Tin khắp nơi – 22 -10 -2016
Google xóa các nội dung ‘xúc phạm hoàng gia Thái’
Google đồng ý hợp tác trong việc gỡ bỏ các nội dung online xúc phạm hoàng gia Thái Lan, phó thủ tướng nước này nói.
Ông Prajin Juntong nói rằng ông đã gặp đại diện hãng để khiếu nại về những nội dung có thể tìm được bằng công cụ tìm kiếm Google và trên YouTube, một công ty con của Google.
Google nói hãng tuân thủ các chính sách của mình trong việc xóa bỏ nội dung.
Thái Lan, quốc gia có những quy định nghiêm ngặt về luật khi quân trên thế giới, đang để tang Quốc vương Bhumibol Adulyadej.
Ông Juntong nói rằng hơn 100 nội dung xúc phạm đến hoàng gia đã được tìm thấy qua dịch vụ Google kể từ khi nhà vua băng hà hôm 13/10.
Phát ngôn viên Google nói với hãng tin Reuters rằng hãng tuân theo các quy định của mình về việc xử lý các đề nghị xóa bỏ nội dung.
“Khi chúng tôi được thông báo về nội dung có tính bất hợp pháp thông qua trình tự chính thức, chúng tôi sẽ hạn chế nội dung đó tại quốc gia nơi chúng bị coi là bất hợp pháp sau khi cân nhắc kỹ càng.”
Google thường công bố định kỳ số liệu về các yêu cầu đó, trong cái mà hãng gọi là “các phúc trình về tính minh bạch”.
Trong thời gian sáu tháng, từ tháng Bảy đến tháng Mười Hai 2015, hãng nhận được 33 yêu cầu từ chính phủ Thái Lan, muốn gỡ bỏ nội dung.
Các yêu cầu nêu ra 1.566 nội dung riêng lẻ, trong đó 97% bị cho là “chỉ trích chính quyền”.
Goolge nói hãng đã thực hiện 85% các yêu cầu của chính phủ Thái – chừng 1.300 nội dung đơn lẻ – tuy nhiên không công bố chi tiết số lượng bao nhiêu nội dung là bị hạn chế không xem được tại Thái Lan, bao nhiêu là bị gỡ bỏ hoàn toàn.
‘Xúc phạm hoặc đe dọa’
Điều 112 Bộ luật Hình sự Thái Lan quy định rằng bất kỳ ai “mạ lị, sỉ nhục hoặc đe dọa nhà vua, hoàng hậu, người sẽ kế vị ngai vàng, hoặc quan nhiếp chính” sẽ bị trừng phạt tới 15 năm tù.
Nội dung này đã chưa hề thay đổi kể từ khi được ban hành trong Bộ luật Hình sự đầu tiên của nước này, hồi 1908, tuy hình phạt đã trở nên cứng rắn hơn vào năm 1976.
Tuy nhiên, không có định nghĩa về việc thế nào là hành vi xúc phạm hoàng gia.
Các khiếu nại có thể được đưa ra bởi bất kỳ ai, và khiếu nại một khi được đưa ra bắt buộc phải được cảnh sát điều tra. – BBC
Nga cáo buộc Anh ‘thu hẹp’ sứ quán của họ ở London
Đại sứ Nga tại Anh cáo buộc chính phủ Anh trì hoãn việc cấp visa cho nhân viên sứ quán Nga tại London.
Ông Alexander Yakovenko biết sứ quán đang “thu hẹp lại” và đặt câu hỏi liệu Anh quốc có muốn “sự hiện diện đầy đủ của ngoại giao Nga”.
Ông cũng chỉ trích thủ tướng và ngoại trưởng Anh về những gì ông nói là “những tuyên bố chống Nga”.
Bộ ngoại giao Anh cho biết không có chính sách trì hoãn cấp thị thực.
Ông Yakovenko nói Nga hiện không có đủ nhân viên ngoại giao ở London vì khi những người này về nước hoặc nhận nhiệm vụ mới, thị thực cho người thay thế họ không được cấp.
“Sứ quán đang thu hẹp lại và nếu tình trạng này tiếp diễn thì sứ quán sẽ còn ít nhân viên hơn nữa. Chúng tôi không thể thay người vì visa không được cấp”, ông nói.
“Tôi hy vọng vấn đề này sẽ được chính phủ hiện nay giải quyết.”
Ông nói thêm: “Ở London, chúng tôi thật sự không hiểu được chiến lược của nước này về vấn đề thị thực.”
