Tin Việt Nam – 04/10/2016
Giám mục Giáo phận Vinh:
Lãnh đạo phải lắng nghe vì lợi ích dân tộc
Báo chí Việt Nam cho hay hôm 4/10 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đến phát biểu chúc mừng Đại hội lần thứ 13 của Hội đồng Giám mục Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là một diễn biến đáng chú ý vì theo Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, đây là lần đầu tiên một chủ tịch cấp trung ương của Mặt trận Tổ quốc đến phát biểu tại đại hội của Hội đồng Giám mục. Ông Nhân cũng là Ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan có quyền lực to lớn mang tính bao trùm trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Giám mục Nguyễn Thái Hợp lưu ý rằng trước đây thường là chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh đến thăm, phát biểu tại một đại hội như vậy.
Tin cho hay ông Nguyễn Thiện Nhân đã “đánh giá cao những đóng góp của đồng bào Công giáo Việt Nam qua các thời kỳ, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Ông cũng nói “Tuy có những lúc thăng trầm nhưng trước hết và trên hết chủ lưu trong đồng bào Công giáo là tình cảm và lòng yêu nước của dành cho Tổ quốc, cho dân tộc Việt Nam”.
Hoạt động của ông Nhân diễn ra vào lúc trong những tháng gần đây nhiều giáo xứ ở miền Trung đã tiến hành biểu tình, khiếu kiện do thảm họa môi trường của một nhà máy thuộc hãng Formosa của Đài Loan.
Một vài cơ quan báo chí chính thống và một số người trên mạng xã hội đã chỉ trích các hành động này, họ cũng công kích cá nhân một số linh mục, cho rằng các việc làm đó là “lợi dụng tôn giáo” gây ảnh hưởng đến xã hội và gây chia rẽ dân tộc.
Về điều đó, Giám mục Nguyễn Thái Hợp nhận xét:
“Đó là những con bài chính trị mà. Rất tiếc là trong thời gian vừa rồi nhà nước dùng những dư luận viên để nói những điều có lẽ không nên nói với những con người có học. Riêng đối với Nguyễn Thiện Nhân thì là một trong những con người không dùng những ngôn ngữ như vậy. Tôi thấy rằng hôm nay ông đến cũng nói lên cái tình hiệp nhất, kêu gọi sự đóng góp, sự nối kết giữa các thành phần dân tộc, thì chúng tôi cũng đánh giá cao chuyện đó”.
Nhà lãnh đạo Giáo phận Vinh cho biết thêm rằng các giáo dân và Hội đồng Giám mục lâu nay vẫn tích cực đóng góp ý kiến vì sự tiến bộ của dân tộc và đất nước trong nhiều vấn đề xã hội, chính trị quan trọng. Một trong những vấn đề đó là việc sửa đổi Hiến pháp Việt Nam. Ngài nói:
“Hội đồng Giám mục đã chính thức góp ý khi mà nhà nước kêu gọi góp ý về Hiến pháp. Hội đồng Giám mục cũng kêu gọi làm sao sửa đổi cái [điều] số 4 của Hiến pháp. Và thay vì lấy cái lý thuyết Mác-Lê làm cái kim chỉ nam, cái định hướng cho sự phát triển cũng như xã hội, thì lấy cái tinh thần dân tộc, trở về văn hóa dân tộc. Cái chuyện đó đã phát biểu cách đây mấy năm, thì hôm nay vẫn còn như vậy”.
Nhìn về tương lai, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cho rằng tiến trình “dân chủ hóa, đa diện hóa” của Việt Nam chắc chắn vẫn là một “con đường dài thăm thẳm”. Ngài bày tỏ rằng vì ích lợi và tiền đồ của dân tộc, các nhà lãnh đạo chính trị của Việt Nam cần lắng nghe ý kiến của những người Công giáo cũng như của mọi thành phần khác trong xã hội Việt Nam. Ngài nói:
“Để làm sao dân tộc được mở rộng hơn, đa diện hóa hơn, đa nguyên hơn, chắc chắn rằng những nhà lãnh đạo của đất nước, vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của giới trẻ, của những người Việt Nam có thể quy tụ những người Việt Nam thuộc những thành phần khác nhau, thì phải biết lắng nghe và đa diện hóa quan điểm của mình, cái nhìn của mình, ngõ hầu đất nước chúng ta đi vào vận hội mới của nhân loại”.
Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp nhấn mạnh rằng “làm sao quy tụ được nhiều thành phần, làm sao nối kết được những quan điểm khác nhau” là một trong những yếu tố quan trọng để đất nước thành công.
Đại tá Mỹ gốc Việt: ‘Phụng sự tổ quốc là một đặc ân’
Một quân nhân gốc Việt, mới chỉ huy tàu chiến Mỹ trong cuộc thao dượt hải quân với phía Việt Nam ở ngoài khơi Đà Nẵng, nói rằng phụng sự nước Mỹ là một “đặc ân”, đồng thời ngỏ lời cám ơn người Việt ở mọi nơi đã coi ông là “niềm tự nào”.
Đại tá Lê Bá Hùng cuối tháng trước đã đưa Biên đội tàu khu trục số 7 của Mỹ tới Việt Nam tham gia cuộc giao lưu hải quân kéo dài nhiều ngày.
Quân nhân này nói với VOA Việt Ngữ qua email rằng “thật là tuyệt vời khi trở lại Việt Nam”, và “một lần nữa là một phần của cuộc giao lưu hải quân” giữa hai quốc gia cựu thù.
Trong sự kiện thường niên có tên gọi Chương trình Giao lưu Hải quân 2016, theo Đại tá Hùng, đôi bên “đã mở rộng các hoạt động trên biển bằng cách đưa vào chương trình một tình huống giả định phức tạp hơn nhằm thực hành Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển và thực tập tìm kiếm cứu nạn”.
Quân nhân này nói thêm: “Mỗi năm chúng tôi phối hợp chặt chẽ với hải quân Việt Nam để hoạch định một cuộc giao lưu mang lại lợi ích chung cũng như tạo cơ hội xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau. Trong suốt 7 năm tiến hành cuộc giao lưu, chúng tôi đã khá quen thuộc khi làm việc chung với hải quân Việt Nam cũng như ủy ban nhân dân Đà Nẵng. Chính điều đó cho phép chúng tôi hoạch định một cuộc giao lưu nâng cao hơn. Theo tôi nghĩ, điều này sẽ giúp hải quân hai nước sẵn sàng ứng phó với các tình huống khác nhau trong khu vực như cứu trợ nhân đạo trong khi xảy ra thảm họa”.
Khi được hỏi là cuộc thao dượt có liên quan gì tới những diễn biến căng thẳng trên biển Đông, Đại tá Hùng nói rằng sự kiện thường niên này “không liên quan tới bất kỳ sự kiện hiện thời nào trong khu vực”.
Ngoài Biên đội do ông Hùng chỉ huy, các đơn vị Hoa Kỳ tham gia đợt giao lưu này còn có tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S McCain, lực lượng Đặc nhiệm 73 và Ban nhạc Hạm đội 7 “Orient Express”.
“Làm sâu sắc thêm lòng tin”
Tin cho hay, Chương trình Giao lưu Hải quân 2016 giữa Việt Nam và Mỹ còn tập trung vào “các hoạt động phi tác chiến cũng như tổ chức các hoạt động phục vụ cộng đồng”.
Theo quân nhân Mỹ gốc Việt, sự kiện không chỉ diễn ra giữa lực lượng hải quân hai nước mà các lính thủy Mỹ còn giao lưu với các em học sinh địa phương, dạy tiếng Anh, chơi trò chơi, ca hát, nhảy múa với các em.
Theo phía Mỹ, chương trình giao lưu hải quân hiện nay, gồm các hoạt động chung kéo dài nhiều ngày trên đất liền và trên biển, đã được hình thành từ các chuyến thăm cảng Đà Nẵng của hải quân Hoa Kỳ hơn 10 năm trước.
Nhận định về tác động của sự kiện hải quân này đối với quan hệ Việt – Mỹ nói chung, Đại tá Hùng nói rằng việc lập kế hoạch cho cuộc giao lưu hải quân 2016 kéo dài gần một năm “cho thấy tầm quan trọng mà hải quân Mỹ – Việt đặt vào đó”.
