên tới 300 chiến binh nước ngoài từ châu Âu từng hoạt động ở Iraq và Syria, và những nơi khác.
Bộ Ngoại giao cũng xác định Himich là nhân vật chủ chốt trong vụ tấn công khủng bố Paris vào tháng 11 năm 2015 khiến 130 người thiệt mạng, cũng như vụ đánh bom vào tháng 3 năm 2016 tại Brussels làm chết 32 người.
Tháng 10 vừa qua, một quan chức chống khủng bố của Mỹ nói với ProPublica rằng Himich đã đóng một vai trò chủ chốt trong những vụ tấn công.
“Chúng tôi tin rằng hắn ta là một trong những kẻ đầu sỏ cầm đầu những vụ tấn công Paris và Brussels,” quan chức này nói. “Hắn ta có dính líu trong việc tạo ra cơ sở hạ tầng đó.”
Một số người đào thoát IS cũng xác định Himich là người lãnh đạo những hoạt động của IS ở châu Âu.
Theo Dự án Chống Chủ nghĩa Cực đoan, Himich gia nhập Binh đoàn Lê dương Pháp vào năm 2008 và đã phục vụ ở Afghanistan trước khi đào ngũ hai năm sau đó.
Bộ Ngoại giao hôm thứ Ba cũng chế tài hai quan chức IS khác, Abdullah Ahmed al-Meshedani và Basil Hassan.
Meshedani là cố vấn cao cấp cho thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Ông ta cũng chịu trách nhiệm quản lý những chiến binh nước ngoài đã đến được Syria và Iraq, và vận chuyển những kẻ đánh bom tự sát.
Hassan, người lên kế hoạch hoạt động của IS, đã bị Thổ Nhĩ Kỳ câu lưu nhưng đã được phóng thích theo một thỏa thuận trả tự do cho 49 con tin. Ông ta cũng bị cáo buộc có dính líu trong vụ bắn tác giả và nhà báo người Đan Mạch Lars Hedegaard.
Các quan chức Mỹ đề cao những chế tài là một công cụ quan trọng chống lại IS trong khi họ không cho những thành viên này tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ.
http://www.voatiengviet.com/a/nhan-vat-chu-chot-trong-vu-tan-cong-paris-bi-che-tai/3607540.html
Anh Quốc: Chiếc ghế đại sứ Anh tại Hoa Kỳ đã có chủ
23.11.2016
Hôm thứ Ba, London thẳng thừng bác bỏ đề nghị của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ủng hộ ông Nigel Farage, thủ lãnh Đảng Độc lập Anh (UKIP), người đã vận động để cử tri Anh biểu quyết rời khỏi EU, trở thành đại sứ Anh ở Washington.
Sau khi đắc cử, ông Trump đã gặp ông Farage trước bất cứ nhà lãnh đạo EU nào.
Mới đây, ông viết trên trang Twitter: “Nhiều người mong được thấy ông Farage đại diện cho nước Anh trong vai trò đại sứ tại Hoa Kỳ. Ông ấy sẽ làm tốt nhiệm vụ này.”
Đề nghị của ông Trump được coi là “chưa hề có tiền lệ” về mặt ngoại giao.
Thủ tướng Anh Theresa May dù trước đó đã chúc mừng ông Trump đắc cử, đã tức thời gạt phăng đề nghị không mấy “ngoại giao” này.
Trả lời câu hỏi về phát biểu của ông Trump hôm thứ Ba, người phát ngôn của Thủ tướng Anh nói: “Hiện nay chiếc ghế đại sứ Anh tại Mỹ đã có chủ. Chúng tôi đã có một đại sứ tuyệt vời tại Hoa Kỳ rồi.”
Ông Farage cầm đầu đảng Độc lập Anh (UKIP) đã làm các lãnh đạo EU tức giận khi ông cảnh báo về sự sụp đổ của EU.
