Trung Quốc làm sao xóa nợ?
Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2016-10-05
Hôm Thứ Bảy, mùng một Tháng 10, đồng bạc của Trung Quốc chính thức trở thành một ngoại tệ dự trữ trong cái rổ ngoại tệ của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, ngang hàng đồng Mỹ kim, đồng Euro, đồng Anh kim và đồng Yen Nhật. Biến cố cứ tưởng như trọng đại này thật ra lại không được các thị trường tài chính quốc tế quan tâm bằng câu hỏi là Trung Quốc sẽ xóa nợ như thế nào, với hậu quả ra sao?
Chưa có miếng lại muốn có tiếng
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông kể từ mùng một Tháng 10, đồng Nguyên của Trung Quốc chính thức trở thành một ngoại tệ dự trữ trong cái rổ ngoại tệ gọi là Quyền Trích Xuất Đặc Biệt của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Thính giả của chúng ta muốn biết điều này có ý nghĩa là gì và sẽ có hậu quả ra sao? Ông nghĩ thế nào về thắc mắc đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trên diễn đàn này thì từ năm ngoái, chúng ta đã đề cập tới việc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nhận cho đồng Nguyên của Tầu được nằm trong cái rổ gọi là Quyền Đặc Trích cùng bốn ngoại tệ thông dụng kia, là đồng đô la Mỹ, đồng Euro, đồng Anh kim và đồng Yen Nhật. Chúng ta sẽ tìm hiểu lại của sự kiện đó để thấy là nó không có ý nghĩa gì và quả thật như vậy vì các thị trường tài chính thế giới đã chẳng mấy chú ý đến cái sự vinh hiển hình thức mà không thực chất về Trung Quốc. Trái lại, người ta quan tâm đến việc nền kinh tế này sẽ phải xóa nợ ra sao vì chuyện ấy mới có ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Về kinh tế thì Trung Quốc mới chỉ có tiếng chứ thật ra vẫn chưa có miếng và bây giờ lại muốn có tiếng về ngoại hối thì có khi lại hối hận!
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Trước hết về rổ Đặc Trích, gọi tắt là SDR từ chữ Special Drawing Rights, thì đấy là một quỹ ngoại tệ do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF lập ra từ năm 1969 để cấp cứu các nước nhất thời bị khó khăn về ngoại hối hay hối đoái có thể dùng để thanh toán thiếu hụt ngoại tệ. Trong cái quỹ ngoại tệ tổng hợp có mục tiêu bổ sung ấy, IMF lấy số trung bình gia trọng của bốn ngoại tệ thịnh hành nhất là Mỹ kim, Euro, Anh kim và đồng Yen. Gia trọng là tăng hay giảm tầm quan trọng. Tùy theo tầm quan trọng của từng ngoại tệ trong luồng giao dịch toàn cầu mà IMF cho một hệ số rồi dùng hệ số ấy tính ra số trung bình hay bình quân của loại ngoại tệ tổng hợp và thật ra cũng giả tạo. Nếu quốc gia nào trong số 189 thành viên của IMF mà cấp bách gặp khó khăn về thanh toán thì có thể bán ngoại tệ SDR này của mình cho nước khác để đổi ra đống ngoại tệ họ cần cho yêu cầu chi phó. Bây giờ thì rổ SDR có thêm đồng Nhân Dân Tệ hay Renminbi mà tôi gọi là đồng Nguyên cho tiện.
Nguyên Lam: Thưa ông, hậu quả của việc đồng Nguyên được nằm trong cái rổ SDR mà ông gọi là Đặc Trích là gì, từ nay, vị trí của đồng bạc Trung Quốc có gì thay đổi không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong luồng giao dịch mua bán toàn cầu thì chuyện này chẳng có hậu quả đáng kể vì loại ngoại tệ tổng hợp ấy chỉ là một phần của dự trữ ngoại tệ mà các ngân hàng trung ương lưu giữ chứ không vì vậy mà các ngân hàng trung ương sẽ trữ thêm dồng Nguyên trong kho dự trữ của mình. Mà đồng bạc thật ra là giả tạo này chỉ được các ngân hàng trung ương trao đổi với nhau chứ không hề được người ta mua hay bán như các ngoại tệ kia. Nói cho gọn thì trong luồng giao dịch hối đoái là buôn bán ngoại tệ trên thị trường, đồng Nguyên chỉ chiếm có 4%, so với 88% của đồng Mỹ kim hay 22% của đồng Yen Nhật.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế – IMF, bà Christine Lagarde tại New Dehli, Ấn Độ hôm 12/3/2016. AFP
Nguyên Lam: Nếu như vậy thì tại sao Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF lại nhận đồng Nguyên vào cái rổ SDR này làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: IMF quy định rằng muốn được nhận vào trong rổ Đặc Trích thì ngoại tệ ấy phải được tự do sử dụng mua bán. Trung Quốc muốn đồng Nguyên có giá trị tinh thần và hình thức, là uy tín bề ngoài, nên yêu cầu như vậy với hứa hẹn giải phóng quy chế trao đổi cho tự do hơn. Dù chẳng mấy tin vào lời hứa hẹn, từ năm ngoái, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF nhận đồng Nguyên vào trong rổ, có thể với mục tiêu là giàng Trung Quốc vào những cam kết với quốc tế mà còn tránh bị mang tiếng là kỳ thị hay phân biệt đối xử với nền kinh tế đứng hàng thứ nhì trên thế giới. Thực tế thì lãnh đạo Bắc Kinh vẫn duy trì chế độ kiểm soát hối đoái và quyết định về tỷ giá hay hối suất đồng bạc chứ cũng chưa thật sự giải phóng như đã hứa hẹn mặc dù bên trong đảng cũng có nhiều người chủ trương cải cách như vậy.
