Tin Khắp Nơi – 10-10-2016
Samsung ‘tạm ngưng sản xuất Note 7’
Samsung, hãng sản xuất điện thoại thông minh khổng lồ, tạm ngưng sản xuất điện thoại Note 7 giữa lúc có khiếu nại là các thiết bị thay thế vẫn có nguy cơ gây cháy.
Các hãng thông tấn đưa tin Samsung đã tạm ngưng việc sản xuất loại sản phẩm này sau khi có các cuộc thảo luận với giới chức phụ trách an toàn.
Samsung nói với BBC hãng đang “điều chỉnh kế hoạch sản xuất để đảm bảo đáp ứng các vấn đề chất lượng và an toàn”.
Hãng đã buộc phải cho ra các mẫu điện thoại thông minh mới sau khi có khiếu nại pin bị lỗi.
Hãng đã phải thông báo thu hồi Galaxy Note 7 trong tháng Chín, và sau đó cam kết với khách hàng rằng các thiết bị đã được sửa chữa là đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, hiện có một số tường thuật nói các điện thoại thay thế có hiện tượng bốc khói.
‘Không đổi nữa’
Tin xấu hơn nữa cho Samsung, hai nhà mạng mobile ở Mỹ đã ngưng thay thế hoặc bán ra loại điện thoại này.
Hãng AT&T và T-Mobile nói họ không thay thế cho các thiết bị ở Mỹ nữa, và T-Mobile khẳng định họ cũng ngưng bán ra loại điện thoại này.
Samsung ra tuyên bố hồi tháng trước, nói vấn đề máy bị nóng là do một lỗi sản xuất “hiếm xảy ra” đối với pin, khiến cho “cực âm và cực dương của pin” đấu nối với nhau.
Hồi tuần trước, một chuyến bay quốc nội tại Mỹ đã phải sơ tán sau khi chiếc Note 7 đã được thay thế bắt đầu bốc khói trên khoang.
Trong thông báo cập nhật hôm thứ Hai, Samsung nói họ hiểu mối quan ngại của các nhà mạng và của khách hàng đối với sản phẩm Note 7.
Cổ phiếu của Samsung Electronics giảm 1,5% vào lúc đóng cửa giao dịch ở Seoul.- BBC
Linh mục ở tù 28 năm được phong Hồng y
Trong số 17 vị tân Hồng y được Đức Giáo hoàng Francis vừa tấn phong có cha xứ ở Shkodrë-Pult, Albania từng ngồi tù nhiều năm thời cộng sản.
Linh mục Ernest Simoni, sinh năm 1928, cũng là vị tân Hồng y của Giáo hội Công giáo mà chưa bao giờ giữ chức Giám mục.
Sống trong chủng viện dòng Franciscan thời Thế Chiến 2, và được thụ phong linh mục năm 1956, ngài và Giáo hội khi đó bị chính quyền cộng sản Albania đàn áp tàn khốc.
Hai vị tiền nhiệm của cha Simoni bị bắn chết và bản thân linh mục này bị bắt năm 1963 khi ‘dám làm lễ Thánh’ ngày Giáng Sinh, theo trang Washington Post hôm 8/10.
Cha Ernest Simoni bị tuyên án tử hình, sau đổi thành án chung thân và bị giam trong trại cải tạo 28 năm, bị tra tấn và cưỡng bức bỏ đạo.
Trong thời gian bị tù, công việc chính của ngày là làm thợ trong mỏ và dọn cống.
Nhưng những lúc không bị theo dõi, cha Ernest Simoni đã làm Thánh Lễ bí mật cho các bạn tù và nghe họ xưng tội.
Ngài chỉ quay lại làm linh mục sau khi chế độ CS sụp đổ ở Albania năm 1991.
Đức Giáo hoàng Francis đã gọi cha Simoni là “ngơời tử vì đạo” sau cuộc gặp năm 2014. – BBC
Sức khỏe nhà vua Thái Lan ‘không ổn định’
Sức khỏe nhà vua Thái Lan, một trong những quốc vương trị vì lâu đời nhất, đang “không ổn định”, các quan chức của hoàng cung cho biết, khi nhà vua đang được điều trị y tế.
Nhà vua Bhumibol Adulyadej được người dân kính trọng và coi như là một trọng tài trong nền chính trị chia rẽ của Thái Lan.
Ông chưa xuất hiện trước công chúng trong nhiều tháng và đã nằm viện hầu hết thời gian năm ngoái.
Nhà vua phải điều trị nhiều bệnh trong vài năm gần đây.
Thông cáo từ cung điện được đưa ra tối Chủ Nhật 9/10, cho biết nhà vua bị tụt huyết áp khi ông chuẩn bị được chạy thận nhân tạo, vì chức năng thận không hoạt động.
Ông đã được trợ thở và hỗ trợ y tế để huyết áp trở lại mức bình thường. Bác sĩ đang theo dõi tình trạng sức khỏe của ông chặt chẽ.
Cục quản lý Hoàng gia Thái Lan phát hành bản tin cập nhật sức khỏe nhà vua trong vài tháng qua. Đầu tháng này, một thông cáo cho biết nhà vua vừa hồi phục sau khi bị bệnh đường hô hấp.
