Đọc báo Pháp – 08/11/2016
Bầu cử Mỹ nhìn từ châu Âu, Trung Quốc và Nga
Nước Pháp nín thở theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Đa số các nhật báo Pháp hôm nay 08/11/2016, đều dành nhiều trang để dự đoán, nhận định, phân tích và giới thiệu quan điểm của một số cường quốc trên thế giới về cuộc bầu cử tổng thống có một không hai trong lịch sử Hoa Kỳ.
Le Monde trên trang nhất phải thốt lên rằng : « Hillary Clinton – Donald Trump : Chiến dịch vận động tranh cử điên rồ ». Đó là « cú sốc giữa hai nước Mỹ » tít trên trang nhất Le Figaro. Điều đó cũng thể hiện rõ qua chương trình vận động tranh cử của hai ứng viên tổng thống : « Hai chương trình, hai tầm nhìn của nước Mỹ », tựa bài nhận định trên Le Monde, Les Echos và Le Figaro.
Cả ba tờ báo cùng điểm lại những khác biệt trong chương trình vận động của hai phe trong các lĩnh vực thuế khóa, thương mại, xã hội và việc làm, chính sách công nghiệp và năng lượng, thị trường tài chính Wall Street và các chính sách đối ngoại.
Một nước Mỹ rạn nứt
Nhưng cuộc đua vào Nhà Trắng lần này đã làm lộ rõ « một sự rạn nứt của nước Mỹ », theo như quan điểm của nhật báo công giáo La Croix trên trang nhất với hình ảnh hai ứng viên tổng thống đang xoay lưng vào nhau. Libération chua xót bồi thêm rằng, sau cuộc bầu cử này, « nước Mỹ sẽ không còn giống như trước nữa ».
Người Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, phải bầu chọn cho mình một vị tổng thống mới, nhưng đó lại là một sự chọn lựa « miễn cưỡng » giữa một Trump quá đáng và một Clinton dày dặn kinh nghiệm.
Làn gió hy vọng và lạc quan của năm 2008 lần đầu tiên đưa một một vị tổng thống da màu làm chủ Nhà Trắng nay chỉ còn là một kỷ niệm xa xôi. Bị vỡ mộng, bực tức và chia rẽ, nước Mỹ nghi ngờ cả chính mình và hai ứng viên tổng thống. Đối với nhiều cử tri Mỹ, đây chỉ là một sự chọn lựa « miễn cưỡng », nhưng lại rất quan trọng giữa hai ứng viên được cho là không được lòng dân nhất trong lịch sử.
Theo bài xã luận của Libération, cuộc bỏ phiếu hôm nay còn là « một cuộc trưng cầu dân ý lớn về toàn cầu hóa ». Liệu rồi chủ nghĩa dân tộc có « cuốn theo chiều gió » cùng với Donald Trump hay không ? Đương nhiên, đây không phải cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên vì tại Anh quốc đã có Brexit, Hungary thì có Viktor Orban, hay như tại Áo, phe cực hữu xuýt trúng cử tổng thống. Nói tóm lại ông Trump nhận được sự ủng hộ của các đảng cánh hữu, những đảng cứng rắn nhất tại châu Âu.
Libération cho rằng chính học thuyết « tự do » là nguồn cội của mọi sự bực tức một bộ phận dân chúng Mỹ nói riêng và tại một số nước châu Âu nói chung. Họ vỡ mộng vì những lời hứa hão huyền về sự toàn cầu hóa mang lại sự phồn vinh, giàu có không giới hạn. Thế nhưng, từ nhiều năm qua, tại những nước phát triển, thu nhập của tầng lớp trung lưu và bình dân hầu như bị đình trệ.
Châu Âu rụt rè ủng hộ Clinton
Giả như Liên Hiệp Châu Âu được quyền tham gia bỏ phiếu, họ sẽ chọn ai ? Clinton hay là Trump ? Và vì sao ? Le Figaro có bài giải mã về chủ đề này.
Trong bài xã luận « Nhìn từ châu Âu », tờ báo khẳng định Pháp và một phần lớn châu Âu sẽ bỏ phiếu cho Clinton. Bởi vì, châu Âu biết rõ bà Clinton hơn nên họ cảm thấy yên tâm hơn. Bản thân ứng viên đảng Dân chủ cũng hiểu rõ guồng máy và duy trì các mối liên kết có từ lâu nay.