Ông Farage kêu gọi Thủ tướng Anh hãy xây dựng mối quan hệ mật thiết với ông Trump, người đã bác bỏ lời chỉ trích của Anh sau khi ông Trump kêu gọi tạm thời cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Lufthansa đình công, Đức hủy gần 900 chuyến bay
Hãng hàng không Đức Lufthansa đã phải hủy gần 900 chuyến bay hôm thứ Tư, ảnh hưởng đến khoảng 100.000 hành khách, sau khi các phi công xúc tiến một cuộc đình công hai ngày vì vấn đề lương bổng.
Công đoàn phi công ban đầu kêu gọi các thành viên tiến hành một cuộc đình công kéo dài 24 giờ trong ngày thứ Tư. Nhưng đêm thứ Ba, sau khi Lufthansa thất bại trong việc nhờ toà án can thiệp để ngăn đình công, công đoàn cho biết sẽ kéo dài đình công sang ngày thứ Năm.
Tập đoàn hàng không của Đức đã phải hủy 876 chuyến bay trong số 3.000 chuyến bay của Lufthansa đã ấn định cho ngày thứ Tư, kể cả 51 chuyến bay đường dài.
Hãng hàng không cho biết khoảng 100.000 hành khách sẽ bị ảnh hưởng.
Hãng này nói “chưa hiểu thấu đáo” về quyết định kéo dài đình công của Công đoàn phi công và cho biết sẽ chuẩn bị đối phó với cuộc đình công vào ngày thứ Năm.
Các hãng hàng không khác thuộc tập đoàn Lufthansa như Eurowings, Swiss và Austrian Airlines không bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công này.
Đây là cuộc đình công thứ 14 của Công đoàn phi công kể từ tháng 4 năm 2014 khi cuộc đình công kéo dài để phản đối mức lương bổng.
Vụ tranh chấp diễn ra trong bối cảnh Lufthansa đang tái cơ cấu để đối phó với sức cạnh tranh ngày càng tăng của các hãng hàng không vùng Vịnh và các hãng hàng không giá rẻ của châu Âu.
Công đoàn phi công nói hãng hàng không của Đức đã “đạt lợi nhuận rất cao trong nhiều năm”, nhưng phi công không hề được tăng lương.
http://www.voatiengviet.com/a/lufthansa-dinh-cong-duc-huy-gan-900-chuyen-bay/3608604.html
Úc cân nhắc một Hiệp định TPP không có Mỹ
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP, ngay trong ngày đầu tiên lên nhậm chức. Các chuyên gia Australia có phản ứng khác nhau về liệu hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới sẽ ra sao nếu không có Hoa Kỳ.
Ông Donald Trump muốn rút ra khỏi TTP vì theo ông, TPP là một “thảm họa cướp mất việc làm của người Mỹ”. Thay vào đó, ông Trump dự tính sẽ đàm phán song phương để đạt các hiệp định thương mại nhằm “mang việc làm về lại cho người Mỹ.”
Vào đầu năm nay, 12 quốc gia chiếm đến 40% kinh tế thế giới, đã ký kết hiệp định TPP. Nhưng để có hiệu lực, hiệp định này phải được quốc hội các nước tham gia phê chuẩn trước tháng 2, 2018. Hiện đang có bất đồng về liệu có nên xúc tiến hiệp định TPP không có sự tham gia của Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản nói TPP sẽ trở nên “vô nghĩa” nếu không có Hoa Kỳ. Một số nhà phân tích ở Australia đồng ý với ông Abe, rằng TPP được thiết lập dựa trên thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, nếu Mỹ rút lui, thì hiệp định coi như sụp đổ.
Tuy nhiên, ông Tim Harcourt, một kinh tế gia của trường Kinh doanh thuộc đại học New South Wales, tin rằng Trung Quốc có thể hồi sinh hiệp định này. Ông Harcourt nói:
“Tôi nghĩ các nền kinh tế nhỏ và mở như Việt Nam, Peru, Chile – là những nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại. Có thể nói Nhật Bản và Hoa Kỳ là hai nước ít mặn mòi nhất. Cả hai nước đều phải qua quốc hội để phê chuẩn hiệp định và tất cả mọi người phải đồng ý với nhau, trong khi Trung Quốc có thể lập ra một hiệp định tương tự như TPP do Bắc Kinh nắm vai trò chủ đạo, rõ rệt sự thể này không phải là một giải pháp tốt đẹp đối với Mỹ.”