Sức khỏe của nhà vua được theo dõi chặt chẽ ở Thái Lan. Ông được xem như biểu tượng của sự đoàn kết trong tình hình chia rẽ chính trị và bạo lực tăng cao. – BBC
Tổng thống Colombia tặng tiền thưởng Nobel
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cho biết ông sẽ dành tặng tiền thưởng giải Nobel Hòa bình cho các nạn nhân của xung đột 52 năm tại Colombia.
“Tối qua, tôi gặp gia đình tôi và chúng tôi quyết định dành tặng tám triệu krona Thụy Điển (925.000 đôla) cho các nạn nhân.”
Giải Nobel Hòa bình 2016 về tay Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cho dù thỏa thuận hòa bình với phe Farc đổ vỡ.
Các thành viên ủy ban Nobel ở Na Uy ca ngợi đóng góp của ông trong việc ký được thỏa thuận với phiến quân Farc hồi tháng trước sau bốn năm đàm phán.
Tuy nhiên thỏa thuận này sau đó đã bị người dân Colombia bác bỏ trong một cuộc trưng cầu dân ý.
Cuộc xung đột kéo dài 52 năm đã khiến khoảng 260.000 người chết và hơn sáu triệu người phải ly tán.
Đài Loan muốn nối lại đàm phán với Trung Quốc
Tổng thống Thái Anh Văn – Tsai Ing-wen(P), trong lễ mừng Quốc Khánh Đài Loan, ngày 10/10/2016, tại Đài Bắc.REUTERS/Tyrone Siu
Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn hôm nay (10/10/2016) kêu gọi Trung Quốc nối lại các cuộc thương thuyết và cam kết rằng “ bất kể chuyện gì ” cũng có thể đưa vào đàm phán.
Trong bài diễn văn nhân ngày Quốc Khánh Đài Loan, tổng thống Thái Anh Văn cho rằng cả hai bên nên “ tạm gác lại quá khứ và có những cuộc đối thoại tích cực ”.
Bà nói : “ Cả hai bên bờ eo biển nên ngồi lại và đối thoại nếu có thể. Bất kể điều gì cũng có thể đưa ra đàm phán ”. Đài Bắc và Bắc Kinh không nên đi theo “ lối mòn đối đầu cũ ”, nhưng chính phủ của bà cũng không thể lùi bước trước các áp lực của Bắc Kinh.
Đối với tổng thống Đài Loan, chủ trương “ giữ nguyên trạng ” là “ quan điểm cơ bản ” được dựa trên “ nguyện vọng của toàn thể người dân ” giúp duy trì hòa bình cho đôi bờ eo biển.
Đài Bắc từng lên án Bắc Kinh gây áp lực với nhiều nước như Armenia và Kenya trong việc dẫn độ về Trung Quốc các công dân Đài Loan bị tình nghi lừa đảo, gian lận.
Đài Loan phàn nàn về việc Trung Quốc cản trở Đài Bắc tham gia các sự kiện quốc tế, kể cả việc tham dự Hội nghị Hàng Không Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Canada và một loạt các diễn đàn khác tại Hồng Kông vào giữa mùa thu này.
Quan hệ Đài Loan và Trung Quốc đã trở nên xấu đi kể từ khi bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến trở thành nữ tổng thống đầu tiên trên hòn đảo này. Việc bà Thái Anh Văn từ chối chấp nhận khái niệm “ Một nước Trung Hoa ” đã dẫn đến việc Bắc Kinh cắt đứt các kênh giao tiếp sau thắng lợi của đảng Dân Tiến trước Quốc Dân Đảng trong kỳ bầu cử tổng thống – RFI
Trung Quốc sẵn sàng thương lượng để Ấn Độ gia nhập NSG
Thủ tướng Narendra Modi (P) và chủ tịch Tập Cận Bình sau lễ ký thỏa thuận hợp tác Ấn-Trung hôm 17/9/2014 tại thàh phố Ahmedabad.REUTERS/India’s Press Information Bureau
Trung Quốc hôm nay 10/10/2016 cho biết sẵn sàng đàm phán với Ấn Độ để nước này gia nhập Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (Nuclear Suppliers Group – NSG).
Trả lời truyền thông về chuyến đi Ấn Độ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân thượng đỉnh các nước trỗi dậy (BRICS), thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông cho biết chủ đề gia nhập nhóm các quốc gia cung cấp hạt nhân (Nuclear Suppliers Group – NSG) sẽ là trọng tâm cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Ấn – Trung bên lề thượng đỉnh.
Theo lời quan chức này, việc kết nạp thành viên mới vào NSG đòi hỏi một sự đồng thuận giữa 48 quốc gia thành viên. Ông nói: “Những nguyên tắc này không do một mình Trung Quốc quyết định. Về chủ đề này, Bắc Kinh và New Dehli đã duy trì một mối liên lạc tốt và chúng tôi sẵn sàng tiếp tục tham vấn với Ấn Độ để xây dựng một sự đồng thuận. Chúng tôi hy vọng là Ấn Độ có thể làm được điều này với các thành viên khác của NSG”.
