Tin Việt Nam – 11/11/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 11/11/2016

Lục Vân Tiên có tranh minh họa,

120 năm bị bỏ quên tại Pháp

Thu Hằng

Từ năm 1895 đến 1897, đại úy pháo binh Hải Quân Pháp Eugène Gibert giữ chức phó đô đốc pháo binh tại Huế, « trung tâm chính trị và tri thức của người An Nam ». Tại đây, vị sĩ quan Pháp được tiếp xúc trực tiếp và rất ấn tượng với truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), một tác phẩm ca ngợi phẩm chất đạo đức và nét đẹp của Khổng Giáo cũng như văn hóa dân gian Nam Bộ.

Vừa là một tác phẩm văn học uyên bác, vừa là một câu chuyện dân gian truyền miệng được viết theo lối thơ lục bát, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu từ lâu đã được xếp vào hàng tuyệt tác văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học chữ Nôm. Ngay từ năm 1864, Lục Vân Tiênđã được dịch sang tiếng Pháp. Đến năm 1883, dịch giả Abel des Michels chuyển ngữ sang tiếng Pháp với tên gọi Lục Vân Tiên cổ tích truyện (Histoire de Lục Vân Tiên). Chính bản dịch này đã khích lệ Eugène Gibert tìm cách minh họa cho chuyện tình bi tráng của chàng thư sinh Lục Vân Tiên với vị hôn thê chung trình Nguyệt Nga, cũng như tinh thần coi trọng tình nghĩa giữa người với người và tinh thần nghĩa hiệp.

Được lưu trữ tại Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương thuộc Viện Pháp (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres, Institut de France), bản thảo Lục Vân Tiên cổ tích truyện có tranh minh họa (1889) là tác phẩm đầu tiên có tranh minh họa toàn bộ Lục Vân Tiên. Nổi bật với những nét vẽ tỉ mỉ, sống động và nhiều mầu sắc rực rỡ, mỗi bản vẽ được chia thành ba hàng với những hình ảnh miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường. Khối chính giữa của hàng thứ hai là những câu thơ lục bát chữ Nôm, được viết từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.

Lục Vân Tiên cổ tích truyện có tranh minh họa đã được hai nhà nghiên cứu người Pháp Pascal Bourdeaux (trường Cao Đẳng Thực Hành, EPHE) và Olivier Tessier (Viện Viễn Đông Bác Cổ, EFEO) biên tập và được Viện Viễn Đông Bác Cổ phát hành vào tháng 04/2016 (*).

Ban tiếng Việt đài phát thanh quốc tế Pháp, RFI, đã có cơ hội trao đổi với nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux về sự kiện này.

RFI : Thưa nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux, có thể nói Lục Vân Tiên cổ tích truyện có minh họa là bản thảo minh họa màu đẹp nhất và sống động nhất của tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu. Và cũng có thể nói là bản thân bản thảo này đã là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Vậy tại sao phải chờ đến gần 120 năm sau, độc giả mới được chiêm ngưỡng tác phẩm này ?

Pascal Bourdeaux : Để trả lời câu hỏi này, có thể nói là « Có trời mà biết ! ». Cũng phải nói là có một cơ hội rất đặc biệt khi một người Việt Nam đến Pháp, được mời đến Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương Pháp để có thể tìm lại bản thảo này, đúng là được « ngủ » khoảng 100 năm trong kho tài liệu cũ của Viện này. Người đó là giáo sư Phan Huy Lê, được mời đến Paris và đoàn đi theo giáo sư đã rất may mắn tìm được tài liệu này. Cô phụ trách thư viện của Viện đã mở « fond » và đã cho xem một số tài liệu rất quý và rất cũ của Việt Nam, và trong đó có bản thảo này mà chưa ai biết.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần phải công bố bản thảo này. Và vì đúng thời điểm đó, Viện Viễn Đông Bác Cổ mở văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi quyết định biến công việc này thành biểu tượng cho hoạt động nghiên cứu và hợp tác trong ngành khoa học xã hội-nhân văn. Nói một cách khác, việc xuất bản và công bố tác phẩm này là bước đầu tiên của quá trình hợp tác và nghiên cứu, mà chúng tôi hy vọng là bền lâu, giữa Pháp và Việt Nam, đặc biệt là với miền nam Việt Nam.

RFI : Ông có thể cho biết một chút về nguồn gốc tác phẩm minh họa Lục Vân Tiên này của tác giả Nguyễn Đình Chiểu ?

Pascal Bourdeaux : Vào khoảng năm 1895-1897, một nho sĩ của Triều đình Huế, tên là Lê Đúi (Đức) Trạch, còn gọi là Thó, đã minh họa Lục Vân Tiên cổ tích truyện theo yêu cầu của một người Pháp, một sĩ quan Hải Quân đang làm nhiệm vụ tại Huế. Ông khám phá ra Lục Vân Tiên nhờ bản dịch sang tiếng Pháp năm 1883 của Abel des Michels. Eugène Gibert rất mê truyện thơ này và đã đề xuất với « thư lại chế họa đồ thức » (một viên chức làm việc trong một cơ quan chuyên vẽ đồ bản trong cung đình Huế) tự do thể hiện tác phẩm theo cảm nhận của họa sĩ. Khi tác phẩm hoàn thành, những bức tranh mà chúng ta thấy là sự thể hiện theo đúng phong cách Việt Nam, một sáng tạo của một nghệ sĩ người Việt theo yêu cầu của một người Pháp.

Một trong những điểm đặc biệt là không phải chỉ có một mà có hai họa sĩ vẽ minh họa tác phẩm này. Lo ngại họa sĩ đầu tiên, Lê Đức Trạch, không hoàn thành được toàn bộ khối lượng công việc, nên Eugène Gibert đã đề xuất một họa sĩ khác tiếp tục công việc. Có thể nói, đó là một kiểu cạnh tranh giữa hai họa sĩ. Thế nhưng, Lê Đức Trạch là người hoàn thành công việc. Trong tác phẩm, chúng ta có thể chiêm ngưỡng được 5 bản vẽ, xuất hiện ở phần cuối tác phẩm, do nghệ sĩ thứ hai thực hiện. Đây là yếu tố quan trọng cho phép so sánh công việc của hai họa sĩ.

