Duterte thăm TC có thể dẫn đến thay đổi các liên minh tại Đông Á – Mỹ-Phi tập trận tái chiếm đảo – Mỹ phớt lờ lời lẽ của Duterte trong quan hệ với Manila
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sang TC trong tháng 10/2016 và chuyến đi này có thể kiến tạo lại các liên minh tại Đông Á sau những bình luận nẩy lửa về Mỹ và những động thái tích cực ve vãn các đối thủ chính của Washington.
Mối quan hệ hữu nghị giữa Philippines và Hoa Kỳ là một trong những trụ cột trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á dưới thời tổng thống Barack Obama. Thế nhưng liên minh này đang bị thử thách nghiêm trọng kể từ khi Duterte lên cầm quyền từ ba tháng nay.
Tổng thống Philippines khó chịu vì những lời chỉ trích của Mỹ về cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của ông, dẫn tới việc cảnh sát và dân quân giết chết hơn 3100 người bị coi là dùng hoặc buôn ma túy. Duterte đã thóa mạ Obama và sau đó tuyên bố rõ ràng là Philippines sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập hơn so với trong quá khứ.
Động thái này bao gồm việc Philippines chìa cành ô liu về phía TC, cho dù quan hệ hai nước rơi vào bế tắc từ nhiều năm qua do tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Duterte cũng nói đến việc muốn tỏ ra thân thiện với Nga.
Trong buổi tiếp khách ở sứ quán, trong tuần này, nhân dịp lễ Quốc Khánh TC, đại sứ TC tại Manila Triệu Giám Hoa (Zhao Jianhua), nói: “Từ khi tổng thống Duterte nhậm chức, Trung Quốc và Philippines đã tiến hành các quan hệ hữu nghị tương tác và mang lại một loạt kết quả tích cực”.
Vẫn theo Triệu, “mây đen đang tan dần. Mặt trời đang mọc ở chân trời và sẽ chiếu sáng rực rỡ một chương mới trong quan hệ song phương”. Duterte dự tính thăm Bắc Kinh từ 19 đến 21/10 và sẽ hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) và thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang). Các nguồn tin ngoại giao và doanh nhân tại Manila cho biết là hơn hai chục doanh nhân sẽ tháp tùng ông và nhiều thỏa thuận được ký kết, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ song phương.
Nhưng điểm mấu chốt cho sự thành công của chuyến viếng thăm là cần phải hiểu được cách tiếp cận vấn đề tranh chấp ở Biển Đông ra sao. Bắc Kinh đã giận dữ bác bỏ quyết định của toà án quốc tế đưa ra hồi tháng 7/2016, trong vụ Philippines kiện, vì tòa phán quyết rằng các đòi hỏi của TC ở vùng biển này là vô giá trị.
Duterte muốn TC tuân thủ phán quyết của tòa và cho phép ngư dân tiếp cận bãi đá Scarborough, ngư trường truyền thống của ngư dân TC, Philippines và Việt Nam. Nhưng ông không muốn nhấn mạnh tới việc thực hiện phán quyết của tòa và nói là muốn thương lượng dần dần.
Một nguồn tin có quan hệ với giới lãnh đạo và quân sự TC nói với Reuters: “Việc Duterte giữ thể diện cho chúng tôi có nghĩa là chúng tôi phải tư duy lại chính sách của mình. Chúng tôi phải đáp lại sự lịch sự của ông ta”.
Quyền đánh cá
Việc ngư dân Philippines được tiếp cận bãi đá Scarborough sẽ là một thắng lợi to lớn đối với Duterte và bổ sung cho uy tín được lòng dân vốn đã rất cao của ông. Theo một cuộc thăm dò gần đây, ông đã có được tỉ lệ ủng hộ cao, lên tới 92% ngay trong lúc ông phải đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế về các vụ giết người (trong chiến dịch chống ma túy).
Một quan chức ngoại giao Philippines, xin ẩn danh, cho biết, “khi Duterte thăm Trung Quốc vào tháng này, chương trình nghị sự của ông sẽ tập trung vào thương mại, đầu tư và hợp tác nghề cá với Trung Quốc, bao gồm cả việc tiếp cận bãi đá Scarborough”.
