Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong mắt bạn bè

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong mắt bạn bè
Sunday, November 6, 2016 | 6.11.16
Khi Nguyễn Phú Trọng đến bàn Trần Hoài Dương ngồi, ông reo lên vui mừng. Trần Hoài Dương miễn cưỡng đứng lên bắt tay, nói “với giọng hiu hắt,” “Lẽ ra tao phải mừng cho mày, nhưng vì mối lo cho đảng khiến tao ngồi im. Tao quá ngạc nhiên vì một người như mày lại có thể trở thành ủy viên Bộ Chính Trị của đảng. Tao nói thật lòng mày đừng giận, tao nghĩ có lẽ đảng này đã đến hồi mạt vận rồi! Tao phải ra khỏi đảng!”

Tự diễn biến, tự chuyển hóa
Bà con trong nước đang bàn nhau về “Nghị quyết Trung Ương 4” mới họp đầu Tháng Mười, 2016, trong đó nêu ra tổng cộng 27 “biểu hiện suy thoái” trong đảng Cộng Sản. Các “biểu hiện suy thoái” này được chia làm ba loại, mỗi loại gồm đúng 9 hiện tượng. Nghị quyết này được phổ biến tới tất cả các chi bộ đảng trong nước để học tập. Nhưng dân chúng không ai thắc mắc gì về nội dung những “biểu hiện suy thoái” được liệt kê, vì nhìn qua ai cũng biết hết rồi, dân còn hỏi tại sao không kể thêm cho cao hơn con số 27 nữa. Người dân hiện giờ chỉ hỏi nhau: Tại sao “các bố” lại chọn số 9, nhân với số 3, để thành con số 27, mà 2 cộng 7 tất nhiên thành “chín nút!”
Nhân Dân ta chỉ bàn về hiện tượng số 9 bởi vì không ai quan tâm đến những văn kiện và nghị quyết của đảng Cộng sản nữa. Các bố muốn nói gì thì nói, tất cả chỉ là những chuyện tào lao, ai cũng biết thế rồi. Nhưng tại sao các bố lại kiên quyết chọn con số 9, tin vào vận hên “chín nút” như vậy?
Mặc dù nhân dân trong nước biết những nghị quyết của đảng chỉ toàn chuyện tào lao, nhưng khi nhìn kỹ vào bảng liệt kê 27 “biểu hiện suy thoái” trong nội bộ đảng, chúng ta cũng thấy nhiều điều lạ đáng chú ý.
Thí dụ, trong mục thứ nhất về 9 biểu hiện suy thoái trong tư tưởng chính trị, điều đầu tiên là mối “hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Marx-Lenin;” điều thứ hai là, “không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.” Thực ra đây phải coi là một sự tiến bộ, kh thể gọi là suy thoái! Hiện nay loài người tiến bộ không còn ai tin vào chủ nghĩa Marx-Lenin lỗi thời nữa. Từ năm 1980 ở Việt Nam đã có người nói thẳng “chủ nghĩa Marx-Lenin là một thứ người dạy không muốn dạy và người học không muốn học.” Còn “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” thì chính ông Nguyễn Phú Trọng đã từng thú nhận không biết lên tới chủ nghĩa xã hội nghĩa tức là leo lên cái gì! Cho nên, đáng lẽ ông Nguyễn Phú Trọng và đồng đảng phải hoanh nghênh những đảng viên hết tin tưởng vào chủ nghĩa Marx-Lenin và vứt bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội! Coi sự tình trạng tỉnh thức đó là suy thoái chẳng khác nào xỉ vả trí suy xét thông minh của loài người!
Một điều đáng chú ý khác, trong mục thứ hai, ghi 9 điểm “suy thoái về đạo đức, lối sống” của các đảng viên, tội “tham ô, tham nhũng” được xếp hàng thứ 7, đứng sau những vi phạm đạo đức cá nhân như “sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi;” hoặc “tranh chức, tranh quyền;” “háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm,” vân vân.
