Tiến sỹ môi trường: Thủy điện Hố Hô có trách nhiệm lớn – 25 chết, 4 mất tích vì lũ lụt ở miền Trung

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tiến sỹ môi trường: Thủy điện Hố Hô có trách nhiệm lớn – 25 chết, 4 mất tích vì lũ lụt ở miền Trung

Dư luận Việt Nam đang phẫn nộ sau khi có những cáo buộc cho rằng một nhà máy thủy điện ở tỉnh Hà Tĩnh đã xả nước bất hợp lý gây thiệt hại to lớn cho người dân ở cuối nguồn.

Theo báo chí trong nước, Nhà máy thủy điện Hố Hô đã xả nước với lượng có lúc lên đến hơn 1800 m3/giây từ đêm 13 đến cuối ngày 14/10, vào lúc có mưa lớn ở miền trung Việt Nam. Báo chí cho rằng nhà máy ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, đã thông báo quá muộn khi xả nước. Việc này dẫn đến thiệt hại to lớn cho người dân ở cuối nguồn.

Có tin nhà máy xả nước lúc 5h chiều ngày 14/10 nhưng chỉ thông báo cho một lãnh đạo tỉnh trước đó khoảng 1 tiếng. Vì vậy, cả lãnh đạo tỉnh lẫn người dân gần nhà máy “không kịp trở tay”. Tin cho hay “11 xã với hơn 5.000 nhà dân quanh vùng bị dìm trong biển nước, có nơi ngập sâu đến 4 mét”.

Sau sự kiện này, nhà máy đã ra thông cáo báo chí nói họ xả nước “đúng quy trình”. Trước sự phẫn nộ của báo chí và công chúng, Bộ Công thương vào chiều 16/10 đã “lập tổ công tác điều tra việc xả lũ thủy điện Hố Hô”.

Từ Cần Thơ, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, một chuyên gia môi trường đưa ra nhận xét với VOA về trách nhiệm của thủy điện Hố Hô:

“Có một sự phối hợp không đồng bộ giữa Nhà máy thủy điện Hố Hô với các cơ quan chức năng. Cái trách nhiệm lớn nằm ở trong nhà máy thủy điện. Trách nhiệm của nhà máy thủy điện là phải chủ động tháo nước trong các hồ chứa ra trước khi mưa bão đến. Tôi nghĩ cái quy trình vận hành này có vấn đề nên họ không có chủ động trong chuyện tháo nước trong hồ chứa ra trước khi mưa bão về. Nên khi mưa bão về lớn, họ sợ vỡ đập nên họ phải xả nước như vậy”.

Vị phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ lưu ý rằng thông thường các thiết kế nhà máy thủy điện phải tính toán đến tần suất gây mưa bão trong khu vực, và phải có khả năng phối hợp để dự báo thời tiết trước 5-7 ngày, hoặc tối thiểu là 3-4 ngày.

Tiến sỹ Tuấn cũng nhấn mạnh rằng khi có khả năng nước đầu nguồn đổ về nhiều, tùy theo năng lực của đập, người ta phải xả nước trong đập 3-4 ngày trước khi nước đổ về “để tạo khoảng không gian cần thiết để trữ nước”.

So sánh với phân tích kể trên, Nhà máy Hố Hô đã hoàn toàn không làm như vậy.

Trên một bình diện rộng hơn, Tiến sỹ Tuấn phân tích thêm vì sao thủy điện nhỏ ở Việt Nam có nhiều vấn đề:

“Các chủ đầu tư đó đôi khi các nguồn kinh phí hoặc là năng lực không có đủ nhưng mà muốn có lợi nhiều thì đôi khi họ không tuân thủ theo những quy định trong kỹ thuật, và các quy định đó thường rất là nghiêm ngặt, nên do đó đã để xảy ra các sự cố”.

