Điểm Báo Pháp – 17-10-2016
Ông Choi Sung-young, Chủ tịch Hiệp hội các Gia đình Nạn nhân bị bắt cóc, trong văn phòng tại Séoul. RFI/Frédéric Ojardias
Thanh Phương
Số phận người Nam Hàn bị Bình Nhưỡng bắt cóc
Nhưng chúng tôi xin bắt đầu phần điểm báo hôm nay với một bài đăng trên tờ La Croix hôm nay, nói về số phận của những người Hàn Quốc bị chế độ Bình Nhưỡng bắt cóc.
Theo La Croix, tổng cộng đã có 3835 người Hàn Quốc bị chế độ Bình Nhưỡng bắt cóc kể từ sau chiến tranh Triều Tiên 1953. Nạn nhân bao gồm các ngư dân, binh lính, học sinh…., thậm chí có cả một đạo diễn và người vợ nghệ sĩ.
Tờ báo trích lời ông Choi Sung-Yong, chủ tịch Hiệp hội Gia đình các Nạn nhân bị Bắc Triều Tiên bắt cóc, kể lại : « Tôi chỉ mới 15 tuổi khi cha tôi bị lính Bắc Triều Tiên bắt cóc trên chiếc tàu cá của ông. Trong những năm 1990, tôi đã cố đưa di hài của ông về miền Nam. Từ đó tôi bắt đầu tập hợp các gia đình nạn nhân khác ».
Trong số những người Hàn Quốc bị bắt cóc, 516 người chưa bao giờ được trả tự do. Chỉ có 9 người chạy thoát được, trong đó có Lee Jae-geun, năm nay 78 tuổi. Giọng vẫn còn rung vì giận dữ, ông kể lại vụ ông bị lính Bắc Triều Tiên bắt cóc trên chiếc tàu cá của ông ở vùng Hoàng Hải ngày 29/04/1970. Ông đã bị áp giải đến Bình Nhưỡng và sáu tháng sau đó được đưa đến một trường huấn luyện điệp viên.
Ông kể : « Tôi đã ở đó suốt ba năm và tám tháng, chỉ để học cách đánh nhau, cách bắt cóc. Họ bảo rằng nếu tôi tiết lộ mình bị bắt cóc và được đào tạo ở trường này, tôi sẽ bị hành quyết ngay. Họ ra lệnh tôi phải nói mình đã tự nguyện đến miền Bắc vì ngưỡng mộ « Lãnh tụ vĩ đại » Kim Nhật Thành. »
Sau trường gián điệp, ông Lee Jae-geun được cho ra ngoài sống như thường dân tại một tỉnh xa xôi, đói khổ. Ông lấy vợ, có con và đến năm 2000, lợi dụng tình hình lộn xộn, ông đã trốn sang Trung Quốc cùng với gia đình, rồi đến Hàn Quốc.
Theo La Croix, chính quyền Bình Nhưỡng chưa bao giờ thừa nhận các vụ bắt cóc đó, gây khó khăn cho những nỗ lực của Seoul nhằm giải cứu đồng bào của họ. Cho nên, ông Choi Sung-yong mới buộc phải hành động một mình. Hiệp hội của ông ghi lại lời kể của những người tị nạn, thu thập thông tin về những người Hàn Quốc bị bắt cóc.
Dùng tiền riêng của mình, ông Chol Sung-yong gởi người ra Bắc để xác định nơi ở và tìm cách hồi hương các nạn nhân. Cho tới nay, ông đã đưa được về miền Nam 8 người. Nhưng theo lời kể của ông, một số người, khi được đưa qua Trung Quốc trước khi chuyển về Hàn Quốc, đã năn nỉ ông đưa họ trở lại Bắc Triều Tiên vì sợ gia đình bị trả thù ! Nhưng dù có năn nỉ thế nào, ông Chol Sung-yong cũng dứt khoát từ chối, vì « hồi hương những người đó bằng bất cứ giá nào là nhiệm vụ của ông. »
Thái Lan: Giai đoạn chuyển tiếp đầy bất trắc
Cũng về thời sự châu Á, tờ Le Figaro hôm nay, quan tâm đến tình hình chính trị Thái Lan sau khi quốc vương Bhumibol qua đời. Tờ báo nhắc lại rằng vài giờ sau khi tin nhà vua băng hà được loan báo, hoàng thái tư Maha Vajiralongkorn đã xin tạm hoãn việc đăng quang, trong khi các nghị sĩ đang họp lại để chuẩn bị tôn ông lên làm tân vương.
