Truyền thông quốc tế bình luận về cảng Cam Ranh
17 tháng 10 2016
Báo The Guardian tại Anh hôm 15/10/2016 có bài đặt các tuyên bố của lãnh đạo Nga về việc hải quân của họ “trở lại Cam Ranh” trong bối cảnh một cuộc đối đầu toàn cầu mới đang hình thành giữa Moscow và Washington. BBC Tiếng Việt điểm lại các phát biểu liên quan:
Simon Tisdall trên The Guardian:
Bài trên báo The Guardian có đoạn viết: “Từ Aleppo, Ukraine, tấn công mạng đến đe dọa vùng Baltic: chúng ta cần làm gì với Putin?”
“… Putin bỏ thỏa thuận Mỹ – Nga về việc tái tinh luyện plutonium dư để ngăn sử dụng vào vũ khí nguyên tử, cùng hai thỏa thuận hợp tác hạt nhân khác. Việc triển khai tên lửa tầm ngắn nhưng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M ở Kaliningrad, vùng đất của Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania, hai nước thuộc Nato, đã được chuẩn thuận. Và không phải ngẫu nhiên, Nga mở thêm một cuộc diễn tập phòng vệ dân sự lớn, như thể để chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân.
“Để Washington hiểu rõ Nga nghiêm túc đến đâu, quan chức Nga cũng tuyên bố ông Putin nay xem xét việc mở lại căn cứ quân sự tại Cuba và Việt Nam. Thật khó có thể thấy thông điệp ương bướng hơn thế, nhắm thẳng đến chính quyền Obama và gợi lại một cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba mới.
“Để cho thấy Moscow cũng có các đối tác chiến lược khác mà có thể cùng quay ra chống lại Washington, tàu chiến Nga đã tập trận chung với Trung Quốc quanh các vùng đảo tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa. Nga cũng đang xây dựng các liên minh với những cường quốc đang lên như Nam Phi, Ấn Độ, thể hiện qua hội nghị Thượng đỉnh Brics cuối tuần tại Goa, đồng thời ve vãn các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ như Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines.”
Báo Sputniknews.com của Nga:
“Đại sứ Việt Nam tại Nga, ông Nguyễn Thanh Sơn nói nước ông không phản đối để Hải quân Nga quay lại căn cứ ở Cam Ranh, với điều kiện sự hiện diện đó không nhằm chống lại một nước thứ ba.
“Theo nhà báo Anton Mardasov của Svobodnaya Pressa, ông đại sứ cũng nói thêm luôn rằng “trong bối cảnh việc sử dụng cảng Cam Ranh cho mục tiêu hợp tác quốc tế đa phương để vận tải, sửa chữa tàu thuyền và phát triển công nghệ quân sự để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực là hướng đi đúng đắn.”
Prashanth Parameswaran viết trên The Diplomat (15/10):
“…Quan chức Nga từng bình luận tương tự khi nói về sự hiện diện bành trướng ra các nước khác. Nhưng điều không hẳn đã rõ là liệu họ có nghĩ đúng như thế trong quan hệ với Việt Nam không. Khả năng cao nhất là họ nói về việc vào quân cảng Cam Ranh mà nay đã bị hạn chế nhiều (now-restricted naval base at Cam Ranh Bay).
Nga đã thỏa thuận để có quyền vào cảng được ưu tiên nhằm sử dụng các cơ sở của Việt Nam và hiện đã hưởng sự ưu đãi này ở cương vị đối tác quân sự hàng đầu của Hà Nội (Hanoi’s top military partner).
Nhưng để Nga có sự hiện diện thường trực và chính thức theo nghĩa truyền thống – trái với quyền vào cảng ưu tiên ở một mức độ nào đó – thì có vẻ như khác với truyền thống quan hệ đa phương của Việt Nam.
Như tôi đã viết, Việt Nam tuân theo nguyên tắc Ba Không về quốc phòng: không có liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự và không làm đối tác của một nước chống lại nước thứ ba.
Tuy thế, điều này không ngăn truyền thông đồn đại về việc có căn cứ thường trực của Nga, và thậm chí của Hoa Kỳ, tại Cam Ranh.
Nhưng Việt Nam, về phía họ, tiếp tục nhắn lại công khai về quan điểm truyền thống đó. Mới hôm Thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã làm rõ tại cuộc họp báo rằng chính sách của Hà nội là không cho nước khác lập căn cứ quân sự trên đất Việt Nam.”
Được biết hồi tháng 6/2016, phát biểu tại Washington DC, Đại sứ Hoa Kỳ ông Ted Osius xác nhận, “Hoa Kỳ không tìm kiếm mục tiêu đặt căn cứ hải quân ở Cam Ranh”.
Cũng trang The Diplomat đăng hình một tàu Hoa Kỳ “vào sửa chữa bảy ngày tại Cam Ranh” hồi tháng 8/2011.
Mới hồi tháng 6/2016, Việt Nam cho hai tàu chiến Nhật Bản vào quân cảng Cam Ranh. – BBC