Điểm Báo Pháp – 29/09/2016
Chiến tranh Syria: Phương Tây bất lực
Tranh cãi chung quanh dự luật tài chính Pháp 2017, cái chết của cựu tổng thống Israel, Shimon Peres người của “Chiến tranh và Hòa bình: Sự nghiệp đầy mâu thuẫn” của ông; đó là hai đề tài lớn phủ kín các trang báo Paris trong ngày.
Nhưng trước hết xin được tập trung vào bài báo trên tờ Le Monde nói về sự bất lực của phương Tây, trước các trận mưa bom đang dội xuống Aleppo, Syria.
Về mặt ngoại giao, Anh, Pháp, và Mỹ mạnh mẽ lên án Nga tiếp tay với chế độ Damas, dội bom xuống thành phố Aleppo. Đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc nói tới “những hành vi man rợ” ; đại diện của Pháp tại New York tố cáo những “tội ác chiến tranh”. Nhưng theo phân tích của Marc Semo, báo Le Monde, những lời lẽ “đao to búa lớn đó, chỉ thể hiện sự bất lực của phương Tây”.
Kế hoạch hòa bình cho Syria bị khai tử
Từ một năm qua, tức là từ khi can thiệp vào Syria, rõ ràng là Nga đã “làm thay đổi tình thế trên hiện trường. Matxcơva cứu chế độ Damas trong lúc phương Tây không làm gì giúp cho phe nổi dậy Syria”.
Một nhà ngoại giao Pháp phải nhìn nhận : “Chưa bao giờ Nga lại bám rễ chặt chẽ vào Trung Đông như hiện tại, kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 và có lẽ là kể từ năm 1973 khi Ai Cập nghiêng hẳn về phía Mỹ sau thắng lợi của Israel trong chiến tranh Kippour”.
Nga làm chủ tình hình trên hồ sơ Syria, những nước cờ ngoại giao của Matxcơva hoàn toàn dựa vào những mục tiêu quân sự mà điện Kremlin đã đề ra.
Kế hoạch vãn hồi hòa bình cho Syria được Nga và Mỹ đề xuất hồi tháng 11/2015 đã bị khai tử. Như người trong cuộc được Le Monde trích dẫn cho là cả ngoại trưởng “Kerry lẫn tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama không còn thời gian và uy tín để đề xuất bất kỳ một sáng kiến nào cho Syria”.
Tác giả bài báo kết luận : Không chỉ có Mỹ mà cả phương Tây đều không còn một lá bài nào để làm thay đổi tương quan lực lượng trên hiện trường. Âu Mỹ chỉ còn biết hy vọng là đem những lập luận đạo đức ra để làm áp lực với Nga, hay là Matxcơva vì muốn tránh sa lầy ở Syria sẽ tỏ ra chừng mực hơn.
Thường dân đối mặt với tử thần
Trong khi chờ đợi, người dân Syria nói chung, ở Aleppo nói riêng đang phải đối mặt với tử thần từng giờ, từng phút, như bài báo của đặc phái viên tờ Le Monde trong khu vực cho thấy : quân đội chính phủ cùng với sự hỗ trợ của không quân Nga trút những trận mưa bom khốc liệt, bao vây thành phố và bỏ đói dân cư trong vùng, để buộc phe nổi dậy buông súng.
Đó là cuộc chiến đang diễn ra trên quê hương ông Bachar Al Assad. Chiến lược đó đã mang lại kết quả mong muốn tại Daraya, ngoại ô Damas và Al Waer, ngoại thành Homs.
Shimon Peres: Chiến tranh và Hòa bình
Phần trang quốc tế của toàn bộ các tờ báo Paris trong ngày đều điểm lại sự nghiệp chính trị dài kỷ lục nhưng đầy sóng gió của cố tổng thống Israel, Shimon Peres, vừa từ trần ngày hôm qua, thọ 93 tuổi.
“Chiến tranh và Hòa bình”, Libération mượn lại tựa đề cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của văn hào Nga, Léon Tolstoï để nói về vị cha đẻ cuối cùng của nhà nước Israel vừa ra đi. Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1994 cũng là người đã tăng cường khả năng phòng thủ của Tel Aviv, trang bị vũ khí hạt nhân cho Israel. Dù vậy theo như nhận định của tờ báo trong bài xã luận, hình ảnh của ông đọng lại với một phần lớn công luận trên thế giới là khi ông bắt tay lãnh đạo Cơ quan quyền lực Palestine, ông Yasser Arafat tại Nhà Trắng năm 1993, trước mặt tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Bill Cinton và thủ tướng Yitzhak Rabin, sau khi Israel và Palestin đồng ý về nền tảng hòa ước Oslo, một tia hy vọng cho Cận Đông.
