Điểm báo Pháp – 04/10/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm báo Pháp – 04/10/2016

Vì sao thỏa thuận hòa bình Colombia thất bại?

Thu Hằng

Kết quả « Không » chiếm 50,21% tổng số phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về thỏa thuận hòa bình ký ngày 26/09/2016 giữa chính phủ Colombia và quân du kích FARC khiến các nhật báo Pháp « ngạc nhiên » trong số ra ngày 04/10.

Le Monde nhận định thắng lợi của phe bỏ phiếu « Không » (ngày 02/10) đã đẩy « đất nước chìm trong bất trắc ». Theo kết quả một cuộc thăm dò ngay sau ngày chính phủ Bogota và quân du kích FARC ký thỏa thuận hòa bình, 2/3 người dân Colombia sẽ bỏ phiếu thông qua thỏa thuận trên. Thế nhưng, chiến thắng của phe « Không », mà đứng đầu là cựu tổng thống Alvaro Uribe, là một cú giáng mạnh đối với chính quyền của tổng thống Juan Manuel Santos.

Liệu yếu tố tác động tự nhiên có góp phần vào thất bại trên của chính phủ hay không ? Cuối tuần vừa qua, cơn bão Matthew đổ vào bờ biển Caraibe gây lụt lội khiến người dân không đi bỏ phiếu được. Điều này giải thích tỉ lệ vắng mặt nhiều hơn mọi khi, chiếm 62,6% tổng số cử tri.

Ngoài ra, các đảng phái chính trị và dân biểu không tích cực vận động cử tri, khi lợi ích cá nhân của họ có nguy cơ bị đe dọa. Trong khi đó, cựu tổng thống Alvaro Uribe đã thành công trong chiến dịch dân túy khiến người dân sợ vào tương lai, kích lòng thù hận với quân du kích FARC, hiện vẫn rất rõ nét tại Colombia.

Cộng đồng quốc tế ủng hộ thỏa thuận hòa bình tại Colombia, trong đó có đức giáo hoàng Phanxicô. Thế nhưng, giáo hội nước này lại từ chối phát biểu ủng hộ hay không bản thỏa thuận được đánh giá là lịch sử này.

Một lý do khác là hành động thiện chí của FARC diễn ra khá muộn. Suốt tuần trước, lãnh đạo quân du kích liên tục đi xin lỗi các nạn nhân, phá hủy 620 kg thuốc nổ theo thỏa thuận đình chiến, hứa bồi thường nạn nhân chiến tranh… Nhưng tất cả những hành động này dường như chưa đủ.

Vậy tương lai của bản thỏa thuận hòa bình ký tại La Habana sẽ ra sao ? Giới quan sát chỉ hy vọng các bên sẽ đàm phán được một bản thỏa thuận khác.

Thực vậy, cựu tổng thống Uribe, đang mơ ra tranh cử tổng thống lần thứ ba, luôn chỉ trích chính phủ quá nhượng bộ quân du kích và yêu cầu phải đàm phán lại với FARC. Ngược lại, cả Bogota và FARC đều cho rằng đòi hỏi của ông Uribe là « không thể được ». Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đã làm thay đổi cán cân. Theo đánh giá của một nhà phân tích, « hòa bình giờ phụ thuộc vào điều sẽ được đàm phán giữa hai kẻ thù « không đội trời chung » là Alvaro Uribe và FARC ».

Một Quốc hội lập hiến là điều được cả cựu tổng thống Uribe và FARC yêu cầu từ nhiều năm nay, vì những lý do khác nhau. Thế nhưng, « tổ chứcmột Quốc hội lập hiến với đầy đủ các đảng phải để thoát khỏi ngõ cụt… sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian », theo đánh giá của giáo sư Frédéric Massé, thuộc đại học Externado ở Bogota, được La Croix trích dẫn trong bài viết : « Chiến thắng của lá phiếu « Không » tạm ngừng tiến trình hòa bình tại Colombia ». Điều trái ngược là quân du kích vũ trang muốn ngừng chiến tranh, thì người dân lại nói « không » với đề xuất hòa bình của FARC.

Dưới dòng tựa « Colombia bị suy yếu vì thỏa thuận hòa bình với FARC bị bác bỏ », Les Echos thiên về kịch bản chính quyền và quân du kích phải đàm phán lại bản thỏa thuận hòa bình, tuy thỏa thuận đình chiến có hiệu lực từ ngày 29/08 vẫn không bị ảnh hưởng. Theo nhật báo kinh tế, một trong những lý do giải thích thất bại của chính phủ trong cuộc trưng cầu dân ý có lẽ Bogota đã đánh giá không đúng cảm xúc của người dân đối với quân du kích. Những vùng bị ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc nội chiến là những nơi ủng hộ bản thỏa thuận nhằm thể hiện mong muốn lật sang trang mới. Thế nhưng, phần đông người dân Colombia lại không chấp nhận việc những cựu chiến binh của lực lượng FARC không bị trừng phạt.

