Tin bão lụt miền Trung
Tỉnh Quảng Bình từng chịu cảnh ngập lụt nghiêm trọng 5 năm trước. (Ảnh tư liệu).
Bão Sarika đang di chuyển nhanh trên biển Đông, trực tiếp đe dọa miền Trung Việt Nam, trong khi lụt lội nghiêm trọng tại khu vực này đã làm ít nhất 11 người thiệt mạng.
Trước khi hướng ra biển Đông, sáng hôm nay, 16/10, cơn bão với sức gió lên tới 130km/giờ đã ập xuống đảo Luzon của Philippines, buộc hơn 12 nghìn người phải sơ tán.
Báo điện tử VnExpress dẫn lời ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nhận định rằng Sarika có thể “là cơn bão nguy hiểm và mạnh nhất trong vài năm gần đây vào Việt Nam”.
Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới hình thành từ ngày 13/10 ở các tỉnh ở miền trung Việt Nam, gây nên đợt mưa lớn và làm ngập lụt trên diện rộng ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Báo chí trong nước cho hay, tình hình ngập lụt khiến “hàng chục nghìn nhà dân ở các vùng bị ảnh hưởng chìm trong nước”, “gây chia cắt nhiều khu vực” và “gây thiệt hại nặng về người và tài sản”.
Reuters dẫn lại VTV đưa tin rằng có hàng chục du khách nước ngoài trong số các hành khách trên nhiều chuyến tàu bị kẹt tại khu vực bị ảnh hưởng, trong khi nhiều chuyến bay tới miền Trung bị hủy.
Công điện của Thủ tướng Việt Nam đăng tải trên trang web của chính phủ “gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đối với đồng bào và chính quyền địa phương, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng và yêu cầu chủ động phòng, chống lũ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và nhà nước”.
Ngoài mưa lớn, việc thủy điện xả lũ còn khiến hàng nghìn hộ dân ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, “bị cô lập, chờ tiếp tế”, theo VnExpress. Chủ tịch huyện này được trích lời cho rằng, hàng nghìn hộ dân bị ngập sâu “không kịp trở tay” do nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ.
Trong khi giám đốc thuỷ điện nói rằng đã “xả lũ đúng quy trình”, việc làm này đang vấp phải nhiều chỉ trích trên các trang mạng xã hội.
Viết trên trang Facebook, luật sư Võ An Đôn đã kêu gọi “nhân dân miền trung hãy làm đơn khởi kiện những thủy điện đã xả nước gây lũ lụt”.
Bão Sarika tiếp tục mạnh hơn đe dọa các tỉnh miền Trung
Theo tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Việt Nam cơn bão Sarika đang tiến rất nhanh vào biển Đông sau khi đe dọa đảo Luzon của Philippines.
Tình đến 1 giờ sáng ngày hôm nay bão Sarika, được Việt Nam đặt tên là Bão số 7, đang mạnh dần với sức gió lên tới 185 cây số giờ, giật ở cấp 17. Theo dự báo cơn bão sẽ tiến dần vào quần đảo Hoàng Sa với sức gió cấp 13 và sau đó nó sẽ tiến thẳng vào Việt Nam nếu không có yếu tố bất ngờ.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết bão số 7 là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp.
Về vị trí bão có thể tràn vào ông Hải cho rằng bão số 7 có thể đổ bộ ở điểm giao nhau giữa các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh.
Hai tỉnh này cũng là nơi đang gồng mình chịu số phận chung với Quảng Bình sau khi mưa lớn và xả lũ làm cho nhiều gia đình tan hoang thảm thương.- RFA
Thủy điện xả lũ góp phần làm dân khốn đốn
Kết hợp với mưa lớn kéo dài gây nước dâng lên tại các con sông, thủy điện Hố Hô xả lũ bất thình lình khiến người dân không kịp trở tay là vấn đề được báo chí lên tiếng từ hai ngày nay.
Thủy điện Hố Hô nằm trên sông Ngàn Sâu ở biên giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, vào lúc 1 giờ sáng ngày 14 tháng 10 đã xả lũ bất thình lình vì nước tràn về từ thượng nguồn, hành động xả lũ một cách nhanh chóng và ồ ạt này làm cho nước tràn xuống các khu vực hạ du của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình tăng thêm mực nước trùm lên cả khu vực.
