Tin Việt Nam – 22/11/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 22/11/2016

Formosa giết chết du lịch miền Trung

Sự cố ô nhiễm môi trường trong những tháng qua đã khiến ngành du lịch ven biển miền Trung bị thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.

Tổng cục du lịch công bố tình hình hoạt động 10 tháng đầu năm cho thấy Quảng Bình là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất với mức thiệt hại vượt ngưỡng 1.500 tỷ đồng. Nghệ An, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Thừa Thiên-Huế cũng bị thiệt hại về du lịch do tác động của tình trạng ô nhiễm biển đã được quy cho công ty thép Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh gây ra.

Tổng cục trưởng tổng cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn được báo chí trong nước trích lời nói: Thiệt hại trực tiếp về du lịch đối với 5 tỉnh miền Trung do sự cố ô nhiễm môi trường biển gây ra là rất nặng nề và phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể phục hồi lại được.”

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Tuấn để hỏi thêm chi tiết về việc này.

Giám đốc sở du lịch Quảng Bình Hồ An Phong không muốn bình luận về tác động của sự cố ô nhiễm môi trường biển đối với tỉnh này khi được VOA tiếp xúc:

“Vấn đề nó rất lớn cần phải nghiên cứu để trả lời cho nó tốt.”

VNExpress dẫn thông tin từ cơ quan du lịch quốc gia cho biết ô nhiễm chất thải từ công ty Formosa dọc theo bờ biển miền Trung hồi tháng 4 đã gần như hoàn toàn phá hủy ngành du lịch của khu vực khi doanh thu từ du lịch giảm tới 90%.

Theo nguồn tin này, phó giám đốc sở du lịch Quảng Bình Nguyễn Văn Kỳ nói tại một cuộc họp của tổng cục du lịch giữa tháng 10 rằng lượng khách du lịch tới tỉnh này đã giảm hơn 70%.

70 tấn cá chết đã dạt vào bờ dọc theo các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế và khiến khách du lịch sợ không dám đến các khu bờ biển nổi tiếng đẹp của miền Trung và cũng như không dám thưởng thức hải sản ở đây, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế địa phương và thu nhập của dân địa phương.

Du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh miền Trung. Các địa điểm được công nhận là di sản văn hóa như thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, kinh thành Huế hay khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng cùng những bãi biển xanh cát trắng là lý do thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Nhưng theo Tuổi Trẻ, nhiều khách sạn ở các tỉnh miền Trung lo rằng sự cố môi trường biển không chỉ ảnh hưởng đến mùa du lịch 2016 mà còn kéo dài trong nhiều năm nữa nếu không có những giải pháp để kích cầu ngành du lịch.

Trước những khó khăn này, tổng cục du lịch đã đề xuất một loạt giải pháp ngắn và dài hạn nhằm vực dậy hoạt động du lịch ở đây, kể cả hỗ trợ các tỉnh với các chương trình quảng cáo du lịch ở nước ngoài và xây dựng các tour du lịch với giá ưu đãi.

http://www.voatiengviet.com/a/formosa-giet-chet-du-lich-mien-trung/3606970.html

 

Việt Nam đứng thứ 6 về du học sinh tại Mỹ

Báo cáo Open Doors 2016 về Trao đổi Giáo dục Quốc tế, do Viện Giáo dục Quốc tế hợp tác với Vụ Giáo dục và Văn hóa, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, công bố hàng năm cho thấy có 21.403 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ và rằng Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước dẫn đầu về du học sinh theo học tại Mỹ.

Theo báo cáo, sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ chủ yếu theo học ở bậc đại học. Năm học 2015 – 2016, có 67,2% sinh viên Việt Nam theo học đại học; 15,1% theo học cao học; 7,8% tham gia chương trình đào tạo thực hành không bắt buộc OPT; và 9,9% theo học các chương trình không cấp bằng như chương trình tiếng Anh, hoặc học tập ngắn hạn.