Chính Nguyễn Phú Trọng đã hốt hoảng lo lắng rằng tham nhũng là cái họa lớn nhất sẽ làm chế độ sụp đổ. Vậy mà bản nghị quyết xếp hạng mối họa này gần chót, chỉ hơn những tội như “chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp,” và “đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan,…”
Nghĩa là ông Trọng cứ hô hào chống tham nhũng, nhưng các ủy viên trung ương thì cứ coi đó là một “suy thoái” hàng thấp, Đây chính là một điểm suy thoái đã được nêu lên hàng thứ 6 trong mục đầu, “Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo…”
Nhưng 9 điểm trong mục thứ ba có lẽ là phần quan trọng nhất trong bản nghị quyết mới, ghi những “Biểu hiện,” “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” “trong nội bộ.” Tất cả 9 điểm trong mục này nhằm củng cố uy quyền của Trung Ương Đảng! Thứ nhất là không cho phép các đảng viên có ý kiến riêng. Những “suy thoái” được nêu ra là “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của đảng;” hoặc “nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của đảng.” Một cách cụ thể, đảng viên sẽ lo bị tố cáo những tội như “Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của đảng đối với” quân đội và công an, với báo chí, văn học – nghệ thuật.” Đặc biệt, họ còn kết tội những ý kiến “Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà chính các lãnh tụ đảng từng thú nhận không hiểu khẩu hiệu đó nghĩa là gì.
Trong số 9 tội thuộc loại “tự diễn biến, tự chuyển hóa” có những điều rõ ràng nhắm vào tình tự phẫn uất của các đảng viên đối với chính sách đối ngoại của đảng. Điểm thứ 7 kết tội những người “Đưa thông tin sai lệch,… thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.” Các nước là nước nào? Hiện nay chỉ có nước Trung Hoa cộng sản gây nhiều bất mãn nhất trong dư luận người dân và các đảng viên! Loan tin về những thuyền đánh cá của người Việt bị tàu Trung Cộng tấn công cướp bóc có thể bị kết tội là “thông tin sai lệch” hay không?
Để chặn đứng nỗi băn khoăn về mối nhục lệ thuộc ngoại bang, điều thứ 9 trong mục này còn kết tội những người “Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi,… gây chia rẽ giữa các dân tộc!” Như vậy các đảng viên Cộng Sản Việt Nam bây giờ có được phép đọc “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi hay không? Đài BBC nhận xét về bản nghị quyết còn thấy rằng những điều “thuộc tội phản quốc, lại chỉ đứng số 6!”
Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 4 tháng 11 năm 2016
Mối lo của đảng Cộng Sản hiện nay là lo tình trạng tan rã từ bên trong bùng nổ. Cho nên hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” được chú ý nhất. Ngay hôm khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Phú Trọng cảnh cáo rằng mối nguy “tự chuyển biến,” “tự chuyển hóa” từ trong nội bộ của đảng “vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.”
Sau khi hội nghị kết thúc, tạp chí tuyên giáo của đảng lại kêu gọi đảng viên chủ động đề phòng và chống lại “tự diễn biến, tự chuyển hóa.” Báo chí trong nước phải đăng một bài viết rất dài của ông Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Thông Tin với đề tựa, “Nguy cơ ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa’ trong báo chí…”
Tình trạng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” không thể nào ngăn cản được, vì các đảng viên cộng sản không ngu dốt như các lãnh tụ mong muốn, mặc dù bên ngoài họ vẫn giả bộ ngu. Nhiều đảng viên đã từ bỏ đảng một cách âm thầm, vì tự biết mình đã đi lầm đường. Cũng có người công khai gửi thư xin ra khỏi đảng.
Chính ông Nguyễn Phú Trọng là nguyên nhân khiến một người bỏ đảng. Câu chuyện điển hình của nhà báo Trần Hoài Dương được nhà báo Tống Văn Công thuật lại trong hồi ký của ông, do Người Việt xuất bản. Câu chuyện Trần Hoài Dương bỏ đảng xảy ra khi ông Nguyễn Phú Trọng mới được đưa vào Bộ Chính Trị.