Hồi đầu tuần này, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói ông hy vọng ông Trump sẽ thay đổi ý định và ủng hộ TPP, hoặc hiệp định này sẽ được duy trì dưới một dạng nào đó, theo ý của tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ.
New Zealand đề nghị nên thương thuyết lại để đạt một hiệp định không có mặt của Hoa Kỳ.
Dân số của 12 nước thành viên TPP gộp lại lên tới khoảng 800 triệu người – một thị trường lớn gần gấp đôi so với dân số của tất cả các nước EU cộng lại.
Giới chỉ trích TPP ở Hoa Kỳ nói hiệp định này thiếu minh bạch và chỉ có lợi cho các nước khác, trong khi cướp đi việc làm của người dân M
http://www.voatiengviet.com/a/uc-can-nhac-mot-hiep-dinh-tpp-khong-co-my/3608590.html
IS sử dụng vũ khí hóa học 71 lần kể từ năm 2014
Một phúc trình mới kết luận rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo đã sử dụng vũ khí hóa học tại Iraq và Syria ít nhất 71 lần kể từ năm 2014.
Phúc trình do IHS công bố hôm thứ Ba cho rằng có nguy cơ cao nhóm Nhà nước Hồi giáo sẽ sử dụng vũ khí hoá học tại thành phố Mosul của Iraq, nhắm tấn công thường dân hay các lực lượng quân sự đang tìm cách tái chiếm thành phố này.
Phúc trình cho biết Mosul là một trung tâm sản xuất vũ khí hóa học cho nhóm chủ chiến Sunni, nhưng các chuyên gia tin rằng Nhà nước Hồi giáo đã di chuyển các vật liệu và chuyên gia đến Syria trước khi chiến dịch tái chiếm Mosul khởi sự vào tháng Mười.
IHS kết luận rằng clo và mù tạt là những hóa chất có thể được sử dụng ở Mosul.
Nhà nước Hồi giáo đã dùng vũ khí hóa học 52 lần tại Syria và 19 lần ở khu vực Mosul kể từ năm 2014, khi nhóm này chiếm các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria.
http://www.voatiengviet.com/a/is-su-dung-vu-khi-hoa-hoc-71-lan-ke-tu-nam-2014/3607223.html
Trump phủ nhận xung đột lợi ích chính trị và kinh doanh
Tỷ phú mới đắc cử Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông không bắt buộc phải từ bỏ đế chế kinh doanh của mình khi ông nhận nhiệm sở ngày 20/1/2017.
Một nghị sĩ đảng Dân chủ đang chuẩn bị đề xuất dự luật đòi ông Trump thanh toán tài sản của mình và chấm dứt kinh doanh để chứng tỏ ông không có ý định trục lợi từ chức vụ tổng thống.
Không có luật nào quy định tổng thống phải thanh toán tài sản nhưng các tổng thống trước đều từ bỏ công việc kinh doanh riêng của mình.
Ông Trump còn tách mình khỏi các nhà hoạt động cực hữu, những người đã tung hô việc ông thắng cử.
Một số nhà hoạt động “hữu khuynh kiểu mới” (alt-right) đã giơ tay chào theo kiểu Đức quốc xã tại một hội nghị ở Washington DC cuối tuần trước, nơi một người phát ngôn kêu gọi họ “Hail Trump” (giống như ‘Hail Hitler’).
Ông Trump, người đã bay đến Florida để nghỉ lễ Tạ ơn Thanksgiving thứ Năm ngày 24/11, vẫn đang lựa chọn đội ngũ của mình ở Nhà Trắng. Một trong những vị tướng cao cấp nhất của Mỹ, ông David Petraeus, nói với BBC ông sẽ sẵn sàng phục vụ trong chính quyền Trump.
Chính xác ra ông Trump nói gì?
“Về mặt lý thuyết, tôi có thể làm kinh doanh hoàn hảo và quản lý đất nước cũng hoàn hảo”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times.
