Sóng Thần Trump: Rồi Sao Nữa?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tổng thống tân cử Donald Trump
Tuesday, November 22, 2016
Vũ Linh 
Theo Vietbao 

…hứa hẹn mang jobs về Mỹ, chống các hiệp ước mậu dịch quốc tế… nghe mát tai nhưng không thực tế

Bài viết tuần qua đã bàn sơ về những lý do tại sao ông Trump thắng. Bây giờ ta nhìn qua dưới chính quyền Trump, chuyện gì có thể xẩy ra.

Phải nói ngay, tiên đoán những gì TT Trump sẽ làm là điều không dễ chút nào. Ông này là người thực tế, linh động lấy quyết định theo kiểu nhà kinh doanh, cân nhắc lợi hại, lời lỗ, chứ không nghiến răng nghiến lợi, lệ thuộc vào ý thức hệ nào, mà cũng bất cần thiên hạ nghĩ gì, truyền thông ủng hộ hay không, ngay cả việc đảng CH đồng ý hay không ông cũng không cần biết. Ông có thất hứa hay không, ông cũng bất cần, vì với ông, quan trọng là kết quả thực tế.

Có điều chắc chắn là sẽ có thay đổi. Bầu cho ông Trump là bầu cho thay đổi vì dân Mỹ quá chán TT Obama, quá mệt mỏi với bà Hillary, bất chấp mọi rủi ro có thể tới từ một ông thần bốc đồng làm ẩu, không có kinh nghiệm gì. Dân cao bồi Mỹ từ ngày lập quốc, chưa bao giờ biết sợ tương lai dù đen ngòm. Một cái gì không hợp, một cái job không tốt, một cái nhà không ưa, một mình một ngựa đi tìm cái gì khác ngay. Không có gì niú kéo, sợ hãi, hay tiếc nuối. Thua keo này ta bày keo khác.

Hơn 60 triệu người bầu cho ông Trump không phải là ngu ngơ không biết ông này là vua làm ẩu, cực kỳ nguy hiểm, nhưng đối với họ, cũng vẫn còn hơn TT Obama bất tài làm họ mất job, hơn bà Hillary tham nhũng và gian trá không tin tưởng được.

Có một điều nhiều người “bên thua cuộc” vẫn chưa nhìn thấy hay chưa chịu nhìn nhận: cái sai lầm lớn của bà Hillary là đã quá chú tâm đánh cá nhân ông Trump mà không nhìn thấy khủng hoảng lớn của cả nước. Họ vẫn tiếp tục sỉ vả cá nhân ông Trump, mà chưa nhìn rõ ý nghĩa cuộc bầu: không phải chỉ có một ông Trump thắng nhờ “mỵ dân”, mà cả đảng CH đã thắng, cả trăm ứng viên CH đã thắng, từ hạ viện đến thượng viện. CH cũng đại thắng tại 33 tiểu bang, từ hành pháp đến lập pháp, và không biết bao nhiêu viên chức CH cấp địa phương. Nhiều người “bên thua cuộc” tranh cãi bà Hillary đã được nhiều phiếu hơn ông Trump, nhưng có một thực tế khó chối cãi: CH đã thắng toàn diện trên cả nước. Ông Trump chỉ là một ngọn lửa trong đám cháy rừng đã đốt đảng DC.

Cử tri đòi thay đổi. Nhưng thực tế thì TT Trump sẽ khó thực hiện được nhiều lời hứa của ngày tranh cử vì thực tế chính trị. Giống như TT Obama một ngày sau khi tuyên thệ đã “hoành tráng” ký sắc lệnh đóng cửa nhà tù khủng bố Guantanamo, nhưng hết hai nhiệm kỳ, 8 năm sau vẫn chưa đóng cửa được. Nhiều đệ tử của ông Trump sẽ thất vọng.

Ông Trump làm tổng thống sẽ là chuyện đau buồn nhất cho TT Obama, không phải vì thù ghét cá nhân gì, mà chỉ vì gia tài của TT Obama sẽ lung lay đến tận gốc rễ. TT Obama nếu muốn trách, chỉ có thể trách chính ông, là người đã tạo ra sự bất an, bất mãn đưa đến chiến thắng của ông Trump và cả đảng CH.