Chịu thiệt hại nặng nề nhất là người dân huyện Hương Khê có 11 xã với hơn 5.000 nhà dân bị nước ngập sâu. Có nơi ngập tới 4m, điển hình là các xã Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hòa Hải.
Ông Phan Đình Hùng, Chủ tịch xã Hương Giang, Hương Khê, Hà Tĩnh cho biết dù xã thông báo liên tục cho người dân chạy lũ nhưng nước xả lũ từ Hố Hô lên quá nhanh, lại vào ban đêm nên người dân xoay xở không kịp.
Trong khi đó ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô khi trả lời báo chí cho rằng việc xả lũ tại Hương Khê là đúng quy trình.
Phản ứng trước cách trả lời này chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Huấn đã cho rằng thủy điện Hố Hô “Khi chưa mưa thì không xả, lại nhè lúc mưa lớn để xả. Nước trên đổ về, nước sông dâng lên, tôi đề nghị dừng lại từ 1-2 tiếng cho nước rút bớt, điều kiện lúc đó có thể dừng xả 1 tiếng nhưng lãnh đạo nhà máy không chấp thuận”.
Ông Vũ Mạnh Hùng trả lời rằng “Hố Hô có thông báo tới ban phòng chống bão lụt các cấp như trong phương án phòng chống lũ lụt nhà máy thủy điện đã được tỉnh phê duyệt, và Hố Hô không có trách nhiệm thông báo tới chủ tịch UBND huyện”.
Tiết lộ của ông Lê Ngọc Huấn cho thấy sự bất kể sinh mạng tài sản của người dân đối với thủy điện Hố Hô và cách trả lời của ông Vũ Mạnh Hùng đáng để hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh xem xét.
Thủy điện Hố Hô từng bị đả kích là hiểm họa treo lơ lửng trên đầu của hàng vạn người dân khu vực hạ du của sông Ngàn Sâu vì nó từng suýt vỡ sau trận lũ năm 2010. Công trình thủy điện Hố Hô được lãnh đạo hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh chấp bút thỏa thuận cho xây dựng. – RFA
Hơn ba trăm hành khách tàu hỏa được giải tỏa
Tổng cục Đường sắt Việt Nam cho biết số hành khách bị mắc kẹt tại các ga của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng bình khi lũ lụt gây hư hỏng đường ray đã được giải tỏa, đưa ra khỏi vùng lũ lụt an toàn. Đây là số hành khách trên 10 đoàn tàu bị kẹt riêng 12 đoàn tàu chở hàng hóa vẫn chưa giải tỏa được.
Ông Đới Sỹ Hưng, phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam cho báo Tuổi Trẻ biết ngành đường sắt đã huy động hơn 1000 công nhân tới hiện trường để giúp người bị nạn cũng như khắc phục sự cố kỹ thuật. 110 cây số đường ray đã dược phục hồi còn lại hơn 90 cây số đường bị ngập khác đang dần dần khôi phục lại.
Có gần 100 du khách nước ngoài bị ảnh hưởng trong sự cố tắc đường này cùng với hơn 200 khách Việt Nam sẽ được đưa vào ga Đông Hà bằng ôtô và từ ga Đông Hà sẽ đi tàu vào ga Đà Nẵng, kết thúc hành trình.
Riêng phần hơn 700 hành khách kẹt lại từ hướng khác đang được giải quyết sau khi các đoạn đường ray chìm trong nước từng bước phục hồi. – RFA
Quảng Bình xin hỗ trợ khẩn cấp
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vừa chính thức xin trung ương hỗ trợ khẩn cấp vì cả tình đang trong tình trạng tuyệt vọng do mưa lũ tràn ngập và thiệt hại nặng nề cả người lẫn của.
Vào ngày hôm qua khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến thị sát tình hình ngập nặng của Quảng Bình, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã cho ông Dũng biết toàn tỉnh có 9 người chết, 10 người mất tích. Trong các tuyến đường bộ hầu hết đều bị cắt tuyến đường sắt các ga Đồng Hới, Lệ Sơn, Mỹ Đức bị tắc lại từ khi nước làm thiệt hại các đường ray, hàng chục con tàu không di chuyển được hành khách có cả người nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn nguy hiểm.