Cùng lúc đó, cựu thủ tướng Prem Tinsulanonda, chủ tịch Hội đồng Cơ mật của nhà vua, được chỉ định là nhiếp chính. Đây là một vị trí mang tính chiến lược đối với nhân vật đã 95 tuổi này, vốn đã rất được cựu vương Bhumibol tin dùng và đã gần như thay vua lãnh đạo Hoàng cung trong suốt thời gian dài ông bệnh nặng.
Theo Le Figaro, việc chỉ định nhiếp chính khơi lại những đồn đoán về đấu đá nội bộ trong hoàng cung và thái độ nghi ngại đối với hoàng thái tử Vajiralongkorn. Hôm thứ bảy vừa qua, hoàng thái tử và nhiếp chính đã cố thể hiện sự đoàn kết nhất trí khi xuất hiện cùng với thủ tướng Prayut Chan-ocha, lãnh đạo chính quyền quân sự từ năm 2014. Một hình thức « tam đầu chế » mà không ai nói ra.
Cũng theo Le Figaro, dư luận Thái Lan lo ngại rằng, cái chết của quốc vương Bhumibol sẽ khởi đầu cho một chu kỳ bạo động chính trị mới. Những chia rẽ giữa một bên là phe Áo Đỏ của cựu thủ tướng Thaksin và phe thân hoàng gia ở Bangkok vẫn còn tồn tại trong bối cảnh kinh tế Thái Lan tăng trưởng chậm lại và dân số nước này đang già đi.
Irak : Giải phóng Mossoul, nhưng sau đó … ?
Tờ Libération hôm nay đưa trên trang nhất trận chiến giải phóng thành phố Mossoul, Irak, khỏi tay của lực lượng Nhà nước Hồi giáo, mà nếu thành công, sẽ là một chiến thắng mang tính quyết định đối với Daech kể từ khi tổ chức này được thành lập.
Xét thuần túy về mặt quân sự, Daech không thể giữ được Mossoul trước một liên quân mạnh hơn rất nhiều. Vấn đề chưa ai biết là quân thánh chiến Hồi giáo sẽ phản ứng như thế nào. Họ sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, điều lực lượng tăng viện từ Syria đến, hay sẽ rút đi và tẩu thoát ?
Nhà nghiên cứu Loulouwa al-Rachid, chuyên gia về Irak, được tờ Libération trích dẫn cũng nhận định rằng, Mossoul chắc chắn sẽ thất thủ, nhưng theo bà, tình hình sau đó rất đáng quan ngại vì hậu quả về mặt nhân đạo rất là trầm trọng. Theo nhà nghiên cứu này, những phương tiện được huy động sẽ hoàn toàn không đáp ứng nhu cầu của hàng trăm ngàn người dân Mossul sẽ chạy lánh nạn. Mặt khác, chính phủ Irak không hề có một chiến lược chính trị nào để quản lý thành phố này sau khi giải phóng khỏi tay Daech. Ngoài ra, không có gì chứng minh là Daech sẽ không xây dựng lại lực lượng ở nơi khác.
Quân đội Pháp trước mối đe dọa khủng bố
Tờ Le Figaro hôm nay dành tranh nhất cho quân đội Pháp với những nhiệm vụ mới trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo tờ báo này, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, chưa bao giờ quân đội Pháp được huy động nhiều như thế.