“Tôi cứ tưởng tôi phải lập ra một kiểu quỹ độc lập gì đó nhưng hóa ra không cần”.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm ông “muốn làm gì đó” để tách biệt hai mảng trách nhiệm này.
Nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin muốn có sự tách biệt một cách chính thức hơn. Ông dự định sẽ đề xuất dự luật vào tuần tới yêu cầu tổng thống đắc cử thành lập các quỹ độc lập hay thực hiện các biện pháp tương tự để đảm bảo ông sẽ tuân thủ hiến pháp và không có xung đột lợi ích.
Chúng ta nói đến những xung đột lợi ích nào?
Tài phiệt bất động sản Trump được tạp chí Forbes cho là có tài sản trị giá 3,7 tỷ đô la Mỹ, với hơn 500 doanh nghiệp khác nhau trong đế chế kinh doanh của mình.
Một ví dụ của sự xung đột lợi ích là khách sạn Trump International Hotel ở Washington DC, phóng biên BBC David Willis đưa tin.
Ông Trump ngay lập tức đã được hưởng lợi từ dòng người đổ đến ở khách sạn này trong thời gian cho tới ngày ông nhậm chức.
Vì khách sạn đó đã được xây trên đất thuê lại của chính phủ liên bang, khi ông Trump nhận nhiệm sở, ông sẽ tức khắc trở thành người thuê đất đồng thời lại là người cho thuê đất.
Nhiều người cũng đặt nghi vấn khi cô con gái Ivanka của Trump tham dự cuộc nói chuyện điện thoại giữa ông và Tổng thống Argentina Mauricio Macri tuần trước.
Chính phủ Argentina sau đó phủ nhận thông tin nói Donald Trump đã yêu cầu ông Macri phê duyệt một dự án xây dựng cho một trong các công ty của ông ở Buenos Aires.
Trump còn nói gì nữa với New York Times?
Tuy lên án những người cực hữu, Trump bảo vệ quyết định thuê Steve Bannon, cựu Tổng giám đốc trang tin Breitbart, một trang theo khuynh hướng bảo thủ cực đoan, làm chiến lược gia chính của mình.
“Breitbart chỉ là một trang báo”, ông Trump nói với tờ New York Times, một tờ báo khuynh hướng tự do. “Họ đưa tin cũng như các bạn đưa tin thôi”.
“Nều tôi nghĩ ông ta là kẻ phân biệt chủng tộc hoặc cực hữu hay bất kỳ tên gọi nào kiểu như vậy, tôi đã chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện tuyển ông ta cả”, vị tổng thống đắc cử nói thêm.
Ông còn lập luận:
Người con rể Jared Kushner – một nhà thừa kế doanh nghiệp bất động sản không có chút kinh nghiệm ngoại giao nào – có thể giúp nỗ lực hòa bình giữa Israel và Palestine.
Hoa Kỳ không nên giữ vai trò “kiến tạo quốc gia” của thế giới.
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa Paul Ryan và Mitch McConnell trước chống ông nay đã “yêu quý” ông trở lại.
Trump nay cũng thừa nhận có “mối liên quan” nhất định giữa các hoạt động của con người và biến đổi khí hậu.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38076427
Facebook ‘tạo công cụ kiểm duyệt cho Trung Quốc’
Dave LeeNorth America technology reporter
Facebook dùng phần mềm đặc biệt để có thể đáp ứng yêu cầu kiểm duyệt ở Trung Quốc, tờ New York Times tường thuật.
Mạng xã hội này từ chối xác nhận hay phủ nhận việc tồn tại của phần mềm này, nhưng thông cáo của Facebook viết họ “dành thời gian tìm hiểu và học hỏi thêm” về Trung Quốc.
Công ty chưa thực hiện bất kỳ quyết định về cách tiếp cận thị trường Trung Quốc, một phát ngôn viên cho biết.
Tổ chức Biên giới Điện tử (EFF), nhóm vận động cho việc bảo đảm sự riêng tư của cá nhân trên mạng, nói với BBC rằng dự án này có vẻ “vô cùng đáng quan ngại”.
“Thật đáng khen các nhân viên Facebook báo cho New York Times biết về dự án này,” Eva Galperin, chuyên gia phân tích chính sách toàn cầu EFF nói.