Có điều như Le Figaro ghi nhận, vào lúc mà các lãnh đạo phương Tây thông báo đến dự tang lễ cố tổng thống Israel, thì các nước Ả Rập không mấy vội vã gửi điện chia buồn đến Tel Aviv. Ngoài quá khứ “diều hâu”, ông Shimon Peres còn bị chỉ trích là đã thiếu nghị lực để hòa ước Oslo chết yểu, giấc mơ thành lập một Nhà nước Palestine đã không thành, máu vẫn đổ ở Cận Đông.
Với nhật báo công giáo La Croix, hình ảnh của Shimon Peres còn đọng lại có lẽ là ngày 08/06/2014 tại tòa thánh Vatican, khi đức giáo hoàng mời tổng thống Israel và chủ tịch Cơ quan quyền lực Palestine Madmoud Abbas cùng cầu nguyện cho hòa bình: “Nét mệt mỏi thể hiện rõ trên gương mặt của hai nhà lãnh đạo này trước một cuộc xung đột không có hồi kết”. Hơn một tháng sau đó tổng thống Shimon Peres từ chức.
Dự luật tài chính Pháp, những hứa hẹn viển vông
Về thời sự Pháp, báo chí Paris hết lời chỉ trích dự luật tài chính 2017 được bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính Michel Sapin trình làng ngày 28/09/2016. Libération thiên tả cũng phải nhìn nhận là Paris đã cam kết với Bruxelles giảm bội chi ngân sách, và lời hứa đó sẽ được thực hiện, “ít ra là trên giấy tờ”.
La Croix thực dụng khi trình bày với độc giả : Chính sách thuế khóa của Pháp và năm tới, doanh nghiệp và tư nhân được gì ? mất gì?
Tờ Le Monde không ngây thơ nhận thấy rằng : dự luật tài chính cuối cùng trong một nhiệm kỳ tổng thống luôn “không thực tế và gian dối”. Không thực tế vì ai cũng biết là vào năm tới, sau bầu cử tổng thống và Quốc hội, dự luật được trình làng hôm qua sẽ đi vào “sọt rác”. Gian dối, vì ai cũng biết là Pháp không thể giữ bội chi ngân sách dưới ngưỡng 3 % GDP, vậy mà chính phủ liều lĩnh đưa ra con số 2,7 % và Paris đã căn cứ trên những chỉ tiêu tăng trưởng viển vông.
Tờ Le Figaro thiên hữu đã không bỏ lỡ cơ hội để tấn công chính phủ cách tả khi cho rằng, chỉ cần nhìn vào dự luật tài chính 2017 cũng đủ thấy êkip lãnh đạo là những “chuyên viên kế toán tay mơ”, và “ngoài ông bộ trưởng Sapin ra thì không ai có thể tin được vào sự thành thực của dự luật đó”.
Báo kinh tế Les Echos thì cho rằng, một lần nữa chính phủ lại cố gắng dung hòa để mọi người hài lòng : Paris cố gắng đạt chỉ tiêu của Bruxelles kìm hãm bội chi ngân sách, nhưng đồng thời nội các của thủ tướng Manuel Valls trong mùa tranh cử, lại không thể mạnh tay thu thuế. Tóm lại theo tờ báo, cặp bài trùng Hollande – Valls muốn tạo đà cho kinh tế nhưng lực bất tòng tâm.
Thùng thuốc súng Deutsche Bank
Thay vì dành quá nhiều trang báo để bình luận về dự luật tài chính Pháp, Les Echos quan tâm hơn đến tương lai của ngân hàng Đức Deutsche Bank.
Bị thua lỗ đến gần 7 tỷ euro, và nếu “Deutsche Bank đổ dàn, ngành tài chính ngân hàng thế giới đổ theo” khi mà nhiều ngân hàng của Anh, Pháp đang nắm giữ một phần vốn của Deutsche Bank. Sàn chứng khoán Frankfurt trải qua một tuần lễ đen tối, cổ phiếu của Deutsche Bank tuột dốc không phanh.
