Tin khắp nơi – 15-10-2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 15-10-2016

Mỹ-Nga bàn việc ngừng bắn ở Syri

 

A damaged site after an airstrike in the besieged rebel-held al-Qaterji neighbourhood of Aleppo, Syria October 14, 2016.

Image copyrightREUTERS
Image captionCác khu vực do phiến quân kểm soát ở Aleppo đã phải đối diện các cuộc không kích hàng ngày
Các cuộc đàm phán mới đang diễn ra tại Thụy Sỹ, trong đó Hoa Kỳ và Nga nỗ lực làm trung gian dàn xếp một lệnh ngừng bắn mới tại Syria.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ dự họp cùng các phái đoàn từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Saudi và Qatar tại thành phố Lausanne.
Kể từ sau khi thỏa thuận ngừng bắn trước nhanh chóng bị đổ vỡ hồi tháng Chín, Syria và đồng minh là Nga đã đẩy mạnh việc đánh bom vùng đông Aleppo, nơi các phiến quân nắm giữ.
Hiện, tin tức nói các phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang tiến tới Dabiq, một căn cứ của nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS).
Thị trấn nhỏ này mang giá trị biểu tượng to lớn đối với IS và được nhắc đến tràn ngập trong các chiến dịch tuyên truyền của nhóm này.
Các tổ chức cứu trợ hàng đầu đã kêu gọi có 72 gờ ngừng bắn để họ có thể tiến hành phân phát hàng viện trợ.
Trước khi diễn ra các cuộc đàm phán tại Thụy Sỹ, các quan chức đã không muốn tạo cảm giác có nhiều hy vọng đạt được bước đột phá trong lần đàm phán này.
Hôm thứ Sáu, hãng tin Nga dẫn lời ông Kerry nói ông không “trông mong đặc biệt” gì từ các cuộc đàm phán, trong lúc một nguồn tin giấu tên của Pháp nói với AFP: “Khi ta nhìn vào kết quả của các nỗ lực trước đó, thì thành thật mà nói tôi ít nhiều nghi ngờ về những gì có thể đạt được trong những nỗ lực tới đây.”
Tổng thống Syria, ông Bashar al-Assad cam kết sẽ giữ Aleppo “sạch bóng” các phiến quân và nói với một tờ báo Nga rằng việc giành chiến thắng ở thành phố này sẽ là một “bước đệm” để bật lên giành chiến thắng tại các nơi khác trên toàn quốc.
Hôm thứ Bảy, các tổ chức cứu trợ, trong đó có Save the Children, Oxfam, Hội đồng Tị nạn Na Uy và Ủy ban Cứu hộ Quốc tế ra lời kêu gọi “hãy có thời gian ngưng bắn trong ít nhất 72 giờ tại đồng Aleppo”.
“Điều này sẽ cho phép những người ốm bệnh, bị thương được đưa đi sơ tán, và cho phép thực phẩm, thuốc men được chuyển vào vùng bị bao vây,” tuyên bố viết.
Map showing control of northern Syria - 3 October 2016
Khoảng 275 ngàn người sống tại các khu vực bị bao vây, và các tổ chức cứu trợ đã không thể tới nơi kể từ khi việc bao vây được tái lập, hôm 4/9.
Hơn 370 người, trong đó có gần 70 trẻ em, đã bị giết chết trong các cuộc đánh bom vào đông Aleppo, theo tổ chức Quan sát Nhân Quyền Syria có trụ sở tại Anh.
Tổ chức này nói hàng chục dân thường, trong đó có cả trẻ em, cũng đã thiệt mạng trong các cuộc nã pháo của phiến quân vào tây Aleppo, nơi chính phủ Syria kiểm soát.
Cuộc chiến nổ ra, với khởi đầu là phong trào nổi dậy chống Tổng thống al-Assad, nay đã chia cắt đất nước thành nhiều phần.
Tình trạng giao tranh diễn ra đã hơn 5 năm, cướp đi sinh mạng của khoảng 300 ngàn người. – BBC