‘Quốc gia bị ruồng bỏ‘
Phát biểu của ông Yakovenko được đưa ra trong bối cảnh có xung đột giữa Anh và Nga về Syria, Ukraine và việc sát hại cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko tại London năm 2006.
Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Boris Johnson nói với các nghị sĩ rằng Nga có nguy cơ trở thành một quốc gia bị ruồng bỏ do dính líu vào các chiến dịch oanh tạc thành phố Aleppo của Syria và kêu gọi người biểu tình diễu hành bên ngoài đại sứ quán Nga.
Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi lãnh đạo các nước châu Âu gửi “thông điệp nhất quán mạnh mẽ” tới Moscow về chiến dịch oanh tạc của Nga.
Cũng trong ngày 21/10, Anh điều tàu ra theo dõi đội tàu hải quân Nga đang vượt qua eo biển giữa Anh quốc và Pháp trên đường tới Syria.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tranh luận về quá trình trao đổi thị thực với Nga ở cấp chính thức và việc này đòi hỏi cả Anh và Nga hợp tác để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các sứ quán tương ứng của chúng tôi.” – BBC
Ngoại trưởng Mỹ: Bắc Triều Tiên là một chế độ thiếu tính chính đáng
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (P) và đồng nhiệm Kuwait Sabah Al Khalid Al Sabah trước cuộc họp tại bộ Ngoại Giao Mỹ, Washington, ngày 21/10/2016.REUTERS/Yuri Gripas
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào ngày 21/10/2016 đã gây ngạc nhiên khi
cho rằng chế độ Bắc Triều Tiên hiện nay vừa phi pháp, vừa không có tính chính đáng. Quan chức Mỹ cao cấp hiếm khi công khai nói về tính chính đáng của chế độ cha truyền con nối của họ Kim tại Bắc Triều Tiên.
cho rằng chế độ Bắc Triều Tiên hiện nay vừa phi pháp, vừa không có tính chính đáng. Quan chức Mỹ cao cấp hiếm khi công khai nói về tính chính đáng của chế độ cha truyền con nối của họ Kim tại Bắc Triều Tiên.
Ông John Kerry đã dùng lời lẽ cứng rắn bất thường như trên trong cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Kuwait Sabah Al Khalid Al Sabah, khi ông ca ngợi các nỗ lực của quốc gia vùng Trung Cận Đông này trong việc chống lại các hoạt động phổ biến hạt nhân của Bắc Triều Tiên, cụ thể là « gần đây đã tiến hành các bước nhằm hạn chế các chuyến bay và đảm bảo sao cho lợi tức của người lao động không bị dùng vào việc duy trì một chế độ bất hợp pháp và phi chính đáng ở Bắc Triều Tiên ».
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, các quan chức Mỹ cao cấp hiếm khi trực tiếp đặt vấn đề về tính chính đáng của tình trạng cha truyền con nối để lãnh đạo Bắc Triều Tiên của dòng họ Kim.
Sau phát biểu của ông John Kerry, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ John Kirby lên tiếng giải thích rằng tuyên bố trên đây chỉ thể hiện mối quan ngại sâu sắc của Hoa Kỳ trước các hành vi bất hợp pháp và khiêu khích của chính phủ Kim Jong Un chứ không hề báo hiệu một sự thay đổi chính sách của Mỹ.
Ông Kirby đã từ chối trả lời một câu hỏi của phóng viên về liệu Kim Jong Un có mất tính chính đáng để lãnh đạo Bắc Triều Tiên hay không. – RFI
Quần đảo Kuril: Nhật cấp tín dụng cho Nga để thúc đẩy đàm phán
Núi lửa Tyatya nằm ở đông bắc đảo Kunashir, phía nam quần đảo Kuril đang có tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản. Ảnh chụp ngày 14/09/2015.REUTERS/Thomas Peter
Trước thượng đỉnh Nhật-Nga vào tháng 12/2016, Tokyo quyết định cấp tín dụng cho Nga, vốn đang bị phương Tây trừng phạt kinh tế, nhằm thúc đẩy các đàm phán về quần đảo Kuril, hiện do Nga kiểm soát, mà Nhật Bản gọi là “các vùng lãnh thổ phương Bắc”.
Theo Reuters, Ngân hàng Nhật Bản vì Hợp tác Quốc tế JBIC sẽ cấp khoảng 4 tỉ yen, tương đương 354 triệu euro cho ngân hàng Nga Sberbank, ngân hàng lớn nhất của nước này. Sberbank sẽ dùng khoản tín dụng trên để hỗ trợ cảng biển Vostotchny, cảng lớn nhất của Nga tại vùng Viễn Đông. Ngân hàng Nhật JBIC dự kiến sẽ chuyển tiền cho Nga từ nay đến cuối năm.
