Ai nắm thế thượng phong trong cán cân “quyền lợi cốt lõi” trước ảnh hưởng bầu cử Hoa Kỳ và tác động củng cố thế lực của Tập trước Đại hội Đảng CSTQ? – Bs Mã Xái

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ai nắm thế thượng phong trong cán cân “quyền lợi cốt lõi” trước ảnh hưởng bầu cử Hoa Kỳ và tác động củng cố thế lực của Tập trước Đại hội Đảng CSTQ? – Bs Mã Xái
Biển Đông thêm căng thẳng: Ai nắm thế thượng phong trong cán cân “quyền lợi quốc gia”, “quyền lợi cốt lõi” trước ảnh hưởng bầu cử Hoa Kỳ và tác động củng cố thế lực của Tập Cân Bình trước Đại hội Đảng CSTQ?
Khung thời gian không còn bao lâu cho Tổng thống Obama duyệt xét lại di sản của cuộc đấu tranh cho “quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ ở Biển Đông” trước cuộc vận động bầu cử vị lãnh đạo cho siêu cường nước Mỹ. Đối tượng của chánh sách chuyển trục về Châu Á của Obama, Tập Cận Bình cũng chuẩn bị đánh bóng hình ảnh của mình và củng cố thế lực trước ngày đại hội đảng cộng sản Trung Quốc toàn quốc thứ 19 năm tới, trong đó việc nắm chặc “quyền lợi cốt lõi ở Biển Đông” là ưu tiên hàng đầu trong đại sách lược Đông Nam Á. Tình hình Biển Đông do đó trở nên thêm căng thẳng.  
Biển Đông đang rơi vào chu kỳ dậy sóng, không phải chỉ đơn thuần vì hậu quả của tranh chấp chủ quyền trên biển đảo, mà mối căng thẳng đó phát xuất từ cách nhận thức khác nhau về một trật tự quốc tế tương lai ở Châu Á giữa cường quốc đang lên là Trung Cộng và siêu cường Hoa Kỳ khi cả hai nhận ra nền thịnh vượng ở thế kỷ 21 này đã chuyển về Châu Á -Thái Bình Dương đúng hơn là ngay tại Đông Nam Á. Nơi đây Bắc Kinh và Hoa Thanh Đốn đều tuyên bố có “quyền lợi cốt lõi” so kè với “quyền lợi quốc gia”. Hoa Kỳ chủ trương duy trì luật pháp quốc tế làm nền tảng cho trật tự Châu Á để tạo sự ổn định, hoà bình và thịnh vượng cho khu vực, trong khi Trung Cộng với bản chất bành trướng, bá quyền chủ trương khống chế ĐNA cho “giấc mộng Trung Hoa” bất chấp luật pháp với âm mưu đẩy Hoa kỳ ra ngoài khu vực.  
Quyền tự do lưu thông ở Biển Đông đang đối diện với thử thách:
Hoa Kỳ khẳng định” lợi ich quốc gia“ thiết yếu là bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải và trên không chẳng riêng gì ở Biển Đông mà bất cứ nơi nào trên thế giới miễn là phù hợp với luật pháp quốc tế, với Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Sự thực thì từ năm 1979 Hoa Kỳ đã thực hiện Chương trình Tự do Lưu thông Hàng hải (US Freedom of Navigation Program). Biển Đông là con đường huyết mạch chiến lược qua đó hàng năm trên 5 ngàn tỷ USD thương vụ và năng lượng thế giới đi qua. Môt sự lưu thông thương mãi không bị ngăn trở như vậy rất cần thiết cho nền kinh tế Hoa Kỳ cũng như cho các nước trong khu vực và thế giới, cho đồng minh và đối tác của Mỹ (Nhựt, Đại Hàn, Úc, ASEAN…)
Vương Nghị luôn vẫn nói với Kerry là Bắc Kinh tôn trọng quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, nhưng Bắc Kinh dứt khoát xem phán quyết Toà Trọng tài Thường trực La Haye ngày 12/07/2016 chỉ là tờ giấy lộn, và mục tiêu của Trung Cộng cũng không che mắt được ai là nhắm tới việc kiểm soát biển cả và không phận Biển Đông. Tập Cận Bình đã từng nói thẳng với Obama “đường lưỡi bò, và biển đảo trong đó là thuộc về Trung Quốc”. Bắc Kinh đã quân sự hoá quần đảo Hoàng Sa nhưng Tập man trá tuyên bố là không có ý định quân sự hoá Trường Sa, nhưng rồi cả thế giới đều thấy là TC lần lượt quân sự hoá hầu hết các đảo nhơn tạo. Còn bãi cạn Scarborough? Nếu TC lên kế hoạch quyết bồi đắp và thiết lập cơ sở quân sự thì  một “tam giác chiến lược”  hình thành nối liền tiền đồn Phú Lâm trên Hoàng Sa phía bắc với tiền đồn phía nam (Subi, Vành Khăn, Chữ Thập) và tiền đồn Scarborough nhìn thẳng vào Manila và các căn cứ quân sự mà Philippines đã cho phép Hoa Kỳ xử dụng; và nếu trường hợp như vậy xẩy ra, Bắc Kinh sẽ mở vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm hầu hết Biển Đông.