Quan trọng nhất là Obamacare, thành quả để đời của TT Obama mà ông Trump đả kích kịch liệt. Thật ra ông Trump không thể mà cũng không có ý thu hồi trọn vẹn Obamacare. Ông sẽ sửa đổi phần thực hành chi tiết, nhưng giữ lại những phần chính, đặc biệt sẽ giữ lại điều lệ bắt các hãng bảo hiểm phải nhận cấp bảo hiểm cho những người đã bị bệnh nặng, là việc không ai phản đối và không thể thu hồi được. Nhiều anh la hoảng 20 triệu người sẽ mất bảo hiểm. Nếu ông Trump ngu vậy chắc đã không đắc cử. Chưa ai rõ TT Trump sẽ sửa đổi những gì, nhưng đây không phải là chuyện dễ dàng có thể làm xong trong vài ba tháng đầu.

Khối di dân lậu Nam Mỹ sẽ hồi hộp chờ ông Trump tung lưới hốt, tuy chẳng ai biết ông hốt bằng cách nào, và sẽ làm gì được? Thực tế mà nói, TT Trump không thể trục xuất 12 triệu di dân bất hợp pháp hay xây nguyên một bức tường suốt dọc biên giới, bắt chính phủ Mễ trả tiền. Điều người ta có thể trông chờ là vài ba triệu người sẽ bị trục xuất, (tội phạm, mới qua), thủ tục trục xuất sẽ đơn giản và nhanh chóng hơn, biên giới sẽ được tăng cường, nhà hàng, cửa tiệm, công ty xây cất, nông trại, các đại gia,… sẽ bị cấm thuê di dân lậu và bị kiểm soát gắt, những pháp lệnh cấm trục xuất của TT Obama sẽ bị thu hồi, các thành phố có luật cấm đụng đến di dân lậu -sanctuary cities- sẽ bị cắt bớt trợ cấp của chính quyền liên bang. Có thể bức tường sẽ được xây vài đoạn, chứ không phải suốt dọc mấy ngàn dặm biên giới. Chính phủ Mễ sẽ bị nhiều áp lực đóng góp tiền nhưng thực tế hơn là chính phủ Mễ sẽ phải có chính sách tích cực hơn để giúp Mỹ kiểm soát biên giới.

Chuyện chắc chắn sẽ xẩy ra là khi TT Trump ra lệnh trục xuất, ngay từ đợt đầu, hàng chục hay hàng trăm ngàn người sẽ xuống đường chống đối, bảo đảm sẽ có bạo động, nhất là tại các vùng sát biên giới Mễ, và nam Cali.

Đám di dân từ Syria, Libya, Iraq, Afghanistan,… có quyền xin tỵ nạn tại các xứ khác, quên Mỹ đi.

TTDC tố cáo ông Trump không nhận di dân vì kỳ thị, nhưng phần lớn dân Mỹ có suy nghĩ chút đỉnh nhìn rõ đây là vấn đề công ăn việc làm và an toàn cá nhân chứ không phải là chuyện kỳ thị màu da hay sắc dân hay tôn giáo. Nếu đa số dân Mỹ kỳ thị thì ông Obama đã không thể nào đắc cử tới hai lần.

Vài nhà báo Việt sao y bản chính TTDC, tố ông Trump là kỳ thị, rồi đặt câu hỏi, ta cũng là dân tỵ nạn, sao lại huà theo ông da trắng Trump chống di dân? Đây là quan điểm u mê hay cố tình bóp méo sự thật, thiếu lương thiện. Chính kẻ này đã viết bài kêu gọi nhận di dân Nam Mỹ và dân tỵ nạn Trung Đông vào Mỹ, nhưng không thể không đồng ý với ông Trump. Vấn đề chính là hợp pháp hay không và có thanh lọc hay không.

Ông Trump chưa khi nào chống di dân. Cái mà ông không chấp nhận là di dân bất hợp pháp và điều ông đòi hỏi là thi hành luật pháp một cách nghiêm chỉnh. Nói như TTDC thì tại sao Mỹ -hay bất cứ nước nào khác- vạch ra biên giới và đòi thông hành, chiếu khán làm gì cho mệt? Vì “nhân đạo”, cứ mở toang cửa biên giới, ai muốn vào sinh sống, xin cứ tự nhiên? Quý độc giả thử chạy qua Canada sinh sống không có giấy tờ hợp lệ xem cảnh sát Canada có bắt và trục xuất hay không? Canada cũng kỳ thị sao?

Mở toang cửa biên giới cho ai muốn vào thì vào, bảo đảm sẽ có ngay cả trăm ngàn thằng VC ăn cắp tiền chạy vào, quý vị nào ủng hộ chuyện này?