RFI : Xuất phát từ bản thảo bằng chữ Nôm, tác phẩm Lục Vân Tiên cổ tích truyện do Viện Viễn Đông Bác Cổ phát hành, lại được in thành ba thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp), ông có thể giải thích một chút quá trình biên tập và phát hành tác phẩm đã được thực hiện như thế nào ?

Pascal Bourdeaux : Toàn bộ công việc mất khoảng 5 năm, tính từ lúc phát hiện ra bản thảo vào tháng 09/2011 đến lúc phát hành vào tháng 04/2016. Chúng tôi làm việc dựa trên bản chữ Nôm được chép trên các bản vẽ và bản dịch sang tiếng Pháp và chữ quốc ngữ mà Eugène Gibert đã sử dụng, có nghĩa là bản dịch của Abel des Michels năm 1883. Thực ra, trước bản dịch của Abel des Michels đã có hai bản dịch khác và tính đến nay có 8 bản dịch sang tiếng Pháp. Điều này thật đặc biệt !

Chúng tôi cố gắng tôn trọng bản gốc của Abel des Michels nhưng có sửa một số lỗi vì chữ quốc ngữ trong bản dịch thời kỳ đó, lại có nhiều phương ngữ miền nam Việt Nam vào thế kỷ XIX, vẫn chưa đồng nhất như hiện nay.

Nhận thấy giá trị thẩm mỹ và thị giác của bản thảo, chúng tôi quyết định dịch sang cả tiếng Anh để những người không biết tiếng Pháp hay tiếng Việt có thể thưởng thức. Việc dịch sang tiếng Anh được dựa trên văn bản tiếng Pháp. Dĩ nhiên, việc này sẽ đặt câu hỏi về tính khoa học, nhưng chúng tôi đã giải thích rõ nguyện vọng là đưa ra một bản tiếng Anh sát với bản gốc nhất. Vì vậy, chúng tôi chú giải các bản dịch tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Pháp, cũng như thêm vào các lời giải thích.

RFI : Có thể nói là Viện Viễn Đông Bác Cổ luôn có những tiêu chí rất cao về chất lượng của một ấn phẩm, vừa về nội dung và kỹ thuật. Đây có phải là một trong số những lý do mà tác phẩm Lục Vân Tiên được xuất bản tại EFEO ?

Pascal Bourdeaux : Đúng vậy, điều mà chúng tôi muốn là làm chủ công việc nghiên cứu và quá trình kỹ thuật. Bản thảo đẹp đến nỗi buộc chúng tôi cố gắng làm mọi việc một cách chính xác, tỉ mỉ để sao phóng như bản gốc (fac-similé). Chúng tôi mong là khi cầm tác phẩm trong tay, độc giả tưởng như đang được cầm bản gốc. Chính vì vậy, kỹ thuật hiệu chỉnh mầu và tất cả công việc liên quan đến kỹ thuật chụp ảnh, khắc hình chuyên nghiệp đã cho phép chúng tôi gần như giữ nguyên mầu sắc của bản thảo.

Phải nói đây là một điều may mắn, vì trong vòng một thế kỷ, không một ai động đến tác phẩm này. Vì thế, mọi sắc tố, mầu sắc vẫn còn nguyên vẹn. Sau đó, chúng tôi đã in theo gần đúng khổ của bản thảo, chỉ lệch 5%. Cuối cùng, chúng tôi đã làm việc với một nhà in chuyên về các loại tác phẩm như vậy để có được tác phẩm hoàn thiện nhất và giống với bản thảo gốc nhất.

***

Để thay lời kết, trong lời nói đầu (tập II) của Lục Vân Tiên, giáo sư sử học Phan Huy Lê nhận xét : « Đây là truyện nôm đầu tiên của Việt Nam được minh họa đầy đủ đến như vậy (…). Tôi có cảm nhận bước đầu là những tranh vẽ này mang ảnh hưởng hay có nguồn gốc từ tranh dân gian Việt Nam, nhất là dòng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Vấn đề cần nghiên cứu so sánh cụ thể nhưng rõ ràng đây là một nguồn tư liệu quý mở ra khả năng nghiên cứu nghệ thuật minh họa sách với nguồn gốc và phong cách nghệ thuật của nó (…) ».

 

(*) Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên cổ tích truyện (có tranh minh họa) – Histoire de Lục Vân Tiên – The Story of Lục Vân Tiên, Paris, EFEO, 2016, 2 tập.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161111-luc-van-tien-co-tranh-minh-hoa-120-nam-bi-bo-quen-tai-phap

 

Thuyền viên tàu Việt Nam

bị bắt cóc ở ngoài khơi Philippines

Thanh Phương

Hãng tin AFP trích dẫn nhà chức trách Philippines cho biết là ít nhất 5 thuyền viên một tàu chở hàng của Việt Nam ngày 11/11/2016 đã bị một toán vũ trang bắt cóc ngoài khơi miền nam Philippines, nơi mà các thành viên tổ chức Hồi giáo cực đoan thường bắt cóc để đòi tiền chuộc.

Chiếc tàu MV Royal 16 đã bị tấn công vào sáng 11/11 khi đang đi ngang qua đảo Basilan, một cứ địa của tổ chức Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf. Theo nhà chức trách địa phương, hai thuyền viên của tàu, trong đó có một người bị thương, đã thoát được và sau đó đã được một tàu chở hàng của Philippines cứu vớt.

Một phát ngôn viên quân sự của địa phương cho biết các tàu của hải quân Phillippines đã được triển khai để tìm kiếm và cứu thoát các thuyền viên bị bắt cóc. Hiện giờ chưa biết các thuyền viên bị bắt cóc này mang quốc tịch gì.

