Tin Việt Nam – 10-10-2016
Thảo luận ‘xã hội dân sự’ ở Vũng Tàu
Luật sư Lê Công Định nói ông và nhiều nhà hoạt động bị “bắt giữ” và “chụp mũ” khi đến Vũng Tàu dự một buổi trò chuyện tên Tuổi trẻ và Xã hội Dân sự.
Cuộc gặp diễn ra ngày 8/10 tại thành phố Vũng Tàu, với khoảng 30 nhà hoạt động, nhưng sau đó đã bị lực lượng an ninh và công an địa phương xuất hiện và ngăn chặn.
Trong số những người tham gia cuộc gặp này có những gương mặt được nhiều người biết đến, như ông Nguyễn Đan Quế, một cựu tù nhân lương tâm, luật sư Lê Công Định, nhà hoạt động Nguyễn Trang Nhung, bà Nguyễn Thúy Quỳnh…
Đoạn video quay trực tiếp qua Facebook từ khách sạn ở Vũng Tàu cho thấy nhiều người đã xuất hiện và xảy ra tranh cãi với các nhà hoạt động.
Nói với BBC Tiếng Việt từ Thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Lê Công Định nói đó “không phải là hội thảo mà chỉ là một buổi gặp gỡ giữa các nhà hoạt động ở Vũng Tàu và trong Sài Gòn thôi”.
“Chúng tôi đến gặp để nói chuyện trao đổi, và sẽ có ăn uống với nhau, chứ không phải là hội thảo. Chúng tôi vừa bắt đầu đâu được vài phút thì họ ập vô bắt không cho chúng tôi tiếp tục.”
“Chúng tôi cũng nói chuyện một cách đàng hoàng coi chúng tôi vi phạm điều gì về khía cạnh pháp lý. Nhưng họ không nêu ra được. Trong lúc chúng tôi nói chuyện họ đã sử dụng những hành động vũ lực cưỡng bức chúng tôi đi về đồn.”
Trên trang Facebook cá nhân, bà Nguyễn Trang Nhung cũng mô tả lại bà được cho biết khi bị bắt là“việc hội họp để trao đổi về các vấn đề xã hội là phải xin phép, và việc không xin phép là vi phạm pháp luật, rằng Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa, không có tự do ngôn luận như Mỹ”.
“Tôi không phải Việt Tân”
“Gọi là ‘Tuổi trẻ và Xã hội Dân sự’ vì những người tham gia phần đông là trẻ, chỉ có một số người lớn tuổi mà thôi, chứ đó cũng không phải chủ đề cố định của buổi hôm đó,” luật sư Lê Công Định nói với BBC Tiếng Việt.
“Chúng tôi dự định nói chuyện với nhau một cách thoải mái về mọi vấn đề xã hội, chứ không riêng vấn đề xã hội dân sự hay vấn đề tuổi trẻ và xã hội dân sự.”
Luật sư Định nói ông “bị đánh, kẹp cổ và khóa tay” nhưng “không nặng lắm” khi ông “thoát ra và hét lên ‘Công an bắt người’”.
Khi BBC hỏi liệu cuộc trấn áp ngày thứ Bảy 8/10 có liên quan đến thông điệp của công an Việt Nam về Việt Tân và Formosa hay không, luật sư Lê Công Định nói ông “không nghĩ vậy”.
“Thứ nhất là tôi chẳng liên quan gì đến Việt Tân cả. Từng cá nhân một, chúng tôi là những người quan tâm đến từng vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.”
“Bản thân tôi là thành viên của Hội Tù nhân Lương tâm vì tôi đã từng đi tù, và là tù chính trị cho nên đó là một tổ chức xã hội dân sự.”
“Còn những người khác cũng tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự bình thường thôi, không liên quan đến chính trị nữa, chứ đừng nói tới Việt Tân.”
“Cho nên chụp mũ Việt Tân là để cường điệu hóa vấn đề để cho thấy họ có một lý lẽ tối thiểu nào đó để ra tay trấn áp.”
“Chứ hôm đó chúng tôi gặp nhau, trao đổi với nhau về nhiều vấn đề chính trị xã hội thôi, chứ chẳng liên quan chỉ đến vấn đề Formosa hay xã hội dân sự cả. Cho nên nếu gắn kết vấn đề đó để họ làm mạnh tay thì tôi thấy rất phi lý,” ông Định nói với BBC.
Về vụ việc Formosa, luật sư Lê Công Định nói ông “chỉ hỗ trợ về phương diện kỹ thuật vì tôi biết về luật. Rất nhiều người kể cả các luật sư tham gia hỗ trợ vụ Formosa, họ cần đến ý kiến của tôi vì tôi có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này, chứ tôi không phải là người đi đến Hà Tĩnh hay Nghệ An để trực tiếp làm những vấn đề này.”
Nhiều nhà hoạt động được cho là đã được thả “ngay trong ngày”, trong khi một số người nói họ bị thả ở “quốc lộ” vào buổi đêm tối. Luật sư Định được thả lúc 12 giờ 30 sáng hôm Chủ Nhật, ông cho biết. – BBC
FT: ‘Formosa nói đã trả 500 triệu đô’
Bài trên báo Anh tờ Financial Times nói tập đoàn Formosa cho biết họ đã trả nửa tỷ USD tiền bồi thường cho chính phủ Việt Nam hồi tháng Chín.