“Một vài người trong số đó vẫn đang công tác.”
Nguồn tin của New York Times – cả người đã nghỉ và nhân viên đang làm tại Facebook – nhấn mạnh rằng giống như nhiều phần mềm nghiên cứu trong nội bộ, công cụ kiểm duyệt đó có thể không bao giờ hoàn tất.
Từ năm 2009, cách duy nhất để người dùng truy cập Facebook tại Trung Quốc là thông qua mạng ảo – phần mềm được thiết kế để “làm giả” vị trí thực sự của họ và vượt tường lửa.
Zuckerberg ra kế hoạch chống tin giả
Facebook, mạng xã hội có 1,8 tỷ người dùng, đang tích cực tìm hướng mở rộng thị trường.
Có thể họ cũng thử nghiệm công nghệ mới nhằm kết nối đến các vùng nông thôn.
Và ở Trung Quốc, dường như mạng xã hội này ít cân nhắc về việc nhượng bộ yêu cầu kiểm duyệt từ phía Bắc Kinh.
Theo một nhân viên giấu tên được Mike Isaac, phóng viên New York Times dẫn lời, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã được hỏi về kế hoạch này trong cuộc họp toàn thể nhân viên vào đầu mùa hè năm nay.
“Sẽ tốt hơn nếu Facebook là một phần của cuộc đối thoại được phép, ngay cả khi đó không phải là cuộc đối thoại trọn vẹn,” ông được cho là nói như vậy.
Phát ngôn viên của Facebook không xác nhận hay phủ nhận câu nói này.
‘Hệ lụy’
Ông Zuckerberg gần đây đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như dành thời gian học tiếng Quan thoại.
Facebook thường gỡ bỏ nội dung từ trang mạng của họ theo yêu cầu của các chính phủ.
Họ công khai việc này trong báo cáo hàng năm về những yêu cầu gỡ bỏ nội dung.
Sự khác biệt của công cụ kiểm duyệt mới là cho phép bên thứ ba, có thể là một công ty Trung Quốc hợp tác với Facebook, ngăn chặn các thông điệp xuất hiện ở vị trí đầu tiên.
Trung Quốc kiểm duyệt các chủ đề trên diện rộng. Việc tìm kiếm thông tin liên quan đến vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989 không có kết quả.
Facebook không phải là gã khổng lồ đầu tiên của Silicon Valley tìm cách ứng phó để vào thị trường Trung Quốc.
Google rút khỏi Trung Quốc đại lục sau khi có phản ứng dữ dội về việc kiểm duyệt kết quả tìm kiếm.
LinkedIn, mạng kết nối những người làm việc, kiểm duyệt một số nội dung.
Nếu Facebook tiếp nối động thái của LinkedIn, Galperin của EFF nói: “Facebook sẽ đánh đổi nguyên tắc để tiếp cận thị trường. Động thái này sẽ có hệ lụy lớn đến nhân quyền.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38074182
Chính phủ Colombia và Farc sắp ký thỏa thuận mới
Chính phủ Colombia cho biết sẽ ký hiệp ước hòa bình mới với nhóm phiến quân Farc hôm 24/11, sau khi thỏa thuận trước đó bị bác trong cuộc trưng cầu tháng 10/2016.
Thỏa thuận sửa đổi mới sẽ được trình Quốc hội thông qua thay cho trưng cầu dân ý.
Nhưng các nhóm đối lập nói rằng thỏa thuận này vẫn chưa đủ mức trừng phạt phiến quân vì những vi phạm nhân quyền.
Thỏa thuận mới nhằm chấm dứt hơn 50 năm nội chiến khiến hơn 220.000 người thiệt mạng.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 22/11, Tổng thống Juan Manuel Santos cho biết: “Chúng ta có cơ hội duy nhất để khép lại một chương đau thương trong lịch sử và ảnh hưởng đến hàng triệu người Colombia trong nửa thế kỷ qua.”
Thỏa thuận ban đầu được ký hai tháng trước trong buổi lễ với sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo thế giới, nhưng nó đã bị bác trong cuộc trưng cầu hôm 2/10.