Trong những tháng gần đây, lực lượng Abu Sayyay đã bị tố cáo bắt cóc hàng chục thủy thủ Indonesia và Malaysia ở ngoài khơi miền Nam Philippines. Cuối tuần qua, một tư lệnh của Abu Sayyaf đã nhận trách nhiệm về vụ bắt cóc một thủy thủ 70 tuổi người Đức và vụ sát hại người vợ của ông này. Như vậy là chỉ trong tuần qua đã có ít nhất tám thủy thủ bị bắt cóc trong khu vực này, gây quan ngại trước việc nhà chức trách địa phương không đủ khả năng ngăn chận các vụ tấn công cướp biển ngày càng nghiêm trọng.

Các thành viên của Abu Sayyaf trong năm nay đã chặt đầu 2 con tin Canada sau khi không nhận được món tiền chuộc hàng triệu đôla. Còn phần lớn các thủy thủ Malaysia và Indonesia thì đã được thả ra sau khi được cho là đã trả tiền thế mạng.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161111-thuyen-vien-cua-tau-viet-nam-bi-bat-coc-ngoai-khoi-philippines

 

Tàu tuần duyên Trung Quốc lần đầu cập bến Việt Nam

Một chiếc tàu của lực lượng tuần duyên Trung Quốc hôm 10/11 cập cảng Hải Phòng, bắt đầu chuyến thăm “hữu nghị” lần đầu tiên kéo dài ba ngày.

Sau khi được lãnh đạo cảnh sát biển Việt Nam đón tiếp, lực lượng hai nước đã thi đấu giao hữu thể thao.

Theo Tân Hoa Xã, người dân địa phương và các đại diện doanh nghiệp Trung Quốc ở Việt Nam hôm 11/11 đã được lên thăm tàu.

Hãng tin nhà nước của quốc gia đông dân nhất thế giới còn cho biết rằng chuyến thăm của tàu tuần duyên Trung Quốc là một phần của thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo hai nước nhằm tăng cường tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ.

Trong khi đó, Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin, chuyến thăm kéo dài từ ngày 10 đến 13/11 nhằm “tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa quân đội hai nước Việt Nam và Trung Quốc nói chung, giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước nói riêng”.

Tháng trước, đội tàu hộ tống 23 của hải quân Trung Quốc gồm ba chiến hạm Tương Đàm, Châu Sơn và Sào Hồ lần đầu tới cảng Cam Ranh của Việt Nam để, theo lời quan chức quốc gia đông dân nhất thế giới, nhằm “củng cố quan hệ hải quân”.

Tuy nhiên, chuyến cập cảng nằm ở tỉnh Khánh Hòa kéo dài 5 ngày này đã vấp phải sự phản đối của một số người dân trong nước.

Ông Trần Bang, người từng nhiều lần xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, nói với VOA Việt Ngữ rằng những hành động mà nhà hoạt động này nói là “bạo lực” của Trung Quốc đối với người Việt đã khiến ông và những người bạn khác phải lên tiếng.

Khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu 981 vào khu vực mà Việt Nam nói là thềm lục địa của mình, tàu tuần duyên của nước láng giềng đã nhiều lần phun vòi rồng và đâm va tàu của người Việt.

http://www.voatiengviet.com/a/tau-tuan-duyen-trung-quoc-lan-dau-cap-ben-viet-nam/3592309.html

 

Phản ứng của Việt Nam về thắng lợi của tỷ phú Trump

Việt Nam hôm 10/11 chính thức lên tiếng về chiến thắng của ông Donald Trump trước bà Clinton, và bày tỏ “mong muốn tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ toàn diện” Hà Nội – Washington.

Đáp lại đề nghị bình luận của VOA Việt Ngữ về thắng lợi của Tổng thống đắc cử Donald Trump, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, cho biết qua email rằng Chủ tịch Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “đã gửi điện mừng” đúng ngày kết quả bầu cử Mỹ được công bố.

Tỷ phú bất động sản đánh bại đối thủ Đảng Dân chủ hôm 9/11, sau khi thu hút sự ủng hộ của nhiều cử tri tại các bang “chiến trường” như Florida hay Pennsylvania.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn điện mừng trên nói: “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hoa Kỳ và mong muốn hai nước tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc mối quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất, ổn định, bền vững, lâu dài, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo, quốc phòng, an ninh, cũng như tăng cường hợp tác về các vấn đề khu vực và quốc tế”.

Hoa Kỳ là một trong ba đối tác chiến lược toàn diện của Hà Nội, được quan chức hai nước xác lập trong chuyến thăm tới Nhà Trắng hồi năm 2013 của nguyên thủ Việt Nam khi ấy là Chủ tịch Trương Tấn Sang.

Với một chính quyền mới sắp lên nhậm chức, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nhận định với VOA Việt Ngữ, cho rằng quan hệ Việt – Mỹ trong thời gian tới sẽ “không có nhiều thay đổi” vì bang giao hai nước thời gian qua đã “được thúc đẩy nhờ cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa”.

Ông Trường nói thêm rằng “Việt Nam sẽ tìm hiểu, tiếp xúc và tìm cách thúc đẩy quan hệ đối tác lên một tầm cao mới”.

“Nhưng mà cái này nó cũng phụ thuộc vào chính quyền Trump. Nhưng mà tôi nghĩ ông Trump muốn lãnh đạo, làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, thì ông Trump không thể lãnh đạo nước Mỹ trong ‘chân không’, mà lãnh đạo nước Mỹ, trước hết làm cho nước Mỹ mạnh, nhưng đồng thời là từ nước Mỹ đó mà lãnh đạo thế giới, cho nên cuối cùng vẫn cần khu vực như châu Á – Thái Bình Dương, vẫn nằm trong trọng tâm của chiến lược toàn cầu của Mỹ thì Việt Nam cũng nằm trong một bối cảnh như vậy”.