Về những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu, Luật sư Võ An Đôn hay bảo vệ người yếu thế nói với VOA rằng các nạn nhân có thể kiện Nhà máy Hố Hô:

“Thủy điện mà xả lũ làm chết người dân mà không thông báo trước hoặc là không xả đúng quy trình thì có thể bị truy tố về tội giết người, đồng thời phải bồi thường thiệt hại đối với người dân. Các luật sư trong đó có tôi sẵn sàng giúp người dân khởi kiện ra tòa. Tôi sẵn sàng giúp hoàn toàn miễn phí”.

Luật sư Đôn khuyên các nạn nhân cần lưu lại các bằng chứng bằng cách chụp hình lại các thiệt hại, đồng thời báo cho chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, bình luận về khả năng thắng kiện, Luật sư Đôn chỉ ra rằng do chính quyền địa phương có cổ phần trong nhà máy nên có thể họ sẽ can thiệp vào vụ kiện. Ông nói:

“Bên thủy điện thì công ty thường là bán cổ phần cho tư nhân nhưng 51% là của nhà nước. Trong trường hợp này là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Hà Tĩnh. Khi mà người dân khởi kiện thì họ rất khó chấp nhận. Thực tế thì chính quyền địa phương sẽ can thiệp tòa án, tìm mọi cách, viện ra nhiều lý do để không thụ lý đơn kiện của người dân”. – VOA

***
Mưa lũ ở miền Trung Việt Nam làm thiệt mạng ít nhất 25 người, 18 người bị thương, 4 người mất tích. Mưa lũ mạnh và nhanh cùng với thủy điện đồng thời xã lũ đã tàn phá hoặc gây hư hại nặng cho 240.000 ngôi nhà, cùng tài sản của người dân.

Trong khi lũ chưa rút hết thì Việt Nam lại phải chuẩn bị đối phó với trận siêu bão đang tới gần.

Các tỉnh miền Trung chịu thảm họa mưa lũ gồm Quảng Bình, Nghê An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Hình ảnh lũ lụt nước cao tới mái nhà và người dân chèo xuồng trên đường phố được phổ biến rộng rãi trên truyền thông nhà nước. Chính quyền kêu gọi người dân cả nước góp phần cứu trợ nạn nhân thiên tai.

Quảng Bình là tỉnh chịu nhiều thiệt hại nhất, Hãng tin Pháp AFP dẫn lời ông Nguyễn Khắc Vinh, bản tin không bỏ dấu, một người dân ở Kiến Giang huyện Lệ Thủy kể lại là nước dâng rất nhanh, cuốn trôi tất cả lúa gạo, gà vịt và mọi vật dụng của gia đình ông. Theo lời ông Vinh nhà ông bị ngập hoàn toàn toàn và hiện nay không có nước để uống hoặc nấu ăn.

Báo chí do nhà nước quản lý đưa tin chính phủ đang điều tra thực hư việc Thủy điện Hố Hô ở tỉnh Hà Tĩnh xã lũ mà không báo trước cho các huyện xã ở hạ du, góp phần gây thiệt hại nhà cửa tài sản mùa màng của người dân.

Trong khi đó bão số 7 tức Sakira với tốc độ gió tối đa 150km/giờ được dự báo sẽ tiến vào khu vực cách bờ biển Quảng Ninh – Nam Định khoảng 100km về phía Đông Nam trong vòng chưa đầy 2 ngày nữa, tức ngày 19/10. Vào ngày mai 18/10 khu vực bắc Biển Đông kể cả quần đảo Hoàng Sa biển động dữ dội gió giật cấp 16 -17.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngoài trận bão số 7 Sakira đang tiến dần về phía bờ biển Bắc Bộ, thì sáng nay một trận bão khác mang tên Hải Mã đã hình thành ngoài khơi bờ biển Philippines. Dự báo cuồng phong Hải Mã sẽ tiến vào Biển Đông vào. ngày 20/10 sắp tới. – RFA