Anh Tùng Phạm, cựu Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Washington D.C, cho biết sinh viên Việt sang Mỹ có hai dạng chính, đó là có học bổng và du học tự túc. Anh nói: “Mình thấy người có học bổng thì học rất là chăm chỉ và học giỏi, còn những người học tự túc không phải là mình nói họ không giỏi mà về độ chăm chỉ nó khác. Nó ít hơn và cũng không giỏi bằng người ta. Cũng có thể khi mà phần lớn những người sang đây mà du học tự túc thì người ta phải đi làm thêm để giúp đỡ gia đình hoặc để giúp đỡ bản thân mình như tiền ăn tiền ở, cho nên người ta không có nhiều thời gian bằng những bạn khi mà sang đây du học của trường bởi vì người ta được trường chu cấp cho toàn bộ cho nên người ta có nhiều thời gian đầu tư hơn.”

Sau khi học xong, bản thân anh Tùng cũng muốn về Việt Nam để làm việc nhưng do có nhiều thay đổi trong cuộc sống nên anh quyết định ở lại Mỹ lập nghiệp. Anh nói: “Cái mục tiêu chính nhất của mình là mình muốn về Việt Nam, một phần là cống hiến cho đất nước còn quan trọng là gần gia đình. Bởi vì mình cũng muốn ở gần bố mẹ hơn bởi vì dù gì bố mẹ cũng dành thời gian cho mình nhiều nên mình muốn đền đáp.”

Khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, nhiều bạn du học sinh Việt Nam đã bày tỏ lo ngại về sự thay đổi trong các chính sách sẽ khiến du học sinh gặp khó hơn trong cuộc sống cũng như cơ hội tìm việc làm để ở lại định cư sẽ bị siết chặt hơn. Cựu Phó chủ tịch Tùng Phạm cho VOA Việt ngữ biết, các sinh viên chuẩn bị ra trường rất lo lắng nhưng điều đó không gây ảnh hưởng nhiều tới việc lựa chọn Mỹ là điểm đến du học của phần lớn học sinh Việt Nam bởi vì Mỹ vẫn là quốc gia có chất lượng giáo dục tốt trên thế giới.

Nhận định về vấn đề này, Giáo sư Cường Nguyễn, trường Đại học Công giáo Hoa Kỳ, nói: “Theo tôi biết thì sinh viên Việt Nam không nên lo lắng gì cả. Theo chúng tôi biết thì theo đường lối của Tổng thống tương lai Trump là ông ta chỉ muốn những người qua đây theo cách đàng hoàng, nghĩa là không đi trốn như những người ở Mexico. Sinh viên Việt Nam đi du học mà có visa thì đâu có lo lắng gì đâu. Người ta qua đây học xong thì muốn ở cũng được, muốn về cũng được. Vấn đề chính sách của tổng thống Trump trong tương lai tôi nghĩ không có ảnh hưởng đến sinh viên Việt Nam nhiều.”

Giáo sư Cường nhấn mạnh, chính sách của ông Trump chỉ chú ý đến những người nhập cư bất hợp pháp, còn sinh viên Việt Nam thường ra trường với bằng cấp cao và Hoa Kỳ rất cần nhân tài nên họ sẽ được chào đón tại đây. Nhưng theo ông, vấn đề nảy sinh là điều đó sẽ gây ‘thiệt hại’ không nhỏ cho Việt Nam vì người giỏi không muốn về và nên cân bằng số lượng sinh viên về nước và ở lại làm việc bởi cũng có nhiều người quyết định đi học là để về giúp đỡ đất nước.

http://www.voatiengviet.com/a/vietnam-dung-thu-6-ve-du-hoc-sinh-tai-my/3607074.html

 

Doanh nghiệp Việt Nam không thoát khỏi văn hóa ‘bôi trơn’

 

Gần một nửa số doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam cho biết phải hối lộ khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước.

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố gần đây cho thấy trong năm 2015, gần phân nửa các doanh nghiệp này bị buộc phải trả các khoản chi phí không chính thức để “bôi trơn” việc kinh doanh của họ.

