So sánh vai trò của chính phủ trong nền kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ
Tác giả: Chen Zhiwu | Dịch giả: Xuân Dung
5 Tháng Mười Một , 2016
Quy mô chính phủ Trung Quốc là khổng lồ. Vào năm 2007 tổng thu nhập của chính phủ Trung Quốc lên tới 5,1 nghìn tỷ nhân dân tệ (770 tỷ đôla), chiếm 21% GDP, tương đương với thu nhập sau thuế hàng năm của 370 triệu cư dân đô thị – hoặc tương đương thu nhập ròng hàng năm của 1,23 tỉ nông dân.
Thu nhập hàng năm của đế quốc Trung Hoa
Thu nhập hàng năm của chính phủ Trung Quốc dưới sự thống trị của Đảng Cộng sản có sai khác như thế nào so với thời đại hoàng đế thống trị? Năm 1766, dưới thời Càn Long, thu nhập hàng năm của triều đình là 49.370.000 lạng bạc.
Khoảng năm 1760, Công ty Đông Ấn của Hà Lan đã tiến hành điều tra chi tiết về thu nhập và tiêu dùng của người dân ở Bắc Kinh và Quảng Châu. Theo tài liệu lưu trữ lịch sử, thu nhập hàng năm của một công dân Bắc Kinh bình thường lúc đó là khoảng 24 lượng bạc. Do đó, 49,37 triệu lạng bạc tương đương với thu nhập hàng năm của 2,05 triệu thường dân Bắc Kinh. Thu nhập của 2,05 triệu dân Bắc Kinh đủ để hỗ trợ toàn bộ triều chính Càn Long. Rõ ràng, đó là một chính phủ nhỏ.
Tất nhiên, một vài người có thể nói rằng chúng ta không thể so sánh thu nhập và chi tiêu của bất cứ một chính quyền nào với một thời điểm ở quá khứ, bởi vì đó là nền kinh tế nông nghiệp truyền thống, và do đó thu nhập chính phủ lúc đó rất thấp. Tất nhiên nền kinh tế hiện đại rất phức tạp và phụ thuộc vào các loại trợ giúp chính phủ khác nhau. Lập luận này khá hợp lí. Vì vậy, chúng ta hãy xem xét một ví dụ khác.
Thu nhập hàng năm của chính phủ Hoa Kỳ
Hãy xem xét Hoa Kỳ, một đất nước hiện đại, nếu so sánh với Trung Quốc ngày nay. Các thị trường chứng khoán, lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp tư nhân ở Hoa Kỳ phát triển nhất trên thế giới. Ngoài ra, quốc gia này cũng đóng vai trò như cảnh sát thế giới. Do đó, chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ sẽ không thấp hơn bất kỳ một quốc gia nào khác.
Năm 2007 thu nhập hàng năm của chính phủ liên bang Hoa Kỳ là 2,4 nghìn tỷ đô-la, hoặc 18% GDP, và tương đương với thu nhập hàng năm của 85 triệu thường dân Mỹ. Điều đó nói lên rằng, để hỗ trợ chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ, cần thu nhập sau thuế của 85 triệu người Mỹ, thấp hơn rất nhiều so với việc cần 370 triệu cư dân đô thị Trung Quốc để cấp dưỡng cho chính phủ Trung Quốc trong năm 2007.
Trung Quốc có 540 triệu dân thành thị, và 800 triệu nông dân. Năm 2007 tổng thu nhập sau thuế của họ là 10,7 nghìn tỷ NDT (1,62 nghìn tỷ đô-la). Như vậy thu nhập của chính phủ Trung Quốc chiếm gần 50% tổng thu nhập sau thuế của toàn bộ người dân Trung Quốc.
Ngược lại, tổng thu nhập sau thuế ở Mỹ năm 2007 là 8,4 nghìn tỷ đô-la. Thu nhập chính phủ là 2,4 nghìn tỷ đô-la, tương đương với 1/4 thu nhập sau thuế của người dân Hoa Kỳ.
Vì vậy, ngân sách của chính phủ Trung Quốc lớn hơn nhiều so với ngân sách của chính phủ Hoa Kỳ
So sánh kết cấu tài sản cá nhân
Người dân Trung Quốc đúng là có của, gồm có bất động sản, vốn cổ phần công ty, chứng khoán, tiền gửi ngân hàng, vân vân. Nhưng đó chủ yếu là dân đô thị. Nông dân Trung Quốc không sở hữu đất đai, cũng không có nhiều tiền tiết kiệm. Họ có rất ít tài sản.
Theo ước tính của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC), vào cuối năm 2005, tổng giá trị tài sản của cư dân đô thị Trung Quốc đạt 20,6 nghìn tỷ NDT (3,11 nghìn tỷ đô-la). Nếu tính thêm cả 15% lạm phát hàng năm, vào cuối năm 2007 con số này là 27,6 nghìn tỉ nhân dân tệ (4,17 nghìn tỉ đô-la), chưa bằng một phần ba con số 88 nghìn tỷ NDT tài sản và đất đai thuộc sở hữu nhà nước.