Tuy nhiên, vì muốn có thêm danh hão thì họ vẫn bị áp lực giải tỏa và điều ấy cũng khiến họ phải dần dần chấp hành luật chơi của các nước văn minh, với rủi ro là đồng Nguyên sụt giá so với các ngoại tệ khác, nhất là Mỹ kim. Và nếu để tự do thì tư bản và tài sản dễ tháo chạy khỏi thị trường nội địa cho nên Bắc Kinh cứ đắn đo co giật, khi xả khi xiết. Về kinh tế thì Trung Quốc mới chỉ có tiếng chứ thật ra vẫn chưa có miếng và bây giờ lại muốn có tiếng về ngoại hối thì có khi lại hối hận!
Người Tàu xé áo của nhau
Nguyên Lam: Nói đến rủi ro tẩu tán tư bản ra nước ngoài thì chúng ta lại trở về vấn đề nổi cộm mà diễn đàn này đề cập cách nay hai tuần. Thưa ông đó là một vụ khủng hoảng tài chính như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS cảnh báo từ tháng trước trong phúc trình cập nhật của họ. Ông đánh giá thể nào về rủi ro này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho là Trung Quốc có hai tầng rủi ro, thứ nhất là món nợ quá lớn của hệ thống ngân hàng, bên trong là các khoản nợ xấu, khó đòi và sẽ mất. Thứ hai là núi nợ còn lớn hơn mà nền kinh tế nói chung đã tích lũy quá nhanh trong mấy năm qua và thể nào cũng sụp đổ. So sánh hai tầng rủi ro thì một vụ khủng hoảng ngân hàng vì vỡ nợ trong vòng ba năm tới thật ra vẫn chưa đáng kể bằng khủng hoảng kinh tế kéo dài vì núi nợ sụp đổ. Như mọi doanh nghiệp hay quốc gia mắc nợ, bài toán là làm sao thanh toán các khoản nợ ấy? Tiêu chuẩn đo lường rủi ro có thể là “nghĩa vụ trả nợ”, gồm cả lời lẫn vốn, so với khả năng sản xuất hay tạo thêm của cải để còn trả nợ. Người ta cứ tưởng nền kinh tế có sản lượng thứ nhì thế giới và có gần ba ngàn tỷ đô la dự trữ thì cũng sẽ thoát hiểm, nhưng sự thật lại không được như vậy.
Nguyên Lam: Nếu đặt vấn đề như vậy, thưa ông, phải chăng bài toán của Trung Quốc là làm sao trả nợ và chìm sâu bên dưới là nếu không thể trả nợ thì làm sao xóa nợ, ai sẽ xóa nợ cho ai?
Việc đồng Nguyên vào rổ ngoại tệ chẳng có hậu quả quốc tế gì đáng kể, khủng hoảng về nợ nần tại Trung Quốc cũng không gây hiệu ứng cho hệ thống tài chính quốc tế.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Câu hỏi “ai sẽ xóa nợ cho ai” mới giúp chúng ta nhìn ra vấn đề thật. Một nền kinh tế mắc nợ quá nhiều thì chỉ còn giải pháp duy nhất là san xẻ cho nhau cái gánh nợ đó mà không gây hậu quả quá bất lợi cho kinh tế. Gần hai chục năm trước, Trung Quốc cũng từng bị khủng hoảng tài chính khiến nhà nước mất hai trăm tỷ xóa nợ và đè một phần núi nợ này cho các hộ gia đình. Bây giờ vì nền kinh tế mắc nợ cao gần gấp ba sản lượng thì số nợ bị mất sẽ cao gấp bội, khi ấy ta nên tự hỏi là ai sẽ mất? Quyết định kinh tế này có nội dung chính trị mà cũng có hậu quả lâu dài cho hệ thống sản xuất.
