Tin khắp nơi – 05/11/2016
Brexit : Thủ tướng Anh
tuyên bố “giữ nguyên” lịch trình ra khỏi EU
Luân Đôn vẫn khởi động thủ tục Brexit trễ nhất là vào cuối tháng 03/2017 như dự kiến. Thủ tướng Anh, Theresa May, đã khẳng định như trên vào ngày 04/11/2016, trong một loạt các cuộc điện đàm với các đối tác châu Âu. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau sau phán quyết của Tòa Án Cấp Cao Luân Đôn buộc chính phủ phải tham khảo ý kiến của Nghị Viện trước khi tiến hành thủ tục chia tay với Liên Hiệp Châu Âu.
Ngày 03/11, Tòa Án Cấp Cao Luân Đôn quyết định, việc khởi động thủ tục ly dị với Bruxelles phải được đem ra biểu quyết tại Nghị Viện. Nhưng nội các của bà Theresa May đã lập tức phản công, đòi chống lại phán quyết nói trên và đòi đưa vụ việc ra trước Tối Cao Pháp Viện. Trên nguyên tắc, vào đầu tháng 12/2016, Tòa Án Tối Cao của Anh bắt đầu xem xét hồ sơ này và sẽ đưa ra quyết định sau cùng vào tháng Giêng 2017.
Nếu như Tối Cao Pháp Viện đồng ý với phán quyết của Tòa Án Cấp Cao Luân Đôn, thủ tục chia tay với Liên Hiệp Châu Âu sẽ được đem ra thảo luận tại Nghị Viện. Điều đó có nghĩa là tiến trình Brexit sẽ kéo dài, bởi lý do đơn giản là cả Nghị Viện lẫn Viện Quý Tộc (House of Lords) đều muốn nước Anh ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Đây cũng chính là lý do vì sao bà May không muốn thủ tục “Brexit” phải có được đồng thuận của Nghị Viện Anh.
Dù sao, trước mắt, phán quyết của Tòa Án Cấp Cao Luân Đôn cách nay hai ngày cũng cho thấy, ngay trong nội bộ đảng Bảo Thủ, nữ thủ tướng Theresa May đang bị cô lập hơn bao giờ hết.
Nga khai thác quá khứ Cộng sản
để chiêu dụ du khách Trung Quốc
Mục tiêu mới của du lịch Nga : khai thác lá bài « Du lịch Đỏ » để thu hút du khách Trung Quốc. Lượng khách đến thăm quê hương của Lênin, đi tìm lại quá khứ vàng son của chủ nghĩa Cộng Sản trong thế kỷ XX ngày càng đông.
Trong 11 tháng đầu 2016 đã có hơn một triệu du khách Trung Quốc tham quan nước Nga. Con số này tăng 15% so với 2015. Hãng hàng không dân dụng Aeroflot phải tăng thêm các chuyến bay xuất phát hay đến Trung Quốc khi lượng khách tăng thêm 14% trong những tháng gần đây. Matxcơva mở rộng vòng tay đón du khách Trung Quốc, nhất là khi du khách Trung Quốc rót thêm đến 2 tỷ đô la vào các hoạt động kinh tế của Nga.
Tháng 06/2015, Matxcơva và Bắc Kinh đã ký kết một thỏa thuận song phương tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai nước đi lại giữa quê hương của Lênin và Mao Trạch Đông. Một điểm đáng chú ý là thỏa thuận đó đã được ký kết ngay tại làng Thiều Sơn, huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, quê nhà của Mao Trạch Đông. Trong buổi lễ ký kết ấy, chủ tịch Tập Cận Bình, khi nâng ly với tổng thống Vladimir Putin, đã nhấn mạnh Nga và Trung Quốc « vĩnh viễn là bạn hữu ».
Thỏa thuận ở Thiều Sơn tập trung vào hai điểm : Thứ nhất, Nga miễn visa nhập cảnh cho các đoàn du khách trên 5 người. Thứ hai, đôi bên dự trụ mở ra thêm 10 lộ trình tham quan gọi là « du lịch Đỏ » cho phép du khách Trung Quốc lần theo gót chân của các cha đẻ Cách Mạng Tháng 10 Liên Xô. Với lộ trình mới đó, các hãng du lịch đưa khách tham quan đi từ Ulyanovsk, nơi Lênin sinh thành, đến Kazan, nơi vị lãnh tụ đảng Cộng sản tương lai của Liên Xô đã theo học trước khi bước vào con đường Cách Mạng. Rồi thành phố cổ kính Saint Petersbourg, nơi có dấu ấn của cuộc Cách Mạng Tháng 10. Và đỉnh điểm của tour « du lịch Đỏ » phải là lăng Lênin tại Matxcơva.
Theo Cục Du Lịch Trung Quốc, đa số khách tham quan ghi tên vào các chương trình viếng thăm nước Nga là những « người cao tuổi, đã về hưu và họ thường có mối liên hệ đặc biệt với Liên Xô cũ, qua sách vở, hay thi ca ».
Dù vậy, phía Matxcơva đang nhắm tới một tầng lớp du khách Trung Quốc trẻ, có dự án tham qua Liên bang Nga vì « lý tưởng ». Nga tận dụng tâm lý của du khách Trung Quốc sợ khủng bố tại châu Âu, đi tìm những điểm nghỉ mát mới. Đặc biệt là trong bối cảnh, năm 2017, nước Nga kỉ niệm đúng 100 năm cuộc Cách mạng 1917, lật đổ chế độ Sa Hoàng. Matxcơva chờ đợi, nhân dịp này du khách Trung Quốc sẽ « ồ ạt » đến thăm Lênin.
Nhật báo tài chính Mỹ Wall Street Journal cho hay nếu như nước Pháp của Voltaire đứng hạng thứ 10 trong số các địa điểm du lịch được người Trung Quốc ưa chuộng nhất, thì Nga của Tchaikovsky đứng hạng thứ 16.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161105-nga-khai-thac-qua-khu-cong-san-de-chieu-du-du-khach-trung-quoc
J-20: “Bảo bối” mới
giúp Trung Quốc tăng xuất khẩu vũ khí
Có tốc độ nhanh, được trang bị đầy vũ khí và cho đến giờ vẫn là một bí ẩn lớn : máy bay tiêm kích tàng hình Thành Đô J-20 (Chengdu) được Trung Quốc chính thức giới thiệu rộng rãi ngày 01/11/2016 tại Triển Lãm Hàng Không Châu Hải (Zhuhai), miền nam Trung Quốc. Theo đánh giá của truyền thông và giới quân sự quốc tế, đây là biểu tượng sức mạnh ngày một vượt bậc của Bắc Kinh và cho phép Trung Quốc bắt kịp với Hoa Kỳ về mặt quân sự.
Trung Quốc không che giấu tham vọng chinh phục những khách hàng mới và không ngừng tăng cường hiện diện tại các triển lãm quân sự quan trọng trên thế giới. Còn tại Châu Hải, tiêm kích tàng hình J-20 là niềm tự hào của Trung Quốc : « J-20 là một thanh gươm sắc bén để bảo vệ đất nước và người dân chúng ta », hay « Tôi rất mừng vì cuối cùng nó đã bay trên bầu trời » là những lời bình luận trên mạng Vi Bác (Weibo), được trang NBC News trích đăng ngày 03/11/2016.
J-20 giống “bất thường” F-35 của Mỹ
Vẫn theo NBC News, chiến đấu cơ J-20 được thiết kế giống với hai đối thủ tiên tiến nhất hiện nay : F-35, tiêm kích tấn công kết hợp (Joint Strike Fighter) và F-22 Raptor của Mỹ. Những nét tương đồng này không phải là điều ngẫu nhiên, vì giới chức Hoa Kỳ từng cáo buộc quân đội Trung Quốc đánh cắp dữ liệu tin học liên quan đến chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ.
Các chuyên gia nhận định rằng sự giống nhau giữa J-20 của Trung Quốc với F-35 và F-22 của Mỹ chứng tỏ những thông tin bí mật đánh cắp được đã cho phép Bắc Kinh nhanh chóng bắt kịp để ra mắt cái được gọi là chiến đấu cơ « thế hệ thứ năm ».
Justin Bronk, một nhà nghiên cứu tại Viện Các Quân Chủng Thống Nhất Hoàng Gia Anh (Royal United Services Institute) tại Luân Đôn, khẳng định : « Trong nhiều năm, Trung Quốc đã rất tích cực trong việc đánh cắp thông tin liên quan đến thiết kế. Đó là một chiến lược của Trung Quốc, đánh cắp những gì họ có thể và thiết kế theo đó ». Ông Bronk cũng nhận thấy rất nhiều tính năng của J-20 gần giống với chiến đấu cơ F-35 hoặc F-22 của Mỹ.
Trong lúc viễn cảnh xảy ra một cuộc đối đầu trực diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là điều không chắc, Bắc Kinh công khai và tức giận về những bất đồng với nhiều đồng minh của Washington liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Chính vì vậy, đại tá Trần (Shen), một phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc, cho biết J-20 sẽ được giao « sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ ».