Trong khi đó, ông Trump tuyên bố nếu đắc cử sẽ xem xét lại các thỏa thuận thương mại, và muốn châu Âu chia sẻ gánh nặng. Hoa Kỳ phải chấm dứt việc chi ra hàng tỷ đô la mỗi năm để làm hiến binh thế giới. Đó cũng có thể là cơ hội để cho châu Âu thức tỉnh.
Le Figaro cho rằng bầu cử Hoa Kỳ lần này đã làm sáng tỏ sự dao động giữa hai trường phái lớn. Chủ nghĩa cô lập mà Trump là đại diện, đối lập với chủ nghĩa can thiệp của bà Hillary Clinton. Giả như bà trở thành phụ nữ đầu tiên cầm trịch chỉ huy cường quốc số một thế giới, Le Figaro tỏ ra nghi ngờ, cho rằng bà có nguy cơ châm mồi và phát hỏa khắp nơi.
Nói tóm lại, ngay chính bản thân châu Âu cũng không biết là họ muốn gì. Hoặc là người Mỹ quá nặng tay, hoặc là quá nhẹ tay. Có lẽ họ sẽ thấy rõ hơn mọi việc giả như họ biết được là họ muốn đi đâu về đâu.
Bắc Kinh : Tân tổng thống Mỹ sẽ là một đối thủ « cứng đầu »
Thế còn Trung Quốc thì sao ? Giữa hai nỗi đau, đành chọn cái nào đau ít vậy. Le Figaro hóm hỉnh nhận xét. Trên thực tế, chính quyền Bắc Kinh hồi hộp theo dõi cuộc đua Clinton-Trump. Bất kể người thắng cuộc là ai, các chiến lược gia Trung Quốc chuẩn bị tinh thần đối phó với một đối thủ ương ngạnh hơn ông Barack Obama.
Tổng thống sắp mãn nhiệm đã từng nhắm đến việc hợp tác với cường quốc kinh tế thế giới thứ hai, để rồi sau đó phải chậm trễ cứng rắn trở lại trước những đà tiến của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tờ báo trích dẫn phân tích của một cố vấn Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Trương, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế cho rằng « Tập Cận Bình đã bắt được mạch của Obama và cảm nhận được điểm yếu. Do đó, ông ấy đã tiến các con chốt của mình ».
Tuy nhiên, trước những phát ngôn « bốc đồng » của nhà tỷ phú Mỹ, các vị hoàng tử đỏ Trung Quốc nghiêng về ứng viên Hillary Clinton nhiều hơn. Đó là vì những lý do thực dụng.
Ông Shi Yinhong, giáo sư đại học Nhân dân tại Bắc Kinh, giải thích rằng : « Bắc Kinh có lẽ sẽ không mấy hứng khởi trước chiến thắng của ông Trump. Điều đó dường như sẽ có tác động tiêu cực trên phương diện thương mại, đe dọa đến điểm yếu hiện nay của Trung Quốc, nền kinh tế của nước này ».
Các nhà cầm lái Trung Quốc cảm thấy lạnh xương sống trước triển vọng cuộc chiến thương mại trong những bài diễn văn của ông Trump, vào thời điểm mà tăng trưởng của Trung Quốc xuống đến mức thấp nhất từ 25 năm nay. Thời điểm mà Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc chuyển tiếp tế nhị về mô hình kinh tế. Các kết quả thăm dò tại Trung Quốc cho thấy 37% số người được hỏi ủng hộ bà Clinton, và cho ông Trump là 22%.
Nhưng điều đáng chú ý là chính sách cô lập của Trump lại rất có lợi cho Trung Quốc tại châu Á. Đề xuất rút hết binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc, hay Nhật Bản nếu những nước này không tham gia một phần tài chính lại rất làm hài lòng Bắc Kinh, đáp ứng được những lợi ích chiến lược của Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Nhưng chính tính cách khó đoán trước của Trump lại gây lo ngại cho Trung Quốc, vốn rất thích với chính sách kiểm soát. Do đó, ông Shi cho rằng : « Bà Clinton dù sao vẫn ít đau hơn. Bà ấy sẽ cứng rắn, nhưng vẫn đi tiếp chính sách của ông Obama và bà ấy vẫn sẽ tiếp tục các kênh giao tiếp ». Dẫu sao thì đối với 45% người dân Trung Quốc, dù là Trump hay Clinton, Hoa Kỳ « vẫn là mối đe dọa quan trọng ».