Phe đối lập do cựu Tổng thống Alvaro Uribe lãnh đạo cho biết thỏa thuận đó quá ưu ái quân nổi dậy.
‘Tô điểm’
Farc và các nhà đàm phán của chính phủ đã làm việc suốt ngày đêm để đem lại 50 sự thay đổi trong thỏa thuận để nó được phe bảo thủ dễ chấp nhận hơn.
Ông Uribe và giới hoài nghi khẳng định những thay đổi “mang tính chất tô điểm”.
Wyre Davies, phóng viên khu vực Nam Mỹ phân tích: “Cuộc nội chiến giữa quân nổi dậy cánh tả Farc và chính phủ Colombia kéo dài hơn 50 năm và cướp đi sinh mạng của ít nhất 200.000 người.
Chính phủ Colombia và Farc đạt thỏa thuận mới
Vì vậy, nhiều người ngạc nhiên khi các cử tri Colombia tháng trước bác kế hoạch hòa bình được hai bên thiết lập sau bốn năm đàm phán tại Havana.
Một lệnh ngừng bắn chính thức vẫn còn có hiệu lực, nhưng cũng lo ngại bạo lực sẽ tiếp diễn trên toàn quốc và cơ hội hòa bình cho các thế hệ sau có thể bị tước mất.
Việc không tổ chức trưng cầu sẽ chọc giận những người cánh hữu vì họ nói thỏa thuận mới quá giống cái cũ, nhưng Tổng thống Santos hy vọng mong muốn hòa bình của dân chúng sẽ lớn hơn những ý kiến phản đối “.
Tổng thống Santos nói: “Thỏa thuận mới có thể không thỏa mãn tất cả mọi người, nhưng đó là kết quả. Luôn có những ý kiến phê phán. Điều đó rất dễ hiểu và đáng tôn trọng”, ông Santos nói.
Ông cho biết việc phê chuẩn sẽ diễn ra tại Quốc hội, nơi các liên minh chính phủ chiếm đa số.
Ông Uribe thúc đẩy việc tổ chức một cuộc trưng cầu mà ông nói rằng sẽ bác thỏa thuận một lần nữa.
Hồi tháng 10, giải Nobel Hòa bình 2016 về tay Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos dù thỏa thuận hòa bình với phe Farc đổ vỡ.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38074183
Lợi hại từ các công trình xây dựng lấn biển
Bianca NogradyBBC Future
Khi thành phố trở nên chật chội thì việc tạo ra đất mới và nhà nổi sẽ tiết kiệm hơn, nhưng liệu nó có gây rắc rối trong tương lai không?
Trên khắp thế giới, các thành phố đang tiến ra biển. Đang có những kế hoạch xây dựng những đảo lớn và công trình vĩ đại ở các vùng bờ biển với nét đặc trưng là nạo vét và san lấp với hàng triệu tấn vật liệu.
Nếu vậy thì có ảnh hưởng gì đến cuộc sống ở đại dương và hệ sinh thái? Sau đây là những câu hỏi được thảo luận ở Hội nghị Thượng đỉnh Về Ý tưởng Thay đổi Thế Giới của BBC Future ở Sydney trong tháng 11.
CHÚNG TA XÂY DỰNG Ở BIỂN BẰNG CÁCH NÀO?
Các thành phố đã lấn ra biển kể từ khi chúng ta xây dựng các cảng. Xây dựng lấn biển là hoạt động qui mô lớn và ngày nay nhiều nước đang ‘giành lại’ đất ở biển để mở rộng đường duyên hải và lãnh thổ.
Hầu hết các tỉnh ở Trung Quốc đều có các dự án đang triển khai để xây dựng đường bờ biển bằng cách hoặc dùng đất ở đất liền đổ ra biển hoặc chặn các cửa sông để phù sa lắng đọng.
Đảo Quốc Singapore đã bồi thêm được 22% diện tích trong 50 năm qua do lấn ra vùng nước xung quanh bằng đất, cát và đá ở mỏ hoặc mua từ nơi khác. Việc hăng hái bồi đắp thêm diện tích đất đến mức Singapore trở thành nước nhập khẩu cát lớn nhất thế giới.
