Các tổ chức hưởng ứng kêu gọi sửa đổi Dự thảo luật tôn giáo – tín ngưỡng Việt Nam

Cac Bai Khac

No sub-categories

Các tổ chức hưởng ứng kêu gọi sửa đổi Dự thảo luật tôn giáo – tín ngưỡng Việt Nam

 

Chùa Liên Trì bị đập phá ngày 8 tháng 9 năm 2016.

Chùa Liên Trì bị đập phá ngày 8 tháng 9 năm 2016.

Courtesy photo
Các tổ chức hưởng ứng kêu gọi sửa đổi Dự thảo luật tôn giáo – tín ngưỡng Việt Nam

00:00/00:00

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Thanh Trúc, phóng viên RFA

2016-10-11

Hôm thứ Năm ngày 6 tháng Mười, một thư ngỏ do 54 tổ chức tôn giáo và xã hội dân sự trong cũng như ngoài nước đồng ký tên, được gởi đến chủ tịch quốc hội Việt Nam với ý kiến về  Dự Thảo Luật Tôn Giáo và Tín Ngưỡng mà quốc hội có kế hoạch thông qua trong kỳ họp từ ngày 20 tháng Mười đến trung tuần tháng Mười Một tới.

Nhiều sai sót, bất cập

Các tổ chức bên ngoài hưởng ứng kêu gọi sửa đổi Dự Thảo Luật Tôn Giáo và Tín Ngưỡng mà quốc hội Việt Nam sắp họp và sẽ thông qua gồm Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam ở Pháp, BPSOS ở Mỹ, VETO Mạng Lưới Bảo Vệ Nhân Quyền ở Đức, Tổ Chức Nhân Quyền Người Miền Núi ở Hoa Kỳ.

Ngoài ra còn có một số tổ chức quốc tế như Giám Sát Nhân Quyền Human Right Watch, Ấn Xá Quốc Tế Amnesty International, Sáng Hội Theo Dõi Nhân Quyền Và Công Lý Đông Nam Á, Chiến Dịch Quốc Tế Cho Tây Tạng, Hội Nhân Quyền Cho Trung Quốc…

Khi người ta kính ngưỡng một tôn giáo nào thì đó là quyền tự do tín ngưỡng không ai được quyền nhìn nhận hoặc không nhìn nhận cả.
-Ông Trần Ngọc Sương

Tại Việt Nam, một số tổ chức tôn giáo và xã hội dân sự tham gia ký vào thư ngỏ để gởi đi trước khi quốc hội nhóm các phiên thảo luận với dự định thông qua Dự Thảo Luật Tôn Giáo Và Tín Ngưỡng trong khoảng thời gian ngày 20 tháng này cho đến ngày 18 tháng tới.

Dự Thảo Luật Tôn Giáo Và Tín Ngưỡng, mà Việt Nam muốn thông qua thành luật, có những điểm sai sót, bất cập, không bảo đảm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng theo đúng Điều 18 của Công Ước Quốc Tế Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết. Đó là nhận định của các tổ chức đồng ký tên vào thư gởi chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hôm thứ Năm tuần trước.

Dự Thảo Luật Tôn Giáo Và Tín Ngưỡng 2016 do Ủy Ban Tôn Giáo Chính Phủ soạn ngày 1 tháng Chín. Ông Trần Ngọc Sương, chánh trị sự Khối Nhơn Sanh Cao Đài Độc Lập không được nhà nước công nhận, giải thích về những điểm sai sót và bất cập trong dự thảo lần này:

So với Dự Thảo 4, Dự Thảo 5 của năm rồi thì  hiện tại Dự Thảo mới này có một số vấn đề. Ví dụ nhà nước đưa ra hai chữ “tín đồ” là phải được giáo hội ấy nhìn nhận và giáo hội ấy phải được nhà nước chấp thuận. Thành thử ra tín đồ gián tiếp phải được nhà nước nhìn nhận, như vậy không thực sự đúng với tôn giáo của chúng tôi. Tín đồ là người được quyền theo một tôn giáo nào đó, nhập môn vào một nền tôn giáo nào đó mà không bắt buộc nhà nước phải nhìn nhận. Nền đạo Cao Đài của chúng tôi, khai sinh từ 1926, chỉ thông báo những điều lệ và vấn đề thành lập tôn giáo để vâng lịnh Đức Thượng Đế đi truyền giáo mà thôi. Từ đó đến nay đã 91 năm thì không phải xin phép và không phải được bất cứ một cơ chế chính quyền nào nhìn nhận cả. Khi người ta kính ngưỡng một tôn giáo nào thì đó là quyền tự do tín ngưỡng không ai được quyền nhìn nhận hoặc không nhìn nhận cả. Cho nên chúng tôi mới góp ý là phải bỏ những điều đó và thay đổi một số vấn đề. 