Quân nhân này nói thêm: “Các sự kiện mang tính song phương như thế sẽ giúp cải thiện khả năng tương tác, sự sẵn sàng và khả năng ứng phó với các tình huống khác nhau có thể xảy ra trong khu vực. Bằng cách gia tăng sự phức tạp của các sự kiện trong cuộc giao lưu, chúng tôi làm sâu sắc thêm lòng tin và cải thiện khả năng hoạt động một cách tự tin trong môi trường biển”.
Đại tá Lê Bá Hùng lần đầu tiên chỉ huy một tàu khu trục với thủy thủ đoàn 300 người tới Việt Nam hồi cuối năm 2009, sau khi trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhận chức vụ hạm trưởng.
Quân nhân này sinh ra tại thành phố Huế, và gia đình ông đã được tàu Mỹ vớt khi vượt biển đi tị nạn hồi cuối những năm 70.
Khi được hỏi về chuyện nhiều người Việt ở cả trong nước lẫn hải ngoại coi ông là một niềm tự hào của người Việt, Đại tá Hùng nói rằng “phụng sự tổ quốc tôi với vai trò một sĩ quan hải quân là một đặc ân”.
Qua VOA tiếng Việt, ông cũng “muốn nói lời cảm ơn đối với họ về những lời tốt đẹp cũng như lời chúc họ sức khỏe và hạnh phúc”.
Nhà hoạt động: Tước thẻ ông Phong không phải chuyện vui
Truyền thông Việt Nam hôm 3/10 đưa tin Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã ra 2 quyết định xử lý kỷ luật liên quan đến báo điện tử Petrotimes.
Trong đó là một quyết định thu hồi thẻ nhà báo của ông Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập của tờ báo. Quyết định nói ông Phong “bị cơ quan chủ quản xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức”. Cơ quan chủ quản của Petrotimes là Hội Dầu khí Việt Nam.
Quyết định thứ hai của bộ là “đình bản tạm thời báo điện tử Petrotimes trong thời gian 3 tháng” vì báo đã để “xảy ra sai phạm trong hoạt động báo chí”. Tin cho hay, sau khi hết hạn đình bản tạm thời, Bộ Thông tin và Truyền thông “sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục xuất bản” hay không.
Nội dung các quyết định cũng như báo chí chính thống của Việt Nam không nói rõ lý do cụ thể đằng sau việc cách chức và đình bản. Tuy nhiên, từ ngày 1/10 đã có những tin đồn trên mạng xã hội về việc ông Phong bị kỷ luật vì báo của ông hôm 30/9 đã đăng lại một bài phỏng vấn blogger “Người buôn gió” Bùi Thanh Hiếu nói về ông Trịnh Xuân Thanh.
Blogger kể trên hiện đang sống ở Đức, được cho là nắm giữ nhiều thông tin về ông Thanh, người đang bị công an Việt Nam truy nã do những sai phạm trong quản lý kinh tế.
Dư luận trên mạng xã hội cho rằng ông Phong bị cách chức do việc đăng bài ảnh hưởng đến một cuộc chiến giữa các phe nhóm trong chính quyền Việt Nam. VOA không thể liên lạc với ông Phong để được biết quan điểm của ông.
Ngay cả khi không có sự kiện nêu trên, trong làng báo Việt Nam, ông Phong cũng là một nhân vật gây nhiều tranh cãi vì báo của ông và cá nhân ông bị cáo buộc thường xuyên tấn công các cá nhân có quan điểm cởi mở, cấp tiến về các vấn đề chính trị, xã hội.
Mặc dù vậy, nhà báo và nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang bình luận rằng việc nhà chức trách thu thẻ của ông Phong và tạm đóng cửa tờ Petrotimes không phải là điều hay ho. Bà nói:
“Cái tờ báo mà chuyên ‘đánh đấm’ và tấn công cá nhân rất là ghê gớm. Các nạn nhân của nó đã nhiều lần lên tiếng kêu ca. Nhưng mà không có cơ quan nhà nước nào xét duyệt đơn kiện của họ và ông Nguyễn Như Phong và tờ báo của ông ta vẫn nhơn nhơn tồn tại. Thế rồi đến khi họ đăng một bài liên quan đến đấu đá nội bộ thì họ lập tức bị trừng phạt như thế, thì tôi thấy rằng là danh dự nhân phẩm của những người dân thường chẳng là cái gì so với lợi ích của quan chức. Anh có thể ‘đánh đấm’ dân thường ở Việt Nam thoải mái, chả sao cả. Nhưng mà đến khi anh ‘đánh đấm’, động vào phe nhóm lợi ích thì anh bị xử lý. Điều đó nó thật là đáng buồn. Tôi thấy công lý ở Việt Nam không tồn tại, không ai bảo vệ dân thường cả”.