Vẫn theo Les Echos, kết quả phản đối thỏa thuận hòa bình trên sẽ có những tác động đến nền kinh tế, trong đó du lịch là một ngành chủ đạo giúp thúc đẩy tăng trưởng. Những vùng nằm trong tay quân du kích FARC có rất nhiều tiềm năng du lịch. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chờ đợi để có được đảm bảo về vấn đề an ninh.

Donald Trump tự vệ trước những cáo buộc « lách » thuế

Tiết lộ của nhật báo New York Times về việc tỉ phú Donald Trumps có lẽ đã không phải nộp thuế trong vòng 18 năm được Le Monde tiếp tục phân tích trong bài viết : « Donald Trump tự vệ trước những cáo buộc về thuế ».

Đối với đảng Dân Chủ, tiết lộ trên là một lợi thế bất ngờ. Trong khi nhà tỉ phú bất động sản luôn tự nhận là tiếng nói của « những người bị bỏ quên, bị bỏ rơi hay bị gạt ra ngoài lề » và chống lại những thành phần trí thức, tài chính luôn phản đối ứng viên đảng Cộng Hòa, thì ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton lên tiếng : « Đã đến lúc người giầu phải trả đúng phần của mình ». Bà nhấn mạnh, ông Donald Trump không thể than phiền về tình hình đất nước, bắt đầu từ cơ sở hạ tầng, trong khi ông lại không nộp thuế, những khoản tiền được đầu tư vào việc bảo trì hay xây dựng những công trình mới.

Năm tuần trước cuộc bầu cử tổng thống, tiết lộ của nhật báo New York Times đã khiến nhà tỉ phú bất động sản trải qua một tuần kinh khủng. Trước đó, ông đã rơi vào cuộc luận chiến vì so sánh một cựu hoa hậu hoàn vũ Mỹ là một « con heo ». Từ đó, ông Donald Trump liên tục đề cập đến chủ đề này, thậm chí còn khuyến khích những người theo ông trên tài khoản Twitter tìm một đoạn video khiêu dâm của hoa hậu trên, dù không rõ thực hư ra sao.

Sau cuộc tranh luận lần thứ nhất, ông Donald Trump giải thích vì lịch sự nên đã tránh đề cập đến chủ đề nhạy cảm và nặng nề đối với bà Hillary về tai tiếng ngoại tình của cựu tổng thống Bill Clinton. Thế nhưng, trong một cuộc mít tinh tại Pennsylvania vào tối thứ Bẩy tuần trước, ông Trump lần đầu tiên nhắc đến chuyện bà Clinton ngoại tình, đánh giá đối thủ của mình là « người điên ». Ông cũng nhắc lại : « Lẽ ra bà phải ở tù » nhằm ám chỉ đến việc bà Clinton đã sử dụng hộp thư điện tử riêng khi giữ chức ngoại trưởng (2009-2013).

Những lời phát biểu trên của ứng viên đảng Cộng Hòa càng khiến đảng Dân Chủ khẳng định nhà tỉ phú bất động sản không có khả năng đảm trách chức vụ tổng thống Mỹ. Những lời lẽ đó cũng sẽ tác động đến cử tri độc lập, những lá phiếu mà ông Trump cần để hy vọng giành chiến thắng.

Anh Quốc chuẩn bị ngân sách sau quyết định chia tay với EU

Một trăm ngày sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, ngày 02/10/2016, thủ tướng Theresa May thông báo lịch trình Brexit của Anh Quốc. Luân Đôn sẽ khởi động quá trình rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào tháng 03/2017.

Theo nhật báo Le Monde, Anh Quốc sẽ phải bắt tay thực hiện quá trình lập pháp khó khăn để cắt đứt hẳn với Liên Hiệp vào đầu năm 2019. Trong khi đó, vẫn theo Le Monde, « Bruxelles chờ đợi những cuộc thương lượng đầy khó khăn ». Liên Hiệp đồng ý cho Luân Đôn có thời gian để lên chiến lược, nhưng không được quá lâu vì « thủ tục ly hôn » kéo dài hai năm. Các nhà lãnh đạo châu Âu ý thức được rằng người Anh nổi tiếng là những nhà thương lượng đại tài, và Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải chịu thiệt.

Riêng trong nội bộ Anh Quốc, Les Echos đưa tin : « Luân Đôn rút vũ khí ngân sách để đối mặt với những xáo trộn do Brexit gây ra ». Ngay sau khi thông báo khởi động « Brexit », giá trị đồng bảng Anh đã giảm mạnh so với đồng euro và đô la Mỹ. Chính phủ Anh tập trung vào đầu tư công để kích thích nền kinh tế đang bị lung lay vì bất trắc, với thông báo thành lập một quỹ 2 tỉ bảng Anh để hỗ trợ việc xây dựng nhà ở mới cũng như 3 tỉ bảng tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành xây dựng. Luân Đôn cũng hứa sẽ cung cấp những khoản hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu mà các doanh nghiệp Anh từng được hưởng.