Vũ khí Trung Quốc thu hút vì… giá rẻ
Thế nhưng, phải chờ ít nhất đến năm 2018 để tiêm kích tàng hình Thành Đô J-20 được triển khai. Dù sao, chuyến bay biểu diễn ngắn ngủi tại Triển Lãm Hàng Không Châu Hải cũng là cơ hội cho Trung Quốc phô trương tiến bộ trong lĩnh vực này, dù còn phải kiểm chứng độ tin cậy.
Theo nhật báo L’Opinion (03/11/2016) của Pháp, trong vòng 5 năm gần đây, các thương vụ bán vũ khí của Trung Quốc đã tăng 147%, soán vị trí thứ ba của Đức. Nhưng cũng phải nói là việc xuất khẩu vũ khí của Đức cũng phất như diều gặp gió : tăng 15% trong vòng 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015.
Giống như nhiều lĩnh vực khác (đường sắt, nguyên tử, xe hơi), Trung Quốc đề ra những mục tiêu và nguồn tài chính để có được những trang thiết bị có khả năng cạnh tranh với những sản phẩm tốt nhất của phương Tây. Được thông báo vào cuối năm 2010, chương trình J-20 đã được triển khai ít nhất là 6 năm trong khi dự án chiến đấu cơ Rafale của Pháp cần khoảng 10 năm để thực hiện và 15 năm đối với máy bay F-22 của Lockheed-Martin, mà J-20 giống một cách đáng ngờ.
Màn bay trình diễn quá ngắn ở Châu Hải không cho phép các nhà quân sự nước ngoài kiểm tra được khả năng « tàng hình » của J-20. Tuy nhiên, giới chuyên gia đều nhận thấy chất lượng các động cơ đã được cải thiện, đặc biệt là động cơ Xian WS-15 do Viện Nghiên Cứu Công Nghệ Hàng Không Thẩm Dương (Shenyang Aeroengine Research Institute) phát triển và trang bị cho J-20.
Điều quan trọng là tiêm kích J-20 đã gây ấn tượng, dù chiến đấu cơ này còn bị F-35 của Mỹ vượt xa. Chỉ cần quan sát phản ứng của khách tham quan là có thể nhận thấy chiến dịch quảng bá đã thành công, giống như tháng 09/2015, khi quân đội Trung Quốc tiết lộ DF-21 D, loại tên lửa đạn đạo hiện đại nhất, được mệnh danh là « sát thủ diệt tầu sân bay », trong lễ duyệt binh nhân dịp 70 năm chấm dứt Thế Chiến II được tổ chức tại Bắc Kinh.
Với J-20, các nhà công nghiệp vũ khí Trung Quốc tìm cách chiếm lấy thị trường từ tay các nước xuất khẩu lớn trên thế giới. Khi chiếc J-20 lượn một góc 90 độ, bộ Quốc Phòng Malaysia thông báo mua 4 tầu tuần duyên của Trung Quốc, trong đó hai chiếc sẽ được sản xuất tại các xưởng đóng tầu của nước này. Trong chuyến công du Trung Quốc, thủ tướng Malaysia Najib Razak đã giải thích việc mua vũ khí là một trong những ưu tiên của chuyến thăm chính thức của ông. Trước đó, sau tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Bắc Kinh, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cũng thể hiện mong muốn trang bị vũ khí Trung Quốc.
Vũ khí Trung Quốc, với giá rẻ hơn, là một lựa chọn có lợi trong bối cảnh tái vũ trang trên toàn cầu. Theo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI), chi phí quân sự trên toàn thế giới đã tăng thêm 1% vào năm 2015 so với năm 2014. Các mối căng thẳng tại nhiều vùng đã buộc nhiều nước phải trang bị vũ khí. Ví dụ Indonesia đã tăng thêm 77% ngân sách quốc phòng trong vòng 4 năm trở lại đây.
Hiện Trung Quốc vẫn chưa thâm nhập được thị trường Indonesia vì chưa gây được tiếng tăm, đặc biệt về độ tin cậy của thiết bị. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tận mắt chứng kiến thất bại vụ bắn thử tên lửa chống tầu C-705. Nhưng điều đó không ngăn cản được Trung Quốc trưng bày khoảng 900 loại vũ khí, do 426 nhà sản xuất Trung Quốc tham gia triển lãm Châu Hải, trên tổng số 710 đơn vị tham gia trưng bày. Điều này cũng đủ giúp Trung Quốc giữ vị trí của mình trên bảng các nhà xuất khẩu vũ khí chính trên thế giới.
Thổ Nhĩ Kỳ :
Tòa án ra lệnh tạm giam 9 thành viên tờ báo đối lập
Chiến dịch đàn áp đối lập tiếp diễn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Dogan ngày 05/11/2016, loan tin một toà án ở Istanbul đã ra lệnh tạm giam 9 thành viên của tờ báo đối lập Cumhuriyet, cho đến khi đưa họ ra tòa.
Trong số 9 người bị tạm giam, có tổng biên tập Murat Sabuncu, nhà viết xã luận Kadri Gursel và họa sĩ Musa Kart. Họ bị cáo buộc có quan hệ với lực lượng nổi dậy Kurdistan và có dính líu đến vụ đảo chánh hụt ngày 15/07.
Ngày 04/11, các lãnh đạo của một đảng đối lập thân người Kurdistan, Đảng Dân Chủ Của Các Dân Tộc (HDP), đã bị chính quyền tạm giam, vài giờ sau khi bị câu lưu. Phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo đây là một bước mới trong cuộc đảo chánh dân sự do chính quyền tổng thống Recep Tayyip Erdogan tiến hành.
Từ Istanbul, thông tín viên RFI Alexandre Billette gởi về bài tường trình :
« Đây là một bước mới của cuộc đảo chính dân sự mà chính phủ và phủ tổng thống tiến hành, đó là nhận định của ông Selahattin Demirtas, đồng chủ tịch đảng HDP, bị truy tố và bị giam giữ. Tuyên bố này được phổ biến ra bên ngoài qua trung gian luật sư của ông.
Ban lãnh đạo đảng HDP thì ra một thông cáo nêu lên « một ngày đen tối đánh dấu sự kết thúc của nền dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một lãnh đạo đối lập khác thì nói đến « một sự chệch hướng đang đưa đất nước theo con đường tồi tệ ».
Trả lời RFI, đại diện của đảng HDP ở châu Âu Eyyup Doru lên án « một chính sách kỳ thị sắc tộc » và kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp. Theo ông, ở Thổ Nhĩ Kỳ không còn tư pháp độc lập, vì ngành tư pháp và lực lượng cảnh sát hoàn toàn tuân lệnh ông Erdogan, người đang ngăn chận mọi lực lượng dân chủ đi theo đường lối chính trị ngược lại với đường lối của ông. Erdogan đang muốn trở thành lãnh đạo một califat trong vùng.
Sau các vụ thanh trừng trong quân đội, trong guồng máy hành chính, bây giờ đến lượt các tổ chức chính trị bị tấn công. Trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, những căng thẳng đang được biểu lộ : hôm nay (05/11), một cuộc biểu tình lớn ủng hộ các lãnh đạo đảng HDP sẽ diễn ra ở Istanbul ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161105-tho-nhi-ky-toa-an-ra-lenh-tam-giam-9-thanh-vien-to-bao-doi-lap
HRW chỉ trích phương pháp chống khủng bố của Bỉ
Tại cuộc họp báo tại Bruxelles sáng 04/11/2016, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch đã công bố một bản báo cáo về các biện pháp được chính quyền Bỉ sử dụng để chống khủng bố, cũng như cách tiến hành điều tra sau loạt khủng bố.
Nghiên cứu của tổ chức Human Rights Watch tập trung chủ yếu vào thời gian từ sau loạt khủng bố ngày 13/11/2015 tại Paris. Sau khi làm việc với chính quyền Bỉ và phỏng vấn một số người bị thẩm vấn trong khuôn khổ điều tra chống khủng bố, tổ chức nhân quyền này phản ánh những « quan ngại sâu sắc » về những hành động được đánh giá là « lạm dụng rõ ràng ».
Thông tín viên RFI Pierre Benazet từ Bruxelles giải thích :
« Human Rights Watch nêu 26 trường hợp bị bắt, mà sau đó không bị buộc tội, nhưng họ trở thành nạn nhân của tình trạng lạm dụng hay phân biệt đối xử từ phía cảnh sát liên bang Bỉ trong quá trình tạm giữ và thẩm vấn : từ việc triển khai bố ráp mạnh tay một cách vô ích đến việc đánh đập hoặc những lời lẽ lăng mạ mang tính phân biệt chủng tộc hay kì thị tôn giáo.
Tuy nhiên, tổ chức nhân quyền Mỹ tán thành một số điểm, trong đó có việc duy trì lệnh khám xét do một thẩm phán cấp. Ông Nadim Houry, trợ lý giám đốc Human Right Watch, so sánh với trường hợp của Pháp : « Bỉ đã có quyết định đúng đắn là không tuyên bố tình trạng khẩn cấp, vì vậy mọi chiến dịch cảnh sát hiện nay đều nằm dưới quyền kiểm soát của tư pháp. Vai trò của một biện lý, một quan tòa là rất quan trọng. Đây là điều không còn tồn tại ở Pháp trong rất nhiều trường hợp ».