Nhiều người cho rằng các quyết định kỷ luật kể trên là một ví dụ nữa về sự vi phạm tự do báo chí. Tuy nhiên, bà Trang nhận xét rằng ở Việt Nam “có tự do báo chí đâu mà vi phạm”. Bà nêu ra dẫn chứng rằng chính quyền mà cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông ngay từ đầu đã “tự cho họ quyền cấp phát thẻ nhà báo”, nói cách khác là chính quyền “chiếm lấy quyền của xã hội dân sự”.
http://www.voatiengviet.com/a/nha-hoat-dong-tuoc-the-ong-phong-khong-phai-chuyen-vui/3536020.html
Trịnh Xuân Thanh ‘đang ở châu Âu’
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, nói ông Trịnh Xuân Thanh đã trốn “sang châu Âu”.
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Việt Nam tiết lộ khu vực mà Việt Nam nghi ngờ ông Thanh đang lẩn trốn.
Ông Đinh Thế Huynh trả lời câu hỏi của cử tri quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) chiều 4/10.
“Đang xem xét kỷ luật thì Trịnh Xuân Thanh trốn đi nước ngoài, sang châu Âu.”
“Thời điểm này quy trình chưa đến mức khởi tố nên chưa tổ chức các lực lượng giám sát và có quyền giám sát.”
Ông Huynh nói thêm: “Sau khi khởi tố đã phát lệnh truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế. Phát lệnh truy nã truy bắt Trịnh Xuân Thanh về quy án.”
Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên là Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.
Ngày 15/9, công an Việt Nam khởi tố vụ án hình sự “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tối 16/9, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/10/161004_dinhthe_huynh_trinh_xuanthanh
Lãnh đạo CSVN
gặp áp lực lớn từ vụ Trịnh Xuân Thanh “mất tích”
Vụ “mất tích” của ông Trịnh Xuân Thanh đang là chủ đề nóng ở trong nước và hải ngoại. Lãnh đạo CSVN đang gặp áp lực lớn từ cử tri và người dân trong nước.
Tại buộc họp báo của chính phủ CSVN vào chiều 4/10/2016, trước những nghi ngờ về việc có sự bao che, tiếp tay từ quan chức nhà nước để ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng chính phủ cho biết không có “tình trạng bao che, dung túng, tiếp tay” cho ông Trịnh Xuân Thanh chạy trốn.
Ông Dũng còn cho biết, hiện nay cả hệ thống chính trị của đảng CSVN đang “quyết tâm rất cao”, cả toàn đảng vào cuộc để truy bắt ông Trịnh Xuân Thanh.
Cũng trong buổi họp báo, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông cho biết, một trong những lý do tước thẻ nhà báo của đại tá an ninh Nguyễn Như Phong, tổng biên tập báo Petrotimes (Năng Lượng Mới) là vì tờ báo này đã dám cho đăng bài phỏng vấn ông Bùi Thanh Hiếu (tức blogger Người Buôn Gió) về vụ án Trịnh Xuân Thanh.
Ông Tuấn nói: “Việc đăng bài phỏng vấn về Trịnh Xuân Thanh gây dư luận hiểu lầm, gián tiếp lái dư luận hiểu sai về vụ án, gây nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, làm khó khăn cho cuộc chiến chống tham nhũng”.
Cùng với đó, ông Trương Minh Tuấn còn cáo buộc ông Bùi Thanh Hiếu là người “chống phá nhà nước, đã từng bị xử lý nhiều lần”. Việc ông Nguyễn Như Phong biết ông Bùi Thanh Hiếu là người như vậy nhưng vẫn cho đăng bài phỏng vấn ông này là “tiếp tay cho việc chống phá nhà nước”.