Nhưng Dubai có lẽ lại là nơi có diện tích đất tạo thêm nổi tiếng nhất. Quần đảo Palm Jumeirah hũng vĩ và hoàn toàn nhân tạo của Dubai, nơi phô trương sự xa xỉ, được xây dựng từ khoảng 110 triệu mét khối cát nạo vét đáy biển.
Và vì là một trong những nước có mật độ dân đông trên trái đất, Hà Lan đất trũng đã giành lại từ lâu các dải đất lớn đầm lầy vùng ven biển để thành nơi ở cho dân số đang phát triển nhanh của mình.
LIỆU CÓ TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC KHÔNG?
Tất nhiên là phải nói đến hệ sinh thái đại dương. Emma Johnston ở trường đại học South Wales, người phát biểu ở Hội nghị Thượng đỉnh Về Ý tưởng Thay đổi Thế Giới của BBC Future, lập luận rằng chúng ta phải nghĩ nhiều hơn về tác động của việc ‘thành phố tràn vào biển’. Ngay cả những việc xây dựng nhỏ ven biển cũng có tác động. Bà và các đồng nghiệp ước tính là một số cửa sông ở Úc, Mỹ và Châu Âu đã có hơn 50% đường bờ biển tự nhiên bị thay đổi vì công trình nhân tạo.
“Thực tế việc thành phố lấn vào biển không còn là rắc rối liên quan đến đất liền,” bà viết trong một bài cho tạp chí The Conversation. “Việc lấn ra đại dương tạo nên mớ lộn xộn các công trình dưới mặt nước.” Nó gây nên sự hỗn độn cho các sinh vật biển và môi trường sống, phá hủy các rặng đá san hô vốn là nguồn thức ăn cho cá và là kết cấu bảo vệ vùng ven biển khỏi tác động của sóng, và làm mất ổn định nhiều hệ sinh thái quý giá ven biển như là cánh đồng muối và rừng đước.
Việc xây dựng trên lớp trầm tích được nạo vét cũng có những rủi ro cho con người ở vì lớp này không ổn định như lớp đá trên đất liền. Các báo cáo cho biết quần đảo Palm Jumeirah ở Dubai thực tế đang lún xuống. Nền đất lấn là một rủi ro ở vùng hay có động đất. Sự rung động kéo dài có thể làm cho các lớp đất đắp đã đầm chặt của vùng đất lấn bị hóa lỏng. Đó đã là nhân tố đáng kể góp phần vào việc phá hủy của lần động đất lớn năm 1906 ở San Francisco.
CÒN CẢ VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ NỮA
Với việc bồi đắp lấn biển, những tranh chấp về chủ quyền làm các luật sư các bên luôn bận rộn. Những cố gắng của Trung Quốc đổ cát đảo san hô để tạo thêm hơn 3.200 mẫu đất ở Biển Đông Trung Quốc đang là việc gây tranh cãi đặc biệt, nhất là vì nhiều đảo mới tạo là nơi đặt cơ sở quân sự. Trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở những đảo mới này, rất nhiều nước, kể cả Mỹ và Úc, không thừa nhận điều đó. Tháng 7 năm nay, Tòa Trọng Tài Quốc Tế ở The Hague ra phán quyết là Trung Quốc không có quyền lịch sử ở vùng này nhưng việc triển khai vẫn tiếp tục và không có tín hiệu gì sẽ sớm có được thỏa thuận.
VÌ SAO TA KHÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH NỔI?
Không phải là không làm được. Những làng nổi đã có từ lâu. Ở Campuchia, người dân ở hồ nước ngọt Tonle Sap đang sống trong nhà nổi. Tương tự, ở hồ Titicaca ở Peru, người dân Uros sống trên các đảo nổi làm bằng các các bó sậy. Trên khắp thế giới, các kiến trúc sư đang xây dựng các nhà nổi hiện đại hơn, đặc biệt ở các nước như Hà Lan là nước dễ bị lụt lội.
