Tin Biển Đông – 13-10-2016
TQ khuyến cáo Australia ‘cẩn trọng’ về Biển Đông
Lãnh đạo Không quân Australia Mark Binskin.
Reuters
Trung Quốc hy vọng Australia hành động và phát ngôn cẩn trọng về vấn đề Biển Đông và ‘lời nói phải đi đôi với việc làm,’ một giới chức cao cấp Trung Quốc tuyên bố với người đứng đầu Lực lượng Phòng vệ Australia.
Australia, một đồng minh thân cận với Hoa Kỳ, trước đây đã bị Trung Quốc chỉ trích vì thực hiện những chuyến bay do thám trên những đảo tranh chấp ở Biển Đông và ủng hộ hoạt động thực thi tự do hàng hải của Hoa Kỳ tại đây.
Tuy nhiên, Australia chưa đơn phương tiến hành các chuyến thực thi tự do hàng hải ở vùng biển này.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hôm 12/10, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Phạm Trường Long, nói với lãnh đạo Không quân Australia, Mark Binskin, là Trung Quốc hy vọng thúc đẩy các mối quan hệ quân sự song phương lành mạnh và ổn định.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời của ông Phạm nói rằng Trung Quốc “hy vọng về vấn đề Biển Đông, phía Australia phát biểu và hành động cẩn trọng, lời nói đi đôi với việc làm.”
Tháng trước, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thảo luận vấn đề Biển Đông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhấn mạnh tầm quan trọng phải tuân thủ luật lệ quốc tế. – VOA
Quan hệ quốc phòng Úc-Singapore không nhằm kiềm chế TQ
Tàu nạo vét của Trung Quốc trong vùng biển quanh đảo Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Các chuyến bay trinh sát của Mỹ ngày 21/5/2015 gần những bãi cạn mà Trung Quốc đang cải tạo cho thấy mấy mươi chiếc tàu đang ráo riết tiến hành hoạt động lấp biển xây đảo.
Hai thủ tướng của Úc và Singapore phát biểu hôm 13/10 rằng Trung Quốc không nên coi việc hai nước gia tăng hợp tác quân sự là một nỗ lực để kiềm chế Trung Quốc.
Úc và Singapore mới ký kết thỏa thuận theo đó Singapore sẽ chi 1,7 tỷ đôla Mỹ để tăng gấp đôi năng lực của các cơ sở huấn luyện quân sự của họ ở bang Queensland.
Với thỏa thuận mới này, quân đội Singapore sẽ tăng thời gian sử dụng các địa điểm huấn luyện của Úc hàng năm lên gấp ba lần, thành 18 tuần. Số lượng binh sỹ Singapore sẽ tăng từ 6.600 lên 14.000.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói với các phóng viên rằng không thể coi nước ông và Úc là một khối chống Trung Quốc. Ông nói thêm: “Chúng tôi là những bạn bè tốt nhưng chúng tôi không phải những đồng minh có hiệp ước với nhau, và cả hai nước chúng tôi đều không chống lại bất cứ nước nào trong khu vực”.
Thủ tướng Australia nói ông đồng ý với ông Lý và quan điểm của ông là sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nền tảng vững chắc cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực trong 40 năm qua.
Quan hệ giữa Singapore với Trung Quốc đã trở nên căng thẳng trong vài tuần qua sau khi có tin Singapore đòi đưa nội dung ủng hộ quan điểm của Philippines về phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đối với vấn đề Biển Đông vào văn kiện bế mạc của Phong trào Không liên kết ở Venezuela hồi đầu tháng trước.
Trước đó, đại sứ Singapore ở Trung Quốc và tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đã tranh cãi gay gắt về vai trò của Singapore trong tranh chấp Biển Đông có liên quan đến hội nghị ở Venezuela.
Trong một diễn biến khác, hôm 12/10, tại Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long (Fan Changlong) nói với người đứng đầu Lực lượng Phòng vệ Úc Mark Biskin rằng Trung Quốc hy vọng Úc sẽ hành động và phát ngôn thận trọng về Biển Đông, lời nói và việc làm đi đôi với nhau.
Trước đây, Úc bị Trung Quốc chỉ trích vì tiến hành các chuyến bay do thám bên trên các đảo có tranh chấp ở Biển Đông và ủng hộ Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra khẳng định tự do hàng hải ở vùng biển.
Biển Đông là nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei. – VOA
Theo Reuters, AP
Biển Đông giảm nhiệt nhờ Duterte hòa hoãn với Trung Quốc ?
