Sam Rainsy: Sẽ cấp quốc tịch cho người Việt nếu đảng đối lập nắm quyền?
Theo RFA – Quốc Việt, thông tín viên RFA 2014-04-20
Trong lúc bế tắc chính trị chưa được giải quyết, Campuchia bắt đầu chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng các cấp. Đảng đối lập Campuchia lâu nay mang tiếng có đường lối vận động tranh cử bài Việt, nay thủ lĩnh đảng này tuyên bố sẽ cấp quốc tịch cho cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Campuchia nếu đảng đối lập lên cầm quyền.
Thay đổi lập trường 180 độ?
Lãnh đạo đối lập Sam Rainsy tuyên bố đã có khoảng 500.000 người Việt đang sinh sống ở Campuchia. Trong số này có khoảng 250.000 người Việt hội đủ điều kiện để xin nhập quốc tịch, và có thể được cấp quyền công dân đầy đủ thông qua Luật Quốc tịch Campuchia nếu đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) của ông lên nắm quyền.
Chủ tịch đảng đối lập CNRP nói phân nữa người Việt nói trên thực hiện đầy đủ các yêu cầu pháp lý được coi là công dân Campuchia, đảng đối lập phải đáp ứng yêu cầu và đối xử như những công dân bản xứ.
Phát biểu động trời của thủ lĩnh đối lập vốn lâu nay công bố đường lối xiết chặt luật xuất nhập cảnh đối với người Việt sống bất hợp pháp, phê phán các công ty Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia, đặc biệt bị cáo buộc kích động tư tưởng bài Việt Nam, cùng với sự lo ngại về lời lẽ chống Việt Nam mà phe đối lập nước này sử dụng trong vận động chính trị bởi một số tổ chức nhân quyền trong nước và Liên Hiệp Quốc, ông Sam Rainsy đã cho thấy cá nhân ông thay đổi lập trường 180 độ.
Có quốc tịch thì con mình có thể vào làm công ty, học hành. Còn không có quốc tịch, người Campuchia gốc Việt Nam thì gặp rất nhiều khó khăn. – Ông Trần Văn Hết
Trước phát biểu đó, chính phủ Phnom Penh đã tuyên bố thành lập hai bộ phận mới thuộc Bộ Nội vụ nhằm kiểm sóat và giải quyết các vấn đề nhập cư và cấp giấy tùy thân cho người nước ngoài có đủ điều kiện.
Ông Sam Rainsy nói với RFA: “Nếu đảng đối lập nắm quyền, chúng tôi sẽ đáp ứng phù hợp với luật nhập cảnh, luật quốc tịch để giải quyết vấn đề di trú và cấp tịch. Chúng tôi sẽ thực thi luật quốc tịch để giải quyết các vấn đề nhập tịch hoặc xử lý đối với người nhập tịch bất hợp pháp, tham gia bầu cử.”
Tình trạng không quốc tịch này trở nên bi thảm đối với cộng đồng người Việt, cả những trẻ em sinh sau năm 1996, năm luật quốc tịch Campuchia ra đời. Nhưng người Việt không có giấy khai sanh, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ăn cước dù sinh ra và lớn lên tại Campuchia vì không có tiền hối lộ cho các quan chức hộ tịch.
Do đó, phần đông người Việt sống lâu đời hoặc trẻ em mới sinh ở Campuchia đều tự động mất các quyền chính trị và kinh tế vì không được cấp quốc tịch Campuchia.
Ông Trần Văn Hết, Phân Hội trưởng thuộc Hội người Việt Nam tại tỉnh Kampong Chhnang cho biết 90% người Việt ở tỉnh này không có thẻ căn cước hay giấy khai sanh. Không có tịch nên sinh ra không giấy khai sinh, không có giấy chứng minh nhân dân, lớn lên không được học hành và không có điều kiện thoát nghèo. Theo ông, không có các giấy tờ chứng minh nhân dân là nguyên nhân làm người Việt sinh sống tại Campuchia bị phân biệt đối xử và bị bóc lột ngày một nhiều hơn.
Ông Trần Văn Hết chia sẻ: “Năm nay tôi 52 tuổi nhưng không có quốc tịch. Gia đình tôi có năm 5 người sanh ở Campuchia nhưng không được làm giấy khai sanh. Việt Kiều sống tại Campuchia rất thiệt thòi chỗ đó. Nếu mình đau bụng, lên sanh trên nhà thương thì chính quyền làm giấy khai sanh cho mình nhưng họ đòi tiền khoảng 250$ (5 triệu đồng). Hoàn cảnh gia đình chúng tôi nghèo kiếm tiền đâu có. Không có tiền là không nhập viện được.
Tôi nghe những người muốn nhập tịch là họ đi lo [hối lộ], còn quyết định cho mình làm thì không có. Nói ngay có quốc tịch thì con mình có thể vào làm công ty, học hành. Còn không có quốc tịch, người Campuchia gốc Việt Nam thì gặp rất nhiều khó khăn.”