Thái Lan : Cựu thủ tướng Prem Tinsulanonda giữ quyền nhiếp chính

mediaCựu thủ tướng Prem Tinsulanonda, et nữ cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra (P) trong một chương trình văn nghệ tại Bangkok, ngày 19/01/2012.AFP PHOTO/HO/Government House
Thanh Hà
Sau khi quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej băng hà, hoàng thái tử tạm hoãn lễ đăng quang, ngày 14/10/2016 cựu thủ tướng Prem Tinsulanonda, 95 tuổi, và cũng là chánh văn phòng Hội Đồng Cơ Mật của cố vương Bhumibol được chỉ định giữ quyền nhiếp chính.
Thông tín viên Arnaud Dubus từ Bangkok lưu ý, ông Tinsulanonda có xung khắc với hoàng thái tử Vajiralongkorn :
« Prem Tinsulanonda đóng một vai trò then chốt trên bàn cờ chính trị Thái Lan từ cuối những năm 1970. Là một người thuộc cánh bảo thủ, ông luôn đứng đằng sau nhiều vụ đảo chính, trong đó có vụ năm 2006 khi thủ tướng Thaksin Shinawatra bị hạ bệ. Hai ông Thaksin và Tinsulanonda là kẻ thù không đội trời chung.
Từ năm 1998, cựu thủ tướng Tinsulanonda được chỉ định đứng đầu Hội Đồng Cơ Mật của nhà vua và ông đã tận dụng thế lực để gài những nhân vật thân tín vào những chức vụ then chốt trong quân đội. Do vậy giữa bên quân đội và hoàng cung có một sự gắn bó mật thiết. 
Tuy nhiên, quan hệ giữa chánh văn phòng Hội Đồng Cơ Mật của nhà vua và hoàng thái tử Vajiralongkorn không được tốt. Nổi tiếng nghiêm khắc, ông Prem Tinsulanonda không chấp nhập cuộc sống ăn chơi quá độ của thái tử Thái Lan. Ông đã chính thức nêu vấn đề này với một số các nhà ngoại giao, như nhiều tài liệu từng được WikiLeaks tiết lộ. 
Công luận Thái không khỏi hoang mang trước việc ông Prem Tinsulanonda được chỉ định giữ quyền nhiếp chính, trong lúc mọi người chờ đợi thái tử Vajiralongkorn lên ngôi ngay sau khi quốc vương Bhumibol băng hà ». – BBC

TQ phá nhóm tội phạm chuyên về thai nhi

The human foetus after 14 weeks, surrounded by the fluid-filled amniotic sacImage copyrightSCIENCE PHOTO LIBRARY
15-10-2016
Cảnh sát Trung Quốc bắt giữ 75 nghi phạm bị cho là có liên quan tới một mạng lưới rộng khắp, chuyên xác định bất hợp pháp giới tính thai nhi.
Giới chức tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc nói rằng dịch vụ ngầm này hoạt động bằng cách gửi các mẫu máu trích từ bào thai ra, từ Trung Hoa lục địa sang Hong Kong, để tiến hành xét nghiệm, nhằm xác định giới tính thai nhi.
Cảnh sát nói ít nhất có 300 người tham gia vào hoạt động bất hợp pháp này, với mạng lưới trải hầu như khắp nơi ở Trung Quốc, và nhắm vào các đối tượng sắp sinh con và mong có con trai.
Hiện Trung Quốc là quốc gia mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, với tỷ lệ 115 bé trai trên 100 bé gái.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ và chính sách một con của chính quyền Trung Quốc đã dẫn đến việc phá thai và có rất nhiều bé trai chào đời từ năm 1980 trở đi.
Điều này cũng dẫn đến cuộc khủng hoảng hôn nhân ở nam giới Trung Quốc trong thế kỷ 21.
Tình trạng mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc cũng gây tác động tới các quốc gia khác trong khu vực.
Đàn ông Trung Quốc ở miền nam lâu nay tìm vợ ở nước ngoài, nhất là ở Việt Nam, vì khó kiếm vợ Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc tìm vợ nước ngoài không phải lúc nào cũng được thực hiện qua con đường mai mối, tìm hiểu, cưới hỏi chính thức, hợp pháp.
Mới đây, giới chức tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, xác nhận một em gái 12 tuổi đang có bầu ba tháng ‘đã bị bắt cóc từ Việt Nam’.
Tin tức nói em gái này đã bị một phụ nữ tự nhận là mẹ nuôi của em bán cho một người đàn ông 35 tuổi.
Dựa trên những gì em khai với nhà chức trách, thì em đã bị hai người Việt bắt cóc mang đi từ năm 2014, sau đó được một phụ nữ nhận làm con nuôi.
Người này sau đó gả em cho người đàn ông 35 tuổi “làm vợ” với mức “tiền hồi môn” là 30.000 nhân dân tệ, tương đương 4.500 đô la Mỹ. – BBC

