Bị đánh liệt nửa người khi làm việc tại trụ sở công an

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bị đánh liệt nửa người khi làm việc tại trụ sở công an
Anh Võ Hướng đang điều trị tại bệnh viện
16-11-2016
CTV Danlambao – Sáng ngày 10/11, anh Võ Hướng (sinh năm 1983, ngụ tại thôn 3, xã Đăk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông) nhận được giấy mời của công an huyện Tuy Đức yêu cầu chiều cùng ngày đến trụ sở công an huyện để “làm việc” về một vụ việc mà cơ quan công an huyện Tuy Đức đang điều tra.
Khoảng 14h, anh Hướng có mặt tại trụ sở công an và làm việc cùng hai điều tra viên Nguyễn Trí Sĩ và Phùng Danh Quảng. Tuy nhiên, đến 16h30 gia đình nhận được thông tin anh Hướng nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh.
Về nội dung làm việc tại trụ sở công an, anh Hướng nằm trên giường bệnh tại bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn) cho biết, hai điều tra viên đã yêu cầu anh xác nhận vào một tờ giấy liên quan đến việc tổ chức đánh bạc nhưng anh kiên quyết từ chối bởi anh không làm việc đó. Anh Hướng nói: “Khi tôi từ chối ký thì họ bắt đầu còng tay tôi vào ghế, đóng cửa phòng lại và đánh tôi. Anh Quảng đánh tôi vài cái rồi đi ra ngoài. Sau đó là anh Sĩ bắt đầu nhè vào đầu và thái dương tôi để đánh. Lúc bị đánh vài cái thì tôi còn biết, sau đó tôi không biết gì nữa”.
 
Chị Lê Thị Thìn (vợ anh Hướng) nhận được tin tức chồng nhập viện tại bệnh viện Tuy Đức từ một người quen làm trong bệnh viện. Chị Thìn kể lại: “Khoảng 16h 30 phút thì tôi nhận được điện thoại từ người quen, nói rằng chồng tôi được công an đưa vào cấp cứu tại bệnh viện. Tuy nhiên, người này cũng nói với tôi là phía công an dặn bác sĩ và y tá là không được báo tin này ra ngoài.”
 
“Đến nơi thì tôi thấy chồng tôi đang bất tỉnh và sùi bọt mép, người có lúc co giật mạnh. Tôi hỏi thì những công an có mặt ở đây không nói gì và lảng tránh. Đến khoảng 17h thì bệnh viện yêu cầu chuyển chồng tôi xuống cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy”. Chị Thìn nói tiếp.
Anh Võ Hướng tại bệnh viện Tuy Đức. Ảnh gia đình cung cấp
Hiện tại, mặc dù đã qua hơn 6 ngày điều trị nhưng anh Hưởng vẫn lúc tỉnh, lúc mê, tay và chân phải đã bị liệt, thường xuyên bị đau ở đầu.
Thường ngày, anh Hưởng buôn bán trái cây ở chợ, chị Thìn là giáo viên cấp 2. Hai vợ chồng có một con nhỏ 2 tuổi.
Vấn nạn bức cung, nhục hình và người chết trong đồn công an, trại tạm giam, tạm giữ đang ngày càng trở nên đáng báo động. Đã có hơn 250 trường hợp người bị chết tại đồn công an, nhà tạm giữ, trại tạm giam kể từ năm 2011 đến nay.
Được biết, hôm 10 -10, cơ quan an ninh điều tra của tỉnh Khánh Hòa đã bắt giữ blogger Mẹ Nấm. Và một trong những “bằng chứng” để cơ quan an ninh kết tội blogger nổi tiếng này là tập tài liệu “Stop police killing civilians” được phát tán trên mạng xã hội về 31 trường hợp chết trong đồn công an. Bằng chứng về sai phạm của công an được sử dụng trở thành bằng chứng kết tội blogger này.
Thiết nghĩ, mục tiêu xây dựng một nhà nước Việt Nam pháp quyền đến bao giờ mới trở nên hiện hữu khi chính lực lượng thực thi pháp luật (công an) lại đang ngồi xổm trên lưng luật pháp.