Báo cáo “Các đặc điểm của môi trường kinh doanh Việt Nam: Bằng chứng từ một cuộc khảo sát của CIEM năm 2015” được phổ biến hôm 10/11 cho thấy mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam có tiến bộ nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn bị sức ép phải hối lộ các cơ quan nhà nước để công việc kinh doanh được thuận lợi.

Nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh nói với VOA Việt Ngữ rằng các điều tra cho thấy “tình hình chi phí ngoài pháp luật vẫn đang diễn biến rất phức tạp và chưa có chỉ dấu nào đáng tin cậy để cho thấy tình trạng đó đã có giảm bớt.”

Với số lượng gần 43% DNNVV ở Việt Nam phải chi những khoản tiền “không chính thức” vào năm 2015, điều tra cho thấy con số này không khác mấy so với 44,6% trong năm 2013 cũng do CIEM công bố.

Theo CIEM, các doanh nghiệp Việt Nam phải trả hối lộ nói các khoản phí này cho phép họ tiếp cận được với các dịch vụ công và có được các giấp phép cũng như đối phó với các cơ quan thuế và hải quan. Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn nếu không “bôi trơn.” Tiến sĩ Doanh cho biết:

“Ví dụ nếu anh không bôi trơn thì container của anh ở cảng sẽ không di chuyển mặc dù có thể có cần cẩu bởi vì những nhân viên của các cơ quan nào đấy sẽ không xử lý vấn đề và container hay xe hàng hóa của anh sẽ không di chuyển được. Vì vậy các doanh nghiệp buộc phải chi hoặc phải ngoan ngoãn chi mặc dù các khoản chi đó của họ là rất lớn và (điều này) hiện nay đang gây sức ép rất là nghiêm trọng tới năng lực cạnh tranh của Việt Nam.”

Điều này thể hiện rõ nhất trong ngành dệt may khi tăng trưởng giảm mạnh từ 20%/ năm ngoái xuống còn khoảng 3-4%/ năm nay. Theo tiến sĩ Doanh, ngoài chi phí vận chuyển tăng cao, chi phí ngoài pháp luật đóng vai trò lớn trong việc cản trở đà tăng trưởng.

Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới, để kiếm được 1 đồng lợi nhuận, các doanh nghiệp Việt Nam phải chi ngoài pháp luật – hay nói cách khác, là “đút lót” – từ 0,72 đồng tới 1,02 đồng.

Điều tra của CIEM kết luận rằng mặc dù không có những sự thay đổi nào đáng kể trong việc chi trả hối lộ trong các DNNVV ở Việt Nam nhưng rõ ràng là các doanh nghiệp phải trả các khoản phí này không đạt được mức độ tăng trưởng cao hơn những doanh nghiệp không chi trả các khoản phí đó.

Trong bảng xếp hạng Trace Matrix – một tổ chức theo dõi nạn hối lộ có trụ sở tại Mỹ – Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có chỉ số rủi ro hối lộ cao nhất thế giới. Trace International xếp hạng Việt Nam đứng thứ 188/197 nước được điều tra về nạn hối lộ trên thế giới năm 2014. Bảng xếp hạng về chỉ số tham nhũng của Trace International cũng cho thấy Việt Nam nằm trong thứ hạng rất thấp ở châu Á về chống tham nhũng, với chỉ số 31 – dưới mức trung bình 41,8.

Việt Nam đã ban hành luật phòng chống tham nhũng trong hơn 10 năm qua và gần đây có sửa đổi nhưng theo nhận xét của tiến sĩ Doanh tác động của luật này rất hạn chế:

“Chính phủ đã tuyên bố xây dựng một nhà nước kiến tạo, một chính phủ liêm chính và chống tham nhũng. Tuy việc việc đó, dù là được tuyên bố bởi thủ tướng chính phủ, nhưng có lẽ không phải được thực hiện một cách dễ dàng bởi vì nếu thực hiện như vậy thì các quan chức sẽ mất các khoản thu nhập ngoài pháp luật của họ và các khoản thu nhập đó là rất lớn.”

