Tin Khắp Nơi – 21-10-2016
Ông Mã Anh Cửu góp tiền cứu ngân quỹ Quốc Dân Đảng
Image AP – Mã Anh Cửu thời còn nắm quyền
Cựu tổng thống và chủ tịch Quốc Dân Đảng, ông Mã Anh Cửu cam kết góp tiền cứu cho ngân quỹ của đảng này vốn đang gặp khó khăn nghiêm trọng.
Ông Mã Anh Cửu cùng hai vị cựu chủ tịch Đảng khác đã được đương kim chủ tịch, ông Hồng Tú Trụ mời dự họp để bàn cách cứu ngân khoản của Quốc Dân Đảng.
Theo các báo Đài Loan hôm 20/10/2016, cả ba nhà lãnh đạo một thời đều nói rằng họ sẽ đóng góp tiền, đi gây quỹ và vận động dư luận để giúp ngân sách cho Đảng.
Các tài khoản của Quốc Dân Đảng vừa bị phong tỏa vì một cuộc điều tra của chính quyền Đài Loan hiện nằm trong tay Dân Tiến Đảng với Tổng thống là tiến sỹ Thái Anh Văn.
Nhưng Quốc Dân Đảng cũng đã gặp khó khăn tài chính từ một thời gian qua, và phải cắt giảm chi tiêu cho các văn phòng, các hoạt động hành chính.
Họ cũng có kế hoạch giảm nhân viên chuyên trách.
Sắp tới, Quốc Dân Đảng có kế hoạch tăng đảng phí và tổ chức các hoạt động gây quỹ.
Tài sản bị đóng băng
Trong tháng 9 vừa qua, một ủy ban tại Đài Loan ra lệnh đóng băng tài khoản của Quốc Dân Đảng (KMT) sau khi chính quyền của phe Dân Tiến Đảng thông qua luật cấm các đảng chính trị phân tán tài sản mà họ có từ các nguồn bị coi là ‘phi pháp’.
Theo trang Taipei Times 22/09/2016, các tài khoản tổng cộng 52 triệu Đài tệ (16,5 triệu USD) của Quốc Dân Đảng đã bị phong tỏa.
Cũng liên quan đến Quốc Dân Đảng từng cầm quyền thời Tổng thống Mã Anh Cửu, sang tháng 10/2016, có tin vợ của ông Mã, bà Christine Chu Mỹ Thanh, rời một ngân hàng sau ba thập niên làm việc.
Ngân hàng Megabank liên quan đến một vụ việc bị chính quyền Hoa Kỳ cho là rửa tiền và chi nhánh của Mega Financial Holding Co. ở New York bị phạt 180 triệu USD.
Một nghị sỹ thuộc Quốc Dân Đảng, ông Alex Fai nêu cáo buộc rằng vụ từ chức khỏi ban quản trị ngân hàng Mega của bà Chu, là “do tổng thống Thái Anh Văn” tạo ra động thái chính trị.
Bà Chu Mỹ Thanh, sinh năm 1952, từng giữ chức giám đốc bộ phận pháp lý của Mega Bank cho đến năm 2008 và rời chức này sau khi chồng bà, ông Mã Anh Cửu, thắng cử tổng thống. – BBC
Mỹ sẵn sàng cho B-52 và B-1 đặt căn cứ thường trực ở Hàn Quốc
Theo Mai Vân – 21-10-2016
Một chiến đấu cơ B-52 của Không Quân Mỹ tại căn cứ Osan, Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 10/01/2016. REUTERS/Kim Hong-Ji
Tại Hội nghị an ninh thường niên Mỹ-Nam Hàn mở ra ngày 20/10/2016 tại Washington, bộ trưởng Quốc Phòng hai nước đã thảo luận về kế hoạch «răn đe mở rộng» đối với Bắc Triều Tiên. Trong kế hoạch này có thể có việc cho các oanh tạc cơ chiến lược B-52 Stratofortress và B-1B Lancer đồn trú thường trực ngay tại Hàn Quốc.