Tổ chức nhân quyền Mỹ cũng nêu lên một loạt khuyến nghị đối với chính quyền Bỉ, như đảm bảo tính độc lập của lực lượng cảnh sát, chấm dứt cách ly dài ngày đối với tù nhân hay thành lập một tổ chức độc lập về nhân quyền. Cuối cùng, Human Rights Watch cũng yêu cầu điều tra về những cáo buộc cảnh sát dùng vũ lực và đào tạo lực lượng an ninh một cách tốt hơn ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161105-hrw-chi-trich-phuong-phap-chong-khung-bo-cua-bi
Clinton, Trump cố thuyết phục những cử tri còn do dự
Tại Hoa Kỳ, ngày 04/11/2016, cả hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton đều nỗ lực thu phục những cử tri còn do dự, đặc biệt nhắm những bang có vai trò chủ chốt, để cố giành phần thắng về mình, trong khi các cuộc thăm dò trong những ngày qua cho kết quả trái ngược nhau.
Ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump đã đến vận động tại ba bang New Hampshire, Ohio và Pennsylvania, tiếp tục khai thác vụ tai tiếng email của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, đồng thời cố chứng tỏ tư thế nghiêm chỉnh của một tổng thống tương lai, tránh những phát biểu gây tranh cãi.
Ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton cũng đến ba bang Pensylvania, Michigan và Ohio, tập trung đả kích ông Trump về quá khứ doanh nhân của ông. Đặc biệt, bà đã kêu gọi cử tri tại bang Michigan đi bỏ phiếu đông đảo, vì theo dự báo, tỷ lệ cử tri vắng mặt tại đây có thể sẽ rất cao.
Từ Detroit, bang Michigan, đặc phái viên RFI Romain Lemaresquier gởi về bài tường trình :
« Chính tại một nơi trước đây là chợ trong khu phố Midtown, gần trung tâm tài chính, mà bà Hillary Clinton đã đến gặp các cử tri của bang Michigan lần cuối. Ứng cử viên Dân Chủ đã phát biểu hơn nửa tiếng đồng hồ trước một đám đông cuồng nhiệt, nhưng nay cảm thấy lo ngại về kết quả bầu cử.
Cựu ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh cam kết của bà đối với thành phố nơi có 18% dân số thất nghiệp. Bà nói : « Tôi muốn là một đối tác vững chắc của Detroit và những thành phố khác đang cố phục hồi, để bảo đảm cho quý vị nhận được vốn đầu tư và hỗ trợ về nhà ở và việc làm. Nhưng chúng ta cũng phải làm sao cho nền kinh tế được công bằng hơn. Cho nên tôi cho rằng cần phải tăng mức lương tối thiểu, bởi vì không thể để những người làm việc toàn thời gian sống mãi trong cảnh nghèo khó. »
Tăng mức lương tối thiểu cũng chính là chủ trương của ông Bernie Sanders, đối thủ của bà Clinton trong cuộc bầu cử sơ bộ bên đảng Dân Chủ và cũng là người đã thắng tại bang này. Ứng cử viên Hillary Clinton tìm cách thu phục cử tri tại đây lần cuối. Theo kết quả các cuộc thăm dò, tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu ở bang này có thể sẽ rất cao. Bà hô hào : « Bang Michigan có thể làm thay đổi cán cân. Như vậy tất cả những gì mà tôi xin quý vị làm, đó là nói bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, nói với tất cả mọi người ».
Sau khi ghé qua thành phố từng được coi là thủ đô của ngành công nghiệp xe hơi trước khi bị suy thoái kinh tế, bà Clinton bay sang thành phố Cleveland, bang Ohio. Đây là nơi bất lợi hơn đối với ứng cử viên Dân Chủ vì đối thủ Donald Trump vẫn dẫn đầu tại bang được xem là rất cần thiết để đắc cử tổng thống ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161105-clinton-trump-co-thuyet-phuc-nhung-cu-tri-con-do-du
Hàng chục ngàn người biểu tình
đòi tổng thống Hàn Quốc từ chức
Ngày 05/11/2016, chính quyền Hàn Quốc huy động 20.000 nhân viên cảnh sát, tăng cường an ninh vào lúc có khoảng 40.000 người biểu tình tại trung tâm thủ đô đòi bà Park Geun Hye từ chức sau vụ tai tiếng nghiêm trọng. Tổng thống Hàn Quốc đang bị lôi vào một trận bão chính trị vô tiền khoáng hậu, liên quan đến bà Choi Soon Sil, một người bạn lâu năm và cũng là vị « quân sư » của bà.
Những lời xin lỗi quốc dân và cam kết đồng ý trả lời tư pháp của tổng thống Park Geun Hye không xoa dịu công luận Hàn Quốc. Hãng tin Pháp AFP đưa ra con số 20.000 nhân viên cảnh sát và 40.000 người biểu tình trong cuộc đọ sức trên đường phố Seoul sáng 05/11. Cảnh sát Hàn Quốc cấm tuần hành trên các trục lộ chính của thành phố, nhưng không loại trừ khả năng đoàn biểu tình sẽ tập hợp trước dinh tổng thống.
Công luận Hàn Quốc lo ngại bà Choi Soon Sil, một người bạn thâm niên và cũng là cố vấn của tổng thống Park Geun Hye, đã can thiệp vào một số các hồ sơ thuộc phạm trù « bí mật quốc gia », trong khi bà Choi không có thẩm quyền và chức vụ chính thức để làm những việc đó. Với một số người biểu tình, việc bà Choi Soon Sil hành xử như một « nhiếp chính vương »hay làm lung lạc tổng thống Hàn Quốc là điều không thể chấp nhận được.
Đảng Dân Chủ thuộc phe đối lập đã kêu gọi tổng thống Park Geun Hye từ chức và dọa mở chiến dịch vận động để bà phải ra đi. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ít có khả năng nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc từ chức một năm trước khi mãn nhiệm. Có điều trong năm cuối nhiệm kỳ, uy tín của bà sẽ bị suy yếu, chẳng những vì tai tiếng mà báo chí gọi là vụ « Choi Gate » mà còn do kinh tế Hàn Quốc đang bị chựng lại, thất nghiệp gia tăng và căng thẳng quân sự giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Philippines : Một thị trưởng bị bắn chết trong tù
Cảnh sát Philippines ngày 05/11/2016 thông báo, Rolando Espinosa, thị trưởng thành phố Albuera, tỉnh Leyte, bị bắn chết trong tù. Tháng 08/2016, ông này và con trai Kerwin bị cáo buộc tội buôn ma túy. Đây là lần thứ nhì một quan chức địa phương Philippines có liên quan tới các hoạt động ma túy bị giết chết trước khi được đem ra xét xử.
Theo hãng tin AFP, ông Rolando Espinosa đã bị tổng thống Rodrigo Duterte nêu đích danh có liên quan đến các mạng lưới buôn ma túy. Cảnh sát địa phương cho biết hai cha con ông Espinosa có tên trong danh sách những ông trùm « bao che cho các tay môi giới ». Khi bị bắt vào tháng 10/2016, thị trưởng thành phố Albuera đã không hề kháng cự và yêu cầu được bảo vệ tính mạng.
AFP nêu lên một chi tiết : Tổng thống Duterte liệt kê ra một danh sách gồm nhiều quan chức địa phương, trong ngành cảnh sát và cả bên tư pháp, có liên quan tới các hoạt động mua bán ma túy và ông kêu gọi số này ra đầu thú. Riêng trong trường hợp của thị trưởng thành phố Albuera và con trai, tổng thống Philippines đã ra lệnh « cứ thẳng tay bắn chết » nếu họ kháng cự.
Sáng sớm ngày 05/11, cảnh sát tỉnh Leyte cho biết là ông Espinosa đã bị bắn hạ trong nhà tù vì đã dùng súng bắn vào nhân viên cai ngục. Cảnh sát Philippines thông báo sẽ điều tra thấu đáo về cái chết của thị trưởng Albuera.
Cuối tháng 10/2016, một thị trưởng khác của Philippines cũng đã bị sát hại trong một đợt bố ráp. Cảnh sát Philippines phát hiện ma túy trên xe của đương sự và đoàn tùy tùng.
Chiến dịch bài trừ ma túy tại Philippines được tổng thống Duterte tiến hành từ cuối tháng 06/2016 tới nay làm hơn 4.000 người thiệt mạng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161105-philippines-thi-truong-thanh-pho-albuera-bi-ban-chet-trong-tu
Tổng thống Indonesia hoãn đi Úc do bạo động trong nước
Ngày 05/11/2016, chính phủ Indonesia thông báo là tổng thống Joko Widodo đã hoãn chuyến viếng thăm nước Úc theo dự kiến bắt đầu từ ngày 06/11/2016, sau cuộc biểu tình bạo động của người Hồi Giáo chống đô trưởng Thiên Chúa Giáo của Jakarta.