Nhận định với VOA Việt Ngữ, ông Nguyễn Đình Hà, một ứng cử viên độc lập từng chạy đua vào Quốc hội Việt Nam, cho rằng “có thể ông Trump sẽ thay đổi chính sách xoay trục của Tổng thống Obama”, và nếu vậy, “Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng khá lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông”.

Ông Hà cho rằng việc Hà Nội tiếp tục xích lại gần Mỹ là điều cần thiết, nhưng “chính phủ mới của ông Trump có đón lấy cái tay của Việt Nam hay không mới là điều quan trọng”.

Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Đại Phượng, nguyên trưởng ban quốc tế của báo Tiền Phong, nói với VOA Việt Ngữ rằng “chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Việt Nam về cơ bản không có tác động nhiều”.

Quan hệ Việt – Mỹ phát triển mạnh trong năm nay, nhất là chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam của Tổng thống Barack Obama, và mới nhất là chuyến công du Hoa Kỳ của ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

http://www.voatiengviet.com/a/phan-ung-cua-viet-nam-ve-thang-loi-cua-ty-phu-trump/3590682.html

 

Formosa bắt đầu

chuyển đổi công nghệ sản xuất vào năm 2017

Khánh An-VOA

Hôm 10/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Việt Nam cho biết Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sẽ thực hiện việc chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô, bắt đầu từ ngày 31/3/2017. Tập đoàn Đài Loan gây ra thảm họa cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung cam kết sẽ hoàn thành tiến trình chuyển đổi trước ngày 30/6/2019.

Theo cam kết với chính phủ Việt Nam khi bắt đầu đầu tư tại Việt Nam, Formosa sẽ sử dụng phương pháp làm nguội than cốc theo phương pháp khô (dùng khí N2). Tuy nhiên trên thực tế, công ty gang thép của Đài Loan đã dùng phương pháp ướt, dùng nước tuần hoàn, để làm nguội.

Luật sư Phạm Công Út từ TP.HCM nói việc thực hiện sai quy trình sản xuất có thể dẫn đến việc rút giấy phép đầu tư, nếu Formosa không thay đổi lại theo cam kết. Ông nói:

“Thay đổi quy trình sản xuất từ khô sang nước, thứ nhất là họ làm lợi cho doanh nghiệp của họ về chi phí đầu tư ban đầu, thứ hai là giá thành sẽ cạnh tranh được. Họ làm sai quy trình cấp phép ban đầu thì nhà nước có thể rút giấy phép”.

Do sử dụng phương pháp ướt nên Formosa đã phải lén lút xả các chất thải độc hại ra biển thông qua ống xả thải đặt ngầm dưới đáy biển. Sau khi xuất hiện hiện tượng hải sản chết hàng loạt vào đầu tháng 4/2016, các thợ lặn ở địa phương đã phát hiện ra ống xả thải này.

Cuối tháng 6/2016, Việt Nam chính thức công bố Formosa là thủ phạm gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên. Tuy nhiên, khoản tiền 500 triệu đôla mà Formosa bồi thường thiệt hại trong vụ này đã không nhận được sự đồng tình của người dân địa phương. Hàng trăm người dân đã đệ đơn lên tòa án để kiện công ty của Đài Loan.

Anh Hường, một người làm nghề biển tại Hà Tĩnh, nói với VOA:

“Khi nào biển sạch? Bao lâu, thời gian? Nhà nước quy hoạch bây giờ đền cho người dân 6 tháng thì tất nhiên người ta sẽ không chấp nhận được. Đợt bọn em làm hồ sơ kiện lên gửi tòa án, bọn em đòi hỏi ít nhất phải được 5 năm”.

Người dân tỉnh Quảng Bình đã bắt đầu nhận số tiền bồi thường thiệt hại của Formosa, theo Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 10/11.

Linh mục Đặng Hữu Nam, người đã giúp hơn 500 người dân địa phương làm hồ sơ khởi kiện, nói số tiền bồi thường 500 triệu đôla của Formosa là không thấm tháp gì so với những thiệt hại trên thực tế mà người dân phải gánh chịu. Mặt khác, việc quy định mức bồi thường và chỉ bồi thường cho 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế là không thỏa đáng vì theo Lm. Nam, người dân ở tỉnh Nghệ An cũng bị thiệt hại về sinh kế do sự cố môi trường trên. Lm. Nam nói rằng người dân sở dĩ chấp nhận bồi thường là vì hoàn cảnh quá khó khăn hiện nay.

“Ngư dân vốn đã nghèo rồi, mà hơn 6 tháng qua, người ta không có một thu nhập nào cả. Gia sản của người ta dù có tích góp thì người ta cũng phải bán, cầm cố để mà chống chọi, bám trụ với cuộc sống. Con cái của người ta đã không được đến trường. Món nợ ngân hàng để đầu tư vào các phương tiện đánh bắt là gánh nặng và đã làm cho người ta phá sản. Thử hỏi trong hoàn cảnh đó, cộng với 2 lần lũ lụt như thế này, ngập và mất hết tài sản, trong hoàn cảnh éo le như vậy chắc chắn người ta không thể từ chối món tiền có thể đến. Mặc dù, họ biết rằng sau khi họ nhận món tiền đó, tương lai của họ u ám hơn, mờ mịt hơn”.

Bộ TN&MT nói Formosa đang thực hiện nghiêm túc các giải pháp trước mắt và lâu dài theo yêu cầu của Bộ. Công ty Đài Loan sẽ bắt đầu khởi công việc chuyển đổi công nghệ vào ngày 31/3/2017 và cam kết hoàn thành việc này trước ngày 30/6/2019.

http://www.voatiengviet.com/a/formosa-bat-dau-chuyen-doi-cong-nghe-san-xuat-vao-nam-2017/3590718.html

 

Đề xuất đổ chất thải xuống biển Bình Thuận

Chuyên gia bình luận với BBC về thông tin công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 đề xuất đổ 1,5 triệu m3 tấn chất thải tại vùng biển Tuy Phong đang gây tranh cãi.