Để đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng cao của Bắc Triều Tiên, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter và đồng nhiệm Han Min Koo quyết định sẽ sử dụng khả năng răn đe mở rộng của Washington một cách hiệu quả, đúng thời điểm.
Hai bên đã đề cập tới việc Mỹ sẽ lần lượt điều máy bay ném bom chiến lược hoặc tàu ngầm hạt nhân tới bán đảo Hàn Quốc, nhằm nâng cao hiệu quả tác chiến của lực lượng quân đội Mỹ, đồng thời tái khẳng định quyết tâm triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc nhưng không đưa ra thời điểm kích hoạt.
Ông Carter và đồng nhiệm Hàn Quốc đã cho biết những quyết định trên trong một cuộc hợp báo ngay sau khi Lầu Năm Góc Hoa Kỳ cho biết là Bình Nhưỡng ngày 20/10 lại cho thử nghiệm tên lửa tầm trung Mussudan, nhưng lại bị thất bại một lần nữa.
Hàn Quốc cho thả truyền đơn tố cáo chế độ Bình Nhưỡng
Cho dù vậy, vào ngày 21/10, những người chống Bình Nhưỡng lại tập hợp tại vùng biên giới thả bong bóng mang theo hàng trăm ngàn truyền đơn tố cáo các vụ thử tên lửa gần đây.
300.000 truyền đơn – cùng với 2.000 tờ 1 đô la để khuyến khích người dân nhặt truyền đơn – đã được bong bóng mang qua bên kia biên giới. – RFI
Vì Biển Đông, TC không hẳn muốn Hillary Clinton làm Tổng thống
Theo Thu Hằng – 21-10-2016
Hồng y New York Timothy Dolan cầu nguyện cho hai ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump, tại bữa tối từ thiện cho Quỹ Alfred E. Smith Memorial, 20/10/2016. REUTERS/Carlos Barria
Khi bà Hillary Clinton chính thức thông báo quyết định tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2015, mạng xã hội TC tràn ngập lời bình luận.
Theo nhận định của nhà báo Gavin Fernando, trang News.com.au (17/10/2016), phần lớn trong số đó không mang tính ủng hộ: “Ghét bà ấy! Từ lâu tôi đã quá chán bà này”, một người sử dụng viết; còn một người khác đánh giá: “Phiên bản phụ nữ của Hitler”. Thậm chí, có người cho rằng bà sẽ là người chịu trách nhiệm về Thế Chiến III. Ngoài ra, còn có rất nhiều lời bình luận gay gắt về mọi việc, từ chính sách ngoại giao đến tuổi tác của bà, từ giới tính đến hình thức bên ngoài.
Truyền thông nhà nước TC cũng chẳng tỏ ra nhẹ tay hơn. Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo nhà nước nổi tiếng với những quan điểm dân tộc chủ nghĩa, cho rằng bà là “chính trị gia Mỹ bị ghét nhất nước”.
Đầu năm 2016, tờ báo đã tiến hành thăm dò trực tuyến, với kết quả là 54% người TC sẽ bỏ phiếu bầu Donald Trump làm tổng thống Mỹ. Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn nhà nước, thì lại chỉ trích Hillary Clinton vì “cá tính khác biệt” và vì tuổi của bà.
Theo kết quả thăm dò mới nhất của Real Clear Politics, bà Hillary Clinton hơn đối thủ đảng Cộng Hòa Donald Trump 6 điểm, trên quy mô toàn quốc. Nhiều cuộc thăm dò khác cũng cho thấy bà có lợi thế tại rất nhiều bang được cho là ủng hộ Donald Trump.
Nếu thực ứng viên đảng Dân Chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 08/11, nhiều người tại TC sẽ không hài lòng.
Tại sao Hillary Clinton không “được lòng” TC?
Một trong những thách thức lớn nhất mà Tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ phải đối mặt là “xử lý” sự trỗi dậy của TC.