Trần Hoài Dương đã gặp Nguyễn Phú Trọng từ năm 1967, khi anh là một cán bộ biên tập của tạp chí Cộng Sản, cơ quan lý luận cao cấp của đảng. Lúc đó Trọng mới tốt nghiệp đại học, được cho vào làm việc trong phòng tư liệu; rồi được Tổng biên tập Hồng Chương cho làm dưới sự chỉ bảo của Trần Hoài Dương. Một thời gian sau, Trần Hoài Dương muốn đổi công việc, đề nghị cho Trọng lên thay mình. Muốn được chấp thuận, anh khen ngợi Trọng như thế này: “Cậu này không thông minh, kém sáng kiến, nhưng được cái cần cù và cẩn thận, không bao giờ để sai sót bản in so với bản chính.” Khi được chuyển giao công việc cho Nguyễn Phú Trọng, Trần Hoài Dương đi làm chỗ khác, lâu ngày quên luôn cả con người “không thông minh, kém sáng kiến” đó.
Tới năm 2001, Trần Hoài Dương về Hà Nội dự liên hoan kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tạp chí Cộng Sản. Bỗng nhiên anh “được chứng kiến cảnh tiền hô hậu ủng đón tiếp Ủy Viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Thành Ủy Nguyễn Phú Trọng.” Khi Nguyễn Phú Trọng đến bàn Trần Hoài Dương ngồi, ông reo lên vui mừng. Trần Hoài Dương miễn cưỡng đứng lên bắt tay, nói “với giọng hiu hắt,” “Lẽ ra tao phải mừng cho mày, nhưng vì mối lo cho đảng khiến tao ngồi im. Tao quá ngạc nhiên vì một người như mày lại có thể trở thành ủy viên Bộ Chính Trị của đảng. Tao nói thật lòng mày đừng giận, tao nghĩ có lẽ đảng này đã đến hồi mạt vận rồi! Tao phải ra khỏi đảng!”
Tống Văn Công kể tiếp, “Và Trần Hoài Dương đã làm đúng như vậy, vừa về tới nhà ở Sài Gòn, anh viết ngay lá đơn gửi chi bộ tuyên bố rời khỏi đảng.”
Theo Tống Văn Công, “Trần Hoài Dương sống độc thân. Anh bị nhồi máu cơ tim đột tử ngày 6 tháng 5 năm 2011.” Cho nên anh không phải chứng kiến cảnh ông đàn em cũ đã leo lên đến chiếc ghế tổng bí thư, nắm đầu cả cái đảng của anh! Anh may mắn, đã sớm biết “tự diễn biến, tự chuyển hóa” nhiều năm trước khi những chữ này xuất hiện trong ngôn ngữ Việt Nam! Nhờ thế, nững năm cuối cùng trên cõi đời, anh đã thảnh thơi, “thoát nợ” chỉ nhờ chứng kiến cảnh cậu “không thông minh, kém sáng kiến” mà vẫn cần cù và thận trọng từng bước leo lên hàng lãnh đạo đảng.

Xin mời quý độc giả xem Video: Phe Ba Dũng đánh cú nốc ao tung nhiều bí mật đời tư của Tổng Trọng: từng trốn bộ đội

Bao nhiêu đảng viên khác bây giờ cũng đang “tự diễn biến, tự chuyển hóa” chỉ vì chú đàn em cũ đó đang tập hợp cả một đàn, một lũ, đều “không thông minh, kém sáng kiến” nhưng lại rất nhiều tài luồn lách để leo thang! Cho nên Nguyễn Phú Trọng phải cảnh cáo các nhà báo có lương tâm muốn theo gương Trần Hoài Dương, bằng lời kết tội cấm “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của đảng;” hoặc đưa thông tin sai lệch,… gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.” Nhưng Trần Hoài Dương không phải là đảng viên duy nhất có lương tâm và không ngu dại! Hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” sẽ lan rộng khi cả bè lũ lãnh tụ vẫn tự cúi đầu, tự bịt mắt trong lúc thế giới đang thay đổi nhanh chóng mặt!
Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)