Tin Biển Đông – 08/11/2016
Ổn định châu Á tùy thuộc vào kết quả bầu cử Mỹ
Nếu Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, châu Á Thái Bình Dương có nguy cơ mất ổn định, còn nếu Hillary Clinton chiến thắng, bà sẽ tập trung trở lại những nỗ lực của Hoa Kỳ cho vùng này. Đó là nhận định của một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ, Đại học Sydney, Úc, được Đài phát thanh New Zealand trích dẫn hôm nay, 08/11/2016.
Theo lời tiến sĩ Sarah Graham, trong thời gian vận động tranh cử, chính sách của ông Donald Trump về châu Á-Thái Bình Dương đã “dao động” rất nhiều, tức là chẳng ai rõ chính sách của nhà tỷ phú Mỹ về khu vực này sẽ như thế nào.
Như vậy, theo chuyên gia Sarah Graham, nếu đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, ông Trump sẽ cần có một êkíp vững chắc để giúp ông kiến tạo một chính sách về châu Á làm sao cho các chính phủ khu vực này cảm thấy yên tâm.
Nhưng tiến sĩ Graham nhắc lại rằng ứng cử viên Cộng Hòa đã từng đặt lại vấn đề về các liên minh truyền thống của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là liên minh với Nhật. Ông Donald Trump đã nói đến khả năng đòi các đồng minh châu Á này phải đóng góp nhiều hơn, còn nếu không đồng ý thì phải ra khỏi liên minh với Hoa Kỳ. Điều này sẽ gây ra căng thẳng và bất ổn cho nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, vốn ngày càng lo ngại trước đà lớn mạnh của Trung Quốc. Theo chuyên gia Sarah Graham, với chính quyền Donald Trump, Hoa Kỳ sẽ bớt can dự vào châu Á, để mặc cho Trung Quốc tha hồ làm mưa làm gió ở vùng Biển Đông.
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đóng góp rất nhiều cho chính sách “xoay trục” của Mỹ sang châu Á, cho nên bà rất hiểu mối quan ngại của một số quốc gia khi thấy chiến lược “xoay trục” này đã không được thi hành đúng mức nên Trung Quốc mới có những hành động áp đặt chủ quyền như thế ở Biển Đông. Cho nên, theo bà Sarah Graham, nếu đắc cử tổng thống, ứng cử viên Dân chủ sẽ tìm cách phục hồi uy tín của Mỹ ở châu Á.
Cũng theo tiến sĩ Graham, cựu Ngoại trưởng Clinton không được Trung Quốc “ưu ái” lắm vì bà thường chỉ trích Bắc Kinh trên vấn đề nhân quyền và cũng vì bà có tham gia vào chiến lược “xoay trục” sang châu Á, một chiến lược bị xem là nhằm kềm chế Trung Quốc.
Bà Sarah Graham cho rằng nếu đắc cử tổng thống Mỹ, bà Clinton sẽ tỏ ra thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc, tức là sẽ kiên quyết trên vấn đề Biển Đông, nhưng vẫn phải làm việc với Bắc Kinh nhằm đối phó với tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng nhà nghiên cứu Đại hoc Sydney tin tưởng rằng bà Clinton có đủ kinh nghiệm để thi hành đường lối ngoại giao rất tế nhị này với khu vực châu Á.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161108-on-dinh-chau-a-tuy-thuoc-vao-ket-qua-bau-cu-my
TQ đổ đầu tư vào Malaysia
để thưởng thái độ hoà hoãn về Biển Đông
Các nhà phân tích nói rằng chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Malaysia Najib Razak hồi tuần trước chỉ nhằm mục đích nhấn mạnh một thỏa thuận đã có theo đó Bắc Kinh hứa hỗ trợ kinh tế để đổi lại sự im lặng của Kuala Lumpur khi tàu thuyền Trung Quốc khuấy động vùng biển gần Malaysia.
Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh hy vọng thỏa thuận với Malaysia tuyên bố chủ quyền trên một vùng giàu trữ lượng nhiện nhiệu hóa thạch lớn của Biển Đông một ngày nào đó sẽ được áp dụng với các chính quyền ở các nước khác. Brunei, Ðài Loan, Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần Biển Đông.