Kiểm soát được Biển Đông chủ yếu của Bắc Kinh là nhằm hạn chế hoặc ngăn cản Hải quân Hoa Kỳ tiếp cận hay chuyển vận trong khu vực biển của chuỗi đảo Thứ nhứt. Các chiến lược gia quốc phòng Hoa kỳ nắm được ý đồ của TC, nhưng Obama quá rụt rè trong phãn ứng mang tính ngoại giao trước các động thái hung hãn của đối tượng; những “chiến dịch tự do hàng hải (FONOPS) được tiến hành, nhưng quá ít oi, lại rụt rè.  Phe “Lầu Năm Góc”chủ trương chẳng những răn đe mà cần hành động quyết liệt hơn khi TC tỏ ý đồ hung hãn như thiết lập ADIZ hay lên kế hoạch xây trường thành cát ở Scarborough, tất nhiên như vậy có nguy cơ đối đầu với TC. Nhưng muốn giữ vững giá trị ràng buộc của phán quyết PCA, muôn bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải trên Biển Đông, Obama nên có hành động mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Có khá nhiều đồn đoán TC sẽ lợi dụng những ngày tháng cuối nhiệm kỳ của Obama rồi sẽ ra tay, hoặc Bắc Kinh muốn trắc nghiệm quan điểm của vị tân Tổng thống Hoa kỳ trong giai đoạn chuyển quyền. Có thể Tập sẽ liều lĩnh tiến hành xây đắp bãi cạn Scarborough như một thái độ chống đối phán quyết của PCA, sau vố đau vì thua kiện của một nước nhỏ là Phi Luật Tân, mà Bắc Kinh biết chắc là có bàn tay Hoa Kỳ phía sau. Với động thái có nguy cơ xung đột, Tập có thể hướng sự bất mãn của dân chúng ra bên ngoài. Tập Cận Bình có thể dám thử thách như vậy vì biết Hoa Kỳ sẽ cẩn thận cân nhắc quyền lợi to lớn với Bắc Kinh thay vì bảo vệ mấy cái bãi chìm đá nổi ở Biển Đông. Các bình luận gia quân sự thì trong hiện tình TC không dám động binh vì còn e dè sức mạnh của Hoa Kỳ, cho nên khuyên Obama nên quyết liệt triển khai sức mạnh răn đe, không nên rụt rè để cho TC được mợn làm tới, tạo tình thế “mọi sự đã rồi” vì thái độ nhân nhượng của chánh phủ Obama. 
Hoa Kỳ chủ trương lợi ích của mình ở Biển Đông cũng nằm trong lợi ich an ninh cho đồng minh và đối tác trong khu vực thể hiện qua sách lược Tái cân bằng về Châu Á-Thái Bình Dương bao gồm chiến lược ngoại giao, quân sự, kinh tế nhằm tăng cường quan hệ với đối tác trong khu vực, thể hiện sự cam kết quan hệ đối tác chiến lược Hoa Kỳ- ASEAN (21-11-2015). Nhưng Trung Cộng đã dùng sức mạnh kinh tế và quân sự lôi kéo một số thành viên ASEAN nghiêng vào lộ trình Trung Nam Hải, sự kiện càng rõ ràng hơn sau phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực La Haye 12/07/2016 về Biển Đông do Manila khởi kiện Bắc Kinh từ ngày 22 tháng 1 năm 2013.
