Đọc báo Pháp – 16/11/2016
Bắt bộ trưởng Kinh Tế Nga,
Putin thanh lọc đội ngũ thân tín
Sự kiện bộ trưởng Kinh Tế Nga Alexeï Oulioukaïev bất ngờ bị bắt trong đêm 14 – sáng 15/11/2016 và bị truy tố cùng ngày vì tội tham nhũng, đồng thời bị quản thúc tại gia, trở thành tâm điểm của các nhật báo Pháp trong số ra ngày 16/11.
Nhật báo La Croix đánh giá “việc bắt giữ một chính trị gia “theo khuynh hướng tự do”, đượcTổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) dàn xếp, là một bước mới trong cuộc tranh giành quyền lực đang diễn ra tại Matxcơva”. Bộ trưởng Kinh Tế Alexeï Oulioukaïev trở thành nhà lãnh đạo Nga cao cấp nhất bị bắt, kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Chính Rosneft, tập đoàn đã mua lại hơn 50% cổ phiếu của công ty dầu khí nhà nước Bachneft, là bên kiện bộ trưởng Kinh Tế Nga nhận hối lộ hơn 2 triệu đô la. Tuy nhiên, theo trợ lý giám đốc thứ nhất của ngân hàng trung ương Nga, được La Croix trích dẫn, “những thông tin mà truyền thông cung cấp có vẻ rất mập mờ. Hiện chưa có điều gì rõ ràng”.
Bộ trưởng Kinh Tế Nga 60 tuổi nổi tiếng là một kinh tế gia tự do, một nhà bảo vệ các thương vụ tư nhân hóa và là nhà đấu tranh chống tham nhũng. Vẫn theo La Croix, tập đoàn Rosneft bị nghi ngờ đã “gài bẫy” vị bộ trưởng. Quả thực, tổng giám đốc tập đoàn, Igor Setchine, từng là nhân viên của KGB (tiền thân của Tổng cục An ninh Liên bang Nga/FSB hiện nay) và thuộc hàng ngũ siloviki, tức các đại diện của lực lượng an ninh luôn phản đối những người có khuynh hướng tự do và đứng trong hậu trường điện Kremlin.
Việc bắt giam ông Alexeï Oulioukaïev, vị bộ trưởng chưa bao giờ là người thân cận của tổng thống Putin, được cho là một cú đâm sau lưng nhằm vào những nhân vật theo chủ trương tự do. Là người chịu trách nhiệm theo dõi kế hoạch tư nhân hóa của chính phủ, có thể bộ trưởng Alexeï Oulioukaïev khiến các đối thủ lo lắng về lợi ích kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí. Thay vì đấu tranh chống tham nhũng, việc bắt giữ ông có vẻ như là đòn thanh toán nội bộ.
Nhận định về việc bắt giam và truy tố bất ngờ này, nhật báo Les Echos thẳng thắn nhận xét : “Putin đang dọn dẹp quanh mình”. Điều trung hợp là chỉ vài ngày trước khi bị bắt, bộ trưởng Kinh Tế Nga từng hoan nghênh việc chính quyền đột nhiên tỏ ra minh bạch về vấn đề nhân quyền, kể từ khi ông Sergueï Kirienko, cựu giám đốc tập đoàn nguyên tử Rosatom, tham gia đội ngũ hành chính. Thế nhưng, việc bắt giữ bộ trưởng Kinh Tế lại cho thấy “những thành phần cứng rắn nhất trong số siloviki đã tái xuất”.
Les Echos cho rằng tổng thống Nga đang “thành lập những đội ngũ mới tận tâm hơn”. Trước đó, một số nhân vật thân cận của tổng thống Putin đã rút lui khỏi cơ quan hành chính. Tháng 08/2016, Sergueï Ivanov đã rút khỏi ban điều hành đầy quyền lực của bộ máy hành chính điện Kremlin. Ngoài ra, còn phải kể đến Vladimir Iakounine, từng là một trong số 5 hay 6 nhân vật tai mắt của tổng thống, tiếp theo là Dmitri Zakhartchenko, cán bộ cao cấp của cơ quan chống tội phạm kinh tế, bị bắt giữ với 120 triệu euro. Cuối cùng, có thể nói đến trường hợp Andreï Belyaninov, ông chủ đầy quyền lực từ hàng chục năm của cơ quan hải quan liên bang, đã phải từ chức sau khi phát hiện nhiều khoản tiền lớn được giấu trong hộp đựng giầy tại nhà riêng.
