Tin Việt Nam – 08/11/2016
Dân chặn đường lên sân bay Nội Bài gây ùn tắc nhiều giờ
TTO – Nhiều người dân ở xã Nam Hồng đã mang gạch, đá, lốp xe xếp giữa đường, chặn xe cộ qua lại khiến đường Võ Văn Kiệt nối trung tâm thủ đô với sân bay Nội Bài ùn tắc nhiều giờ.
Vụ việc xảy ra vào sáng 8-11 trên đường Võ Văn Kiệt, đoạn chạy qua xã Nam Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Hàng trăm người dân mang gạch đá, lốp xe, xe máy, xe đạp cùng nhiều vật cản ra chặn giữa đường, không cho xe cộ qua lại.
Sự việc đã làm cho giao thông trên đoạn đường độc đạo nối trung tâm TP Hà Nội với sân bay Nội Bài ùn tắc, nhiều ôtô, xe tải xếp thành hàng dài.
Theo lý giải của đại diện người dân, họ mang gạch đá ra đường chặn xe vì kiến nghị xây cầu vượt qua đoạn đường này từ lâu không được đáp ứng. Đây là đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn, vì không có cầu vượt nên cuộc sống của người dân gặp nhiều bất tiện.
Lãnh đạo đội Cảnh sát giao thông số 15, Phòng Cảnh sát giao thông công an Hà Nội cho biết đã tổ chức lực lượng xuống hiện trường cùng chính quyền địa phương vận động người dân về trụ sở ủy ban xã để đối thoại, đồng thời thu dọn gạch đá, các vật cản trên đường.
Lực lượng CSGT cũng tổ chức phân luồng, hướng dẫn xe cộ tham gia giao thông. Đến trưa cùng ngày, giao thông trên đoạn đường này đã hết ùn tắc.
Ông Nguyễn Tiến Dương, phó chủ tịch UBND xã Nam Hồng cũng xác nhận người dân mang vật cản ra đường vì muốn kiến nghị được xây cầu vượt qua đoạn đường này.
Đường Võ Văn Kiệt đoạn qua xã Nam Hồng được coi là “điểm đen” thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông làm nhiều người chết.
Ông Dương cho biết sau khi vận động người dân về trụ sở xã để đối thoại, chính quyền đã tuyên truyền, thuyết phục người dân không tái diễn hành động gây cản trở giao thông. Kiến nghị của người dân sẽ được UBND xã tập hợp và chuyển lên các cấp trên giải quyết.
THÂN HOÀNG
Bắt quả tang khách Trung Quốc
lục đồ người khác trên máy bay
TTO – Vào lúc 10 giờ 25 sáng 8-11, cơ quan chức năng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tạm giữ một hành khách người Trung Quốc để làm rõ hành động lục lọi hành lý ký gửi của một hành khách khác.
Hành khách Trung Quốc này đi trên chuyến bay số hiệu VN278 của Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Hà Nội.
Sau khi hành khách lên máy bay, tổ tiếp viên làm các thủ tục chuẩn bị khởi hành thì có một hành khách nam ngồi ghế 19C đi quanh khoang hành khách ngó nghiêng và dừng lại ở gần hàng ghế số 18 – 19, lấy một túi hành lý trên giá để đồ xuống lục lọi.
Những hành khách ngồi gần đó đã để ý vị khách trên và bắt quả tang vị khách này đang lục đồ của người khác và báo cho tổ tiếp viên.
Cơ trưởng chuyến bay là Bùi Xuân Hùng đã thông báo sự việc cho Trung tâm khai thác Tân Sơn Nhất, lực lượng an ninh hàng không cùng cảng vụ tiến hành lập biên bản, giữ hành khách để làm rõ.
Vị khách có hành động lục hành lý của hành khách ngồi ghế 18D được xác định là Li Jun, sinh năm 1965, quốc tịch Trung Quốc. Hành khách Li Jun đã bị Vietnam Airlines từ chối phục vụ.