Gần đây nhứt là việc tổng thống Philippines Duterte tuyên bố mở cánh cửa ngoại giao độc lập, sẽ  liên minh mới với TC và Nga, lại có ngôn từ thô bạo với Tổng thống và với đại sứ Hoa Kỳ ở Manila. Philippines là đồng minh lâu đời và có Hiệp ước an ninh Hỗ tương với Hoa Kỳ từ năm 1951, thêm vào đó môt Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (Enhanced Defense Corporation Agreement) đang được thực hiện. Phát biểu từ Hà Nội ngày 28/09/2016 nhơn chuyến công du Việt Nam, Duterte nhấn mạnh “Tôi lưu ý người Mỹ rằng cuộc tập trận chung với người Mỹ sắp tới sẽ là cuộc tập trận cuối cùng” nhưng ông nói vẫn tôn trọng hiệp ước với Hoa Kỳ. Trong buổi hội kiến với chủ tịch nhà nước Trần Đại Quang 28/09, Duterte gọi phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực  là “con ách chủ bài” (ace card); theo ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, Tổng thống Duterte thường nhấn mạnh cần phải coi phán quyết PC làm nền tảng cho các đối thoại song phương với TC. Duterte  cũng cho biết sẽ lên đường thăm TC từ 19-21/10 với 20 doanh nghiệp, tạo lại hoà khí với Bắc Kinh, hàn gắn rạn nứt kể từ vụ kiện đường lưỡi bò lên PCA.  
Để trấn an đồng minh khu vực lo lắng trước các động thái hung hãn của TC, trên chuyến viếng thăm hàng không mẫu hạm USS Carl Wilson (tại cảng San Diego) ngày 29/09/2016 Bộ trưởng Quốc phòng Carter tuyên bố quan hệ quân sự Mỹ-Phi vững như bàn thạch.
Trước đó ngày 23/09 bên lề Đại Hội Đồng LHQ, ngoại trưởng Kerry có phiên họp Mỹ-ASEAN với những người đồng cấp tại New York khẳng định “những tranh chấp chủ quyền lãnh thỗ cần được giải quyết một cách hoà bình và phù hợp với các nguyên tắc và phán quyết pháp lý rõ ràng, chứ không bằng cách cưỡng ép”. Nhưng ông Kerry nên nhớ Hoa Kỳ đã không cản nổi TC bịt miệng ASEAN nhiều lần trong các phiên họp ASEAN-TC, không được nói đến phán quyết PCA trong thông cáo chung. Ảnh hưởng của cường quốc kinh tế số hai đã làm Cambốt, Lào chọn thế đứng ngoại giao, cũng như Thái Lan một đồng minh của Hoa Kỳ cũng cuốn theo chiều gió về phương Bắc.
Ông Kerry và Tổng thống Obama vẫn kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ với phán quyết PCA và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nhưng theo báo cáo của Tổ chức Sáng kiến Minh Bạch Hàng hải châu Á (AMTI) chỉ có được 7 nước kêu gọi tôn trọng phán quyết PCA (Hoa Kỳ, Canada, Nhựt, Úc, New Zealand, Philippines, Việt Nam) bên cạnh 7 nước chống (Trung Cộng, Nga, Pakistan, Sudan, Montenegro, Vanuatu, Taiwan), trong khi có 147 nước giữ thái độ trung lập hoặc không có ý kiến và 33 nước tuy hoan nghinh nhưng không kêu gọi tuân thủ. Tại hội nghị với 10 bộ trưởng quốc phòng ASEAN-Mỹ ở Hawaii ngày 30-09 ông Ashton Carter trấn an các đồng nhiệm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cùng với các nước Đông Nam Á” thúc đẩy mạng lưới an ninh Châu Á Thái Binh Dương “; ông tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước trong khu vực bảo đảm an ninh cho các tuyến đường hàng hải ĐNA; rằng Hoa Kỳ không công nhận yêu sách chủ quyền của TC tại Biển Đông và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra trên biển trên không trong khu vực phù hợp với luật biển và UNCLOS. Ông Carter cũng cho biết Hoa Kỳ cam kết là ”chánh sách Tái cân bằng tại Châu Á do Tổng thống Obama khới xướng vẫn tiếp tục dù cho nước Mỹ sẽ có một tổng thống mới vào tháng giêng năm 2017”.  