Bà Hillary Clinton nổi tiếng với lập trường cứng rắn đối với TC. Trước đó, bà từng công khai lên án vấn đề nhân quyền tại TC, hệ thống chính trị cũng như chính sách kiểm duyệt internet. Bà cũng cáo buộc Bắc Kinh đã đánh cắp dữ liệu máy tính của Mỹ, bí mật thương mại và thông tin của chính phủ.
Cuối tuần qua, một lượng thư điện tử mới được cho là có liên quan đến chiến dịch tranh cử của bà đã được WikiLeaks tiết lộ. Theo một số thư, bà nói với một số lãnh đạo ngân hàng cách đây ba năm rằng Hoa Kỳ đã cảnh báo Bắc Kinh là họ có thể “bị bao vây bởi hệ thống phòng thủ tên lửa”, trừ khi TC hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn Bắc Triều Tiên. Theo tài liệu vận động tranh cử bị đánh cắp, thông điệp của bà gửi tới TC năm 2013 là “Hoặc các vị kiểm soát họ, hoặc chúng tôi phải phòng vệ chống lại họ”.
Thế nhưng, chính những quan điểm diều hâu của bà về chủ quyền tại Biển Đông đã tác động mạnh đến dư luận TC. Năm 2010, trong tư cách ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton đã làm cho Bắc Kinh nổi đóa vì bà đã đưa vấn đề Biển Đông lên hàng đầu trong chương trình nghị sự các diễn đàn an ninh khu vực và Hoa Kỳ. Bà cũng bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ can thiệp nhiều hơn vào vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Theo một bài phát biểu được tiết lộ, tại ngân hàng Goldman Sachs vào tháng 10/2013, bà Clinton nói trước cử tọa rằng TC “về cơ bản muốn kiểm soát” toàn bộ Biển Đông. Báo chí cho biết là bà còn nói: “Bạn không thể ngăn cản được họ làm điều này. Tự họ cho mình cái quyền đòi hỏi này. Nhưng nếu không một ai có mặt ở đó để làm đối trọng tạo nên thế cân bằng, thì họ sẽ kiểm soát các tuyến đường hàng hải cũng như các nước giáp Biển Đông”.
Nếu các thư điện tử nói trên là có thật thì bà Clinton còn tìm cách lập luận rằng Hoa Kỳ cũng có đòi hỏi tại vùng biển có tranh chấp giống như TC, và thậm chí còn đi xa hơn là đặt tên thành “Biển Hoa Kỳ – American Sea” :
“Tôi đã lưu ý một điểm trong lập luận này rằng các vị có thể gọi vùng biển này là gì mà các vị muốn. Các vị không đòi hỏi cả vùng biển. Tôi đã nói là Hoa Kỳ cũng có thể đòi hỏi cả Thái Bình Dương. Chúng tôi đã giải phóng và bảo vệ vùng biển này”.
Vẫn theo văn bản trên, bà Clinton nói tiếp: “Chúng tôi cũng có thể đòi hỏi cả Thái Bình Dương và chúng tôi có thể gọi đó là Biển Hoa Kỳ, từ bờ tây California chạy suốt cho đến Philippines. Các bạn biết không, đối tác của tôi ngồi thẳng cứng và nói, các vị không thể làm như vậy được. Tôi đáp, chúng tôi cũng có quyền đòi hỏi như các vị đã làm. Ý tôi muốn nói, các vị đòi chủ quyền dựa trên các mảnh gốm hay một vài tầu cá đắm ở một rạn san hô nào đó. Các vị biết không, chúng tôi đã bố trí lại sức mạnh quân sự. Lạy Chúa, chúng tôi đã phát hiện ra Nhật Bản”.
Ban vận động tranh cử của ứng viên đảng Dân Chủ không khẳng định cũng như phủ nhận tính xác thực của những bức thư điện tử này.
Theo nhận định của giới chuyên gia, được tác giả bài báo trích dẫn, nếu bà Clinton được bầu làm Tổng thống, mọi việc trở nên khó khăn hơn đối với Úc, trong khi nước này đang phải đối mặt với sức ép ngày một tăng khi ủng hộ Mỹ chống Bắc Kinh.