Vấn đề cốt lõi của Trung Quốc là do yêu cầu chính trị, lãnh đạo xứ này muốn kềm hãm nạn thất nghiệp bằng cách bơm tiền đầu tư nhưng vì đầu tư vào các khu vực kém hiệu năng nên mới chất lên một núi nợ. Bây giờ, khi nợ đã chất đống thì làm sao phân phối khối nợ bị mất để chấn chỉnh lại hệ thống chi thu? Họ phải tìm cách chia khoản nợ bị mất cho khu vực nào ít bị hậu quả tai hại nhất. Khủng hoảng tài chính và ngân hàng là chuyện đáng sợ, nhưng xóa nợ đúng chỗ mới là bài toán thật. Vì vậy, dù lãnh đạo Bắc Kinh cứ tranh luận về yêu cầu cải cách theo hướng này hướng nọ, vì kinh tế không tăng trưởng cho kịp nhu cầu trả nợ nên lãnh tụ phải quyết định xem ai lãnh một tụ nợ!
Nguyên Lam: Theo như chúng ta hiểu thì từ bốn năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh muốn chuyển hướng kinh tế và dồn lực đẩy vào tiêu thụ nội địa thay cho đầu tư và xuất khẩu. Thưa ông, liệu rằng cái hướng đó có giúp gì cho việc phân phối các khoản nợ bị mất không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta nên suy ngẫm như thế này về bài toán xóa nợ của Bắc Kinh: Thành phần hay khu vực nào bị mất nợ thì ít gây hậu quả kinh tế hay chính trị cho chế độ?
Thứ nhất là thành phần chủ nợ, vì bất cẩn mà cho vay không đúng chỗ thì phải mất nợ. Đa số các khoản nợ này là qua hệ thống ngân hàng mà hệ thống đó là của nhà nước nên các ngân hàng của nhà sẽ mất nợ. Tuy nhiên vì khối nợ bị mất lại cao hơn vốn của ngân hàng nên sau cùng nhà nước bị mất vốn sẽ bắt ai đó cùng gánh chịu. Ai đó có thể là các hộ gia đình nhưng nếu phải chia gánh nợ thì làm sao tiêu thụ để kích thích kinh tế. Thành phần thứ hai là các doanh nghiệp, lớn nhất và kém hiệu năng nhất là doanh nghiệp nhà nước. Nếu doanh nghiệp phải gánh thì cũng lại là nhà nước thôi. Trên doanh trường Trung Quốc thì loại xí nghiệp nhỏ và vừa lại có hiệu năng cao, đa số là của tư nhân. Bắt các cơ sở tiểu doanh thương phải chia gánh nợ thì kinh tế sẽ không có tăng trưởng, cho nên sau cùng vẫn là nhà nước phải chịu mất vốn từ các doanh nghiệp lớn của nhà nước.
Thứ ba, và đây là đặc điểm kinh tế chính trị của Trung Quốc, các chính quyền địa phương đã can thiệp mạnh vào kinh tế và tích lũy một khối tài sản rất lớn như đất đai hay bất động sản. Nếu họ phải gánh một phần nợ bị mất thì sẽ bán các tài sản này để có tiền mặt. Về kinh tế thì sự chọn lựa ấy có thể làm giảm lượng tiết kiệm nhưng không gây thiệt hại cho sản xuất. Song le về chính trị thì y như với doanh nghiệp nhà nước, nhiều đảng viên cán bộ cao cấp có thể cưỡng chống vì quyền lợi bị thiệt hại. Sau cùng thì mọi sự vẫn trút về chính quyền trung ương. Nhà nước Bắc Kinh sẽ mất vốn trong các ngân hàng, doanh nghiệp và ngân sách như trường hợp xảy ra cho nhiều quốc gia mắc nợ, nhưng khi ấy làm sao duy trì được cái thế chủ đạo của nhà nước trong kinh tế và làm sao vượt qua được sự cưỡng chống ở ngay trong đảng? Trong khi lãnh đạo còn đắn đo thì kinh tế vẫn tiếp tục nợ nần tới mức nguy ngập.
Nguyên Lam: Khi ông tóm lược bằng hình ảnh chia cho mỗi thành phần một núi nợ sẽ mất thì có lẽ người ta mới thấy ra yếu tố chính trị tiềm ẩn bên dưới. Nhưng trong các thành phần ấy, không thấy ông nói tới khu vực ngoại quốc? Các doanh nghiệp quốc tế đã đầu tư hay buôn bán với Trung Quốc có bị thiệt hại vì mất nợ không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi không nghĩ rằng họ bị dính vào chuyện nợ nần đó tới mức bị vỡ nợ và về mặt ngoại giao chính trị Bắc Kinh cũng chẳng muốn một vụ khủng hoảng nợ nần bùng nổ trên trường quốc tế nên cuối cùng thì doanh nghiệp ngoại quốc không bị tai họa như nhiều người lo sợ. Việc đồng Nguyên vào rổ ngoại tệ chẳng có hậu quả quốc tế gì đáng kể, khủng hoảng về nợ nần tại Trung Quốc cũng không gây hiệu ứng cho hệ thống tài chính quốc tế. Cuối cùng thì vẫn là người Tàu xé áo của nhau ở bên trong mà thôi!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh té Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.