Trung Cộng: Thực hư về quyền lực của Tập Cận Bình

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Cộng: Thực hư về quyền lực của Tập Cận Bình

Đảng Cộng Sản Trung Hoa chuẩn bị họp Hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương cuối tháng 10/2016, họp Đại Hội Đảng vào năm 2017, The Economist đưa ra một quan điểm khá thú vị: Tập Cận Bình tuy đã tập trung đầy quyền lực trong tay nhưng điều đó không có nghĩa là chủ tịch TC “muốn làm gì thì làm”.

Chưa chính thức chỉ định người thừa kế một khi ông kết thúc nhiệm kỳ 2 vào năm 2022, vì muốn bám víu vào quyền lực hay đây là dấu hiệu cho thấy, Tập Cận Bình đang bị cô lập cả ở trung ương lẫn địa phương? Bởi như tạp chí kinh tế Anh ghi nhận, chính sách cải tổ do ông đề xuất đang vấp phải sự chống đối từ phía các lãnh đạo ở cấp địa phương.

Trong gần bốn năm cầm quyền, Tập thường được xem là lãnh đạo TC quyền lực nhất từ nhiều thập niên qua, chỉ thua Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Đương kim chủ tịch TC từng bước thâu tóm quyền lực, chỉnh đốn hàng ngũ đảng. Có tin đồn Tập Cận Bình đang chuẩn bị để tiếp tục điều hành đất nước sau hai nhiệm kỳ 5 năm trên đỉnh cao quyền lực.

Chính sách bài trừ tham nhũng do Tập đề xướng đã không khỏi làm những nhân vật tai to mặt lớn, từ trong hàng ngũ quân đội, đến lãnh đạo các tập đoàn Nhà Nước phải run sợ. Nhưng tại một đất nước rộng lớn, có quá nhiều những khác biệt và xung đột về quyền lợi như TC, thì Tập Cận Bình có thể đang không kiểm soát được gì hết.

Theo nhận xét của The Economist, để chuẩn bị cho Đại Hội Đảng vào năm tới, Tập cùng lúc đương đầu với hai mặt trận: Một bên là những đối thủ chính trị đang chờ thời cơ để gài những người thân tín vào những chức vụ then chốt. Ở mặt trận bên kia là các quan chức ở cấp địa phương. Số này không hài lòng với chính sách của Tập Cận Bình muốn kiểm soát một cách có hệ thống hơn các hoạt động kinh tế, từ công nghiệp, đến phát triển cơ sở hạ tầng hay giới hạn khí thải CO2 ở các vùng, các tỉnh…

Hàng loạt các biện pháp cải tổ, chẳng những đã không được thi hành đến nơi đến chốn, mà còn bị giới lãnh đạo cấp địa phương coi là những mối đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của họ, đến đà tăng trưởng ở cấp tỉnh thành, và đây là mầm mống dẫn tới bất ổn trong xã hội. Đó là điều mà tạp chí kinh tế Anh gọi là “nhược điểm của Tập Cận Bình trước các chính quyền địa phương”.

Philippine xa Mỹ để ngả vào vòng tay TC?

Cũng The Economist chú trọng đến sự kiện Philippines đang ngả vào vòng tay TC: Từ đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte, “như một quả xoài chín” rụng vào giỏ của TC.

Ve vãn Bắc Kinh và tuyên bố “nghỉ chơi với Mỹ”, tổng thống Philippines đã bắt công luận quốc tế chú ý đến quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này. Nhưng liệu Duterte còn muốn “đi tới đâu”?

Theo tạp chí kinh tế Anh, dưới thời tổng thống Benigno Aquino, Philippines từng can đảm đọ sức với ông khổng lồ Trung Cộng trên hồ sơ Biển Đông nhưng đã phải trả giá đắt. Giờ đây, Duterte nhận thấy rằng đất nước ông cần phát triển cơ sở hạ tầng, cần có vốn đầu tư TC để mở mang, cần xuất khẩu sang thị trường TC.

Có lẽ với chính sách xoay trục của Duterte, Hoa Kỳ nhận thấy rằng họ đã trông đợi quá nhiều vào đồng minh châu Á này. Washington trông thấy rõ cái giá mà Manila phải trả khi dám cưỡng lại tham vọng của Bắc Kinh muốn làm bá chủ Biển Đông. Cũng có thể là với Duterte, Washington ý thức được là các chính khách Philippines không hẳn thần phục Mỹ như mong đợi. Đành là người dân Philippines ủng hộ Hoa Kỳ, nhưng họ chưa quên thời kỳ bị Mỹ đô hộ.

Nhìn từ phía Trung Cộng, The Economist cho rằng, tới nay, Bắc Kinh chưa quân sự hóa bãi đá Scarborough vì muốn lôi kéo Manila vào quỹ đạo của mình. Nhưng để Philippines thực sự ngả vào vòng tay TC thì đấy lại là chuyện khác, vì công luận Philippines sẽ không dễ dàng chấp nhận để Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với gần hết Biển Đông mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.

The Economist kết luận, Mỹ nên kiên nhẫn chờ đợi, sớm muộn gì Manila cũng sẽ lại “trở về với quan điểm cũ”, và khi đó, thì đôi bên lại tiếp tục hợp tác như không có gì xảy ra. – Theo RFI