Đối với thủ tướng Đức, Angela Merkel, một năm trước bầu cử Quốc Hội, kịch bản Deutsche Bank vỡ nợ là một cơn ác mộng khi biết rằng trị giá cổ phiếu của tập đoàn ngân hàng khổng lồ này tương đương với một nửa GDP của cả nước!
Le Monde nhắc lại : ngân hàng lớn nhất của Đức giờ đây là một “cái xác không hồn”. Tháng 6 vừa qua, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã coi Deutsche Bank là “mối rủi ro lớn” đe dọa ngành tài chính ngân hàng quốc tế. Các hoạt động của ngân hàng này giảm đi từ 12 đến 30 % trong năm 2015.
Khi người giàu nhất TC báo động về nguy cơ khủng hoảng địa ốc
Cũng trong địa hạt kinh tế, người giàu nhất TC, ông vua địa ốc Vương Kiện Lâm báo động về khủng hoảng bất động sản.
Le Figaro có một khung báo nhỏ cho sự kiện này sau bài phỏng vấn họ Vương đã dành cho đài truyền hình Mỹ CNN. Tờ báo nhắc lại: Kinh tế TC cùng lúc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề từ tình trạng đình đốn trong ngành địa ốc và sản xuất đến vấn đề nợ gia tăng một cách chóng mặt.
Vua bất động sản TC đang làm chủ hơn 200 trung tâm thương mại và hệ thống khách sạn không khỏi bi quan cho rằng ông chưa trông thấy giải pháp nào cho TC. Có điều, ông kêu gọi mọi người nên «kiên nhẫn đợi chờ tình hình sáng sủa hơn. Sự hoảng hốt có nguy cơ khiến vấn đề thêm nghiêm trọng»
Nhưng theo Le Figaro, đó là những tuyên bố bề ngoài. Ở «bên trong», vua bất động sản TC này đã kín đáo «đa dạng hóa các nguồn đầu tư». Cụ thể là tập đoàn Vạn Đạt của ông đã chuyển bớt vốn từ mảng địa ốc sang các hoạt động giải trí và thể thao. Vạn Đạt đang đàm phán để mua lại nhiều cơ sở trên vương quốc điện ảnh Hollywood sau khi đã làm chủ hệ thống sản xuất AMC và đã mua lại tập đoàn sản xuất Legendary với giá 3,5 tỷ đô la hồi tháng 1/2016.
Độc giả Mỹ và «Kẻ Xa Lạ» của Albert Camus
Xin được kết thúc mục điểm báo hôm nay với bài viết trên tờ Le Figaro giới thiệu về cuốn sách của giáo sư người Mỹ, Alice Kaplan: Hành trình đi tìm Kẻ Xa Lạ của Camus, nhà xuất bản Gallimard.
Là giáo sư đại học Yale- Hoa Kỳ, Alice Kaplan đã bị cuốn tiểu thuyết L’Etranger của Albert Camus thu hút năm bà mới 16 tuổi. Cuộc hội ngộ đó đưa chân bà đến gần hơn với văn học Pháp, để rồi bà bỏ công «Đi tìm Kẻ xa lạ». Bốn năm qua, Alice Kaplan đã thực sự mở một cuộc điều tra, để tìm đến với thế giới, với những năm tháng mà Camus đã sống và sáng tác L’Etranger .
Bà tìm về quãng đời của tác giả trong thời gian những năm 1930 khi Albert Camus mới ngoài 20 tuổi và ông bắt đầu dấn thên trên con đường nghệ thuật, cho đến tận năm 1946, tức bốn năm sau khi tác phẩm nổi tiếng nhất của ông chinh phục độc giả 5 châu.
Với người Mỹ, Albert Camus là «ngôi sao sáng của dòng văn học hiện sinh».