Khoảng 50.000 người đã tuần hành ở Jakarta ngày 04/11 để phản đối những bình luận bị xem là xúc phạm đạo Hồi của đô trưởng Thiên Chúa Giáo Basuki Tjahaja Purnama. Đô trưởng Purnama đã xin lỗi về những lời bình luận đó, nhưng những người chống đối ông tiếp tục kêu gọi bắt giam ông chiếu theo luật của Indonesia về báng bổ đạo Hồi.
Ban đầu diễn ra một cách ôn hòa, cuộc biểu tình đã biến thành bạo động, xung đột đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình. Theo cảnh sát Jakarta, một người biểu tình đã chết do lên cơn suyễn, nhưng theo một số trang mạng ở Indonesia thì nạn nhân đã thiệt mạng do hơi cay. Cảnh sát cũng cho biết có 8 binh lính và sĩ quan bị thương nặng, 3 xe quân đội và xe cảnh sát bị đốt cháy, 18 chiếc khác bị hư hại do gạch đá. Mười người bị xem là kích động bạo lực đã bị bắt giữ.
Sau khi đắc cử tổng thống, ông Widodo đã đến Úc vào năm 2014 để dự thượng đỉnh nhóm G20, nhưng chuyến đi dự trù diễn từ ngày 06 đến 08/11 mới thật sự là chuyến viếng thăm song phương chính thức đầu tiên của tổng thống Indonesia tại Úc.
Theo thông báo của bộ Ngoại giao Indonesia, đích thân tổng thống Widodo đã gọi điện cho thủ tướng Úc Malcolm Turnbull để báo tin hoãn chuyến đi. Trong một tuyên bố, thủ tướng Turnbull đã đáp lại rằng ông « lấy làm tiếc » là không được đón tiếp tổng thống Indonesia ngày 06/11, nhưng cho biết rất hiểu rằng ông Widodo cần có mặt trong nước lúc này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161105-tong-thong-indonesia-hoan-di-uc-do-bao-dong-trong-nuoc
Người già Trung Quốc cảm thấy bị xã hội bỏ rơi
Trong tạp chí Thế Giới Đó Đây ngày 05/11/2016, chúng tôi xin giới thiệu các chủ đề : Người cao tuổi Trung Quốc có cảm giác bị xã hội bỏ rơi. Samsung, nhãn hàng được người Nga ưa chuộng 6 năm liên tục. Phóng viên, nghề nguy hiểm ở Afghanistan. Du lịch Ai Cập ảm đạm. Nhiều trẻ em Mỹ nhập viện vì uống thuốc giảm đau có chất gây nghiện quá liều. Vidéo clip « Gangnam style » phiên bản Nhật lập kỷ lục Guinness.
Có nhiều thời gian rảnh rỗi, nhiều người cao tuổi ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, thường tụ tập trong quán cà phê của siêu thị nội thất nổi tiếng Ikea. Thậm chí, nhiều người có thói quen ngồi chơi ở đó cả ngày mà chẳng gọi đồ ăn thức uống. Thói quen này khiến Ikea chẳng kiếm được mấy tiền từ những người cao tuổi và Ikea đã quyết định thay đổi. Người già ở Trung Quốc vốn đã có cảm giác bị xã hội bỏ rơi do tình trạng lão hóa dân số, nay lại càng cảm nhận rõ hơn điều này.
Thông tín viên RFI Angélique Forget tại Thượng Hải kể lại :
« Ở lối vào quán cà phê, hai nhân viên quan sát khay đồ ăn thức uống của khách hàng. Ông Dương 70 tuổi là một khách quen của quán. Nhưng hôm nay, chỉ một ly cà phê thôi là chưa đủ, ông phải gọi thêm một món ăn thì mới được vào ngồi trong quán. Ông chia sẻ : « Đã 5 năm nay, cứ sáng thứ Ba và thứ Năm hàng tuần là tôi đến đây! Tôi với bạn bè tụ tập ở đây vì chúng tôi chẳng có chỗ nào khác để đi. Thế mà bây giờ Ikea lại ép chúng tôi phải chi thêm tiền ».
Nhiều người coi quy định này là sự phân biệt đối xử với người cao tuổi. Trung Quốc hiện đang thiếu cơ sở hạ tầng cho người cao tuổi nên họ cảm thấy ngày càng bị bỏ rơi. Ông Li, 67 tuổi nói : « Tôi cảm thấy cô độc và chẳng có gì để làm. Tôi không thể làm việc nữa, tôi già rồi, chẳng ai muốn tuyển tôi làm việc cả. Có những phòng chơi mạt chược cho người già, nhưng tôi lại không thích chơi mạt chược ».
Tại Trung Quốc, cứ 1.000 người cao tuổi thì mới chỉ 25 chỗ trong trại dưỡng lão. Vì thế, theo luật, con cái phải chăm sóc cha mẹ. Nhưng anh Cố, người sống cùng với bố thấy điều này không công bằng. Anh nói : « Không phải ai cũng làm được như tôi. Có rất nhiều người sống ở thành phố lớn còn cha mẹ họ thì sống ở quê nhà. Nhà nước phải xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho người cao tuổi, chẳng hạn các trại dưỡng lão. Con cái họ phải được quyền chọn lựa ».
Từ nay đến năm 2030, người cao tuổi sẽ chiếm 1/4 dân số Trung Quốc ».
Samsung, nhãn hàng được người Nga ưa chuộng 6 năm liên tục
Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến của Viện Online Market Intelligence của Nga công bố ngày 30/10/2016, Samsung là nhãn hiệu được ưa chuộng nhất tại Nga trong 6 năm liên tục. Về vị trí thứ hai là Adidas, rồi đến Sony. Apple bị tụt một một bậc xuống hạng 4, sau đó là Nike.
Samsung cũng đã đoạt giải Good Design Award 2016 được tổ chức tại Nhật cho dòng sản phẩm tivi thông minh Serif, do hai anh em kỹ sư người Pháp Ronan và Erwan Bouroullec thiết kế, với khung bằng gỗ, nhựa hoặc kim loại, hài hòa với khung cảnh xung quanh, và có thể dùng như một món đồ trang trí nội thất.
Phóng viên, nghề nguy hiểm ở Afghanistan
2016 là năm đặc biệt nguy hiểm đối với nhiều phóng viên tại Afghanistan. Tính từ đầu năm tới giờ, đã có 13 nhà báo thiệt mạng, thêm vào đó bạo lực nhắm vào họ cũng gia tăng. Thế nhưng, các hung thủ lại không hề bị trừng phạt.
Từ Kaboul, thông tín viên RFI Sonia Ghezali kể lại :
« Phóng viên là một nghề nguy hiểm tại Afghanistan. Hassan Sabery là chủ một đài truyền hình tư nhân và một đài phát thanh dành cho phụ nữ có trụ sở tại Kunduz. Thành phố miền đông bắc Afghanistan đã nhanh chóng rơi vào tay quân Taliban vào tháng trước. Ông nói : « Họ vào các phòng làm việc và đập phá trang thiết bị của chúng tôi ».
Nhân viên đã kịp chạy trốn trước khi các phiến quân có vũ trang đến, nên không ai bị thương hay thiệt mạng. Nhưng đây không phải lần đầu tiên nhà báo Hassan Sabery phải đối mặt với chuyện này. Ông chia sẻ : « Xe hơi của tôi đã bị Taliban nhắm bắn, nhưng may mắn thay, các viên đạn đi chệch sang bên cạnh. Tôi đã bị tấn công tổng cộng bốn lần. Nhưng điều tồi tệ là chính phủ chẳng giúp đỡ gì cho chúng tôi cả ».
Trong vòng 15 năm trở lại đây, đã xảy ra 600 vụ tấn công nhắm vào các nhà báo, nhưng không vụ nào được tư pháp điều tra. Nader Nadery là một trong số các cố vấn phủ tổng thống. Ông cho biết : « Cách đây 8 tháng, tổng thống đã cho ban hành một sắc lệnh cho phép lật lại tất cả các hồ sơ này và để chấm dứt việc hung thủ tấn công nhà báo mà không bị trừng phạt. Một ủy ban gồm các thành viên chính phủ và công đoàn nhà báo cùng hợp tác để mở lại các hồ sơ này. »
Trong số 600 trường hợp được ghi nhận, có 60 vụ sát hại nhà báo và hơn 40 vụ tấn công bạo lực và bắt cóc ».
Du lịch Ai Cập ảm đạm
Du lịch vốn rất phát triển ở Ai Cập và là một trong những nguồn thu chủ yếu và đáp ứng khoảng 20% nhu cầu ngoại tệ của nước này.
Thế nhưng, từ vài năm trở lại đây, du lịch Ai Cập đã mất khách do khủng hoảng chính trị kéo dài, kèm theo vụ phế truất cựu tổng thống Hosni Boubarak vào năm 2011. Vào tháng 06/2015, cảnh sát Ai Cập phá được một âm mưu khủng bố gần một điểm du lịch hấp dẫn là đền thờ Karnak Louxor, khi đó bên trong đền thờ đang có tới 600 khách thăm quan. Ba tháng sau đó, 8 du khách Mêhicô thiệt mạng vì bị binh lính Ai Cập bắn nhầm.
Đến ngày 31/10/2015, sự kiện một chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Nga Metrojet bị bắn rơi ở Sinaï, gần khu bãi biển nổi tiếng Charm-el-Cheikh, khiến 224 người thiệt mạng, đã khiến du lịch Ai Cập càng thêm mất mùa. Ngay sau đó, Matxcơva đã hủy các chuyến bay tới Ai Cập, nước Anh cũng hủy các chuyến bay tới Charm-el-Cheikh. Trong khi đó, du khách Nga và Anh chiếm tới 40% du khách nước ngoài ở Ai Cập.
Một năm đã trôi qua kể từ ngày chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Nga Metrojet bị bắn rơi ở Sinaï, du lịch Ai cập vẫn đang ở « điểm chết », khiến nước này thất thu. Trong số ít du khách nước ngoài đến thủ đô Cairo, có một người đến từ Trung Quốc nhân chuyến đi công tác với ông chủ. Anh này chia sẻ không muốn bỏ lỡ cơ hội tới thăm những địa danh nổi tiếng nhất như các kim tự tháp hay phu phố cổ ở Cairo. Còn bộ Ngoại Giao Trung Quốc thì khuyến cáo công dân nước minh không nên tới thăm Sinaï và không đi chơi quá khuya. Theo lời chủ một cửa hàng bách hóa, chẳng có mấy khách du lịch nước ngoài tới đây, và nếu có đến thì họ cũng chẳng mua gì.
Theo các con số chính thức, từ năm 2010 đến năm 2015, số du khách tới thăm Ai Cập đã giảm hơn 50%, từ 15 triệu khách xuống còn 6,3 triệu khách. Năm 2015, doanh thu từ du lịch giảm 15% xuống còn 6,2 tỉ đô la.
Trước đó, vào năm 2013, khi tổng thống Abdel-Fattah al-Sissi lật đổ cựu tổng thống Mohamed Morsi, chính quyền đã tuyên truyền trên nhiều kênh truyền hình nhà nước là « Ai Cập đang chống khủng bố ». Nhưng một nhân viên phục vụ trong một nhà hàng nổi tiếng cho biết để thu hút khách du lịch nước ngoài thì đây là một ý tưởng quá tồi vì « chẳng du khách nào muốn tới Ai Cập nếu biết chúng tôi đang chống khủng bố ».
Tuy nhiên, chính phủ Ai Cập ước tính sẽ thu hút được khoảng 20 triệu khách vào năm 2020. Và để đạt được mục tiêu này, năm 2015, chính phủ đã thông báo kế hoạch tung ra một chiến dịch quảng bá là đất nước đã ổn định trở lại.
Mỹ : Nhiều trẻ em nhập viện vì uống thuốc giảm đau có chất gây nghiện quá liều
Theo công bố của tạp chí Y khoa JAMA Pediatrics, trong vòng 15 năm, từ năm 1997 đến năm 2012, số trẻ nhỏ và thanh thiếu niên nhập viện vì uống thuốc giảm đau có chất gây nghiện quá liều đã tăng gần như gấp đôi.
Đối với các em nhỏ từ 0-4 tuổi, hiện tượng này chủ yếu là tai nạn : Bố mẹ và người thân trong gia đình để thuốc trong tầm tay của các em nhỏ nên các em vô ý uống thuốc. Còn phần lớn các trường hợp nhập viện ở thanh thiếu niên trên 15 tuổi là do các em có ý định tự tử. Một lý do khác là trẻ vị thành viên bị nghiện thuốc giảm đau.
Uống thuốc quá liều là một trong những lý do chính gây tử vong khi một người bị thương. Trên thực tế, điều này xuất phát từ việc bùng nổ việc sử dụng thuốc giảm đau trong dân chúng những năm gần đây. Chính vì thế, chính quyền liên bang Mỹ đã buộc phải gióng hồi chuông báo động về thực trạng nghiện thuốc giảm đau và uống thuốc giảm đau quá liều.
Vidéo clip « Gangnam style » phiên bản Nhật lập kỷ lục Guinness
Vidéo clip « Pen-Peneapple-Apple-Pen » dài 45 giây của DJ Nhật Piko-Taro đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness dành cho bài hát ngắn nhất thế giới. Được trình làng trên Youtube vào tháng 07/2016, vidéo clip này đã được ví như một loại « virus » lan truyền nhanh chóng trên mạng. Fan hâm mộ lớn nhất chính là ca sĩ nổi tiếng Justin Bieber. Ngày 27/09/2016, ngôi sao người Canada có 80 triệu người theo dõi trên trang xã hội Twitter đã viết : « Đây là bài hát yêu thích của tôi trên mạng Internet » kèm theo rất nhiều icon mặt cười.
Từ lâu nay, những thứ kỳ cục chẳng làm ai khó chịu. Không ngoa nếu nói rằng trên Youtube, một thứ vô nghĩa nhất cũng có thể thu hút nhiều người xem và « hái ra tiền ». DJ Kosaka Daimao với biệt danh Piko-Taro hiểu điều đó và đã bắt chước phong cách của người hàng xóm Hàn Quốc Psy trong bài hát « Gangnam style ». Với trang phục họa tiết báo gấm, lời bài hát chẳng làm hại nơ-ron thần kinh của bất cứ ai, phong cách này chẳng giống ai và cũng chẳng khiến ai có thể thờ ơ.
Lời bài hát chỉ có năm câu, tạm dịch là : « Tôi có một cái bút. Tôi có một quả táo. Tôi có một cái bút. Tôi có một quả dứa. Tôi có một cái bút quả dứa ». Minh họa cho lời bài hát là vài cử chỉ và động tác uốn éo người. Ấy thế mà cũng có tới 130 triệu lượt người xem trên Youtube ! Quả đúng là một loại virus ! Nó lan truyền nhanh tới mức nhiều cư dân mạng đã nhại lời bài hát một cách hài hước. Piko-Taro cũng có một phiên bản mới với lời « Một cái chảo, một chút bột, và thế là bạn có một cái bánh Pancake ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161105-nguoi-cao-tuoi-trung-quoc-co-cam-giac-bi-xa-hoi-bo-roi
Cảnh báo về nguy cơ khủng bố quanh ngày bầu cử
Trong khi chỉ còn 3 ngày vận động chót trước khi cử tri Mỹ đi đầu phiếu để bầu chọn vị Tổng thống kế tiếp, chính quyền liên bang đã cảnh báo các giới chức ở New York, Texas và Virginia về những mối đe doạ không được xác định rõ từ al-Qaida quanh ngày bầu cử.
Chính quyền liên bang đã gửi thông báo tới các giới chức địa phương và tiểu bang để cập nhật những thông tin mới nhất. Tại New York, cảnh sát đang thẩm định mối đe doạ, vốn không có chi tiết cụ thể, nhưng cảnh sát đã tăng cường lực lượng để bảo vệ cuộc chạy đua marathon thường niên sẽ được tổ chức vào ngày mai, Chủ nhật 6/11. Cuộc đua này vẫn thu hút hàng chục ngàn người tham gia, và khán giả.
Thống đốc các bang Virginia và Texas cho hay họ đang giám sát tình hình.
http://www.voatiengviet.com/a/canh-bao-ve-nguy-co-khung-bo-quanh-ngay-bau-cu/3582600.html
Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ dưới con mắt của cử tri
“Thành thực” và “đáng tin cậy” không phải là những từ ngữ mà cử tri Mỹ dùng để miêu tả hai ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hoà.
Trong một cuộc thăm dò do Viện Gallup thực hiện trong tuần này, chỉ có 32% cử tri Mỹ dùng những từ vừa kể để miêu tả bà Hillary Clinton, trong khi 36% miêu tả ông Trump bằng những từ ngữ đó.
Các con số này không thay đổi bao nhiêu từ sau cuộc thăm dò tháng 9 vừa rồi, theo đó 34% cử tri được thăm dò tin rằng bà Clinton là người thành thật và đáng tin cậy. Về phần ông Trump con số này là 33%.
Tuy vậy, Viện Gallup cho biết rằng 50% người Mỹ tin là bà Clinton “có khả năng phán đoán tốt trong một cuộc khủng hoảng”, so với chỉ có 36% tin tưởng ông Trump có óc phán đoán tốt trong tình huống ấy.
Nhiều cử tri Mỹ tỏ ra kinh ngạc vì khoảng cách biệt quá gần giữa hai ứng cử viên Tổng thống cho thấy cuộc đua rất sít sao ngay tại thời điểm này. Theo lẽ thông thường thì chính khách có nhiều năm kinh nghiệm phải bỏ xa ông tỷ phú có tính tự cao tự đại, nhưng những vụ tai tiếng về vấn đề email bên bà Clinton, và những phát biểu khiếm nhã của ông Trump về phụ nữ, người Mỹ gốc Phi, người Châu mỹ La tinh, người tàn tật và cả những người trong đảng Cộng hoà của ông, dường như vẫn gây nghi ngại nơi cử tri, khiến cho nhiều người phải xét lại sự lựa chọn ban đầu của mình.
Cả hai ứng cử viên hôm nay (thứ Bảy 5/11) đều đi vận động ở Florida, một trong những tiểu bang quan trọng có thể quyết định kết quả bầu cử.
Theo chương trình đã định, ông Trump lẽ ra sẽ xuất hiện ở New Jersey cùng với Thống đốc Chris Christie trong ngày thứ Bảy, nhưng sự kiện này đã bị huỷ bỏ sau khi hai phụ tá hàng đầu của ông Thống đốc Christie bị kết án về tất cả các tội danh bị cáo buộc về vai trò của họ trong vụ tai tiếng đóng làn xe trên cầu George Washington.
Bà Clinton sẽ chủ trì một chương trình âm nhạc với nữ ca sĩ Katy Perry ở Philadelphia. Ứng cử viên của đảng Dân chủ sẽ trở lại thành phố này vào ngày thứ Hai để tham gia cuộc mít tinh có sự có mặt của 3 nhân vật mà hợp lại là một sự ‘hội tụ hoàn hảo’ để có thể thuyết phục cử tri. 3 nhân vật đó là Tổng Thống Obama, Đệ nhất Phu nhân Michelle và cựu Tổng thống Bill Clinton.
Hôm thứ Sáu bà Clinton xuất hiện trên sân khấu ở Trung tâm Wolstein của Cleveland với ngôi sao hip hop Jay Z và vợ, nữ danh ca Beyonce. Tại đây bà Hillary Clinton nói với đám đông:
“Chúng ta có những công việc cần phải hoàn tất, nhiều rào cản phải tháo bỏ, và với sự giúp đỡ của quý vị, bứt phá những giới hạn không cho phép phụ nữ tiến lên, lần này, để mở ra con đường cho tất cả.”
Nữ ca sĩ Beyonce nói cô muốn con gái mình “lớn lên và chứng kiến một phụ nữ lãnh đạo đất nước, và biết rằng bé có thể thực hiện bất cứ điều gì mà không gặp phải hạn chế nào”.
Tại cuộc tập hợp đó, Jay Z nói những phát biểu của ông Trump gây chia rẽ và đó là lý do mà theo danh ca hip hop này, “ông Trump không thể trở thành Tổng thống của chúng ta”
Trước đó tại một cuộc tuần hành ở Hershey, bang Pensylvania, ông Trump chế giễu đối thủ khi nói với đám đông: “Tôi không phải mang theo Jennifer Lopez hay Jay Z. Tôi tới đây một mình.”
Ông Trump nói bà Clinton đang bị các vấn đề pháp lý vây bủa, và nếu bà đắc cử, nước Mỹ có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Về phần mình, bà Clinton nói nếu đối thủ của bà bên Đảng Cộng hoà thắng cử, thì kết quả đó sẽ tạo ra một tình trạng bất định nguy hiểm trên khắp thế giới, thay vì một tương lai đầy hy vọng mà bà đã vạch ra cho đất nước.
Trong khi còn chưa đầy 100 giờ đồng hồ nữa trước ngày bầu cử, các cuộc thăm dò cho thấy khoảng cách biệt giữa ứng cử viên dẫn đầu và đối thủ đang thu hẹp dần. Bà Clinton vẫn dẫn trước ông Trump đôi chút trên toàn quốc, nhờ khối ủng hộ viên nữ và thuộc các nhóm sắc tộc.
Phân tích chi tiết vị thế hiện nay của hai ứng cử viên tại các bang chiến trường, nơi mà số phiếu cử tri đoàn có thể quyết định ai thắng ai thua sau khi đã kiểm tất cả các phiếu vào khuya ngày thứ Ba tới, tờ The Washington Post kết luận: “Bản đồ bầu cử rõ rệt đang nghiêng về hướng ông Trump.”
http://www.voatiengviet.com/a/hai-ung-cu-vien-tong-thong-my-duoi-con-mat-cua-cu-tri/3582548.html
Bầu cử Tổng thống Mỹ – Những điều cần biết
Hiến pháp Mỹ quy định, ứng cử viên Tổng thống phải là một công dân sinh ra ở Mỹ, 35 tuổi trở lên và sống ở Mỹ ít nhất 14 năm. Nếu hội đủ các tiêu chuẩn này, các cá nhân cần phải đăng ký tư cách ứng cử viên và đăng ký ban vận động tranh cử với Ủy ban Bầu cử Liên bang. Sau đó, phải đảm bảo rằng tên của cá nhân đăng ký có trên lá phiếu của mỗi tiểu bang.
Theo luật Liên bang, các ứng cử viên có thể nhận tiền cho chiến dịch tranh cử từ các cá nhân, một chính đảng, một ủy ban hành động chính trị hoặc chính phủ liên bang. Một cách khác ít bị luật pháp ràng buộc hơn là thông qua các Ủy ban Hành động Chính trị (Super PAC).
Một phần không thể thiếu trong mỗi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là các cuộc tranh luận. Sau những cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên, tỉ lệ ủng hộ của mỗi người có thể lên hoặc xuống, tùy thuộc vào quan điểm của họ về kinh tế, chính sách đối ngoại, hay các vấn đề xã hội.
Quá trình chọn lựa Tổng thống chính thức bắt đầu với cuộc bầu cử sơ bộ khi mỗi đảng chọn ra một người được đề cử. Mỗi bang sẽ tổ chức một cuộc họp bầu riêng. Bầu cử sơ bộ cũng giống như các cuộc bầu cử thông thường, cử tri đến bỏ phiếu ở phòng phiếu. Một ngày quan trọng là Super Tuesday (Siêu thứ Ba) khi rất nhiều bang cùng tổ chức bầu cử sơ bộ vào ngày này. Người được đề cử chính thức của mỗi đảng để chạy đua vào Tòa Bạch Ốc sẽ được công bố vào ngày Đại hội Đảng Toàn quốc.
Kể từ năm 1852, mỗi Tổng thống Mỹ đều là thành viên của một trong hai chính đảng lớn: Dân chủ và Cộng hòa. Hai đảng này có xu hướng phản ánh quan điểm chính trị tương đối ôn hòa. Ngoài ra, còn có một số đảng khác nhỏ hơn bao gồm Đảng Tự do, Đảng Hiến pháp, Đảng Xã hội, hoặc Đảng Xanh, và thậm chí có cả các ứng cử viên độc lập, không liên kết với đảng nào. Những đảng này không lớn nhưng có thể có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử bằng cách lấy bớt phiếu từ ứng cử viên của hai đảng lớn.
Sau khi mỗi đảng xác định được ứng cử viên tranh cử Tổng thống, các ứng cử viên sẽ chọn một người đồng tranh cử. Hai cặp ứng cử viên này sẽ vận động quyết liệt trên toàn quốc để chuẩn bị cho ngày tổng tuyển cử vào tháng 11.
Vào ngày tổng tuyển cử, các cử tri có đăng ký sẽ đến những điểm bỏ phiếu ở địa phương để bầu chọn Tổng thống. Mặc dù lá phiếu của cử tri rất quan trọng, nhưng theo nguyên tắc, Tổng thống sẽ được quyết định bởi một hệ thống gọi là đại cử tri đoàn, bao gồm các đại biểu được phân bổ dựa trên kết quả bầu cử ở mỗi bang. Bang đông dân sẽ có nhiều đại biểu hơn các bang thưa dân. Để dành chiến thắng, một ứng cử viên phải dành được đa số hoặc ít nhất 270 phiếu đại cử tri. Các tân Tổng thống sẽ chính thức nhậm chức vào cuối tháng Giêng năm sau.
Những dấu mốc thời gian của bà Hillary Clinton:
Bà Hillary Clinton sinh năm 1947 ở Chicago. Bà tốt nghiệp trường Cao đẳng Wellesley năm 1969 và trường Luật thuộc Đại học Yale năm 1973. Bà làm đám cưới với ông Bill Clinton năm 1975 và sinh con gái Chelsea năm 1980.
Năm 1993, bà Hillary Rodham Clinton trở thành Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ. Năm 1997, bà khởi xướng Chương trình Bảo hiểm Y tế Trẻ em nhằm hỗ trợ trẻ em có cha mẹ không đủ khả năng tài chính chi trả chi phí y tế cho con mình.
Từ năm 2001 đến năm 2009, bà Hillary giữ vai trò thượng nghị sĩ và nắm chức vụ Ngoại trưởng Hoa Kỳ từ năm 2009 đến năm 2013. Năm 2014, bà ra mắt cuốn tự truyện “Hard Choices” và chính thức tuyên bố tranh cử Tổng thống vào ngày 12 tháng 4 năm 2015.
Những dấu mốc thời gian của ông Donald Trump:
Ông Donald Trump sinh năm 1946 tại Thành phố New York và lấy bằng cử nhân kinh tế năm 1968. Năm 1971, ông Trump tham gia vào những dự án xây dựng lớn tại Manhattan và áp dụng các thiết kế kiến trúc hấp dẫn để thu hút sự chú ý của công chúng.
Năm 1988, ông Trump mua lại Taj Mahal Casino sau một thương vụ với Merv Griffin và Resorts International, dẫn tới một khoản nợ lớn khiến công ty của ông phá sản vào năm 1991. Năm 1999, ông Trump hưởng một khoản thừa kế lớn lên đến hàng trăm triệu đôla từ người cha quá cố. Ông Donald Trump khánh thành Trump World Tower đối diện Trụ sở Liên Hiệp Quốc năm 2001.
Từ 1996 đến 2015, ông Trump nắm một phần sở hữu của các cuộc thi Miss Universe (Hoa hậu Hoàn Vũ), Miss USA (Hoa hậu Mỹ), Miss Teen USA (Hoa hậu Thiếu niên Mỹ). Năm 2003, ông Trump trở thành giám đốc sản xuất và người dẫn chương trình truyền hình thực tế The Apprentice (Nhân viên Tập sự) của đài NBC.
Mặc dù chưa từng tham gia chính trường nhưng ông Donald Trump chính thức tuyên bố tranh cử Tổng thống vào ngày 16 tháng 6 năm 2015.
http://www.voatiengviet.com/a/bau-cu-tong-thong-my-nhung-dieu-can-biet/3581736.html
Bộ Lao động: Kinh tế Mỹ vẫn chưa tăng trưởng mạnh
Báo cáo về tình hình thất nghiệp cuối cùng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8 tháng 11 cho thấy trong tháng 10, các doanh nghiệp tạo thêm 161.000 việc làm mới ngoài lĩnh vực nông nghiệp, đẩy tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 4,9 phần trăm từ mức 5 phần trăm trong tháng 9.
Phúc trình của Bộ Lao động thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế. Họ dự đoán trong một cuộc khảo sát của Bloomberg rằng 178.000 việc làm mới sẽ được tạo ra trong tháng 10.
Con số việc làm mới trong tháng 10 cũng kém hơn con số trong chín tháng đầu năm 2016, khi trung bình mỗi tháng có 178.000 việc làm được tạo ra.
Phúc trình mới nhất của Bộ Lao động là một chỉ dấu cho thấy nền kinh tế phát triển bền vững nhưng chưa tăng trưởng mạnh. Thị trường lao động ổn định hơn dường như đã khiến mức tiền lương tăng, với lương theo giờ trung bình tăng 10 cent lên mức 25,92 đôla. Mức tiền lương hiện nay cao hơn 2,8 phần trăm so với một năm trước, là mức tăng 12 tháng lớn nhất trong bảy năm qua.
Nhưng mức lương cao hơn và tỉ lệ thất nghiệp tương đối thấp chỉ là một phần trong bức tranh kinh tế tổng thể. Có 7,8 triệu người thất nghiệp tại Mỹ và con số này không biến động nhiều kể từ tháng 8 năm 2015.
http://www.voatiengviet.com/a/bo-lao-dong-kinh-te-my-van-chua-tang-manh/3581247.html
Tin nói Mỹ
đặt hệ thống radar SBX ở ngoài khơi Bắc Triều Tiên
Radar Băng tần X trên biển (SBX), một trong những đơn vị radar băng tần X lớn nhất và tinh vi nhất thế giới, đã được điều tới vùng biển ngoài khơi Bắc Triều Tiên vào cuối tháng 9. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức quân đội nước này cho biết như vậy vào ngày 1 tháng 11.
“Radar Băng tần X đã được điều đến một địa điểm bí mật ngoài khơi bán đảo Triều Tiên để triển khai trong khoảng thời gian một tháng sau khi rời Hawaii vào cuối tháng 9,” quan chức này nói với Yonhap. “Nó sẽ cập cảng ở Mỹ vào cuối tháng 10,” ông nói thêm.
Dù chưa có thông tin chi tiết nào được công bố về sứ mệnh của SBX ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, radar này được thiết kế để phát hiện và theo dõi phi đạn đạn đạo tầm xa và hỏa tiễn.
Nếu SBX có thể thu thập dữ liệu từ những vụ phóng phi đạn đạn đạo tầm trung hồi gần đây của Bắc Triều Tiên thì thông tin này có thể được sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động và phạm vi của những phi đạn.
Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s cho biết một phát ngôn viên của Văn phòng Công vụ Hàn Quốc-Lực lượng Hoa Kỳ từ chối xác nhận bản tin về SBX vì “những lý do về hoạt động và an ninh.”
Biểu tình ở Úc bênh vực/phản đối người tị nạn
Hàng trăm người tụ tập tại thành phố Melbourne của Australia hôm thứ Bảy sau khi một kế hoạch đề nghị cho người tị nạn tạm trú tại địa phương làm dấy lên các cuộc biểu tình đối nghịch, giữa một bên ủng hộ và bên chống đối kế hoạch này.
Những người biểu tình thuộc các nhóm chống Hồi giáo nói rằng họ phản đối kế hoạch cho 120 người tị nạn từ Syria và Iraq định cư tại một cơ sở dành cho người cao niên tại khu xóm Eltham.
Những người biểu tình chống di dân mang quốc kỳ Úc tuần hành gần công viên Andrew của Eltham. Sự hiện diện của cảnh sát đã giúp cách ly hai nhóm biểu tình để tránh xảy ra xung đột.
Những người ủng hộ người tị nạn thuộc nhóm “Welcome to Eltham”, mang theo các biểu ngữ nhiều màu sắc trên đó có hàng chữ: “Eltham đồng ý, chào đón người tị nạn”
Báo Sydney Morning Herald tường thuật rằng dân địa phương thảo luận về ý kiến cho người tị nạn định cư tại cơ sở dành cho người cao niên St. Vincents, nhưng đa số cư dân bất bình về chuyện những người đến từ các khu vực khác đổ về Eltham để biểu tình.
Australia theo đuổi một chính sách di trú gắt gao, những người tị nạn tìm cách đến lục địa Úc đã bị gửi sang các trại tạm trú trên đảo Nauru hoặc Papua New Guinea trong khi chờ đợi hồ sơ tị nạn của họ được chấp thuận, hay bác bỏ.
Năm 2015, chính phủ Úc loan báo đề nghị chấp nhận 1 lần 12,000 người tị nạn đã đào thoát các khu vực diễn ra xung đột như Iraq và Syria.
Nhưng tuần trước, các giới chức loan báo kế hoạch cấm nhập cảnh vĩnh viễn những người tìm cách thâm nhập lãnh thổ Úc bằng tàu.
Tại Sydney, một số người biểu tình để đòi đóng các trung tâm tạm giam của Bộ di trú, những nơi bị các tổ chức bênh vực nhân quyền chỉ trích nặng nề là không phù hợp cho sức khoẻ của những người bị tạm giam, nhất là trẻ em.
Theo các số liệu của Bộ Di trú, tính cho tới ngày 31/8 năm nay, có gần 1580 người tị nạn bị cầm giữ trên đảo Manus và đảo Nauru. Trong số này có 1382 đàn ông, 114 phụ nữ và 98 trẻ em.
http://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-o-uc-benh-vuc-phan-doi-nguoi-ti-nan/3582627.html
Trung Quốc phóng rocket mới có lực đẩy mạnh
Truyền thông nhà nước cho biết Trung Quốc đã phóng rocket mới Trường Chinh 5 có sức đẩy mạnh, chuyển một khối lượng lớn lên quỹ đạo trái đất trong một nỗ lực mới tăng tiến chương trình thám hiểm không gian của nước này.
Việc phóng diễn ra sau khi Trung Quốc bắt đầu một phi vụ vào không gian có người điều khiển dài nhất trong tháng qua bằng cách gửi hai phi hành gia lên một phòng thí nghiệm không gian và cư ngụ tại đây trong một tháng. Việc này nằm trong khuôn khổ của một kế hoạch rộng lớn hơn thiết lập một trạm không gian thường trực có người điều khiển sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022.
Tân Hoa Xã nhà nước nói rocket này, lớn hơn những phiên bản trước của rocket Trường Chinh của Trung Quốc, được phóng vào tối thứ Năm tại một bệ phóng thuộc tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc. Việc phóng này nhằm kiểm tra thiết kế và hoạt động của rocket.
Chương trình không gian tiên tiến là ưu tiên của Trung Quốc và Bắc Kinh cho rằng chương trình này nhằm mục đích hòa bình.
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-phong-rocket-moi-co-luc-day-manh/3581748.html
Myanmar: Tự do ngôn luận bị đe dọa
Các quan sát viên nhân quyền nêu quan ngại về tự do báo chí tại Myanmar sau khi một ký giả tại một nhật báo tiếng Anh cho biết bà bị sa thải sau khi chỉ trích chính phủ về những vụ cưỡng hiếp do binh sĩ Myanmar gây ra.
Bạo động tại tiểu bang Rakhine nhiều xáo trộn ở miền bắc, khởi sự bằng những cuộc tấn công chết người tại các chốt cảnh sát biên phòng ngày 9 tháng 10 vừa qua, đã gây nên cuộc khủng hoảng lớn nhất cho nhà lãnh đạo trên thực tế Aung San Suu Kyi sau 7 tháng cầm quyền.
Quân đội đổ vào vùng này sau những cuộc tấn công mà chính phủ nói rằng do những người Hồi giáo thiểu số có liên hệ với những phần tử hiếu chiến Hồi giáo nước ngoài thực hiện.
