Đại tá Mỹ gốc Việt: ‘Phụng sự tổ quốc là một đặc ân’
Một quân nhân gốc Việt, mới chỉ huy tàu chiến Mỹ trong cuộc thao dượt hải quân với phía Việt Nam ở ngoài khơi Đà Nẵng, nói rằng phụng sự nước Mỹ là một “đặc ân”, đồng thời ngỏ lời cám ơn người Việt ở mọi nơi đã coi ông là “niềm tự nào”.
Đại tá Lê Bá Hùng cuối tháng trước đã đưa Biên đội tàu khu trục số 7 của Mỹ tới Việt Nam tham gia cuộc giao lưu hải quân kéo dài nhiều ngày.
Quân nhân này nói với VOA Việt Ngữ qua email rằng “thật là tuyệt vời khi trở lại Việt Nam”, và “một lần nữa là một phần của cuộc giao lưu hải quân” giữa hai quốc gia cựu thù.
Trong sự kiện thường niên có tên gọi Chương trình Giao lưu Hải quân 2016, theo Đại tá Hùng, đôi bên “đã mở rộng các hoạt động trên biển bằng cách đưa vào chương trình một tình huống giả định phức tạp hơn nhằm thực hành Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển và thực tập tìm kiếm cứu nạn”.
Quân nhân này nói thêm: “Mỗi năm chúng tôi phối hợp chặt chẽ với hải quân Việt Nam để hoạch định một cuộc giao lưu mang lại lợi ích chung cũng như tạo cơ hội xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau. Trong suốt 7 năm tiến hành cuộc giao lưu, chúng tôi đã khá quen thuộc khi làm việc chung với hải quân Việt Nam cũng như ủy ban nhân dân Đà Nẵng. Chính điều đó cho phép chúng tôi hoạch định một cuộc giao lưu nâng cao hơn. Theo tôi nghĩ, điều này sẽ giúp hải quân hai nước sẵn sàng ứng phó với các tình huống khác nhau trong khu vực như cứu trợ nhân đạo trong khi xảy ra thảm họa”.
Khi được hỏi là cuộc thao dượt có liên quan gì tới những diễn biến căng thẳng trên biển Đông, Đại tá Hùng nói rằng sự kiện thường niên này “không liên quan tới bất kỳ sự kiện hiện thời nào trong khu vực”.
Ngoài Biên đội do ông Hùng chỉ huy, các đơn vị Hoa Kỳ tham gia đợt giao lưu này còn có tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S McCain, lực lượng Đặc nhiệm 73 và Ban nhạc Hạm đội 7 “Orient Express”.
“Làm sâu sắc thêm lòng tin”
Tin cho hay, Chương trình Giao lưu Hải quân 2016giữa Việt Nam và Mỹ còn tập trung vào “các hoạt động phi tác chiến cũng như tổ chức các hoạt động phục vụ cộng đồng”.
Theo quân nhân Mỹ gốc Việt, sự kiện không chỉ diễn ra giữa lực lượng hải quân hai nước mà các lính thủy Mỹ còn giao lưu với các em học sinh địa phương, dạy tiếng Anh, chơi trò chơi, ca hát, nhảy múa với các em.
Theo phía Mỹ, chương trình giao lưu hải quân hiện nay, gồm các hoạt động chung kéo dài nhiều ngày trên đất liền và trên biển, đã được hình thành từ các chuyến thăm cảng Đà Nẵng của hải quân Hoa Kỳ hơn 10 năm trước.
Nhận định về tác động của sự kiện hải quân này đối với quan hệ Việt – Mỹ nói chung, Đại tá Hùng nói rằng việc lập kế hoạch cho cuộc giao lưu hải quân 2016 kéo dài gần một năm “cho thấy tầm quan trọng mà hải quân Mỹ – Việt đặt vào đó”.
Quân nhân này nói thêm: “Các sự kiện mang tính song phương như thế sẽ giúp cải thiện khả năng tương tác, sự sẵn sàng và khả năng ứng phó với các tình huống khác nhau có thể xảy ra trong khu vực. Bằng cách gia tăng sự phức tạp của các sự kiện trong cuộc giao lưu, chúng tôi làm sâu sắc thêm lòng tin và cải thiện khả năng hoạt động một cách tự tin trong môi trường biển”.
Đại tá Lê Bá Hùng lần đầu tiên chỉ huy một tàu khu trục với thủy thủ đoàn 300 người tới Việt Nam hồi cuối năm 2009, sau khi trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhận chức vụ hạm trưởng.
Quân nhân này sinh ra tại thành phố Huế, và gia đình ông đã được tàu Mỹ vớt khi vượt biển đi tị nạn hồi cuối những năm 70.
Khi được hỏi về chuyện nhiều người Việt ở cả trong nước lẫn hải ngoại coi ông là một niềm tự hào của người Việt, Đại tá Hùng nói rằng “phụng sự tổ quốc tôi với vai trò một sĩ quan hải quân là một đặc ân”.
Qua VOA tiếng Việt, ông cũng “muốn nói lời cảm ơn đối với họ về những lời tốt đẹp cũng như lời chúc họ sức khỏe và hạnh phúc”. – Theo VOA