Nhật báo kinh tế kết luận, những cuộc bắt giữ nhiều cán bộ trong ngành cảnh sát, quân đội và các đơn vị đặc biệt cho phép tổng thống làm mới đội ngũ siloviki với hai mục tiêu : chấm dứt những lạm dụng, loại bỏ mọi cán bộ cao cấp quá tham lam và hình thành những đội ngũ mới tận tâm hơn.
Nguy cơ Donald Trump phá thỏa thuận khí hậu
Trong khi lãnh đạo của khoảng 180 nước đang họp tại Marrakech, Maroc, trong khuôn khổ “COP22 nhằm cứu thỏa thuận Paris” về chống biến đổi khí hậu, sự kiện Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ trở thành một mối bận tâm mới, mà bài xã luận của La Croix gọi là “Mối rủi ro Trump”.
Thực vậy, trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ứng viên đảng Cộng Hòa quả quyết hiện tượng trái đất đang nóng lên là “tin thất thiệt” và hứa hủy thỏa thuận Paris với mục tiêu nhiệt độ trái đất tăng dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cho đến nay, tổng thống vừa đắc cử Donald Trump vẫn chưa đưa ra phát biểu về chủ đề này. Vì, một mặt, ngành năng lượng tái tạo của Mỹ sử dụng đến 2,5 triệu lao động. Đây là lĩnh vực phát triển nhanh vì rất nhiều tiểu bang, doanh nghiệp, cơ quan hành chính địa phương và cá nhân đã sử dụng loại hình năng lượng này. Mặt khác, thỏa thuận Paris là một thách thức quan trọng đối với hai đối tác chính của Hoa Kỳ, là Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu. La Croix cho rằng, nếu cả ba bên tỏ ra liên kết chặt chẽ với nhau về thỏa thuận này, thì tổng thống tương lai của Mỹ cũng phải nhường bước.
Trong tương lai, chính quyền Trump có nguy cơ phản đối từng bước. Washington sẽ để mặc các mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà chính quyền tiền nhiệm Obama đã ký kết và chỉ tài trợ rất nhỏ cho các chương trình thích nghi với biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại các nước đang phát triển, theo dự tính có ngân sách từ 130 tỉ đến 280 tỉ euro mỗi năm từ nay đến năm 2030.
Một bộ phận dân Mỹ tiếp tục chống Trump
Người dân Mỹ vẫn chưa hết sốc trước chiến thắng của nhà tỉ phú thuộc đảng Cộng Hòa, Donald Trump, dù ngày 14/11, tổng thống Barack Obama kêu gọi người dân chấp nhận kết quả bầu cử. Bằng chứng là nhiều cuộc biểu tình chống Trump vẫn tiếp diễn ở Hoa Kỳ.
Theo trang nhất nhật báo Le Monde, các cuộc biểu tình này diễn ra dưới một góc độ mới : Đa số các nhà đối lập với tổng thống mới đắc cử thuộc đảng Cộng Hòa không còn phản đối kết quả bầu cử, nhưng họ muốn tập hợp nhau lại và trấn an về các giá trị “bất dịch” của nước Mỹ.
Vẫn theo Le Monde, từ sau cuộc bầu cử tổng thống, một bộ phận nước Mỹ chìm trong lo lắng. Nhiều “bức tường đồng cảm” đã xuất hiện tại California, giống như tại New York sau sự kiện 11/09/2001. Thêm vào đó là nhiều vụ gây rối bài ngoại xảy ra từ 08 đến 11/11. Một số người ủng hộ ứng viên đảng Dân Chủ vẫn không từ bỏ hy vọng thay đổi kết quả bầu cử bằng cách đăng bản kiến nghị trên trang Change.org với khẩu hiệu “Cùng để Hillary Clinton trở thành tổng thống ngày 19/12”.