Tiến sĩ Doanh cũng cho VOA Việt Ngữ biết rằng các doanh nghiệp thường “than rằng cứ sau 5 năm khi có 1 chính phủ mới ở các tỉnh và địa phương thì lại có một chính sách mới và lại gặp những khó khăn và những vấn đề mới.”

Theo khảo sát của viện Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM, các doanh nghiệp nói rằng lượng tiền hối lộ mà họ bị buộc phải nộp sẽ tiếp tục tăng cao trong tương lai. Hơn 2.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài quốc doanh ở 10 tỉnh và thành phố, bao gồm cả Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh được phỏng vấn cho cuộc khảo sát này.

http://www.voatiengviet.com/a/doanh-nghiep-viet-nam-khong-thoat-khoi-van-hoa-boi-tron/3606923.html

 

Việt Nam dừng dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên

Quốc hội Việt Nam hôm 22/11 đã bỏ phiếu dừng dự án xây hai nhà máy điện hạt nhân trị giá nhiều tỷ đôla với Nga và Nhật Bản, sau khi các quan chức nêu ra dự báo về nhu cầu thấp hơn, chi phí gia tăng và ngày càng có nhiều quan ngại về độ an toàn.

Cuộc bỏ phiếu về việc dừng dự án năng lượng hạt nhân đầu tiên của Việt Nam là một đòn mạnh đối với ngành năng lượng hạt nhân trên thế giới cũng như đối với nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để bắt đầu xuất khẩu các lò phản ứng sau khi thảm họa Fukushima làm cho ngành hạt nhân của Nhật Bản bị đình trệ.

Quyết định của Việt Nam được đưa ra trong một phiên họp kín sau khi thảo luận về một đề án của chính phủ vào hồi đầu tháng này. Chính phủ đã ra một tuyên bố để công bố quyết định.

Hồi tháng 11/2009 Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch về hai nhà máy và trao hợp đồng xây dựng cho hãng Rosatom của Nga và một tổ hợp các công ty Nhật Bản đứng đầu là hãng điện tư nhân Japan Atomic Power.

Việc dừng dự án là một bước lùi nữa đối với ngành công nghiệp hạt nhân khi các nước từ Đức cho đến Indonesia đã quyết định rút khỏi năng lượng hạt nhân hoặc hủy bỏ các kế hoạch xây nhà máy sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào năm 2011, đó là vụ tồi tệ nhất trên thế giới kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986.

Các nhà máy hạt nhân của Nhật Bản và Nga dự kiến được đặt ở giữa tỉnh Ninh Thuận.

Chúng sẽ có tổng công suất 4.000 MW. Lò phản ứng số 1 của nhà máy Ninh Thuận 2 ban đầu có dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2021, tiếp theo là lò số 2 vào năm 2022, cả hai sẽ do các công ty Nhật Bản cung cấp. Các lò phản ứng của Rosatom tại nhà máy Ninh Thuận 1 được dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2020.

http://www.voatiengviet.com/a/vn-dung-du-an-nha-may-dien-hat-nhan-dau-tien/3606885.html

 

TS. Ánh: Việt Nam có thể chậm cải cách khi Mỹ rời TPP

An Tôn – VOA

Một giảng viên ngành thương mại ở Hà Nội quan ngại rằng cải cách ở Việt Nam sẽ chậm lại khi Mỹ rời bỏ TPP.

Tổng thống tân cử của Mỹ Donald Trump hôm 21/11 đã công bố video cho hay một trong những việc ưu tiên của ông trong ngày đầu tiên nắm quyền ở Tòa Bạch Ốc là rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Ông Trump sẽ bắt đầu nhiệm kỳ từ ngày 20/1/2017.

TPP là hiệp định về tự do hóa thương mại giữa 12 nước ven Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Hồi đầu năm nay, nhiều nước đã ký kết hiệp định nhưng nó phải được quốc hội các nước thông qua mới có hiệu lực.