Tra Đạo Quýnh (Zha Daojiong), giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, TC nói rằng trong chuyến đi này, có thể có một thỏa thuận về việc tái mở tiếp cận bãi đá Scarborough. Nhưng đó có thể là thỏa thuận miệng, chứ không thành văn, để tránh việc chính thức thừa nhận phán quyết của tòa án quốc tế khẳng định là cả hai nước có quyền đánh cá từ lâu đời tại đây.
Vẫn theo chuyên gia này, “có nhiều cách để cuộc viếng thăm này mang lại kết quả tích cực…cho dù có thể cả hai bên đều thận trọng”. Về mặt chính thức, Bắc Kinh chưa khẳng định chuyến thăm của Duterte, nhưng bộ Ngoại Giao TC tuyên bố hoan nghênh chuyến thăm vào thời điểm sớm nhất.
Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo có ảnh hưởng lên Nhân Dân Nhật Báo của đảng Cộng sản Trung Hoa, trong một bài xã luận tuần trước, thì viết rằng chuyến thăm có thể mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước. Tờ báo viết, “một mối quan hệ mới, tương tác tích cực giữa TC và Philippines, khác hẳn với thời kỳ Aquino, có thể được mở ra”, hàm ý so sánh với thời cựu tổng thống Philippines Benigno Aquino.
“Duterte cho thấy những khác biệt rõ rệt với người tiền nhiệm trong lĩnh vực ngoại giao và phong cách. Dường như ông ta muốn có mối quan hệ ngoại giao cân bằng hơn vơí các nước khác thay vì quá phụ thuộc vào Hoa Kỳ”.
HITLER
Trong tháng 09/2016, Duterte đã đánh thẳng vào tâm điểm mối quan hệ với Hoa Kỳ qua việc tuyên bố rằng hai nước sẽ không tổ chức các cuộc tuần tra biển chung nữa trong suốt nhiệm kỳ sáu năm của ông và yêu cầu rút lực lượng đặc nhiệm Mỹ ra khỏi khu vực nổi dậy (khó cai trị) ở miền nam Philippines.
Hôm thứ Sáu, 30/09, ông đã xúc phạm người Do Thái khi so sánh mình với Hitler, và điều này có thể làm gia tăng áp lực đối với Washington phải công khai phản đối ông ta. Bất chấp tình trạng bấp bênh này, các quan chức Mỹ tiếp tục khẳng định rằng mọi việc vẫn ổn thỏa.
Hôm thứ Năm, (29/09/2016), bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter đã nói với các thủy thủ trên tàu USS Carl Vinson, ở cảng San Diego, rằng “cũng như nhiều thập niên qua, liên minh của chúng ta với Philippines vững chắc như sắt đá (vượt qua mọi thử thách).”
Thế nhưng giới phân tích cho rằng liên minh này đã bị tổn hại. Theo Ian Storey, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Yusof Ishak ISEAS, ở Singapore:
“Các quan chức ở Washington giờ đây chắc rất lo ngại về hướng đi trong quan hệ Mỹ-Philippines. Đặc biệt là các vấn đề quan hệ quân sự giữa hai nước, như các cuộc tập trận chung, việc Mỹ tiếp cận các căn cứ của Philippines và phải chăng Duterte sẽ tìm cách đạt thỏa thuận với Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông, cho phép Trung Quốc thúc đẩy các đòi hỏi về biển đảo”.
Thế nhưng không một ai tỏ ra vội vã “ôm chầm” lấy Duterte do bản tính rất thất thường không thể lường trước được của ông ta. Vào tháng 08/2016, bất chấp bầu không khí vui vẻ vừa được tạo dựng, tại thượng đỉnh các nước Đông Nam Á, được tổ chức ở Lào, Philippines đã tuyên bố “rất quan ngại” về sự hiện diện của các tàu TC đang chuẩn bị xây dựng các cơ sở trên bãi đá đang có tranh chấp Scarborough.