Đầu tháng 11/2016, công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xin phép cơ quan chức năng “nhận chìm” hơn 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển. Lượng chất thải này gồm bùn, đất, cát trong quá trình nạo vét.

Báo Việt Nam tường thuật, diện tích biển chứa lượng chất thải này khoảng 30ha, cách đất liền khoảng 3 hải lý và gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Hôm 11/11, trả lời BBC từ Hà Nội, Tiến sĩ Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Thủy sản nói: “Tôi phản đối, vì vụ tràn lấp bùn này sẽ ảnh hưởng nặng đến khu bảo tồn biển cạnh đó.”

Nhìn chung, các dự án có yếu tố Trung Quốc thường gây quan ngại về môi trường.Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, Đại học Strassbourg, Pháp

Hôm 11/11, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú từ Đại học Strassbourg, Pháp, nghiên cứu về kinh tế môi trường, nói với BBC: “Việc đổ chất thải theo đề xuất của nhà máy điện Vĩnh Tân gây quan ngại cho người dân là đương nhiên.”

“Vì ở đây, khối lượng đất bùn lớn, có thể gây xáo trộn môi trường.”

“Nếu không kiểm tra kỹ lưỡng, mà có gian lận trong việc này, chẳng hạn như đưa chất thải độc hại từ nguồn khác trộn lẫn vào bùn nạo vét để cùng thải ra biển thì hậu quả có thể tương tự như vụ Formosa.”

‘Yếu tố Trung Quốc’

Chuyên gia cho biết thêm: “Vì cơ chế quản lý kiểm tra môi trường của Việt Nam không khắt khe lắm nên người dân có quyền nghi ngờ những việc như vậy, điển hình là vụ Formosa.”

Ông Phú đề xuất: “Việt Nam cần đưa ra yêu cầu nghiêm túc về các nghiên cứu tác động môi trường của các dự án kinh tế trước khi triển khai.”

“Trong đó cần tính đến chi phí phải bỏ ra để giải quyết hệ lụy mà hành vi của một doanh nghiệp có thể gây tác động tiêu cực lên cộng đồng xung quanh. Và nhất là ai là người phải trả chi phí đó.”

Việt Nam dừng điện hạt nhân Ninh Thuận

Mỹ điều tra thép TQ ‘đội lốt Việt Nam’

“Người dân cũng có quyền nghi ngờ đề xuất đổ chất thải này của nhà máy điện vì đã xảy ra tình trạng bụi than gây ô nhiễm khu dân cư lân cận.”

“Nhìn chung, các dự án có yếu tố Trung Quốc thường gây quan ngại về môi trường.”

Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh tường thuật hôm 8/11: “Dù không bình luận cụ thể về công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xin đổ 1,5 triệu tấn chất thải ra biển nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định quan điểm của ông là không thể đổ chất thải xuống biển.

​Tháng 7/2015, báo Việt Nam tường thuật, dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 “gần như do các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư.”

Theo thông cáo của chủ đầu tư, công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc là chủ đầu tư chính với 55% vốn góp; công ty Điện lực quốc tế Trung Quốc góp 45% vốn, Tổng công ty điện lực Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam chỉ góp 5% vốn.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-37932809

 

Trao đổi Thư tín ngày 12.11.2016

Hòa Ái, RFA

Những tai họa mang tên “thủy điện”

Đợt lũ chồng lũ ở miền Trung trong tuần qua đã lấy đi sinh mạng của hơn chục người cùng gần 300 ngôi nhà ngập nước và hoàn toàn hư hại. Nhiều khán thính giả và độc giả Đài Á Châu Tự Do chia sẻ càng nghe tin cập nhật về diễn tiến của hai đợt lũ liên tiếp và đợt lũ thứ ba có thể sẽ xảy ra từ Quảng Bình tới Thừa Thiên-Huế thì càng thấy ngao ngán và thương cảm cho đồng bào phải gánh chịu những tai họa mang tên “thủy điện” mà không một ai chịu trách nhiệm. Vì yếu tố nhân tai đóng vai trò không nhỏ trong việc gây nên đợt lũ lịch sử vừa rồi tại miền Trung, Hòa Ái ghi nhận không ít thính giả tỏ ra hài lòng với viễn ảnh môi trường không chỉ cho miền Trung nói riêng, mà cho Việt Nam nói chung, qua thông tin Quốc hội quyết định sẽ dừng dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận cũng như lời phát biểu của Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà rằng không thể đổ chất thải xuống biển khi trả lời câu hỏi của báo giới trong nước về việc Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xin đổ 1,5 triệu tấn chất thải xuống vùng biển ở Bình Thuận. Tuy nhiên, một số thính giả khác lại bày tỏ sự lo lắng của họ trước thông tin vừa nêu. Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái trích đăng các ý kiến liên quan:

“Xây dựng nhà máy nhiệt điện mà không có kế hoạch xử lý chất thải là thế nào?”

“Ra nghị định cấm đốt lò gạch thủ công bé tẹo thì dù dân ít học nhưng cũng thấy đã ô nhiễm môi trường là thôi ngay. Thế nhưng, các quan lớn khi cầm bút ký cho phép các tập đoàn công nghiệp thép và điện lập dự án rồi xả thải vô tội vạ cả chục năm nay là do ngu hay do tiền?”

“Không phải ngu đâu! Là do tiền đấy! Lợi ích nhóm đã tính toán hết rồi!”

“Lời nói của ông Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường có vẻ như trấn an lòng dân mà thôi nhưng rồi cũng phải đổ chất thải; bằng không thì đổ ở đâu?”

“Chờ thêm vài ngày nữa, khi có giấy phép đổ chất thải xuống biển thì không biết ông Trần Hồng Hà sẽ nói như thế nào?”

Những tiếng nói vì môi trường bị bóp nghẹt

Nghĩ cũng ngộ, Formosa gây hại môi trường của Việt Nam, người dân lên tiếng thì bị chính người nước mình bắt giữ. Thiệt là không nỗi đau nào hơn thế nữa.

