Robert Gates: Cả Hillary và Trump đều có vấn đề về độ tín cậy trong chính sách đối ngoại
Tác giả: Matei Dobrovie | Dịch giả: Kim Xuân
30 Tháng Chín , 2016
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ghi nhận trong một bài bình luận viết cho tờ Wall Street Journalrằng cả Donald Trump cũng như Hillary Clinton đều chưa sẵn sàng cho những thách thức mà Mỹ phải đối đầu trong tương lai, cũng như chưa sẵn sàng để nắm quyền chỉ huy vũ khí mạnh nhất của thế giới.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng, Robert Gates, tháng Giêng 2014 tại Washington, DC (Chip Somodevilla / Getty Images)
Robert Gates, người làm việc dưới thời G.W.Bush và Barack Obama, đã chỉ ra không ai trong số hai ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng đưa ra được một chiến lược mới về các vấn đề đối ngoại phức tạp mà nước Mỹ sẽ phải đối đầu, từ Trung Quốc đến Nga, Bắc Triều Tiên, Iran hay Trung Đông.
Không phải ngẫu nhiên ông đề cập trước hết đến mối quan hệ ngày càng có vấn đề với Trung Quốc – từ hoạt động gián điệp không gian mạng, trộm cắp tài sản trí tuệ, đối xử ngày càng thù địch với các công ty Mỹ tại Trung Quốc, tới việc gây hấn cần xét lại của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, làm tăng nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự trong khu vực.
Gates nhấn mạnh trong trường hợp leo thang, người Mỹ sẽ phải giúp đỡ Nhật Bản, vì đã có những cam kết về an ninh, còn tổng thống tương lai sẽ phải có một tầm nhìn, kỹ năng ngoại giao và chính trị, cũng như bản năng lành mạnh để biết khi nào thì thách thức, khi nào cần im lặng và khi nào làm thỏa hiệp.
Trong quan điểm của ông, ý định được tuyên bố của Trump để khởi động một cuộc chiến tranh thương mại chống lại một quốc gia đang nắm giữ trái phiếu Mỹ trị giá một nghìn tỷ đô la, và là thị trường lớn nhất cho nhiều công ty Mỹ, cũng như sự phản đối của Hillary đối với Hiệp ước Thương mại xuyên Thái Bình Dương, mà bà là người khởi xướng nó, tất cả đều không truyền đạt được sự tự tin rằng họ có thể làm những gì cần thiết.
Một vấn đề khác là nước Nga của Putin. “Chúng ta có mưu toan của Moscow để đánh lừa Ngoại trưởng John Kerry rằng một lệnh ngừng bắn ở Syria là gần đạt được, nếu Mỹ hành động nhiều hơn hoặc ít hơn, tùy thuộc vào vấn đề. Chúng ta có các cuộc tấn công mạng vào Mỹ, kể cả những mưu đồ để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và những nỗ lực được che đậy để làm trầm trọng sự chia rẽ và làm suy yếu Liên minh châu Âu và các nước châu Âu. Và chúng ta có các thách thức chống lại một số tàu của Hải quân Mỹ ở Biển Baltic và máy bay quân sự Mỹ trong vùng trời quốc tế”, Gates chỉ ra, đồng thời nói thêm “Putin sẽ tiếp tục hành xử hung hăng nếu không bị đối mặt và bắt dừng lại”.
Trong quan điểm của ông, song song với việc dập tắt những gây hấn của Putin, thì cần một sự hợp tác với Nga về các vụ việc quốc tế mà cần Moscow – từ chủ nghĩa khủng bố tới thay đổi khí hậu, từ cuộc xung đột Syria tới phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí. Tuy nhiên, cả Clinton cũng như Trump đều không nói họ sẽ giải quyết quan hệ với Putin như thế nào, còn “những biểu hiện ngưỡng mộ của Trump đối với Putin và chế độ của ông ta thì rất ngây thơ và vô trách nhiệm”.