Với các điều khoản chứa đựng các tiêu chuẩn cao về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch, giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước, cũng như thúc đẩy cải cách và công đoàn độc lập, nhiều chuyên gia và doanh nhân Việt Nam kỳ vọng TPP sẽ tăng tốc độ cải cách thể chế cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Giờ đây, khi Mỹ sẽ không tham gia TPP nữa, bà Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên của Đại học Ngoại thương Hà Nội, nhìn nhận đó là “một bước lùi đáng tiếc” cả về kinh tế, xã hội và chính trị đối với Việt Nam.

Nói qua điện thoại với VOA hôm 22/11, Phó Giáo sư Tiến sỹ Ánh coi việc Mỹ rời bỏ TPP là một tin không vui cho phe cấp tiến ở Việt Nam. Bà nói:

“Bất kỳ chính phủ nước nào cũng có phe cấp tiến và phe bảo thủ. Bây giờ, cán cân khi Mỹ rút ra thì đối trọng rơi vào phe bảo thủ nhiều hơn. Điều đó cũng sẽ làm cho Việt Nam chậm lại trong tiến trình cải cách của mình. Điều này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến địa chính trị của khu vực, cũng như ảnh hưởng đến quan hệ thương mại, phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ”.

Bà Ánh phân tích rằng thế giới và bản thân nước Mỹ đã thay đổi trong hàng chục năm qua, do vậy việc Mỹ tự thu hẹp vai trò của mình có thể gây bất lợi cho chính họ về dài hạn:

“Có thể trong ngắn hạn, nước Mỹ có thể tránh được việc phải chia sẻ lợi ích của một đất nước giàu có hơn, phát triển hơn với những nước cùng trong khu vực mà kém phát triển hơn. Tuy nhiên, không có lợi thế nào là vĩnh viễn, và như vậy Mỹ sẽ để ngỏ cửa gây ảnh hưởng đối với những nước trong khu vực cho Nhật, cho Trung Quốc. Chúng ta cũng biết là về mặt vị thế, Mỹ không có được như những năm 40, 50, 60 của thế kỷ trước. Cho nên nếu Mỹ rời bỏ cái sân đấy thì chắc chắn có nhiều người sẵn sàng nhào vào. Về dài hạn, tôi tin chắc chắn đấy là một bước lùi của Mỹ”.

Từ cách đây vài tháng, khi có những phát ngôn không ủng hộ TPP của cả hai nhân vật tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump của đảng Cộng hòa và bà Clinton của đảng Dân chủ, các nước đã chú ý nhiều hơn đến cuộc thương thảo về Hiệp định RCEP.

Với tên đầy đủ là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, hiệp định này từng được coi là đối trọng của TPP. Cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do này đã bắt đầu từ năm 2012 giữa 10 nước ASEAN trong đó có Việt Nam, Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn khác ở châu Á-Thái Bình Dương, song không có Mỹ.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Tiến sỹ Ánh dự báo rằng tác động của các hiệp định thương mại khu vực khác sẽ không có tính cơ bản như TPP:

“Tôi nghĩ rằng chắc là các hiệp định sau người ta sẽ không tham vọng như TPP. Bởi vì nói chung hầu hết sẽ còn các nước châu Á thôi. Các nước châu Á nói chung cũng mang tính dĩ hòa vi quý hơn. Cho nên chắc là phạm vi của hiệp định sẽ bị thu hẹp lại, và chắc chắn nó sẽ tập trung vào kinh tế nhiều hơn. Tại vì những nước còn lại như Nhật Bản những nước đấy không quan tâm lắm đến tác động của cải cách thể chế cho các nước thành viên. Và nếu mà Trung Quốc có ý định tham gia vào thì thực tế mà nói thì cũng chưa chắc là tin hay cho Việt Nam”.