-Thính giả RFA

Trong khi những ai quan tâm đến môi trường sống sẽ bị ảnh hưởng ra sao nếu các dự án nhà máy thép và nhà máy điện được triển khai thì chính quyền Việt Nam trong tuần qua tiếp tục tiến hành bắt bớ những người lên tiếng về vấn đề thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra tại khu vực bốn tỉnh Bắc miền Trung hồi tháng 4 năm nay. Hồi đầu tháng 10, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt giữ và truy tố theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Vào mùng 2 tháng 11, Bác sĩ Hồ Văn Hải, với cáo buộc “tán phát thông tin, tài liệu chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Internet”. Chỉ 4 ngày sau đó, hôm Chủ Nhật, ông Lưu Văn Vịnh bị bắt cùng với một người bạn tại nhà và bị buộc tội “lật đổ chính quyền” theo điều 79 Bộ luật Hình sự. Không những vậy, Tổ chức Ân xá Quốc tế còn công bố một danh sách những người đang trong tầm ngắm của Chính quyền Hà Nội qua các đe dọa trực tiếp hay gián tiếp bởi có hoạt động chống lại nhà máy thép Hưng Nghiệp-Formosa. Thính giả Trinh Huynh không biết nói gì hơn ngoài lời than van rằng “Nghĩ cũng ngộ, Formosa gây hại môi trường của Việt Nam, người dân lên tiếng thì bị chính người nước mình bắt giữ. Thiệt là không nỗi đau nào hơn thế nữa!”. Thính giả Tiêu Cà Mau chia sẻ không hiểu được Quốc hội và Quân đội Việt Nam có thực sự đại diện và bảo vệ cho 90 triệu người dân hay không?

“Ông Lưu Văn Vịnh là một người dân tay không tấc sắt mà vẫn bị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cáo buộc nhằm lật đổ chính quyền, cho thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuống cấp về mặt đạo đữ rất thê thảm nên mới vu khống cho một người như vậy. Thật không hiểu vì sao Việt Nam có đến 500 vị đại biểu quốc hội và 500 vị tướng lãnh lại bảo vệ một chính quyền tồn tại dựa vào tham nhũng như vậy?”

Trò hề chống tham nhũng tại Việt Nam?

Có thể nói một cách rõ ràng là hệ thống chính quyền tại Việt Nam tham nhũng. Điều đó được khẳng định bởi quyết tâm chống tham nhũng qua chiến dịch “đả hộ diệt ruồi” do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam phát động, mặc dù chính ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên tiếng chống tham nhũng khó “vì là ta đánh vào ta”. Quý thính giả RFA trong tuần qua gửi về đài rất nhiều ý kiến xoay quanh thông tin cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng phải thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016, do những sai phạm và khuyết điểm của ông Vũ Huy Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban cán sự Đảng của Bộ Công thương và cá nhân ông. Sau đây, mời quý thính giả cùng nghe một vài ý kiến liên quan đến vụ việc mới nhất trong chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam:

“Nếu kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng với lý do làm thất thoát tiền bạc, vụ lợi trong việc bổ nhiệm con trai làm thành viên Hội đồng Quản trị Sabeco thì thật không công bằng với các đồng chí khác.”

“Hơn nửa đời người tôi mới nghe được hai chuyện siêu hài của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyện thứ nhất là đuổi ra khỏi Đảng đối với Trịnh Xuân Thanh sau khi ông này tuyên bố ra khỏi Đảng. Và chuyện thứ hai là cách chức Vũ Huy Hoàng trong qúa khứ.”

“Sai phạm ở đâu thì cho điều tra, phạm luật thì truy tố, chứ cái trò mang nhau ra kỷ luật thì trẻ con lắm, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng à!”

“Cơ quan điều tra mà thấy Vũ Huy Hoàng có tham nhũng thật sự, có cất giấu hay lấy tiền lấy bạc của quốc gia, bổ nhiệm con cháu vào các chức vụ này kia để ăn hối lộ, mại quyền bán chức? Ông Nguyễn Phú Trọng ơi, ông có dám tịch thu tài sản của ông ta hay không? Điều này mới là điều người dân đáng quan tâm. Chứ ông cứ lôi những tay đã không còn chức tước để hát những màn gọi là dàn cảnh coi chơi cho vui thì cả người dân trong nước lẫn ngoài nước đều coi thường và nghĩ Đảng Cộng sản Việt Nam tối ngày chỉ làm những chuyện tào lao và mị dân mà thôi.”

“La làng cho lắm rồi cũng chìm xuồng như vụ Trần Văn Truyền thế thôi. Đường lối đúng quy trình của Đảng. Cho nên đã làm quan thì ai lại không ăn hối lộ? Làm quan chức tại Việt Nam thì phải như thế đấy!”

“Dân đen ăn cắp ổ bánh mì đã bị vào tù. Còn mấy mấy ông quan trong Đảng Cộng sản ăn đến hàng tỉ mà vẫn cưỡi ngựa xem hoa. Đúng là sống bám vào tài sản của cộng đồng rồi lo chuồn sang các nước tư bản giãy chết để hưởng già. Một xã hội bị cai trị bởi quyền lực dành cho lợi ích nhóm.”

“Ở Việt Nam có hai nền luật pháp hiện hành; một là của Đảng lãnh đạo để xử các đảng viên, còn một là để xử dân chúng. Nhưng trớ trêu là luật của đảng thì tội có nặng đến đâu xử cao nhất cũng chỉ là khai trừ ra khỏi Đảng.”

Hơn nửa đời người tôi mới nghe được hai chuyện siêu hài của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyện thứ nhất là đuổi ra khỏi Đảng đối với Trịnh Xuân Thanh sau khi ông này tuyên bố ra khỏi Đảng. Và chuyện thứ hai là cách chức Vũ Huy Hoàng trong qúa khứ.