 

000_Was8931089.jpg
Dân biểu Ed Royce, một trong hai vị dân biểu Hoa Kỳ đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.  AFP photo

 

Ông Nguyễn Bắc Truyển, cựu tù nhân chính trị, thành viên của Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam, trình bày những vấn đề có tính cách trói buộc đạo giáo mà quốc hội nên điều chỉnh lại:

Vừa qua thì Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam có lấy ý kiến của một số chức sắc tôn giáo chịu sự kiểm soát của nhà cầm quyền mà chúng tôi gọi là những tôn giáo quốc doanh do nhà nước dựng lên. Chúng tôi không được hỏi ý kiến nhưng chúng tôi biết trong dự thảo luật đó có nhiều vấn đề. 

Thứ nhất, định nghĩa tôn giáo, tín đồ, hoạt động sinh hoạt tôn giáo hết sức hạn hẹp. Thứ hai, định nghĩa đó ràng buộc, kiểm soát làm cho tôn giáo không thể phát triển được. Những tôn giáo mới, những niềm tin mớicũng không phát triển được. 

Ngoài ra, cơ chế đăng ký xin cho là một cơ chế nhằm để kiểm soát toàn bộ các tôn giáo ở tại Việt Nam, đặc biệt những tôn giáo không được nhà nước công nhận hay là những tôn giáo không chấp nhận sự kiểm soát của nhà nước. Họ còn can thiệp quá sâu vào nội bộ các tôn giáo về vấn đề hoạt động, giáo dục và bổ nhiệm các chức sắc. Nếu dự thảo luật này ra đời tôi tin chắc đó là một luật để kiểm soát tôn giáo hơn là nhằm khuyến khích phát triển tôn giáo cũng như niềm tin ở tại Việt Nam. 

Không phù hợp Công ước Quốc tế

Ông Võ Văn Bửu, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Độc Lập, tổ chức đã ký tên vào thư đề nghị sửa đổi Dự Thảo Luật Tôn Giáo Và Tín Ngưỡng mà quốc hội đang có kế hoạch thông qua:

Dự thảo luật này không phù hợp với Công Ước Quốc Tế. Chúng tôi đề nghị quốc hội Việt Nam hủy bỏ hoặc chỉnh sửa những qui định gắt gao để kiểm soát tôn giáo, chẳng hạn cơ chế xin cho.
-Ông Võ Văn Bửu

Dự thảo luật này không phù hợp với Công Ước Quốc Tế. Chúng tôi đề nghị quốc hội Việt Nam hủy bỏ hoặc chỉnh sửa những qui định gắt gao để kiểm soát tôn giáo, chẳng hạn cơ chế xin cho. Thay vì buộc phải đăng ký thí chúng tôi yêu cầu họ nên sửa từ đăng ký bằng từ thông báo. Từ hợp pháp thì chúng tôi yêu cầu họ sửa là thích hợp. 

Về vấn đề tổ chức sinh hoạt tôn giáo mà nơi nào hợp pháp thì nhà nước mới cho phép thì thay vì bây giờ nơi nào thích hợp để tổ chức ngày lễ của tôn giáo mà chúng tôi thấy thích hợp chúng tôi tổ chức thôi. Nếu ra dự thảo luật này thì chúng tôi là những người của tôn giáo không được thừa nhận. 

Vế câu hỏi có bao nhiêu hy vọng được quốc hội lắng nghe để thay đổi, ông Vũ Quốc Ngữ, đồng chủ tịch Mạng Lưới Các Tổ Chức Xã Hội Dân Sự Độc Lập, cũng đã ký tên vào thư ngỏ, trả lời:

Theo tôi việc này cũng khó tác động đến quốc hội Việt Nam bởi vì họ thường không tôn trọng nhiều lắm đến ý kiến của các xã hội dân sự độc lập. Nhưng chúng tôi muốn thông qua việc ký này để dóng lên tiếng nói cho đồng bào biết không những ở trong nước mà kể cả những tổ chức nhân quyền quốc tế cũng quan tâm đến tình hình tôn giáo ở Việt Nam và họ muốn Việt Nam phải có những cải thiện về tự do tôn giáo. 

Cũng thứ Năm tuần trước, sau thư ngỏ của 54 tổ chức tôn giáo và xã hội dân sự được gởi đến chủ tịch quốc hội Việt Nam với yêu cầu chỉnh sửa một số qui định trong Dự Thảo Luật Tôn Giáo Và Tín Ngưỡng, tại Hoa Kỳ 2 dân biểu liên bang thường quan tâm Việt Nam, ông Ed Royce và ông Alan Lowenthal, lên tiếng yêu cầu Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC các nước cần đặc biệt quan tâm vì không có tự do tôn giáo.