Mặt khác, Trung Quốc “sẵn sàng đàm phán với Ấn Độ để khai thác các khả năng nhưng mọi việc đòi hỏi cần phải được tuân thủ theo đúng các quy trình, chuẩn mực và quy định của NSG. Về điểm này, lập trường của Bắc Kinh luôn nhất quán. Chính vì thế mà tại sao Trung Quốc thường xuyên nói là luật quốc tế phải được giám sát”.
Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đến Goa, Ấn Độ, dự thượng đỉnh nhóm BRICS, diễn ra trong hai ngày 15-16/10/2016. BRICS quy tụ các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Tờ The IndiaExpress cho biết, sau Ấn Độ, Trung Quốc sẽ đàm phán với Pakistan, quốc gia cũng có tầm ảnh hưởng trong nhóm NSG. – RFI
Đức bắt được nghi phạm có ý đồ tổ chức khủng bố
Cảnh sát Đức hôm nay 10/10/2016 loan báo đã bắt được thanh niên Syria ở Leipzig, phía đông nước Đức. Người này bị nghi ngờ chuẩn bị một vụ tấn công khủng bố, trong một chiến dịch bố ráp lớn kéo dài hai ngày trên toàn quố
Theo tường thuật của thông tín viên RFI tại chỗ, thông tin này được cảnh sát loan báo trên tài khoản Twitter. Jaber Albakr bị bắt trong đêm tại Leipzig, bang Saxe. Còn theo báo mạng Spiegel Online, cảnh sát đã biết là người đang bị truy lùng đã ẩn náu trong một căn hộ với hai người Syria khác. Tuy nhiên, khi tới nơi, lực lượng can thiệp đặc biệt đã thấy kẻ chạy trốn này tay bị trói trong căn hộ của người cho ở nhờ.
Trong ngày hôm nay, cảnh sát phải chuyển nghi can về Karsruhe, trụ sở của viện công tố liên bang Đức, cơ quan có thẩm quyền về các hồ sơ khủng bố. Chính tại đây, nghi phạm sẽ được nghe cáo trạng và bị tống giam. Theo viện công tố, “mọi dấu hiệu cho thấy nghi can có ý định thực hiện một vụ tấn công khủng bố Hồi giáo cực đoan ”. Còn theo truyền thông Đức, sân bay hay một “ điểm giao thông ” nào đó là mục tiêu đánh bom.
Chính quyền Đức đã tung chiến dịch truy lùng trên diện rộng và tăng cường kiểm soát hòng truy bắt cho được người thanh niên 22 tuổi này. Cảnh sát Đức nghi ngờ anh ta chuẩn bị một vụ tấn công khủng bố. Hôm thứ Bảy, cảnh sát đã tìm thấy một lượng lớn chất nổ tại nơi cư ngụ, nằm ở Chemnitz, cách Berlin 260 km về phía nam. Tuy nhiên, người này đã kịp thời bỏ trốn. các nguồn tin báo chí Đức cho hay nghi can có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, và đã được tổ chức khủng bố này đào tạo cách chế tạo và sử dụng chất nổ. – RFI
Tổng thống Nga đến Istanbul để thảo luận chiến lược năng lượng
Minh Anh
Hôm nay, 10/10/2016, tổng thống Nga đến Istanbul. Đây là chuyến thăm thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên của ông Vladimir Putin kể từ khi hai nước nối lại quan hệ hồi cuối tháng 06/2016, sau bẩy tháng bất hòa.
Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Muriel Pomponne cho biết thêm chi tiết :
” Vladimir Putin sẽ tham dự hội nghị năng lượng toàn cầu tổ chức ở Istanbul và sẽ hội đàm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Không có gì là ngạc nhiên khi việc hòa giải được thực hiện qua các hồ sơ về năng lượng. Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu hơn 50% khí đốt từ Nga. Còn Matxcơva mong muốn tái khởi động dự án đường ống dẫn ga Turkist Stream, ít nhất là để đáp ứng nhu cầu khí đốt của riêng Thổ Nhĩ Kỳ, vì Nga không thể cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Và cuối cùng, Nga hy vọng tiếp tục xây dựng nhà máy điện nguyên tử Akkuyu mà tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom của Nga đã khởi công vào năm 2015, trước khi dự án bị đình lại. Nhưng chắc chắn hai nhà lãnh đạo sẽ bàn về Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, từ lâu đã đặt mục tiêu chính là lật đổ chế độ của tổng thống Bachar al-Assad. Đây là một mũi tên nhắm hai đích vì Thổ Nhĩ Kỳ cũng mong muốn không để cho người Kurdistan ở Syria có được quyền tự trị.
Từ khi hòa giải với Matxcơva, Ankara đã phải lờ đi mục tiêu ban đầu. Và Matxcơva đã ngừng trợ giúp cho người Kurdistan. Thế nhưng, tất cả những điều này chưa thể dẫn đến việc thay đổi liên minh. Nhưng vị thế mới của Ankara cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gây áp lực lên các nước phương Tây và cho phép Nga chứng tỏ nước này không bị cô lập “. – RFI