Bài của nhà báo Michael Peel từ Bangkok hôm 06/10/2016 trích nguồn từ Formosa nói họ đã “trả cho chính quyền Việt Nam 500 triệu USD hồi tháng trước nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời câu hỏi họ đã nhận được chưa và tiền sẽ được dùng vào việc gì”.
Bài báo cũng nói, “Hà Nội bị giám sát mạnh về cách xử lý vụ Formosa, giống như hồi hai năm trước khi họ chậm trễ khi giải quyết các vụ đám đông bài Bắc Kinh”.
Tờ báo Anh cho rằng “báo cáo toàn bộ về vụ ô nhiễm [do Formosa gây ra] vẫn chưa được công bố, đặt ra câu hỏi về các loại hóa chất và tác động lâu dài của chúng.”
Financial Times không phải là báo nước ngoài đầu tiên nói về chuyện tiền đã được trả cho phía Việt Nam.
Trang Taipei Times ở Đài Loan ngày 10/10 trích hãng APF viết rằng “tập đoàn Formosa đã trả tiền cho chính phủ Việt Nam”.
‘Hợp lý và thỏa đáng’
Từ Việt Nam, bài trên báo Hà Tĩnh thì cho hay đã có tiền bồi thường trả cho ngư dân vùng biển bị nhiễm độc.
Trang Hà Tĩnh Online hôm 1/10/2016 nói, “Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1880/QĐ-TTg ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.”
Bài báo trích dẫn một số ngư dân mô tả họ thỏa mãn với sự hỗ trợ từ chính quyền.
Chẳng hạn một ngư dân là ông Lê Văn Phú từ Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên, chủ một tàu cá công suất 140 CV được trích lời nói:
“Theo thông tin mà tôi nhận được thì tàu của tôi được hỗ trợ từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Từ khi sự cố môi trường diễn ra đến nay đã 6 tháng, nhân lên thì mức hỗ trợ thiệt hại được hưởng từ 60 – 90 triệu đồng.
“Mức hỗ trợ trên là hợp lý và thỏa đáng. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa rõ 5 lao động đi trên tàu có được hỗ trợ riêng hay không.”
Cũng báo Việt Nam hôm 8/10 trích lời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói Chính phủ đã “ứng” trước 3.000 tỷ đồng bồi thường để người dân nhanh chóng ổn định đời sống.
Bài của Financial Times thì cho hay Formosa xác nhận “họ muốn đi tiếp khỏi các vấn đề của quá khứ” sau vụ việc xả thải gây nhiễm độc biển.
Nhưng theo Michael Peel thì nhiều giáo dân Việt Nam đã biểu tình muốn Formosa ra khỏi nước này.
Bài báo nhắc lại vụ hàng nghìn giáo dân Hà Tĩnh vây cổng Formosa ở Kỳ Anh hôm đầu tháng 10.
Các mạng xã hội tại Việt Nam cho hay hôm 9/10 phía chính quyền đã chuẩn bị để đối phó với cuộc biểu tình tương tự nhưng người dân lại không ra khu vực trước cổng tập đoàn Formosa nữa.
Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh đã trả 506 đơn kiện Formosa liên quan đến yêu cầu bồi thường vụ cá chết.
Truyền thông Việt Nam cho hay, hôm 5/10, Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh đã tiến hành trả 506 đơn khởi kiện Công ty Formosa Hà Tĩnh và nói thêm rằng việc trả đơn “đúng theo quy định của pháp luật”.
“Hiện tại, Tòa án Kỳ Anh đã sao chụp toàn bộ 506 đơn khởi kiện và các tài liệu liên quan lưu tại Tòa án để làm căn cứ giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu”, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh hôm 8/10 dẫn lời ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
“Trong đơn và các tài liệu không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại thực tế,” báo này viết. – BBC
Việt Nam lo ngại nguy cơ TPP thất bại
Bộ trưởng Thương Mại 12 nước tham gia TPP kết thúc đàm phán tại Atlanta. Ảnh ngày 05/10/2015.Erik S. Lesser / European Pressphoto Agency)
Trái với dự kiến ban đầu, Quốc hội Việt Nam sẽ chưa biểu quyết thông qua hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP trong kỳ họp thứ hai, bắt đầu từ ngày 20/10 tới. Tuy là nước được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, vì sao Việt Nam lại chần chừ trong việc phê chuẩn hiệp định này? Theo tuyên bố của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngày 15/09 thì Việt Nam muốn chờ kết quả bầu cử tổng thống của Mỹ.
Thực tế đúng là số phận của TPP tùy thuộc vào diễn tiến bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, vì cả hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton đều tuyên bố chống lại hiệp định này. Thật ra thì đây chỉ là một trong những lý do khiến Việt Nam không muốn tỏ ra quá “hăng hái” với TPP.
Tuy vậy, điều mà giới lãnh đạo Hà Nội lo ngại là hiệp định tự do mậu dịch do chính Mỹ khởi xướng sẽ chết yểu do không được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn, vì viễn cảnh này gây nhiều tác hại cả về kinh tế lẫn chiến lược cho Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Sau đây là ý kiến của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, hiện là nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, về vấn đề này: