Học vấn của người Việt ở Mỹ thấp hơn các sắc dân khác?
1-11-2016
Hình minh họa.
Trong một bài viết trên trang web của Viện Chính sách Di dân Hoa Kỳ cho biết, những người nhập cư Việt Nam có trình độ học vấn hơi thấp hơn so với những sắc dân khác và người Mỹ bản địa. Trong năm 2014, khoảng 25% người nhập cư Việt (tuổi từ 25 trở lên) có bằng cử nhân hoặc cao hơn, so với 29% dân số của những người nhập cư nước ngoài khác và 30% của người Mỹ.
Cũng theo bài viết trên, những người nhập cư Việt tham gia tầng lớp lao động cao hơn so với các sắc dân khác và người Mỹ bản địa. Trong năm 2014, khoảng 67% người nhập cư Việt (tuổi từ 16 trở lên) tham gia lực lượng lao động dân sự, so với 66% của tất cả những người nhập cư và 62% của người dân bản địa.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Cường Nguyễn, Hiệu trưởng trường Đào tạo Kỹ sư thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ cho biết, không chỉ người nhập cư, mà chính những người Việt thế hệ thứ hai được sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ đôi lúc cũng chưa thật sự nhận thức được tầm quan trọng của việc học.
Ông nói: “Tôi thấy thế hệ thứ hai thì họ không phải đi ra khỏi Việt Nam trong thời kỳ sau chiến tranh thì họ có ỷ y hơn, là nhiều người họ không nghĩ là phải đi học, bởi thế nó cũng bị ảnh hưởng lây. Họ không như thế hệ đầu là vấn đề phải sinh sống, phải có bằng cử nhân hoặc thạc sĩ để sinh sống; còn các con em ở bên này họ thấy đủ quá, họ nghĩ rằng rất là đầy đủ, họ nghĩ rằng đôi lúc cái vấn đề đi học đại học không có cần thiết. Đó là chuyện ưu tư rất nhiều cho các phụ huynh bên này cho các con em vì các con em không thấy vấn đề quan trọng để đi học đại học. Họ nghĩ rằng trước sau gì cũng tốt thôi, không cần thiết lắm. Thay vì thế hệ đầu nghĩ đó là cái quan trọng nhất.”
Trong khi đó, chị Katherine, hiện đang công tác tại tập đoàn truyền thông Zeni Max, cho biết khi chuyển đến Mỹ sinh sống, chị thậm chí không biết một chữ tiếng Anh nào, chị lao vào học và nỗ lực làm việc để được đề bạt lên các cấp cao hơn. Chị cho biết: “Làm gì thì làm cũng phải học mới có bằng cấp, người ta mới cho mình lên tới chức cao được, chứ không có bằng cấp thì cũng đâu có làm gì được.”
Đối với gia đình chị Katherine, những người thuộc thế hệ thứ 2 tại Mỹ đều chú trọng việc học và có bằng cấp cao cũng như công việc ổn định. Chị tâm sự: “Mấy đứa cousin (họ hàng) thế hệ thứ 2 đó là 1 đứa bác sĩ, 2 đứa luật sư, 1 đứa học pharmacy (dược), một đứa học CPA (kế toán viên). Tụi nó bây giờ khoảng 25-26 tuổi, tụi nó sinh đẻ ở đây đó, tụi nó ham học lắm. Because (bởi vì) mình nói với nó là nếu ở đây không có bằng cấp là không có làm gì được hết trơn đó. Bây giờ cái bằng 4 năm là không có làm gì được hết. Phải bằng master hoặc PhD.”
Giáo sư Cường nói nếu người Việt nhập cư không chú trọng học hành để lấy bằng cấp thì khi hòa nhập vào xã hội Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn hơn khi làm việc và thăng tiến. Để thay đổi tình trạng học vấn này thì cần phải có sự giáo dục từ ngay trong chính gia đình mỗi cá nhân.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng chỉ có vấn đề dạy dỗ trong gia đình từ nhỏ đến lớn. Có nghĩa là mình phải khuyên các con em của mình rằng vấn đề giáo dục có bằng cấp rất quan trọng cho tương lai tại vì đó là cái chìa khóa cho sự thành công trong đời. Có nghĩa rằng mình không chỉ đủ ăn đủ uống nhưng mà nghĩ rằng muốn phát triển trí tuệ hay là muốn có thành công nhiều hơn thì vấn đề đi học để có bằng là quan trọng nhất.”
Mặc dù có sự so sánh, nhưng sự khác biệt giữa các con số không nhiều và có thể những người nhập cư nước khác có bằng cử nhân cao hơn, nhưng điều quan trọng hơn vẫn là phẩm chất của con người đó như thế nào.
Vị hiệu trưởng này chia sẻ: “Mặc dầu không có bằng cử nhân, chỉ có bằng 2 năm thôi thì tôi nghĩ rằng theo đức tính của người Việt Nam cần cù và siêng năng thì vấn đề trong tương lai, không có bằng cử nhân thì họ cũng kiếm đủ thì giờ trong thời gian đi làm việc để kiếm được bằng cử nhân để có thể làm lãnh đạo trong tương lai.”
Giáo sư cũng đưa ví dụ về trường hợp một sinh viên từ Đà Nẵng, Việt Nam, nhận học bổng của Trường Đại học Công giáo để sang Mỹ học tập. Sinh viên Nghĩa lớn lên trong một gia đình nghèo và sang Mỹ học từ năm 2010. Trong quá trình học tập, ngoài việc nỗ lực để đạt kết quả tốt, sinh viên này cũng cố gắng đi làm thêm kiếm tiền để phụ giúp bố trả nợ những khoản tiền vay mượn để cho con đi học. Với những phẩm chất cần cù và thông minh của người Việt, sau 6 năm học tập tại Mỹ, anh Nghĩa sẽ trở thành một Tiến sĩ vào tháng 5 tới. Theo VOA