Không phải đến bây giờ báo Petrotimes mới bị “sờ gáy”. Theo ông Tuấn, việc tước thẻ nhà báo, đình bản báo Petrotimes ba tháng nằm trong một chuỗi vi phạm mà tờ báo này mắc phải trước đó. Tờ báo này đã dám lật lại vụ án Năm Cam để mỉa mai; cho đăng loạt bài khen ngợi Dương Tự Trọng (em trai Dương Chí Dũng, người đang bị án tử hình) vì đã chỉ thị cho đàn em giúp anh trai vượt biên ra nước ngoài…tất cả những việc này theo ông Tuấn là không có căn cứ, và sai sự thật làm ảnh hưởng đến người khác.
Trong ngày 4/10, tên ông Trịnh Xuân Thanh được nhắc nhiều trên các tờ báo. Tại Đà Nẵng, khi tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê, ông Đinh Thế Huynh cho biết ông Trịnh Xuân Thanh đã bay sang Châu Âu, và chính quyền CSVN đang tìm mọi cách để bắt ông này về.
Trong khi đó, tại Sài Gòn, khi tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3, quận 4, ông Trần Đại Quang cũng gặp phải những câu hỏi tương tự. Ông Quang nói với cử tri, cho dù ông Trịnh Xuân Thanh có trốn ở đâu thì cũng sẽ bị lôi ra xử trước pháp luật.
Tuy nhiên, cả ông Trần Đại Quang lẫn Đinh Thế Huynh đều không cho biết lôi ông Thanh ra ánh sáng bằng cách nào.
Ngọc Quân/SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/lanh-dao-csvn-gap-ap-luc-lon-tu-vu-trinh-xuan-thanh-mat-tich.html
Chủ tịch Việt Nam nói về tham nhũng
Chủ tịch Việt Nam phát biểu về tham nhũng với người dân tại một số quận ở Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc tiếp xúc cử tri sáng 4/10.
Ông Trần Đại Quang nói về vụ truy nã ông Trịnh Xuân Thanh: “Các cơ quan đã vào cuộc một cách tích cực, dù lẩn trốn đi đâu chăng nữa, những đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật sớm muộn cũng bị đưa ra ánh sáng.”
“Kinh nghiệm trước đây cho thấy, có những người trốn ở nước ngoài 5-7 năm nhưng rồi vẫn không thể thoát”, tờ Vnexpress tường thuật phát biểu này.
Chủ tịch Việt Nam nói trong cuộc gặp mặt người dân Quận 1, Quận 3, Quận 4, sau khi Bộ Công an Việt Nam ra quyết định truy nã ông Trịnh Xuân Thanh ngày 16/9.
Việc truy nã liên quan vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC).
Có tin đồn ông Thanh có thể đã trốn sang Đức.
Nhưng sáng 28/9, tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, Phó Đại sứ – Trưởng phòng lãnh sự – Trưởng Phòng Kinh tế, TS Wolfang Manig, nói Đức không có thông tin.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/10/161004_tran_dai_quang_phat_bieu
Quảng Ninh: Khách taxi mang mìn ‘tự sát’
Công an Quảng Ninh nói người cho phát nổ mìn tự chế khi đang đi trên taxi có án tù 8 năm.
Vụ việc xảy ra vào trưa ngày 3/10 ở thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh khiến hai người trong xe tử vong.
Điều tra sơ bộ của Phòng Tham mưu Công an tỉnh Quảng Ninh xác định được người lái xe taxi là ông Đặng Văn Trung và khách đi xe là ông Lê Thành, đều cư trú ở phường Cẩm Thạch, Thành phố Cẩm Phả.
Truyền thông tại Việt Nam nói ông Lê Thành là “đối tượng nghiện ma túy” và có án phạt 8 năm tù giam vì tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Ông Thành được tạm đình chỉ thi hành án “do bị bệnh nặng” nhưng lệnh này chỉ có hiệu lực đến ngày 1/09/2016.
“Hết thời hạn được tạm đình chỉ thi hành án nhưng Thành vắng mặt tại địa phương nên chưa thi hành được,” báo Người Lao Động đưa tin.
Báo này cho biết chỗ ở của ông Lê Thành có “ắc quy và dây điện cùng loại dây điện thu được trong lòng bàn tay được đấu nối với nhau của tử thi.