Tại sao Trump lại được cho là giải pháp thay thế tốt hơn?
Chính sách đối ngoại của ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump về TC không rõ ràng lắm, và cũng tương tự với các nước có liên quan, đây lại thực sự là một điều tốt.
Hiện nay, không thể rõ mức độ hiểu biết của nhà tỉ phú về quốc gia Đông Á này. Ông tuyên bố kiếm “hàng tỉ đô la nhờ làm ăn với Trung Quốc” nhưng lại không có dự án đầu tư quan trọng nào trong vùng.
Tuy nhiên, việc Donald Trump phản đối hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TTP) lại được hoan nghênh ở TC vì nước này không tham gia hiệp định quốc tế trên.
Tháng 05/2016, Tân Hoa Xã ghi nhận chiến dịch tranh cử của Trump theo khuynh hướng biệt lập hơn so với đối thủ Hillary Clinton, người được miêu tả theo đuổi “chính sách ngoại giao cũ” và nhiệt tình ủng hộ chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương mà TC coi đó là một mối đe dọa.
Tân Hoa Xã bình luận, “liên quan đến Clinton, có lập trường cứng rắn trong chính sách đối ngoại, có thể là cách tốt nhất để chứng tỏ cái gọi là vai trò “lãnh đạo”của Mỹ”.
Trong một bài xã luận đăng trên Hoàn Cầu Thời Báo vào đầu năm 2016, Vương Nhất Vĩ (Wang Yiwei), đại học Nhân Dân Trung Hoa, cho biết người TC “coi Trump như một anh hề, buồn cười và vô đạo đức”.
Ông viết: “Tôi nghĩ, ông Trump trở thành tổng thống sẽ là điều tốt cho quan hệ Trung-Mỹ. Trump muốn theo đuổi chính sách cô lập trong quan hệ đối ngoại. Ông không muốn Hoa Kỳ phải gánh nhiều trọng trách của thế giới. Ngược lại, bà Clinton lại khởi xướng chiến lược tái cân bằng tại châu Á-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc”.
Điều này không có nghĩa là TC ủng hộ Donald Trump, mà đây chỉ là trường hợp khả quan hơn trong hai “mối họa”. Đầu năm 2016, Donald Trump từng có những lời nhận xét thái quá về quốc gia Đông Á này.
Tháng 5, trong một cuộc vận động tại Fort Wayne, bang Indinana, nhà tỉ phú thuộc đảng Cộng Hòa trở thành tâm điểm của báo chí thế giới khi tố cáo TC “cưỡng hiếp” Hoa Kỳ.
Ông nói: “Chúng ta không thể tiếp tục để Trung Quốc “cưỡng hiếp” đất nước chúng ta, và đây là điều họ làm (hàm ý nói đến mức xuất khẩu tương đối cao của Trung Quốc sang Mỹ). Chúng ta sẽ thay đổi xu hướng này. Đừng quên là chúng ta có nhiều lá bài để làm việc này. (…) Chúng ta giống như con heo đất để tiền tiết kiệm mà họ bòn rút. Chúng ta có nhiều lá bài. Chúng ta có nhiều sức mạnh để đối phó với Trung Quốc”.
Ông còn gây tranh cãi khi muốn đánh thuế 45% đối với các sản phẩm của TC. – Theo RFI
Đón chiến hạm TC: Dĩ hoà vi quí?
Hoan nghênh nếu không có động cơ chính trị
Cát Linh: Xin chào Tiến sĩ Trần Công Trục. Để bắt đầu câu chuyện này, xin được nghe nhận định của ông về chính sách mở cửa Cam Ranh cho mọi nước?
T.S Trần Công Trục: Như các bạn đã biết, chủ trương của Việt Nam là làm bạn với tất cả quốc gia, các nước trên thế giới kể cả nước lớn và nước nhỏ. Về riêng Cam Ranh đã công khai là mở cửa cho tất cả quốc gia đến để hưởng dịch vụ ở Cam Ranh, mục tiêu là có sự hỗ trợ dịch vụ về hàng hải, kể cả tàu quân sự và dân sự. Đó là 1 chủ trương rất đứng đắn mà có thể nói là khai thác lợi thế của Cam Ranh.