Thêm vào sự kiện đáng suy nghĩ: theo đài VOA tường thuật ngày 26-09-2016 trong buổi hội thảo tại Cơ quan Nghiên Cứu Á Đông (Washington), Đô đốc Tomohisa Takei khẳng định Tokyo chưa có kế hoạch tham gia tuần tra đơn phương hay tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông (FONOP) trái với phát biểu trước đây của Bà Bộ trưởng quốc phòng Nhựt Bổn Tomomi Inada tại Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) do tờ The Japan Times News đăng hôm 18-09-2016. Nhưng một vài nhận định cho rằng chẳng có lợi gì lại đổ thêm dầu vào lửa, tạo lý do cho TC sớm thiết lập ADIZ ở Biển Đông, trong khi gần đây tình hình căng thẳng trở nên đáng quan ngại chung quanh đảo Sensaku/Điếu Ngư, trong Biển Hoa Đông. Trung Cộng cùng Nga cực lực công kích Washington triển khai dàn hỏa tiễn THAAD trên đất của đồng minh Nam Hàn trước động thái khiêu khích của cộng sản Bắc Triều Tiên, đồng minh của TC. Trước nguồn tin Tokyo tham gia tuần tra với Mỹ, tờ Hoàn cầu Thời báo, phãn kích: “đúng là kiểu ngoại giao pháo hạm của thế kỷ thứ 21”, tờ báo kêu gọi “Trung Quốc triển khai quân sự lập tức trên đảo Nam Sa (tức Trường Sa) và nên thông báo ASEAN để mọi tổ chức quốc tế biết nguyên nhơn của tình trạng căng thẳng gia tăng”và còn cho biết thêm tàu chiến của Nhựt sẽ là mục tiêu của TC. Nhưng Tokyo lại lên tiếng cho truyền thông đã diễn dịch sai ý của phát biểu tại CSIS của bà Inada; ông Takei còn tuyên bố Tokyo sẵn sàng mở cửa tiếp đón hải quân TC. Nhật và Hoa Kỳ là hai đồng minh thân thiết, có hiệp ước an ninh hỗ tương. Tương quan lưc lượng quân sự Trung Nhựt ngang ngửa, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào khi đụng trận. Nhựt là cánh tay mặt của Hoa Kỳ trong hình thành mạng lưới an ninh và vòng đai kinh tế (TPP) trong chiến lược Tái cân bằng về Châu Á, trong đó Biển Đông cũng là đường giao lưu huyết mạch cho nền kinh tế và an ninh cho Nhựt Bổn và cả Nam Hàn. 
Úc cũng có lợi ích sanh tử ở Biển Đông, nơi đó hơn 60% thương mại Úc phải đi qua. Vốn là một đồng minh chí cốt của Hoa Kỳ, nhưng Canberra lại không tham gia tuần tra chung với Hoa Kỳ ở Biển Đông; thương vụ hấp dẫn với Bắc Kinh đã làm lệch đi cán cân tình nghĩa! Theo Blomberg, Úc là một quốc gia phát triển nhưng lại lệ thuộc kinh tế quá đậm với Trung Cộng; một tờ báo phanh phui một số chánh khách Úc trong cả hai đảng có nhận sự đóng góp tài chánh của Trung Cộng qua trung gian của tư nhơn hoặc công ty có liên hệ với nhà nước TC. Một động thái không đẹp chút nào khi Úc lại cho một tập đoàn TC thuê cảng chiến lược Darwin từ năm 2015 mà Hoa Kỳ lo ngại TC sẽ theo dõi các hoạt động tình báo và sự vận chuyển của 2500 thuỷ quân lục chiến Mỹ luân phiên khai triển tại Darwin.
Tổng thống độc tài Putin cũng đang lấn lướt Hoa Thạnh Đốn trên mặt trận ngoại giao; tại thượng đỉnh hàng Châu G-20 ông tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Tập Cận Bình về lập trường không tuân thủ phán quyết của Toà Trọng Tài La Haye ngày 12/07/2016, và ông nói với báo chí khi được hỏi việc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, ông chủ trương nước thứ ba nằm ngoài khu vực (ám chỉ Hoa Kỳ) không nên can dự vào.
Thay lời kết:
Tám năm miệt mài với chánh sách Xoay trục ( Pivot) về Châu Á của tổng thống Obama nhằm mang lại an ninh, hoà bình, thịnh vượng trong môt trật tự Á Châu dựa trên luật pháp đã không thành công trọn vẹn. Hoa Kỳ đã không cản nổi sức vươn lên “không hoà bình “của TC, một cường quốc muốn đứng ngoài trật tự khu vực và thế giới khi coi thường và phủ nhận phán quyết của Toà Trong Tài Thường Trưc La Haye ngày 12-07-2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của T tại Biển Đông.
