Tin Biển Đông – 30/09/2016
Quân đội Mỹ ‘vẫn sẽ mạnh nhất thế giới’
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hôm 29/9 tuyên bố Mỹ sẽ “chuốt sắc kiếm” để duy trì ưu thế quân sự tại châu Á.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc có tuyên bố khi thăm tàu sân bay USS Carl Vinson ở San Diego.
Ông mô tả cái ông gọi là giai đoạn tiếp theo của sự xoay trục về châu Á – tái cân bằng cam kết quân sự của Mỹ sau nhiều năm tập trung ở Trung Đông.
Diễn văn của ông hôm 29/9 được xem là nhằm trấn an các đồng minh trong khu vực về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ba ngày trước đó, ông có bình luận tại môt căn cứ tên lửa hạt nhân ở Bắc Dakota về việc tái xây dựng lực lượng hạt nhân.
Bình luận này đã bị bộ ngoại giao Nga phản ứng, nói Nga xem tuyên bố này là ý định giảm tiêu chuẩn để sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hôm 29/9, ông Ash Carter nói Lầu Năm Góc sẽ phát triển tàu ngầm tấn công và đầu tư thêm để làm máy tự hành dưới biển để vươn tới các vùng nước mà tàu ngầm không đến được.
‘Nguyên tắc’
“Hoa Kỳ sẽ chuốt sắc kiếm để chúng tôi tiếp tục là quân đội hùng mạnh nhất trong khu vực và là đối tác an ninh được lựa chọn.”
Ông nói Trung Quốc “đôi khi hành xử hung hăng”.
“Bắc Kinh đôi khi có vẻ muốn tự chọn những nguyên tắc mà họ có lợi.”
“Ví dụ quyền toàn cầu được tự do đi lại, cho phép tàu và máy bay Trung Quốc đi an toàn, hòa bình lại cũng là quyền mà Bắc Kinh phê phán khi các nước thực thi quyền đó trong khu vực.”
Ông Carter nói: “Nhưng nguyên tắc không phải là thế. Chúng áp dụng cho mọi người, mọi quốc gia, công bằng.”
Diễn văn của ông Carter nhằm mở màn cho cuộc gặp hôm 30/9 tại Hawaii với các lãnh đạo quốc phòng của Asean.
Hôm 29/9, ông Carter cũng tuyên bố liên minh quân sự giữa Mỹ và Philippines là “không thể lay chuyển được”.
Đây là tuyên bố mới nhất của Mỹ bất chấp việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trước đó nói sẽ chấm dứt hoạt động tập trận quân sự chung giữa hai nước.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/09/160930_ash_carter_military_edge
Biển Đông, Bắc Hàn, Nhà Nước Hồi giáo
trong nghị trình ASEAN
Nghị trình làm việc dày đặc đang chờ đón các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN khi họ gặp gỡ tại Hawaii, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tuyên bố quyền kiểm soát trên hầu hết Biển Đông, bất chấp phán quyết của một toà án quốc tế, khẳng định rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là bất hợp pháp.
Báo chí Việt Nam cho hay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, là người dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự cuộc gặp này.
Các vùng lãnh hải quốc tế của Biển Đông là nơi qua lại của các thương thuyền với số lượng hàng hoá trị giá trên dưới 5 nghìn tỉ đôla mỗi năm, và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì an ninh trong các vùng biển này của khu vực, bất chấp Trung Quốc có tuân thủ phán quyết của toà án quốc tế hay không. Ông phát biểu:
“Như chúng tôi đã chứng minh, chúng tôi sẽ tiếp tục bay ngang qua, điều tàu bè vào khu vực và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó.”
Ngoài vấn đề Biển Đông, một mối đe doạ khác cũng sẽ được mang ra thảo luận trong cuộc họp quy tụ các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-ASEAN. Đó là những cố gắng liên tục của Bắc Hàn để phóng các phi đạn đạn đạo liên lục địa.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington nhận định:
“Một số phi đạn đạn đạo liên lục địa ấy không những chỉ bay ngang qua Nhật Bản, mà tại nhiều thời điểm, cả Philippines cũng đã được đặt trong tình trạng báo động. Đây được coi là một mối đe doạ có thể gây bất ổn trên toàn khu vực với những hậu quả tai hại, không chỉ cho những nước kề cận bán đảo Triều Tiên.”
Thêm vào mối đe doạ dai dẳng liên quan tới Bắc Hàn và Biển Đông, một mối đe doạ nguy hiểm khác vừa xuất hiện trong khu vực. Mối nguy này phát xuất từ bên kia nửa vòng trái đất. Ông Poling nói tiếp:
“Các mối đe doạ an ninh không truyền thống, và chủ nghĩa khủng bố đang ngày càng đáng quan tâm hơn, đặc biệt ở Đông Nam Á.”