Còn đối với các tàu quân sự thì rõ ràng là tất cả các nước có quan hệ về mặt quân sự thì Việt Nam đều chào đón cả, kể cả tàu chiến của Hoa Kỳ, úc, Pháp, và cả Trung Quốc. Miễn là việc vào đó không mang động cơ chính trị và quân sự thì Việt Nam hoan nghênh.
Cát Linh: Dạ vâng, để tiếp ngay sau nhận định của Tiến sĩ, thì vừa qua Mỹ, Pháp, Nhật Bản cũng đã ghé thăm cảng Cam Ranh, lần này đến Trung Quốc. Nhưng rất nhiều người trong nước đã bày tỏ phản ứng bât bình và chống đối với việc chiến hạm Trung Quốc cập cảng Cam Ranh. Nếu xét theo tính chất lịch sử thì có thể hiểu vì sao họ phản ứng như thế. Còn nếu xét ở góc độ ngoại giao quốc phòng thì ông nhìn việc này như thế nào?
T.S Trần Công Trục: Tôi cho rằng việc mở cửa cho các tàu quân sự của các nước, trong đó có Trung Quốc vào thì là một chủ trương quân sự bình thường. Thật ra chúng tôi nghĩ đây là một việc rất đúng đắn trong tình hình hiện nay là giữ mối quan hệ cân bằng, gọi là giữ thế cân bằng giữa các nước, chứ không nên chủ trương nghiêng về phía này phía nọ để có sự chống đối. Vì hiện nay nếu mà mình không có thái độ giữ cân bằng của các sức mạnh siêu cường, các lực lượng quân sự thì có thể dẫn đến các đụng độ. Mà như các bạn đã biết hiện nay, nguy cơ của đụng độ là sự cạnh tranh về chiến lược trong khu vực này. Do đó thái độ của Việt nam giữ thăng bằng là hết sức đúng đắn.
Về quân sự, chính trị pháp lý thì là như vậy. Tất nhiên, chúng tôi rất thông cảm những thái độ phản ứng đó có yếu tố khách quan vì rõ ràng Trung Quốc trong lịch sử, trong khu vực biển Đông, đã có những hành động vi phạm quyền và lợi ích của Việt Nam, Đặc biệt với những ngư dân của Việt Nam làm ăn bình thường. cho nên người dân có phản ứng đó thì tôi cho là một tất yếu do cái hậu quả do họ (Trung Quốc) xử lý trong thời gian vừa qua. Muốn người dân Việt Nam hoan nghênh hưởng ứng thì chắc chắn họ phải có một thái độ thay đổi các cách thực hiện của mình, tôn trọng các nước khác, tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Cát Linh: Thưa Tiến sĩ, như ông vừa nói, Trung Quốc và Việt Nam đang là hai quốc gia tranh chấp về lãnh hải, những đảo trên biển Đông. Như thế việc chiến hạm Trung Quốc cập cảng Cam Ranh có được cho là một hoạt động bình thường về ngoại giao hay không?
T.S Trần Công Trục: Tôi nghĩ rằng đúng là có tranh chấp. Nhưng việc giải quyết tranh chấp theo chủ trương của chúng tôi là giải quyết hoà bình thông qua đàm phán thương lượng và các biện pháp hoà bình, chứ không dùng vũ lực vũ trang. Việc họ vào thì chúng tôi đối xử bình đẳng như các nước. Nếu như việc vào nhằm mục đich quân sự, thăm dò, tình báo để tiếp tục gây hại thì chắc chắn những lực lượng của chúng tôi sẽ có trọng trách, nhiệm vụ để ngăn chặn những ý đồ đó.
Nếu họ tiếp tục làm những điều đó thì chắc chắn họ sẽ nhận lãnh hậu quả như các bạn đã biết.