Nhiều biện pháp đã được đề ra để cải thiện sự huy động và phân bổ các lực lượng, đặc biệt là việc thành lập một lực lượng « vệ binh quốc gia », gồm khoảng 40 ngàn người từ đây đến năm 2019 và thử nghiệm nghĩa vụ quân sự tự nguyện.
Mặt khác, cũng theo Le Figaro, chiến dịch ngăn ngừa khủng bố mang tên « Sentinelle », mà hiện vẫn huy động 10 ngàn quân nhân, đã được điều chỉnh lại. Thay cho những phiên gác cố định là các chuyến tuần tra lưu động. Việc tổ chức tốt hơn cũng là nhằm dưỡng sức cho các quân nhân, vốn đã rất mệt mõi vì được huy động liên tục kể từ sau các vụ tấn công khủng bố năm 2015.
Về lâu dài, các quân nhân Pháp phải thích ứng với những nhiệm vụ mới. Sau khi huy động nhân lực, ưu tiên hiện nay là nâng cấp các thiết bị quân sự, mà phần lớn đã rất cũ kỹ.
Căng thẳng NATO-Nga
Quan hệ giữa khối NATO và Nga chưa bao giờ căng thẳng như thế kể từ khi khối hiệp ước Vacxava giải thể năm 1991. Đó là nhận định của tờ Le Figaro hôm nay.
Tờ báo nhắc lại rằng trong bài diễn văn với giọng điệu rất gay gắt với Hoa Kỳ, đọc tại hội nghị an ninh Munich vào năm 2007, tổng thống Putin đã khẳng định rằng việc mở rộng khối NATO sang phía Đông là đụng chạm đến những lợi ích của Nga. Học thuyết quân sự của Nga năm 2009 xem NATO là mối đe dọa chính.
Theo Le Figaro, thái độ thù ghét NATO không chỉ bây giờ mới có, mà đã xuất phát từ khi Liên minh Bắc Đại Tây Dương bắt đầu mở rộng. Matxcơva cho rằng Hoa Kỳ đã không làm đúng theo lời hứa, mà dường như cựu ngoại trưởng James Baker đã đưa ra với cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachov năm 1990.
Tuy nhiên, theo nhận định của Le Figaro, sẽ không có nguy cơ xung đột giữa Nga với khối NATO, vì những lời lên án Liên minh Bắc Đại Tây Dương chủ yếu là có liên hệ đến tình hình nội bộ nước Nga. Matxcơva cũng thừa hiểu là họ không thể thắng NATO bằng quân sự.
Hiệp định lịch sử về khí hậu
Tựa trên trang nhất của tờ Le Monde hôm nay dành cho hiệp định lịch sử vừa đạt được tại Kigali, Rwanda cuối tuần trước về việc loại trừ dần dần khí HFC ( hydroflourocarbure ).
Đây là loại khí chủ yếu được sử dụng trong tủ lạnh và máy lạnh và là loại khí gây hiệu ứng lồng kính mạnh hơn gấp 14 ngàn lần so với khí CO2. Loại trừ khí HFC sẽ giúp giảm nhẹ đáng kể hiện tượng biến đổi khí hậu một cách nhanh chóng trong trung hạn. Theo hiệp định Kigali, các nước phát triển cam kết sẽ giảm 10% việc sử dụng khí HFC từ đây đến năm 2019, để tiến tới loại trừ hoàn toàn khí này vào năm 2050.
Theo tờ Le Monde, hiệp định Kigali cũng đã tính đến mối quan ngại của những quốc gia nằm tại các vùng nóng nhất thế giới, tức là những nước gần như là không thể sống nếu không có máy lạnh. Để giúp các vùng này trong giai đoạn chuyển tiếp, 16 quốc gia, trong đó có Mỹ, Pháp, Đức và Nhật, cũng như nhiều tổ chức và nhà tài trợ tư đã hứa sẽ viện trợ 80 triệu đôla.
Sự lừa đảo về Cholestérol
Về y tế, tờ Libération nói về một bộ phim tài liệu sẽ được chiếu trên kênh truyền hình Đức-Pháp Arte tối mai, 18/10/2016. Bộ phim này kể lại làm thế nào mà chất lipide trong suốt hàng mấy thập niên bị « vu cáo » là gây các bệnh tim mạch.
