“Việt Nam cứ dấn tới, Trung Quốc cũng chẳng dám đánh đâu”
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng CSVN.
* Bài trích đăng chỉ nhằm mục đích thông tin. Nội dung bài viết không nhứt thiết phản ảnh quan điểm của Website. BBT
Tiến sĩ Tạ Văn Tài, một nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Đại học Havard, Hoa Kỳ, nhận định như vậy sau khi một quan chức quốc phòng của Việt Nam nói hôm 17/10 rằng “Việt Nam ủng hộ Hoa Kỳ cũng như các đối tác khác can dự vào khu vực”.
Theo Cổng thông tin Quốc phòng Việt Nam, trong cuộc trao đổi với bà Cara Abercrombie, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ phụ trách vấn đề Nam và Đông Nam Á, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng CSVN, tuyên bố: “Việt Nam ủng hộ Hoa Kỳ cũng như các đối tác khác can dự vào khu vực nếu như sự can dự này đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực.”
Nhận định về tuyên bố được nhiều người cho là khá mạnh này, Tiến sĩ Tạ Văn Tài, một nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Đại học Havard, Hoa Kỳ, cho biết: “(Tuyên bố của ông Vịnh) cũng nằm trong mục đích bảo vệ hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á. Nói như vậy là hoan nghênh chung sự can thiệp của các nước cường quốc như Hoa Kỳ và các đối tác khác, như vậy là hoan nghênh chuyện thế nào họ cũng làm. Nếu bàn về hòa bình và ổn định thì họ sẽ làm. Không bao giờ Mỹ bỏ, Nhật, Úc bỏ Biển Đông, là một hải lộ quốc tế, có rất nhiều thương vụ đi qua đây, thành ra ông Vịnh tuyên bố như vậy là khôn. Nói như vậy là để cho quần chúng ở trong nước, hay là ngay cả Trung Quốc thấy rằng Việt Nam sẵn sàng ủng hộ lập trường đó, chứ không phải Việt Nam nhát như cáy sợ Trung Quốc đến nỗi không dám nói gì cả.”
Cổng thông tin Quốc phòng Việt Nam cho biết, về phía Mỹ, Cara Abercrombie nói rằng, Hoa Kỳ sẽ không thay đổi việc thực hiện chiến lược “tái cân bằng”, và những cam kết của Hoa Kỳ đối với châu Á – Thái Bình Dương vẫn tiếp tục được triển khai.
Trong cuộc đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, “Việt Nam và Hoa Kỳ cũng nhất trí rằng, các quốc gia phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) để xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định; bảo đảm tự do hàng hải và hàng không”.
Về vụ kiện Biển Đông của Philippines và mối quan hệ Phippines-Việt Nam đang trở nên nồng ấm hơn, Tài nhận định: “Việt Nam luôn đi theo Philippines, đầu đi đuôi lọt. Không dám kiện cùng Philippines khi họ yêu cầu ‘cùng nộp đơn với chúng tôi đi’ nhưng Việt Nam không kiện. Việt Nam chờ đầu đi đuôi lọt. Việt Nam chờ Philippines thắng rồi thì lúc đấy mới có thể tin tưởng hơn. Nhưng trong vụ kiện đó Việt Nam cũng xin tòa án bảo vệ quyền lợi của Việt Nam. Nhưng chính sách của Việt Nam là đầu đi đuôi lọt, cứ để các nước khác làm thử trước rồi mình làm sau.”
Tổng thống Philippines Duterte đang ở Bắc Kinh trong chuyến công du chính thức tới TC sau chuyến thăm Việt Nam cuối tháng trước.
Theo Tài, Tổng thống Philippines sang TC để thương lượng cộng tác các vấn đề thương mại, nhưng không nói đến vấn đề vụ kiện ở Biển Đông để TC khỏi nổi giận.
Ông nói:“Philippines cũng là nước nhỏ như Việt Nam và nói những câu khôn ngoan để khỏi làm Trung Quốc nổi giận. Ông Duterte khôn lắm, nói như vậy nhưng cũng không dám bỏ chủ quyền của Philippines ở thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. Ông chỉ nói chúng tôi bắt đầu thương lượng để Trung Quốc cho dân chài Philippines vào đánh cá ở vùng Scaborough. Thực ra đây là vùng đánh cá quốc tế nhiều nước đã đến đánh cá mà tòa án luật biển vừa rồi tuyên bố là ngư trường quốc tế, nhiều nước đều có quyền đến đó. Còn chủ quyền đối với các mẩu đá đó thì tòa không có thẩm quyền về chủ quyền. Tòa án tuyên bố như vậy thì Philippines chỉ bàn đến vấn đề đánh cá thôi còn vấn đề chủ quyền chưa nói vội.”
Đồng thời, Tài cho biết, mối quan hệ Phlippines-Việt Nam không khiến cho Việt Nam lâm vào thế bí vì, theo ông, “Trung Quốc sợ Việt Nam thân nhiều nước quá cho nên khi ông Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ về thì Trung Quốc đón linh đình chẳng khác gì đón Hồ Chí Minh ngày xưa.”
Ông nói: “Như vậy Trung Quốc cũng ngán là bây giờ Việt Nam mà thoát khỏi sự thân mật với Trung Quốc là thất bại nặng nề về ngoại giao sau sự thất bại nặng nề về pháp lý tại vụ kiện Philippines. Thành ra Việt Nam cứ dấn tới, Trung Quốc cũng chẳng dám đánh đâu.”
http://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-cu-dan-toi-trung-quoc-cung-chang-dam-danh-dau/3558857.html