‘Chuyện gì cũng có lý do’
Cát Linh: Liên quan đến diễn tiến mới nhất là Tổng thống Philippines đưa ra tuyên bố ly khai với Mỹ, một đồng minh quan trọng có quan hệ quốc phòng mật thiết với Philippines, điều đó sẽ có tác động thế nào với Việt Nam thưa ông?
T.S Trần Công Trục: Tôi cho rằng cái tuyên bố đó của ông Duterte có lý do của nó. Vì các bạn nên nhớ rằng Philippines và Hoa Kỳ có một liên minh quân sự, 1 hiệp ước gọi là phòng thủ chung tồn tại lâu rồi. sở dĩ Philippines vừa rồi nói như vậy là họ có 1 lý do. Và tôi cho rằng ứng xử đó cũng thích hợp vì nếu Philippines tiếp tục gây ra những căng thẳng và những đối trọng giữa Trung Quốc và Hoa kỳ thì tôi nghĩ là khả năng xung đột rất cao. Lúc đó thì các nước nhỏ trong khu vực bị liên luỵ. Cho nên họ đối xử như vậy thì tôi nghĩ cũng là một cách giảm thiểu nguy cơ xung đột.
Điều nữa tôi muốn nói là với thái độ đó thì Hoa Kỳ cần phải xem lại thái độ của mình, vì với 1 nước đồng minh mà bây giờ họ có thái độ vậy thì chắc chắn là trong quá trình lịch sử, vì lợi ích của Hoa Kỳ thì đã có nhiều cái ảnh hưởng đến quyền lợi của Philippines.
Như vụ Scarborough 2012 thì rõ ràng là có 1 sự nhân nhượng nào đó nên Philippines để mất. chắc chắn điều đó cũng gây ra tâm lý lo ngại và họ nghĩ rằng nếu cứ tiếp tục bam đuổi theo chính sách đó thì họ bất lợi cho nên tôi cho rằng phía Hoa Kỳ cũng phải nhìn nhận lại điều đó để ứng xử cho thích hợp thì mới thu hút được đồng minh của mình và tranh thủ sự ủng hộ của đồng minh trong khu vực.
Cát Linh: Xin cảm ơn Tiến sĩ Trần Công Trục. – RFA
Nga biểu dương lực lượng, phái đội tàu mạnh nhất sang Syria
Tàu sân bay ‘Đô Đốc Kuznetsov’ của Nga ở vùng biển quốc tế ngoài khơi bờ biển phía bắc Na Uy, 17/10/2016.
Việc Nga triển khai lực lượng hải quân hùng hậu nhất từ nhiều năm nay đã khơi lên nhiều nghi vấn giữa lúc đoàn tàu đi ngang Na-Uy qua eo biển Manche giữa Anh và Pháp, trên đường tiến về Địa Trung Hải để hỗ trợ cho chiến dịch không kích của Nga ở Syria.
Hải quân Hoàng gia Anh đi theo khi đoàn tàu Nga băng qua eo biển Manche hôm thứ Sáu 21/10, trong một động thái được cho là một thách thức để dò phản ứng của các nước thành viên NATO, tức liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Ông Victor Mizin, một nhà phân tích chính trị tại Viện Quan hệ Quốc tế Đại học Moscow nhận định:
“Tại Nga, người dân nói chung có cảm giác rằng nước họ một lần nữa lại được coi là một cường quốc, và có mặt ở khắp mọi nơi.”
Ông nói đó là lý do vì sao hạm đội phương Bắc, có lẽ là hạm đội quan trọng nhất của quân lực Nga, đang tiếp tục hiện diện tại đó.
Hạm đội phương Bắc được dẫn đường bởi tàu ‘Đô Đốc Kuznetsov’, tàu sân bay duy nhất của Nga, tuần dương hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân ‘Peter Đại Đế’, một tàu khu trục và nhiều tàu chống tàu ngầm.