Sau cơn “địa chấn” Trump, tổng thống Obama trấn an thế giới
Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Hy Lạp của chuyến công du thế giới cuối cùng với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ, ông Obama đã tìm cách trấn an các đồng minh của Mỹ về chính sách ngoại giao của người kế nhiệm khi đánh giá ông Donald Trump là một người “thực dụng”.
Theo Le Figaro, đây là “nhiệm vụ” đáng ngạc nhiên vào cuối nhiệm kỳ của người đứng đầu Nhà Trắng. Tuy nhiên, “Sau cú sốc Trump, Obama cảnh báo châu Âu về “khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa thô thiển” là một bài trang nhất của Le Figaro.
Bầu cử tổng thống Pháp 2017 : Cuộc đua tăng tốc
Chỉ còn vài ngày trước kỳ bỏ phiếu sơ bộ của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR), nhật báo Le Monde chạy trên trang nhất hàng tựa lớn : “Cánh hữu đối mặt với thách thức Mặt Trận Quốc Gia”.
Nhận xét này rất đúng vì, cả hai ứng viên sáng giá Nicolas Sarkozy và Alain Juppé đều biến khả năng đánh bại Marine Le Pen, thuộc đảng dân túy Mặt Trận Quốc Gia (Front national, FN), tại kỳ bầu cử tổng thống thành lập luận chính trong suốt chiến dịch vận động tranh cử tại vòng sơ bộ.
Theo kết quả thăm dò, thị trưởng Bordeaux Alain Juppé sẽ đạt được tỉ lệ bầu cao hơn Marine Le Pen tại hai vòng bầu cử tổng thống vào tháng 05/2017. Ngược lại, để níu kéo những cử tri của đảng Những Người Cộng Hòa bị Mặt Trận Quốc Gia lôi kéo, cựu tổng thống Pháp Sarkozy ngày càng có những phát biểu gần với tinh thần của đảng FN.
Nhật báo kinh tế Les Echos dành ba trang đầu cho “bầu cử tổng thống 2017 với cuộc đua đang được tăng tốc”. Tờ báo lần lượt điểm ba nhân vật trên trang nhất : cựu bộ trưởng Kinh Tế Macron tham gia cuộc đua mà không cần chờ tổng thống Hollande, trong khi đó thị trưởng Bordeaux Alain Juppé thì củng cố thành trì chống lại chủ nghĩa dân túy, cuối cùng cựu thủ tướng Fillon nhận được sự ủng hộ ngày càng nhiều và ngáng bước Sarkozy. Về cựu bộ trưởng Kinh Tế, nhật báo Le Figaro nhận định trên trang nhất : “Bầu cử tổng thống : Macron tăng tốc trước Hollande và Valls”.
Đảng dân túy Mặt Trận Quốc Gia là chủ đề chính trên trang nhất và mục “Sự kiện” của Libération. Với hàng tựa lớn : “Le Pen trong thời kỳ ẩn dật”, nhật báo thiên tả cho rằng FN đang âm thầm xây dựng đội biệt kích cho cuộc bầu cử tổng thống 2017.
Lịch sử “cuốn cẩm nang” của chủ nghĩa Mao
Chỉ dài 10 cm và rộng 7 cm, với trọng lượng tương đương một chiếc bật lửa, dầy bằng một hộp diêm và có thể cất được trong túi áo đồng phục, khoảng 5 tỉ bản Mao Tuyển đã được in ra từ năm 1965 đến 1979.
Chuyên mục “Sách” của nhật báo Le Monde giới thiệu cuốn Histoire du Petit Livre rouge (tạm dịch: Lịch sử Sách đỏ) của Pascale Nivelle, từng là thông tín viên của báo Libération tại Bắc Kinh từ 2006-2009 và là cộng tác viên của tạp chí “M” của Le Monde. Cuốn sách nhắc lại quá trình truyền bá “quả bom tinh thần”, theo cách gọi của bộ Quốc Phòng Trung Quốc năm 1966. Với mục đích phục vụ lý tưởng toàn trị, bạo lực và chủ nghĩa Mao, cuốn “cẩm nang” với trang bìa đỏ chói đã đi theo và trở thành biểu tượng cho cuộc Cách Mạng Văn Hóa Trung Quốc.