Tương tự như vậy, Robert Gates cho rằng hai ứng cử viên tổng thống đều bỏ qua vấn đề Bắc Triều Tiên, trong khi Kim Jong-un tiếp tục chế tạo nhiều hơn vũ khí hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo có thể bắn tới tất cả các đồng minh của Mỹ ở châu Á. Hơn nữa, ông cũng cảnh báo những tên lửa này có khả năng bắn tới cả Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống tới, nếu không có các biện pháp, cũng không loại trừ những thách thức đối với Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Mặt khác, cựu Bộ trưởng Quốc phòng đã chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Obama ký kết với Iran, chỉ ra thỏa thuận này không dẫn đến một sự thay đổi vai trò của Iran ở Trung Đông, cũng như không làm giảm sự thù hận của Iran với Mỹ, khi ông nêu sự gia tăng những vụ thách thức đối với tàu Mỹ ở Vịnh Persic. Theo ông, Iran sẽ làm mọi thứ có thể để tạo ra các vấn đề với Mỹ, trong khi cho phép máy bay của Nga sử dụng các sân bay của mình để tấn công phe đối lập Syria và thử nghiệm tên lửa đạn đạo, cố gắng để loại bỏ tất cả người Mỹ trong khu vực.
Ông Gates cũng cho rằng Hillary Clinton và Donald Trump đều không có bất cứ một chiến lược nào cho một Trung Đông đang bùng nổ với các cuộc xung đột ở Syria, Iraq và Libya. Ông đã chỉ trích những tuyên bố sẽ rời khỏi khu vực của Trump, khi chỉ ra rằng vấn đề sẽ không dừng lại ở đó, còn đối với tuyên bố của Clinton rằng sẽ “không bao giờ gửi quân tới Iraq và Syria”, ông chỉ trích đó là “một tuyên bố dứt khoát không một ứng cử viên nào nên đưa ra và sẽ dẫn tới câu hỏi liệu có nên rút 5.000 lính Mỹ hiện đang ở Iraq”.
Trong kết luận, cựu quan chức tuyên bố tất cả những thách thức này có thể đòi hỏi việc sử dụng vũ lực, quân đội Mỹ, nhưng không ai trong số 2 ứng cử viên đã trình bày một tầm nhìn về vấn đề này.
Vấn đề về độ tin cậy
Trong chính sách đối ngoại, cả hai ứng cử viên đều có vấn đề về độ tin cậy. Hillary Clinton đã phải chịu trách nhiệm cho sự hỗn loạn ở Libya thời hậu Gaddafi, nơi dẫn đến cùng một thất bại mà bà và những đảng viên đảng Dân chủ đã cáo buộc chính quyền Bush trong thời hậu Saddam ở Iraq. Ngoài ra, bà Clinton đã không nhất quán đối với những thỏa thuận thương mại mà bà đã từng ủng hộ như TPP, và sau đó lại tuyên bố phản đối chúng trong chiến dịch này. Bà đã bỏ phiếu cho việc can thiệp vào Iraq năm 2003, và sau đó trong chiến dịch đầu tiên tranh cử, bà đã phản đối việc bổ sung quân.
Gates thậm chí còn cứng rắn hơn đối với Donald Trump, khi nhắc lại tuyên bố của ông này về sự cần thiết phải xây dựng một bức tường giữa Mỹ và Mexico. Ông chỉ trích những tuyên bố của ứng cử viên đảng Cộng hòa về việc Mỹ sẽ dẫn dắt việc tuân thủ các cam kết của mình đối với an ninh của các đồng minh NATO để duy trì chi tiêu cho quốc phòng của các đồng minh này và sẽ rút quân Mỹ khỏi châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản, để các nước này tự phát triển vũ khí hạt nhân.
“Ông Trump hoàn toàn không biết về phần còn lại của thế giới, về quân đội của chúng ta và khả năng của quân đội. Ông không quan tâm đến chuyên môn, kinh nghiệm và không có ý tưởng về sự khác biệt giữa việc đàm phán một hợp đồng kinh doanh và đàm phán với các quốc gia có chủ quyền. Thế giới ngày nay là quá nguy hiểm và phức tạp để [một quốc gia] có vị Tổng thống là người tự tin rằng chỉ ông ta mới có tất cả câu trả lời và không nên nghe theo bất cứ ai (…) Một chỉ huy tối cao không nắm rõ thông tin là quá nguy hiểm cho nước Mỹ (… ) ít nhất là trong các vấn đề an ninh quốc gia, tôi nghĩ ông Trump không thể thay đổi. Là người cứng đầu không biết về thế giới và cung cách lãnh đạo đất nước và chính phủ, và cũng không phù hợp để dẫn dắt quân đội. Do đó, ông ta không đủ tiêu chuẩn và không thích hợp để là chỉ huy tối cao”, vị cựu quan chức Mỹ kết luận.