​Philippines dừng điều tra các vụ giết tội phạm ma túy 

TTO – Ủy ban thượng viện Philippines quyết định dừng điều tra về các vụ giết người không qua xét xử với các tội phạm và con nghiện ma túy kể từ khi ông Duterte nắm quyền.
​Philippines dừng điều tra các vụ giết tội phạm ma túy
Thượng nghị sĩ Leila De Lima – Ảnh: CNN
Theo CNN, quyết định này đã đặt dấu chấm hết cho những yêu cầu phải điều tra về việc hơn 1.000 người đã bị giết chết trong chiến dịch truy quét tội phạm ma túy kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền vào tháng 6-2016.
Theo số liệu thống kê tính tới ngày 20-9 năm nay, chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của ông Duterte đã giết chết 1.167 đối tượng, bắt giữ 18.064 đối tượng.
Chiến dịch cũng đã tiến hành 1.077.582 đợt khám xét tại nhà. Trong đó có 53.105 đối tượng buôn bán ma túy ra đầu thú và 662.594 con nghiện tự nguyện trình báo chính quyền.
Thượng nghị sĩ Leila De Lima, chủ tịch Ủy ban thượng viện điều tra các vụ giết người không qua xét xử liên quan tới chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của tổng thống Duterte, cũng là người chỉ trích ông gay gắt nhất về chiến dịch này.
Tháng 9 năm nay bà De Lima đã mời nhân chứng Edgar Matobato, một người tự nhận là cựu thành viên của “biệt đội tử thần” tại thành phố Davao, nơi ông Duterte làm thị trưởng trong hơn 2 thập kỷ, ra tố cáo trước tòa.
Ông Matobato khai rằng biệt đội của ông đã nhận lệnh trực tiếp của ông Duterte và con trai ông để loại bỏ các nghi phạm ma túy cũng như những người phản đối chiến dịch tiêu diệt tội phạm của ông Duterte.
Tuy nhiên văn phòng tổng thống Duterte đã bác bỏ những cáo buộc của nhân chứng Matobato, đồng thời ông Matobato cũng bị cơ quan chức năng từ chối bảo vệ nhân chứng.
Tiếp đó ngày 20-9 những người ủng hộ ông Duterte đã phế truất bà De Lima khỏi chức chủ tịch Ủy ban điều tra của thượng viện và thay vào đó là thượng nghị sĩ Richard Gordon.
Ông Gordon đã bác bỏ mọi lời khai của nhân chứng và nói nó không đáng tin cậy. Ngày 13-10 ông tuyên bố ủy ban điều tra của thượng viện sẽ không tiếp tục thảo luận về các vụ giết người không qua xét xử nữa, nhưng sẽ ra văn bản thông cáo về vấn đề này ngày 17-10.
Khi ủy ban điều tra triệu tập lại, họ sẽ chỉ tập trung vào các biện pháp chống tội phạm ma túy, trong đó có việc áp dụng án tử hình với những kẻ buôn bán ma túy bị kết án. Bà De Lima phản đối quyết định của ông Gordon, tuy nhiên phản đối của bà bị bác bỏ.
Cùng với đó Hạ viện Philippines với phần đông là các đồng minh của ông Duterte lại mở cuộc điều tra về những cáo buộc nói bà De Lima đã tham nhũng trong thời gian làm việc tại Bộ tư pháp.
Đầu tuần này, một tổ chức có tên là Các tình nguyện viên chống tội phạm và tham nhũng (VACC) đã đệ đơn tố cáo bà De Lima, nói bà đã nhận tiền lo lót của các trùm ma túy, cho phép họ có thể tiếp tục điều hành các hoạt động phi pháp ngay ở trong tù.
Bà De Lima bác bỏ những cáo buộc, nói đó là những “chứng cứ bịa đặt” mà những người ủng hộ ông Duterte thêu dệt ra để chống lại bà. – Tuỏi trẻ online

D. KIM THOA

Hình ảnh mới nhất về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines  

TTO – Cuộc chiến chống ma túy ở Phillippines vẫn tiếp tục trên đường phố. Manila cũng vừa tuyên bố kế hoạch mở trung tâm cai nghiện có sức chứa 10.000 người do một tỉ phú Trung Quốc tài trợ.

Hình ảnh mới nhất về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines 
Nhiều người ngồi chờ bị thẩm vấn ở đồn cảnh sát sau khi bị bắt trong cuộc truy quét ma túy ở Vùng đô thị Manila ngày 12-10 – Ảnh: Reuters
Trung tâm cai nghiện này được gọi là “siêu dự án” do quy mô “khủng” của nó, dự kiến mở cửa vào tháng 11 tới đây, theo hãng thông tấn Reuters.
“Sáng kiến này không chỉ mang lại lợi ích cho các nạn nhân ma túy, những người mà chúng tôi muốn tiếp cận và giúp đỡ, mà còn là tiền đề cho sự thay đổi của đất nước mà chúng tôi hướng tới”, Bộ trưởng Y tế Philippines Paulyn Jean Rosell-Ubial phát biểu tại một cuộc họp báo.
Theo kế hoạch, trung tâm tọa lạc tại một căn cứ quân sự phía bắc Manila sẽ được xây dựng với 75 container vật liệu nhập từ Trung Quốc, Bộ trưởng Paulyn Jean Rosell-Ubial cho biết.
Được biết dự án này do nhà kinh doanh bất động sản Trung Quốc Huang Rulun tài trợ. Giá trị tài sản của ông Huang Rulun được tạp chí Forbes ước tính khoảng 3,9 tỉ USD.
Giai đoạn đầu, trung tâm dự kiến điều trị và cai nghiện cho khoảng 2.500 người với khoảng 900 nhân viên.
Bà Ubial cho biết thêm chính quyền Philippines đang dự tính xây thêm 4 “siêu trại cai nghiện” ở nhiều nơi và nhiều nhà tài trợ, có cả ở Trung Quốc, cũng đã ngỏ ý muốn đóng góp.

Hình ảnh mới nhất về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines 
Nhiều người bị nhốt sau cuộc truy quét ma túy của cảnh sát ở Vùng đô thị Manila ngày 12-10 – Ảnh: Reuters
Khoảng 700.000 con nghiện đã ra “đầu hàng” với chính quyền nhằm hưởng khoan hồng, tuy nhiên Philippines hiện không có nhiều cơ sở cai nghiện.
Thông tin về “siêu dự án” cai nghiện được đưa ra trước chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng thống Duterte sáu ngày.
Tổng thống Duterte cũng nhiều lần nói rằng Trung Quốc đã bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ chính quyền Philippines trấn áp ma túy. Theo thống kê có hơn 3 triệu người Philippines nghiện ma túy.
Tuy nhiên, Tổng thống Philippines cũng chỉ trích phía Trung Quốc không đủ nỗ lực để ngăn chặn dòng chảy ma túy đá từ Trung Quốc sang Philippines. – Tuỏi trẻ online
Hình ảnh mới nhất về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines 
Cảnh sát kiểm tra tang vật, trong đó có ma túy đá, thu được trong một trận truy quét ở Vùng đô thị Manila ngày 12-10 – Ảnh: Reuters
Hình ảnh mới nhất về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines 
Một người đàn ông bị còng tay do bị cảnh sát bắt cùng ma túy đa 1triong người ở Quezon ngày 12-10 – Ảnh: Reuters

Hình ảnh mới nhất về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines 
Nhân viên tang lễ khiêng túi chứa tử thi của một người nghi là buôn ma túy bị giết chết trong hoạt động truy bắt Manila ngày 12-10 – Ảnh: Reuters
Hình ảnh mới nhất về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines 
Nhân viên tang lễ khiêng túi chứa tử thi của một người đàn ông bị giết chết trong hoạt động truy bắt ma túy ở Manila ngày 12-10 – Ảnh: Reuters

Hình ảnh mới nhất về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines 
Cảnh sát Phlippines trang bị vũ khí trong một trận truy quét ma túy ở Quezon ngày 12-10 – Ảnh: Reuters

Hình ảnh mới nhất về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines 
Gia đình khóc thương Gilbert Purgatorio, người bị các tay súng bịt mặt giết chết ngày 11-10. Theo một người thân, Gilbert có sử dụng ma túy nhưng đã từ bỏ từ khi ông Duterte lên làm Tổng thống – Ảnh: Reuters

Bolivia tát vào mặt Trung Quốc bằng việc hủy hợp đồng làm sân bay 

TTO – Chính quyền Bolivia đã quyết định hủy hợp đồng mở rộng một sân bay lớn với nhà thầu Trung Quốc bất chấp việc Bắc Kinh vừa quyết định cho vay đến 10 tỉ USD.
Bolivia tát vào mặt Trung Quốc bằng việc hủy hợp đồng làm sân bay
Tổng thống Bolivia Evo Morales (trái) nhận quà từ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (thứ hai từ trái sang) tại Dinh Tổng thống Bolivia ở thủ đô La Paz ngày 6-10 – Ảnh: Reuters
Theo báo Correo Del Sur của Bolivia, ngày 14-10, Bộ trưởng Công trình Công cộng Bolivia Milton Claros thông báo chính phủ nước này quyết định hủy hợp đồng với công ty xây dựng Trung Quốc Beijing Urban về việc thiết kế và xây dựng phần mở rộng sân bay Viru Viru Hub tại thành phố Santa Cruz.
Bộ trưởng Claros cho biết nguyên nhân chính dẫn tới sự đổ vỡ hợp đồng là do nhà thầu Trung Quốc này không đáp ứng đầy đủ yêu cầu tiêu chuẩn và tiến độ thi công vì “không hiểu chính xác tầm vóc của công trình”, đồng thời cho biết sẽ tìm kiếm một nhà thầu khác thông qua hình thức đấu thầu.
Hợp đồng trước đó đã được chấp thuận giao cho công ty Trung Quốc hôm 1-4 nhưng đã bị chính quyền La Paz quyết định hủy cách đây một tuần.
Bộ trưởng Công trình Công cộng Bolivia giải thích thêm rằng phía nhà thầu Trung Quốc tìm cách giảm tầm mức của qui mô công trình trong đó có việc xây dựng một đường băng mới và ba nhà ga đón khách.
Quyết định mới thông báo này chẳng khác một cái tát vào Trung Quốc vì Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) đã cấp tín dụng 400 triệu USD cho công trình này. Tuy nhiên danh sách các công ty tham gia đấu thầu sắp tới vẫn do China Eximbank giới thiệu như một phần trong thỏa thuận cho vay.
Quyết định của chính quyền Tổng thống Evo Morales cũng khó giải mã bởi gần như đưa ra chỉ sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa rời La Paz.
Trong chuyến thăm này, hai bên đã nhấn mạnh cam kết hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở tại quốc gia Nam Mỹ, với hai công trình trọng điểm là sân bay Viru Viru Hub và tuyến đường sắt nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, phần qua Bolivia.
Bolivia tát vào mặt Trung Quốc bằng việc hủy hợp đồng làm sân bay
Mô hình sân bay Viru Viru Hub mở rộng – Ảnh: Viru-ViruAirport
Theo hãng tin AFP, ngay khi Ngoại trưởng Vương Nghị rời La Paz, bộ trưởng Milton Claros còn hoan hỉ tuyên bố Trung Quốc đã quyết định tăng mức cho vay đối với Bolivia lên kịch trần là 10 tỉ USD. Đúng một năm trước đó, Tổng thống Morales từng loan báo rằng Bắc Kinh sẽ cho nước này vay 7 tỉ USD.
Thậm chí Bộ trưởng Claros còn khẳng định đã có 4,8 tỉ USD là “chắc chắn”.
Nhưng AFP cho biết kèm theo các khoản cho vay này là yêu cầu công trình phải do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện hoàn toàn hoặc phối hợp với các công ty Bolivia. Yêu cầu này đã khiến phe đối lập tại Bolivia nổi giận.- Tuỏi trẻ online


TÚ ANHNGỌC ĐÔN

Đại sứ TQ nói có giải pháp Philippines-TQ về bãi cạn Scarborough

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có chuyến thăm cao cấp tới Bắc Kinh vào tuần tới.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có chuyến thăm cao cấp tới Bắc Kinh vào tuần tới.
Quan hệ hữu nghị mới chớm nở giữa Trung Quốc và Philippines có thể tăng cơ hội loại bỏ một trong những vấn đề gây tranh chấp lớn nhất ở Biển Đông, đại sứ Trung Quốc nói hôm thứ Sáu, trong khi hai bên tìm cách tăng cường các mối quan hệ thương mại dù vẫn bất đồng về vấn đề chủ quyền.
Trước chuyến thăm cao cấp tới Bắc Kinh vào tuần tới của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và ít nhất 250 doanh nhân, đại sứ Trung Quốc tại Manila, Zhao Jianhua, nói rằng đã có nền tảng chung về Biển Đông mà hai bên có thể dựa vào đó để giải quyết, trong đó có Bãi cạn Scarborough đang trong tranh chấp.

Sự xích lại gần Trung Quốc của ông Duterte đánh dấu một sự đảo ngược trong chính sách đối ngoại của Philippines kể từ tháng Bảy, khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye, Hà Lan, ra phán quyết ủng hộ Philippines trong tranh chấp biển Đông.