Theo báo Nhật Nikkei, việc ngân hàng JBIC cấp vốn cho Nga nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán sắp diễn ra. Hiện tại, Reuters không liên lạc được với ngân hàng nói trên cũng như chính phủ Nhật Bản để phỏng vấn về chủ đề này.
Vẫn theo Reuters, khoản tín dụng 4 tỉ yen nằm trong chương trình hợp tác kinh tế 8 điểm, đã được thủ tướng Nhật Shinzo Abe gửi đến tổng thống Nga Vladimir Putin, với chủ trương phát triển “một cách tiếp cận mới” để giải quyết các bất đồng lãnh thổ từ khi Thế Chiến Hai kết thúc. Chính do bất đồng này mà Tokyo và Matxcơva không ký kết được hiệp định hòa bình.
Vào tháng 11 tới, thủ tướng Nhật Bản sẽ gặp tổng thống Nga bên lề Thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Châu Á-Thái Bình Dương, APEC, tại Peru và tháng 12 sau đó là Thượng đỉnh Nhật-Nga tại Nagato, Nhật Bản.
Ngân hàng Nga Sberbank nằm trong số các định chế tài chính Nga bị Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014 và hậu thuẫn phe ly khai miền đông nước này.
Theo báo kinh tế Nikkei, cho dù các khoản tín dụng bằng yen không trực tiếp liên quan đến các trừng phạt nói trên, nhưng nhìn chung các ngân hàng Nhật Bản đều lưỡng lự trước việc cấp tín dụng cho Nga, do sợ Hoa Kỳ trả đũa. – RFI
Tướng Ai Cập bị bắn chết
Một tướng lãnh Ai Cập vừa bị bắn chết gần nhà ở một khu ngoại ô phía Đông thủ đô Cairo.
Một tổ chức ít người biết đến tên Liwa al-Thawra đã nhận trách nhiệm trên trang Twitter.
Các giới chức yêu cầu giữ kín danh tính, tiết lộ rằng người bị bắn chết là Thiếu Tướng Adel Ragai, Tư Lệnh Sư đoàn 9 Thiết kỵ của quân đội Ai Cập, đóng quân tại căn cứ quân sự Dahshour, nằm về hướng Tây thủ đô Cairo.
Hiện chưa rõ động cơ dẫn tới cái chết của Tướng Ragai, nhưng các phần tử chủ chiến Hồi giáo trong quá khứ vẫn tìm cách sát hại các sĩ quan quân đội và cảnh sát trên bán đảo Sinai.
Những phần tử thánh chiến trung thành với Nhà nước Hồi giáo đang phát động một cuộc nổi dậy gây nhiều chết chóc trên bán đảo Sinai, giáp ranh với Israel và dải Gaza.
Vụ nổ súng giết tướng Ragai hôm thứ Bảy xảy ra giữa lúc bạo lực đang tăng tại khu vực có nhiều xáo trộn ở phía Bắc Sinai, nơi đang diễn ra các vụ không kích và các vụ truy quét các địa điểm bị nghi là nơi ẩn nấp của các phần tử chủ chiến.
Các lực lượng an ninh Ai Cập đã chống chọi với các phần tử chủ chiến ở Sinai trong nhiều năm qua, nhưng cuộc nổi dậy ngày càng gây nhiều chết chóc sau khi Tổng thống Ai Cập Mohammed Fattah el-Sissi dẫn đầu một cuộc đảo chính quân sự, lật đổ Tổng thống được dân bầu lên là ông Mohammed Morsi, thuộc tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo.
Một toà án Ai Cập hôm nay xác nhận bản án 20 năm tù dành cho ông Morsi. Đây là phán quyết cuối cùng đối với cựu Tổng thống Ai cập, bị truy tố về các cáo buộc xoay quanh vụ một số người biểu tình bị giết khi tham gia các cuộc biểu tình vào năm 2012.
Tháng 6, một toà án ra phán quyết tù chung thân đối với ông Morsi, về tội mà theo họ, là “cầm đầu một nhóm khủng bố”, ám chỉ tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo của ông Morsi, tổ chức này đã bị nhà chức trách Ai Cập đặt ra ngoài vòng pháp luật vào cuối năm 2013. – VOA
Máy bay trực thăng Nga rớt ở Siberia, 19 người chết
Tư Liệu – Một chiếc máy bay trực thăng Mi-8 của Nga.