Trật tự khu vực
Giáo sư Douglas Guilfoyle chuyên ngành luật quốc tế tại Đại học Monash ở Australia nhận định:
“Rõ ràng một số học giả cho rằng Trung Quốc muốn thiết lập một mô hình trật tự nào đó trong khu vực. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ đặt ra chính sách tổng quát cho việc quản lý một số vấn đề khu vực nhất định, và mọi người phải làm theo ý của Bắc Kinh, không phải chỉ vì Trung Quốc hùng mạnh nhất, mà bởi vì chính sách của Bắc Kinh là có thiện chí và sẽ mang lại lợi ích hỗ tương cho tất cả các bên vì nền kinh tế của Trung Quốc đang trong thời kỳ nở rộ.”
Nhà lãnh đạo Malaysia họp với Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm thứ Năm. Truyền thông Trung Quốc nói trong chuyến thăm Trung Quốc 6 ngày của Thủ tướng Najib, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí chống lại “sự can thiệp từ bên ngoài” vào tranh chấp chủ quyền lãnh hải trong khu vực. Hai bên cũng cam kết duy trì ổn định trên biển và miêu tả tự do hàng hải là điều thiết yếu.
Quan hệ thương mại
Truyền thông Malaysia nói trong chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Najib, Trung Quốc và Malaysia đã ký kết 14 thỏa thuận thương mại trị giá 34 tỉ đôla. Một trong những thỏa thuận đó là Trung Quốc sẽ bán tàu hải quân cho Malaysia.
Các nhà phân tích ở Kuala Lumpur nóicác thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Najib được người dân Malaysia ủng hộ, nhất là những người gốc Hoa chiếm 21% dân số nước này.
Ông Ibrahim Suffain, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Merdeka, nhận định: “Người Malaysia xem Trung Quốc như là một cơ hội mở rộng kinh tế, do đó họ coi chính sách mở rộng kinh tế với Trung Quốc là một điều tích cực.”
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và là nguồn đầu tư nước ngoài chính yếu của nước này. Năm ngoái Tổng Công ty Năng lượng Hạt nhân của nhà nước Trung Quốc đã mua lại cổ phần của công ty đầu tư phát triển 1MDB của Malaysia trong một công ty năng lượng với giá 2,4 tỉ đôla, và Tổng Công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc mua cổ phần trong công ty phát triển dự án địa ốc Bandar Malaysia.
Hồi tháng 3, 100 tàu Trung Quốc đã đi qua bãi cạn Luconia, nơi Malaysia tuyên bố chủ quyền, nhưng bộ trưởng quốc phòng Malaysia đã giảm nhẹ chi tiết này, thay vì lên tiếng phản đối Trung Quốc.
Ngoại giao
Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc có lẽ sẽ tiếp tục tránh tăng hoạt động quân sự trong vùng biển họ tuyên bố chủ quyền gần Malaysia để không đẩy nước này xích lại gần Mỹ.
Theo một tài liệu năm 2015 của Vụ Nghiên cứu Quốc hội về hợp tác an ninh giữa Mỹ và Malaysia, hai nước đã thực hiện nhiều cuộc thao dượt quân sự chung, tàu bè qua lại thăm viếng và tăng các cuộc trao đổi giáo dục, mặc dù Malaysia không ồn ào về những vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Giáo sư Johathan Bogais, chuyên ngành khoa học chính trị của Đại học Sydney, nhận định: “Rõ ràng là Malaysia muốn chơi với cả hai bên. Chính sách đó tỏ ra hữu hiệu đối với họ và trong lúc này họ vẫn tiếp tục với chính sách đó.”
Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông
Nhưng Bắc Kinh đã gây tức tối cho các chính phủ khác quanh Biển Đông bằng hành động đưa tàu thuyền đi qua các vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý cách bờ biển các nước đó, và hành động lấn biển xây đảo. Vùng biển này là một ngư trường, hải lộ, và là nơi khác thác nhiêu liệu hóa thạch quan trọng.
Washington giúp Việt Nam chống lại sự bành trướng của Trung Quốc bằng việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Hà Nội, đồng thời tiến hành các cuộc thao dượt quân sự chung với Philippines. Trung Quốc lên án Mỹ giúp các nước khác có tranh chấp chủ quyền lãnh hải trong khu vực để khống chế sự bành trướng của Trung Quốc.
Việt Nam đã lớn tiếng phản đối khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển tranh chấp, dẫn đến những cuộc biểu tình rầm rộ chống Trung Quốc năm 2014.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã mạnh mẽ ủng hộ Trung Quốc hồi tháng 10, và được đáp lại bằng những cam kết viện trợ. Tổng thống tiền nhiệm của Philippines là người đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, giúp Manila thắng kiện hồi tháng 7.