“Xoay trục” thất bại hiển lộ nhứt nhìn thấy ở Biển Đông; Obama không ngăn chận được TC tăng tốc xây trường thành cát, quân sự hoá các đảo nhơn tạo, “tam giác chiến lược” có thể thành hình, đe doạ thiết lập vùng nhận dạng phòng không. Tương lai là Bắc Kinh sẽ khống chế Biển Đông. Các hoạt động FONOP của Hoa Kỳ lẻ tẻ, không đủ sức răn đe. Hoa Kỳ chưa tạo được tin tưởng nơi đồng minh cũng như đối tác thân hữu để tháp tùng tham dự chiến dịch tuần tra FONOP, một số thành viên ASEAN cũng quan ngại không biết chiếc dù an ninh của Hoa Thạnh Đốn xếp lại lúc nào, dù mới đây Ashton Carter trấn an sẽ giúp các đối tác trang bị thêm võ khí tự phòng ven biển.
Tương lai TPP còn treo ở quốc hội. TPP là cột trụ chống đỡ cho bánh xe Xoay trục, là một thỏa thuận chiến lược; TPP mà đổ thì “trục” khó xoay; nhưng Bộ trưởng Carter cam kết tại Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN họp tại Hawaii hôm 30/09/2016 rằng chánh sách “tái cân bằng” tại Châu Á do TT Obama tổ chức vẫn tiếp tục cho dù nước Mỹ sẽ có một Tổng thống mới vào tháng Giêng 2017. Lầu Năm Gốc và các chuyên gia quân sự nhìn thấy Trung Cộng là mối đe doạ thật sự với đà chi phí quốc phòng tăng tốc, chương trình hiện đại hoá vũ khí mang tính răn đe đã gần đuổi kịp Hoa Kỳ và có thể vượt trội vào một hai thập niên tới nếu vị Tổng thống mới không cho xúc tiến hiện đại hoá lại kho vũ khí của mình. Một nghiên cứu đáng tin cậy của RAND Corporation cho thấy nguy cơ xung đột quân sự giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới rất có thể xẩy ra, và kịch bản của thảm kịch đó sẽ gây thiệt hại cho cả đôi bên và toàn thế giới. RAND Corporation đề nghị nếu chiến tranh Mỹ Trung không tránh được, tốt nhứt là Hoa Kỳ nên tấn công trước lúc này hơn là đợi đến lúc Trung Cộng có thể mạnh hơn trong thập niên tới. Nhơn loại rất quan tâm và không ai muốn lich sử đau thương của đại chiến thế giới tái diễn.
Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng CSVN trong chuyến triều kiến Bắc Kinh vừa qua đã chấp nhận tái lập con đường “Bắc thuộc mới”. Chừng nào thì toàn dân Viêt Nam mới đứng lên nắm lấy lại quyền làm chủ của mình, để cứu lấy Biển Đông? Chừng nào” mô hình biểu tình Cá Chết” lớn lên đủ mạnh xô ngã chế độ cộng sản Hà Nội đang trên đà sụp đổ? Chừng nào CSVN còn thống trị quê hương thì tương Biển Đông còn mờ mịt.
Nước Mỹ đang chờ vị tân Tổng thống sau tháng Giêng 2017 có môt chánh sách ngoại giao hữu hiệu cải thiện  các di sản quá ư nặng nề của chánh quyền Obama trao lại, không phải chỉ riêng ở Châu Á –Thái Bình Dương, mà những thách thức đang chờ ở Âu Châu với một Putin độc tài, đạo tặc và một Trung Đông bốc cháy ở Iraq, Afghanistan từ thời Bush, Clinton để lại nay dưới trào Obama cuộc chiến đã lan rộng đến các quốc gia vùng Vịnh, Yemen, nội chiến Syria và sự trỗi dậy của Quốc Gia Hồi Giáo (ISIS), có dấu hiệu xâm nhập vào ngay nước Mỹ.
 
Tài liệu tham khảo:
-“Seapower and Projection Forces in the South China Sea” by Bonnie S Glaser/ CSIS. Testimony before House Armes Services September 21, 2016.
– The Guardian: Chánh sách Xoay trục sang Châu Á của Obama thất bại; rfi 26-09-2016.
– A Conversation with Martin Dempsey. FOREIGN AFFAIRS p.2-9/Sept/October 2016.
-VOA 29-09-2016 Hải quân Nhật loan báo không tuần tra ở Biển Đông
-AMTI/CSIS What Countries Are Taking Sides after the South China Sea Ruling?
-“In Washington, Yasay Defends the Duterte Doctrine” By Amy Searight and Phuong Nguyen /Southeast Asia from Scott Circle Volume VII Issue 20 September 30/2016.
-War with China: Thinking Through the Unthinkable by RAND Corporation 2016.