Theo lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam, hành khách Li Jun được xác định là có hành động lục lọi hành lý của người khác thì bị phát hiện, chưa thực hiện hành vi trộm cắp.
Trước đó, ngày 2-11, lực lượng chức năng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã trục xuất hành khách mang tên tên Dong Jiayin, 36 tuổi, quốc tịch Trung Quốc đi trên chuyến bay VN595 của Vietnam Airlines từ Hongkong về TP.HCM hôm 1-11 vì lấy trộm đồ của hành khách khác đi trên chuyến bay.
Vào trưa 6-11, trên chuyến bay VN 166 chuẩn bị khởi hành từ sân bay Đà Nẵng đi Hà Nội một hành kháchngồi ghế 29G phát hiện một người đàn ông khác lục lọi túi hành lý của mình để trên khoang hành lý.
Người có hành động lục lọi hành lý bị tổ bay bàn giao cho lực lượng chức năng được xác định mang tên là Zhang Hui (quốc tịch Trung Quốc).
TUẤN PHÙNG
Chuyên gia:
Mục tiêu kinh tế của Quốc hội ‘không dễ thực hiện’
Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó có mục tiêu giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Một chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng đây là một mục tiêu “không dễ thực hiện”.
Theo Nghị quyết được thông qua vào chiều ngày 7/11, mục tiêu cơ cấu nền kinh tế Việt Nam tập trung vào “3 bước đột phá chiến lược, gồm hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”. Quốc hội đưa ra 12 chỉ tiêu, trong đó có mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7%, xuất khẩu tăng 6-7%, nhập siêu khoảng 3,5%, lạm phát 4%… Đáng chú ý là giảm tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 3,5% vào năm 2020.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam, nói với VOA rằng đây là mục tiêu “hết sức thách thức”, mặc dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong những năm qua cũng có những cải thiện nhất định về tình trạng lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế, sự ổn định tương đối của tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng đôla…
Ông nói: “Mục tiêu này là không dễ đạt được trong bối cảnh mà có rất nhiều điều cần nói. Ví dụ như việc phục hồi tăng trưởng của bản thân Việt Nam gắn với nền kinh tế thế giới cũng đang rất nhiều khó khăn. Và nó phải gắn với rất nhiều những chính sách cải cách khác. Nhưng hy vọng bên cạnh thông điệp, gắn với cải cách, gắn với quyết tâm thì Việt Nam sẽ thực hiện được”.
TS. Võ Trí Thành nói mục tiêu đưa ra thông điệp là phải tập trung xử lý những vấn đề lớn đang tồn tại và đằng sau đó là vấn đề kỷ luật về ngân sách và hiệu quả của đầu tư công.
Theo TS. Thành, vấn đề lớn hiện nay mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt là thâm hụt ngân sách và nợ công tăng nhanh. TS. Thành nói có rất nhiều vấn đề liên quan như đầu tư công, chi tiêu ngân sách… khiến cho nợ công Việt Nam tăng nhanh, nhưng ông muốn tập trung về vấn đề đầu tư công.
TS. Thành cho biết: “Vì nó liên quan đến việc chọn lựa những ưu tiên với nguồn lực còn hạn chế. Những ưu tiên ấy phải đảm bảo 2 nguyên tắc trong đầu tư công. Một là hiệu quả của bản thân dự án. Hai là sự lan tỏa của dự án, hình thức cũng như toàn bộ nền kinh tế. Đấy là một trong những vai trò rất quan trọng của đầu tư công. Ví dụ như đầu tư công ấy phải làm hấp dẫn các đầu tư tư nhân, các nguồn lực khác, chứ không phải làm thoái lui các đầu tư tư nhân và các đầu tư khác”.