Theo tác giả cuốn Lịch sử Sách đỏ, đã 50 năm kể từ cuộc Cách Mạng Văn Hóa 1966 và 40 năm sau ngày Mao Trạch Đông mất, nhưng việc nhắc lại sự mù quáng tập thể gắn liền với tập Mao Tuyển vẫn là điều có ích, bởi tư tưởng Mao hiện đang trở thành nguồn cảm hứng cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tham vọng thâu tóm quyền lực.
Tin đọc nhanh
AFP – Hoàng tử Anh tới Hà Nội dự hội nghị về buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam, nước vẫn bị coi là trọng điểm buôn bán động thực vật hoang dã quý hiếm, tổ chức một diễn đàn có quy mô lớn với sự tham dự của 40 nước và các tổ chức phi chính phủ. Hôm nay, 16/11/2016, hoàng tử Anh William có cuộc hội kiến với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
AFP – LHQ lên án Bình Nhưỡng lấy quỹ cứu trợ dùng cho quân sự. Một ủy ban đặc trách nhân quyền của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 15/11/2016 lên án Bắc Triều Tiên lấy ngân quỹ có thể dùng để giảm nhẹ khủng hoảng nhân đạo trong nước, để chi phí cho các chương trình hạt nhân và tên lửa. Dự thảo nghị quyết do Nhật và Liên Hiệp Châu Âu đề xuất, đã được ủy ban thông qua và sẽ được đưa ra LHQ bỏ phiếu vào tháng 12/2016. Trung Quốc, đồng minh của Bình Nhưỡng, cùng Nga, Syria, Iran và Cuba, đã tuyên bố giữ khoảng cách với dự thảo.
Reuters – Quốc Hội Mỹ gia hạn trừng phạt Iran. Với 419 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Hạ Viện Mỹ ngày 15/11/2016 thông qua quyết định gia hạn 10 năm các biện pháp trừng phạt Teheran theo luật « Iran Sanctions Act – ISA », hết hạn vào ngày 31/12 tới. Bộ luật ISA được thông qua năm 1996 nhằm răn đe Teheran theo đuổi chương trình hạt nhân quân sự. Một dự luật thứ hai cũng đã được Hạ Viện thông qua cùng ngày, dự trù các biện pháp trừng phạt Syria và các đồng minh, chủ yếu là Nga và Iran.
AFP – Thổ Nhĩ Kỳ lại tố cáo truyền thông phương Tây ủng hộ phe đảo chính. Ông Erdogan nhắc lại cáo buộc này ngày 15/11/2016, nhân buổi khai trương đài truyền hình TRT World, một đài mới của Nhà nước phát bằng tiếng Anh. Tổng thống Thổ một lần nữa tố cáo báo chí phương Tây biểu lộ thiện cảm đối với giáo sĩ Fethullah Gülen, đang lưu vong tại Mỹ, bị Ankara cho là chủ mưu vụ đảo chính hụt tháng 7/2016. Đài TRT World được ông Erdogan mệnh danh là « cánh cửa sổ mới mở ra thế giới », để nói lên « sự thật » về Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, đài này đã hoạt động từ tháng 3/2015.
AFP – Thế giới có hơn 1 tỷ người bị cao huyết áp. Số lượng người mắc chứng cao huyết áp trên thế giới đã tăng gấp đôi trong vòng 40 năm qua, đa số ở các nước đang phát triển, chủ yếu tập trung tại châu Á. Trên đây là thông tin của một nghiên cứu khoa học vừa được công bố hôm nay trên tạp chí Y học của Anh The Lancet. Cao huyết áp là nguyên nhân chính dẫn tới tai biến mạch máu não và những bệnh tim mạch khác, làm 7,5 triệu người chết mỗi năm trên thế giới.
http://vi.rfi.fr/tong-hop/20161116-tin-doc-nhanh