Hàng trăm người chết vì bão Matthew
Con số người chết tại Haiti do bão Matthew – cơn bão mạnh nhất vùng Caribbean từ một thập niên nay – đã lên tới hơn 300 người, theo các viên chức cho biết.
Tin tức cho hay khoảng 50 người bị thiệt mạng chỉ riêng tại thị trấn Roche-a-Bateau.
Tới 80% các tòa nhà trong thành phố Jeremie gần đó đã bị san phẳng và 30.000 ngôi nhà bị tàn phá tại tỉnh Sud.
Cơn bão nay giảm xuống cấp Ba mang theo gió với tốc độ 120 dặm một giờ (tương đương 193km/h), đang đi về phía bờ biển bang Florida của Hoa Kỳ.
Vào lúc 06:00 giờ địa phương (10:00 GMT) bão Matthew còn ở ngoài khơi với tâm bão cách cảng Canaveral khoảng 50km và đang chuyển về phía tây bắc với tốc độ 22km/h, theo Trung Tâm Dự báo Bão Quốc gia. Còn chưa rõ liệu khi nào cơn bão này sẽ đổ vào đất liền.
Thượng nghị sĩ Herve Fourcand từ nam Haiti nói với hãng thông tấn AFP rằng hơn 300 người đã thiệt mạng. Một viên chức không được nêu danh được hãng Reuters trích thuật đưa con số tử vong là 339.
Bão Matthew đổ xuống Bahamas sau khi tràn qua Haiti và Cuba.
Cây cối và đường dây điện có tin đã bị đổ tại Bahamas nhưng không có tử vong.
Hầu hết những vụ chết người tại Haitin là ở các thị trấn và các làng chài ở bờ biển phía nam, trong đó nhiều người bị thiệt mạng do cây và nhà đổ hoặc nước sông lên cao.
Cơn bão tràn qua quần đảo Tiburon khiến nước biển dâng cao vào đảo và san phẳng nhà cửa với gió mạnh 230km/h, mưa lớn hôm thứ Hai và thứ Ba.
Một cây cầu quan trọng đã bị sập hôm thứ Ba khiến vùng tây nam bị cô lập.
Các tổ chức phi chính phủ cho biết hệ thống điện và điện thoại đã bị hư hại và người dân thiếu lương thực và nước uống.
Phóng viên BBC Tony Brown có mặt tại phía tây nam Haiti nói ông đã chứng kiến người dân đang phải đương đầu với tình trạng phá hủy trên diện rộng và đang tìm cách xây dựng lại từ đống đổ nát mà không được trợ giúp từ quân đội hay công an.
Trên cả nước hiện có khoảng 350.000 đang cần trợ giúp theo Văn phòng Điều phối Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho biết.
Một phát ngôn viên của tổ chức Hồng Thập Tự, Suzy DeFrancis, cho biết ưu tiên hàng đầu là sửa chữa mạng lưới điện thoại trên cả nước. “Chúng tôi sẽ đưa công nghệ tới để làm việc này,” bà nói.
“Chúng tôi có những kho hàng viện trợ sẽ phân phối. Một số nhu cầu mà các gia đình đang cần là đồ làm bếp để họ có thể nấu nướng, các dụng vệ sinh vì chúng tôi lo ngại nhất là bệnh thổ tả, vì thế chúng tôi sẽ giúp phân phát các vòi để lọc nước.”
Hội Hồng Thập Tự vừa tiến hành kêu gọi cứu trợ khẩn cấp 6,9 triệu đô la “để cung cấp thuốc men, chỗ ở tạm, nước uống và trợ giúp vệ sinh cho 50.000 người”.
Hoa Kỳ sẽ gửi chín máy bay trực thăng quân sự tới để giúp phân phát thực phẩm và nước uống tới những khu vực bị ảnh hưởng mạnh nhất.
Haiti là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhiều cư dân sống trong những ngôi nhà ọp ẹp tại các khu vực dễ bị lụt lội.
Bốn người chết do bão tại nước láng giềng Cộng hòa Dominic hôm thứ Ba.
‘Nước ngập qua mái nhà’
Trong khi đó tại Hoa Kỳ, lệnh di tản được công bố tại các khu vực có khoảng ba triệu cư dân.
Cơn bão cho tới nay vẫn ở ngoài khơi và còn chưa rõ liệu có đổ vào đất liền và đổ vào khu vực nào.
Tuy nhiên mua và gió to đang tràn qua Miami hồi đêm qua. Khoảng 270.000 ngôi nhà và các cơ sở kinh doanh đã bị mất điện tại Florida.
Một số khu vực tại bang này có lượng mưa lên tới 38cm, nhưng đe dọa lớn nhất dường như là từ tình trạng nước biển dâng cao dọc bờ biển Nam Carolina.
Khu vui chơi giải trí Walt Disney World, Universal Studios và SeaWorld tại Orlando đã được đóng cửa.