Trọng Nghĩa
Nhiều chuyên gia từng cho rằng Bắc Kinh sẽ lợi dụng thời cơ nước Mỹ bị « tê liệt » vì cuộc bầu cử để khuấy động tình hình Biển Đông trong khoảng thời gian từ sau hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu đầu tháng 9, cho đến tháng 11, là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Thế nhưng cho đến nay, không thấy có sự cố đột biến nào xẩy ra, đặc biệt là từ phía Trung Quốc.
Một phân tích trên trang mạng viện nghiên cứu Úc ASPI ngày 10/10/2016, nhận định đó có thể là nhờ vào việc tân tổng thống Philippines đã cho thấy xu hướng « bỏ Mỹ theo Tàu », khiến Bắc Kinh phải tự kềm chế để xem diễn biến ra sao.
Theo nhận xét của chuyên gia Graeme Dobell, nếu thực sự là tân tổng thống Philippines xoay trục qua Trung Quốc thay vì qua Mỹ, Bắc Kinh sẽ có thể bất chiến từ nhiên thành tại Biển Đông, vừa có khả năng có được một thỏa thuận song phương với Philippines về Biển Đông, vừa phá được phần nào chính sách tái cân bằng của Mỹ qua vùng châu Á-Thái Bình Dương.
Chuyên gia này đã nhắc lại những dự báo « bi quan » gần đây, theo đó rất có thể là Mỹ và Trung Quốc sẽ đụng độ nhau trên vấn đề bãi cạn Scarborough, với Trung Quốc muốn chứng tỏ bằng hành động thực tế rằng phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực không có giá trị với họ, trong lúc Hoa Kỳ lại phải chứng minh rằng ông Obama không nói suông khi nói với ông Tập Cận Bình rằng Mỹ sẽ không khoanh tay nhìn Trung Quốc bồi đắp bãi Scarborough.
Xu hướng đối đầu Mỹ Trung rất nguy hiểm và có nhiều khả năng xẩy ra, nhưng sự kiện tân lãnh đạo Philippines, tác nhân chính trong vụ kiện Biển Đông, lại thay đổi thái độ, vừa có phát biểu chống Mỹ, vừa sẵn sàng hòa giải với Trung Quốc, đàm phán song phương về Biển Đông với Bắc Kinh mà không cần nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng Tài, sẵn sàng nhận trợ giúp của Trung Quốc…
Theo chuyên gia Dobell, có lẽ chính điều đó đã giúp « giảm nhiệt độ » tại Biển Đông vì cho phép cả Mỹ lẫn Trung Quốc tạm dừng đối đầu để xem xét tình hình mới mà phía Philippines đặt ra.
Đối với Trung Quốc, triển vọng mới trong quan hệ với Philippines sẽ cho phép Bắc Kinh gỡ thể diện vì bị thua sát ván trong vụ kiện Biển Đông, đồng thời gây thêm được khó khăn cho Mỹ trong chủ trương xoay trục, mà mục tiêu được cho là nhằm chống lại Trung Quốc.
Trong khi chờ đợi ông Duterte làm rõ hơn chính sách đối ngoại mới của Philippines, Bắc Kinh có dấu hiệu là tiếp tục sách lược hòa hoãn, từng thể hiện với Philippines từ ngày ông Duterte đắc cử tổng thống, và với Việt Nam, một tác nhân quan trọng khác trong hồ sơ Biển Đông.
Giải thích về những yếu tố có thể khiến cho ông Duterte hòa hoãn với Bắc Kinh, chuyên gia Dobell nêu bật nhiều giải thích của ông Mark Williams, cựu đại sứ Úc ở Manila từ 1989 – 1994, theo đó có nguyên nhân chính là Philippines không muốn phải đối đầu quân sự với Trung Quốc, một nguy cơ đặc biệt lớn nếu Philippines bị Mỹ sử dụng như cơ sở quân sự.
Ngoài ra tại Biển Đông, Manila quan tâm đến quyền đánh bắt cá và tiềm năng dầu khí tại khu vực tranh chấp hơn là quyền tự do lưu thông hàng hải quốc tế.
Về phần Trung Quốc, cho đến nay, nước này rất bực tức trước việc không biến được sức mạnh kinh tế thành lợi ích chiến lược rõ ràng trong khu vực Đông Nam Á, nhất là tại Philippines.
Ông Duterte có thể biếu cho Trung Quốc diều mà Bắc Kinh luôn mong muốn : Một thỏa thuận song phương về Biển Đông với một nước tranh chấp quan trọng. Bên cạnh đó, là làm suy yếu được liên minh tại Châu Á của đối thủ số một là Hoa Kỳ.
Có lẽ vì thế mà vào lúc này, Trung Quốc tránh những hành vi quá thô bạo có thể khiến Philippines đổi ý. – RFI