“Đồng thời, phát hiện một lá thư [của Lê Thành] gửi người tên Dung có nội dung thể hiện đây là lời nói cuối cùng của Thành….” báo này cho biết thêm.
Công an tỉnh Quảng Ninh được truyền thông trong nước dẫn lời nhận định điều họ gọi là “do chán nản, bệnh tật cùng với hoàn cảnh sống khó khăn, nợ nần, cô đơn nên Thành đã tự sát”.
Tuy nhiên Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra nhằm xác minh nguyên nhân vụ việc này, theo truyền thông trong nước.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/10/161004_quang_ninh_taxi_explosion_investigation
Viện trưởng viện kiểm sát huyện khai tự gây thương tích
Sau khi qua khỏi tình trạng nguy kịch, một viện trưởng viện kiểm sát ở Hà Nội khai với công an rằng ông ta đã tự dùng vật nhọn gây thương tích cho mình trong phòng làm việc.
Ông Đỗ Lai Luật, phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai, dẫn một báo cáo nhanh của công an nói rằng rất có thể ông Tô Ngọc Chuẩn, viện trưởng viện kiểm sát huyện Quốc Oai, đã tự gây thương tích cho mình. Ông Chuẩn trước đó được tìm thấy bị thương nặng trong phòng làm việc. Ông Đỗ Lai Luật nói với báo chí trong nước hôm Thứ Ba 4 tháng 10 rằng, những chứng cứ thu thập tại hiện trường và các nhân chứng tại trụ sở viện kiểm sát cho thấy không có nghi can gây án trong thời điểm đó. Báo Người Lao Động dẫn lời ông Luật nói, mặc dù bị thương nặng, song ông Tô Ngọc Chuẩn vẫn khai với công an là do ông tự gây thương tích.
Trước đó, vào đầu giờ chiều ngày 3 tháng 10, ông Chuẩn được tìm thấy nằm gục trong phòng làm việc trong tình trạng nguy kịch, trên người có nhiều thương tích nghi do bị đâm bằng dao. Một số nhân viên trước đó gọi cửa phòng làm việc của ông Chuẩn, nhưng không thấy ông trả lời. Khi nhân viên đẩy cửa vào thì thấy ông Chuẩn nằm gục trong phòng, ngoài ra trong phòng không có ai khác. Tại hiện trường, giới hữu trách tìm thấy một con dao và một cây kéo. Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội của thành phố Hà Nội và công an huyện Quốc Oai đang cùng điều tra vụ này.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/vien-truong-vien-kiem-sat-huyen-khai-tu-gay-thuong-tich.html
Hàng trăm học sinh Công Giáo Nghệ An
nghỉ học phản đối giáo viên đánh đập
Hơn 170 em học sinh trường Tiểu học Trù Sơn II thuộc tỉnh Nghệ An đã đồng loạt nghỉ học, để phản đối thầy cô giáo bạo hành và xúc phạm niềm tin tôn giáo. Linh mục, cùng với Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ và các phụ huynh đã làm đơn tố cáo những sai phạm của các giáo viên gửi tới ban giám hiệu để yêu cầu xử trị.
Theo đơn tố cáo, hai thầy cô trường tiểu học Trù Sơn II đã dùng thước kẻ đánh vào lưng, mông, tay và kéo xoắn tai các em học sinh Công Giáo, vì nghỉ học để đi rước thánh giá do xứ Lưu Mỹ tổ chức. Cuộc rước Thánh giá là nghi thức trọng thể theo truyền thống của 10 giáo phận Miền Bắc. Cứ 10 năm đến lượt một giáo phận. Năm nay, cuộc rước Thánh giá do Giáo phận Vinh chủ trì. Vào chiều ngày 06.09, đông đảo bà con giáo dân và các em thiếu nhi giáo xứ Lưu Mỹ đã đến giáo xứ Thanh Tân ở xã Hiến Sơn rước thánh giá về.
Phụ huynh làm đơn tố cáo cho biết thầy Hậu và cô Thuỷ là những giáo viên đã bắt 10 học sinh xếp thành hàng, và đánh các học sinh trong hai ngày 07 và 08 tháng 09 vừa qua. Các em học sinh đã báo cho ban giám hiệu nhà trường, nhưng không được trả lời. Sau này khi các phụ huynh gửi đơn tố cáo, thì nhà trường đã trả lời qua loa đại khái, và còn có ý thách thức khi nói chờ điều tra xác minh.