Những thành phố nổi kỹ thuật cao hoặc các nơi ở có quy mô lớn trên thực tế chưa hình thành, nhưng điều này không ngăn được các tổ chức như Viện Seasteading đòi hỏi các nhà thiết kế tìm cho ra hình ảnh các thành phố nổi tương lai sẽ phải trông như thế nào và hoạt động như thế nào. Ý định của họ không chỉ là tạo ra những nơi ở cộng đồng mới bền vững, mà là tạo ra môi trường ở lý thú ở những thành phố khởi đầu, khai thông trạng thái tâm lý cho việc này.
DƯỚI MẶT NƯỚC THÌ THẾ NÀO?
Lĩnh vực này khá kỳ cục. Diễn viên Bond và kẻ vĩ cuồng Karl Stromberg có thể đã có ảo tưởng của một nền văn minh mới dưới nước trong phim The Spy Who Loved Me, nhưng trong thực tế chúng ta chưa có gì nhiều.
Cho tới nay những nỗ lực xây dựng dưới nước chỉ hạn chế ở các phòng thí nghiệm khoa học. Một trong những nơi ở dưới nước sớm nhất do Jacques-Yves Cousteau và nhóm của ông làm vào năm 1962. Conshelf I nằm dưới mặt nước 10 m ở bờ biển Marseilles, và trong một tuần, nó là nhà của 2 ‘nhà du hành đại dương’ với mọi phương tiện hiện đại như TV và thư viện. Sau đó họ làm tiếp một làng nhỏ ở đáy biển Hồng Hải, đã có người ở trong 1 tháng, và cuối cùng là Conshelf III, được xây dựng năm 1965 dưới mặt nước 100 m gần Nice, Pháp, mỗi lần có thể ở 6 nhà du hành đại dương trong 3 tuần. Trong khoảng thời gian đó, NASA và hải quân Mỹ cũng lập các phòng thí nghiệm dưới nước của họ tên là Tektite I và II, và Sealab. Và Trường Đại Học Quốc Tế Florida vẫn còn duy trì hoạt động một phòng thí nghiệm tên là Aquarius, cách Key Largo 9 Km, đủ chỗ cho 6 nhà nghiên cứu, có một bếp và phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên có dấu hiệu sắp tới sẽ có thêm những nhà ở sang trọng dưới biển. Đang có kế hoạch triển khai các khách sạn dưới nước ở Úc, Dubai, Mỹ và ở Nam Thái Bình Dương. Thí dụ, khách sạn Water Discus, được đề xuất ở rặng san hô Great Barrier ngoài khơi bờ biển Dubai, nó sẽ gồm một ‘đĩa’ dưới mặt nước và một ‘đĩa’ trên mặt nước, và một trục kết nối thẳng đứng để tránh việc giảm áp lực.
Nhưng những thứ này sẽ có tác động thế nào đến đại dương và hệ sinh thái thì chỉ có thời gian mới có thể trả lời.
Bài tiếng Anh đăng trên BBC Future
http://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-38058185
Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ sang Mỹ
gặp Tổng thống Đắc cử Donald Trump
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói sẽ sang Hoa Kỳ để gặp tân tổng thống Donald Trump, nhưng không cho biết khi nào chuyến đi sẽ diễn ra.
Lên tiếng khi đang viếng thăm Mông Cổ, vị lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng nói rằng Ngài luôn luôn xem Hoa Kỳ là nước dẫn đầu thế giới tự do, và Ngài chẳng quan ngại gì về chuyện ông Trump đắc cử tổng thống.
Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích thêm rằng khi ra tranh cử, các ứng cử viên có quyền tự do muốn nói gì cũng được, nhưng sau khi đắc cử, họ phải làm việc có trách nhiệm, đưa ra những quyết định dựa theo thực tế.
Tháng Sáu vừa rồi, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng. Trong 8 năm cầm quyền, Tổng Thống Obama gặp vị lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng cả thảy 4 lần.
Như thường lệ, tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Cảnh Song của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên án Đức Đạt Lai Lạt Ma, chỉ trích Ngài lợi dụng tôn giáo để âm mưu chính trị, muốn tách rời Tây Tạng ra khỏi Hoa Lục.