TC: Phá Biển Bắc, Chiếm Biển Đông
Vi Anh
18-10-2016
Việt Báo. – Lợi dụng mùa bầu cử tổng thống Mỹ, khai thác thời cơ TT Obama sắp ra đi, Trung Cộng khuấy rối Biển Bắc và chiếm thêm Biển Đông ở Nam Á châu Thái bình dương.
TC trước sau như một phủ nhận thẩm quyền của Toà Trọng Tài Thường Trực PCA và phủ nhận mọi phán quyết của Toà này. TC lợi dụng lập trường của Mỹ tuyên bố không đứng về phía bên nào trong các vụ tranh chấp biển đảo, Mỹ chỉ bảo vệ tự do hàng hải quốc tế thôi. TC khai thác thời cơ Mỹ đang bận bịu bầu cử tổng thống, và TT đương nhiệm Obama còn mấy chục ngày là ra đi nên như các tổng thống khác ít khi có quyết định gì quan trọng về quân sự. TC coi mình đang ở lợi thế một mình một chợ, như cọp giữa rừng hoang. TC táo bạo tự ý cho phép mình làm những việc mà các nước trong khu vực không thể chấp nhận. Tiêu biểu như cho tàu cá có võ trang của TC xâm phạm lãnh hải và tấn công chìm tàu cá của Nhựt và Hàn Quốc. Trung Quốc cấm không cho ngư dân VN ra vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt cá. TC hung hăng tung ra chiến thuật “biển tàu” như biển người trên bộ để giành biển, chiếm đảo, coi Biển Đông là ao nhà, sân sau của TC.
Bắc Thái bình dương, TC khuấy phá nhưng không chiếm được vì sức kháng cự có thể bằng võ trang của Nhựt và Nam Hàn. Ngày 10/10/2016 tin Đài Truyền Hình Nhật công khai phổ biến Tokyo sắp tung ra loại tàu tuần tra mới vững chắc và hiện đại hơn trên biển Hoa Đông, và nhơn gấp bốn lần lực lượng hoạt động trong khu vực. Ngoài ra Nhật sẽ cho đóng một chiếc tàu tuần tra cỡ lớn – 6.500 tấn – có thể mang theo một phi cơ trực thăng để tuần tra bảo vệ biển đảo và ngư dân. Còn Hàn Quốc công khai tuyên bố dùng súng ống để đối phó với hạm đội tàu cá hùng hậu của Trung Quốc. Đối thủ của tuần duyên Nhật, và Hàn quốc không ai khác hơn là TC bung hàng đoàn tàu cá đi khai thác lậu tài nguyên, đánh cá lậu của các nước láng giềng.
Giáo sư Andrew Erickson thuộc Trường Hải Chiến Mỹ cho biết tàu cá của TQ là lực lượng dân quân biển của TC, một lực lượng bán quân sự ẩn nấp dưới cái vỏ dân sự để tiến hành các hành vi xâm lược. Dĩ nhiên là TC cũng tung lực lượng dân quân này vào vùng Biển Đông nhiều hơn nữa để kết hợp với lực lượng quân sự trong chiến thuật quân sự hoá Biển Đông.
TC cần chiếm bãi cạn Scarborough của Phi để kết nối với Hoàng sa và Trường sa đã chiếm của VN thành một tam giác chiến lược khống chế toàn Biển Đông. Bây giờ thì dễ như ăn cháo bào ngư đối với TC. Tin cho biết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ diễn ra trong tuần sau, từ ngày 18 đến 21-10. Chủ Tịch Tập cận Bình và Thủ Tướng Lý khắc Cường có thể tiếp kiến Ông. Chuyến đi này của Duterte được TQ chấp nhận sau khi tân TT Duterte có nhiều lời tuyên bố xa rời Mỹ. Ô Tập cận Bình chỉ cần “phóng tài hoá thu nhân tâm” thì TT Duterte sẽ trở thành gia nô của TC như Thủ Tướng Miên thôi. Tam giác chiến lược lâu nay TC muốn lắm, nhưng ngại Phi là đồng minh của Mỹ, ngại Mỹ ủng hộ Phi chống TC bằng quân sự nên TC chưa làm. Bây giờ với TT Duterte đến với TC thì bãi cạn Scarborough TC sẽ bất chiến tự nhiên thành. Tam giác chiến lược vào tay TC. Biển Đông sẽ do TC khống chế.
Hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa của VN do TC đánh chiếm, xâm lấn đã có Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn phú Trọng thần phục TC như thái thú của TC dâng cho TC rồi.
Còn Mỹ thì đang kẹt bầu cử tổng thống không thể chống TC bằng hành động quân sự được. Hơn nữa lập trường cố hữu của Mỹ là không đứng về phía bên nào trong các cuộc tranh chấp biển đảo ở Á châu Thái bình dương. Coi như TC một mình một chợ ở Biển Đông.
Chiến lược Á châu Thái bình dương của TT Obama lâu nay vừa làm vừa lo mất lòng TQ. Khiến cho đồng minh và đối tác của Mỹ cũng nghi ngờ và dè dặt với Mỹ. Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS, nhận định Mỹ đã thất bại trong việc đáp ứng các kỳ vọng của Philippines: “Một trong những điều làm cho họ (Philippines) cảm thấy thất vọng đối với Mỹ là Mỹ đã không bảo vệ được cho họ như họ mong đợi. Ví dụ những sự cố như ở Scaborough năm 2012, Mỹ đã không có những động thái để giúp bảo vệ Philippines.” Hành động của TT Duterte muốn xa rời Mỹ, thân thiện với TC và Nga có thể cũng vì cảm nghĩ ấy.
Đến đổi cơ quan nghiên cứu chiến lược CSIS của Mỹ cho rằng “Không còn gì để thắc mắc, tới năm 2030, Trung Quốc sẽ là một siêu cường trên thế giới và Biển Đông sẽ trở thành ao nhà của Bắc Kinh.” Sưu khảo của CSIS nêu ra một số hành động TC xâm lấn, khống chế đang diễn tiến không ngừng ở Biển Đông. CSIS ghi nhận TC chiếm lĩnh ưu thế trong khu vực qua chiến thuật ngắn tầm và chiến lược dài hạn phát triển hàng không mẫu hạm và mở rộng khả năng hoạt động của quân đội ở nước ngoài. Trong tương lai gần quân đội TC sẽ vận hành vượt xa ra ngoài phạm vi Chuỗi đảo Thứ nhất kéo dài từ Nhật Bản tới Philippines vươn ra Ấn Độ Dương dần dần nới rộng tầm tay của quân đội TC. Thế lực của hải quân của TC sẽ củng cố các tuyên bố chủ quyền ở Châu Á, và hành động chiếm cứ của TC trên biển đảo mà TC đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Brunei, và Malaysia. Nhưng công trình bồi lắp bãi đá, tạo thành chuỗi đảo nhân tạo như Vạn Lý Trường Thành trên Biển Đông Nam Á Thái Bình Dương với ba phi trường, căn cứ quân sự coi như việc quân sự hoá Biển Đông đã xong trên phương diện thực tại. Từ đó việc lập vùng cấm bay trên vùng này chỉ còn là vấn đề duy ý chí của TC, chớ không tuỳ thuộc sự chống đối hay không của Mỹ trong việc bảo vệ tự do hàng không hàng hải quốc tế nữa. Còn những nước ở Đông Nam Á không đáng kể đối với TC. VN, Phi, Mã, Brunei không có nước nào dám tranh cản bằng quân sự với TC. 2030 tức chỉ trong 15 năm nữa Biển Đông sẽ chỉ là ao nhà” của TC.
Theo CSIS, sở dĩ TC làm được như thế vì chính sách cân bằng xoay trục về Châu Á của Mỹ do TT Obama chủ trương hiện chưa được giải thích rõ ràng hoặc chưa được thực hiện hữu hiệu để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Mỹ chưa dấn thân nhập cuộc đích thực, chưa quyết tâm giúp các đồng minh và đối tác trong vùng để ứng phó với sự gây hấn, xâm lấn của TC.
Cũng không hy vọng gì với tân tổng thống Mỹ, Hillary hay Trump. Cả hai trong khi tranh cử không tỏ vẻ thiết tha với Biển Đông./. (Vi Anh)