Philippines “chia tay” với Mỹ: Washington yêu cầu giải thích
Theo Trọng Nghĩa, Mai Vân – 21-10-2016
Phó thủ tướng TC Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) (P) và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, tại diễn đàn Đầu tư-Thương mại Trung-Philippines, Bắc Kinh, ngày 20/10/2016. REUTERS/Wu Hong
Hoa Kỳ sẽ yêu cầu đồng minh Philippines «giải thích » ý nghĩa tuyên bố của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 20/10/2016 tại Bắc Kinh trong đó ông nói đến việc «chia tay » với Mỹ. Một đặc sứ Mỹ sẽ đến Manila ngay tuần tới để tìm hiểu ngọn ngành vụ việc.
Trong một cuộc họp báo ngày 20/10 tại Washington, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ John Kirby xác nhận là Mỹ sẽ tìm kiếm «một lời giải thích chính xác về những gì mà tổng thống [Philippines] muốn nói khi ông đề cập tới việc chia tay với nước Mỹ».
Đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, các tuyên bố về việc chấm dứt quan hệ với Mỹ của Duterte rất khó lý giải vì «mâu thuẫn với quan hệ rất gần gũi mà Mỹ đang có với người dân cũng như chính phủ Philippines ở mọi cấp độ, chứ không chỉ giới hạn trong lãnh vực an ninh». Theo ông Kirby, bạn bè và đối tác của Mỹ trong khu vực cũng không hiểu rõ các phát biểu của tổng thống Philippines.
Ngay vào tuần tới, ông Daniel Russel, trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á sẽ đến Manila để tìm giải thích, nhưng phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ khẳng định rằng đó là một chuyến công được đã được dự trù từ lâu.
Trước mắt, phía Mỹ vẫn nhấn mạnh rằng chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ phía Philippines trên vấn đề giảm bớt hợp tác. Phát biểu ngày 21/10 trên đường thăm Thổ Nhĩ Kỳ, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định Mỹ vẫn sẽ duy trì các cam kết liên minh với Philippines cho dù Duterte đã tuyên bố chia tay Mỹ.
Ngày 20/10, tổng thống Philippines đã gây chấn động khi ngay tại Bắc Kinh, công khai tuyên bố chia tay với Washington, cho rằng «Mỹ đã thua cuộc cả về quân sự và kinh tế », đồng thời khẳng định là sẽ liên minh với TC và Nga để « đối đầu với các vấn đề của thế giới».
Và như thông lệ trong thời gian gần đây, sau các tuyên bố dữ dội của Duterte, các quan chức chính phủ Philippines lại phải lên tiếng đính chính. Vào ngày 21/10, bộ trưởng Thương Mại Philippines Ramon Lopez đã khẳng định rằng Philippines vẫn sẽ duy trì quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ, theo Reuters.
Phát biểu với giới báo chí tại Bắc Kinh, ông Lopez giải thích là Duterte «không nói về việc chia tay với Mỹ » và Philippines «không dừng các hoạt động thương mại và đầu tư với Mỹ ».
Riêng tại Philippines, một quan chức cấp cao tại văn phòng truyền thông của tổng thống Philippines đã kêu gọi mọi người khoan diễn giải tuyên bố của Duterte về việc chấm dứt quan hệ với Mỹ, mà nên chờ chỉ đạo cụ thể từ chính tổng thống và bộ Ngoại Giao Philippines khi phái đoàn thăm TC về nước.
Tuyên bố của Duterte đã khiến công luận Philippines hoang mang, kẻ chống, người bênh, thậm chí một số không nhỏ chính khách Philippines lo ngại một hành động phiêu lưu về mặt quân sự cũng như kinh tế.
Thông tín viên RFI, Marianne Dardard, tường thuật từ Manila:
«Một bộ phận trong chính giới Philippines cho là tổng thống Duterte có lý, như Renato Reyes, tổng thư ký đảng Bayan, thuộc cánh tả. Ông nói: tất cả các tổng thống Philippines cho đến giờ đều là con rối của Mỹ, và họ vẫn trung thành với Mỹ. Chúng tôi cho Mỹ đóng quân trên lãnh thổ Philippines, nhưng có được lợi gì đâu. Quan hệ hai bên thật là không cân đối. Với những nước khác, ít ra chúng tôi còn có nhiều chọn lựa.
Ngược lại thì ông Roilo Goles, cựu cố vấn an ninh quốc gia, đánh giá rằng việc tách rời khỏi Mỹ rất phiêu lưu: có thể nào đánh đổi một đồng minh đã chứng tỏ sự trung thành từ gần 70 năm nay với một kẻ khác mà ý đồ không rõ ràng và đã chiếm vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta?
Đối với ông Rolo Goles, tách Philippines ra khỏi Hoa Kỳ là điều không thể. Kinh tế Philippines sẽ không chịu nổi, sẽ bị tê liệt, vì Hoa Kỳ là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Philippines.
Ngay trước khi ông Duterte đến Bắc Kinh, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người Philippines tỏ ý nghi kỵ Trung Quốc và ngược lại cho thấy rất tin tưởng vào Hoa Kỳ ». – Theo RFI