Cholestérol là một chất lipide rất hữu ích cho cơ thể con người và một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ở Massachusetts đã cho thấy không hề có mối liên hệ giữa cholesterol với các bệnh tim mạch. Nhưng bộ phim nói trên cho thấy, bằng những luận cứ dối trá dưới danh nghĩa các công trình nghiên cứu khoa học, ngành công nghiệp thực phẩm và các hãng bào chế dược phẩm đã biến chất này thành một « tên sát nhân hàng loạt », và qua đó thu được nhiều tỷ đôla lợi nhuận nhờ bán loại thuốc giảm cholestérol và các thức ăn ít cholestérol. – RFI
TIN ĐỌC NHANH
AFP) – Lũ lụt nghiêm trọng ở miền trung Việt Nam khiến 25 người chết. Văn phòng phòng chống thiên tai ngày 17/10/2016, cho biết hơn 24.000 ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại nặng. Việc xả nước bất ngờ của nhà máy thủy điện Hố Hô Hà Tĩnh góp phần gây ra hậu quả nặng nề. Trong khi đó, người dân đang chuẩn bị đối phó với bão Sarika mạnh nhất trong năm nay.
(Tân Hoa xã) – Trung Quốc kết án tù chung thân một quan chức cao cấp tham nhũng. Ông Ngụy Bằng Viễn (Wei Pengyuan), thuộc Cơ quan quản lý Năng lượng Quốc gia, ngày 17/10/2016, đã bị kết án tử hình nhưng được hoãn thi hành án 2 năm. Từ 2000-2014, ông Ngụy nhận hối lộ 211,7 triệu nhân dân tệ (28,6 triệu euro). Tại nhà riêng ông Ngụy, các nhà điều tra tìm thấy hơn 200 triệu nhân dân tệ tiền mặt, phải dùng đến 16 máy đếm tiền và 4 máy trong số này đã bị hỏng nặng.
(Reuters) – Bộ Ngoại Giao Nhật ngày 17/10/2016, phủ nhận thông tin Tokyo muốn quản lý chung các hòn đảo đang có tranh chấp với Nga. Trước đó, báo kinh tế Nikkei đã đưa ra thông tin này và còn cho biết thêm là thủ tướng Shinzo Abe hy vọng thuyết phục được tổng thống Nga Vladimir Putin để tháo gỡ vấn đề đã cản trở quan hệ của hai nước từ 70 năm nay.
(AFP) – BRICS ngày 16/10/2016, nhất trí thành lập cơ quan xếp hạng tín nhiệm tài chính. Theo thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, dự án này nhằm « lấp hố ngăn cách » trong kiến trúc tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, BRICS không thông báo lịch trình thành lập cụ thể. Ba cơ quan thẩm định tài chính quốc tế, Moody, Standard & Poor và Fitch Ratings thường bị cáo cuộc là thiên vị những nền kinh tế của phương Tây.
(AFP) – Ẩu đả trong nhà tù ở Brazil làm ít nhất 25 người chết. Cuộc nổi loạn xẩy ra ở nhà tù bang Roraima, miền bắc Brazil. Trong số người thiệt mạng, có 7 tù nhân bị chặt đầu và 6 người bị thiêu sống, khoảng 100 thân nhân của tù nhân bị bắt làm con tin. Cảnh sát đã can thiệp và chấm dứt vụ nổi loạn này vào cuối ngày 16/10/2016.
AFP – Syria : Gần hai chục thường dân thiệt mạng tại Aleppo. Theo Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Syria (OSDH), các vụ oanh kích này diễn ra ngày 17/10/2016. Về ngoại giao, tại hội nghị Luân Đôn về Syria, kết thúc ngày 16/10, Anh và Mỹ đòi gia tăng chính sách trừng phạt Matxcơva và Damas nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn cho Aleppo.