Tổng tài sản tư nhân và nhà nước của Trung Quốc là 115.6 nghìn tỉ nhân dân tệ (17,5 nghìn tỷ đô-la), tương đương với 4,7 lần GDP. Ngược lại, chính phủ Hoa Kỳ về cơ bản không sở hữu tài sản làm ra thu nhập. Họ chỉ nắm một phần nhỏ đất đai. Đến cuối năm 2007, tổng tài sản tư nhân ở Hoa Kỳ là 73 nghìn tỷ đô-la, gấp 5,4 lần GDP và cao hơn tỷ lệ tổng tài sản so với GDP của Trung Quốc một chút.
Mặc dù tỷ lệ giữa tổng tài sản với GDP của hai nước là gần như nhau, nhưng phân phối của cải giữa người dân và chính phủ là hoàn toàn khác nhau. Ở Trung Quốc, hơn 76 phần trăm tài sản thuộc sở hữu của nhà nước, tài sản của người dân chiếm chưa đến một phần tư. Tại Hoa Kỳ, tài sản cơ bản nằm trong tay người dân.
Trong số 115.6 nghìn tỉ nhân dân tệ trong năm 2007, chỉ 27.6 nghìn tỉ (4.17 nghìn tỉ đô-la) thuộc về người dân, 88 nghìn tỷ nhân dân tệ còn lại (13,3 nghìn tỷ đô-la) thuộc sở hữu của nhà nước. Nếu trong năm 2008, giá trị tài sản và GDP của Trung Quốc tăng 10 phần trăm, thì người dân thu được 2.76 nghìn tỉ nhân dân tệ, và chính phủ thu 8.8 nghìn tỉ nhân dân tệ. Phần tài sản của chính phủ tăng trưởng gấp ba lần. Đây là lý do tại sao sự tăng trưởng tài sản có rất ít tác dụng trong việc thúc đẩy nhu cầu nội địa của Trung Quốc hay làm tăng tiêu dùng trong nước.
Tiền chính phủ đi đâu?
Tôi đã đề cập ở trên rằng năm 2007 doanh thu của chính phủ Trung Quốc là 5,1 nghìn tỷ nhân dân tệ (770 tỷ đô-la), trong khi tài sản thuộc sở hữu nhà nước và giá trị đất đai tăng ít nhất là 9 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,36 nghìn tỉ đô-la). Các doanh nghiệp nhà nước có lợi nhuận là 1,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (240 tỷ đô-la). Tổng thu nhập của chính phủ là 15,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,37 nghìn tỉ đô-la). Vậy số tiền đó được chi tiêu như thế nào?
Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Tạ Húc Nhân, trong năm 2007, chi tiêu của chính phủ Trung Quốc cho người dân như y tế, trợ cấp bảo hiểm xã hội và việc làm đạt khoảng 600 tỷ nhân dân tệ (90,6 tỷ đô-la). Số tiền này tương đương với 15% tổng chi tiêu và 2,4% GDP hàng năm. Chia đều cho 1,3 tỷ người, bình quân chi tiêu xã hội theo đầu người là 461 nhân dân tệ (69 đô-la), tương đương với 3% thu nhập bình quân sau thuế của người dân thành thị.
Tại Hoa Kỳ, chi tiêu chính phủ cho cùng ba hạng mục đó trong năm 2007 là khoảng 1,5 nghìn tỷ đô-la, hoặc 61% của tổng chi tiêu liên bang, và 11,5% GDP. Chi tiêu bình quân đầu người là 5.000 đô-la, chia cho 300 triệu dân Hoa Kỳ, và nó tương đương với 18% thu nhập bình quân đầu người của người Mỹ.
Điều này không có nghĩa là chính phủ Trung Quốc không chi tiêu, nhưng nó thiếu giám sát thực tế quá trình chi tiêu. Chính phủ Trung Quốc dường như đang lãng phí tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng cao cấp hay các tòa nhà văn phòng chính phủ, và đầu tư vào các ngành công nghiệp có mức tiêu thụ tài nguyên lớn, ô nhiễm nặng và tạo việc làm thấp. Ngoài ra, tất cả điều này lại làm nảy sinh tham nhũng.
Bởi vì ở Trung Quốc chính phủ nắm trong tay quá nhiều tài sản và thu nhập, nên đại đa số người dân khó kiếm được nhiều hơn và khó tiêu dùng nhiều hơn, các ngành công nghiệp dịch vụ khó phát triển quanh sinh kế người dân. Vậy thì nhu cầu và đầu tư của các ngành công nghiệp thứ ba đến từ đâu? . – Theo Đại Kỷ Nguyên
Chen Zhiwu là một giáo sư tài chính tại Đại học Yale. Đây là một bản dịch tóm tắt bài viết bằng tiếng Trung của ông được đăng trên trang web Aisixiang, và được tái xuất bản khắp nơi trên mạng internet tiếng Trung Quốc đầu năm 2008. Tuy nhiên nội dung bài viết vẫn có giá trị quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc ngày nay.