So sánh dân tỵ nạn Việt với di dân lậu là không chịu mở mắt nhìn vấn đề cho rõ. Chúng ta là dân tỵ nạn chính trị, được quốc hội Mỹ biểu quyết cho phép vào Mỹ một cách hợp pháp, qua đây với phương tiện do chính phủ Mỹ cung cấp, được chính phủ Mỹ giúp định cư. Đám di dân lậu là… di dân lậu chẳng ai cho phép vào, hoàn toàn bất hợp pháp. Nhưng được đảng DC tán tỉnh vì 12 triệu lá phiếu của họ bảo đảm sẽ chôn vùi đảng CH vĩnh viễn. Chẳng có gì là “nhân đạo” mà chỉ là tính toán chính trị. Không có gì để so sánh với dân tỵ nạn ta.

So sánh dân tỵ nạn Việt với dân tỵ nạn Trung Đông cũng sai. Trong đám tỵ nạn Việt, không có khủng bố nào len lỏi vào theo để đặt bom giết dân Mỹ.

Một vài độc giả Việt Báo đả kích “da vàng sao ủng hộ Trump?”. Đó mới đúng là thái độ kỳ thị màu da. Những người lớn tiếng đả kích ông Trump kỳ thị cũng là những người kỳ thị nặng nhất. Kẻ này chưa bao giờ tự coi mình là da vàng hay đặt vấn đề ông Trump da trắng, ông Obama da đen khi viết bình luận.

Phe ta cũng tố ông Trump là kỳ thị, coi thường phụ nữ. Cũng chỉ là tuyên truyền vô căn cứ. Việc ông phát ngôn bừa bãi chỉ phản ánh tính bốc đồng, nói năng vung vít không “phải đạo” của ông chứ không thể hiện việc khinh thường phụ nữ. Trong các tổ chức kinh doanh của ông Trump, phụ nữ nắm nhiều vai trò chủ chốt hơn nam giới, và ông Trump đã giải thích rõ ràng từ mấy chục năm nay: ông nghĩ phụ nữ làm việc có trách nhiệm và năng động hơn nam giới vì họ cầu tiến hơn, không muốn chịu thua nam giới. Giám đốc Ủy Ban Vận Động Tranh Cử của ông Trump là một phụ nữ, bà Kellyanne Conway.

Những ông nào lên mặt kinh hãi khi nghe những lời nói thô tục của ông Trump chỉ là giả dối, vì không có anh đàn ông nào mà trong đời đã chưa nói một câu thô tục nào. Hãy tự vấn lương tâm trước khi ném đá. Nếu chấp nhận được những “hành động” của TT Clinton thì sao lại kinh hãi với vài lời bốc phét của ông Trump?

Trong vấn đề kinh tế, phản ứng của Wall Street rất ý nghiã khi các chỉ số thị trường chứng khoán Dow Jones tăng vọt lên đến những kỷ lục mới. Giới kinh doanh kỳ vọng chính sách kinh tế của TT Trump, dựa trên giảm thuế lợi tức kinh doanh, sẽ khuyến khích các công ty mở hãng xưởng tại Mỹ, tái đầu tư tiền lời để tăng trưởng kinh tế, mang nước Mỹ ra khỏi cái vòng luẩn quẩn tăng trưởng 1%-2% từ 8 năm qua. Thuế lợi tức cá nhân sẽ giảm đồng loạt cho tất cả mọi người, không ai bị tăng thuế như bà Hillary hăm dọa hết.

Chưa gì thì ta đã thấy vài thay đổi khi hãng xe Ford công bố ý định xây xưởng mới tại Kentucky thay vì tại Mexico như dự tính, và APPLE đang nghiên cứu mở hãng sản xuất iPhone tại Mỹ.

Nạn nhân chính của TT Trump là các hiệp ước mậu dịch quốc tế. Hiệp ước Liên Thái Bình Dương TPP coi như đã mồ yên mả đẹp rồi. Nếu có sống lại thì cũng bị thay đổi rất nhiều, không còn có lợi cho CSVN quá nhiều nữa.

Vấn đề là tăng trưởng phải đồng đều. Tăng trưởng cho các đại gia không thôi, trong khi trung lưu và giới nghèo vẫn ngáp ngáp thì TT Trump sẽ gặp rắc rối to.

Ông Trump đã khẳng định sẽ không thay đổi hệ thống an sinh social security, tiền già, hay medicare, medicaid, các loại trợ cấp. Thực tế là sẽ phải thay đổi, nếu không các quỹ sẽ hết tiền rất nhanh. Có thể sẽ không có cắt giảm gì hết, nhưng sẽ không dễ dãi thả dàn như hiện nay, hay tuổi lãnh tiền hưu sẽ phải tăng dần lên 67-68 trong những năm tới? Những đóng góp cho Medicare, Medicaid có thể sẽ leo thang từ từ, hậu quả trực tiếp của Obamacare.

