Nguy cơ của thuyền viên Việt trước nạn hải tặc

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nguy cơ của thuyền viên Việt trước nạn hải tặc
25 tháng 10 2016
Câu chuyện của thủy thủ Việt Nam bị hải tặc Somalia bắt

Việc ba thuyền viên Việt Nam bị hải tặc Somalia bắt giữ tại hơn bốn năm rưỡi vừa được trả tự do cho thấy lao động Việt đánh cá cho Đài Loan gặp nhiều nguy cơ.

26 thủy thủ bị bắt cùng con tàu đánh cá Đài Loan FV Naham 3 vào năm 2012, trong đó có ba người Việt Nam và các thủy thủ quốc tịch Philippines, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia và Đài Loan.

Báo Tuổi Trẻ tại Việt Nam tường thuật ba thủy thủ Việt Nam có trong nhóm bị bắt cóc gồm: Nguyễn Văn Hạ (sinh năm 1981, ở Hà Tĩnh), Phan Xuân Phương (sinh năm 1989, ở Nghệ An), Nguyễn Văn Xuân ( sinh năm 1981, ở Hà Tĩnh).

Các thủy thủ nói với BBC họ phải sống nhờ vào “thịt chuột” và chỉ được cho một lít nước uống mỗi ngày. Họ được trả tự do hôm thứ Bảy 22/10 sau một số tiền chuộc.

Một nhóm thủy thủ bị hải tặc Somalia bắt làm con tin gần 5 năm đã sống sót nhờ ăn thịt chuột, một người sống sót nói.

Thủy thủ Arnel Balbero người Philippines nói họ chỉ được cho một lượng nước rất nhỏ và cảm thấy như “xác sống” vào lúc gần cuối.

26 thủy thủ đã bị bắt cùng với con tàu của họ năm 2012, giờ cuối cùng cũng được thả.

Họ được trả tự do hôm thứ Bảy 22/10, ssau khi chủ tàu trả tiền chuộc cũng như các nhóm thương thuyết với hải tặc, truyền thông Đài Loan nói.

“Hãn hữu”

Nói với BBC Tiếng Việt từ Đài Bắc, ông Trần Duy Hải, chủ nhiệm văn phòng kinh tế- Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết: “Họ [các thủy thủ] đi thẳng về Việt Nam chứ không đi qua Đài Loan”.

“Vì sự việc có liên quan đến tàu Đài Loan nên chúng tôi cũng đã liên hệ với các cơ quan chức năng của Đài Loan, liên hệ với các chủ tàu để yêu cầu người ta có biện pháp cụ thể giải thoát con tin,” ông Hải đề cập đến sự việc này khi xảy ra vào năm 2012.

“Cả bộ ngoại giao, cục lãnh sự cũng yêu cầu chúng tôi làm việc với chủ tàu và đơn vị quản tàu để giải cứu con tin,” ông Hải nói nhưng thừa nhận các ông “không thể can thiệp gì” trong quá trình đàm phán giải cứu con tin.

thuyền viênImage copyrightSTRINGER / GETTY IMAGES
Image captionCác thủy thủ vui mừng khi được trả tự do và bay về từ sân bay Nairobi, Kenya

Ông bình luận sự cố bị hải tặc bắt là “không lường trước được” và “hãn hữu”.

“Tàu cá Đài Loan đi khắp nơi đánh bắt, có thuê thuyền viên là người Việt nam và các nước khác ở Đông Nam Á. Nhiều khi đi các nơi bị hải tặc trên biển,” ông Hải nói.

BBC liên lạc với Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor), đơn vị xuất khẩu lao động ba công nhân Việt Nam trong vụ bị hải tặc bắt giữ nhưng được trả lời là “lãnh đạo bận”.

“Không biết đến các nguy cơ”

Trong khi đó, đại diện của Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô dâu Việt ở Đài Loan (một tổ chức phi chính phủ không liên quan nhà nước Việt Nam) nhận định lao động Việt khi xuất khẩu làm nghề đánh cá “không biết đến các nguy cơ”.

“Đa số các bạn không biết, cho đến khi sang Đài Loan. Họ đóng phí rất cao, và khi qua làm thì nhiều còn lương thì thấp từ mức lương căn bản trở về thôi chứ không được tính tiền tăng ca. Ví dụ một tháng tiền căn bản trong bờ có thể là hai vạn [Đài tệ], và các bạn đi ngoài biển, làm ngày và đêm cũng chỉ lãnh hai vạn đó thôi, chứ không được hơn, đó là một số bất công với các bạn,” vị đại diện của cơ quan này đề nghị giấu tên cho biết.

thuyền viênImage copyrightSTRINGER/GETTY IMAGES

“Các bạn hoàn toàn không có chỗ để nương nhờ. Chỉ có Bộ Lao động thôi, nhưng thường Bộ Lao động lại hướng về chủ nhiều, không bênh vực cho người lao động. Các bạn chỉ có nước bỏ trốn,” văn phòng này cho hay.

Khi BBC hỏi các nguy cơ với thuyền viên đánh cá người Việt đến Đài Loan là gì, văn phòng này cho biết: “khi bỏ trốn, các bạn biến thành một người lao động bất hợp pháp, cảnh sát muốn bắt lúc nào là bắt lúc đấy. Điểm thứ hai có thể đi làm xin việc và bị chủ áp bức vì biết là lao động bất hợp pháp. Làm việc nhưng có thể họ không trả tiền lương hoặc ép giá.”

Tuy nhiên, văn phòng này cũng cho biết nhiều người có nghe “tin đồn” về các nguy cơ gặp phải nhưng vẫn muốn sang Đài Loan làm việc với suy nghĩ nếu có thể “bỏ trốn ra bên ngoài thì tìm được chủ tốt hơn. Nên nhiều bạn muốn qua Đài Loan làm và nếu bị đưa vào đường cùng thì bỏ trốn.”

“Nguy cơ người lao động đánh cá gặp phải là bị đánh đập, chủ mắng nhiếc. Có em cũng bị bỏ đói, nơi ở không có vì ở dưới thuyền. Đi vào mùa đông không có đủ thiết bị, đồ ấm nên đi biển rất vất vả,” đại diện tổ chức hỗ trợ pháp l‎ý này nói với BBC Tiếng Việt. – BBC