Manila nộp đơn kiện việc tuần duyên Trung Quốc án ngữ 4 năm qua ở Bãi cạn Scarborough, một ngư truờng quan trọng.

Trong khi dành nhiều lời ca ngợi Trung Quốc, ông Duterte vẫn nhấn mạnh rằng các ngư dân Philippines cần phải được tiếp cận và không bị cản trở ở bãi cạn này.

Ông Zhao bày tỏ tin tưởng là có thể tìm ra một giải pháp và rốt cuộc, hai nước có thể thiết lập “một vùng biển hòa bình và hợp tác”.

Khi được một phóng viên hỏi liệu Trung Quốc có đáp ứng nguyện vọng của ông Duterte hay không, ông Zhao nói: “Phía Trung Quốc rất quan tâm tới hợp tác đánh bắt cá. Đó là câu trả lời cho sự quan ngại của tổng thống của bạn về các ngư dân. Chúng tôi muốn tìm kiếm khả năng đôi bên có thể xử lý hợp lý vụ này. Tôi nghĩ rằng hai bên sẽ có thể hợp tác tìm ra một giải pháp về vấn đề này”.

Tuy nhiên, chưa rõ là nền tảng chung là gì khi Trung Quốc từ chối thảo luận phán quyết của PCA và ông Duterte tiếp tục cam kết với người Philippines rằng ông sẽ không đi chệch nội dung của phán quyết ngày 12/7. – VOA

Theo Reuters

Ấn Độ: 19 người chết vì bị giẫm đạp

Những người hành hương theo đạo Hindu mang theo cờ tôn giáo đi trên một cây cầu đông đúc sau khi một vụ giẫm đạp trên cầu xảy ra ở ngoại ô Thành phố Varanasi, Ấn Độ, ngày 15 tháng 10 năm 2016.
Những người hành hương theo đạo Hindu mang theo cờ tôn giáo đi trên một cây cầu đông đúc sau khi một vụ giẫm đạp trên cầu xảy ra ở ngoại ô Thành phố Varanasi, Ấn Độ, ngày 15 tháng 10 năm 2016.
Cảnh sát miền Bắc Ấn Độ cho hay một vụ giẫm đạp xảy ra sáng sớm hôm thứ Bảy 15/10 bên ngoài một đền thờ Ấn giáo đã giết chết ít nhất 19 người.
Vụ việc xảy ra giữa lúc hàng trăm đệ tử của lãnh đạo tinh thần Jai Gurudev tụ tập tại Varanasi, thị trấn thiêng liêng của tín đồ Hindu tại bang Uttar Pradesh, một địa điểm nổi tiếng có nhiều đền thờ.
Nhân viên cảnh sát S.K.Bhagat cho hay ban tổ chức dự kiến sẽ có khoảng 3000 người tham gia buổi lễ, nhưng hơn 70,000 người đến dự.
Cảnh sát ngăn chặn một số người bước lên một chiếc cầu đã quá tải, làm dấy lên tin đồn đoán của một số người rằng cây cầu đã sập, khiến các tín đồ giẫm đạp để được an toàn.
Một người chứng kiến nói với các nhà báo: “Tình hình thật hỗn loạn. Tất cả chúng tôi đều bị đẩy, bị húc. Nhiều người thiệt mạng, trong đó có mẹ tôi.”
Rất nhiều người bị thương, một số trong tình trạng nghiêm trọng. Họ được đưa vào các bệnh viện ở địa phương trong khi nhà chức trách đang tức tốc đến hiện trường để thẩm định tình hình.
Thủ Tướng Ấn độ Narendra Modi ngỏ lời chia buồn với các nạn nhân và gia đình của họ.
Các vụ giẫm đạp xảy ra thường xuyên tại các lễ hội tôn giáo ở Ấn Độ, trong bối cảnh các lực lượng an ninh và các biện pháp giữ gìn trật tự không kham nổi trước những đám đông quá lớn.
Tháng 7 năm nay, 27 người chết ở miền Nam Ấn Độ giữa lúc hàng chục ngàn người hành hương đổ xô nhau xuống tắm dưới sông Godavai trong một lễ hội tôn giáo.
Tháng 10 năm 2013, hơn 110 người, đa số là phụ nữ và trẻ em, bị giết trong một vụ giẫm đạp tại bang Madhya Pradesh ở trung bộ Ấn Độ.  – VOA