-Thính giả RFA

“Trước vấn nạn tham nhũng này, dân tình chỉ còn biết hát rằng:Con kiến mà leo cành đa/Leo phải cành cụt, leo ra leo vào/Con kiến chuyển sang cành đào/Leo phải cành cụt, leo vào leo ra/Sao giống chú Trọng nhà ta/ Nói chống tham nhũng lại than ra thở vào/Cứ tưởng lũ chuột ngã nhào/Ai dè chúng vẫn tha vào tha ra…”

Để kết thúc mục “Trao đổi Thư tín” hôm nay, Hòa Ái xin dẫn lời chia sẻ qua trang Facebook RFA của thính giả Congluc Nguyen với tâm tình là “Đất nước Việt Nam thật sự nát bét hết rồi!” và thính giả Po Seidon ước ao giá như người dân Việt Nam được vinh dự cầm lá phiếu tự do bầu chọn trong đợt bầu cử hồi tháng 5 vừa qua giống như dân chúng Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống thứ 45 mới đây qua dòng chữ viết “Tiếc là ở đời có chữ: Nếu!”.

Hòa Ái xin lưu ý, hiện nay chương trình phát thanh mỗi ngày chỉ còn một chương trình buổi tối, phát trên làn sóng ngắn 22 và 25 mét cùng trên làn sóng trung bình 1503 KHz, từ 9 giờ đến 10 giờ tối, giờ Việt Nam. Quý thính giả vui lòng nghe các chương trình phát thanh trực tiếp hoặc các chương trình mới nhất qua internet tại trang nhà www.rfa.org/vietnamese hoặc www.RFATiengViet.net hoặc

www.achautudo.info.

Quý vị cũng có thể nghe qua trang mạng Soundcloud tại www.soundcloud.com/rfavietnam

Quý thính giả tại Hoa Kỳ có thể nghe qua điện thoại tại số 563-999-3262. Sau khi bấm dãy số này, quý vị bấm thêm số 1 để nghe chương trình phát thanh hàng ngày của chúng tôi. Và vào lúc 10 giờ tối, giờ Việt Nam, thứ Sáu hàng tuần, chương trình truyền hình 30 phút của Ban Việt ngữ được phát trực tiếp trên Facebook, Youtube và trang mạng của Ban Việt ngữ, Đài Á Châu Tự Do. Kính mong quý khán thính giả và độc giả đón xem. Ban Việt ngữ luôn mong mỏi quý vị đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm cũng như góp ý cho các chương trình phát hình trực tiếp được hoàn thiện hơn để chúng tôi tiếp tục cùng đồng hành với quý vị trong công việc chuyển tải thông tin chính xác và trung thực. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ListenerForum/corresponding-reply-111016-ha-11112016090108.html

 

Vì sao khai tử điện hạt nhân Ninh Thuận?

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Quốc hội Việt Nam sẽ chính thức biểu quyết khai tử dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào ngày 22/11/2016 sắp tới theo Nghị quyết do Chính phủ đệ trình.

Báo chí dòng chính mô tả việc dừng điện hạt nhân Ninh Thuận là quyết định dũng cảm, trong bối cảnh dự án đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng cho việc lập dự án tiền khả thi, giải phóng mặt bằng và đưa hàng trăm người đi đào tạo ở nước ngoài.

Nhà nghèo chơi sang

TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS một tổ chức độc lập đã tự giải thể từ Hà Nội nhận định:

Có lẽ họ ở vào một cái thế rất là bí, thực sự là không có tiền mà không tiền thì chẳng có thể làm được cái gì cả. Hết các khả năng mà người ta cho vay rồi.

-TS Nguyễn Quang A

“Có lẽ họ ở vào một cái thế rất là bí, thực sự là không có tiền mà không tiền thì chẳng có thể làm được cái gì cả. Hết các khả năng mà người ta cho vay rồi, tôi nghĩ nếu mà vẫn có ai đó cho vay tiền thì họ vẫn kiên quyết làm, chứ không phải vì họ nghe chúng tôi phản biện hay là phân tích mà họ làm đâu, thuần túy đơn giản nhất là hết tiền…”

Cách đây 7 năm vào tháng 11/2009, Quốc hội Việt Nam thông qua Dự án điện hạt nhân với hai nhà máy tổng công suất 4.000 MW được xây dựng ở Ninh Thuận. Từ đó tới nay giới khoa học đã bày tỏ nhiều quan ngại về vấn đề an toàn hạt nhân, thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine và tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản được viện dẫn để cảnh báo. Giới khoa học cũng đề cập tới xu hướng ở nhiều nước tiến tới giảm dần điện hạt nhân. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dự trù tổng vốn đầu tư 200.000 tỷ đồng nhưng nay đã tăng lên gấp đôi.

Nhà khoa học môi trường nghĩ gì về việc dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam bị khai tử. Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ nhận định:

“Việc quyết định xin dừng lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cũng phù hợp trong điều kiện hiện nay. Theo tôi có rất nhiều vấn đề, trước tiên hiện nay nhu cầu điện thực sự của Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới không quá cao để phải xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Thứ hai kinh phí xây dựng nó khá lớn so với điều kiện ngân sách Việt Nam hiện nay.

Thứ ba, trình độ quản lý của người Việt Nam chưa hẳn là cao để có thể quản lý những công trình phức tạp như vậy. Thứ tư, hiện nay dư luận rất lo ngại vấn đề môi trường đã diễn biến trong thời gian qua. Người dân rất lo sợ về một sự cố liên quan tới tai nạn hạt nhân, đây là điều rất khủng khiếp. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều lý do khác nhau để dừng dự án điện hạt nhân trong giai đoạn hiện nay.”