Chuyên gia La Lượng (Luo Liang), thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia về Đông Nam Á, trụ sở tại Hải Nam, của chính phủ TC nói: “Chúng tôi phải xem ông ta làm gì trên thực tế. Cho dù Duterte đưa ra những tín hiệu tốt, nhưng chúng tôi vẫn cần chờ xem sao”. – Theo RFI
***
Hoa Kỳ và Philippines vào hôm nay, 04/10/2016 đã chính thức khởi động cuộc tập trận chung thường niên, không đầy một tuần sau khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố rằng lần này sẽ là lần cuối cùng mà quân đội hai nước thao diễn chung.
Các cuộc tập trận Phiblex (Philippine-US Amphibious Landing Exercies) lần thứ 33 năm nay được tiến hành trên đảo Luzon ở phía Bắc Philippines, và tại một số vùng biển gần Biển Đông nơi đang bị TC tranh chấp. Có khoảng 2000 binh sĩ hai nước tham gia đợt diễn tập, dự kiến kéo dài đến ngày 12/10. Theo Rappler.com, bên cạnh các cuộc diễn tập tái chiếm đảo, còn có các hoạt động đối phó thiên tai, thảm họa và trợ giúp nhân đạo.
Phát biểu tại một buổi lễ khai mạc cuộc tập trận tại Manila, chuẩn tướng Thủy quân lục chiến Mỹ John Jansen nhấn mạnh: “Chúng tôi chia sẻ một mối quan hệ độc đáo và bền vững trong khu vực, và mỗi năm chúng tôi đều được mời tăng cường mối quan hệ của chúng tôi trong suốt các bài tập”.
Bối cảnh cuộc tập trận Mỹ-Philippines lần này không mấy thuận lợi sau các phát biểu không chút nể nang của tân tổng thống Philippines Duterte nhắm vào Mỹ với lời đe dọa xích lại gần TC và Nga.
Thang 7 vừa qua, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đã phủ nhận đòi hỏi của TC tại Biển Đông trong một phán quyết có lợi cho Philippines. Thế nhưng Duterte đã không những không dựa trên phán quyết này để gây sức ép, mà còn khẳng định là Philippines sẽ không tuần tra chung với Mỹ.
Những ngày qua Duterte còn khẳng định là các cuộc tập trận chung với Mỹ sẽ là những cuộc thao diễn cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của ông, đồng thời đe dọa hủy bỏ hiệp ước phòng thủ mà người tiền nhiệm đã đúc kết với Mỹ. Hiệp ước này dự kiến tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines hầu làm đối trọng với sự bành trướng của TC ở Biển Đông.
Mỹ-Philipinnes tiếp tục chuẩn bị các tập trận mới
Tuy nhiên, theo giới quan sát, cho đến giờ không có dấu hiệu là lời lẽ của Duterte có ảnh hưởng đến chính sách hai nước. Thậm chí các nhà lãnh đạo quân sự của hai nước cũng đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc tập trận mới dự trù trong năm tới.
Trả lời AFP, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Philippines, Arsenio Andolong, giải thích là “quan hệ (với quân đội Mỹ) không thay đổi”. Còn phía Mỹ, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Jeff Davis, hôm qua cho là quân đội Mỹ biết rõ những lời lẽ của Duterte, nhưng “những lời đe dọa của ông trong thực tế chưa biến thành những hành động cụ thể”. – Theo RFI
***
Phải chăng Washington đang thực hiện sách lược bỏ ngoài tai những lời công kích đầy ác ý của tổng thống Philippines Duterte để tiếp tục thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Manila? Câu hỏi này đang được giới phân tích đặt ra sau khi một số quan chức Mỹ cao cấp tỏ vẻ an tâm, khi cho rằng dù nói nhiều nhưng chưa thấy Duterte biến lời nói thành hành động cụ thể và giảm bớt hợp tác quân sự song phương.