Các giới chức quốc phòng cấp cao cảnh báo rằng vài trăm công dân các nước Đông Nam Á đã bị cực đoan hoá nay đã trở về từ Iraq và Syria, và trong thời gian sắp tới sẽ có thêm hàng trăm phần tử cực đoan như vậy trở về khu vực.
http://www.voatiengviet.com/a/3531592.html
Lập trường Biển Đông của tổng thống Philippines :
Trắc nghiệm Hà Nội
Tổng thống Philippines có chuyến công du Việt Nam trong hai ngày, hôm qua 28 và hôm nay 29/09/2016. Theo nhiều nhà quan sát, chuyến đi này là một trắc nghiệm đối với chính sách Biển Đông của tổng thống Rodrigo Duterte. Tổng thống Philippines đã thảo luận với phía Việt Nam về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, về vụ Manila kiện các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Việt Nam là chuyến công du nước ngoài thứ tư của tổng thống Philippines kể từ khi nhậm chức. Việt Nam – một trong các bên có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông – được coi là đồng minh tiềm tàng với Manila trong thế đối đầu với Trung Quốc. Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Duterte ngày hôm qua trước chuyến công du rất quan trọng này, « chúng tôi sẽ tìm cách xác định các không gian mới nổi lên cho các hợp tác, đặc biệt trong vấn đề an toàn hàng hải và thực thi luật pháp (quốc tế) ». Tổng thống Philippines tin tưởng rằng « sự hội tụ của các lợi ích chiến lược » là điều rất quan trọng đối với « các quốc gia biển với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng ».
Theo báo chí Philippines, bộ Ngoại Giao Philippines cho biết ông Duterte sẵn sàng thảo luận về các tranh chấp chủ quyền với Việt Nam trong chuyến công du này. Trong khi đó, người phát ngôn bộ Ngoại Giao khẳng định bất cứ trao đổi nào cũng sẽ phải tập trung vào vấn đề duy trì hòa bình và ổn định của khu vực (tờ Manila Times).
Theo Bloomberg, trước phán quyết lịch sử của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07/2016, bác bỏ phần lớn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, hai quốc gia ASEAN Việt Nam và Philippines đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy lập « một mặt trận chung để đối đầu với Trung Quốc », trong khi Bắc Kinh chỉ chấp nhận đàm phán song phương.
Đọc thêm : Biển Đông : Mỹ ủng hộ đối thoại Trung Quốc – Philippines
Tuy nhiên, điều gây bất ngờ đối với nhiều người là, sau thắng lợi tại La Haye, trong bối cảnh Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết và đe dọa sử dụng vũ lực, tổng thống Duterte đã tỏ ra rất mềm mỏng với Trung Quốc và thường đưa ra các quan điểm có vẻ đi ngược lại với phán quyết. Ông Duterte khẳng định sẵn sàng thương lượng trực tiếp với Bắc Kinh, khác hẳn với tổng thống tiền nhiệm Aquino III, và ưu tiên đẩy mạnh các quan hệ thương mại với Trung Quốc, vốn là đối tác kinh tế số một của Manila. Tổng thống Philippines có nhiều tuyên bố được coi là phá vỡ cục diện vốn có tại Biển Đông, với kêu gọi hợp tác mạnh mẽ hơn với Trung Quốc trong khi liên tục tấn công Hoa Kỳ, vốn là đồng minh trụ cột lâu đời của Manila.
Thảo luận với Việt Nam về phán quyết La Haye
Theo báo mạng Philippines Rappler.com, trong cuộc hội đàm với chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang hôm nay, 29/09, hai bên đã nhất trí tiếp tục tiến trình « pháp lý và ngoại giao » để giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông. Hai bên cũng nhất trí phải nhanh chóng thúc đẩy cho ra đời của Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC), có tính ràng buộc về pháp lý. Lập trường của Việt Nam và Philippines là « hội tụ » (convergent), chứ không « xung đột », theo ngoại trưởng Philippines.
Tổng thống Philippines đã thảo luận với phía Việt Nam về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, phán quyết mà ông gọi là « con át chủ bài » (ace card) trong cuộc chơi với Trung Quốc (*). Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nhấn mạnh tổng thống cam đoan là sẽ đề cập với Trung Quốc về phán quyết này « vào một thời điểm nhất định ».
Năm 2017, Philippines sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên ASEAN và nước chủ nhà Thượng đỉnh ASEAN. Tiếng nói của Manila trong việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông sẽ rất có ý nghĩa đối với khu vực.
Philippines nhiều lần nhấn mạnh, cần phải coi phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực làm nền tảng cho các thương lượng song phương với Bắc Kinh.
(*) « Con át chủ bài » cũng là từ mà tổng thống Philippines từng sử dụng để nói về phán quyết này trong phiên họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ngày 27/07/2016. Trong buổi họp đó, tổng thống Rodrigo Duterte đã bày tỏ lòng biết ơn đối với người tiền nhiệm Benigno Aquino III về thắng lợi lịch sử ngày 12/07 trong vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông ra Tòa Trọng Tài Thường Trực.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160929-lap-truong-bien-dong-cua-tong-thong-philippines-trac-nghiem-ha-noi