Vấn đề thứ hai, theo TS. Thành, đầu tư công của Việt Nam gắn với các nguồn lực bên ngoài, mặc dù hiện nay có xu hướng giảm sút vì Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Theo TS. Thành, Việt Nam có một sự tương tác với các nhà tài trợ trong việc giám sát các nguồn vốn đối ứng gắn với ưu tiên và hiệu quả của đầu tư công.
Ông cho biết: “Thông thường, giám sát về vấn đề đầu tư công có liên quan đến những phân cấp cả với trung ương và địa phương. Đấy là nội dung của quá trình cải cách sắp tới, để làm sao tăng được tính sáng tạo của địa phương nhưng lại giám sát, kiểm soát được các quá trình đầu tư công và tránh cái mà lâu nay Việt Nam vẫn vấp phải và vẫn nói rất nhiều là cái dàn trải. Và đằng sau ấy là cái thiếu hiệu quả”.
Trong cuộc họp thông qua Nghị quyết về tái cơ cấu kinh tế, Quốc hội cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam và có giải pháp tiết kiệm vốn đầu tư công, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả của các dự án BOT giao thông.
Việt Nam đón 1.000 thanh niên Trung Quốc
sang dự liên hoan
Khoảng 1.000 thanh niên Trung Quốc và hơn 9.000 thanh niên Việt Nam đã khởi động Liên hoan Thanh niên Việt – Trung lần thứ 3 hôm thứ Hai nhằm tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Liên hoan với chủ đề “Thanh niên Việt – Trung chung tay vun đắp tình hữu nghị”, bao gồm các hoạt động ở Hà Nội và 6 tỉnh miền bắc Việt Nam.
Các hoạt động chính bao gồm sự tham gia bảo vệ và phát triển bền vững môi trường của thanh niên, cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch.
Chương trình liên hoan được tổ chức theo chủ trương chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Theo báo Thanh Niên, đây là hoạt động nhằm vun đắp tình hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa thế hệ trẻ hai nước Việt Nam – Trung Quốc, góp phần tăng cường, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc theo “phương châm 16 chữ” và “tinh thần 4 tốt”.
Sự kiện được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc tổ chức tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội 130km về phía bắc.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thường trực Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cho biết việc tập hợp những người trẻ giúp gia tăng sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa thanh niên hai nước và trở thành cầu nối thân thiện trong việc trao đổi giữa người dân hai nước.
Hôm thứ Năm, các đại diện Trung Quốc sẽ đến Hà Nội để tham gia một buổi biểu diễn nghệ thuật và bế mạc liên hoan.
Theo Xinhua, Thanhnien
http://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-don-1000-thanh-nien-trung-quoc-sang-du-lien-hoan/3585500.html
Mỹ điều tra thép Trung Quốc ‘tuồn’ qua ngả Việt Nam
Bộ Thương mại Hoa Kỳ dự kiến mở một cuộc điều tra chính thức hôm thứ Hai về việc các công ty Trung Quốc vận chuyển thép qua Việt Nam để tránh thuế nhập khẩu, Wall Street Journal đưa tin hôm Chủ nhật, dẫn một người biết về vấn đề này.
Động thái này được đưa ra sau khi các luật sư của 4 công ty sản xuất thép Hoa Kỳ cho biết vào tháng 9 rằng họ sẽ đệ đơn kiến nghị với Bộ trên với cáo buộc rằng các đối thủ Trung Quốc chuyển hướng vận chuyển qua Việt Nam ngay sau khi chính phủ Mỹ áp thuế chống bán phá giá ban đầu lên sản phẩm thép không gỉ của họ.
Thuế Hoa Kỳ, từ 63.86% đến 76.64%, được đề xuất sau khi kết quả sơ bộ cho thấy các sản phẩm nhập khẩu đã bị phá giá trên thị trường Mỹ dưới mức giá công bằng.
Các công ty Mỹ đã nghi ngờ thép Trung Quốc được thay đổi thành chống ăn mòn và sau đó chuyển sang Mỹ với mức thuế mà Mỹ áp với Việt Nam, thấp hơn so với Trung Quốc.