Dưới ngòi bút của giáo sư Kaplan, độc giả làm quen với một Camus còn nghèo khó, bị bệnh lao, hao hao giống nam tài tử điện ảnh Mỹ Hymphrey Bogart. Lại cũng Alice Kaplan cung cấp cho độc giả những đánh giá của André Malraux – tác giả của La Condition Humaine (Thân phận Con người) hay Jean Paul Sartre về Albert Camus sau khi đọc xong Kẻ Xa Lạ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160929-chien-tranh-syria-phuong-tay-bat-luc
Tin đọc nhanh
(The Wall Street Journal) – Việt Nam tăng trưởng cao trong quý ba. Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, hôm nay, 29/09/2016, cho biết, tăng trưởng của Việt Nam trong quý ba 2016, đạt mức 6,4%, tính theo tỉ lệ cả năm, cao hơn mức của quý hai là 5,78%. Như vậy, trong chín tháng đầu năm nay, Việt Nam có mức tăng trưởng là 5,93%, thấp hơn mức 6,53% của cùng thời kỳ này năm ngoái. Theo The Wall Street Journal, giới chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam khó đạt được mục tiêu đã đề ra là 6,7% trong năm 2016. Năm ngoái, tăng trưởng của Việt Nam là 6,68%.
(Phnom Penh Post) – Cam Bốt đề nghị mở thêm đàm phán với Việt Nam về đường biên giới trên bộ. Trong một thư gửi cho phía Việt Nam cách nay hai tuần, Ủy ban biên giới Cam Bốt đề nghị mở thêm một cuộc đàm phán nhằm giải quyết một cách trực tiếp, hòa bình và không thông qua tòa án quốc tế các tranh chấp ở đường biên giới trên bộ giữa hai nước, đặc biệt là tại tỉnh Ratanakkiri. Nơi đây, phía Việt Nam đang xây dựng một trạm kiểm soát của khẩu và Phnom Penh cho rằng trạm này nằm trên lãnh thổ Cam Bốt. Đề nghị của Cam Bốt được đưa ra sau thất bại của cuộc đàm phán hồi tháng Tám vừa qua.
(AP) – Hoa Kỳ tìm cách hạn chế TC nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên. Washington đang tiến hành các cuộc đàm phán tại Hội Đồng Bảo An nhằm thay đổi một điều khoản trong lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng, cụ thể là hạn chế TC nhập khẩu than và sắt từ Bắc Triều Tiên. Cho đến lúc này, Bình Nhưỡng vẫn được phép xuất khẩu than và sắt để tránh cho người dân Bắc Triều Tiên hứng chịu hậu quả các lệnh trừng phạt. Quốc tế nghi ngờ TC đã lạm dụng khe hở này để nhập khẩu than và sắt từ Bắc Triều Tiên.
(AFP) – Doanh nhân giàu nhất TC báo động về nguy cơ bong bóng bất động sản. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Mỹ CNN, Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), doanh nhân làm giàu từ bất động sản, người được coi là giàu nhất TC, đã cảnh báo về sự xuất hiện «bong bóng bất động sản lớn nhất trong lịch sử» tại Trung Hoa, bởi vì giá nhà tiếp tục tăng mạnh tại các thành phố lớn, nhưng lại sụt giảm tại các thành phố nhỏ, trong lúc khối lượng các căn hộ không bán được rất lớn.
(Koreatimes)-Không quân Mỹ, Anh và Hàn Quốc tập trận chung vào đầu tháng 11/2016.Theo thông báo của không quân Mỹ, ngày hôm nay, 29/09/2016, từ ngày 4 đến 10 tháng 11/2016, lực lượng không quân ba nước, Anh, Mỹ, Hàn Quốc, sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung, mang tên « Invincible Shield », với điểm xuất phát là căn cứ không quân Osan, ở Pyeongtaek, tỉnh Geyonggi, Hàn Quốc. Không quân Mỹ và Hàn Quốc thường xuyên luyện tập với nhau, nhưng đây là lần đầu tiên, lực lượng không quân Anh tham gia cuộc tập trận chung.
(AFP) – Một lính Bắc Triều Tiên vượt biên giới sang Hàn Quốc. Người lính này đã đào thoát được sang Hàn Quốc bằng cách đi bộ vượt qua vùng phi quân sự (DMZ) đầy mìn bẫy. Quân nhân này đã bị bắt và đang được phía Hàn Quốc thẩm vấn. Đây là trường hợp hết sức hiếm hoi, vì giới tuyến dài 248 km này được hàng chục ngàn quân nhân hai bên canh gác. Vùng phi quân sự được bao bọc bằng những hàng rào kẽm gai và điện tử, với vùng đệm rộng bốn cây số.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160929-tin-doc-nhanh