Paris tìm cách quyến rũ giới tài chính thất vọng vì Brexit

Trong khi thủ tướng Anh Theresa May ủng hộ một cuộc chia tay thẳng thắn với Liên Hiệp Châu Âu và thủ tướng Đức Angela Merkel đang tìm cách thoát khỏi tai biến Deutsche Bank, Paris chuẩn bị mọi lá bài để thu hút giới tài chính.

Theo bài viết « Paris tìm cách quyến rũ giới tài chính thất vọng vì Brexit » trên nhật báo kinh tế Les Echos, ba trên bốn tổng giám đốc, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, sẵn sàng chuyển trụ sở sang một nước khác.

Để thu hút các doanh nghiệp, chính phủ Pháp đang hiệu chỉnh « thủ tục một cửa » với vùng Ile-de-France, Business France và thành phố Paris. Cơ quan này sẽ có khoảng 10 người chuyên phụ trách định hướng và giải thích cho các doanh nghiệp về chế độ thuế khóa và xã hội Pháp.

Thế nhưng, theo một chuyên gia, được Les Echos trích dẫn, « mức thuế 75% hồi đầu nhiệm kỳ của tổng thống François Hollande vẫn để lại dấu ấn. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng thấy chế độ thuế khóa của Pháp quá phức tạp ».

Pháp : Cảnh sát và tư pháp quá tải vì chống khủng bố

Đây là nhận định trên trang nhất của nhật báo Libération. Thẩm phán, quan tòa, cảnh sát, các cơ quan tình báo… đang phải đối mặt với số lượng các vụ điều tra không ngừng tăng và nguy cơ đe dọa ở mức lịch sử.

Bài xã luận của Libération nhận định phát hiện một xe hơi chứa các bình ga gần nhà thờ Đức Bà Paris vào tháng 09/2016 là một may mắn cho an ninh nước Pháp. Vì từ khi được một chủ quán bar gần đó phát hiện và báo động, phải gần hai tiếng sau cảnh sát mới có mặt tại hiện trường.

Phản ứng chậm trễ này cho thấy nước Pháp và các cơ quan chống khủng bố còn phải cảnh giác nhiều hơn nữa. Thực tế trên cũng cho thấy ngành an ninh Pháp đang bị quá tải. Theo phát biểu của trưởng biện lý Paris, tính đến ngày 02/09 có 324 hồ sơ theo dõi khủng bố đang được xử lý, nhưng đến hiện nay đã lên tới 350, trong khi đó vào tháng 07/2011, chỉ có 72 hồ sơ.

Sau loạt khủng bố năm 2015, số lượng quân nhân dự bị đã tăng lên đáng kể, trong quân đội, hiến binh cũng như ngành cảnh sát. Đây là chủ đề chính trên trang nhất của nhật báo Le Figaro.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161004-vi-sao-thoa-thuan-hoa-binh-colombia-that-bai

 

Tin đoc nhanh

(AFP) – Quỹ Tiền tệ Quốc tế bi quan về kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo của IMF hôm nay, 04/10/2016, các biện pháp « bảo hộ mậu dịch », với Donald Trump hay Brexit, là « mối đe dọa» đối với kinh tế toàn cầu. Nếu không có biến cố lớn trước mắt, IMF dự báo tăng trưởng trong năm 2016 ở mức 3,1% và 3,7% trong năm 2017.

(Reuters) – Một thủ lĩnh của Huynh Đệ Hồi Giáo Ai Cập thiệt mạng. Hôm nay, 04/10, bộ Nội Vụ Ai Cập thông báo diệt được Mohamed Kamal, người phụ trách các chiến dịch đặc biệt của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo. Nhân vật này đặc biệt bị cáo buộc lên kế hoạch sát hại chưởng lý Hicham Barakat vào tháng 06/2015. Nhiều chuyên gia cho rằng Kamal là lãnh đạo thực sự của Huynh Đệ Hồi Giáo.

(AFP) – Châu Âu lên án thông điệp « thù hận chủng tộc » của Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bản báo cáo công bố ngày 03/10/2016, Ủy ban Đặc trách chống Kỳ thị Chủng tộc và Bất bao dung của Hội Đồng Châu Âu tố cáo phe cầm quyền, cụ thể là tổng thống Erdogan, trong hai cuộc vận động tranh cử năm 2015, đã có những tuyên truyền thù hận. Đảng đối lập PKK bị quy là « tay sai của Daech », Israel bị so sánh với chế độ diệt chủng của Hitler.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161004-tin-doc-nhanh