Báo Nga : Tân tổng thống Mỹ sẽ là « con vịt què »
Vẫn theo Le Figaro, « Người Nga thích nhà tỷ phú, nhưng vẫn dè chừng cả hai ứng viên ». Ông Donald Trump làm lung lay phe Dân chủ, khơi lại những vết thương xa xưa của Hoa Kỳ, đang làm hài lòng Matxcơva. Nhưng điều đó cũng không hẳn là điện Kremlin sẵn sàng ủng hộ hoàn toàn ông Trump. Các cáo buộc của phe Dân chủ cho rằng ông Trump là « con rối » của ông Putin đã khiến Nga phải tỏ ra thận trọng.
Theo một thăm dò quốc tế do cơ quan Gallup thực hiện vào tháng 9/2016, Nga nằm trong số 45 quốc gia có tỷ lệ ủng hộ bà Clinton thấp nhất (10%) và số người ủng hộ Trump là 33%. Đặc biệt là 57% người Nga (con số kỷ lục) cho biết không thể chọn ai. Điều đó cho thấy là các cuộc bầu cử Hoa Kỳ vẫn là điều khó hiểu.
Dường như suốt chiến dịch vận động bầu cử, hầu như toàn bộ truyền thông Nga và phần đông các nhà phân tích đều nghiên về phía ông Trump, bỏ qua những cáo buộc mang tính chất kỳ thị giới tính đang đè nặng lên ứng viên Cộng Hòa, đồng thời gây trầm trọng thêm những điều rủi lên bà Clinton.
Đó là vì lúc này ông Trump còn là ứng viên, nhưng nếu ông ấy đắc cử, liệu sự nhiệt tình đó có còn hay không ? Le Figaro cho là chưa chắc. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra. Chính giới Nga thừa hiểu rằng đảng Cộng Hòa vẫn còn mang nặng tư tưởng chiến tranh lạnh.
Cũng giống như Trung Quốc, nước Nga không thể ủng hộ một ứng viên khó dự đoán trước theo như khẳng định của một chuyên gia Nga, thuộc Viện Carnegie tại Matxcơva.
Nhưng Hillary Clinton, vốn không ngừng cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc tranh cử cũng sẽ là một người đối thoại khó tính. Đề xuất của bà về việc thiết lập vùng cấm bay trên không phận Syria, có khả năng gây cản trở các chiến dịch hoạt động của không quân Nga đang dấy nhiều mối quan ngại cho điện Kremlin.
Trong cả hai trường hợp, không một chính khách Nga nào tin vào khả năng nhanh chóng bình thường hóa quan hệ Nga – Mỹ, đã bị xuống cấp nghiêm trọng kể từ khi xảy ra nội chiến tại Ukraina, các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga và cuộc tấn công không quân Nga tại Syria.
Nhìn từ Matxcơva, chiến dịch vận động tranh cử tại Hoa Kỳ cho phép bộ máy tuyên truyền tại Nga giới thiệu nước Mỹ dưới một ngày đen tối. Rủi ro gian lận bầu cử như ban vận động tranh cử cho Trump đưa ra cũng đã được truyền thông Nga phổ biến rộng rãi, cho rằng nền dân chủ Hoa Kỳ là bệnh hoạn.
Để kết luận, Le Figaro dẫn lại nhận định trên tờ Kommersant : « Bất kể là ai, tổng thống mới ngay từ đầu sẽ xuất hiện như một con vịt què ».
http://vi.rfi.fr/phap/20161108-bau-cu-hoa-ky-nhin-tu-chau-au-trung-quoc-va-nga
Tin đọc nhanh
(Reuters) – Mỹ nghi Trung Quốc xuất khẩu thép qua ngả Việt Nam
Hôm qua, 07/11/2016, bộ Thương Mại Mỹ chính thức mở hai điều tra. Chính quyền Mỹ đứng trước áp lực phải điều tra, sau khi các tập đoàn thép Hoa Kỳ đệ đơn hồi tháng 9. Theo The Wall Street Journal, trong sáu tháng đầu năm nay, thép xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ là 312.329 tấn, so với 25.756 tấn cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong thời gian này, thép Trung Quốc xuất qua Việt Nam đặt mức 6,3 triệu tấn so với 4,3 triệu tấn năm trước.
(PressTV) – Thủ tướng Trung Quốc công du Nga để tăng cường đối tác chiến lược
Đến Saint Petersburg từ 06/11/2016, ông Lý Khắc Cường đã hội đàm với người đồng cấp Nga Medvedev ngày 07/11 nhân hội nghị thường kỳ giữa thủ tướng hai nước với trọng tâm là thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, đầu tư, công nghiệp hạt nhân… Theo dự kiến, thủ tướng Trung Quốc cũng tiếp kiến tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva. Giới phân tích nhận định mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Matxcơva không chỉ còn đơn thuần về kinh tế và chính trị mà đang hướng đến hình thành một liên minh quân sự-chính trị.