Tự bắn vào chân mình?
Theo điều 4 của luật quốc tịch Campuchia, có quốc tịch Khmer do sinh ra trên lãnh thổ Vương quốc Campuchia là trẻ em sinh ra tại Campuchia, có cha hoặc mẹ là người nước ngoài sinh ra và sống hợp pháp tại Campuchia; trẻ em sinh ra không rõ cha mẹ là ai và trẻ sơ sinh được tìm thấy trên lãnh thổ Vương quốc Campuchia được coi như là sinh ra trên lãnh thổ Campuchia.
Điều 8 quy định, người nước ngoài xin nhập quốc tịch Khmer phải đáp ứng những điều kiện như có giấy xác nhận có nơi ở tại Campuchia và sống liên tục trong thời gian 7 năm kể từ ngày được cấp giấy phép cư trú trong phạm vi của luật nhập cư; có nơi ở tại Campuchia vào thời điểm nộp đơn xin nhập vào quốc tịch Khmer; biết nói và viết tiếng Khmer, có hiểu biết nhất định về lịch sử Khmer, đồng thời chấp nhận phong tục, tập quán tốt của dân tộc Khmer…
Đại tướng Khieu Sopheak, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Campuchia nói rằng chính phủ của đảng Nhân dân Campuchia đang nỗ lực hết mình thực thi công tác đăng ký, quản lý di dân, và cấp quốc tịch cho người nước ngoài phù hợp với luật quốc tịch, không chỉ riêng cho người Việt.
Lời lẽ cấp quốc tịch cho người Việt chỉ là lời phát biểu của ông Sam Rainsy chứ không phải cương lĩnh chính trị của đảng đối lập. Nếu đưa ra chủ trương cụ thể thì phải đưa ra yêu sách chính thức. – TS Sok Touch
Ông Sopheak cho biết tính đến đầu năm 2000, chính phủ Phnom Penh đã cấp giấy tùy thân cho khoảng 100.000 người Việt đang sinh sống tại xứ chùa Tháp. Ông nói thêm: “Đó là điều ngạc nhiên vì vừa qua đảng đối lập thường phản bác và phê phán chính phủ liên quan vấn đề người Việt nhập cư và cấp tịch.
Đối với người Việt, họ có thể nộp đơn xin nhập tịch đúng theo quy định của luật quốc tịch. Chính phủ không thể tách rời họ, chính phủ sẽ xem xét và giúp giảm tối đa thiệt thòi của người Việt.”
Còn Tiến sĩ Sok Touch, Phó Giám đốc viện Nghiên cứu thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia chia sẻ nhận định rằng ông Sam Rainsy đang cố gắng xoa dịu lời lẽ kích động phân biệt sắc tộc, và thay đổi lập trường vì trước kia chủ trương bài Việt. Lãnh đạo đối lập tỏ ý muốn gắn kết quan hệ với Cộng sản Việt Nam, để lôi kéo người Việt ủng hộ đảng đối lập trong cuộc tranh cử.
Tiến sĩ Sok Touch cho rằng ông Sam Rainsy phát biểu theo cảm hứng thay vì trước đó ông này tuyên bố ủng hộ chủ quyền Trung Quốc tại biển Đông, cáo buộc Việt Nam vi phạm chủ quyền, và đấu tranh với người Khmer Krom đòi lại vùng đất miền Nam của Việt Nam và đảo Phú Quốc.
Tiến sĩ Sok Touch nói: “Lời lẽ cấp quốc tịch cho người Việt chỉ là lời phát biểu của ông Sam Rainsy chứ không phải cương lĩnh chính trị của đảng đối lập. Nếu đưa ra chủ trương cụ thể thì phải đưa ra yêu sách chính thức. Cách phát biểu này cho thấy một lãnh đạo đối lập thiếu lập trường, không thể hiện nguyện vọng của người ủng hộ; đánh mất lòng tin của dân, và ảnh hưởng đến quan hệ của đảng với các nước Phương Tây bởi Việt Nam là nước Cộng sản độc tài.”
Có ý kiến cho rằng cách phát biểu của ông Sam Rainsy không khác gì tự bắn vào chân mình bởi những phát biểu thiếu lập trường, không thể hiện ý chí của người ủng hộ vì kết quả của Đại hội Nhân dân để lấy ý kiến người ủng hộ gần đây không ủng hộ đảng này cấp quốc tịch cho người Việt.
Các nhà phân tích chính trị có uy tín nhận định lời tuyên bố của lãnh đạo đối lập Sam Rainsy vẫn chứa hàm ý phân biệt sắc tộc thay vì tuyên bố sẽ cấp quốc tịch Campuchia cho tất cả người nước ngoài có hội đủ điều kiện để xin nhập tịch sau khi đảng đối lập nắm quyền, chứ không phải đáp ứng riêng cho người Việt.