Hoạt động của quân đội đã làm tăng thêm căng thẳng giữa chính quyền dân sự của bà Suu Kyi và quân đội vốn đã cai trị đất nước trong nhiều thập niên và vẫn còn giữ những quyền hành trọng yếu kể cả việc kiểm soát các bộ chịu trách nhiệm về an ninh.
Uỷ ban bảo vệ Ký giả quốc tế cho hay các phóng viên nỗ lực tường trình về xáo trộn tại Rakhine đang bị cản trở và quấy nhiễu.
Nhà cầm quyền Myanmar không cho phép ký giả nước ngoài đến khu vực này và truyền thông quốc tế không được mời tháp tùng với các nhà ngoại giao cao cấp đến thăm nước này trong tuần, cho dù truyền thông nhà nước được tiếp cận hoàn toàn.
Ông Zaw Htay, phát ngôn viên của Tổng thống Htin Kyaw, nói tin tức về bạo động tình dục, giết hại không qua xét xử, và bắt bớ tùy tiện do binh sĩ thực hiện là do những người âm mưu với phe nổi dậy ngụy tạo ra.
Uỷ ban Bảo vệ Ký giả đặc biệt quan tâm đến phản hồi của ông Zaw Htay về một bản tin ngày 27 tháng 10 trên báo Myanmar Times cáo buộc về nhiều vụ hiếp dâm tập thể của binh sĩ Myanmar.
Reuters cũng đưa tin về những cáo buộc này và phỏng vấn 8 phụ nữ tố cáo bị binh sĩ hiếp dâm.
Ông Zaw Htay than phiền về tin này và chỉ trích biên tập viên điều tra đặc biệt Fiona MacGregor trên trang Facebook của ông.
Ngày thứ Sáu, bà McGregor nói với Reuters là vài ngày sau đó bà được ban quản lý tờ báo cho biết bà bị đuổi vì làm tổn hại đến thanh danh của tờ báo
Trong khi đó, ông Zaw Htay nói chính phủ không có gì phải che dấu cả.
Báo Myanmar Times không trả lời yêu cầu đưa ra bình luận nhưng kể từ đầu tuần tới nay, tờ báo này không đăng bất cứ tin tức gì về cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine cả.
http://www.voatiengviet.com/a/myanmar-tu-do-ngon-luan-bi-de-doa/3581399.html
Biểu tình chống đô trưởng Indonesia
biến thành bạo động
Một cuộc biểu tình đông đảo chống lại đô trưởng Jakarta, thủ đô của Indonesia, đã biến thành bạo động vào tối thứ Sáu khi người biểu tình đốt xe cảnh sát và cảnh sát đáp lại bằng hơi cay và vòi rồng.
Hơn 50.000 người tuần hành để phản đối đô trưởng Jakarta, ông bị cáo buộc là đã xúc phạm Hồi giáo khi ông chỉ trích các đối thủ đã dùng kinh Koran trong chiến dịch của họ chống lại ông.
Đô trưởng Basuki Tjahaja Purnama, thường được gọi là Ahok, đã xin lỗi về những phát biểu của mình, nhưng nhiều người vẫn kêu gọi bắt giữ ông theo luật báng bổ tôn giáo nghiêm khắc của Indonesia.
Cuộc biểu tình phần lớn diễn ra một cách ôn hòa, và dường như đang có dấu hiệu sẽ giải tán vào lúc hoàng hôn khi nhiều người thuộc phe bảo thủ, mặc trang phục màu trắng của các thành phần cực đoan Indonesia, chen lên hàng đầu, ném đá và chai nước, đồng thời phóng hỏa xe cảnh sát tại nơi chỉ cách dinh tổng thống vài mét.
Tổng thống Joko Widodo đã gặp giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo trước đó trong tuần để lên án tình trạng bạo lực trong khi cảnh sát tìm cách xoa dịu căng thẳng tôn giáo bằng cách kêu gọi nên giữ bình tĩnh trên mạng xã hội.
Cảnh sát đã triển khai 18.000 cảnh sát trên khắp thành phố để ứng phó với cuộc biểu tình đã được lên lịch từ trước.
Quân đội Indonesia cho biết sẽ sẵn sàng yểm trợ cảnh sát. Máy bay trực thăng bay thấp bên trên các cuộc biểu tình đêm thứ Sáu trong khi cảnh sát sử dụng hơi cay, vòi rồng và dùi cui.
Những cuộc biểu tình bày tỏ tình đoàn kết cũng được tổ chức tại nhiều thành phố trên khắp nước hôm thứ Sáu.
http://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-chong-do-truong-indonesia-bien-thanh-bao-dong/3581267.html
Indonesia trấn áp
cuộc biểu tình của phe Hồi giáo cực đoan
Cảnh sát Indonesia ngày 4/11 đàn áp cuộc biểu tình của hàng ngàn người Hồi giáo cực đoan với hơi cay và vòi rồng. Người biểu tình yêu cầu thống đốc Jakarta, một tín đồ Cơ Đốc Giáo, phải từ chức vì xúc phạm Hồi giáo.
Phát ngôn viên của cảnh sát cho biết có 1 người thiệt mạng và 12 người khác bị thương.
Indonesia là nước có đông dân số theo Hồi giáo nhất trên thế giới, nhưng đa số theo hình thức Hồi giáo ôn hòa, và các cuộc biểu tình quy mô như thế này ít khi xảy ra.
Phe chỉ trích nói rằng cuộc biểu tình được một tổ chức cực đoan dàn dựng nhằm gây căng thẳng chính trị trước cuộc bầu chọn thống đốc Jakarta vào tháng 2 và rằng sở dĩ biểu tình lan rộng là vì chính phủ không kìm chế được.
Cảnh sát cho biết số người biểu tình tại trung tâm Jakarta lên đến khoảng 150.000 người vài giờ sau những buổi cầu nguyện thứ Sáu và tập trung quanh dinh Tổng thống Joko Widodo.
Vào xế chiều, đám đông trở nên hỗn loạn và ném đá vào cảnh sát. Có hai chiếc xe bị đốt và một đám cháy bùng phát gần Đài Tưởng niệm Quốc gia trong thành phố.
Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay và vòi rồng. Đến nửa đêm hầu hết những người biểu tình bỏ đi.
Tuy nhiên, hàng trăm người cho biết sẽ cắm trại qua đêm bên cạnh tòa nhà quốc hội. Trong khi đó, ở phía bắc thủ đô, tin tức cho hay xảy ra một vụ đụng độ giữa cảnh sát và vài chục người biểu tình. Tin trên truyền thông xã hội cho thấy có một tiệm tạp hóa bị cướp phá.
Tổng thống Widodo nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo sau nửa đêm: “Chúng tôi thấy các chính trị gia đang lợi dụng tình thế”, ám chỉ đến vụ bạo động mà ông nói là xảy ra sau khi cuộc biểu tình đã giải tán.
Nhiều người biểu tình mặc áo dài và đội mũ Hồi giáo, kêu gọi thống đốc Basuki Tjahja Purnama từ chức. Là một người theo Cơ Đốc Giáo và là chính trị gia gốc Trung Quốc đầu tiên lãnh đạo thành phố Jakarta 10 triệu dân, ông Purnama đang tái tranh cử, chạy đua với 2 ứng viên Hồi giáo khác.
Người gốc Hoa chiếm hơn 1% dân số 250 triệu người tại Indonesia và thường không tham gia chính trường.
Trong quá khứ, người thiểu số gốc Hoa tại Indonesia là nạn nhân bị đàn áp và bạo lực, đặc biệt trong thời kỳ xáo trộn chính trị và xã hội làm tê liệt Indonesia khi cựu Ttổng thống Suh
http://www.voatiengviet.com/a/indonesia-tn-ap-cuoc-bieu-tinh-cua-phe-hoi-giao-cuc-doan/3581395.html
Pháp dẹp trại tạm cư ở bắc Paris
Cảnh sát và giới chức thành phố ở mạn bắc thủ đô Paris hôm thứ Sáu đã di dời hàng trăm di dân khỏi một trại tạm cư mà gần đây đã biến thành một thách thức mới đối với chính phủ Pháp.
Di dân đã được đưa lên xe buýt tới những nơi trú ẩn tạm thời để làm thủ tục trong một chiến dịch bắt đầu từ trước bình minh ngày thứ Sáu, theo Cảnh sát Paris.
Những nhóm cứu trợ cho biết khoảng từ 2.000 tới 3.000 di dân đã cắm trại ở khu vực này trong những tuần gần đây.
Dù nhà chức trách thường xuyên di tản di dân cắm trại ở Paris, vấn đề này đã được quan tâm nhiều hơn kể từ khi chính phủ đóng cửa một trại tạm cư rộng lớn ở Calais vào tuần trước và di dời hàng ngàn di cư tới những trung tâm tiếp nhận tạm thời.
Một số di dân ở Calais đã chạy về Paris, gặp những người khác đến từ Ý sau khi thực hiện hành trình vượt biển nguy hiểm từ Trung Đông và Châu Phi.
http://www.voatiengviet.com/a/phap-dep-trai-tam-cu-o-bac-paris/3581254.html