(AFP) – 115 giám mục Pháp xin thứ lỗi tại thánh địa Lourdes vì im lặng quá lâu trước các tai tiếng ấu dâm
Lời xin lỗi được đưa ra nhân Hội nghị thường niên, diễn ra trong hai ngày 07-08/11/2016, của Hội đồng Giám mục Pháp và mang ý nghĩa đặc biệt, vì Giáo Hội bị tai tiếng trước loạt cáo buộc nhiều linh mục lạm dụng tình dục trẻ em. Tai tiếng lớn nhất là vụ cha Bernard Preynat, linh mục ở thành phố Lyon, bị nghi ngờ đã lạm dụng tình dục gần 70 thiếu niên hướng đạo và làm xấu hình ảnh của đức hồng y Barbarin, giám mục Lyon.
(AFP) – 71% người dân Ba Lan ủng hộ các nước Baltic trong trường hợp bị tấn công
Theo kết quả thăm dò được Viện điều tra Ibris công bố ngày 07/11/2016, tình đoàn kết này dường như tăng lên do chính sách sáp nhập bán đảo Crimée của Nga và ủng hộ ly khai tại miền đông Ukraina. Ba Lan và ba nước Baltic (Litva, Latvia và Estonia) là thành viên của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc một trong số các nước này bị tấn công được coi là nhắm vào toàn khối.
(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu chưa làm hết sức để thực hiện cam kết COP21
Đó là kết luận của Viện Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế ( Iddri ) đưa ra ngày 08/11/2016.Theo cam kết COP21, khối 28 nước phải giảm được ít nhất 40% lượng khí phát thải từ nay đến năm 2030. Đây là bước quan trọng để đạt được mục tiêu giảm từ 80%-95% lượng phát khí thải từ nay đến năm 2050. Ngày 08/11/2016, Nhật Bản đã phê chuẩn thỏa thuận khí hậu Paris, có hiệu lực từ ngày 04/11. Cách thức thực hiện thỏa thuận COP21 sẽ là chủ đề đàm phán tại Maroc, trong khuôn khổ thượng đỉnh COP22.
(AFP) – Chính phủ Hungary thất bại ở nghị viện trên hồ sơ người nhập cư
Sau thất bại của chính phủ ở cuộc trưng cầu dân ý hôm 02/10 về vấn đề người nhập cư, hôm nay (08/11/2016) Quốc hội Hungary đã bác bỏ dự thảo sửa đổi hiến pháp do chính phủ của thủ tướng Victor Orban trình để Budapest không phải tuân thủ kế hoạch phân bổ đón nhận người tị nạn do Liên Hiệp Châu Âu áp đặt. Văn kiện của chính phủ Orban được 131 trên 199 dân biểu bỏ phiếu thuận, đạt 65%, dưới ngưỡng đa số 2/3 quy định có 2 phiếu.
(AFP) – Cựu tổng thống Đài Loan ra tòa
Hôm nay, 08/11/2016, cựu tổng thống Mã Anh Cửu đã phải ra trước tòa để trả lời các cáo buộc tiết lộ bí quốc gia. Ông Mã Anh Cửu, tổng thống Đài Loan từ năm 2008 đến tháng 05/2016, bị cáo buộc đã ép một cựu chưởng lý phổ biến những bí mật về một cuộc điều tra của tư pháp năm 2013. Cựu tổng thống Đài Loan cũng phải trả lời trước tòa về những cáo giác ông đã vu khống một dân biểu Đài Loan. Hồi tháng 08/2016, ông Mã Anh Cửu đã phải 2 lần ra trước tòa vì vu khống một nhà báo.
(AFP) – Ông Daniel Ortega tái đắc cử tổng thống Nicaragua nhiệm kỳ thứ 4 liên tục kể từ năm 2007
Ông Ortega sẽ cùng với vợ, bà Rosario Murillo, liên danh phó tổng thống đứng ra thành lập chính phủ. Lãnh đạo đảng Mặt Trận Sandino Giải Phóng Quốc gia, tổng thống mãn nhiệm Daniel Ortega đã giành được 70% phiếu, bỏ xa đối thủ cánh hữu Maximino Rodriguez, về thứ 2 với gần 14% phiếu bầu. Kết quả được Tòa án Tối cao Nicaragua công bố nhưng vẫn bị phe đối lập phản đối. Tuy vậy, chiến thắng của ông Daniel Ortega hầu như là không thể thay đổi.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161108-tin-van-24h