Theo hãng tin Anh Reuters, hai quan chức Mỹ cao cấp vào hôm qua, 03/10/2016, chủ trương của giới chức Mỹ hiện nay là không nên kích động thêm tổng thống Philippines, không để cho ông có cớ nổi giận thêm, nhưng đồng thời tiếp tục công cuộc hợp tác quân sự cũng như hợp tác khác ở cấp thấp hơn, với các đối tác Philippines.
Một quan chức cao cấp đặc trách vùng Đông Nam Á so sánh Duterte với ửng cử viên đảng Cộng Hòa Mỹ Donald Trump, cho rằng tổng thống Philippines “khao khát sự chú ý, và càng bị chú ý, ông ta càng trở nên thái quá. Tốt hơn hết là nên phớt lờ ông ấy đi”.
Hai quan chức Mỹ ghi nhận là trong khi Duterte từng công khai đề nghị là ông đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung, đuổi lực lượng đặc biệt Mỹ ra khỏi miền nam Philippines, và xét lại một hiệp ước quốc phòng đã ký hai năm trước đây, cho đến này, chưa thấy điều nào được thực hiện.
Còn các quan chức quân đội Mỹ cũng cho biết là họ đã biết rõ về những ý kiến của Duterte, nhưng các đối tác của Mỹ ở Philippines đã trấn an rằng công việc hợp tác vẫn tiến triển bình thường và “Không ai thực sự mất ngủ” vì những tuyên bố của vị tổng thống thô lỗ.
Hiện có khoảng 100 binh sĩ Hoa Kỳ ở thành phố Zamboanga ở miền Nam, thấp hơn nhiều so với lực lượng 1.200 quân hồi đầu. Phát ngôn viên quân đội Philippines cho biết là chưa thấy bất kỳ kế hoạch nào về việc yêu cầu lính Mỹ rút đi.
Còn về Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Nâng Cao (EDCA), ký kết cách đây hai năm, cho phép quân đội Hoa Kỳ xây dựng trên lãnh thổ Philippines các cơ sở dùng cho vấn đề an ninh hàng hải và các hoạt động nhân đạo và cứu trợ, cứu nạn, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc khẳng định rằng EDCA là một thỏa thuận quốc tế, và Hoa Kỳ và Philippines bị luật pháp quốc tế ràng buộc.
Trích dẫn các văn bản của thỏa thuận, nhân vật này cho rằng hiệp định EDCA có một thời hạn ban đầu là 10 năm, sau đó hai bên có thể kết thúc với thông báo bằng văn bản trong một năm.
Philippines là một yếu tố quan trọng trong chính sách “tái cân bằng” của chính quyền Obama qua châu Á, cho nên Washington cố gắng duy trì quan hệ hữu hảo với Manila, bất chấp tính khí thất thường và những lời lẽ nhiều khi thô tục của vị tổng thống mới tại Philippines nhắm vào nước Mỹ.
Tuy nhiên, đối với giới lập pháp Mỹ, các hành động quá đáng của Duterte đã bắt đầu gây khó chịu. Philippines hiện là nước đã nhận hàng trăm triệu đô la viện trợ của Hoa Kỳ, và hiện đứng thứ ba Châu Á trong danh sách nhận viện trợ quân sự của Mỹ, sau Afghanistan và Pakistan.
Hai thượng nghị sĩ có ảnh hưởng, Ben Cardin, thuộc Ủy Ban Đối Ngoại Thượng viện, và Patrick Leahy, thuộc tiểu ban viện trợ nước ngoài, đòi Quốc Hội Mỹ xét lại chính sách đối với Philippines khi xem xét viện trợ cho năm tài chính hiện hành.
Dẫu sao thì một viên chức Hoa Kỳ xin giấu tên xác nhận rằng ở nỗi lo ngại trong chính quyền Obama về Duterte lớn nhiều so với những biểu hiện bên ngoài. Tuy nhiên, trong lãnh vực quốc phòng, Mỹ không lo lắm vì đã có phương án thay thế.
Viên chức này nêu lên ba hướng: Trung Tâm Hải Quân Khu Vực tại Singapore, các cơ sở huấn luyện tại Brunei, và khả năng sử dụng thường xuyên và dễ dàng hơn các quân cảng tại Việt Nam. – Theo RFI