Quan trọng nhất là Tối Cao Pháp Viện sẽ ổn định về hướng bảo thủ khi ông Trump có cơ hội bổ nhiệm ít nhất là hai hay ba thẩm phán ngay trong nhiệm kỳ đầu. Đây có lẽ là hậu quả lâu dài quan trọng nhất của việc ông Trump đắc cử tổng thống, vì sẽ không có chuyện TCPV mang nước Mỹ về hướng xã hội chủ nghiã trong vài thập niên nữa.

Các luật phá thai, hôn nhân đồng tính không dễ thu hồi, và cho dù thu hồi thì cũng chỉ là thu hồi dưới luật liên bang, nhưng sẽ vẫn tồn tại dưới luật của các tiểu bang.

Chính sách đối ngoại không là ưu tiên đối với ông Trump và trong cuộc bầu cử, ông đã không nói gì là rõ ràng, chỉ nói chung chung về một chính sách thiên về cô lập, một việc “nói dễ làm khó” trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay. Những quan hệ với hai ông láng giềng bắc nam, các đồng minh Âu Châu, NATO, các quốc gia Á Châu, Trung Đông và Nam Mỹ, nhất là với các “đối tác chiến lược” Nga và TC sẽ khó khăn hơn. Các cuộc chiến tại Trung Đông, từ Libya qua đến Syria, Iraq, và Afghanistan, có thể sẽ tăng cường độ qua sự hợp tác chẽ hơn với Nga để đánh ISIS, hay TT Trump sẽ rút ra nhanh vì ông muốn giải quyết sớm chứ không lằng nhằng dây dưa tháng này qua năm nọ.

Riêng đối với CSVN, hy vọng núp bóng Mỹ của các “lãnh đạo đại tài” sẽ tiêu tan thành mây khói. Ông Trump là một nhà kinh doanh, sẽ làm bài tính Trung Cộng so với Việt Cộng, và đáp số chẳng có gì là bí hiểm. Vì quyền lợi kinh tế của Mỹ, ông sẽ không cho phép TC lấn lướt quá lố trong Biển Đông, và sẽ dùng kinh tế để trả giá với TC. Nhưng sẽ không bao giờ có chuyện nhấc ngón tay bảo vệ VC. Việt Nam sẽ đứng hàng dưới cùng trong các ưu tư của TT Trump. Bù lại, việc ông chống TC có thể sẽ giúp CSVN bớt bị áp lực của TC hơn.

TT Trump sẽ không quan tâm nhiều về chuyện nhân quyền. Trước khi la hoảng, dân tỵ nạn cần phải nhìn lại dưới 8 năm của TT Obama, CSVN đã dân chủ hóa tới đâu? Có những tiến bộ nào về nhân quyền ngoài việc thả đi Mỹ vài ba ông bà chống đối, vừa bớt chống đối trong nước vừa được tiếng “nhân đạo”?

Nói về chống cộng, có một chuyện đáng suy nghĩ. Các chính quyền DC thân thiện tối đa với CSVN, từ Carter đến Clinton đến Obama, nhưng nhiều cử tri Việt tỵ nạn vẫn hăng hái bỏ phiếu cho DC trong khi ngày ngày vẫn vác cờ vàng đi biểu tình chống cộng, mà không nhìn thấy tính mâu thuẫn. Trong khi đó, TT Obama mới đây bỏ cấm vận và trao đổi ngoại giao với Cuba, bà Hillary mất ngay tiểu bang Florida vì phiếu chống của dân tỵ nạn Cuba. “Cộng đồng Mỹ gốc Cuba đã mang chiến thắng tại Florida về cho ông Trump”, đó là kết luận của chuyên gia Tom Spencer. Florida là tiểu bang xôi đậu lớn nhất, hai lần bỏ phiếu cho Obama trước khi ông thân thiện với anh em Castro.

Tương lai nước Mỹ đầy mây đen. TT Trump sẽ gặp chống đối mạnh, có thể nói hơn xa tất cả các vị tiền nhiệm. Đối thủ quan trọng nhất đánh TT Trump không nương tay sẽ là chính TT Obama để bảo vệ gia tài của ông, và nhất là toàn thể khối TTDC, tức giận vì thua. Ông Trump sẽ bị đánh ngay từ ngày đầu, bất cứ chuyện gì cũng sẽ bị đập dập mặt. Chưa gì thì CNN đã tràn ngập tin các phụ tá của ông Trump đang đánh nhau túi bụi, hay những bình luận đả kích nội các Trump dù chưa ai nhậm chức, chưa ai làm gì. Bài học đi ngược ý dân trong vụ bầu cử, rõ ràng TTDC vẫn chưa học được.

Phe cấp tiến và TTDC sẽ xúi đốc, khai thác sự chống đối của khối quần chúng cấp tiến, nhất là khối thanh niên trẻ thiên tả, khối dân thiểu số da đen, da nâu,… “The party of No” bây giờ sẽ là đảng DC, tệ hơn nữa, có thể sẽ thành “the party of riots and vandalism”, đảng của rối loạn và đập phá.

Tình hình những ngày đầu không khả quan. Đám dân cấp tiến, xuống đường biểu tình đập phá, lấy chữ ký đòi cử tri đoàn bác bỏ kết quả bầu cử để bỏ phiếu cho bà Hillary, hô hào biểu tình ngày ông Trump nhậm chức,… đều là những hành động gây rối loạn có tính phản dân chủ lộ liễu, nhưng cả TT Obama lẫn bà Hillary đều cổ võ cho đám phá rối, một số không nhỏ dĩ nhiên là di dân lậu sợ bị trục xuất. Bà Hillary nói “cần tiếp tục chiến đấu” trong khi TT Obama khuyến khích “không nên im lặng”.

Nhiều anh lao nhao đổ thừa cho chế độ cử tri đoàn và đòi hủy bỏ. Khi TT Obama đắc cử hai lần, không ai nghe thấy họ chê bai hay than phiền gì về hình thức bầu gián tiếp này. Thua nên đòi đổi luật chơi, cốt sao cho mình thắng! Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ là một liên bang của 50 “nước”. Ông Trump đã thắng tại 29 nước trong khi bà Hillary thắng tại 21. Còn gì để khiếu nại?

Bà Hillary còn bị một ngọn gươm treo lủng lẳng trên đầu: không biết TT Trump sẽ tiếp tục truy xét bà về vụ emails và Quỹ Clinton Foundation tới đâu. Ông sẽ giữ lời hăm truy xét đến cùng, hay nhân danh đoàn kết dân tộc, chấp nhận bỏ qua, xí xóa hết. Ông Trump đã lửng lơ nói trước mắt ông có rất nhiều chuyện quan trọng hơn phải lo, ai muốn hiểu sao tùy tiện.

Theo một thăm dò mới nhất của Washington Post, phần lớn cử tri bầu cho ông Trump nghĩ ông Trump sẽ không thực hiện trọn vẹn những lời hứa về xây tường, cấm di dân Hồi giáo, thu hồi NAFTA và TPP. Nhưng họ bất cần. Đại đa số cũng không để ý đến những câu chuyện thô tục, các bà tố cáo ông Trump xàm sở, kỳ thị phụ nữ,… Họ bầu cho ông Trump vì tin ông sẽ phục hồi kinh tế và đó là chuyện quan trọng nhất.

Thật vậy, với ông Trump, vấn đề quan trọng nhất là… jobs! Cả triệu thợ thuyền đã bỏ DC chạy qua ông Trump với hy vọng ông sẽ mang lại job tốt cho họ. Thực sự mà nói, đây là việc không dễ chút nào. Dân Mỹ mất jobs vì nhiều lý do: kinh tế trì trệ một phần do chính sách của TT Obama dĩ nhiên, nhưng cũng vì tiến bộ khoa học, với máy móc ngày càng thay thế nhân công, hay những kỹ thuật công nghệ mới, cũng vì toàn cầu hoá, kinh tế quốc tế theo quy luật “sản xuất nơi nào sở phí nhẹ nhất”, có nghiã là với mức lương quá cao, quyền lợi quá nhiều của công nhân Mỹ trong khi năng xuất thấp, với ảnh hưởng quá lớn của các nghiệp đoàn, Mỹ sẽ khó cạnh tranh được với thế giới, nhất là thế giới đang phát triển. Những hứa hẹn mang jobs về lại Mỹ, chống các hiệp ước mậu dịch quốc tế,… nghe mát tai nhưng không thực tế lắm trong “thế giới bằng phẳng” ngày nay.

Đối với khối cử tri của ông Trump, quan trọng là họ đã đạt được sự chú ý cần thiết, không còn bị lãng quên, TT Trump thành công hay không là chuyện khác, chuyện… hy vọng.

TT Trump mang jobs về lại được như ông hứa thì sẽ là một tổng thống thành công với hai nhiệm kỳ, không làm được thì sẽ là tổng thống một nhiệm kỳ. Tất cả mọi chuyện khác đều là chuyện phụ. Những chuyện về kỳ thị, thô lỗ,… đều là vớ vẩn. (20-11-16)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.