Một phụ hunh, anh Nguyễn Văn Trị cho biết: ngày 03.10.2016 cha xứ và các bậc cha mẹ đã cho phép các em học sinh nghỉ học và chuyển về nhà trường của giáo xứ để học, khỏi bị phân biệt đối xử.
Đơn tố cáo chỉ ra: “cô Thủy và thầy Hậu đánh học sinh như thế là đã vi phạm đạo đức giáo dục, vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp trong thời đại mới. Đề nghị Ban Giám Hiệu Trường Tiểu Học Trù Sơn II và Phòng Giáo Dục có hình thức kỷ luật với hai thầy cô nói trên”
Trong cuộc nói chuyện ngắn với phóng viên, cô Thuỷ, giáo viên lớp 3B đã phân trần: “tôi chỉ đánh nhẹ coi như là cảnh cáo vì lý do nghỉ học thôi. Lớp chỉ có 31 em mà nghỉ mất 15 em thì còn ai nữa. Tôi đánh để làm gương thôi…”. Trái với lời giải thích này, một phụ huynh nói: “…đánh nhẹ mà mông các em lớp 3 lại bầm tím lên là sao?…”
Linh mục Phê-rô Hoàng Khanh Nguyễn Duy Khanh chia sẻ: “việc thầy cô giáo có thái độ phân biệt đối xử và đặc biệt là dùng roi đòn để đánh đập các em là trái pháp luật, ngược tư cách đạo đức của người nhà giáo và phản giáo dục. Việc đánh đập các em chỉ vì đi dự nghi thức tôn giáo phản ánh tư duy thù nghịch với tôn giáo và xâm phạm nhân quyền.”
Hiến pháp năm 2013 ở điều 24 quy định về quyền tự do tôn giáo của mọi người và cấm các hình thức kỳ thị xúc phạm niềm tin của người khác. Điều 37 quy định về quyền của trẻ em, trong đó nghiêm cấm bạo lực bạo hành với trẻ em.
Hành vi đánh học sinh vì đi rước thánh giá do xứ tổ chức có thể được xem là hành vi bạo lực học đường với nhiều học sinh một cách nặng nề, kỳ thị tôn giáo, xúc phạm nhân phẩm, nhân quyền và quyền tự do tín ngưỡng của các em đã được công ước quốc tế và hiến pháp của nước Việt Nam công nhận.
Quốc Hiếu / SBTN
Gần 3000 công nhân công ty MATRIX Nghệ An
đình công đòi quyền lợi
Vào ngày 03 tháng 10 năm 2016, khoảng gần 3,000 công nhân thuộc công ty MATRIX ở Khu công nghiệp bắc Vinh, Nghệ An đã tổ chức biểu tình, đình công để đòi quyền lợi liên quan.
Một công nhân cho biết: “Công ty đã khoán sản lượng công việc bắt công nhân làm quá nhiều. Mỗi ngày phải làm 8 tiếng và tăng ca 4 tiếng bắt buộc, nhưng không phụ cấp ăn uống cho giờ tăng ca. Tuy nhiên, khi làm đủ số lượng thì ngày hôm sau công ty lại tăng mức khoán lên. Mỗi giờ ăn trưa công nhân chỉ có thời gian 30 phút- 45 phút để ăn, không có thời gian để nghỉ trưa. Mỗi bữa ăn công ty cấp chỉ mỗi phần 12 nghìn đồng. Nhà ăn của công nhân chật chội và không có chỗ để ngồi ăn cơm, nên công nhân phải ra hành lang hoặc trong xưởng làm để ăn, thì bị bảo vệ quát mắng và đuổi đi. Nước uống tại công ty dành cho Công Nhân thì quá bẩn. Nếu Công Nhân nghỉ việc hẳn, dù có hay không có đơn xin nghỉ việc, công ty cũng trừ lại hai tháng lương của Công Nhân. Khi công ty nhiều việc, thì tuyển công nhân ồ ạt. Khi công việc ít đi thì lãnh đạo công ty tìm mọi thủ đoạn để sa thải công nhân vô căn cứ. Khi làm công nhân phải đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng khi công nhân phải nghỉ việc thì không được hưởng chế độ này. Công nhân đã kiến nghị lên ban lãnh đạo công ty nhưng không được giải quyết…”.
Nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An đã huy động lưc lượng công an, an ninh và bảo vệ công ty đến để kiểm soát tình hình. Bảo vệ công ty đã có những lời lẽ xúc phạm, doạ nạt những công nhân tham gia đình công.
Được biết, sau khi công nhân ngồi biểu tình, đình công cả ngày, bên công đoàn và ban giám đốc của công ty mới đồng ý sẽ tăng tiền ăn từ 12,000 đồng lên 15,000 đồng. Tuy nhiên, sự thoả thuận này không được ký kết bằng văn bản mà chỉ hứa bằng miệng.
Công ty TNHH Matrix Vinh trực thuộc Tổng công ty Matrix Trung Cộng, chuyên sản xuất các loại gấu bông, các loại đồ chơi xuất khẩu. Công ty hiện có hơn 3,400 công nhân (chủ yếu là nữ).
Đây cũng là cuộc đình công thứ 3 xảy ra tại công ty này. Các cuộc đình công trước đó diễn ra vào các năm 2009 và 2012, với sự tham gia của hàng ngàn công nhân.
Nguyên Nguyễn/SBTN
Cách tính đền bù của giáo dân Song Ngọc
khác xa với chính quyền CSVN
Sau khi ngư dân Hà Tĩnh, Nghệ An đệ đơn lên tòa án thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để kiện Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, mới đây 619 gia đình dân thuộc giáo xứ Song Ngọc, là nạn nhân của thảm họa cá chết do Formosa gây ra đã nộp đơn lên chính phủ, quốc hội CSVN, yêu cầu phải chi trả tiền bồi thường cho họ.
Theo luật sư Lê Công Định, số tiền mà 619 gia đình ngư dân này yêu cầu phải bồi thường lên đến 445,968,380,000 đồng (gần 20 triệu Mỹ kim), khác xa với cách tính của chính quyền CSVN hướng dẫn người dân kê khai thiệt hại.
Giáo xứ Song Ngọc thuộc giáo hạt Thuận Nghĩa (giáo phận Vinh) có địa chỉ tại xã Quỳnh Ngọc (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Trong lá đơn của mình, những giáo dân tại đây cho biết, số tiền mà họ yêu cầu đền bù dựa vào những thiệt hại trong hiện tại và tương lai mà họ phải gánh chịu. Bao gồm tổn hại về tinh thần, sức khỏe, thiệt hại về vật chất.
Con số của người dân yêu cầu cao hơn rất nhiều so với những chỉ tiêu, quy định mà phía chính quyền CSVN áp dụng cho người dân. Phía chính quyền đã đưa ra bản danh sách, trong đó liệt kê những khoản thiệt hại mà ngư dân phải điền vào. Điều này không hề đúng với trong thực tế. Vì rất nhiều nhà dân số thiệt hại còn lớn hơn so với những gì mà chính quyền “chỉ định”. Không những vậy, điều kiện công việc của mỗi người có khác nhau, nên thu nhập cũng khác. Những bản danh sách đền bù của chính quyền CSVN đem áp dụng là mang tính cào bằng, không đúng với thực tế.
Theo luật sư Lê Công Định cho biết, để thống kê được các con số thiệt hại, các luật sư và những cộng tác viên đã phải đến từng địa phương, nơi xảy ra thảm họa để tiếp xúc các nạn nhân, giúp họ kê khai thiệt hại.
Trước đó, ngày 22/9/2016, 1088 gia đình dân xã Kỳ Lợi thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) dưới sự hướng dẫn của linh mục Trần Đình Lai đã nộp đơn lên chính phủ, quốc hội CSVN phải đền bù cho họ do thảm họa Formosa với số tiền lên đến 100 triệu Mỹ kim. Tiếp đó, ngày 26/9/2016, linh mục Đặng Hữu Nam của giáo xứ Phú Yên (Nghệ An) đã cùng 600 giáo dân vượt đường xa hơn 200km để đến tòa án thị xã Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện Tập đoàn Gang thép Formosa vì đã gây ra thảm họa cá chết, làm thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần đối với người dân.
Ngọc Quân / SBTN