Nobel kinh tế Robert Shiller: Chưa có ai lừa đảo như Trump
Thụy My – 30-09-2016
Donald Trump trong cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên với ứng viên Dân Chủ ngày 26/09/2016. Ảnh chụp trong phòng dành riêng cho báo chí. REUTERS/Carlos Barria
Giải Nobel kinh tế Robert Shiller, giáo sư trường đại học Yale, là đồng tác giả cuốn «Các thị trường lừa đảo» với một giải Nobel kinh tế khác là George Akerlof, nói về nền kinh tế của lừa dối và lũng đoạn. Trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Pháp Les Echos ngày 26/09/2016, giáo sư Shiller đã nhận định «Chưa hề có kẻ lừa đảo nào như Trump».
Cuộc bầu cử Mỹ dường như lại làm nổi bật thêm cuốn sách mới nhất của ông?
George Akerlof và tôi đã đọc một tác phẩm tương tự cách đây 50 năm «The Hidden Persuaders» (Người thuyết phục giấu mặt). Các tác giả phát hiện rằng những người hút thuốc không gắn bó với gu của thuốc lá – mà họ ít phân biệt rõ, bằng nhãn hiệu và hình ảnh nó tạo ra, nhưng Marlboro gắn với chàng cao bồi. Người ta cũng tự nhận dạng qua ông Trump. Ông được ngưỡng mộ như một tỉ phú tự lập, dù thật ra ông có được số vốn từ người cha.
Những khiêu khích, những lời nói dối của Donald Trump có vẻ không làm cử tri phiền hà?
Những người ủng hộ ông ấy cho rằng đây là một nguy cơ cao, nhưng họ nghĩ là không có chọn lựa nào khác vì đất nước đang đi xuống, theo họ. Hơn nữa, còn có bối cảnh chống đối lại bà Clinton. Donald Trump là một người thực sự có bản năng điều khiển sân khấu (showman). Với chương trình truyền hình «The Apprentice» (Người tập sự), ông đã tạo ra hình ảnh một nhà kinh doanh thiên tài, có thể là một quân sư biết quan tâm nhưng cứng rắn.
Liệu nước Mỹ có thể bầu lên một tổng thống Trump?
Trong suốt lịch sử Hoa Kỳ, tôi không nghĩ rằng có một nhân vật lừa đảo nào như thế. Nhưng Trump gây ra nhiều phấn khích, và khả năng ông đắc cử không phải là không đáng kể. Thật đáng ngạc nhiên là ông có thể nổi lên trong hàng ngũ những người Cộng Hòa. Dù vậy Trump cũng không thiếu can đảm, khi trong một cuộc tranh luận sơ bộ, nói rằng sẽ không ủng hộ một ứng viên Cộng Hòa nào khác, nếu ông thua cuộc. Đúng là chẳng sợ ai.
Bất bình đẳng là một chủ đề lớn trong kỳ bầu cử sơ bộ, nhưng nay tỏ ra ít quan trọng hơn…
Bất bình đẳng là vấn đề của thời đại chúng ta, nhưng không phải là của các chính khách. Donald Trump đã khai thác chủ đề này với vấn đề người nhập cư bất hợp pháp Mêhicô, còn Hillary Clinton muốn tăng thuế đối với người giàu hay cho những phụ nữ góa được lãnh hưu bổng của người chồng quá cố. Về phía ông Obama thì đề nghị một loại bảo hiểm cho những người đã mất đi một phần thu nhập từ khi xảy ra khủng hoảng, nhưng ông không đạt được mục đích.
Thương lượng về các hiệp định tự do mậu dịch quy mô đang bị ngưng lại, đây có phải là vấn đề?
Có những chỉ trích về các hiệp định tự do mậu dịch. Người ta tưởng tượng rằng chúng được tiến hành trong bí mật, với những món quà cho các doanh nghiệp, ngăn trở các Nhà nước điều tiết. Nhưng các hiệp định này rất quan trọng, không chỉ về hàng rào hải quan, mà vì nó giúp bình thường hóa các thương vụ.
Trong một thế giới lý tưởng, thương mại phải đóng góp vào việc làm thu nhập trên thế giới bình đẳng hơn, nhất là bây giờ tất cả đều có thể thực hiện qua internet. Người ta không cần phải ra khỏi nước, nhưng như vậy phải có một cái khung ổn định. Thế nên các hiệp định này rất hữu ích.
Trump đòi nâng thuế hải quan đối với Mêhicô và TC…
Ý tưởng bảo vệ công ăn việc làm bằng cách ngáng chân các nước đang phát triển là sai lầm, sẽ tạo nên các cuộc chiến tranh thương mại, sự thù địch. Tôi không cho rằng Trump đã suy nghĩ nhiều về nhu cầu cân đối các thị trường.