Đội tàu chiến hùng hậu của Nga đang chạy về hướng biển Địa Trung Hải trong khuôn khổ chiến dịch quân sự của Moscow để hậu thuẫn chính quyền Syria.
Trang mạng của hải quân Nga hôm thứ Sáu 21/10 cho biết đội tàu này sẽ là một bộ phận của lực lượng hải quân thường trực tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải, có nhiệm vụ yểm trợ các lực lượng Nga và Syria trong chiến dịch dội bom phe nổi dậy và các phần tử chủ chiến Hồi giáo.
Hải quân Nga cho hay cuộc triển khai này dự kiến kéo dài 4 hoặc 5 tháng trước khi tàu sân bay Kuznetsov trở về cảng để được sửa chữa.
Một nhà ngoại giao NATO nói với hãng tin Reuters rằng đây là đợt triển khai lực lượng quy mô nhất của Nga tính từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ quan ngại rằng tàu sân bay ‘Đô Đốc Kuznetsov’ có thể tham gia các cuộc tấn công vào Aleppo, và tăng mức độ gian khổ của người dân tại đây.
Các nhà phân tích Nga nói đội tàu này không tăng hoả lực cho các lực lượng Nga bao nhiêu. Quyết định triển khai đội tàu, theo họ, chỉ nhằm mục đích huấn luyện và là một hành động biểu dương lực lượng đối với phương Tây và cả với các đồng minh của Nga. – VOA
Lo ngại an ninh cản trở cuộc di tản khỏi Aleppo
LHQ cho biết có khoảng 250.000 thường dân đang khẩn thiết cần được tiếp tế tại vùng đông Aleppo và hàng trăm người khác cần được di tản để được chăm sóc y tế khẩn cấp. (Ảnh: Mũ bảo hiểm trắng)
Ngày hôm nay Liên hiệp quốc đã bị buộc phải hoãn lại kế hoạch di tản bệnh nhân và người bị thương như đã dự trù ra khỏi miền đông Aleppo vì các bên giao chiến trong thành phố không đảm bảo an ninh cho cuộc di tản này.
Ông Jens Laerke, phát ngôn viên của văn phòng nhân đạo Liên hiệp quốc nói “Việc di tản những người bệnh và những người bị thương tiếc thay đã không thể bắt đầu vào sáng hôm nay vì chưa hội đủ những điều kiện cần thiết.”
Ông Jens Laerke không nêu rõ nhóm nào không tôn trọng lệnh ngưng bắn nhân đạo được Nga công bố một ngày trước đây. Ông nói thêm rằng Liên hiệp quốc và cư dân Aleppo đang ở trong “tình trạng khó khăn cùng cực.”
Ngày hôm qua, Nga ra lệnh gia hạn thêm cuộc ngưng bắn vì lý do nhân đạo tại Aleppo thêm 24 giờ đồng hồ nữa.
Hôm thứ Ba Syria và Nga đã ngưng các cuộc không kích vào Aleppo. Cuộc ngưng bắn chấm dứt vào lúc 7 giờ tối giờ địa phương hôm qua.
Trong khuôn khổ cuộc ngưng bắn, quân đội Syria đã mở 8 hành lang để thường dân có thể sử dụng để thoát ra khỏi thành phố một cách an toàn. Hai trong những hành lang này cũng được mở cho các chiến binh phe nổi dậy muốn buông vũ khí chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, và một hành lang khác dẫn tới tỉnh Idlib của Syria do phe nổi dậy kiểm soát.
Liên hiệp quốc cho biết có khoảng 250.000 thường dân đang khẩn thiết cần được tiếp tế tại vùng đông Aleppo và hàng trăm người khác cần được di tản để được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Các đoàn xe chở đầy phẩm vật cứu trợ của Liên hiệp quốc và Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế đã phải dừng lại tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều tuần lễ, để chờ được bảo đảm là có thể an toàn chuyển giao phẩm vật cứu trợ.
Máy bay chiến đấu của Syria và Nga đã oanh tạc khu vực này trong một nỗ lực chiếm lại Aleppo từ tay phe nổi dậy. – VOA