19 người đã thiệt mạng hôm thứ Bảy 22/10 khi một máy bay trực thăng vận chuyển công nhân dầu khí lâm nạn ở vùng tây-bắc Siberia. Cơ quan hàng không Nga nói nguyên nhân có thể là do thời tiết.
Các giới chức Nga cho hay chiếc máy bay trực thăng Mi-8 chở theo 22 người đang bay từ Vankor tới Staryi Yrengoi ở vùng Yamalo-Nenets thì lâm nạn cách điểm đến khoảng 45 km.
Theo một cuộc điều tra sơ khởi, phi hành đoàn gồm 3 người và 16 trong tổng cộng 19 hành khách trên khoang đã thiệt mạng.
Theo hãng thông tấn TASS của nhà nước Nga, chiếc trực thăng lúc đó đang vận chuyển các công nhân của một nhà thầu phụ làm việc theo hợp đồng với Rosneft, tập đoàn dầu khí khổng lồ của Nga.
Phải mất 1 tiếng đồng hồ toán cứu cấp mới tìm ra địa điểm máy bay lâm nạn vì sương mù dày đặc, giới hạn tầm nhìn.
Các nhân viên cứu cấp phát hiện chiếc máy bay trực thăng trong thế nằm nghiêng, nhưng vẫn cứu được 3 người ra khỏi xác máy bay.
Tin cho hay ba hành khách may mắn sống sót bị thương trầm trọng nhưng không bị đe doạ tính mạng. Gọi điện cho các nhân viên cứu cấp từ bên trong máy bay sau tai nạn, họ cho biết trước khi rơi, chiếc máy bay đã bay vào vùng có gió lớn.
Cơ quan đặc trách hàng không dân dụng Nga đã mở một cuộc điều tra, nhưng nói rằng dựa trên các dữ kiện sơ khởi, tai nạn này có thể là do “các điều kiện thời tiết không thuận lợi.”
Các giới chức cho biết một uỷ ban đặc biệt sẽ điều tra quyết định của phi hành đoàn thực hiện chuyến bay bất chấp thời tiết xấu.
Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã chia buồn với thân nhân của các nạn nhân. – VOA
BTQP Mỹ bất ngờ thăm Iraq, bàn chiến dịch tái chiếm Mosul
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter đến Baghdad, Iraq thứ Bảy ngày 22 tháng 10 năm 2016.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đến Iraq hôm nay, thứ Bảy 22/10, để gặp các vị tư lệnh liên quân và duyệt lại chiến dịch tái chiếm Mosul từ tay quân Nhà Nước Hồi giáo.
Đây là chuyến đi thứ 3 của Bộ trưởng Carter tới thăm Iraq trong năm nay. Ông đang giám sát chiến dịch quân sự được Mỹ hậu thuẫn nhưng do các lực lượng vũ trang Iraq lãnh đạo trong trận chiến nhằm đẩy bật các phần tử thánh chiến ra khỏi khu vực.
Chuyến đi thăm không báo trước của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được thực hiện sau khi một binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong khu vực một vài ngày trước.
Ông Carter theo chương trình sẽ gặp Thủ Tướng Iraq Haider al-Abadi. Hai nhà lãnh đạo có phần chắc sẽ thảo luận về thái độ miễn cưỡng của Baghdad, không muốn các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch Mosul.
Hôm thứ Sáu, ông Carter và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hội kiến ở Ankara để thảo luận về nhu cầu tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch đánh bại Nhà Nước Hồi giáo ở Iraq và ở Syria.
Một thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ nói hai nhà lãnh đạo đồng ý liên lạc thường xuyên và phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong liên minh chống Nhà Nước Hồi giáo để bảo đảm nhóm khủng bố này sẽ bị thật sự đánh bại ‘trong lâu dài’.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn đóng một vai trò lớn hơn trong trận chiến tái chiếm thành phố lớn thứ nhì của Iraq, đã nằm dưới quyền kiểm soát của Nhà Nước Hồi giáo trong hơn 2 năm qua, nhưng chính phủ Iraq chống đối sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch Mosul. Mỹ lo ngại căng thẳng giữa hai nước này có thể làm tan rã thoả thuận liên quan tới các lực lượng dân quân sắc tộc và các phe phái đối nghịch ở Mosul.
Trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông sẽ nhấn mạnh với Ankara rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải tôn trọng quyền tự quyết của Iraq. – VOA