Với những điều kiện về xuất xứ của nguyên liệu trong TPP, nhiều người kỳ vọng Việt Nam sẽ giảm dần việc lệ thuộc thương mại và nhiều mặt khác vào Trung Quốc. Nay TPP trong tình trạng “chết lâm sàng” và RCEP nổi lên, một số nhà quan sát dự báo Việt Nam khó có thể giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Hồi tuần trước, trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam “đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện tham gia” TPP, tuy nhiên, sau khi Mỹ “tuyên bố dừng”, Việt Nam “chưa có đủ cơ sở” trình Quốc hội thông qua việc tham gia TPP.

Ông Phúc nói thêm rằng dù có hay không tham gia TPP, Việt Nam “vẫn tham gia hội nhập sâu rộng” về nền kinh tế. Ông nhấn mạnh Việt Nam hiện tham gia 12 hiệp định tự do thương mại.

http://www.voatiengviet.com/a/ts-anh-vn-co-the-cham-cai-cach-khi-my-roi-tpp/3606856.html

 

Công an cưỡng chế Chợ Vĩnh Tân ở Đồng Nai

Chợ Vĩnh Tân tại xã cùng tên thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai bi lực lượng chức năng đến cưỡng chế vào sáng nay bất chấp phản đối của tiểu thương buôn bán lâu nay tại ngôi chợ mà đất được nói được giao chính thức cho dân.

Một tiểu thương cho biết lại vụ việc:

“Lúc khoảng chừng 7 giờ, lực lượng cơ động xuống với ‘thường dân’ và các ban – ngành; tổng số chừng khoảng 500 người. Họ áp chế dân và bắt hết những ai ra cản. Họ bắt đưa lên xe, còn những người bị xỉu được đưa lên xã, đưa đi cấp cứu.

Bà con quá ít không thể chống cự được lực lượng của họ quá đông.

Họ san bằng hết mặt trên, mặt dưới. Trong nhà lồng còn chừng mười mấy hộ do bị làm ‘dữ’ nên họ chưa dám cưỡng chế.

Tuy nhiên họ đào lỗ, chôn cột sắt, bấm tôn quanh chợ; bít bùng, kín mít luôn!”

Được biết, đất ở Chợ Vĩnh Tân, tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai do tiểu thương mua và hoán đổi. Họ yêu cầu chợ được sửa chữa và nâng cấp thay vì di dời về chợ mới, xa khu dân cư khó buôn bán. Bên cạnh đó, nếu di dời thì họ cũng không được đề bù tiền đã mua các ki-ốt kinh doanh trong chợ Vĩnh Tân.

Chị tiểu thương trình bày những bất hợp lý trong việc lấy chợ khiến dân không đồng tình:

“Yêu cầu của tiểu thương là muốn lấy đất chợ làm công ích gì phải giải quyết cho dân từ bằng cho đến hơn.

Còn địa điểm chợ mới bây giờ không thuận tiện cho buôn bán bởi vì phía trước là một (nhà máy xi măng), đằng sau là nghĩa trang. Nơi đó cũng không tập trung dân cư; nằm ở dốc ngay cầu Suối Đá, rất hẻo lánh. Trong khi đó chợ xây thấp hơn đường một mét. Nay làm đường lên và khi mưa bị ngập như hồ cá.

Về dưới đó không thể nào buôn bán được nên bà con không đồng thuận.

Nhà cầm quyền thấy dân quá ít nên áp đảo để san bằng luôn.”

Chúng tôi liên lạc với chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu và chủ tịch ủy ban nhân dân xã Vĩnh Tân để hỏi về vụ việc cưỡng chế chợ như người dân trình bày; thế nhưng cả hai ông chủ tịch huyện Võ Văn Phi và chủ tịch xã Nguyễn Phước Lộc đều không bắt máy.

Xin được nhắc lại vụ việc tiểu thương chợ Vĩnh Tân bắt đầu khiếu nại từ năm 2005 thế nhưng hơn chục năm qua, nguyện vọng của họ không được đáp ứng thỏa đáng.

Các tiểu thương khiếu kiện đến cấp trung ương nhưng Thanh Tra Chính Phủ giao về lại địa phương giải quyết.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/forceful-eviction-at-vinh-tan-market-dong-nai-11222016083150.html

 

Nhiều tổ chức lên tiếng

về cách hành xử của chính quyền với người dân

Hơn 20 tổ chức dân sự độc lập cùng với 39 cá nhân và 2 tổ chức chính trị hôm nay công bố một bản lên tiếng về cách hành xử phi pháp của nhà cầm quyền và nhân viên công lực đối với người dân Việt Nam.

Những tổ chức và cá nhân tham gia ký tên trong bản lên tiếng nêu rõ nhà cầm quyền Việt Nam luôn đàn áp những việc làm mà người dân thực hiện theo các quyền dân sự chính đáng và hợp pháp được quy định trong Điều 25 Hiến pháp 2013 để biểu tình đòi đất đai sinh kế, lương bổng xứng hợp, tự do tín ngưỡng, sinh thái trong lành…

Với tình trạng đàn áp bằng nhiều hình thức phi pháp của nhà cầm quyền như trấn áp biểu tình, bắt bớ, đánh đập, sách nhiễu… các tổ chức và cá nhân tuyên bố phản đối cách thức hành xử như thế; đồng thời nhắc nhở nhà cầm quyền Hà Nội cần phải chu toàn bổn phận đối với nhân dân cũng như nhân viên công lực phải thực hiện trách nhiệm bảo vệ dân chúng.

Các tổ chức và cá nhân tham gia ký kết bản lên tiếng cũng khẳng định trong thời gian tới tiếp tục những việc làm chính đáng theo quy định của pháp luật và sẽ phản kháng chống lại những việc làm sai trái của nhà cầm quyền, chẳng hạn như tự vệ đối với hành xử côn đồ của các lực lượng không mặc sắc phục bằng cách trói lại giao cho cơ quan công quyền mà không bị gán tội “chống người thi hành công vụ”.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/independent-civil-society-org-denounce-unlawful-conduct-of-gov-11222016103554.html

 

Giáo dân Lộc Hà

nộp đơn yêu cầu Formosa bồi thường thỏa đáng

Linh mục Trần Phúc Chính, quản hạt Văn Hạnh, huyện Lộc Hà thuộc giáo phận Vinh sáng ngày 22/11/2016 dẫn đầu hơn 30 giáo dân thuộc 4 giáo xứ trong hạt đến UBND tỉnh Hà Tĩnh trao đơn yêu cầu chi trả tiền bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân bị tác động bởi thảm họa môi trường do Formosa gây nên.

Số này đại diện cho hàng ngàn lao động thuộc 4 giáo xứ ven biển gồm Cửa Sót, Xuân Tình, Trung Nghĩa và Thu Chỉ.

Linh mục Trần Phúc Chính cho biết:

“Hiện đang (bồi thường); nhưng làm không chính xác nên chúng tôi mới làm đơn. Họ đang phát (tiền bồi thường) nhưng làm không chính xác. Lần trước họ về bắt kê khai; nay về phát nhưng không công bằng, dân ‘ra’ và họ nghĩ.

Nghĩ rồi nay tôi đang ra tỉnh thì ở nhà họ đang còn phát. Họ vẫn theo cách làm việc từ xưa đến nay: thích thì phát chứ không nghiên cứu thực tế.

Địa phương này và các địa phương quanh đây cũng ‘giông giống’ nhau cả: không minh bạch, không chính xác với thiệt hại chung của dân.”

Cùng thời gian linh mục Trần Phúc Chính đến UBND tỉnh Hà Tĩnh, người dân chịu thiệt hại cũng tới UBND huyện Lộc Hà, và UBND xã Thạch Hà để đưa đơn vì mức chi trả tiền bồi thường theo họ là không phù hợp.

Hầu hết có chung 1 mức bồi thường thiệt hại là 17.460.000 đồng/người cho 6 tháng thu nhập. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thiệt hại lớn chưa nhận được bất cứ sự bồi thường, hỗ trợ nào.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/priest-leads-parishioners-to-people-s-committee-to-petition-for-fair-compensations-11222016090343.html