Bên cạnh đó, tàu thuyền bị trôi dạt ra biển mặc dù ngư dân không còn đánh cá do thảm họa Formosa.
Ông Nguyễn Hữu Hoài tha thiết đề nghị Phó Thủ tướng xem xét và hỗ trợ khẩn cấp để tỉnh sớm khắc phục hậu quả. Ông Hoài nói rằng người dân vốn chưa hoàn toàn phục hồi sau khi sự cố Formosa nay lại đến lũ nên sức chịu đựng của tỉnh gần như không thể lãnh nhận nỗi.
Theo báo Tuổi trẻ Online cho biết Tỉnh Quảng Bình đề nghị trung ương hỗ trợ tìm kiếm người mất tích trên biển cũng như cho tỉnh 5.000 tấn gạo, 250 tỉ đồng để khắc phục hư hỏng các công trình thuỷ lợi và giao thông, hỗ trợ ngư dân 50 tỉ đồng do bị chìm và hư hỏng tàu và 50 tỉ đồng về giống cây trồng. – RFA
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung
17:35:00 15/10/2016
Mưa lũ miền Trung đang lên đỉnh điểm, khiến hàng nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm, nhiều khu vực bị cô lậpTài sản, gia súc của nhiều hộ dân nhanh chóng được di tản để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
Tình trạng mưa lớn diện rộng kéo dài từ ngày 14/10 tại khắp miền Trung đã gây ngập úng, lũ dâng. Nhiều tuyến đường, khu dân cư bị chia cắt, đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lũ tại các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình lên nhanh trong đêm qua khiến nhiều địa phương bị cô lập. Hàng nghìn ngôi nhà của người dân bị chìm trong biển nước.
Các huyện miền núi Quảng Bình nước lũ dâng ngập nhà dân. Ảnh: Facebook.
Nước lũ dâng cao ngập sát mái nhà. Ảnh: Facebook
Người dân phải bắc thang leo lên mái nhà để tránh ngập. Nguồn: Vietnamnet
Một số người dân phải leo lên nóc nhà để tránh trú, bị bao vây khi nước lũ cô lập. Ảnh: Facebook
2 cụ già phải mang theo đồ đạc và vật nuôi trèo lên khu mái để tránh nước lũ. Ảnh: Facebook
Chiếc xe được treo lên cao tránh nước lũ tràn vào làm hư hỏng. Ảnh: Người lao động
Hình ảnh người đàn ông ngồi nhìn ngôi nhà ngập trong nước lũ. Ảnh: facebook Trung Kiên Nguyễn
Cơ quan chức năng đưa tài sản người dân Minh Hóa đến khu vực cao hơn để tránh lũ. Đây là ngôi nhà tránh lũ được thiết kế đặc biệt tại Tân Hóa. Nước lên cao bao nhiêu thì nhà nổi lên bấy nhiêu. Ảnh: Đình Thức
Cách di chuyển duy nhất vào xã Phương Mỹ (Hương Khê, Hà Tĩnh) là bằng đò. Ảnh: Đình Thức
Nhiều vật nuôi của người dân bị chết do ngập nước. Ảnh: Đình Thức
Trâu bò được người dân dắt lên đường quốc lộ để tránh vùng ngập. Ảnh Đình Thức
Đàn trâu bò của người dân được sơ tán lên khu vực hiên nhà để tránh lũ cuốn. Ảnh: facebook
Nước ngập sâu khiến trâu bò cũng kiếm khu vực cao để trú. Ảnh: facebook
Một gia đình đã phải dùng dây thừng kéo chú bò lên cao để tránh bị ngạt nước. Ảnh: facebook
Thóc lúa và vật nuôi trong nhà được người dân đưa lên những nơi cao để tránh bị cuốn trôi. Ảnh: facebook
Gia súc trong nhà cũng được người dân di tán khỏi vùng lũ. Ảnh: facebook
Nước ngập trắng xóa, đàn trâu bò cũng nhanh chóng được người dân di tản trước khi bị nước lũ cô lập. Ảnh: Facebook Bụi đời
Người dân Tuyên Hóa, Quảng Bình đưa gia súc đi chạy lũ. Ảnh báo Quảng Bình