Hầu hết báo điện tử dòng chính như VnExpress, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Zing News, Vneconomy cùng đưa nhiều tin bài cho thấy khá nhiều nguyên nhân dẫn tới Nghị quyết của Chính phủ xin dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, nói với báo chí bên lề phiên họp ngày 10/11/2016 là tính khả thi của dự án đã bị triệt tiêu. Theo đó tổng mức đầu tư leo thang gấp đôi dự kiến ban đầu mà Quốc hội đặt ra là 200.000 tỷ đồng; giá thành điện mà dự án điện hạt nhân sản xuất dự kiến 4,9 xu Mỹ/kilowatt giờ thì nay đã lên tới 8 xu Mỹ. Tính toán về tăng trưởng kinh tế 9-10% một năm với thực tế tăng trưởng 6-7% một năm cho thấy nhu cầu điện cũng tăng thấp hơn nhiều. Nếu thiếu điện Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời.

Ông Lê Hồng Tịnh đặc biệt nhấn mạnh là sau thảm họa môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, có quan ngại vấn đề chất thải hạt nhân tiềm ẩn những yếu tố mất an toàn. Một yếu tố hệ trọng mà ông Lê Hồng Tịnh chừa lại sau cùng là nợ công đang quá trần, nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tăng nữa.

Sửa sai quá khứ

Theo Tuổi Trẻ Online, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong những năm qua đã chi tiêu hàng nghìn tỷ đồng, giải phỏng mặt bằng dự án, đầu tư đưa người đi du học chuyên môn hạt nhân. Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội trả lời, dù có lãng phí thì dừng vẫn là cần thiết, còn hơn tiếp tục triển khai thì hậu quả rất lớn. Ông Lê Hồng Tịnh đã mô tả quyết định của Chính phủ xin dừng dự án là một hành động dũng cảm và cần rút ra những bài học trong việc chuẩn bị các dự án và phê duyệt các dự án…

Nhà khoa học đánh giá thế nào về việc Chính phủ có hành động sửa sai những quyết định sai lầm của quá khứ. Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ nhận định:

Dần dần người ta thấy là, nếu cứ làm theo kiểu chủ quan như ngày xưa thì phải trả giá khá nhiều, đặc biệt trong điều kiện mà càng lúc càng khó khăn như thế này thì sự xem xét lại là điều rất cần thiết.
-PGS Lê Anh Tuấn

“Dần dần người ta thấy là, nếu cứ làm theo kiểu chủ quan như ngày xưa thì phải trả giá khá nhiều, đặc biệt trong điều kiện mà càng lúc càng khó khăn như thế này thì sự xem xét lại là điều rất cần thiết. Chuyện này giống như trước đó ở Việt Nam ồ ạt xây dựng nhà máy thủy điện, sau này chính phủ phải xem xét loại bỏ những nhà máy nguy cơ hiệu quả không cao, trong khi đó những tác động về xã hội và môi trường lại lớn. Tôi nghĩ rằng đây là một bước tiến so với tư duy cách đây 10 năm 20 năm trước.”

Mạng Zing News ngày 10/11/2016 trích lời Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu với báo chí bên lề phiên họp Quốc hội, theo đó việc dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là bất khả kháng, lúc này rất cần một quyết sách của Đảng Nhà nước và Quốc hội để Việt Nam có những bước đi đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo đảm các khía cạnh phát triển của đất nước trong tất cả các lĩnh vực.

Chúng tôi nêu câu hỏi phải chăng Việt Nam đang thực hiện khẩu hiệu không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn nhận định:

“Vấn đề môi trường ở Việt Nam còn rất nhiều điều đáng bàn, ví dụ các nhà máy nhiệt điện than thì vẫn tiếp tục xây dựng, nhiệt điện than cũng tạo ra những yếu tố nguy cơ về môi trường. Tới bây giờ vẫn chưa có điều chỉnh gì lớn dù có một số ý kiến là phải giảm bớt số nhà máy đó lại. Đồng thời vấn đề lớn là hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội không cao nên phải điều chỉnh lại. Mặc dầu chính phủ sau này cũng nói rất nhiều là không đánh đổi môi trường bằng mọi giá để phát triển kinh tế. Nhưng thực sự là có rất nhiều dự án vẫn chưa có sự điều chỉnh lớn, chỉ điều chỉnh cho những kế hoạch trong tương lai chuẩn bị làm mà có nguy cơ về môi trường thôi.”

Áp lực nợ công cũng là một trong những nguyên nhân của Nghị quyết Chính phủ xin dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Nếu tiếp tục triển khai như đang làm từ 7 năm qua thì chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam của Nhà nước sẽ phải vay những khoản tín dụng rất lớn do Chính phủ bảo lãnh. Câu chuyện khai tử điện hạt nhân Ninh Thuận diễn ra trong bối cảnh Quốc hội vừa chấp thuận nâng trần nợ chính phủ từ 50% GDP lên 54% GDP.

Phó Giáo sư Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế từ Hà Nội nhận định:

“Vừa rồi Quốc hội thông qua vẫn giới hạn trần nợ công như vậy, còn trần nợ chính phủ đối với GDP có nâng lên là vì bất khả kháng, nó đã vượt trần bây giờ không nâng không được. Theo quan điểm cá nhân đây là việc bất khả kháng thực thi cái đã rồi.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam bây giờ nợ nần chồng ngập mà mỗi người dân phải gánh chịu quá mức. Nếu Việt Nam không tiến hành thay đổi mô hình tăng trưởng, không tiến hành tái cơ cấu một cách thực chất thì chắc chắn đến một lúc nào đó, khả năng về khủng hoảng nợ sẽ xảy ra đã là hiện hữu.”

Nghị quyết của Chính phủ Việt Nam xin Quốc hội khai tử dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, từng có thời gian là niềm tự hào lẫn ước mơ của Đảng Cộng sản Việt Nam, được báo chí dòng chính mô tả là một hành động dũng cảm. Phải chăng Việt Nam đang đứng trước nhu cầu cải cách thay đổi tư duy chính trị và kinh tế hết sức mạnh mẽ, như lời Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hành lang Quốc hội ngày 10/11 là: “cần thiết một quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội với những bước đi để tạo sự phát triển bền vững, bảo đảm các khía cạnh phát triển của đất nước trong tất cả các lĩnh vực.”

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/vn-to-eliminate-nuclear-power-plant-projects-nn-11102016215830.html