Bài báo cho biết, trọng tâm của vấn đề là liệu thép có được thay đổi đủ để trở thành một sản phẩm mới sản xuất tại Việt Nam hay không.
Bài báo cũng cho biết, một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về vấn đề này. Bộ đã không hồi đáp ngay lập tức một yêu cầu bình luận từ Reuters hôm Chủ nhật.
http://www.voatiengviet.com/a/my-dieu-tra-thep-trung-quoc-tuan-qua-nga-viet-nam/3585492.html
Linh mục Phan Văn Lợi
bị côn an Huế chặn cửa xúc phạm nhân phẩm
Vào chiều ngày 08 tháng 11 năm 2016, Linh mục Pet Phan Văn Lợi và Linh mục Paul Trần Văn Quý thuộc giáo phận Huế đã bị côn an (công an giả dạng côn đồ) sách nhiễu, chửi rủa xúc phạm nhân phẩm, khi hai ông ra khỏi nhà để đến Tòa giám mục giáo phận Huế tham dự cuộc họp với các linh mục khác.
Linh mục Phan Văn Lợi cho biết sự việc: “Chiều nay, khi Linh mục Quý sang nhà tôi để rồi cả hai anh em cùng tới Tòa giám mục giáo phận Huế cách khoảng gần 1km để tham dự một cuộc hợp với các Linh mục khác trong giáo phận. Tuy nhiên, khi vừa bước ra khỏi cổng, có hai công an trẻ, tuổi bằng cháu của tôi, một nói giọng Huế (mặc áo trắng), một nói giọng Quảng Bình (mặc áo lam, trên mũi và mắt có xức vôi trắng) xông đến chặn tôi lại. Tên giọng Huế chỉ nói nhẹ nhàng: “Ông hãy vào nhà. Ông không được đi”. Tên giọng Quảng Bình hùng hổ hơn, xô tôi và nói: “Ông mắc nợ người ta nên chủ nợ thuê tôi giữ ông lại. Cấm ông ra khỏi nhà”.
Tôi nói: “Tao mắc nợ ai? Giấy đòi nợ đâu? Đừng có bịa chuyện bậy bạ. Chúng bây là công an, cứ nói thẳng là có lệnh chặn tao lại, đừng chơi trò thô bỉ hèn hạ như thế. Hai đứa bây về kêu Lam và Việt lên đây”.(Trần Hồng Lam và Việt là hai sĩ quan công an cấp tá đặc trách Công giáo). Người dân chung quanh chạy ra xem, có lên tiếng nhưng không làm gì được với bọn côn đồ này. Lúc đó có thêm vài tên khác xuất hiện trợ lực. Tên mặc áo lam tiếp tục đẩy tôi vào nhà cách thô bạo và cứ giọng điệu dối trá: “Tôi không dính dáng chi tới công an cả! Chủ nợ thuê tôi giữ không cho ông đi…”.
Sau đó, Linh mục Phan Văn Lợi bị công an giả danh côn đồ chặn ngang trước cửa, tuyệt đối không cho ra khỏi nhà.
Linh mục Phan Văn Lợi và Linh mục Trần Văn Quý đều là những Linh mục tại gia. Hai vị bị nhà cầm quyền CSVN tại Huế không công nhận chức Linh mục, nên bị cấm cản không cho nhận nhiệm sở giáo xứ. Cả hai Linh mục đều bị nhà cầm quyền CSVN tại Huế quản thúc tại gia, cho người theo dõi sát sao.
Kể từ năm 2001 đến nay, Linh mục Pet Phan Văn Lợi đã bị công an Tp Huế nhiều lần giả danh côn đồ chặn trước cửa không cho ra khỏi nhà, bị đổ keo vào ổ khóa cổng, bị ném gạch, mắm tôm vào nhà làm vỡ cửa kính, ngói nhà. Nhưng theo Linh mục Lợi cho biết, chuyện vu khống “Nợ nần” là chiêu trò lần đầu tiên mà họ dùng để đối phó với ngài.
Nguyên Nguyễn/SBTN
http://www.sbtn.tv/linh-muc-phan-van-loi-bi-con-an-hue-chan-cua-xuc-pham-nhan-pham/
Ngư dân Hà Tĩnh vây ủy ban tỉnh đòi bồi thường thiệt hại
Vào khoảng 2 giờ chiều ngày 07.11.2016, khoảng hơn 50 người dân xã Thạch Hạ, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung tại UBND tỉnh Hà Tĩnh để chất vấn nhà cầm quyền vì không đền bù thiệt hại cho ngư dân do thảm họa Formosa.
Nguồn tin từ hiện trường cho biết: khoảng 100 công an mặc đồng phục và thường phục đã án ngự trước cổng và ngăn cản không cho người dân vào bên trong trụ sở. Người dân bị buộc phải đứng bên ngoài trời mưa gió. Họ yêu cầu người dân quay về UBND huyện Thạch Hà để được giải quyết.
Ông Lê Văn Lâm, một cán bộ tỉnh đã ra để khuyên người dân giải tán, và bao biện rằng mọi việc đều được giải quyết đúng trình tự.
Ông Nguyễn Văn Hồng, một người dân xã Thạch Hạ nói: “Theo quyết định 1880 của thủ tướng chính phủ, thì khu vực của chúng tôi phải được bồi thường thiệt hại, nhưng thực tế là dân nơi đây chưa ai nhận được đồng nào. Chính quyền nói rằng chúng tôi không thuộc diện đền bù vì không có trong quy định.”
Cần nói thêm rằng, vào ngày 29/09/2016 thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành quyết định 1880/QĐ-TTg về định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Trong đó khẳng định những ai ở trong 4 tỉnh kể trên sẽ được đền bù theo ngạch quy định. Đây là một quyết định mà các nhà làm luật cho là trái thẩm quyền.
Trên thực tế thì để nhận được bồi thường là rất nhiêu khê. Do đó, ở vùng thị xã Kỳ Anh ngày 02/10/2016, đã có một cuộc đại biểu tình với số người tham gia khoảng 20 ngàn người, để phản đối nhà máy Formosa và yêu cầu xử lý thiệt hại.
Linh mục Trần Đức Mai, quản xứ An Nhiên, nằm trong khu vực xã Thạch Hạ nói thêm về lý do người dân chiều nay biểu tình: “những người đi lên tỉnh phản đối đều là người làm nghề biển, họ ở ngay khu vực cửa sông, bị thiệt hại rất nặng nề vì biển bị đầu độc. Khi bị từ chối bồi thường thì dân rất phẫn uất.”
Ông Hồng cho biết một người tự xưng là chánh thanh tra tỉnh ra gặp, và hẹn với người dân sẽ trực tiếp trả lời cho người dân vào lúc 14:30 ngày mai 08/11/2016. Cũng vì trời mưa to gió lớn nên người dân chấp nhận và ra về.
Chia sẻ về việc hàng chục người dân bị buộc phải đứng bên ngoài cửa công quyền dưới trời mưa, linh mục Trần Đức Mai nói: “…Dân đã nhiều lần lên gặp và yêu cầu giải thích tại sao quyền lợi của người dân lại bị khước từ, nhưng đều vô vọng. Người dân khi bị đẩy vào cuộc sống cơ cực, thì cũng phải đứng lên đòi cho mình quyền được thụ hưởng. Việc tỉnh Hà Tĩnh không đền bù cho dân xã Thạch Hạ đây là đi ngược lại quyết định 1880 của thủ tướng. Hay là tỉnh Hà Tĩnh muốn chống chính phủ?…”
Quốc Hiếu/SBTN
http://www.sbtn.tv/ngu-dan-ha-tinh-vay-uy-ban-tinh-doi-boi-thuong-thiet-hai/